Tản mạn về… Thằng Cuội
Mỗi dịp Trung Thu về, gọi là Tết Nhi Đồng, chắc hẳn rất ít người không biết ca khúc Thằng Cuội của NS Lê Thương: Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ. Cuội ơi! Ta nói Cuội nghe, ở cung trăng mãi làm chi?
Bài này khá xưa (vì không biết “xưa” là bao nhiêu năm) nhưng thực sự vẫn rất phổ biến. Giai điệu nhẹ nhàng, ý tưởng ngộ nghĩnh, rất thích hợp với nhi đồng. Ngày xưa, dù còn nhỏ (dĩ nhiên chưa hiểu hết) nhưng tôi cũng đã rất “ấn tượng” (theo nghĩa bình thường của một thiếu nhi) với ca khúc này. Lý do là tôi cứ cố gắng hiểu mà không thể hiểu thấu. Phải nói là ý tưởng thật “độc đáo” – với thâm ý khâm phục thực sự, mà chỉ ráng hiểu mà không hiểu, vậy mới “độc đáo”!
Tôi không biết rõ NS Lê Thương – cả thân thế và sự nghiệp, mà chỉ biết danh tiếng của ông. Thời đó mà ông viết được một ca khúc như vậy thì quả là tài và hiếm thấy. Không biết ông sáng tác ca khúc này lúc ông bao nhiêu tuổi, nhưng với ông chắc hẳn không có gì “ẩn ý”. Và cách nói thời đó tất nhiên còn “thô thiển”, vì quá chân thật (đúng ý nghĩa “chân thật” của sự chân thật). Ít nhiều ông cũng ảnh hưởng “chế độ quân chủ”, đó là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, nếu công tâm so với cách nói ngày nay thì thực sự có “khác” hơn nhiều.
“Khác” gì? Chúng ta thử nghĩ xem, cách gọi “thằng Cuội già” nghe có ổn không? Đã gọi là “thằng” mà lại “già”, rồi lại xưng mình là “ta”. Một em bé tuổi nhi đồng mà gọi “người lớn” là “thằng” và xưng “ta” thì đứa bé đó sẽ bị coi thế nào? Việt ngữ có một số từ “không đẹp” dành cho một đứa trẻ như vậy: Hư hỏng, hỗn láo, vô giáo dục, mất dạy,… Và tại sao gọi “thằng Cuội” mà lại gọi “chị Hằng”? Tất nhiên tôi không dám “phê bình” NS Lê Thương hoặc “lạm bàn” điều gì mà chỉ muốn nêu lên “thắc mắc” hoàn toàn mang tính cá nhân.
Nếu sống và sáng tác ca khúc “Thằng Cuội” ở thế kỷ này, thiết tưởng NS Lê Thương có thể sẽ “sửa” tựa bài hát là “Chú Cuội” hay “Anh Cuội”, và ca từ có thể là: Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có chàng Cuội già, ôm một mối mơ. Cuội ơi! Em nói Cuội nghe, ở cung trăng mãi làm chi?. Quả thật cũng nên “thay đổi” lắm, vì chúng ta vẫn muốn trẻ em ngoan ngoãn và lễ phép kia mà!
Các bạn nghĩ sao?
TRẦM THIÊN THU
Anh Thu nói cũng có lý lắm đó! Rất tiếc với những kiến thức phổ biến của những khám phá do phi thuyền không gian ngày nay, trong tâm não con nít 8,9 tuổi thì hình ảnh chú cuội chị Hằng đã đi vào huyền thoại rồi.
ReplyDeleteRất mến,
CT