Friday, March 30, 2012

Phượng Hoàng: Ngày Đi (Bút ký).

Ngày Đi

Tôi là kẻ thích phiêu du . Trong gia đình , tôi cũng là người con sống xa nhà nhiều nhất trong tuổi hoa niên và trưởng thành vì việc học và việc làm . Tháng tư "đen" ập đến , tôi tuyệt vọng nghĩ rằng : cuộc đời tôi sẽ loanh quanh ở phố phường Trương Minh Giảng cho đến khi " Amen " ! nào ngờ , tôi có số xuất cảnh , ngày lên đường đi xứ người , mộng giang hồ của tôi phất phới bay cao , vì tôi nghĩ , cuộc sống ở hải ngoại sẽ có nhiều cơ hội thuận tiện cho tôi tung cánh bay đó đây . Nhưng rồi , cung thiên di không chiếu mệnh , đúng 20 năm , tôi quanh quẩn ở nhà chăm sóc Mẹ .
Và rồi Mẹ tôi đã theo tiếng gọi của Trời Cao đi về Cõi Thiên Thu , để đầu năm Nhâm Thìn , tôi khởi đầu cuộc phiêu lãng đi đến một miền đất nổi tiếng nhất thế giới : quê hương Thượng Đế ._ Thực sự thì trước khi tôi xuất hành đi Israel , tôi đã có cuộc viễn du đi về mảnh đất chữ S , và tôi đã gọi tên bài bút ký trong những tháng ngày ở quê hương là Ngày Về , bởi vì tôi trở về một nơi chốn thân quen mà tôi đã ra đi . Còn chuyến đi về miền Trung Đông trong tháng hai vừa qua , mới thực sự là Ngày Đi , bởi tôi đến một nơi xa lạ hoàn toàn , và cũng vì , đây là chuyến du lịch đầu tiên nơi "thiên đàng trần gian " , nên tôi háo hức với nhiều phấn khởi trong ngày lên đường . Nhất là chuyến xuất hành này lại thấm đẫm chiều kích tâm linh : Đi Hành Hương Đất Thánh .Và Cha linh hướng Nguyễn Tầm Thường đã email nhắc nhở các thành viên chuẩn bị tâm hồn qua bí tích hòa giải . Thế nên tôi hớn hở đến Israel không thuần túy là một khách du lịch , nhưng với tâm tình của một người con đi kiếm tìm quê cha đất tổ của Đấng Sinh Thành mà tôi gọi là ABBA ._Buổi chiều ngày 8/2 , tôi khăn gói về Mississauga , ngủ qua đêm ở nhà cô em út để sáng hôm sau cùng với Nga ra phi trường Pearson . Nơi đây , chị em tôi gặp thêm bốn người bạn đồng hành Tổ-rồng-to để cùng đáp chuyến bay lúc 1:30 PM đi qua phi trường Nữu Ước. Một điều thật thú vị cho tôi , là trong bất cứ chuyến bay nào , lúc đi cũng như lúc về , tôi đều được ngồi sát ô cửa kính , nên được ngắm toàn cảnh dưới đất thấp khi phi cơ cất cánh và hạ cánh . Đó là điều tôi thích nhất trong hành trình hàng không . Chuyến bay từ Toronto qua New York chỉ khoảng một tiếng rưỡi , vượt qua biển hồ Ontario và tiểu bang Nữu Ước , từ trên cao nhìn xuống , tôi thấy biển xanh , rồi có lúc thì toàn là những dãy núi đá chập chùng , tôi đoán đó là dẫy Rocky Mountain . _ Đến phi trường Kennedy sát với bờ Đại Tây Dương , đoàn chúng tôi 6 người , gặp đoàn USA 17 người , gồm Cha Đinh Trí SJ và các Anh Chị từ nhiều tiểu bang đều tập trung nơi đây để cùng nhau cất cánh trong chuyến bay đêm đi Tel Aviv . Vì là chuyến bay đi về xứ sở Do Thái , nên hành khách trên phi cơ , ngoài 23 người khách Á Đông của đoàn chúng tôi , còn lại toàn là ông tây bà đầm mà tôi đoán hầu hết là kiều bào Do Thái vì rất nhiều đàn ông đội cái mũ chỏm đen trên đầu . Chiếc phi cơ Delta từ phi trường Kennedy , New York , vượt một bờ biển Đại Tây Dương , rồi băng qua lục địa Châu Âu , và băng qua vùng biển Địa Trung Hải , mới đến được bầu trời israel . Khi phi cơ nhấc cao khỏi phi đạo , tôi nhìn thấy toàn cảnh Nữu Ước phía dưới với những ô nhà cửa xen lẫn màu xanh của những công viên , khu vườn , rồi những con sông ngoằn nghoèo giữa những phố thị và bờ biển xanh , với những buildings mấp mé bãi biển. Lần đầu tiên tôi được đặt chân xuống đất Mỹ láng giềng phương Nam , nhưng tôi không được đi dạo để ngắm nhìn vùng đất đã trở thành điểm nóng của toàn cõi đất trong biến cố 9/11. Đoàn 6 người chúng tôi chỉ đi loanh quanh trong khu shopping của nội vi phi trường rộng lớn này .
Thành phố thủ đô của Israel , cũng là phi trường quốc tế Tel Aviv nằm sát bờ biển Địa Trung Hải , nên khi phi cơ hạ dần cao độ để đáp xuống phi đạo , tôi nhìn thấy một thành phố tân kỳ , có nhiều buildings bên bờ biển xanh thật đẹp ._ Đón đoàn Bắc Mỹ ở phi trường vào khoảng 3 PM , có Cha Tầm Thường , cùng với phái đoàn Hà Nội 23 người , trong đó có Cha Liên , chánh xứ Cửa Bắc ( trước đây Ngài là Cụ Phó ở Đồng Chiêm lúc nơi đây đang dầu sôi lửa bỏng , nên chị em tôi gọi Ngài là Người Hùng Đồng Chiêm ) , đặc biệt trong đoàn có một Cụ Ông 82 tuổi , nhưng tinh thần rất minh mẫn , bước đi nhanh nhẹn , dẻo dai chẳng thua gì thanh niên trai tráng trong suốt 10 ngày leo núi đồi mà không bỏ lỡ một địa điểm nào . _Từ Tel Aviv , Cha đưa cả đoàn về Nazaret , thuộc phía Bắc Israel bằng chiếc xe buýt riêng của đoàn hành hương 46 người , kể cả Cha và anh tài xế là 48 , hai người một băng , rất thoải mái , dọc theo hai dẫy ghế , phía trên đầu , có ngăn kệ dài để những túi xách và vật dụng cá nhân .Tôi là kẻ thích ngắm cảnh trên đường đi , nên cứ dán mắt vào khung kính bên thành xe . Đoạn đường gần hai tiếng đồng hồ , tôi chỉ thấy có hai trạm xăng , hai bên đường không có cư dân , nhưng toàn đồi núi , thỉnh thoảng có những vườn cam sai trái , vàng au trên cành . Tôi thầm nghĩ , những vườn cam hoang vu này mà ở VN thì chắc là bị hái trộm hết . _ Điểm cư ngụ đầu tiên của đoàn là nhà nghỉ cho khách hành hương , thuộc tu viện của các Sơ Nazaret , đối diện với Đền Thờ Thiên Thần Truyền Tin Cho Đức Mẹ . Theo lời dẫn giải của Cha linh hướng , thì đây là đền thờ lớn nhất vùng Trung Đông . Người Hồi Giáo định xây một Mosque bên cạnh đền thờ , nhưng năm 1999 , Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ , nên chính phủ Do Thái đã không cho phép họ xây cất , và nơi đây đã biến thành một công viên .Trong đền thờ này , gian cung thánh lại nằm dưới sâu khoảng 2 mét so với mặt bằng đền thờ , chung quanh phía trên có lan can sắt và đặt những dẫy ghế vòng tròn để giáo dân quỳ chung quanh , nhìn xuống bàn thờ ở dưới , cùng dâng lễ với chủ tế , phía sau bàn thờ , có một cửa sắt nhỏ ( không mở ra ) ngăn cách một cái hang nhỏ là nơi xẩy ra biến cố truyền tin giữa Đức Mẹ và Thiên Thần.
Israel là một đất nước sa mạc với núi đồi chập chùng , trong 10 ngày rong ruổi từ biển hồ phía Bắc , xuống Biển Chết phía Nam , đường đi hai bên đều là những núi đá trắng đỏ trơ trọi không có cây xanh um như núi đồi VN . Tuy nhiên , đó đây vẫn có những cụm cỏ xanh vươn lên giữa những khe đá . Hình ảnh này làm tôi nhớ đến câu nói của Cha Arrupe , Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên . Trong một lần dẫn học trò đi thăm quan miền núi , Ngài nhìn thấy có những cây hoa dại nhú lên ở những kẽ đá , Ngài đã reo lên nói với học trò :" kìa nhìn xem , sự sống vẫn vươn lên từ những gì khô cằn nhất, hãy tin vào Sự Sống". Trên những sườn núi ấy , lác đác vài con bò gặm những cụm cỏ đó đây hoặc những chú dê , trừu chạy nhảy lăng xăng bên sườn đá . Chúng tôi đến đất nước khô cằn này vào mùa xuân , nên còn nhìn thấy những đồng cỏ xanh ở thung lũng. Bầu trời hôm xuất hành đầu tiên ấy lãng đãng mây mù ảm đạm , nên dễ ru lòng người vào tâm trạng thẫn thờ lãng mạn với cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa huyền bí.
Thành phố Nazaret , cũng như những thành phố mà tôi đã đi qua , cảnh quan của khu dân cư rất đẹp , vì nhà cửa của dân chúng được xây dựng từ thung lũng dưới chân đồi lên đến đỉnh đồi , đường xe thì lên xuống , quanh co uốn khúc như đường đèo . Từ Đền Thờ Truyền Tin , có khu di tích nhà của Đức Mẹ , qua 20 thế kỷ với biết bao biến động của địa thế , nên chỉ còn lại nền nhà với những vách bằng đất , đá ngăn chia các phòng. Đi một quãng thì đến nhà của Thánh Giuse , rồi đi bộ một đoạn khoảng 20 phút thì đến một Hội Đường Do Thái , giống như một phòng họp , tường chung quanh bằng đá , bề ngang khoảng 3m , bề dài khoảng 7m . Nơi hội đường này , chắc chắn là Đức Mẹ và Thánh Giuse thường xuyên đến đây để cầu nguyện. Đoàn chúng tôi có một kỷ niệm đẹp trong buổi hành hương đầu tiên ở Đền Thờ Truyền Tin . Trong một buổi tối se lạnh, đoàn được hòa vào đoàn tín hữu Nazaret giữa trời đêm , rước kiệu Đức Mẹ , vừa ca hát vừa lần chuỗi Mân Côi chung quanh sân Đền Thờ , và đoàn chúng tôi được đọc một chục kinh bằng tiếng Việt . Thật cảm động và sung sướng làm sao khi mọi người trong đoàn rước, lắng nghe Tiếng Nước Tôi từ chiếc loa phóng thanh và từ đoàn Con Rồng Cháu Tiên đang cất tiếng ca khen Mẹ ở một nơi mà cánh đây hơn 2000 năm , Đấng Tạo Thành đã Nhập Thể Làm Người qua tiếng FIAT của một thiếu nữ ở ngôi làng Nazaret này ._Từ nơi đây , xe buýt chở đoàn đến làng Cana , là địa điểm mà Đức Giesu đã thực hiện phép lạ đầu tiên " Nước hóa rựơu" trong bước đầu , đời sống công khai của Ngài. Và trong Đền Thờ Cana này , tám cặp hôn nhân trong đoàn có một kỷ niệm , có lẽ đẹp nhất trong đời , khi từng đôi , đứng trước bàn thờ , giửa sự hiện diện của quý Cha và bạn đồng hành . Vai kề vai bên nhau , Anh nói với Em và Em nói với Anh trong thổn thức nghẹn ngào những lời cám ơn và xin lỗi của trái tim yêu , dẫu mái tóc đôi ta vẫn còn xanh hay đã điểm sương , về một lời thề đã trao cho nhau trong 20 , 30 , 40 ...năm qua , mà có những lúc vì yếu đuối hay vô tình đã giẫm lên bước chân của nhau , để rồi có những tiếng thở dài trong cô đơn , buồn tủi ...Và giờ đây , cuộc tình ấy được thăng hoa tỏa ngát hương , nơi Đền Thờ đã ghi dấu ấn về một phép lạ cho Tình Yêu của Vị Chúa Làm Người trong tiệc cưới Cana thuở xưa ._ Từ làng Cana , xe buýt lại đưa chúng tôi lên vùng cực Bắc Israel . Một đoạn đường khá dài , nhưng hai bên chỉ toàn là vườn cây sát với con đường , và phía sau là những dẫy núi đá sừng sững , không có cư dân , vì nơi đây là khu biên giới giữa Israel với các nước láng giềng Lebanon , Syria , Jordan và có sự hiện diện của Liên Hiệp Quốc.
Đoàn chúng tôi đến với dẫy núi đá của các thần minh mà thời đại của Giesu Nazaret gọi tên là Cesare Philipphe và nơi đây cũng là đầu nguồn của dòng sông Jordan , nước trong veo mát lạnh , nhìn thấy cả lớp sỏi đá dưới mặt nước . Tại địa điểm mà con người tôn thờ ngẫu tượng này , Chúa đã đặt Phêrô là tảng đá nền móng để xây dựng Hội Thánh . Ngày hôm nay , khi tôi leo lên những bậc đá cao lưng chừng núi , để ngắm nhìn cái hang sâu , rộng lớn trong vách núi , tôi vẫn cảm thấy có một vẻ huyền bí lẩn khuất bao quanh , với những cột đá của những đền thờ xưa kia còn sót lại ._ Chặng đường kế tiếp là biển hồ Gallile , nơi mà Chúa cất tiếng gọi các ngư phủ làm môn đệ thân tín của Ngài . Khi chưa đến đây , nghe hai tiếng biển hồ , tôi cứ tưởng nó cũng rộng mênh mông ngút mắt như biển hồ của vùng Ngũ Đại Hồ Bắc Mỹ , nhưng bây giờ đứng trên mũi tàu của chiếc thuyền chở du khách , giữa dòng nước trong xanh , lặng lờ không một gợn sóng , chung quanh là núi đồi , thấp thoáng trong lùm cây phía xa là mái vòm Đền Thờ Tám Mối Phúc , nơi Chúa thuyết pháp về Hiến Chương Nước Trời , tôi nhìn thấy hết chu vi của biển hồ Gallile . Tôi và các bạn , kẻ đứng người ngồi chung quanh mạn thuyền , thả hồn với mây trời trong làn gió nhẹ , để mường tượng về sinh hoạt của Thầy trò Giesu và đám dân nghèo Do Thái lẽo đẽo theo chân Vị Tiên Tri khác thường , để nghe Ngài giảng dậy , quên cả cái đói thể lý , và Ngài đã chạnh lòng thương làm phép lạ " bánh hóa nhiều " ...thì bất ngờ , tôi và những người bạn đồng hành Bắc Mỹ sững sờ trong niềm vui ngập tràn , khi nhìn thấy Cha linh hướng trao lá cờ VNCH cho Ông Chủ Thuyền , và rồi cả đoàn , mà một nửa số người đang sống trong thể chế dân chủ tự do , và một nửa đang sống trong chế độ XHCN , cùng hướng về lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ , biểu tượng cho máu đỏ da vàng của con cháu Lạc Hồng của ba miền Bắc Trung Nam , đang bay phất phới giữa gió biển của đất nước Israel , trên cột cờ cuối khoang thuyền , cách chỗ tôi đứng có vài bước . Chúng tôi , những công dân của Canada và USA , đứng nghiêm trang , ngước nhìn " cờ bay , cờ bay , trong thành phố...Gallile " , kẻ đặt tay lên tim hát vang hát vang theo lời quốc ca được phát ra từ cái máy của Cha trưởng đoàn , kẻ đứng yên lặng thầm trong niềm thương dạt dào về mảnh đất cố hương xa xăm ...Rồi sau đó , tình quê hương Cõi Đất được thăng hoa với tình miên viễn Cõi Trời , qua những bài Thánh Ca : Lời Thiêng , Hồng Ân Thiên Chúa ...Tôi tưởng chừng như cả một không gian nín thở trong im lặng hoàn toàn , ngoại trừ tiếng chim biển bay vụt qua con thuyền hòa trong tiếng gió về ._Đến đây vào buổi trưa , nên chúng tôi ghé vào nhà hàng gần đó để thưởng thức món cá biển hồ của Thánh Phero . Hình dáng con cá này giống như con cá rô , xương cứng , nhọn sắc , nhưng to gấp ba cá rô , bữa ăn thịnh soạn nhiều món , mỗi đầu người 15 USD , nhưng tôi chỉ ăn con cá Thánh Phero chiên dòn là no rồi, mà cũng không còn giờ để thưởng thức những món khác , vì tôi ăn chậm nên mọi người đã ăn xong ._ Buổi chiều , chúng tôi lại lên xe buýt đi thăm Đền Thờ Carphanaum . Qua thời gian 2000 năm với những biến thiên địa chất , thế mà những tảng đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt trên những bức tường đền thờ và những cột đá bên trong . Cũng nơi đây , Thầy Giesu đã đặt một câu hỏi thiết yếu với người môn đệ lãnh tụ :" Phero , Thầy là ai ?" _
Từ đền thờ này , đi một đoạn không xa thì đến nhà mẹ vợ Phero . Cả đoàn lại được dự lễ đồng tế với ba Cha . Dấu tích căn nhà mẹ vợ Phero nằm ở dưới sâu , cách mặt bằng ngôi nhà thờ khoảng
1 mét , chung quanh khu di tích là một hàng rào chấn song sắt để du khách đứng nhìn xuống dưới , qua một lớp kính trên bề mặt . Căn nhà này cũng giống như nhà Đức Mẹ , Thánh Giuse và bao người dân làng Do Thái thời ấy : nền nhà đất và những bức tường đá ngăn chia các phòng .
Điểm thăm viếng sau cùng ở miền Bắc vùng Tiberias là Núi Tabor . Đường đi đến ngọn núi này , băng qua những cánh đồng cỏ xanh mướt của mùa xuân . Khi xe buýt đến chân núi , thì anh tài xế trẻ ở lại nơi đây , vì phải chuyển qua xe taxi nhỏ , và cứ từng nhóm khoảng 8 người vào một xe để lên đỉnh núi . Những anh tài xế này là tài xế chuyên nghiệp đường núi quanh co uốn khúc nơi đây . Tôi chưa đi đường đèo Hải Vân bao giờ , nhưng tôi nghĩ con đường lên núi Tabor , cheo leo , hiểm trở không thua gì Hải Vân , vì một bên là vách núi , một bên là vực sâu mấp mé , có những đoạn cua chữ S thường xuyên . Cảnh trí thì đẹp thần tiên , tôi cứ thẫn thờ với núi rừng trên non cao và đồng cỏ mượt mà dưới thung lũng xa . Trên đỉnh núi là ngôi Đền Thờ Chúa Biến Hình . Nhưng trước khi vào thăm viếng , Cha linh hướng dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà hoang sơ bên đường gần đền thờ , để chia sẻ đôi lời tâm linh về hai chữ Biến Hình : trong cuộc sống thường ngày , dù môi trường và bậc sống nào , mỗi chúng ta đều có khuynh hướng biến hình nhau theo nghĩ suy , nhận định của riêng mình , chứ không nhìn tha nhân như họ LÀ . Cũng bởi thế mà có những hiểu lầm và xung đột trong tương quan gia đình , xã hội... Và một điều nhậy cảm khác , là biến hình chính mình ! có thể từ xấu thành tốt hoặc ngược lại . Con người có thể biến hình trong mọi khía cạnh của đời sống , từ tình yêu đến nhân đức ._ Một nhà sư phạm Liên Sô đã nói :" giáo dục là gây ý thức " , nghe những lời hướng dẫn của Ngài , tôi phản tỉnh trầm tư trong nghĩ suy giữa cái lạnh co ro của gió núi : nếu thế , trên đời này , có ai mà không Biến Hình ngày ngày , cả đời (!?) bởi thế mà cứ phải cúi đầu đọc kinh ăn năn tội , và tôi chợt nhớ đến bài thuyết pháp của Cụ Nguyễn Khảm năm xưa ở ngôi đền Đức Bà Sài Gòn : " Trong mỗi người , đều có ba cái TÔi : một cái tôi , do mình nghĩ về mình . Một cái tôi , do tha nhân nghĩ về mình . Hai cái tôi này không xác thực ! và một cái tôi trung thực , trần trụi nhất là giữa mình với Thiên Chúa " _ Sau đôi phút tịnh tâm để được Cha Linh Hướng " gây ý thức " , chúng tôi được tự do . Tôi vào viếng Chúa , nói lời tạ lỗi với Ngài về những sai lầm khi biến hình người thân cũng như tha nhân . Đồng thời xin Ngài thêm ân sủng , như Ngài đã ưu ái dành cho ba môn đệ yêu dấu năm xưa ở nơi đây , để đủ năng lực Biến Hình thăng hoa chính mình . Tôi cảm thấy một niềm bình an nhẹ nhàng lan tỏa trong hồn . Tôi rời ngôi đền , thơ thẩn ra một mỏm đá bên những lùm cây thấp cạnh một triền dốc , ngắm nhìn thung lũng bao quanh dưới chân núi với những thửa ruộng xanh , những khu nhà của dân cư đó đây . Trước khi xuống núi giã biệt Tabor , tôi nhặt một hòn đá trắng nhỏ , có dạng quả núi , như một kỷ niệm trong đời để nhớ về Tabor của bốn Thầy trò Giesu trên non cao , trước khi về Jerusalem bước đi trên con đường Thập Tự ._ Ngay tối hôm ấy , chúng tôi giã từ khu nhà nghỉ đầu tiên của đoàn của các Sơ Nazaret ở miền Bắc Israel , để khăn gói lên đường xuôi Nam về Belem . Một vùng đất , tôi nhìn trên bản đồ của tập sách " Hành Hương Đất Thánh " , thuộc vùng West Bank của người Palestine . Thế nên , để đi vào Đền Thờ Belem , xe buýt phải dừng lại trạm gác quân sự Do Thái " Chekpoint " , là cửa ngỏ của một bức tường bê tông cốt sắt cao dài , để cô lập người dân Palestine mỗi khi muốn đi ra khỏi khu vực này . _ Dọc dài tuyến đường từ Nazaret , qua Jerusalem về Belem , tôi đi qua biết bao khu phố thị , nhưng nơi đây , cái nghèo của khu dân cư Palestine lộ hẳn ra , những căn nhà chật chội , những cửa tiệm nhỏ hẹp , những con đường rác rưởi bẩn thỉu , không thấy có công xưởng , nhà máy , đất đai thì cằn cỗi toàn là những đồi đá , tôi không biết họ sinh sống cách nào (?) , những cư dân sống gần những địa điểm hành hương , còn hy vọng sống nhờ vào khách du lịch , còn những cư dân khác thì mưu sinh ra sao (?) _ Trạm dừng chân thứ hai của đoàn cũng là nhà nghỉ cho khách hành hương của các Cha Phanxico . Nơi đây , ghi lại dấu ấn của hai Vị Giáo Hoàng : Gioan Phaolo 2 và Benedicto 16 , trong chuyến viếng thăm Belem của các Ngài . Trong phòng ăn , tôi thấy treo nhiều hình ảnh các Ngài trên tường . Tôi rất thích phòng ăn ở đây . Vào mỗi bữa điểm tâm , tôi từ lầu 5 xuống lẫu thật sớm , chọn một chỗ ngồi sát với khung cửa kính để có thể ngắm toàn cảnh khu phố của Belem từ những ngọn đồi xa xa . Khu nhà của các Cha nối liền với khu đền thờ Belem , nên chúng tôi ở rất gần nơi Chúa sinh ra . _ Sáng sớm hôm sau , cả đoàn dự lễ đồng tế với ba Cha ở một bàn thờ phía trong một cái hang , chỉ vừa đủ chỗ cho ba Cha dâng lễ , còn chúng tôi đứng , quỳ phía ngoài cửa hang , trong một gian phòng , tựa như một cái hang động lớn , cận kề với chính nơi Chúa chào đời có khắc hình ngôi sao 14 cánh , phía trên vòm cao treo lủng lẳng những bình đèn dầu . Để vào nơi đây , phải đi qua một đường hầm dưới lòng đền thờ . Từ hang Chúa Giáng Sinh , chúng tôi lại sang hang Thánh Jerome cận kề đó . Một vị thánh đã ẩn dật 32 năm trong hang , sát cạnh nơi Thượng Đế cất tiếng khóc chào đời , để dịch thuật toàn bộ Kinh Thánh qua tiếng La Tinh ._ Ngày hôm nay , tôi bước chân vào đây chỉ thấy đất đá . Nhưng đất , đá ở những nơi linh thánh này , đã là dấu chứng cho con người muôn thế hệ về một vị thánh dám hiến thân cả đời ở một cái hang lạnh lẽo , thiếu ánh sáng mặt trời , để đem Lời Chúa đến cho nhân loại .
Rồi đến lúc chúng tôi lại phải giã từ Belem để lên đường về hướng Gierico , viếng thăm làng quê Ein Karem của Vị Thánh có sứ mạng dọn đường cho Giesu Nazaret. Nơi đây có Đền Thờ Thánh Gioan Tẩy Giả chào đời và Đền Thờ kính Đức Mẹ Đi Viếng người chị họ Isave . _ Cảnh quan hai bên đường ở xứ sở này luôn cuốn hút tôi . Đường đi từ Belem đến nơi đây đẹp lắm , vì băng ngang sa mạc Giudea mênh mông , với những dẫy núi đá trắng đỏ chập chùng , toát lên một vẻ uy nghiêm kỳ bí . Ước gì tôi được rảo bước ở nơi cô tịch hoang vu này để được nghe Tiếng Thì Thầm Của Sa Mạc ! _ Đứng trên lan can sát triền đồi của Ngôi Đền kính Mẹ Maria thăm viếng bà Isave vào một sáng mùa xuân , gió hiu nhẹ , không tấp nập khách hành hương như những nơi tôi đã viếng thăm , vì địa điểm xa phố thị , xa đường xe giao thông , nên cảnh trí êm đềm , lặng lẽ . Tôi nhìn xuống thung lũng xanh dưới chân đồi và những khoảng xa , với những căn nhà lác đác , thoai thoải khắp sườn đồi . Tôi nghĩ về bước chân lên đường của cô thiếu nữ thôn làng Nazaret thuở xa xưa , rất đẹp nhưng cũng rất gian lao , ngoài sự tưởng nghĩ của tôi . Đoạn đường từ Nazaret đến nơi đây xa lắm , trên 100 cây số , mà nào có là đường nhựa bằng phẳng như quốc lộ , high way của thế kỷ 21 , nhưng gập ghềnh đá tảng , quanh co núi đồi . Trong phúc âm chỉ nói là :" Đức Maria vội vã lên đường ..." nhưng tôi nghĩ , chắc là phải có Thánh Giuse nữa , chứ thân gái dặm trường , làm sao một mình Cô Maria dám vượt một đường trường sa mạc , hoang vắng , đầy nguy hiểm , có nguy cơ gặp cướp dọc đường , nhất là đêm khuya . Nhưng dù có người bạn đường Giuse song hành hay thân đơn lẻ bóng , thì Mẹ đã không quản ngại đường xa , bất chấp những khó khăn , hiểm nghèo trên đường đi , để mang Giesu đến cho con người . Một cuộc gặp mặt trong niềm vui phục vụ vì có sự hiện diện của Chúa , chứ không là những cuộc gặp gỡ thường tình của con người : " gặp " để rồi phải " gỡ " biết bao hệ lụy đắng cay ! _ Đó là lời gợi ý của Cha linh hướng khi đoàn viếng thăm hai ngôi đền ở Ein Karem . _Buổi trưa hôm ấy , xe buýt đưa chúng tôi đi về nơi trung tâm cuộc hành hương : Jerusalem . Và nhà nghỉ cho khách hành hương Casa Nova của các Cha Phanxico cũng là nơi dừng chân nghỉ ngơi sau cùng của đoàn cho đến ngày giã từ Đất Thánh . Từ nhà nghỉ đến Đền Thờ Golgotha chỉ 15 phút đi bộ . Chúng tôi rất sung sướng hài lòng về sự sắp xếp chỗ ở cho đoàn của Cha trưởng đoàn , vì cả ba địa điểm : Nazaret , Belem và Jerusalem đều là nhà khách của dòng tu , cận kề với các Đền Thờ , nên việc thăm viếng thuận tiện dễ dàng, chỉ vài phút rảo bộ , mà phòng ngủ , cafeteria , phòng khách , sân vườn...sang đẹp chẳng thua gì khách sạn nhiều sao . Nhân viên phục vụ ân cần , niềm nở . Rồi đủ loại các món ăn ba bữa sáng trưa chiều , tha hồ lựa chọn theo ý thích ._ Trong những ngày cuối của chuyến du hành đất nước Israel , chúng tôi dừng chân nơi Cổ Thành Jerusalem , là những ngày cao điểm nhất . Jerusalem bé nhỏ , nhưng nơi đây là điểm đến mà Sứ Vụ Cứu Thế của Ngôi Hai Thiên Chúa được hoàn tất . Thế nên , chẳng có nơi nào trên địa cầu lại tập trung nhiều đền thờ đến như thế . Ngày ngày , Cha con chúng tôi , cứ lên đồi rồi lại xuống đồi , từ Đền Thờ , nơi Chúa dừng chân leo lên lưng lừa để vào Thành Thánh , đến Đền Thờ Chúa khóc thương Jerusalem , Đền Thờ Chúa dạy các môn đồ cầu nguyện : " Kinh Lạy Cha "... rồi Dinh Cai Pha , nhìn những bậc đá , khoảng 20 bậc từ dưới con đường đất lên đến dinh , đã ghi dấu từng bước chân mỏi mệt của Giesu bị điệu từ nơi này đến nơi kia để các quan xét xử , tôi lặng thầm hát cho Chúa Trên Cao nghe :" Lạy Chúa , con đường này , Chúa đã đi qua , con đường này , Ngài ra pháp trường ... đường tình đó Ngài dành cho con ..." và mắt tôi ươn ướt ...nhìn xuống những bậc đá của 2000 năm qua ... _Rồi chúng tôi đến một khu vườn , không rực rỡ sắc hương của hoa , mà chỉ là những gốc cây cổ thụ già , nhưng khu vườn này có sức thần thiêng lôi cuốn bước chân con người : Vườn Oliu . _ Chúng tôi đến đây hai lần , một lần vào ban ngày có khách hành hương và đoàn chúng tôi được sự ưu ái đặc biệt của Cha già Raphael , một Linh Mục Tây Ban Nha , qua đây từ thời trai trẻ và bây giơ đã là Cụ già bát tuần , Ngài cho phép chúng tôi được vào bên trong khu vườn Oliu để chụp hình , còn khách hành hương chỉ được đứng phía hàng rào , ngăn cách khu vườn và lối đi. _ Rồi một buổi chiều tối , chúng tôi trở lại đây làm giờ chầu Thánh Thể . Đã mấy mươi năm trong đời , tôi dự những buổi chầu Mình Thánh nhiều lần , ở nhiều nơi , trong giáo đường cũng như ngoài trời , lòng tôi cũng dạt dào niềm cảm mến , nhưng đây là lần đầu tiên , tôi Chầu Chúa cùng với các Cha , các bạn đồng hành mà tôi phải cắn chặt hai hàm răng để khỏi bật tiếng khóc ! _Năm xưa , trong đêm chia ly , Chúa đã dẫn những môn đồ tri kỷ của Ngài đến đây, để dâng lời nguyện cầu với Cha Ngài , tôi không biết , đêm ấy , trời trăng thanh gió mát hay mưa rơi ! Còn đêm nay , trong cái giá lạnh của một đêm mưa nhẹ , dưới một gốc Oliu già , chúng tôi quây quần , quỳ sụp xuống bờ đá ở lối đi , chầu Thánh Thể giữa trời khuya thanh vắng , lặng im nghe những lời chia sẻ của Cha linh hướng : " hằng ngày , Chúa giảng dạy trong Đền Thờ , nhưng chiều đến , Chúa và các môn đệ về những gốc cây này để ngủ qua đêm . Chẳng ai dám mời Chúa về nhà , vì sợ bị liên lụy đến đời sống..." . _ Tôi thầm tạ lỗi với Giesu Nazaret đã một lần trong cuộc thế , trải qua nỗi cô đơn tột điểm nơi đây vì bị con người bỏ rơi trong khoảnh khắc cuối ! Và chính tôi , cũng đã bao lần không muốn " mời Chúa về nhà " trong hành trình đời sống : khi giao tiếp với tha nhân , hoặc trong nghĩ suy , chọn lựa cách sống , cách ứng xử trước mỗi vấn đề . Tôi chẳng khác nào như một nhà trí thức vô thần Pháp , đã muốn thay đổi lời Kinh Lạy Cha :" Lạy Cha chúng tôi ở trên trời , xin Ngài cứ ở yên trên đó ..." , bởi vì Ngài ở bên cạnh con , đồng hành với con , con cảm thấy phiền phức quá ! con muốn sống thoải mái với những trào lưu của chủ thuyết tương đối đương đại , thì Ngài lại bảo con phải hy sinh , từ bỏ , phấn đấu đi vào " Con Đường Ít Người Đi "..._ Giây phút này , trong cái im vắng của tiếng mưa đêm nơi Vườn Cây Dầu , tôi biết chắc là Ngài đã lắng nghe lời thì thầm của đáy hồn tôi , cũng như của từng người con của Đất Việt đang hiện diện nơi đây và ban ơn thứ tha , qua những bài Thánh Ca êm nhẹ từ một cái máy của Cha linh hướng ._Bên cạnh vườn Oliu là Đền Thờ Gietsimani , trong đó có một tảng đá núi thiên nhiên , trắng ngà , lộ lên trên nền nhà , đường kính khoảng 2 mét , ngay trước bàn thờ , chung quanh có hàng rào hình mạo gai , cao khoảng 2 tấc . Chúng tôi quỳ vòng tròn quanh tảng đá trong thinh lặng , để suy niệm theo những lời hướng dẫn của Cha trưởng đoàn , về một Giesu Thập Tự năm xưa , đã quỳ trên tảng đá này nguyện cầu toát cả mồ hôi máu trong đêm nhá nhem , rồi bị bắt , sau nụ hôn phản bội của một đồ đệ , còn lại 11 học trò thân yêu kia thì đang chìm vào giấc ngủ say bên những gốc Oliu ngoài kia ...Rồi mỗi chúng tôi , đặt một nụ hôn trên tảng đá , như một lời tạ lỗi trong tâm tình cảm mến...với bước chân lặng lẽ ra về giữa trời khuya ._Một điều thật hạnh phúc cho tất cả chúng tôi trong chuyến hành hương , là được dự lễ đồng tế với ba Cha trong đoàn , ở nhiều địa điểm viếng thăm . Gần Đền Thờ Kinh Lạy Cha , trong một căn phòng nhỏ dưới một tầng hầm , là nơi Chúa lập phép Thánh Thể và rửa chân cho các môn đệ . Chúng tôi dự lễ đồng tế với các Ngài , và trong một khoảnh khắc , Cha chủ tế Nguyễn Tầm Thường đã mời gọi mọi người quỳ phục xuống , đầu gục sát sàn gạch để nghe những lời tâm tình nghẹn ngào của Ngài về Vị Chúa Tình Yêu trong bữa tiệc ly. Mắt tôi nhòa lệ , rồi tôi nghe thấy có những tiếng sụt sùi chung quanh...
Một đền thờ tâm điểm của Jerusalem , mà khách hành hương lúc nào cũng chen vai sát cánh, đó là Đền Thờ Mộ Chúa và Đồi Thánh Giá . Từ nhà trọ Nova Casa đến đây , chỉ 15 phút đi bộ , nên chúng tôi có thể đến đền thờ mỗi ngày trong những lúc được nghỉ ngơi tự do . Đường đi lên Đồi Sọ hôm nay là những vỉa hè chật chội khoảng 2 mét , hai bên là những cửa tiệm nhỏ hẹp sát vách nhau , bán đồ lưu niệm về các địa điểm hành hương của toàn Israel . Đi trong những con hẻm này, như đi dưới mái hiên nhà , râm mát , không có nắng mặt trời, đường đi thì lên dốc dần dần , cứ khoảng năm bậc đá thì lại một đoạn ngắn bằng phẳng vài ba mét , rồi lại mấy bậc đá , và cứ thế cao dần đến Đồi Thánh Giá . Từ bàn thờ đồi Thánh Giá , đi xuống một cầu thang đá là lòng Đền Thờ Mộ Chúa . Trong đền thờ nguy nga rộng lớn này , Mộ Chúa là trung tâm, giữa lòng đền thờ , chung quanh có những nguyện đường nhỏ , như nguyện đường đặt cột đá Chúa bị trói ở dinh Cai Pha ...Chúng tôi cũng được dự lễ đồng tế của ba Cha nơi bàn thờ Thánh Giá , rồi xếp hàng với đoàn khách hành hương để từng người cúi hôn Thánh Giá . _ Sau buổi đầu đi chung với đoàn , tôi đã trở lại đây nhiều lần , như một Kẻ Đi Tìm sự hiện diện riêng lẻ giữa mình với Vị Chúa trong lịch sử Do Thái . Trong quãng đời Kito hữu mấy mươi năm , từ lúc còn ở quê nhà cho đến khi được đặt chân đến xứ sở xa xôi ở đỉnh địa cầu này , trong 20 năm luẩn quẩn ở nhà với Mẹ , tôi không bao giờ có ý nghĩ là : một ngày nào đó , được quỳ gục đầu trên Mộ Chúa để dự lễ Misa ._ Đoàn chúng tôi 46 người , được chia làm 3 nhóm : nhóm 1 , dự lễ với Cha Liên ( chánh xứ Cửa Bắc , Hà Nội ); nhóm 2 , dự lễ với Cha Đinh Trí SJ ( USA ); nhóm 3 , dự lễ với Cha Đoan SJ ( Bề Trên Học Viện Kinh Thánh Jerusalem ) . Ba nhóm dự lễ vào ba buổi sáng sớm (4 AM) khi chưa có bóng dáng khách hành hương . Để vào Mộ Chúa , phải đi vào một cái cửa cao , rộng ở phòng ngoài , có thể chứa khoảng 40 người đứng sát bên nhau , rồi đến cửa vào mồ , thấp hẹp , chỉ một người vào và phải quỳ cúi xuống mới vào được . Trên mộ Chúa là bàn thờ để dâng lễ , một phía bên trái Mộ Chúa là một khoảng trống nhỏ , chỉ đủ chỗ đứng cho 4 người và Cha chủ tế đứng sát với bàn thờ. Và cứ một nhóm 8 người , vào hẳn trong mộ để dâng lễ: 4 người thì quỳ gục đầu sát trên mộ Chúa , Cha chủ tế đứng sát phía sau dâng lễ trên bàn thờ , 4 người còn lại đứng sau Cha chủ tế . Sau phúc âm , 4 người quỳ đứng lên ra phía sau , để 4 người đứng được quỳ gục đầu xuống mộ . Đến giữa lễ , thì 8 người trong Mộ Chúa quỳ giật lùi đi ra phòng ngoài , để 8 người khác đi vào mộ Chúa . Và cứ theo cách thức như thế trong ba thánh lễ của ba buổi ban mai , mọi người trong đoàn đều được quỳ gục đầu trên Mộ Chúa trong thánh lễ . _ Với tôi , và có lẽ với mọi người trong chuyến hành hương , đó là khoảnh khắc linh thiêng , quý báu nhất trong đời Kito hữu . (Riêng tôi , trong ngày cận kề giã từ Jerusalem , Cha trưởng đoàn cho cả đoàn được tự do đi shopping . Tôi rủ người chị họ , partner cùng phòng với tôi , trở lại Đền Thờ để hôn Thánh Giá và gục đầu trên Mộ Chúa lần cuối , thầm nói lời từ biệt : Chúa ơi ! con chào Chúa , con trở về với dòng đời ...)_ Điểm đến kế tiếp là linh địa của người Do Thái , đó là Bức Tường Than Khóc . Nhưng ngày nay , người dân Israel không thích gọi bằng từ ngữ này nữa , bảng giao thông tên đường , người ta đề là : West Wall ._ Từ một cái sân rộng trên cao , chúng tôi đứng đối diện với Bức Tường , nghe Cha trưởng đoàn hướng dẫn đôi điều : khi đi vào khoảng sân thấp ở Bức Tường , phải có thái độ kính cẩn , và khi lên đặt tay lên Bức Tường , lúc đi ra phải đi thụt lùi vài bước rồi mới quay lưng lại . Và rồi chúng tôi được tự do tùy ý . Tôi và chị họ đưa nhau đi xuống mấy bậc thang của khoảng sân vuông mà Bức Tường lịch sử đứng sừng sững ở đầu sân , phía dưới chân tường , có những thanh niên , thiếu nữ và cả những người già , kẻ đứng gục đầu với hai bàn tay đặt trên Bức Tường , người ngồi trên một cái ghế đặt sát với Bức Tường , cũng gục đầu dựa vào tường , miệng lâm râm lời kinh hay lời nguyện gì đó . Tôi cũng len tìm một chỗ trống nơi góc Bức Tường , đứng đặt hai bàn tay và gục đầu vào Bức Tường , thầm lặng dâng một lời cầu với Vị Chúa mà quê hương của Ngài mới được lập quốc hơn nửa thế kỷ nay , và vết tích điêu tàn do ngoại bang phá hủy vẫn còn để lại dấu vết nơi Bức Tường này , để khẩn cầu Ngài ban cho vùng đất nhỏ bé của hai dân tộc Israel _Palestine được hưởng nền Hòa Bình thật sự trong cuộc sống chung hài hòa bên nhau . _ Rồi tôi đi thụt lùi 10 bước và quay mặt đi xuống cuối sân , nhìn thấy những lính trẻ Do Thái cả nam , cả nữ , mặc quân phục , vai đeo súng dài , nét mặt nghiêm nghị , đảo mắt quan sát đám người quốc tế đang vào ra khoảng sân . Dọc theo bức tường hai bên , có những thanh thiếu niên non choẹt , cỡ tuổi học sinh choai choai , ngồi ở những cái ghế gắn liền với bàn nhỏ , có một cuốn sách trên bàn , có lẽ cuốn sách kinh Tora của Đạo Do Thái , miệng vừa đọc mà nhịp điệu toàn thân lắc lư cùng với cái đầu, cúi xuống , ngẩng lên . Nói lên cách cầu nguyện với một Thiên Chúa sống động ._ Gần West Wall , là đường hầm nước Siloe . Đọc tác phẩm Kẻ Đi Tìm về đường hầm nước Siloe , tôi cảm thấy sợ sệt khi nghe tác giả mô tả :" bước vào đường hầm , người ta không thể trở lui ... đường hầm tối đen như mực đến độ giơ tay trước mặt cũng không thể thấy gì ...chỉ có thể biết bước chân kế tiếp đi thẳng hay quẹo đường vòng , bằng cách sờ tay vào tường ...gồ ghề , dễ dàng vấp té , đầu dễ đụng vào đá ." _ Lúc này đây , tôi bắt đầu cuộc " thám hiểm " đường hầm Siloe cùng với Cha trưởng đoàn và 46 bạn đồng hành , tôi e sợ , nhưng tự nhủ : đã đến đây thì phải lội cho biết , để có cảm nghiệm cho riêng mình . Và tôi mạnh dạn vén hai ống quần ,cao trên đầu gối rồi bước xuống dòng nước lạnh từ trong lòng đá . Vừa lội được một tí , thì bước vào chỗ nước trũng sâu , tôi lại thiếu thước tấc , nên nước ngập ngang mông , tôi hoảng quá nhưng không thể trở lui , vì sau tôi còn một hàng dài . Tôi lần mò từng bước một , hai tay bám vào tường đá lồi lõm , trên đầu , dưới chân, cũng là đá gồ ghề , đoạn thì thẳng , đoạn thì quẹo , tối như mực . Tôi thấy rờn rợn khi nghĩ đến đoạn đường hầm nửa cây số phải vượt qua . Người chị họ đi sau tôi , đưa cho tôi cái đèn pin loại nhỏ nhất , nhưng khi bật lên thì hỡi ơi , pin yếu , đốm sáng chỉ leo lét một tí rồi tắt , tôi đưa thẳng lên phía đầu , rồi cứ turn on / off liên tục , để ít nhất cũng thấy thoáng qua bờ đá trên đầu cao thấp mà né tránh , và trước tôi khoảng 6 người , một chị có đèn pin to rọi đường , nhưng tôi bước chậm nên cách chị một khoảng xa , vẫn tối thui . Tuy nhiên , chúng tôi phía sau vẫn an tâm lần bước , nhờ tiếng hô nhắc nhở của chị mỗi khi đến chỗ quẹo , hay có bờ đá thấp trên đầu. Cũng nhờ thế , tôi đã sung sướng bước ra khỏi con đường nước khúc khuỷu trong đêm đen an toàn , không một lần va vấp giữa khe núi lạnh dưới lòng đất .
Tôi không biết đã lần mò như thế trong bao lâu để đi hết đoạn đường hầm trên 500 mét này , nhưng tôi cảm thấy lâu lắm . Và khi vừa bước ra khỏi cái hầm tăm tối , ngước mắt nhìn bầu trời mây xám trên cao , tôi vui mừng như vừa thoát một cuộc thám hiểm bình an ._ Trên đường về trời chiều , tôi lặng thầm trong nghĩ suy về cảm nghiệm vừa trải qua . Lần đầu tiên trong đời , tôi nếm cảnh " mù lòa " ! nó cô lẻ , sợ sệt , bấp bênh , gian nan làm sao !!! nhưng trong cảnh " mù lòa " ấy , nếu có bạn đồng hành cùng bước đi , dù chỉ là một lời yêu thương nhắc nhở những lúc cận kề với hiểm trở , tôi thấy được nâng đỡ và vững tâm trong mỗi bước đi . Và trong suốt đoạn đường tối đen ấy , chỉ cần một vệt sáng lóe lên rồi vụt tắt , cũng giúp tôi bước được một đoạn kế tiếp ._ Trên đường đời cũng thế , có những lúc tôi như bước đi trong đường hầm tăm tối trong chán nản , thất vọng về chính mình , về con người , và cả với Thiên Chúa . Tôi bơ vơ lạc loài , không tìm thấy hướng đi . Nhưng rồi , một tia sáng lóe lên , qua một trang sách , một bài giảng , một con người ...tôi đã thoát được cảnh tăm tối mù lòa tâm linh , để nhìn thấy con đường của Chúa Trên Cao dành cho tôi , và an vui bước đi với Ánh Sáng mà tôi đã một lần nhìn thấy trong đời .
Một điểm đến linh thiêng và quí giá đối với tôi nữa , là một dòng sông biên giới bên bờ lau sậy giữa Jordan và Israel : Sông Jordan , địa điểm Chúa chịu Phép Rửa với Ông Gioan Tẩy Giả . Đoạn sông nơi đây hẹp thôi , chỉ bơi vài sải là đến bờ đất Jordan . Nước sông đục , vì ở cuối nguồn phía Nam , chứ đầu nguồn phía Bắc nơi dẫy núi đá thờ các thần minh thời Cesare Philipphe , nước trong veo . Vào thời điểm đoàn chúng tôi đến , cũng có vài đoàn khác , họ ca hát . Còn chúng tôi , sau vài lời hướng dẫn của Cha linh hướng , mỗi người tìm một chỗ đứng , ngồi tùy ý , trầm lặng với cõi lòng , với dòng sông trước mặt . Sau đó , các bạn đồng hành xếp hàng để hai Cha trong đoàn lấy nước sông Jordan ghi dấu thánh giá lên trán , như một nhắc nhớ về bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận , và cũng như một kỷ niệm về dòng sông Jordan . Còn tôi , lặng lẽ tìm một dấu ấn cho riêng mình . Tôi bước xuống vài bậc thang gỗ từ trên bờ xuống dòng sông , tôi cúi nhúng bàn tay xuống dòng nước , rồi làm dấu Thánh Giá , tuyên xưng Ba Ngôi : Cha , Con và Thánh Thần . Rồi tôi đi lên mấy bậc thang xi măng trên cao , nhìn dòng nước đã một lần được Chúa Trời Đất dìm mình xuống khi tôi chưa hiện hữu , để liên đới với phận người ngã sa để vực con người chỗi dậy. Hơn 20 thế kỷ trôi qua , giờ đây tôi được làm người và một đặc ân cao vời là được làm con Chúa trong Giáo Hội mà Ngài đã thiết lập nơi Cõi Đất . Trong khi biết bao Hiền Nhân Quân Tử , đã miệt mài cả một đời đi tìm kiếm Chân Lý , nhưng vẫn không gặp . _ Đặt chân xuống dòng sông linh thiêng , tôi cảm thấy Giesu Nazaret đang hiện diện giữa đoàn con Lạc Hồng nơi đây , nên tôi thầm thưa với Ngài : Chúa ơi ! sao Chúa ban Hồng Ân Đức Tin cho chúng con qua bí tích Rửa Tội từ thuở vào đời . Còn bao nhiêu người khác thì không (?) _ Ấy thế mà , có những đoạn đường , con cảm thấy bước theo Chua sao mà nặng nề , bị ràng buộc bởi bao thứ lề luật , mất tự do và nhiều thiệt thòi quá ! _ Phận người là thế Chúa ạ ! có yếu đuối và có lầm lỗi , để con cần Trở Về trong nhận thức và cách sống . Bởi " nếu một đời con không phạm tội / nước mắt nào con khóc tri ân / nếu một đời chưa từng tội lụy / mến yêu này dâng Chúa bao nhiêu / cảm nghiệm nào sâu sắc trong tim (?) " _
Tôi thích cảnh non cao của núi rừng ,nhưng đất nước Israel hầu như chỉ có núi đá chênh vênh , chứ không có rừng cây xanh bao quanh triền núi. Chiều hôm ấy , đoàn chúng tôi đến vùng đất Gierico của người Palestine , đứng dòm ngọn Núi Cám Dỗ tít tắp phía xa . Vừa xuống xe buýt thì có một chú lạc đà to cao , đứng sẵn đấy để du khách cưỡi lên lưng đi vài bước để chụp hình ( mất vài USD ) . Có một chú bé Tây , cùng đi hành hương với cha mẹ , đòi lên , thế là tôi có dịp được nhìn ngắm động tác quỳ sụp xuống của con lạc đà , theo hiệu lệnh của người chủ , nó quỳ một chân trước xuống , rồi chân bên cạnh , và đến hai chân sau. Khi đứng lên cũng thế, nó từ từ đứng hai chân trước rồi mới đến hai chân sau . Chẳng biết thịt lạc đà có thơm ngon không , chứ nó rất hôi , tôi chỉ đứng gần nó một lúc nhưng không chịu nổi mùi hôi nên phải lùi ra xa và quay nhìn vào rặng núi đá đỏ au phía cuối thung lũng . Chung quanh ngọn Núi Cám Dỗ , có nhiều hang động được khoét sâu vào trong núi đá , là nơi ở của những ẩn sĩ thời xa xưa , lưng chừng núi , thì có một dãy nhà chênh vênh , xây sát vào vách núi , đó là tu viện của Chính Thống Giáo Nga . Từ dưới đất có đường dây xe cáp treo lên đến tu viện . Chúng tôi cũng được nghe một câu chuyện bên lề của Cha trưởng đoàn : lần đầu tiên Ngài đến tu viện này , Ngài xin LM phụ trách cho Ngài được vào thăm viếng bên trong tu viện , nhưng vị LM Chính Thống Giáo đã dứt khoát từ chối khi biết Ngài là LM Công Giáo , vì lý do :" we are separated ". Ngài vẫn không nản lòng , vào dịp khác , Ngài trở lại đây , vị LM Chính Thống nhận ra Ngài , nên lần này cho Ngài vào thăm tu viện nhưng chỉ được khoảnh khắc rồi phải ra về ._ Nghe chuyện kể của Ngài , tôi mỉm cười trong suy tư khi ngước mắt nhìn ngắm đỉnh ngọn núi và dẫy tu viện cheo leo đơn độc kia . Tôi nghĩ , những vị tu sĩ Chính Thống , chọn sống đời ẩn dật nơi vách núi hoang vu , cách biệt hẳn với thế giới ồn ào , bon chen của con người , chấp nhận cuộc sống giá lạnh , thiếu tiện nghi của nơi hoang mạc . Ắt hẳn ,cũng là ngày đêm ngước nhìn ngọn núi , để chiêm niệm về ba cơn cám dỗ bao trùm cả lịch sử nhân loại , mà Vị Chúa Làm Người đã trải qua và ước mong cho cõi tu thoát tục của mình , ngày một đồng hình đồng dạng với Giesu Nazaret . Ấy thế nhưng , đường tu đó vẫn còn Dang Dở với mối thất tình ái ố hỉ nộ...khi mà trong cõi lòng còn loại trừ người anh em của mình :" we are separated " !
Một điểm đến không ghi dấu chân của Thầy trò Giesu , nhưng thấm đẫm giọt máu của một lịch sử bi hùng trong cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc Ngài ,mà ngày nay là điểm du lịch nổi tiếng của Israel và được gọi là National Park . Đó là Đồi Masada . Gọi là đồi , chứ thực sự là ngọn núi khá cao , khoảng 400 mét ,có hai đường xe cáp treo lên gần đỉnh đồi và cũng có con đường đất ngoằn nghoèo như con rắn từ dưới chân lên đỉnh núi cho những người thích leo núi bằng đôi chân . Trước khi tham quan đỉnh Đồi Masada , chúng tôi được nhân viên đưa vào một phòng nhỏ để xem một đoạn phim ngắn về lịch sử Masada : Khi kinh thành Jerusalem bị thất thủ bởi quân lính Roma , một số người Do Thái yêu nước nhiệt thành đã kéo nhau về ngọn núi này sinh sống . Và khi bị quân Roma bao vây dưới chân núi , không còn lối thoát , nhưng họ quyết chí không để rơi vào tay quân thù , nên họ chia thành từng nhóm 10 người với một người trưởng nhóm . Người trưởng nhóm này sẽ giết 9 người trong nhóm . Và cứ thế còn lại những người trưởng nhóm cuối cùng tự sát ._ Ngày hôm nay , du khách bước đi trên một khoảng đất rộng gồ ghề cao thấp nơi đỉnh đồi , nhìn thấy những nền nhà , những bức tường đất đá ngăn chia các căn phòng như những doanh trại , rồi khu dinh thự cua vua Herod , có cả phòng tắm hơi với những ống dẫn nước nhỏ bằng gạch thẻ , có hệ thống dẫn nước , có cả nơi thờ phượng là một đền thờ Do Thái . Trong một gian phòng nhỏ , có ghi một số tên của những người đã chết tại đỉnh đồi ...sẽ cảm nhận được niềm thương mến những con người yếu thế trước ngoại bang nhưng cũng cảm phục lòng can đảm của họ : thà chết chứ không làm nô lệ cho kẻ thù . Và tôi hiểu tại sao Masada đã trở thành nơi tuyện thệ của sĩ quan Israel với lời thề :" Masada shall not fall again ". _Từ ngọn đồi lịch sử này đến Biển Chết không bao xa . Khi chưa đến đây , tôi cứ nghe những người đi hành hương về kể , đi tắm bùn ở Dead Sea , tôi cứ nghĩ dòng nước đục ngầu vì bùn đen , nhưng không , cả một biển nước trong xanh , trong hơn cả dòng nước sông Jordan hạ nguồn . Xưa nay , khi đến bất cứ một bờ biển nào , tôi chỉ đi dạo trên cát , hay lội nước biển khoảng ngang đầu gối , chứ không bao giờ dám ngồi hay nằm xuống mặt nước , vì tôi không biết bơi , và ngày thơ tuổi nhỏ đã suýt bị chết đuối một lần ở dòng sông Đa Nhim , Đơn Dương , nên nỗi sợ ám ảnh . Nhưng lần này , khi đi hành hương , tôi đã chuẩn bị một quần short và áo sát nách để được dìm mình ra xa trong dòng nước mặn , vì biết chắc là biển nơi đây không phải là biển hà bá ! giả như có ai muốn tìm cái chết nhẩy xuống , thì biển cũng khước từ đẩy lên mặt nước . Nhưng chiều hôm ấy , tôi đã không tắm bùn , cũng chẳng tắm biển , vì trời se lạnh ,và điều tôi e ngại là khi ngâm mình với biển , với bùn xong , sẽ có vòi nước ngọt ở dẫy nhà tắm phía trên bờ cao , nhưng nguồn nước ở đây lạnh như nước ở trên núi đá , mà cơ thể tôi không chịu được nước lạnh , Sài Gòn nóng toát mồ hôi như thế , nhưng tôi cũng phải tắm nước nóng , chứ dội nước lạnh vào thì mề đay nổi lên khắp người ! _Thế nên , tôi ngồi trên bãi đất cao dòm xuống , thấy Cha Trí , Cha Liên và các anh trôi lềnh bềnh như nằm ngủ giữa biển khơi , rồi các chị trong bộ bikini , cười nói ơi ới với những cái đầu lố nhố trên mặt nước , tôi cũng cảm thấy ngứa ngáy chân tay , thế là vén hai ống quần trên đầ gối , hai ống tay lên cao , rồi rủ chị họ đi theo tôi xuống một bờ đất bùn xa xa . Đất bùn ở đây cứng và trơn , chứ không phải bùn lún , nên khi đặt hai bàn chân xuống mặt bùn dưới nước biển , cao mấp mé đầu gối , tôi phải bám một tay vào bờ đất sát biển để khỏi trơn té , còn một tay , tôi cúi xuống cào từng nắm bùn trét vào hai cẳng chân và hai bàn tay . Hai chị em nhúng bùn một lúc rồi rửa nước biển đi lên . Đoàn người kia vẫn còn thích thú say mê trong lòng biển mặn , rồi tôi chợt nhìn thấy có 4 người Hà Thành , môt nam và ba nữ đang được một ông Palestine mời chào trét bùn : 5 USD /1 người . Ông làm rất mau lẹ , lấy bùn trong sô rồi xoa đều như đánh phấn , từ chân lên trán , chỉ chừa hai con mắt . Tôi đứng trên bờ cao nhìn 4 người đen tuyền hơn cả Mỹ đen , đang đi lên từ dưới bờ dốc xa , biết họ đang cười toét vì nhìn thấy hàm răng trắng hếu ! tôi nghĩ , rồi đây vào vòi nước xả , những giọt nước bùn mặn chát trên trán chảy xuống hai mắt thì làm sao chịu nổi ! _Trong đoàn 46 người hôm ấy , chỉ có 4 người là thực sự tắm bùn Biển Chết .
Một điểm linh thánh cuối cùng mà đoàn hành hương được dừng chân trên đoạn đường đi ra phi trường Tel Aviv trong ngày tạ từ Israel là Abu Gosh . Nơi đây có một đền thờ nhỏ để kính nhớ một sự kiện trong Cựu Ước : Ông Mai Sen đã đặt Hòm Bia Chúa ở đây trong 20 năm , trước khi rước về Jerusalem . Đường đi lên ĐènThờ thật đẹp và thơ mộng , quanh co uốn khúc lên cao dần trên đỉnh đồi , nhìn xuống bên đường là những căn nhà xen lẫn giữa những vườn cây trên sườn đồi cứ thấp dần xuống thung lũng xa . _ Chúng tôi đến đây vào chiều thứ bẩy , nên cả đoàn cùng dâng lễ chủ nhật với ba Cha đồng tế . Đây cũng là thánh lễ Tạ Ơn , thánh lễ từ biệt mà Cha con chúng tôi đã rong ruổi với nhau trong 10 ngày qua , và là thánh lễ cầu ơn bình an cho tất cả chúng tôi được trở về nhà an bình .
Tôi muốn kết thúc những dòng bút ký này qua một kỷ niệm cuối cùng . Đó là cuộc viếng thăm của chúng tôi tại Học Viện Kinh Thánh Jerusalem của Dòng Tên . Từ nhà nghỉ Nova Casa , chúng tôi đi băng qua cổ thành Jerusalem chừng 20 phút dạo bộ , thì đến khu vườn trước khách sạn Đavid , là nơi đã tiếp đón các nhân vật nổi tiếng thế giới . Trong khu vườn này còn sót lại một tảng đá tròn to để lấp cửa mồ thời Chúa Giesu , sát cạnh tảng đá dưới thấp là một cửa mồ hẹp ,chỉ vừa đủ một người vào . Bên cạnh khách sạn là khu nhà nhiều tầng của Học Viện Kinh Thánh . Chúng tôi được mời vào nhà nguyện của Học Viện ngay cửa vào bên tay trái , và được Cha Bề Trên Nguyễn Công Đoan SJ chào đón đoàn hành hương " Việt Cộng " lẫn Việt Kiều lần đầu tiên của Cha Tầm Thường. Ngài trình bày sơ qua về Ngài và Học Viện : vào khoảng tháng 3 /1975 , người trong nước đang xôn xao tìm đường để thoát ra khỏi VN , còn Ngài đang ở nước ngoài thì tìm đường hồi hương , mặc cho bao lời cảnh giác của bạn bè . Khi chính quyền mới tiếp thu Sài Gòn , thì hai người đầu tiên bị ghép tội " gián điệp của Mỹ ngụy " là Ngài và Cố Hồng Y Phanxico Savie . Thế nên , Ngài vào nhà đá học tập 13 năm . Ngài kể một chuyện vui trong nhà tù làm ai nấy cười nắc nẻ : một hôm , một anh cán bộ nhà tù hăm hở báo cáo với Ngài " ông có biết không , Ông kia... ( cũng là một LM trong tù ) có con riêng đấy " . Cụ Đoan cười vui nói ngay :" ơ , thế à , anh cho tôi chia vui với Ông ấy nhá , chứng tỏ Ông ta không bị thiến !" _ Ui chao , cả nhà nguyện âm vang tiếng cười giòn giã của 48 người . Rồi Ngài nói tiếp : thế đấy , giáo hội chúng ta được bắt đầu từ 12 Ông , thì một Ông bán Chúa , một Ông chối Chúa , còn 10 Ông kia bỏ Chúa chạy thục mạng mất cả áo ,cả dép ! nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại hơn 2000 năm nay và đến ngày tận cùng của nhân loại ._ Sau đó , Ngài nói sơ qua về Học Viện là nơi đào tạo các Thầy , các chuyên gia Kinh Thánh từ khắp thế giới . Tình hình giáo hội ở Đất Thánh , hầu như không có ơn gọi LM , tu sĩ từ người bản xứ , nên các LM , tu sĩ ở đây , đều là những nhà truyền giáo từ nước ngoài đến . Hiện nay vẫn còn một hiện tượng : một số người Do Thái vẫn ra đường đứng chờ Chúa Cứu Thế đến vào đêm thứ bẩy . Nơi học viện này có trưng bày một xác ướp duy nhất của vùng Trung Đông được đặt trong lồng kính cho khách thăm quan . _ Sau bài nói chuyện dí dỏm , đem nhiều tràng cười thật vui cho đoàn hành hương của đồng môn SJ Tầm Thường , Ngài giới thiệu một nhân vật đặc biệt trong Học Viện mà Ngài gọi đùa :" Cha là bà con của Chúa Giesu " . Đó là LM David Neuhaus . Cuộc đời của Cha Đavid có nhiều điều thú vị . Cha được sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống Do Thái Giáo . Cha Mẹ Ngài là những người tỵ nạn của Đức Quốc Xã , nên năm 15 tuổi , Ngài được viếng thăm quê hương Israel lần đầu , và Cha mẹ Ngài đã gửi Ngài đến học ở một trường Do Thái nổi tiếng ở đó . Nhưng Thiên Chúa đã tỏ hiện với Ngài , qua sự gặp gỡ giữa Ngài với một Nữ Tu Chính Thống Giáo người Nga trong một tu viện ở Jerusalem . Đó là Mother Barbara . Và đây là lời của Ngài :" through her , I met Jesus Christ . She was a woman who by the time I met Her was already 89 years old , paralyzed , unable to move from her bed , but shinning with the joy of Christ and it is that , which struck me . My attention was the great joy with which she spoke about anything ...
She gave witness to her faith that simply trapped me , caught me ..."_ Thế nên khi trở về gia đình , cha mẹ Ngài đã bị choáng váng ngỡ ngàng khi nghe con trai của mình lại nói về Jesus . Và Ngài đã có lời hứa với cha mẹ :" I will wait until I' m twenty-five . If this is still true when I'm 25 , you will accept " . Bởi vậy cha mẹ Ngài đã vui lòng chấp nhận khi Ngài cải đạo , gia nhập giáo hội Công Giáo với bí tích Rửa Tội năm Ngài 26 tuổi ._ Hiện tại , Ngài giữ chức vụ Episcopal Vicar for Hebrew Speaking Catholics And Coordinator Of The Pastoral Among Migrants In Israel . Thao thức lớn nhất của Ngài là làm sao giúp cho vài chục ngàn di dân công giáo , họ là những công nhân đến từ Châu Á , Châu Phi và các thế hệ con cháu của họ đang theo học trong các trường nói tiếng Hebrew của Israel , không đánh mất căn tính công giáo của mình khi hội nhập vào xã hội Do Thái . Họ tập trung đông nhất ở thủ đô Tel Aviv , nhưng nơi đây chưa có một nguyện đường nào . Thế nên Ngài kêu gọi tín hữu khắp nơi nâng đỡ tài chánh cho kế hoạch khẩn thiết của Ngài : mua một tòa nhà hai tầng ngay Tel Aviv để làm nguyện đường và trung tâm mục vụ cho các di dân công giáo .
Hành hương Đất Thánh , có lẽ đó là ước vọng của người tín hữu khắp năm châu . Đó cũng là mơ ước của tôi từ lâu . Điều tôi không ngờ được , Mẹ tôi vĩnh biệt tôi nơi cuộc thế , để rồi chắp cho tôi đôi cánh bay trong trời rộng : về phương Nam địa cầu và miền Trung Đông . _ Tôi đã rong ruổi đi tìm Dấu Chân Xưa của Thầy Giesu từ phía Bắc biển hồ Gallile đến vùng phía Nam Biển Chết . Tôi đã viếng thăm mảnh đất sinh quán của cha mẹ , dòng tộc Ngài ở Nazaret . Tôi đã đến nơi Ngài cất tiếng khóc chào đời . Rồi tôi đến ngọn đồi linh thánh nhất trong mọi núi đồi trên mặt đất này là Đồi Thánh Giá và tôi được gục đầu lên ngôi mộ mà người người muôn nơi kính yêu , muốn được đặt một nụ hôn trong đời để bày tỏ niềm cảm mến , tri ân về Một Tình Yêu vượt quá ngưỡng suy tư và hiểu biết của con người mà Thượng Đế dành cho nhân loại . _ Nữ Sĩ Vũ Thủy đã gọi Ngài là Gã Si Tình với vần thơ :" Gã đã yêu và đã chết vì yêu / cố để lại cho nhân loại cây thập giá " .
Chúa à ! con đã đi qua một đoạn đường dài trên vùng đất được gọi là Holy Land bên bờ Địa Trung Hải . Con thấy đất đai cằn cỗi sỏi đá , toàn núi đồi sa mạc , chẳng có bình nguyên bát ngát với những cánh đồng lúa bạt ngàn như Canada . Có chăng là những thung lũng ở dưới những chân đồi . Nguồn nước thì ít ỏi , quí hiếm , cả một đất nước Israel , chỉ có một con sông Jordan . Trong khi Canada có ngũ đại hồ , lại có vài ngàn hồ nước lớn nhỏ khác , rồi biết bao sông dài . Thảo nguyên thì rộng mênh mông , lại giầu tài nguyên thiên nhiên . Con thấy , xứ sở của Chúa sao nghèo quá so với Canada của con . Và rồi con tự vấn với chính mình : trên trái đất này , có biết bao quốc gia giàu có như Bắc Mỹ , Âu Châu ...tại sao Đấng Tạo Thành vũ trụ lại chọn một nơi nhỏ bé , nghèo nàn như Palestine làm quê hương Nhập Thế (?) phải chăng Chúa muốn dạy con đừng bám víu vào sở hữu , nhưng hãy hiện hữu trong tương giao Tình Thương Mến giữa đồng loại ._ Những ngày ở Jerusalem , con thấy từng đoàn người đông đảo khắp thế giới hồ hởi tuôn về nơi đây , con lại nghĩ đến lời hứa Chúa nói với Tổ Phụ Abraham khi kêu gọi Ông cất bước ra đi khỏi xứ sở Iraq :" Ta sẽ cho ngươi một miền đất chảy sữa và mật , và con cháu ngươi đông như sao trời cát biển ". Phải chăng " miền đất chảy sữa và mật " kia , chính là bước chân hành hương của người muôn phương đổ về quê hương Đất Hứa của Abraham trong mọi thời đại . _ Con thật vui mừng hạnh phúc , khi ước mơ đời người của con đã thành hiện thực trong 10 ngày song hành với anh chị em Quê Mẹ VN và quê hương tha phương , ở quốc gia Israel mà Chúa đã là công dân trong 33 năm nơi cuộc thế . Và đó cũng là sự trở về nguồn của bao người muôn thế hệ và của riêng con , vì con cũng thuộc về dòng dõi Tổ Phụ Abraham . _ Trước khi giã biệt Thánh Đô Jerusalem , con đã trở lại Đồi Thánh Giá để ôm hôn ngôi Mộ Chúa , con xúc động nhưng con không khóc , vì con nhận thức rằng :" Ngài là Thiên-Chúa-Của-Niềm-Vui . Đây là danh xưng đích thật của Chúa " . Và Ngài muốn người môn đệ của Ngài làm chứng nhân cho chân lý này , dù đường đời có gập ghềnh trước những thách đố vũ bão , đúng như nhận xét của Cha Đavid Neuhaus :" To allow our children to experience our faith and probably the only way to really accomplish that is to create oases of joy , oases of peace ...My own experience : I was attracted to the Church because it was a place of Joy ." _ Con xin dâng lên Chúa niềm tri ân cảm mến và chân thành cám ơn Cha linh hướng Nguyễn Trọng Tước , đã cho con và các bạn đồng hành một chuyến đi trọn vẹn ý nghĩa, để " suy niệm Phúc Âm không phải chỉ trên những con chữ mà bằng địa lý của đất đá , mầu sắc của sa mạc , lịch sử trên núi đồi , văn hóa của một thời xa xưa và bằng cảm nghiệm của một KẺ Đi TÌM ."

4 comments:

  1. Cám ơn Phượng Hoàng đã cho vp được đọc bút Ký: "Ngày Đi" Mặc dù đã khuya, nhưng vp không thể ngưng được vì mạch văn tuyệt vời, lôi cuốn người đọc từ nơi này đến chỗ nọ. Nhờ đọc Ngày Đi vp nhớ lại những ngày Vp được viéng Đất Thánh năm 2009. Biết bao là Hồng Ân mà chúng ta lãnh nhận qua những chuyến đi.. Vì thế, bài Hồng Ân Nối Tiếp Hồng Ân của vp cũng đã ghi lại những cảm nghiệm sống nơi quê hương của Chúa. Cám ơn nhiều lắm
    vp

    ReplyDelete
  2. Ngày Đi của Phượng Hoàng giống như cánh chim bay. Lúc bay chót vót trên nền trời xanh. Lúc bay la đà trên những ngọn đồi thơ mộng. Lúc đáp xuống ngắm nhìn đồng cỏ nội, ngắm bắt bao tâm tình cho vào túi con tim. Sau đó lại chắp cánh bay đi. Bay đi, nhưng vẫn còn ngoái cổ lại để cố nhìn một kỷ niệm. Ngày Đi của Kẻ Đi Tìm. Cám ơn Phượng Hoàng đã đưa mọi người cùng đồng hành với mình trong chuyến đi có một không hai này.
    Hiển

    ReplyDelete
  3. Trong những ngày này, hầu như mọi Ki-tô hữu đều đang hướng lòng về cái chết trên thập giá của Chúa Giê-su... Thật là đúng lúc, chị Phượng Hoàng đã cho Vũ Thủy thêm phần phong phú trong việc tưởng niệm cái chết của Giê-su Na-za-reth. Đặc biệt, khi biết những người đến đó đều được gục đầu áp má vào phần mộ của Chúa, em tự hỏi: “Nếu mình được gục đầu lên phần mộ của Chúa, thì sẽ ra sao nhỉ? Tim mình sẽ đập thình thịch chăng? Hay là mình sẽ tuôn hai hàng nước mắt vì cảm thán?
    Bút ký của chị thật là cuốn hút, có lúc em đã ứa nước mắt vì không thể ngăn nổi cảm xúc... Có lúc lại thấy vui, như cái đoạn mô tả con đường hầm có dòng nước Si-loe, chợt nghĩ nếu như là mình thì có gì đâu mà sợ, cùng lắm là bị sứt trán trượt chân... như mình ăn cơm ngày hai bữa thôi mà!
    Trước đây em đã được đọc những ghi chép của chị Vi Phương và của anh chị Khuê-Diệp, nay lại được đọc bút ký của chị, mỗi người với những góc độ mô tả khác nhau, tất cả hợp lại giúp em hoàn thành một chuyến hành hương mà em biết em sẽ không bao giờ có cơ hội để đi đến đó. Bây giờ thì kể như em đã được tới đó, rồi!
    Ôi! Vùng đất đã là chiếc nôi của Ngôi Hai Thiên Chúa, một vùng đất lởm chởm núi đồi và sa mạc nối tiếp, với những căn nhà lấp ló bên sườn đồi... Ôi vùng đất còn ghi lại dấu chân của Đấng Cứu Thế.. Ai đã đến mà không mang về bao nhiêu cảm xúc? Ước chi những cảm xúc đó sẽ lưu tồn mãi trong lòng những người khách hành hương, để phần nào cảm nhận được Chúa Giê-su đang ở giữa nhân loại!

    ReplyDelete