Thursday, December 9, 2010

NGƯỜI BẠN GIÀ - TRẦM THIÊN THU chuyển ngữ.

Người bạn già

Trước khi nhấn số, tôi biết sai nhưng tôi vẫn cứ nhấn. Điện thoại reo một lần, hai lần, rồi có người nhấc máy. Giọng đàn ông khàn khàn: “Anh gọi lộn số rồi”. Điện thoại cúp. Tôi lại nhấn gọi số cũ. Vẫn giọng đàn ông khàn khàn: “Tôi đã nói anh lộn số rồi mà”.
Sao ông ta lại biết tôi gọi lộn số? Lúc đó tôi làm việc ở phòng cảnh sát New York. Công việc của cảnh sát là điều tra – và quan tâm. Tôi gọi lại lần thứ ba. Vẫn giọng nam: “Thôi nhé! Lại vẫn là anh à?”. Tôi đáp: “Cháu đây. Cháu thắc mắc là làm sao ông biết cháu gọi lộn số khi cháu chưa nói gì?”. Ông ta nói nhanh: “Anh tự nghĩ ra”. Điện thoại cúp. Tôi không kịp nói gì thêm.
Tôi ngồi lặng lẽ với ống nghe nằm lơi lỏng ở tay. Tôi lại gọi lần nữa. Ông ta hỏi tôi: “Anh đã nghĩ ra chưa?”. Tôi nói: “Điều duy nhất cháu có thể nghĩ ra là… không có ai gọi cho ông”. Ông ta lạnh lùng: “Đủ rồi đó!”. Tôi khúc khích cười, rồi thản nhiên quay lại số cũ. Ông ta hỏi: “Bây giờ anh muốn gì?”. “Cháu nghĩ cháu gọi chỉ để… để chào ông thôi”. “Chào tôi? Tại sao?”. “À, nếu không có ai gọi cho ông thì cháu nghĩ cháu nên gọi cho ông”. “Được. Xin chào. Vậy anh là ai?”. “Cháu là Jennings Michael Burch”.
Cuối cùng thì tôi đã gọi được. Bây giờ đến lượt ông ta hiếu kỳ. Tôi cho ông ta biết tôi là ai và hỏi ông ta là ai. Ông ta thản nhiên: “Tôi là Adolf Meth, 88 tuổi. Suốt 20 năm qua tôi chưa bao giờ gọi lộn số nhiều lần như vậy”. Chúng tôi cùng cười to.
Chúng tôi nói chuyện được 10 phút. Adolf không vợ con, không bạn bè. Người thân của ông đã chết hết. Chúng tôi thấy có điều gì đó rất giống nhau. Ông ấy cũng đã từng làm cho phòng cảnh sát New York gần 40 năm. Ông kể cho tôi nghe thời ông là nhân viên điều hành thang máy, ông có vẻ quan tâm và thân thiện. Tôi hỏi tôi có thể gọi lại cho ông ấy hay không. Ông ngạc nhiên hỏi: “Tại sao anh muốn gọi cho tôi?”. “À, chúng ta có thể là bạn qua điện thoại, giống như bạn thư tín vậy mà”. Ông ta ngập ngừng, giọng có vẻ thăm dò: “Tôi không nghĩ là… tôi lại có bạn”.
Chiều hôm sau, tôi gọi cho ông. Vài ngày sau tôi vẫn gọi cho ông. Ông là người dễ nói chuyện. Ông kể về thế chiến I và II, tai nạn khí cầu máy Hindenburg và các sự kiện lịch sử khác. Lối kể chuyện gây ấn tượng. Tôi cho ông số điện thoại nhà và cơ quan để ông có thể gọi cho tôi khi ông muốn. Hầu như ngày nào ông cũng gọi.
Tôi không chỉ tử tế với ông già cô đơn đó. Nói chuyện với ông trở nên quan trọng đối với tôi, vì tôi cũng có một khoảng trống lớn trong cuộc sống. Lớn lên trong cảnh mồ côi và nhà từ thiện, tôi không biết cha mẹ là ai. Dần dần ông quan trọng như một người cha đối với tôi. Tôi nói về công việc và việc học tập của tôi tại lớp học ban đêm.
Ông Adolf đóng vai trò là người chỉ giáo. Khi thảo luận với ông về chuyện bất đồng ý kiến giữa tôi với cấp trên, tôi nói: “Cháu phải giải quyết với cấp trên”. Ông ôn tồn: “Sao vội thế? Hãy để cho mọi chuyện lắng xuống. Khi anh già bằng tuổi tôi thì anh sẽ thấy thời gian quan trọng lắm. Nếu mọi chuyện tệ hại hơn, anh có thể nói chuyện với cấp trên”.
Im lặng một lúc lâu, ông nhẹ giọng: “Tôi hiểu. Tôi sẽ nói với anh như nói với con trai của tôi. Tôi luôn muốn có một gia đình, có con cái. Anh còn quá trẻ nên chưa hiểu được cảm giác đó”. Không phải vậy. Tôi lại luôn muốn có một gia đình, có cha mẹ. Tôi không nói gì vì sợ rằng tôi không thể kiềm chế nỗi đau trong lòng đã quá lâu!
Một buổi tối nọ, ông Adolf nói sinh nhật thứ 89 của ông sắp tới. Tôi mua một miếng bìa cứng để tự làm thiệp sinh nhật tặng ông, với một chiếc bánh và 89 ngọn nến. Tôi hỏi ý kiến các bạn cảnh sát, ai cũng tán thành. Tôi có được gần 100 chữ ký. Tôi biết ông Adolf sẽ không đồng ý vậy.
Chúng tôi đã nói chuyện với nhau qua điện thoại được 4 tháng. Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt để gặp nhau. Tôi quyết định trao tấm thiệp sinh nhật tận tay ông. Tôi không cho ông biết tôi sẽ đến. Tôi chạy xe đến nhà ông vào buổi sáng. Tôi đến thì thấy bưu tá đang bỏ thư vào thùng thư trước cổng. Tim tôi đập rộn ràng. Chúng tôi có đồng cảm như khi nói chuyện qua điện thoại? Tôi hơi e ngại. Có thể ông sẽ xua đuổi tôi như cha mẹ tôi đã bỏ rơi tôi. Tôi gõ cửa. Không thấy ai ra, tôi lại gõ mạnh hơn.
Người đưa thư nói với tôi: “Không có ai đâu”. Tôi nói: “Tôi và ông ấy vẫn nói chuyện qua điện thoại mà”. “Anh là người thân hay là gì?”. “Không. Tôi chỉ là người quen”. Người đưa thư nhìn tôi: “Thật tiếc! Ông Adolf mới mất hôm kia”.
Ông Adolf chết ư? Tôi thực sự bất ngờ. Tôi đứng lặng người và không muốn tin điều tôi vừa nghe. Tôi cảm ơn người đưa thư và lặng lẽ bước đi dưới ánh nắng. Tôi đã khóc. Cái chết bất ngờ của ông làm tôi nhận ra rằng tình cảm của con người dành cho nhau rất quý. Tôi nhớ giọng ông nói và cách nói chuyện chân thành của ông.
Tôi đặt tấm thiệp vào hộp thư trước cổng nhà ông, nhìn lại căn nhà và thầm nói: “Ông Adolf ơi! Cháu không gọi lộn số đâu, cháu đã có ông rồi. Cầu mong ông thanh thản nơi cõi vĩnh hằng, ông nhé!”.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Catholic Digest)

1 comment:

  1. Một chuyện ngắn có ý nghĩa, đặc biệt đề cao sự quan trọng và cao quý của những mối liên hệ chân tình trong xã hội ngày nay. Tuy xã hội con người càng ngày càng đông nhưng những sự cảm thông chân thật như thế càng ngày lại càng hiếm.

    Cám ơn anh Thu đã chuyển ngữ bài này.

    Rất mến,
    CT

    ReplyDelete