Monday, January 2, 2012

Trầm Thiên Thu: Giao Thừa Tà Pao (phóng sự)

Giao thừa Tà Pao


Vào địa phận Tánh Linh (Bình Thuận), người ta có thể cảm nhận sự bình dị của dân địa phương khi nhìn quang cảnh êm ả của một miền quê chân chất. Thời tiết mát dịu khiến lòng khách hành hương cũng cảm thấy nhẹ nhàng và lắng đọng. Từ xa đã nhìn thấy linh tượng Đức Mẹ Tà Pao trắng nổi trên nền xanh thẫm của núi rừng.
Theo tiếng dân tộc, Tà Pao nghĩa là “giấc mơ đẹp” (Tà: đẹp, Pao: giấc mơ), cũng có thể gọi là Tằm Pao (Tằm suối, nghĩa là Suối Mơ). Đức Mẹ Tà Pao nghĩa là Đức Mẹ của Giấc Mơ Đẹp. Một tên gọi rất phù hợp với những gì diễn biến tại Tà Pao từ 12 năm qua (năm 1999), kể từ khi có những sự kiện lạ giúp người ta phát hiện tượng Đức Mẹ Tà Pao trên ngọn núi cao (được đặt từ năm 1959).
Chiều 31-12-2011, khách hành hương hân hoan lũ lượt kéo về linh địa Tà Pao. Trời càng tối, khách hành hương càng đông hơn. Một khách hành hương đặc biệt là ĐGM Antôn Vũ Huy Chương, GM Đà Lạt, lần đầu tiên đến linh địa Tà Pao, chủ sự Thánh lễ đón giao thừa 2012 ngay dưới chân Núi Tà Pao.
Chủ đề năm nay là “Xuân Hy Vọng Bên Mẹ Tà Pao”. Giao thừa năm nay cũng là ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, đồng thời cũng là Ngày Hòa bình Thế giới. 21 giờ, chương trình diễn nguyện đón giao thừa bắt đầu. Nhìn lên lễ đài, người ta ấn thấy ngay hàng chữ với thể thơ lục bát:
Đến cùng Đức Mẹ Tà Pao
Vững lòng trông cậy, lẽ nào về không
Hai bên lễ đài có câu đối. Bên trái ghi: “Đến Tà Pao, bước hành hương rộn rã”, bên phải ghi: “Về bên Mẹ, tin cậy mến đậm đà”. Một rừng người, càng lúc càng đông. Ước tính có đến 12.000 khách hành hương.Trong các đoàn khách hành hương có các cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót và nhiều hội đoàn đến từ nhiều giáo phận (Saigon, Xuân Lộc, Đà Lạt,…), đặc biệt có các anh chị em dân tộc cùng hợp nguyện.
Mở đầu dêm diễn nguyện là bài thánh ca “Nữ vương Hòa bình” của cố Ns Hải Linh: “Kính chào Nữ vương, Nữ vương Hòa bình, Nữ vương Hòa bình. Dây bao tâm hồn thao thức, dân con nước Việt náo nức…”. Lời ca thật thích hợp với khách hành hương đêm nay đang thao thứcnáo nức bên Mẹ Tà Pao với bao tâm tình thành kính.
Tiếp theo là bài “Khúc Cảm Tạ” của Ns Mai Nguyên Vũ do các em dân tộc múa, bài “Huyền Nhiệm Tiếng Xin Vâng”,… và nhiều tiết mục độc đáo khác. Chương trình diễn nguyện kéo dài tới hơn 22 giờ.
Sau đó, mọi người cùng thắp nến và ca vang bài “Nữ vương Hòa bình” để cầu xin hòa bình cho thế giới. Tiếp theo, mọi người cùng lần chuỗi Mân Côi, rồi mọi người cùng quỳ gối và lần Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót. Mọi người hiệp nhất cầu nguyện với điệp khúc “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”, với lời cầu “Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, linh hồn và thần tính cùa Chúa Giêsu, Con yêu dấu Cha, Chúa chúng con, để đền bù tội lỗi chúng con và toàn thế giới” và điệp khúc: “Vì cuộc Khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”. Nghe mà thấy thật xúc động, chắc hẳn Thiên Chúa và Đức Mẹ cũng rất hài lòng khi thấy con cái đồng tâm nhất trí trong tình yêu thương liên đới và hòa bình như vậy.
Kết thúc phần cầu nguyện là bài “Lời ru trước ngàn năm mới” của Ns Maria Thiên Thanh: “Tà Pao núi rừng âm u, Trời mùa Thu nghe tiếng Mẹ ru a à a ới, á a a ời. À ơi, ngọt ngào lời ru, lời Mẹ ru khi sắp tàn Thu, a à a ới, á a a ời”. Lời ca, giai điệu và tiết tấu xoáy sâu vào lòng khách hành hương đêm nay…
Sau đó là thánh lễ giao thừa và cầu bình an cho năm mới bắt đầu đúng lúc trời đất chuyển giao thời khắc giữa năm cũ và năm mới.

ĐGM Antôn Vũ Huy Chương chủ sự thánh lễ cùng với 20 linh mục và 1 phó tế. Trong đó có quý LM Hạt trưởng giáo hạt Phương Lâm (Xuân Lộc) và giáo hạt Bảo Lộc (GP Đà Lạt), LM Bề trên và nam nữ tu sĩ dòng Đức Maria Mẹ Hy Vọng.
ĐGM Antôn Vũ Huy Chương nói: “Nếu hỏi Mẹ điều gì thì Mẹ cũng sẽ nói như Con Một của Mẹ là phải yêu thương nhau”.
Thế giới ngày nay đang bị tục hóa, không cần Con Trai của Đức Mẹ. Biết bao lời cảnh báo đã và đang xảy ra khắp nơi: Sóng thần, động đất, lũ lụt, khủng bố,… nhưng nhân loại vẫn cố tình làm ngơ. Người ta vẫn phá thai, hận thù nhau, giết nhau, giành giật nhau,… mà không thể hiện tình yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12). Là điều răn thì mọi người phải thực hành, vì Chúa Giêsu là Cây Nho và chúng ta là cành nho (x. Ga 15:5). Có yêu thương thì mới có thể tôn trọng nhân vị, nhân phẩm nhân quyền của nhau, có thể có công lý hòa bình đích thực.
“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”. Lời cầu nguyện của thánh Phanxicô Assisi thật nhân bản và thánh thiện, lời cầu đó được gọi là Kinh Hòa Bình. Mỗi người đều là “khí cụ bình an của Chúa” thì chắc chắn sẽ được tận hưởng nền hòa bình chân chính vì điều đó hợp Ý Chúa và đẹp Ý Mẹ.
Trong bài giảng cô đọng và súc tích, ĐGM Antôn nói về hình Vuông và Tròn, hình Vuông là biểu tượng của Đất và hình Tròn là biểu tượng của Trời. Ngài nói: “Có 4 điều tạo nên thái hòa là Thiên, Địa, Nhân, Hòa. Vuông và Tròn là văn hóa Việt Nam. Cái mâm hình tròn, 4 người ngồi chung 1 mâm tạo thành hình vuông”.
Người ta thường chúc phụ nữ sắp sinh nở được “mẹ tròn, con vuông”, điều đó cũng thể hiện tính hài hòa của Trời và Đất. Và người ta thì đầu đội trời, chân đạp đất”, cũng có yếu tố Trời và Đất”. Chúa Giêsu là Thiên Chúa từ Trời xuống Đất để giao hòa Trời với Đất, Ngài hóa thành nhục thể, mặc xác phàm và làm người để ban hòa bình cho thế gian.
Thánh lễ kết thúc lúc 2 giờ 30 sáng tân niên Nhâm Thìn. Dù thức gần trắng đêm nhưng mọi người vẫn không hề tỏ ra mệt mỏi, nụ cười vẫn nở trên môi, chuyện trò râm ran. Đoàn người đi về theo 2 lối bên linh đài Tà Pao như những Con Rồng đang uốn lượn nối kết Tình Chúa và tình người, tình Trời với Đất.
Xin tạ ơn Chúa, xin cảm ơn Mẹ đã cho chúng con một đêm giao thừa bình an với nhiều hồng ân.
Mọi người hân hoan ra về với quà tặng của Hiệp sĩ Đại Thánh Giá Lê Văn Thịnh là xâu chuỗi Mân Côi đã được chính ĐGH Bênêđictô XVI làm phép.
Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con thành “khí cụ bình an” của Ngài và can đảm vào đời để loan truyền Lòng Thương Xót của Ngài. Lạy Đức Mẹ Tà Pao, xin cầm tay dẫn đường cho chúng con từng bước đi và luôn cầu thay nguyện giúp chúng con, những đứa con bé bỏng yếu đuối của Mẹ. Chúng con cầu xin nhân Danh Con Một của Mẹ, Đại Huynh Trưởng và Thiên Chúa của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU
Trung Tâm Thánh Mẫu Tà Pao, 1-1-2012

No comments:

Post a Comment