Saturday, June 4, 2011

Hiển Phượng: Daisy (Chuyện ngắn)



Daisy

Tôi giật bắn người khi nghe mẹ nuôi tôi nói với khách:
-          Nếu Phượng muốn, chị cho đó.
Bà khách này đang ôm tôi, nghe vậy mừng quýnh lên, hỏi lại tới tấp:
-          Thật không chị?
-          Thật chứ, anh chị lớn tuổi rồi, không săn sóc nó nổi.
Thú thật, ban đầu tôi cứ tưởng ba mẹ nuôi của tôi nói giỡn cho vui, nhưng khi nghe câu “Anh chị lớn tuổi rồi, không săn sóc nó nổi” tôi mới rụng rời chân tay và tin đó là sự thật. Nhưng tôi vẫn còn hy vọng khi nghe mẹ tôi nói tiếp:
-          Nhưng chị phải hỏi Bảo, con chị đã. Nếu nó bằng lòng thì Phượng lấy.
Tôi thầm cầu van Bảo đừng có bỏ tôi. Thế nhưng tôi thấp cổ bé miệng, thân phận con gái mong manh mười hai bến nước, nước trong thì nhờ, nước đục thì cắn đuôi ráng chịu. Tôi không biết phải làm sao. Tôi chỉ còn biết đêm đến nằm khoanh tròn vào giường riêng của tôi mà khóc thầm!
Tôi ghét cái ngày hội ngộ của Ban Báo Chí lắm. Nếu ba mẹ không nổi hứng đãi anh chị em báo chí một bữa thì giờ này tôi đâu phải lo âu buồn khổ. Tôi trách cũng không đúng vì năm nào ba mẹ tôi cũng có bữa ăn cho ban báo chí mà, chứ đâu chỉ riêng năm nay. Nhưng mắc mớ gì mẹ của tôi lại buột miệng nói cho tôi đi!
Tôi buồn bã nên chẳng tha thiết ăn uống gì và cũng chẳng tha thiết vui đùa. Tôi lững thững đi quanh nhà như để tìm lại kỷ niệm những ngày sống bên cạnh ba mẹ và anh Bảo, chị Trang. Vì sắp sửa phải xa tôi, nên ba mẹ tôi cũng muốn tôi làm đủ mọi trò như để in sâu vào tâm trí hình ảnh dễ thương và nhí nhảnh của tôi. Nào là giơ tay bắn súng cho tôi giả chết nằm xuống. Nào là nói tôi lộn một vòng. Nào là kêu tôi bắt tay. Nào là biểu tôi nằm xuống. Ôi thôi đủ thứ trò. Tôi cố gắng vui vẻ làm cho ông bà vui, chứ thực ra ruột gan tôi rối như tơ vò, lòng dạ nào mà vui mà làm trò đây!
Ngày anh Bảo từ Montreal về, tôi mừng hết nhớn. Anh đem theo cái giường của tôi nữa. Tôi mừng, vì nghĩ là tôi không phải đi đâu hết, ở nhà với anh Bảo. Nhưng tôi đâu có ngờ anh Bảo đem giường về là để cho tôi đem theo khi đến nhà mới!
Sáng thứ bảy hôm đó, ba tôi thương tôi hơn bao giờ hết. Lúc nào ông cũng ẵm tôi trong vòng tay ấm áp của Ông. Ông rửa mặt cho tôi. Ông lấy nước cho tôi uống. Ông lấy thức ăn cho tôi ăn. Nhưng giác quan thứ sáu cho tôi biết đây là những giây phút chót ở trong căn nhà ấm cúng thương yêu này. Cho nên tôi buồn bã không ăn được. Tôi nhìn ông tha thiết và giáo giác tìm mẹ tôi. Bà đi đâu vậy cà. Bộ bà không thương tôi hay sao mà giờ này không thấy bà bên tôi.
Kìa, kìa cặp vợ chồng bạn của ba mẹ tôi đến rồi. Tôi hồi hộp lo sợ. Ði theo là cậu con trai, tôi nghe gọi tên anh là An Tôn. Thoạt nhìn tôi cứ tưởng là anh Bảo, nhưng không phải. Vừa trông thấy tôi, anh An Tôn chạy lại ẵm tôi liền. Tôi cảm nhận anh ấy cũng thương tôi như anh Bảo. Anh ẵm tôi, vuốt ve tôi và không muốn bỏ tôi xuống đất. Tôi mừng thầm trong bụng: “Không biết ông bà chủ mới ra sao, nhưng coi bộ anh này thương tôi đây!” Tôi an tâm và cứ để anh vuốt ve bộ lông mượt mà và thơm phức của tôi vì mẹ tôi mới tắm cho tôi ngày hôm trước. Chắc bà không muốn tôi bị hôi hám khi về nhà ông bà chủ mới.
Ðang chuẩn bị đi thì may quá, mẹ tôi từ trên lầu xuống. Bà ẵm tôi trong tay. Tôi cà cạ cái đầu tôi vào tay bà như thầm từ giã bà và cám ơn bà đã nuôi nấng săn sóc tôi hơn 3 năm qua. Từ ngày tôi còn bé tí, bà đã đem tôi về nuôi nấng săn sóc tận tình. Nhìn những lần bà ngồi đan áo lạnh cho tôi, từng mũi đan, là từng mũi yêu thương bà đan vào lòng tôi. Mùa đông ở xứ Canada lạnh buốt. Mỗi lần ra đường là tê cóng tay chân. Bà không muốn tôi bị lạnh nên đã dành nhiều thời giờ để đan những chiếc áo đẹp cho tôi. Tôi nhớ như in. Mỗi lần bà đan xong một chiếc áo, bà kéo tôi vào lòng và mặc thử cho tôi. Khi thấy tôi mặc chiếc áo vừa vặn, bà cười vui tỏ vẻ sung sướng lắm. Rồi còn biết bao nhiêu thứ khác như mùa mưa bà lại phải mua áo mưa cho tôi vì sợ trời mưa sẽ ướt bộ lông dài xinh đẹp của tôi. Bà còn mua giày cho tôi mang cho ấm chân. Bà cũng muốn tôi xí xọn nên mua những đồ kẹp tóc để trang điểm cho tôi nữa chứ. Con gái mà! Đã hết đâu, còn bao nhiêu là đồ chơi đủ loại nữa. Ba năm sống với ông bà, tôi cùng ông bà đi dạo mỗi sáng muốn mỏi cả chân. Thế mà tôi lại thích. Tôi rành đường đi nước về. Có lần ông bà thử tôi xem có nhớ lối đi không. Khi đến ngã 3, ông bà đi lối khác. Tôi ngó ông bà, sủa một cái và ngồi bệt xuống, nhất định không đi nữa. Ông bà thấy tôi không chịu đi thì biết tôi thuộc đường nên bèn trở lại đi theo đường cũ. Ông bà hãnh diện về tôi nên găp ai cũng khen tôi khôn. Ðỉnh đầu tôi có cái u mà. Người ta bảo, chó khôn có cái u ở đầu hay là lưỡi có đốm. Tôi không đốm lưỡi nhưng lại có cái u ở đầu. Ai không tin, cứ ẵm tôi, sờ vào đầu tôi thì biết. Tôi hiền lắm. Gặp người lạ tôi cũng chạy lại vẫy đuôi chào rối rít, không sủa lấy một tiếng! Nhờ thế mà ai gặp tôi, cũng vuốt ve thương yêu. Tôi còn nghe anh tôi hiện đang ở nhà ông bà Bửu Kim. Anh ấy kỳ cục lắm. Ai sờ bụng là anh nằm ngửa ra đòi gãi bụng liền. Nhất là khi bà chủ của anh đi làm hay đi đâu về. Anh tôi nhõng nhẽo còn hơn con gái. Khi nào anh tôi được bà chủ gãi bụng rồi, anh tôi mới để cho bà yên thân làm việc. Nếu không, anh tôi cứ nằm lì ra đó!
Khi mẹ nuôi của tôi trao tôi cho anh An Tôn ẵm đi, nước mắt tôi như muốn rơi xuống. Tôi không muốn đi. Tôi muốn ở lại với ông bà, với anh Bảo, với chị Trang. Tôi ngước mắt nhìn bà thì thấy bà rươm rướm nước mắt. Bà thương tôi biết chừng nào! À thì ra bà đâu muốn bỏ tôi. Tôi lại nhớ lời bà nói với bà bạn: “Anh chị lớn tuổi rồi. Anh chị không săn sóc nói nổi.” Tôi không oán trách ba mẹ tôi nữa. Tôi buồn, nhưng tôi chấp nhận ra đi. Ra đi nhưng không biết thế nào ở ngày mai! Tôi hy vọng tương lai sẽ tươi sáng vì ngay từ khi được anh Anton ẵm tôi trong tay, tôi biết anh thương tôi lắm. Bà chủ mới thì khỏi nói. Cười nói vui vẻ như tết. Trong chưyến đi này tôi nghiệm ra một điều là trong cuộc sống có sự mâu thuẫn không sao giải thích được. Một bên thì buồn đến chảy nước mắt. Một bên thì vui tươi như tìm được vàng. À thì ra, cùng một sự việc, nhưng có người buồn, có người vui. Người mất báu vật thì buồn. Người được thì vui mừng hớn hở!
Ra khỏi nhà, tôi cố ngoái cổ lại để nhìn ngôi nhà lần cuối. Tôi thấy mẹ tôi gạt nước mắt, đi vội lên lầu. Chị Trang cũng lên theo. Chỉ còn ba tôi nán lại, dặn dò, ông theo tôi ra tận xe đem những đồ chơi của tôi. Nào là ôm một bao thức ăn mua sẵn vì sợ tôi chết đói, tội nghiệp. Tôi nhìn mà thấy thương ông vô cùng. Chỉ vì sức khỏe của ông bà yếu kém mà tôi phải ra đi. Tôi gạt nước mắt chào ba mẹ tôi lần cuối và từ giã ông bà để theo họ lên xe.
Vừa vào xe, tôi nghe bà chủ mới nói với anh An Tôn:
-          Con à, seatbelt cho Daisy đi con!”
Tôi nghe mà mắc cười muốn chết. Mỗi lần anh Bảo hay ba mẹ cũ đưa tôi đi đâu bằng xe, họ đâu có seatbelt cho tôi bao giờ! Họ để tôi tự do muốn ngồi đâu thì ngồi. Thậm chí tôi thò đầu ra cửa sổ cũng không sao. Có lẽ bà chủ mới này tưởng tôi là người chăng! Anh An Tôn nói ngay:
-          Không sao đâu mẹ. Con đang ẵm Daisy mà.
Thật sự, anh ẵm tôi trong tay. Anh còn nói ông chủ mới đang lái xe:
-          Bố ơi, mở máy lạnh xe đi bố. Con sợ Daisy nóng!
Ông chủ mới cười cười vừa lái xe vừa mắng yêu con:
-          Khỉ đột, trời lạnh mà mở máy lạnh à? Thương nó dữ ha!
Anh Anton nhe răng cười hí hí làm tôi cảm thấy được thương mến ngay từ giây phút đầu tiên. Dù biết được thương mến, nhưng tôi cứ nhìn ra cửa xe, định bụng nếu về nhà chủ mới coi mòi không êm, tôi sẽ trốn về nhà cũ. Xe chạy một đoạn đường khá xa, tự nhiên tôi cảm thấy ngộp. Tôi thờ phì phò, hổn hển. Báo hại ba người xúm nhau nhìn tôi lo lắng. Bà chủ mới ngồi phía trước, quay xuống nhìn tôi, vuốt ve:
-           Kéo cửa kiếng xe xuống một chút cho Daisy khỏi bị ngộp. Bà nói với ông chủ mới của tôi như thế. Rồi lại quay xuống nhìn tôi, vuốt tóc tôi và nhỏ nhẹ nói với tôi:
-          Thương chưa! Daisy, con đừng làm mẹ sợ.
Ồ, thì ra bà cũng thương tôi và xưng mẹ với tôi như bà xưng mẹ với anh Anton. Thế là tôi có thêm một bố mẹ nuôi nữa!
Ông chủ liền nói:
-          Thôi để mở máy lạnh.
Máy lạnh mở. Tôi cảm thấy dễ chịu một chút. Lâu lâu hai ông bà ngoái cổ nhìn tôi và vuốt ve tôi. Tôi thích lắm, ngồi yên và lim dim đôi mắt nhớ đến những sự thương yêu của ông bà chủ cũ.
Xe vừa dừng lại ở trước nhà, như một thói quen, tôi vẫy đuôi mừng và muốn nhảy ngay ra ngoài xe. Anh Anton ẵm tôi vào nhà, vừa đặt tôi xuống sàn nhà, tôi chạy khắp nhà. Chỗ nào cũng lạ. Nên tôi đi đến chỗ này, chỗ kia. Bà mẹ nuôi mới của tôi có vẻ sợ tôi chạy mất hoặc cắn phá nên nói:
-          Coi chừng Daisy kìa.
Anh An Phong, anh lớn của anh An Tôn, trấn an:
-          Không đâu, nó không phá đâu. Nó lạ nhà nên nó đi tùm lum thôi.
Cả nhà xúm lại ôm tôi, vuốt ve tôi, thương tôi ơi là thương. Anh An Tôn thương tôi lắm. Anh đưa ngay giường của tôi xuống phòng ngủ của anh ở basement, bên cạnh giường ngủ của anh. Tôi biết anh thương tôi nên lúc nào cũng quấn quýt bên anh.
Lạ nhà và nhớ gia đình cũ của tôi, tôi chẳng ăn uống gì hết. Thức ăn của tôi có sẵn, nhưng tôi chỉ nhìn rồi lững thững đi tìm thảm nằm. Mẹ nuôi mới của tôi lo lắng ra mặt, lúc nào cũng quan tâm và để ý săn sóc tôi từng chút. Tôi không chịu ăn, bà vỗ về và nói: “Con đừng làm mẹ lo”. Tôi cảm nhận được tình yêu thương bà dành cho tôi qua những lời bà nói với tôi: “Con đừng làm mẹ sợ, con đừng làm mẹ lo!” Như vậy, từ nay tôi cũng có một vị trí đặt biệt trong căn nhà này. Tôi an tâm.
Mọi người muốn tôi vui nên bắt tôi làm trò, anh Anton, tay cầm sẵn miếng bánh. Tôi vừa nhìn thấy bánh, mắt tôi sáng lên, định nhảy lên chụp lấy ăn liền. Nhưng sức mấy mà họ dễ dàng cho tôi ăn ngay. Anh An Tôn giơ tay bắn tôi. Tôi biết tôi phải làm gì mới được ăn bánh, nên anh An Tôn vừa giơ tay làm dấu bắn, tôi vội vàng nằm xuống và không cần chờ anh Anton muốn tôi làm gì thêm, tôi lộn luôn một vòng cho rồi vì trước sau gì họ cũng bảo tôi làm như vậy! Cả nhà được một trận cười quá thể. Họ thưởng tôi miếng bánh to hơn ba mẹ cũ tôi cho. Tôi ngậm lấy miếng bánh và nằm ngay vào tấm mền của tôi mà ăn một cách lý thú. Ðói mà! Bây giờ thì không những tôi biết làm những trò cũ, tôi được dạy làm thêm một trò nữa là biết dance! Gọi là biết nhảy (dance) cho nó oai, chứ thực ra tôi đứng bằng hai chân thật lâu và xoay đi một vòng. Có thế thôi mà cả nhà đều mừng rồi xúm nhau cưng tôi hết biết.
Từ khi có tôi, cả nhà rộn ràng cả lên. Ai cũng lo lắng cho tôi và vuốt ve tôi miết. Tôi cảm thấy vui vì được cả nhà thương. Ngay cả mấy bạn gái của anh An Phong và An Tôn đến chơi, thấy tôi dễ thương đẹp gái, nên cũng thương tôi và ẵm tôi vào lòng. Anh An Tôn còn đem tôi đi khoe nữa chứ. Anh đưa tôi đến nhà người bạn. Vừa bước vào nhà, tôi hoảng vía, vì từ trong nhà phóng ra một anh bạn to lớn hơn tôi gấp 3 lần. Tôi nép mình vào anh An Tôn. Anh ta tên Bôbô nhảy tung tăng bên tôi và sủa om xòm làm tôi muốn điếc cái lỗ tai. Nói đến đây tôi nhớ lại hôm tôi vừa về nhà mới, tôi nghe tiếng sủa của một bạn hàng xóm. Tôi chạy ra gần cửa, lắng tai nghe ngóng. Chắc ông bạn này lớn tuổi và to con lắm thì phải vì tiếng sủa ồ ồ và oang oang. Cả nhà nghĩ là tôi sợ, nhưng tôi không sợ đâu vì người ta thường nói “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” huống chi tôi đang ở trong nhà! Hơn nữa, tôi là con gái xinh đẹp lại hiền nữa. Ai thấy cũng thương mà. Trở lại nhà bạn của anh An Tôn. Ai cũng mến thương tôi nên chuyền tay ôm tôi bằng thích. Anh Bôbô giận lắm, chắc là ghen nên sủa om xòm. Thừa lúc không có ai để ý, anh Bôbô trả thù bằng cách nhe cái bộ răng nanh ra nhát tôi, tôi sợ quá, cong đuôi chạy lại bên anh An Tôn. Thấy vậy, cô bạn của anh Anton vội vàng la anh Bôbô quá chừng làm anh Bôbô tức tối, đưa con mắt cú vọ nhìn tôi như hăm đe: “Em biết tay anh!” Tôi đâu có vừa, nheo mắt, sủa mấy tiếng “gâu gâu” thách thức: “Xí, sức mấy mà làm gì được em!” Nói đúng ra, tôi sợ lắm. Nhưng vì anh An Tôn đang ôm chặt tôi trên tay, nên tôi không sợ nữa. Anh khen tôi với mọi người. Anh nói là tôi vừa hiền vừa ngoan. Ðêm ngủ ở trong phòng anh không làm bậy một chút nào. Không giống như anh Bôbô, lớn tồng ngồng, lấy vợ được rồi mà còn làm bậy trong nhà, không chịu đi ra ngoài như tôi.
Khuya rồi, tôi muốn về nhà quá sức, nhưng anh An Tôn ham vui nên cứ ở mãi. Thực ra anh An Tôn ở bao lâu cũng được, nhưng cái anh Bôbô cứ ở quanh quẩn bên tôi. Hai con mắt cứ dấm dứ nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Tất cả chỉ vì ghen, vì có tôi nên mọi người bỏ quên anh ta thôi. Ðến khi anh An Tôn ẵm tôi ra về, tôi mừng quá thể. Anh Bôbô thấy tôi ra về thì mừng lắm. Nhưng anh không quên ném cho tôi vài tiếng sủa lấy oai. Tôi muốn lè lưỡi chọc anh, nhưng thôi. Nếu tôi làm thế thì đâu còn được tiếng là con gái hiền lành nhu mì nữa. Không khéo lại bị cho là bà chẳng lửa thì khốn!
Tôi về nhà mới, vào đúng long weekend nên ai cũng ở nhà và tha hồ giỡn và chơi với tôi. Nhưng đến ngày thứ ba cả nhà đi làm hết, chỉ còn mình mẹ nuôi mới của tôi thôi. Lúc bấy giờ tôi mới cảm thấy buồn làm sao! Tôi lững thững đi đi lại lại ở trong nhà vì chẳng biết phải làm gì. Tôi cảm thấy trống vắng lạ thường. Ðược một lúc, mẹ tôi đưa tôi đi tắm. Bà vừa vuốt ve vừa nói:
-          Ði tắm nha con. Hôm qua đi chơi nhà người ta, con Bôbô hôi lắm phải không? Ði tắm rồi xức nước hoa cho thơm nha cưng.
-          Bà đưa tôi vào bồn tắm. Bà pha nước ấm vào chậu. Bà ẵm tôi vào và để tôi đứng vào trong chậu. Hai tay tôi vịn lấy thành bồn tắm. Tôi được tắm quen rồi nên tôi ngoan ngoãn đứng yên cho bà tắm. Bà xoa shampoo cả người tôi. Bà lấy tay che mặt tôi vì bà sợ lỡ sơ ý bọt xà bông sẽ làm cay mắt tôi. Bà xối nước nóng cả người tôi cho sạch, tắm xong bà lấy khăn trắng lau khô người cho tôi và còn lấy máy xấy, xấy lông cho khô rồi xức nước hoa lên người tôi. Một mùi hương thơm thoảng nhẹ bao phủ người tôi. Tôi lim dim đôi mắt tỏ vẻ thích thú. Lúc chải đầu cho tôi, mẹ tôi khen tôi có đôi mắt đẹp. Tôi rất vui khi có ai khen đôi mắt to tròn và mơ mộng của tôi. Cám ơn trời đã cho tôi có một thân mình nhỏ nhắn xinh xinh với bộ lông dài mượt mà và đôi mắt tuyệt đẹp. Các bạn tôi cũng phải ganh tỵ với sắc đẹp của tôi. Tôi ngước mắt nhìn mẹ tôi và liếm vào tay bà như tỏ cho bà biết lòng biết ơn của tôi!
Tắm xong, tôi cảm thấy mát mẻ lạ thường và chạy nhảy khắp nhà. Mẹ tôi lại vỗ về tôi:
-          Ăn đi con. 4 ngày không chịu ăn gì hết. Ốm teo à.
Ðúng vậy, đã 4 ngày rồi tôi không ăn gì hết ngoài mấy miếng bánh như một phần thưởng mỗi lần tôi làm trò.
Hình như có ai đi làm về. Tôi chạy vội ra chờ ở cửa, cửa mở ra, tôi thấy anh An Phong về. Tôi mừng quá, chạy lại vẫy đuôi lia lịa, chạy tới chạy lui rồi còn trốn ở dưới gầm bàn để anh tìm tôi nữa chứ. Anh thương tôi lắm. Mới đầu khi gặp anh, anh không vồn vã như anh Anton. Nhưng tôi biết anh rất quan tâm và săn sóc tôi tận tình. Anh sợ tôi buồn nên buổi trưa hay những lúc chỉ có một mình anh và tôi, anh đã đưa tôi vào ngủ trong phòng của anh. Tôi nghe mẹ tôi nói đó là một điều lạ chưa bao giờ xảy ra, vì anh rất ư sạch sẽ nên không muốn ai lạ vào phòng anh. Thậm chí đôi khi anh còn cấm anh Anton vào phòng vì anh chê anh Anton hay bầy hầy. Vậy mà tôi được anh bế bồng, đùa giỡn và được ra vào phòng anh một cách tự do! Do đó mà tôi đã không ngại khi chơi trò cút bắt với anh. Mỗi khi anh đi làm về, vừa thấy tôi, anh bỏ cặp qua một bên, rồi cũng giỡn và giả vờ đi bắt tôi. Tôi sủa “gâu gâu”, ý muốn nói: “Ðố anh bắt được em đó!”
Rồi đến lượt bố nuôi tôi về. Tôi vội vàng chạy lại, nhảy lên mừng ông. Ông ôm lấy tôi và vuốt ve tôi. Ông vừa buông tôi ra, tôi chạy một mach như muốn chúi đầu vào tường, chạy đi lấy mấy đồ chơi, chạy lại với ông. Ông tưởng tôi đưa cho ông, nhưng tôi không đưa, chạy đi trốn vào gầm bàn y như tôi trốn anh An Phong vậy. Chạy giỡn nhiều quá tôi đâm ra đói bụng, nên tôi đến ăn thức ăn của tôi, ăn một hơi hết chén luôn. Cả nhà xúm lại nhìn tôi, mừng quá, nói với nhau:
- Thương chưa. Nó chịu ăn rồi!
Tôi ăn một hơi sạch bách luôn… Tôi không bỏ lơi một chút gì. Cả bánh cũng vậy. Tôi ăn một cách thật sạch, không làm bắn vãi ra nhà. Cả nhà thương nết ăn của tôi.
Tôi bắt đầu quen với nếp sống mới. Hai nếp sống. Nếp sống nào tôi cũng được ấp ủ tình thương. Tôi thầm cám ơn ba mẹ cũ đã nuôi nấng và dạy dỗ tôi từng chút từng chút một. Cái gì ông bà cũng dạy. Chính vì thế khi về nhà mới, tôi được khen là ngoan, là giỏi. Ông bố mới của tôi, tôi cứ tưởng là ông không thích tôi vì có lần ông nói: “Thích thì thích thật, nhưng nuôi thì không nuôi. Mà nuôi rồi thì thương lắm.” Đúng, ông thương tôi thật. Ông cũng ẵm và ve vuốt tôi và còn giỡn với tôi nữa. Một lần ông đang làm việc trong phòng, tôi len lén mở cửa đi vào. Ông không la, nhưng nhẹ nhàng nói với tôi đi ra. Nói đến tiếng nói tôi tức cười lắm. Khi ở nhà cũ, ba mẹ tôi là người Huế, nhưng khi nói với tôi thì nói bằng tiếng Anh. Về đây họ nói tiếng Anh với tôi, tôi hiểu chứ. Có khi còn nói tiếng Việt nữa. Nhưng vì lạ người, lạ nước nên tôi buồn và không có phản ứng thôi. Thấy tôi cứ vỉnh cái tai ra nhìn họ, nên tôi nghe họ nói với nhau:
-          Hay là mình nói tiếng Huế cho nó hiểu?
Ông chủ vui tính nên nói tiếng Anh bằng giọng Huế liền. Ông gọi tôi:
-          Ðệ dị. Cặm hịa!
Trời đất ơi, tôi có nghe ba mẹ cũ người Huế nói tiếng Anh bằng giọng Huế bao giờ đâu! Tôi phải căng cái tai ra mà vẫn chưa hiểu ông nói gì. Tôi cứ đứng tồng ngồng ra đó thôi. Anh An Tôn có lẽ biết tôi không hiểu nên anh gọi tôi:
-          Daisy, come here!
À thì ra ông gọi tôi lại với ông! Rõ khổ. Nếu mà tôi biết nói tiếng người thì tôi sẽ nói với ông:
- Ba ơi, nói giọng miền Bắc hay miền Nam con còn hiểu chứ ba nói bằng giọng miền Trung, con không hiểu gì đâu. Con ở với ba mẹ cũ 3 năm trời mà ông bà đâu nói tiếng Anh bằng giọng Huế cho con nghe đâu!
Bây giờ thì tôi quen nhà mới lắm rồi. Tôi ăn khi tôi đói. Tôi mừng khi có ai đi làm về. Suốt ngày chỉ có mẹ nuôi tôi và tôi ở nhà, nhà vắng lắm! Mẹ tôi suốt ngày ngồi trong phòng, trầm ngâm suy nghĩ điều gì đó và làm việc không buông tay. Thỉnh thoảng tôi đến khèo cửa phòng. Bà cho tôi vào hoặc cùng tôi xuống lầu để cho tôi đi vệ sinh hoặc thay nước cho tôi. Những lúc đó bà âu yếm nói chuyện hoặc giỡn với tôi hoặc thấy tôi ngoan bà thưởng cho tôi miếng bánh. Bà rất thích chụp hình tôi, rồi gửi hình tôi cho bạn bè. Hoặc mỗi lần bà điện thoại cho ai, trong câu chuyện bà luôn nói về tôi và khen tôi đủ thứ. Tôi cũng không lấy làm lạ tại sao bà thương tôi nhiều như vậy vì khi vào phòng bà tôi mới thấy có rất nhiều hình puppies (chó con), treo trên tường, trên lịch và trong computer của bà. Bà cũng có rất nhiều puppies nhồi bông khá đẹp. Nhưng tôi vẫn hãnh diện vì tôi là một con chó thật biết cảm nhận và biết đáp trả tình thương của những người trong nhà. Tôi còn biết đem niềm vui cho họ nữa qua những trò chơi mà họ muốn tôi làm. Có tôi, bà mẹ nuôi của tôi đỡ cô đơn hơn. Tôi biết bà cô đơn khi trong ngôi nhà cả ngày không có tiếng người. Vì thế, mỗi khi có người đi làm về, bà cũng như tôi vội vàng chạy ra mở cửa, bà vui mừng lắm.  
Tôi thầm cám ơn hai gia đình đã nuôi tôi, yêu thương săn sóc tôi và đã coi tôi như là một thành viên trong gia đình họ. Tuy nhiên tôi cũng có chút tự hào vì nhờ có sự hiện diện của tôi mà gia đình thêm tiếng cười rộn rã và mọi người gần gũi nhau hơn.
Tôi hết lòng cám ơn ba mẹ nuôi cũ, chị Trang và nhất là anh Bảo. Anh lúc nào cũng thương yêu tôi. Tôi nhớ anh Bảo lắm. Dù anh An Tôn thương tôi như anh Bảo, nhưng tôi không bao giờ quên anh và còn biết ơn anh nữa. Tôi luôn ghi khắc hình ảnh của mọi người trong trí nhớ của tôi mãi mãi. Tôi mong ba mẹ cũ và anh Bảo cứ an tâm vì xưa tôi được âu yếm và thương yêu bao nhiêu thì bây giờ ở gia đình mới này, tôi cũng được thương yêu vỗ về như vậy. Có khi còn hơn nữa. Ở nhà cũ, khi không có ông bà, tôi lén nằm trên sô-pha. Khi thấy ông bà tôi vội vàng nhảy xuống. Nhưng ở đây, ít nhất là hai lần, tôi cũng lén nằm trên sô-pha, hai tay ôm lấy cái gối. Mẹ tôi xuống, tôi hé hé nhìn bà định nhảy xuống. Nhưng khi bà thấy tôi ôm gối, bà thương quá nên để tôi nằm luôn, không nói năng gì. Nên tôi cũng làm thinh nằm luôn! Nếu ba mẹ cũ biết được, thế nào cũng la mẹ tôi vì cưng tôi quá tôi sẽ hư.
Ðấy, tôi được cưng như thế đó. Tôi muốn nhắn với ba mẹ cũ và anh Bảo rằng: “Ba mẹ, chị Trang và anh Bảo cứ an tâm. Con được thương yêu nhiều lắm. Con xin nhận căn nhà này là căn nhà tình thương thứ hai của con. Nhưng dù con có được tình thương nhiều cách mấy, con cũng không bao giờ quên cội nguồn, quên công ơn và những ấp ủ yêu thương của gia đình từ khi con chỉ là đứa con gái bé bỏng. Con khôn lớn và được như ngày hôm nay là do công ơn nuôi dưỡng và dạy dỗ của từng người trong gia đình. Xin nhận nơi con tấm lòng biết ơn tận đáy lòng con. Thể nào con cũng xin ba mẹ và anh An Tôn đem con về thăm gia đình. Ngày đó chắc gia đình vui lắm nhỉ. Con sẽ làm nhiều trò cũ và mới cho gia đình vui. Con sẽ nhõng nhẽo đòi từng người trong gia đình ẵm con trong vòng tay ấm áp và chứa chan yêu thương. Con mong ngày đó quá!”
Ngày 30 tháng 5 năm 2011.
Nghé Ngọ viết thay Daisy

No comments:

Post a Comment