"Ai cũng có kỷ niệm. Ai cũng có lúc sống với kỷ niệm. Tuổi học trò có kỷ niệm của sân trường. Tình yêu vợ chồng có kỷ niệm của hôn nhân.( Tu sĩ sống đời Thánh Hiến cũng có kỷ niệm Ngày Thụ Phong, Tuyên Khấn ), kỷ niệm ở khắp nơi. Đã như thế, nơi nào có con người là có kỷ niệm. Kỷ niệm không bao giờ nhắc đến con ngươi, nhưng con người lại hay nhắc đến kỷ niệm. Chính con người tạo nên kỷ niệm, chứ kỷ niệm không bao giờ hiện hữu độc lập. Kỷ niệm là lối đi về, là sự nhắc nhở giữa hai người ."_ Tác Giả Nguyễn Tầm Thường đã nói về kỷ niệm như vậy._ Và quả thật, rất đúng với tôi, mỗi khi nhớ về hình ảnh một Nhà Thơ nổi tiếng trước 1975, mà những người yêu thơ đều biết đến danh Ông : Bùi Giáng _ Là một Thi Nhân với trái tim nhân ái, mở rộng với mọi đối tượng, không chỉ con người, nhưng với mọi thụ tạo của Thượng Đế. Trong bài thơ " Phụng Hiến ", Ông đã có những vần thơ :
" Xin yêu mãi và yêu nhau mãi /
Trần gian ôi ! cánh bướm, cánh chuồn chuồn /
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn /
Hết tâm hồn và hết cả da xương "
_ Cuộc đời đã ưu đãi tôi, để tôi được may mắn, có duyên gặp gỡ chuyện trò với Ông, vì Ông thường xuyên ghé thăm căn nhà của tôi ở số 89 Lê Văn Sỹ, Phú Nhuận, Sài Gòn._ Sau khi tôi nghỉ dạy học ở trường Phổ Thông Cơ Sở Nhị Quí , Cai Lậy, Tiền Giang, tôi trở về nhà, làm công việc nội trợ, chăm sóc Bố Mẹ, đồng thời phụ với Mẹ trông coi gian hàng bán đồ chơi trẻ em _ Hôm ấy, tôi đang nấu cơm trong nhà bếp, bất chợt nhìn ra ngoài sân, thấy Bùi Giáng đang đứng bên kệ đồ chơi, chăm chú nhìn từng món hàng: máy bay, xe tăng, xe hơi, búp bê...với nét mặt và nụ cười thật vui. Tôi vội vàng đi ra, cúi đầu : con chào Thầy._ Nghe lời chào của tôi, Ông nghĩ: tôi là học trò cũ của Ông ở Đại Học Vạn Hạnh. Thế nên, lặng lẽ tự động vào nhà, ngồi bệt ngay xuống sàn gạch bông, dựa lưng, dựa đầu vào tường, mắt lim dim, ngước nhìn lên trần nhà. Tôi lấy chiếc ghế đẩu mời Ông ngồi, nhưng Ông không nhúc nhích ! tôi bèn ngồi xuống sàn nhà, đối diện Ông và hỏi : " Thầy có khát nước không, con lấy ly nước cho Thầy " _ Ông im lặng một lúc, mắt vẫn lim dim nhìn trần nhà, rồi chậm rãi nói :" mua cho tau chai đế " _ Tôi nhẹ nhàng từ chối, vì nghĩ thầm : đã điên mà còn uống rượu ! lại đang ở trong nhà tôi, làm sao tôi dám chiều theo ý Ông được. Nên trả lời : không, con không mua rựơu cho Thầy đâu _ Ông bèn lấy trong túi áo ra mấy tờ tiền giấy, vất xuống sàn và phán tiếp: " mua cho tau chai đế ". Tôi nhất định từ chối:" con không mua đế cho Thầy được, nếu Thầy muốn, con mua tô phở cho Thầy " . Ông không thèm nhìn tôi, nhưng cứ nhìn lên trần, trả lời :" Tau không ăn phở , đế là Nàng Tiên của tau "_Tôi bật cười nắc nẻ, nói: " nếu vậy thì thôi, Thầy cất tiền vào túi đi, kẻo mấy đứa trẻ con đến mua hàng, chúng thấy tiền rớt trên sàn, chúng lấy mất của Thầy đó._Ông hình như không để tâm đến những lời tôi nói, hai mắt nhắm lại, đấu vẫn ngước lên trần nhà. Tôi tôn trọng sự thinh lặng của Ông, nên để Ông ngồi một mình, tôi vào nhà bếp, tiếp tục công việc nội trợ._ Đó là lần đầu tiên, Ông vào nhà tôi, và rồi từ hôm ấy, căn nhà của tôi trở thành nơi dừng chân của Ông trên đoạn đường từ Đại Học Vạn Hạnh đến Cổng Xe Lửa Số 6 . Cư dân hai bên khu phố, chẳng ai xa lạ với hình ảnh: một Ông điên với đám trẻ đi theo quanh Bùi Giáng. Ông cứ lững thững đi, quần áo đủ loại khoác trên mình, trên cổ, trên tay đeo lủng lẳng nào là chuông, còi, bao bị, có hôm đeo cả cái bảng chặn đường " stop " ! còn đám trẻ đi theo Ông, vừa đi vừa vỗ tay reo hò :" Bùi Giáng, Bùi Giáng...
"_Sau hôm đầu tiên ấy, hôm sau , Ông lại đến, tôi để Ông ngồi dựa lưng nghỉ ngơi, tôi nấu xong bữa ăn, mới rãnh rỗi chuyện trò với Ông. Hai Thầy trò ngồi im lặng bên nhau một lúc, Ông bèn cất tiếng hỏi: " Mi có mấy chị em ?" _ Da, thưa Thầy hai chị em _ " chị em bây tên chi ?" _ Dạ, Mai và Lan _ Tôi rút kinh nghiệm: khi Nga còn ở nhà, chẳng biết Nga gặp Ông ở đường phố ? ở nhà ? hay sân trường Đại Học Sư Phạm ? ( sau 1975, đại học Vạn Hạnh trở thành đại học Sư Pham ), Ông cũng hỏi tên, Nga thật thà, nói tên " cúng cơm ", nên có lần Ông đi tới sân nhà, thấy cửa đóng then cài, Ông bèn đứng dưới sân, réo gọi thật to:" Nga ơi, mở cửa cho tau ", và cứ liên tục cái điệp khúc như thế_ Bố tôi bèn trách Nga:" tại sao lại nói tên thật cho một Ông điên như thế, để bây giờ đêm khuya, Ông kêu tên ầm ỹ khắp xóm !" _ Nên tôi không dám nói tên thật với Ông. Và khi cho tên Mai, Lan xong. Ông bảo tôi:" cho tau tờ giấy, cây viết " . Tôi vội vàng chạy lên lầu lấy giấy viết cho Ông. Thế là Ông hý hoáy viết. Tôi ngồi dòm Ông . Đúng là thiên tài thi ca, những vần thơ luôn có sẵn trong đầu, nên ứng khẩu thành thơ, đặt bút là viết, không một giây dừng lại suy nghĩ. _ Viết xong, Ông quăng tờ giấy trước mặt, chẳng nói năng gì. Tôi bèn nhặt lên đọc. Hóa ra, Ông làm một bài thơ thất ngôn bát cú về hai chữ " Mai / Lan " thật hay, tặng chị em tôi, ký tên : Bùi Giáng._Tôi sung sướng : " cám ơn Thấy ", rồi cầm bài thơ kỷ niệm đem lên lầu, cất vào trong một cuốn sách. Nhưng sau này, khi tôi chuẩn bị xuất cảnh, tủ sách gia đình, tôi đã phân phát cho người thân quen và tôi quên luôn bài thơ " Mai / Lan " của Ông. Mỗi lần nghĩ lại , tôi tiếc ơi là tiếc " kỷ vật dấu yêu" của Bùi Giáng
Phượng Hoàng Sài Gòn
Chị Phượng Hoàng có duyên với nhà thơ Bùi Giáng, em chúc mừng chị... vì đã gặp được một nhà thơ vĩ đại, vĩ đại bởi:
ReplyDeleteTôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn /
Hết tâm hồn và hết cả da xương "