Friday, August 20, 2010

Cảm nghiệm của anh chị Khuê Diệp.


Bất hạnh.


Năm 1975, gia đình tôi được nhận vào định cư ở Canada, một quốc gia nhỏ bé, đất rộng dân thưa (lúc bấy giờ chỉ có khoảng trên 20 triệu người), nhưng tình người thật hiền hòa và nồng ấm, đã sẵn sàng giang tay đón tiếp chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi vượt qua những khó khăn ban đầu để ngày nay có thể tiến lên gần như ngang hàng với họ.
Tôi, một thiếu niên 15 tuổi vừa mới đến toronto đã được nhận ngay vào học lớp 10 và 3 năm sau tốt nghiệp trung học. Tôi được một ít học bổng và vì gia đình nghèo, được vay đủ số tiền theo học đại học.
Tốt nghiệp đại học, tôi kiếm được việc làm và năm sau, tôi lập gia đình. Vợ chồng tương đắc, cùng nhau dự lễ Chúa Nhật, dấn thân hoạt động trong giáo xứ và luôn thầm nhắc nhau phải biết tạ ơn Chúa đã luôn ở bên cạnh ban phúc và nâng đỡ gia đình mình. Hai năm sau chúng tôi sinh hạ được một cháu trai kháu khỉnh, dễ thương, đặt tên Hạnh. Ông bà nội, ngoại thường xuyên đến nhà bồng bế chơi đùa và luôn miệng khen đứa cháu đẹp như thiên thần.
Khi cháu được mười hai tháng, một hôm, nhìn cháu đang chập chững bước đi, vợ tôi thốt lên: ‘Anh ơi, em thấy con mình không lớn thêm chút nào!’. Lúc đó tôi mới để ý, vội bế cháu vào phòng tắm để cân. Trọng lượng cûa cháu giữ nguyên như hồi mới tám tháng. Bỗng dưng hai vợ chồng cùng chảy nước mắt. Tôi an ûi vợ: hi vọng sự phát triển chỉ ngưng lại một thời gian ngắn rồi sẽ trở lại bình thường, em đừng lo!’ Chỉ một tháng sau, tóc cháu bắt đầu rụng. Chúng tôi đem cháu đến một số các bác sï danh tiếng khám nghiệm. Họ cho biết cháu bị một loại bệnh đặc biệt hiếm hoi, cháu sẽ rất thấp vào tuổi thành niên, còn tất cả các mặt khác đều phát triển bình thường.
Vợ tôi thường ôm con khóc ròng và trách móc Chúa tại sao lại đổ tai họa xuống trên gia đình mình, trên những người tốt và đặc biệt trên một đứa trẻ trong trắng vô tội. Tuy tôi không nói ra, tôi cũng thầm trách đấng tạo hóa âất công đã đem sự bất hạnh đến cho con tôi. Mỗi lần nghĩ đến tương lai mịt mù của cháu, chúng tôi không làm sao chịu đựng nổi! Chúng tôi lại trách móc, phàn nàn đấng tối cao đã quá nghiệt ngã.
Chúng tôi tìm được một bác sĩ nhi đồng chuyên nghiên cứu về sư tăng trưởng của trẻ em và chúng tôi đem cháu đến khám nghiệm, hi vọng có thể chữa trị được. Hai tháng sau, ông cho chúng tôi biết cháu bị bệnh ‘lão hóa’, sẽ không cao quá một thước, sẽ giống như một cụ già bé nhỏ trong lúc cháu chỉ còn là một đứa con nít và cháu sẽ qua đời trước tuổi vị thành niên. Đứng trước sự tuyệt vọng, chúng tôi chỉ còn biết than trời oán đất. Cứ nghĩ đến tương lai ngắn ngủi đầy bất trắc của cháu, những tia nhìn lạnh lùng của láng giềng, những lời nói đùa cợt vô tình của bạn bè cháu khi cháu bắt đầu có trí khôn, biết suy nghĩ… lòng chúng tôi lại quặn đau, thương cháu vô cùng.
Chúng tôi cũng quen biết nhiều cặp vợ chồng trong cộng đồng có con cái khuyết tật hay bị tai nạn bất ngờ và câu hỏi đưọc đặt ra mỗi lần gặp nhau là tại sao tai họa lại giáng xuống trên những người tốt? Một câu hỏi chưa ai trong chúng tôi trả lời được ổn thỏa.
Cháu chậm lớn, nhưng biết nói sớm, chạy nhảy lanh lẹ và điều chúng tôi không ngờ là cháu đã hòa đồng với bạn bè cùng lớp một cách dễ dàng. Chúng tôi chỉ biết dồn hết tình thương vào cháu, thỏa mãn những gì cháu thích. Chúng tôi chở cháu đi học giáo lý mỗi chiều thứ Bảy, học đàn dương cầm, cho cháu gia nhập đội bóng tròn. Cháu đã học đàn xuất sắc và tuy người nhỏ thó đã len lỏi đưa banh một cách tài tình, rất được bạn bè quí mến cảm phục và luôn được các phụ huynh đứng ngoài sân cỏ hoan hô cổ võ. ‘Hạnh, sút vào khung thành! Hạnh, sút!’, quả banh lọt lưới, tiếng vổ tay kéo dài không muốn dứt. Chúng tôi hãnh diện và thầm cám ơn một đất nước luôn dành ưu ái cho những người kém may mắn. Việc săn sóc, nâng đỡ, khuyến khích người khuyết tật được coi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách xã hội.
Vừa bước vào tuổi thứ 14 thì cháu qua đời. Chúng tôi rất đau buồn, nhưng cũng cảm thấy mãn nguyện vì Cháu đã can đảm chấp nhận và sống hết mình trong những ngày tháng trên trần thế. Cháu biết mình không được phát triển bình thường, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cháu than thân trách phận. Cháu luôn tươi cười và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè theo khà năng của mình. Cháu có thói quen cầu nguyện vài phút sau khi thức dậy và trưòc khi ngủ.
Lắng tâm suy nghĩ về đời sống của cháu Hạnh và của vợ chồng chúng tôi trong mười mấy năm qua: những bứt rứt khổ sở, những mặc cảm tội lỗi, những đền bù không bao giờ thấy đủ, chúng tôi đem ra bàn thảo với nhóm. Trong nhóm, có nhiều suy tư và ý nghĩ khác nhau: có người cho rằng mình bị Chúa trừng phạt vì mình làm một điều sai trái gì đó, có người cho rằng tai họa nầy là một cảnh cáo, là một bài học cho mình, có người cho răng đó là ý Chúa, chỉ biết nhắm mắt tuân theo. Những phản ứng khác nhau nầy đều có ẩn ý qui lỗi Chúa đã tạo sự khổ đau cho loài người!
Tôi nghĩ nếu Chúa muốn trừng phạt những người ác đôc ngay trên trần thế thì sẽ không còn kẻ ác và thế giới đã được an bình. Theo tôi, có thể Chúa đã không chọn lựa ai hay gia đình nào, tai nạn đến chỉ là một sự ngẩu nhiên và tôi tin rằng không có một gia đình nào hoàn hảo, không nặng thì nhẹ cũng có những điều không vừa ý xảy ra và thường xuyên oán trách Chúa vô tình.
Một năm sau cái chết của cháu Hạnh, tôi đã ý thức được sự việc rõ ràng qua đời sống của cháu. Bây giờ tôi mới nhận ra được Chúa không tạo sự bất hạnh cho tôi, ngược lại Chúa đã luôn ở bên cạnh để an ủi giúp đỡ tôi bằng cách thôi thúc những người chung quanh trợ giúp tôi trong lúc tôi mất niềm tin, suýt ngã quỵ. Tôi đã đứng vững được trong thời gian 13 năm cháu Hạnh bệnh hoạn nhờ những người hằng quan tâm đến gia đình chúng tôi. Một ông láng giềng đã làm tặng cháu một cái vợt tennis nhỏ, một bà biếu cháu một chiếc vĩ cầm làm bằng tay, một đứa bạn cho cháu một quả banh có chữ ký của một cầu thủ cháu ngưỡng mộ. Đặc biệt bạn bè trong đội túc cầu đã sát cánh bên cháu không nề hà tầm vóc nhỏ bé của cháu. Các giáo viên thường gọi về nhà khen cháu học giỏi, hạnh kiểm tốt. Đó là cách Chúa nhắc nhở rằng chúng tôi không cô đơn.
Riêng cháu Hạnh, tôi tin cháu đã phục vụ mục đích của Chúa, không phải bằng sự đau ốm triền miên mà bằng cách can đảm đương đầu với căn bệnh của mình. Cháu đã vui sống, đã có một đời sống trọn vẹn trong giới hạn của mình. Cháu đã cho chúng tôi một bài học: bài học can đảm chấp nhận và sống vui, sống tốt, sống xứng đáng từng giờ từng phút. Đời sống dài ngắn đối với Chúa nào có nghĩa lý gì.
Đã mấy năm qua, vợ tôi bề ngoài tỏ vẻ bình thản, nhưng trong thâm tâm vẫn chưa nguôi nỗi buồn, vẫn ân hận, vẫn tự trách mình tội lỗi, vẫn oán trách Chúa bất công, thân thể ngày một mòn mỏi. Bác sĩ bảo đây là bênh tinh thần. Ông giới thiệu cho chúng tôi một linh mục chuyên về tâm lý trị liệu, có văn phòng chữa trị riêng. Trong thời gian 6 tháng, mỗi tuần gặp ngài hai lần, vợ tôi mới từ từ lấy lại tự tin, biết chấp nhận Chúa chính là tình yêu, luôn tha thứ cho chúng ta. Chúng ta cần đáp trả Chúa bằng tình yêu thương Chúa, yêu thương nhân loại, bằng cách giúp đỡ, ủi an, tha thứ cho mọi người và trước tiên phảỉ tha thứ cho chính mình. Chỉ khi nào mình biết tự tha thứ cho mình, mình mới có thể phục hồi sự bình an và hài hòa trong tâm hồn, mới có thể mở lòng ra để tha thứ cho ngưởi khác và mới có khả năng chấp nhận một thế giới đầy bất công, đầy tội ác, đói khát, bệnh tật, động đất, sóng thần, một thế giới bất toàn...mà không còn oán trách Chúa.


Khuê Diệp

2 comments:

  1. Đọc BẤT HẠNH của anh chị Khuê-Diệp:
    Chúng ta hãy tưởng tượng trong một trận bóng đá, nếu không có một cầu thủ phạm lỗi (dù cố ý hay vô tình) thì không có những cú sút phạt. Và nếu vậy thì trận bóng đá sẽ chẳng có gì để xem. . .
    Thủy tưởng tượng: Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ này và đặc cho nó những quy luật của vạn vật, Thiên Chúa cũng lại ban cho con người sự tự do cùng với những bản năng của nó. . . Nhưng Thiên Chúa cũng chính là đường để cho con người đi theo đó mà sống bình an, dù có phải đau khổ hay bệnh tật. . . Có những người trúng số rồi không khá hơn mà sau đó lại khốn khổ hơn. . . Có những người trải qua đau khổ rồi sau đó lại nếm được men của hạnh phúc. . . Nếu không có đau khổ thì chắc gì con người ta đã biết thế nào là hạnh phúc. . . Chỉ khi người ta mất đi một cái gì đó người ta mới cảm thấy nó hết sức cần thiết đối với họ. . . Không khí có vẻ quá tầm thường nhưng thiếu nó chỉ sau 4, 5 phút người ta sẽ chết!
    Nếu toàn thể nhân loại cứ đi theo đúng con đường mà Thiên Chúa đã chỉ cho thì nhân loại sẽ có hạnh phúc. . . chúng ta sẽ cảm nghiệm được điều đó cũng như chị Phương trong bài HỒNG ÂN NỐI TIẾP NHỮNG HỒNG ÂN đã cảm nghiệm được rằng: Có thể chúng ta sẽ bị thua thiệt khi sống theo đúng Mười Điều Răn của Chúa, nhưng lòng chúng ta sẽ được thanh thản bình an!

    Vũ Thủy

    ReplyDelete
  2. Anh chị Khuê Diệp mến,

    Câu chuyện này tuy ngắn gọn nhưng lại mang một ý nghĩa tôn gíao rất quan trọng, theo đúng tinh thần kinh thánh đấy. Có thể được xem như một câu trả lời thỏa đáng cho rất nhiều người vẫn thường hay than thân trách phận, rồi phàn nàn Chúa đã đưa sự dữ, sự bất hạnh, sự đau khổ... đến cho mình. Chỉ cần mở phúc âm đọc lại đoạn những người hỏi Chúa về nguyên nhân tại sao anh chàng đó bị mù bẩm sinh. Có phải là do nó hay cha mẹ nó phạm tội mà bị hình phạt mù từ khi sinh hay không? Và Chúa đã trả lời rõ ràng là không phải bởi anh ta mà cũng chẳng phải bởi cha mẹ anh ta, nhưng tất cả là để làm sáng Chúa mà thôi. Như trong câu chuyện của anh chị, cả cha mẹ và cháu bé đều vui vẻ chấp nhận, sống yêu thương bác ái với những người chung quanh, càng mến Chúa yêu người hơn...đã khiến cho người khác nhìn thấy được đức tin mạnh mẽ nơi anh chị và cháu bé, và chính họ như thể đã nhìn được ít nhiều hình ảnh của Thiên Chúa chúng ta vậy.

    Cám ơn anh chị nhiều nhé đã chia sẻ một cảm nghiệm sống và rất xúc động.

    Rất mến,
    CT

    ReplyDelete