Sunday, January 22, 2012

ĐÓN CHÚA XUÂN

Thơ: Vũ Thủy


Xuân vừa hé nụ giữa trần gian
Đây đó hương hoa thoảng dịu dàng
Chúm chím cành đào khe khẽ gợi
Hồn ai mở cửa gió xuân tràn...

Chút gì mơi mới vừa sang trang
Mây nhẹ như ru cõi địa đàng
Rạo rực đất trời xuân bát ngát
Sắc xuân màu thắm nhuộm mai vàng !

Len nhẹ vào tim bước sẽ sàng
Có gì âm ấm đến thênh thang
Bình yên xuân tỏa trong Thần khí
Sải cánh chim câu vút đại ngàn...

Pháo giục giao thừa đón Chúa xuân
?Đón chào năm mới dạ bâng khuâng
Chân trời khấp khởi xanh hy vọng
Vạn sự đều do bởi thánh ân !

Lòng dọn hồn trinh đón ánh xuân
Đồng hoang cỏ dại kiếp nhân trần
Giã từ đông lạnh tìm xuân ấm
Đâu thuở Ê-đen cõi địa đàng?

Đâu thuở Ê-đen cõi địa đàng?
Nay hồn như CUỐN lịch sang trang
Vườn xuân THÔI THÚC gieo cung nhạc
Mở cửa reo vui đợi nắng vàng !

Rộn rã hồn ai đón Chúa xuân...

Đêm giao thừa Tân Mão-Nhâm Thìn

Wednesday, January 18, 2012

CUNG CHÚC TÂN XUÂN

MƯỠU
Muôn hoa vạn sắc đang khoe
Vang vang khúc hát Xuân về tươi vui
Quanh năm vất vả ngược xuôi
Tân Niên xum họp đôi lời chúc nhau
NÓI
Tiết Xuân khơi cội Mai ươm nụ
Đào thắm hồng cùng vũ trụ bừng say
Kìa Trời cao muôn cánh én liệng bay
Toàn nhân thế hân hoan ,hớn hở
THIÊN TĂNG TUẾ NGUYỆT, NHÂN TĂNG THỌ
XUÂN MÃN CÀN KHÔN, PHÚC MÃN ĐƯỜNG
Trào dâng tuôn lai láng yêu thương
Muôn thiện ý Tân Xuân Cung Chúc
Chúc nhà nhà Nhâm Thìn sung túc
Mong người người Thiên Phúc ân ban
Mặc giông bão vạn sự bình an
Thêm tuổi mới đồi dào sức khỏe
Mừng Xuân mới hồn luôn tươi trẻ
Xin Cả Nhà, hãy lắng hồn nghe
Chúa Xuân đang nhẹ…bước về…
CAO BỒI GIÀ
19-01-2012
(26 THÁNG CHẠP, TÂN MÃO)

CHÚ THÍCH :
THIÊN TĂNG TUẾ NGUYỆT, NHÂN TĂNG THỌ
XUÂN MÃN CÀN KHÔN, PHÚC MÃN ĐƯỜNG
Dịch nghĩa :



Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ
Xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà

Phạm Duy-Thái Thanh-Duy hân: Em Lễ Chùa Này (slideshow).

Trầm Thiên Thu: Năm Mới, Người Mới.

Năm mới, người mới

Tiền nhân thường dùng thuật ngữ “tống cựu, nghinh tân” mỗi khi năm hết, tết đến. Điều đó cho thấy người ta muốn thay đổi cho tốt đẹp hơn. Anh ngữ có cách chúc mừng năm mới là Happy New Year, nếu thay đổi một chút thành Happy New You thì hay và khá thú vị. Tại sao? Vừa thú vị về cách phát âm gần giống nhau vừa hay về ý nghĩa.
Về cách phát âm gần giống nhau thì dễ nhận thấy: Chữ Year phát âm na ná chữ You. Về ý nghĩa thì trừu tượng hơn: New You là “con người mới”, tức là chính mình phải đổi mới. Đổi mới không chỉ là việc khó mà còn cần thiết cho cuộc sống xã hội và cá nhân mỗi người: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cấp độ tăng dần, từ bản thân mới tới xã hội.
Thi sĩ Xuân Diệu có một triết lý “ngược đời” nhưng thú vị:
Xuân đang đến là Xuân đã qua
Xuân còn non là Xuân đã già
Thoạt nghe, có thể bạn khó chấp nhận, nhưng suy nghĩ thấu đáo thì bạn sẽ thấy cái hữu lý trong cái vô lý, cái thuận trong cái nghịch. Cuộc sống có những điều là thuận-lý-nghịch thì cũng có những điều là nghịch-lý-thuận. Cũng vậy, nhất là từ khi Thuyết Tương Đối của Albert Einstein được công bố năm 1916, người ta mới khả dĩ “ngộ” ra rằng mọi thứ đều tương-đối-tuyệt-đối và tuyệt-đối-tương-đối. Chỉ có Lời Chúa mới tuyệt đối, một chấm một phẩy cũng không sai.
Xuân đang đến là Xuân còn trẻ, nghĩa là Xuân còn non, vậy mà Xuân lại hóa già. Thật là nghịch nhĩ! Thế mà lại rất chí lý. Dịp vui nọ, ngày lễ kia, người ta rất vui mừng vì háo hức chờ đợi, nhưng đến chính ngày thì lại hóa bình thường, đôi khi còn tẻ nhạt. Vài ngày trước tết, bạn cảm thấy phấn khởi. Chính sự chuẩn bị khiến lòng bạn nao nức, cái mệt lúc đó hóa thành niềm vui sướng. Nhưng đến ngày tết, có thể bạn lại không còn hứng thú. Sự chờ đợi khiến người ta khao khát, muốn “làm mới” cái gì đó.
Người ta cũng nói: “Được voi, đòi tiên”. Cái gì chưa sở hữu thì người ta muốn có, khi sở hữu rồi thì người ta thấy bình thường hoặc chán nản ngay. Con người rất dễ “thay lòng, đổi dạ”.
Thay đổi có thể mang nghĩa xấu. Thay đổi cũng có nghĩa tốt, đó là canh tân, là đổi mới. Theo nghĩa tốt và tích cực thì rất cần thiết. Học yếu thì phải cố chăm chỉ, yếu đau thì phải bồi dưỡng, lười biếng thì phải ráng chịu khó,… Người ta luôn phải trau dồi mọi lĩnh vực để vươn lên, để khá hơn, cả tinh thần lẫn thể lý, nghĩa là phải không ngừng cố gắng thay đổi chính mình.
Năn mới, người ta làm mọi cách để đổi mới bề ngoài: Mua sắm đồ dùng, dọn dẹp nhà của, trang trí bàn thờ,… chí ít cũng có một bình bông dù cả năm không hề có cách hoa nào trên bàn. Ít nhiều gì cũng có sự đổi mới. Tinh thần cũng đổi mới bằng cách nhìn nhau thân thiện hơn, dù lâu nay nhìn nhau bằng “ánh mắt mang hình viên đạn”. Bỏ qua lỗi lầm của nhau là đổi mới.
Chúa Giêsu luôn muốn mọi người thay đổi, từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới. Ngài kêu gọi đổi mới bằng nhiều cách: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23); “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5:48); “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15); “Đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa” (Ga 14:1). Kinh thánh còn liệt kê nhiều phương thức đổi mới khác.
Thánh Phaolô cũng nói về sự đổi mới: “Anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá” (Cl 3,9-10).
Muốn đổi mới hay canh tân thì phải cầu xin Chúa Thánh Thần, vì chính Thánh Linh là Đấng đổi mới mọi sự. Chúa Giêsu cũng đã khuyến cáo: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Chúng ta phải học với Chúa, vì Ngài luôn nhân hậu và khiêm nhường (x. Mt 11:28-30).
Nếu chúng ta không thay đổi, không đổi mới, không canh tân thì thật dại dột: “Ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16). Tuy nhiên, nếu ỷ sức mình cũng nguy hiểm, vì đó là kiêu ngạo, mà kiêu ngạo là đầu mối mọi tội lỗi. Hãy bắt chước thánh Phaolô với xác tín: “Tôi có làm được gì thì cũng là nhờ ơn Chúa” (1 Cr 15:10).
Con người quá yếu đuối, đôi khi cảm thấy thất vọng với chính mình nhưng đừng bao giờ tuyệt vọng. Hãy tự nhủ như cố Ns Trịnh Công Sơn: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”. Với kinh nghiệm “xương máu” đầy mình, thánh Phaolô quả quyết: “Ở đâu nhiều tội lỗi thì ở đó nhiều ân sủng” (Rm 5:20). Hãy vững tin như vậy!
Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4:8), là Đấng giàu Lòng Thương Xót, Ngài không bỏ chúng ta “đơn thương độc mã” trong trận chiến cam go với ba thù đâu. Hãy luôn đọc câu “thần chú” này: “Đừng sợ!” (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Lc 12:7; Kh 1:17).
Chúc mọi người đổi mới trong năm mới
Thánh thiện hơn cho đẹp Ý Chúa Trời
Tân Mão hết, từ giã Mèo yếu đuối
Nhâm Thìn sang, mạnh dáng Rồng đẹp tươi

TRẦM THIÊN THU

MÙA XUÂN ĐẾN


Những búp non xanh trổ khắp trời

Bao đàn chim én lượn thảnh thơi

Báo tin cùng cả mùa xuân đến

Đem tới cho đời tết muôn nơi

Thiếu nữ xôn xao chào đón tết

Thanh niên rạo rực hưởng xuân đời

Trẻ nhỏ chờ mong thêm tuổi mới

Ông bà tiễn biệt tuổi xuân rơi

Thanh Sơn 18.01 12

Saturday, January 14, 2012

Phạm Trung: Mẹ Song Nguyền Yêu Thương.

Viphương: Có Biết Hay Chăng? (thơ)

Có biết hay chăng?

Có biết hay chăng hỡi bạn hiền?
Có người nhớ bạn nhớ triền miên
Người đó quan tâm đến đời bạn
Người giúp cho bạn hết ưu phiền!

Người luôn ở ngay bên cạnh bạn
Giúp đỡ đời bạn lúc gian nan
Người luôn an ủi luôn chăm sóc
Phù trợ khi gặp cảnh cơ hàn.

Bờ vai người muốn là gối đỡ
Cho bạn tựa đầu giống bé thơ.
Những khi vất vã bạn hãy đến
Bạn sẽ không còn thấy bơ vơ

Bạn ơi, có biết hay chăng bạn.
Tình Người cho ta, tình miên man
Người luôn mở rộng vòng tay đón
Chính Giêsu, tình Ngài thật chứa chan!

viphương 2012








Trầm Thiên Thu: Tâm Sự Với Mùa Xuân (tản văn) - Tìm Xuân (thơ)

Tâm sự với Mùa Xuân


Đêm tĩnh mịch. Khoảng thời gian kỳ lạ. Thi thoảng gió lùa qua cửa sổ phả vào khiến tôi thu mình lại như để né tránh. Vầng trăng khuyết e ấp từ xa nhìn hờ hững. Vạt sương bâng khuâng lờ lững giữa bao la. Tôi ngồi lặng thẫn thờ nghe xa vắng… Không dưng chợt thèm ngụm cà-phê. Khoảng lòng vời vợi. Tiếng côn trùng hòa tấu nhạc-khúc-bí-ẩn. Trang viết bất động và lạnh cóng như chiếc độc bình đứng lặng ở góc bàn phủ đầy bụi thời gian, thiếu vắng một cành hoa!
Đêm. Lạnh. Vắng. Lòng tôi vẫn từng đợt sóng xô mãi đến cõi vô biên. Sóng không tên. Nhớ và quên. Quên và nhớ. Tôi không thúc thủ mà vẫn khoanh tay. Hàm số buồn chưa tìm được ẩn số. Quỹ tích đam mê và lũy thừa gian truân vô cực. Số phận con người bọt bèo và khoảng trăm năm nghiệt ngã quá!
Tôi là ai mà còn trần tục quá? Phải chăng hạt-bụi-tôi kết tinh bằng tội lỗi và đam mê nên cứ đám chìm trong dòng lãng mạn? Tôi hoài vọng tìm thấy mình và nhận diện chính mình. Chưa gặp hay không nhận ra mình vì mù quáng? Giai điệu âm u nào đó cứ mênh mang, và vần điệu không tên nào đó cứ níu kéo tôi mãi mà không chịu buông tha. Người ta trẻ mãi, chỉ có thời gian mới già nua. Vâng, già đến nỗi quên cả chính mình, ngỡ mình là ai đó. Ai cũng có những lúc “điên”!
Ký ức và hoài niệm cứ giành với kỷ niệm. Nỗi nhớ vu vơ, đằng đẵng, nhức buốt, vút cao như ngọn tháp chót vót, vừa mầu nhiệm vừa hư ảo. Cuộc đời như kim tự tháp, càng muốn thoát ra càng lạc sâu vào mê cung. Vòng đời lẩn quẩn như tấm lưới, con cá giẫy giụa tìm lối thoát đến đuối sức. Không bi quan mà vẫn ôm nỗi sầu tưởng chừng vô vọng. Vết thời gian hóa thành trầm tích!
Một tờ lịch rơi xuống. Thời gian giảm bớt 24 giờ. Tiếng thời gian vẫn vô tình đều nhịp. Không giờ. Những cái mới đang khởi đầu mà những cái cũ chưa muốn chia tay. Bịn rịn và nuối tiếc những gì còn dang dở. Động từ khiếm khuyết và còn sử dụng ở thì tương lai xa…
Thời gian ơi! Đừng bao giờ nỡ vùi dập ước mơ tôi. Hãy cứ để tôi khát vọng không ngừng – dù có thể hy vọng tôi không viên mãn, thậm chí có thể không hiện thực, nhưng xin cho tôi cảm nhận và hiểu rằng thành công LÀ và TÙY vào mức độ vươn lên từ đống-xà-bần hoài bão, từ những gì chưa trọn vẹn, để khả dĩ ngay trong bất khả dĩ.
Tôi ơi! Dẫu thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng. Hãy giữ tâm hồn luôn thanh thản, bình an. Chưa viết xong trang đời nhưng đừng hạn hán hy vọng và thiện chí. Hãy SỐNG CHO, SỐNG VỚI và SỐNG VÌ… Dấn thân vô vị lợi, cảm thông và vị tha để có niềm hạnh phúc sống động. Vâng, “chỉ có cuộc sống luôn sống cho người khác mới đáng sống” (Einstein).
Viên-đá-cuội-tôi đã và đang lăn mòn trên những con dốc đời, đừng lo có lăn hết hay không, quan trọng là còn lăn hay không. Tôi muốn hoàn tất hồ-sơ-cuộc-đời dù nhiều trang chưa thể hoàn tất, đầy trăn trở, bao băn khoăn chất chồng. Cũng là một hệ lụy, một phạm trù riêng trong triết-lý-khổ-đau. Tôi muốn sử dụng nó có ý nghĩa bằng cách đi xuyên suốt nó dù đi một mình. Thiết tưởng, khổ đau là con đường dẫn đến hạnh phúc, vì có khổ đau thì người ta mới cảm nhận thế nào là hạnh phúc và mức độ hạnh phúc. Văn hào Victor Hugo nói: “Đừng khi nào cười kẻ đau khổ, và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười”.
Thời gian không thuộc quyền hạn con người, nhưng ai cũng được hưởng quỹ thời gian đồng đều – không thiếu một phút, không hụt một giây. Với quỹ thời gian đó, có người dùng làm điều ác, có người dùng làm điều thiện, có người dùng lãng phí, có người dùng làm sinh lợi, có người muốn “giết” thời gian, có người lại tranh thủ,… Mức độ và cách thức khác nhau. Phúc và họa là do chính mình sử dụng thời gian!
Thời gian là lúc Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta ăn năn sám hối để kịp trở lại với Ngài. Mỗi mùa đều có đặc điểm và đặc tính riêng. Thánh LM Padre Piô (quen gọi là thánh Piô Năm Dấu) nhận xét: “Mùa Đông cần thiết để chúng ta tập từ bỏ mình và có cả ngàn lẻ một nhân đức mà chúng ta phải thực hành trong thời gian cằn cỗi đó”. Mùa Hạ nóng bức để người ta biết cái dịu mát và lãng mạn của mùa Thu, mùa Đông giá rét và hanh hao để người ta cảm nhận sự ấm áp và tươi trẻ của mùa Xuân. Mùa Đông cằn cỗi làm điểm kết thúc một chuỗi thời gian cũ, để rồi mùa Xuân tươi mát làm khởi điểm một chuỗi thời gian mới. Thiên Chúa an bài thật kỳ diệu!
Cuối năm. Khoảng giao mùa Đông Xuân. Giã từ năm cũ để nghinh đón năm mới. Đất trời giao thừa và lòng người cũng giao thừa… Hạnh phúc trào dâng, đan quyện, không thể không chia sẻ cho nhau nên mọi người chúc nhau: “Chúc mừng Năm mới”.
Mẹ đã hoài thai tôi trong tội lỗi (Tv 50), nhưng tôi tin rằng “cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, Ngài chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12:20), vì chính Ngài “đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19:9).
Lạy Chúa Xuân vĩnh hằng, xin tha thứ và thánh hóa cả cuộc đời con. Lạy Thiên Chúa Cha, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con và toàn thế giới. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài!
TRẦM THIÊN THU
Những ngày cuối năm Tân Mão, chuẩn bị sang Nhâm Thìn


 TÌM XUÂN

Ra đường một sớm mùa Xuân 
Thấy người bán số tần ngần đứng mơ
Góc đường có một em thơ 
Áo quần cũ rích ngồi co ro buồn
Chỗ kia ông lão cô đơn 
Xa xăm ánh mắt ngước nhìn vu vơ
Chị ngồi lặng dưới bàn thờ  
Nước mắt đầm đìa ướt nỗi nhớ ai 
Môi em thiếu vắng nụ cười 
Vì cha mẹ khuất, mồ côi Xuân này

Cuộc đời bao cảnh đọa đày
Vẫn tìm Xuân giữa tháng ngày trần gian
Xin đời một chút ủi an
Xin đời một chút vui Xuân thôi mà

Lạy Thiên Chúa, Đấng nhân từ
Xin Ngài thương xót vỗ về chúng nhân

TRẦM THIÊN THU
Xuân Nhâm Thìn – 2012

Friday, January 13, 2012

Ước Nguyện Ngày Xuân - GioaKim-Lệ Hằng-Duy Hân.

THUYỀN XUÂN

Tranh của HBTT- Mừng Xuân 2012

THUYỀN XUÂN
Chúa là Xuân muôn thuở
Rải vô ngần ý thơ
Chùm chùm hoa hé nở
Chút ngẩn ngơ tơ lòng

Chúa là dòng suối thơ
Luôn luôn chảy róc rách
Dòng suối mát tinh sạch
Bộc bạch đầy Thần Khí

Phong cảnh đầy thi vị
Mai, Lan, và Cúc Trúc
Xin chúc cho mọi người
 Từ Trời muôn phúc lộc
***
Đợi con thuyền cập bến
Chúa Xuân sắp đến rồi.

HBTT 1/13/2012



Thursday, January 12, 2012

Giuse Sướng: Chúa Muôn Xuân & Hỏi Xuân (thơ)

            


CHÚA MUÔN XUÂN

Một chút xuân trần, con đã say
Xuân Thiên, khao khát biết bao ngày
Chúa chính mùa xuân, xuân vĩnh cửu
Cho đời ngây ngất biết bao xuân!

Tóc mẹ mướt hoài nét đôi mươi
Mắt cha sáng mãi dáng thiếu thời
Vì Chúa là xuân, xuân hạnh phúc
Là Chúa xuân Trời, xuân sáng tươi!

Chúa chính là xuân cõi thiên thai
Chúa cho hoa thắm mãi không tàn
Chúa cho đời sống thành vĩnh cửu
Ôi, Chúa xuân Trời, con ước ao!

Xuân trần mây khói thoáng qua nhanh
Chỉ Chúa Muôn Xuân  mới vĩnh hằng
Nguồn sinh lực thắm không hề cạn
Cho con Xuân ấy, Chúa Xuân ơi!
   -------------------------------
   Giu-se Nguyễn văn Sướng.


                 HỎI XUÂN

Xuân lại về đây trên nhánh khô
Xanh lên mơn mởn búp non trồi
Vàng bướm rập rờn đào đỏ nụ
Se se chút nắng thẹn trên cao.

Xuân vẫn xuân thôi, muôn thuở xuân
Sao em đỏ má nét thẹn thuồng
Chưa nhấp rượu nồng mà nghiêng ngả
Xuân không lơi lả vẫn mê si!

Hỏi nhỏ xuân thôi: Xuân đến chi?
Mai mốt xuân đi được những gì?
Bao giờ xuân mãi thiên thu nhỉ?
Hoa thắm không tàn xuân mới xuân!
    -----------------------------------
    Giu-se Nguyễn văn Sướng.

CON VỀ VIẾNG MẸ BÃI DÂU

Chúng ta đã HH. lên núi Tao Phùng bây giờ TS.
 mời cả nhà tiện đây ghé xuống chân núi 
kính viếng Đức Mẹ Bãi Dâu luôn nhé.

Con về thăm Mẹ bãi Dâu
Nay thuộc Bà Rịa , Vũng Tàu đẹp xinh
Mẹ đang giới thiệu con mình
Giê-su Cứu Thế hy sinh cứu đời

Đi vào tình sử tuyệt vời
Ngài là Đường chính sáng ngời thế gian
Ai đời vất vả gian nan
Về đây với Mẹ ủi an tâm hồn

Bình an hết cả bồn chồn
Tinh sương cho đến hoàng hôn cuộc đời
Phó dâng hồn xác thảnh thơi
Đời con có mẹ tuyệt vời biết bao

Nhìn ra sóng vỗ rì rào
Như lời ru Mẹ rỉ vào tim con
Lời Mẹ êm ái nỉ non
Con yêu của Mẹ nay còn lo chi 

Bao nhiêu buồn tủi tan đi
Tuôn ra bể khổ sân si tháng ngày
Nỗi đau không cánh mà bay
Hay về bên Mẹ no say hết rồi

Bãi Dâu Mẹ đứng bên đồi
Giơ tay bồng chúa lên ngôi Tao Phùng
Ki-tô Thánh tượng ung dung
Giang tay chúc phúc toàn vùng biển đông

Ai xin sẽ chẳng về không
Về đây ơn Mẹ tươi hồng khắp nơi
Một ngày nhớ mãi một đời
Mẹ ơi! tình Mẹ tuyệt vời trong con.

Thanh sơn 11.01.2012


Khởi đầu nơi đây mang tên Vũng Mây, do ông
 Lê Hữu Lương, một giáo dân giáo xứ Vũng Tàu.
 Liền sau đó , ông Lương chuyển lại cho ông bà
 Nguyễn Hồng Ân quen gọi là Vệ Ân.


 Cũng năm 1926, ông bà Vệ Ân xây nhà nguyện
 đá, bên cạnh là “kim tĩnh” mong sau này được 
chôn cất tại đó (nhưng sau này hai ông bà dời đ
i Bà Rịa và qua đời ở đấy).

Ngày 1 tháng 12 năm 1927, ông bà Nguyễn
Hồng Ân dâng nhà nguyện và đất đai cho hội 
Thừa Sai Paris. Hồi ấy, Vũng Mây còn là rừng
 rậm, khỉ ho cò gáy, ít người dám lui tới, cọp
 đôi khi còn về tìm mồi, khỉ thường chạy tung
 tăng chặn lối đi. Đến sau các cha thừa sai cho 
phá rừng, trồng dâu nuôi tằm, để tạo công ăn 
việc làm cho một số bà con ở đây: Bãi Dâu, tên
 có từ đấy.        

Năm 1962, chính năm khai mạc Công 
Đồng Vaticanô II, tháng 10 năm 1962 tại 
Bãi Dâu Vũng Tàu, cha chính xứ kiêm
quản hạt Phaolô Nguyễn Minh Tri xây
dựng tượng đài Đức Mẹ Ban Ơn lành 
cao 7 mét trên sườn núi.
Năm 1963, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình
Tòa Giám Mục Sài-Gòn làm phép khánh 
thành Tượng Đài Đức Mẹ Ban Ơn.

Ngày 04.10.1965 Giáo Phận Xuân Lộc được
thành lập. Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn,
 Giám mục tiên khởi, đã chính thức công bố
Bãi Dâu là trung tâm Thánh Mẫu của
Giáo Phận Xuân Lộc, ngài cho cất 14 
đàng Thánh giá, xây nhà nghỉ mát, và
đã nhiệt tình tổ chức các cuộc hành
hương trọng thể kính Đức Mẹ Maria. 
Nhiều người giáo dân trong Giáo Phận 
không bao giờ quên được cuộc cung
nghinh Đức Mẹ của toàn giáo phận vào
tháng 5.1973. Hằng mấy chục ngàn ngườ
và hằng trăm ghe thuyền lớn nhỏ tuốn về 
Bãi Dâu cử hành một cuộc rước kiệu lớn
nhất lúc bấy giờ để tôn vinh Đức Mẹ. 
Bãi Dâu ngày nay, càng ngày càng thu 
hút nhiều người về hành hương kính Đức Mẹ.
,
Năm 1992, ngày đầu năm, kính Đức Mẹ Thiên Chúa, 
Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám Mục
 Xuân Lộc đặt viên đá trùng tu trung tâm hành hương.
 Tuợng đài đuợc thay thế bằng tuợng Ðức Mẹ Thiên
 Chúa cao 25 mét, kể cả Chúa Con 27,5 mét.
Năm 1994, Tượng Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
 đã được làm phép và khánh thành ngày
 31.12.1994, với sự chủ lễ của Đức Giám 
Mục Xuân Lộc Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật.
 Sau này, nhà nguyện đá đuợc di chuyển xuống 
chân núi, nhuờng chỗ cho một nhà thờ mái vòm 
có sức chứa 1 (một) ngàn nguời, đã đuợc kiến thiết.

Bãi Dâu ngày nay có thể chứa tới 100.000 
(Một trăm)ngàn người cho những dịp đại lễ.

Tượng Đức Mẹ Ban Ơn đã bao năm đứng bên bờ 
đại dương được rước về đài mới tại Giáo Xứ
 Sao Mai, ngày 10.03.1995 và khách hành hương 
vẫn còn đưa bước về Sao Mai kính Mẹ Ban Ơn lành. 
Ngày nay, người người tìm về Bãi Dâu để cầu 
nguyện và kính viếng đất Mẹ càng ngày càng đông.
























Và cuối cùng mời mọi người cùng đi tắm biển nha...


Tuesday, January 10, 2012

GẶP CHÚA TRÊN ĐỈNH TAO PHÙNG

Chúa giang tChúa giang tay đứng đó

Bình an Ngài ban cho
Tâm ai gặp sóng gió
Hãy đến đừng đắn đo

Chúa giang tay đứng đó
Đợi con về nhỏ to
Đây đỉnh núi Tao Phùng
Tựa như đỉnh Ta-bo

Chúa giang tay chờ đợi
Tình Ngài chẳng hề vơi
Con hoang đàng qúa đỗi
Rong chơi dưới cuộc đời

Chúa giang tay chờ đợi
Tình Ngài tựa biển khơi
Con là hạt cát nhỏ
Lạc xa chốn cổng trời

Chúa giang tay chờ đợi
Nhìn ra mãi trùng khơi
Bao giờ con mệt mỏi
Hãy về đây con ơi!

Ôi! tình CHA nhân hậu
Chờ năm tháng canh thâu
Nỗi đau con có thấu
Con giờ này nơi đâu?

Hôm nay con trở về
Sau bao ngày u mê
Đỉnh Tao Phùng bên Chúa
Thỏa nỗi lòng tỉ tê

Sau bao ngày lang thang
Tuổi xuân đã héo tàn
Con giờ này bên Chúa
Về hưởng phúc bình an.

Chúa giang tay đứng đó
Bình an Ngài ban cho
Tâm ai gặp sóng gió
Hãy đến đừng đắn đo...

Thanh sơn 10.01.2012




*****

Hôm nay kỷ niệm ngày anh Hiển oe oe chào đời
Chúc anh nhiều ơn chúa, sức khỏe và bình an hạnh phúc.

Nhân đây TS. mời Anh chị và cả nhà VCN. 
cùng lên đỉnh "Tao Phùng"
Hành Hương nhé. 


Đường đi lên núi Tao Phùng dài 500m, lên cao gần 200m và gần 1000 bậc thang.
Thánh Tượng Chúa Kitô vua cao 32m, hai tay giăng ngang 18,4m, bên trong tượng có 133 bậc thang lên hai cánh tay để ngắm cảnh biển và thành phố Vũng tàu.
Đây là Trung Tâm hành hương của giáo phận Bà Rịa, vì bên dưới là khu vực Đức Mẹ Bãi Dâu.

Tượng Chúa Kitô nằm trên đỉnh núi Nhỏ, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Là một công trình nghệ thuật tôn giáo đặc sắc, là sự kết hợp tuyệt vời giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ với kiến trúc nghệ thuật Việt Nam hiện đại mang đậm tính dân tộc và tôn giáo. Giáo phận phải mất 20 năm mới có thể hoàn tất được công trình đầy ý nghĩa như hiện nay. Bức Thánh tượng Chúa Kitô dang rộng đôi tay, hướng ra biển cả như đang chở che cho nhân loại. Đây được xem là bức tượng Kitô cao nhất thế giới, lớn hơn cả bức tượng Kitô ở Brasil vốn do hai quốc gia Arhentina và Brasil xây dựng (chỉ cao 26m và sải tay dài 10m).

Đây là bức ảnh mà TS. gọi là "Nhìn Xuống Thế Gian"
Đây là bức ảnh mà TS. gọi là "Nhìn Xuống Thế Gian"




Thanh sơn 10.01.2012

Wednesday, January 4, 2012

MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ...

Thơ: Vũ Thủy


Mưa chiều nay có gì vui trong đó,
Mà giọt mưa nhảy múa trước hiên nhà?

Niềm hạnh phúc vỡ òa như thác chảy
Cuốn phăng về bao kỷ niệm ngày xưa
Nghe phảng phất âm vang những chuỗi cười...
Thuở thiếu thời hồn nhiên cùng lũ bạn
Nét trinh nguyên màu mực thoảng mộng mơ
Chợt lai láng trở về... tim ứa lệ!

Ba chục năm trôi qua mà nhanh lạ!
Gặp được nhau, sững sờ như hóa đá!
Vụt trở về cả chuỗi ngày vụng dại:
Tuổi mười ba, mười bốn, tuổi trăng tròn...

Ánh trăng thanh có còn trên đồng cũ?
Lũ nhóc xưa chắc gì THÔI nghịch ngợm?

Cùng lượm lặt, níu lại tuổi thơ xưa
Tuổi thần tiên, yêu biết mấy cho vừa!
Ba người bạn, bên nhau... ôn kỷ niệm...
Dẫu thời gian điểm sương lên mái tóc,
Đâu ngăn nổi niềm vui ngày gặp lại!

Ôi! Dòng suối, một thời tôi tắm mát,
Đã dìm tôi vào bát ngát hương yêu!
Yêu cánh đồng vương vương mùi rạ mới,...
Yêu mảnh sân trường từng vun xới tuổi thần tiên...

Ôi! Một trời thương nhớ, đến vô biên,
Đã ngủ yên trong ký ức năm nào!
Bỗng chiều nay ùa về như thác lũ!!!

Tạ ơn Trời đã cho con được gặp lại những người bạn thời niên thiếu, sau hơn 30 năm bặt tin.
28/10/2011

Monday, January 2, 2012

Trầm Thiên Thu: Giao Thừa Tà Pao (phóng sự)

Giao thừa Tà Pao


Vào địa phận Tánh Linh (Bình Thuận), người ta có thể cảm nhận sự bình dị của dân địa phương khi nhìn quang cảnh êm ả của một miền quê chân chất. Thời tiết mát dịu khiến lòng khách hành hương cũng cảm thấy nhẹ nhàng và lắng đọng. Từ xa đã nhìn thấy linh tượng Đức Mẹ Tà Pao trắng nổi trên nền xanh thẫm của núi rừng.
Theo tiếng dân tộc, Tà Pao nghĩa là “giấc mơ đẹp” (Tà: đẹp, Pao: giấc mơ), cũng có thể gọi là Tằm Pao (Tằm suối, nghĩa là Suối Mơ). Đức Mẹ Tà Pao nghĩa là Đức Mẹ của Giấc Mơ Đẹp. Một tên gọi rất phù hợp với những gì diễn biến tại Tà Pao từ 12 năm qua (năm 1999), kể từ khi có những sự kiện lạ giúp người ta phát hiện tượng Đức Mẹ Tà Pao trên ngọn núi cao (được đặt từ năm 1959).
Chiều 31-12-2011, khách hành hương hân hoan lũ lượt kéo về linh địa Tà Pao. Trời càng tối, khách hành hương càng đông hơn. Một khách hành hương đặc biệt là ĐGM Antôn Vũ Huy Chương, GM Đà Lạt, lần đầu tiên đến linh địa Tà Pao, chủ sự Thánh lễ đón giao thừa 2012 ngay dưới chân Núi Tà Pao.
Chủ đề năm nay là “Xuân Hy Vọng Bên Mẹ Tà Pao”. Giao thừa năm nay cũng là ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, đồng thời cũng là Ngày Hòa bình Thế giới. 21 giờ, chương trình diễn nguyện đón giao thừa bắt đầu. Nhìn lên lễ đài, người ta ấn thấy ngay hàng chữ với thể thơ lục bát:
Đến cùng Đức Mẹ Tà Pao
Vững lòng trông cậy, lẽ nào về không
Hai bên lễ đài có câu đối. Bên trái ghi: “Đến Tà Pao, bước hành hương rộn rã”, bên phải ghi: “Về bên Mẹ, tin cậy mến đậm đà”. Một rừng người, càng lúc càng đông. Ước tính có đến 12.000 khách hành hương.Trong các đoàn khách hành hương có các cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót và nhiều hội đoàn đến từ nhiều giáo phận (Saigon, Xuân Lộc, Đà Lạt,…), đặc biệt có các anh chị em dân tộc cùng hợp nguyện.
Mở đầu dêm diễn nguyện là bài thánh ca “Nữ vương Hòa bình” của cố Ns Hải Linh: “Kính chào Nữ vương, Nữ vương Hòa bình, Nữ vương Hòa bình. Dây bao tâm hồn thao thức, dân con nước Việt náo nức…”. Lời ca thật thích hợp với khách hành hương đêm nay đang thao thứcnáo nức bên Mẹ Tà Pao với bao tâm tình thành kính.
Tiếp theo là bài “Khúc Cảm Tạ” của Ns Mai Nguyên Vũ do các em dân tộc múa, bài “Huyền Nhiệm Tiếng Xin Vâng”,… và nhiều tiết mục độc đáo khác. Chương trình diễn nguyện kéo dài tới hơn 22 giờ.
Sau đó, mọi người cùng thắp nến và ca vang bài “Nữ vương Hòa bình” để cầu xin hòa bình cho thế giới. Tiếp theo, mọi người cùng lần chuỗi Mân Côi, rồi mọi người cùng quỳ gối và lần Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót. Mọi người hiệp nhất cầu nguyện với điệp khúc “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”, với lời cầu “Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, linh hồn và thần tính cùa Chúa Giêsu, Con yêu dấu Cha, Chúa chúng con, để đền bù tội lỗi chúng con và toàn thế giới” và điệp khúc: “Vì cuộc Khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”. Nghe mà thấy thật xúc động, chắc hẳn Thiên Chúa và Đức Mẹ cũng rất hài lòng khi thấy con cái đồng tâm nhất trí trong tình yêu thương liên đới và hòa bình như vậy.
Kết thúc phần cầu nguyện là bài “Lời ru trước ngàn năm mới” của Ns Maria Thiên Thanh: “Tà Pao núi rừng âm u, Trời mùa Thu nghe tiếng Mẹ ru a à a ới, á a a ời. À ơi, ngọt ngào lời ru, lời Mẹ ru khi sắp tàn Thu, a à a ới, á a a ời”. Lời ca, giai điệu và tiết tấu xoáy sâu vào lòng khách hành hương đêm nay…
Sau đó là thánh lễ giao thừa và cầu bình an cho năm mới bắt đầu đúng lúc trời đất chuyển giao thời khắc giữa năm cũ và năm mới.

ĐGM Antôn Vũ Huy Chương chủ sự thánh lễ cùng với 20 linh mục và 1 phó tế. Trong đó có quý LM Hạt trưởng giáo hạt Phương Lâm (Xuân Lộc) và giáo hạt Bảo Lộc (GP Đà Lạt), LM Bề trên và nam nữ tu sĩ dòng Đức Maria Mẹ Hy Vọng.
ĐGM Antôn Vũ Huy Chương nói: “Nếu hỏi Mẹ điều gì thì Mẹ cũng sẽ nói như Con Một của Mẹ là phải yêu thương nhau”.
Thế giới ngày nay đang bị tục hóa, không cần Con Trai của Đức Mẹ. Biết bao lời cảnh báo đã và đang xảy ra khắp nơi: Sóng thần, động đất, lũ lụt, khủng bố,… nhưng nhân loại vẫn cố tình làm ngơ. Người ta vẫn phá thai, hận thù nhau, giết nhau, giành giật nhau,… mà không thể hiện tình yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12). Là điều răn thì mọi người phải thực hành, vì Chúa Giêsu là Cây Nho và chúng ta là cành nho (x. Ga 15:5). Có yêu thương thì mới có thể tôn trọng nhân vị, nhân phẩm nhân quyền của nhau, có thể có công lý hòa bình đích thực.
“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”. Lời cầu nguyện của thánh Phanxicô Assisi thật nhân bản và thánh thiện, lời cầu đó được gọi là Kinh Hòa Bình. Mỗi người đều là “khí cụ bình an của Chúa” thì chắc chắn sẽ được tận hưởng nền hòa bình chân chính vì điều đó hợp Ý Chúa và đẹp Ý Mẹ.
Trong bài giảng cô đọng và súc tích, ĐGM Antôn nói về hình Vuông và Tròn, hình Vuông là biểu tượng của Đất và hình Tròn là biểu tượng của Trời. Ngài nói: “Có 4 điều tạo nên thái hòa là Thiên, Địa, Nhân, Hòa. Vuông và Tròn là văn hóa Việt Nam. Cái mâm hình tròn, 4 người ngồi chung 1 mâm tạo thành hình vuông”.
Người ta thường chúc phụ nữ sắp sinh nở được “mẹ tròn, con vuông”, điều đó cũng thể hiện tính hài hòa của Trời và Đất. Và người ta thì đầu đội trời, chân đạp đất”, cũng có yếu tố Trời và Đất”. Chúa Giêsu là Thiên Chúa từ Trời xuống Đất để giao hòa Trời với Đất, Ngài hóa thành nhục thể, mặc xác phàm và làm người để ban hòa bình cho thế gian.
Thánh lễ kết thúc lúc 2 giờ 30 sáng tân niên Nhâm Thìn. Dù thức gần trắng đêm nhưng mọi người vẫn không hề tỏ ra mệt mỏi, nụ cười vẫn nở trên môi, chuyện trò râm ran. Đoàn người đi về theo 2 lối bên linh đài Tà Pao như những Con Rồng đang uốn lượn nối kết Tình Chúa và tình người, tình Trời với Đất.
Xin tạ ơn Chúa, xin cảm ơn Mẹ đã cho chúng con một đêm giao thừa bình an với nhiều hồng ân.
Mọi người hân hoan ra về với quà tặng của Hiệp sĩ Đại Thánh Giá Lê Văn Thịnh là xâu chuỗi Mân Côi đã được chính ĐGH Bênêđictô XVI làm phép.
Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con thành “khí cụ bình an” của Ngài và can đảm vào đời để loan truyền Lòng Thương Xót của Ngài. Lạy Đức Mẹ Tà Pao, xin cầm tay dẫn đường cho chúng con từng bước đi và luôn cầu thay nguyện giúp chúng con, những đứa con bé bỏng yếu đuối của Mẹ. Chúng con cầu xin nhân Danh Con Một của Mẹ, Đại Huynh Trưởng và Thiên Chúa của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU
Trung Tâm Thánh Mẫu Tà Pao, 1-1-2012