10. THƠ CỦA “NGÒI BÚT NHỎ”
Trên Thi Ca Cầu nguyện , có ít thơ của Ngòi Bút Nhỏ. Nhiều số Thi Ca Cầu Nguyện
đăng lại bài của Ngòi Bút Nhỏ ở những số trước. Thí dụ: TCCN số 474 đăng lại bài số 318;
TCCN số 475 đăng lại bài số 319; TCCN số 479 đăng lài bài của số 323. TCCN số 487
đăng lại bài của số 331.
Tuy vậy, thơ cùa Ngòi Bút Nhỏ có những nét riêng và có sức hấp dẫn mà ít tác giả Thi
Ca Cấu Nguyện khác có được.
Mỗi bài thơ của Ngòi Bút Nhỏ đều có câu Kinh thánh đề từ. Những câu này được chọn
có ý thức và đặc biệt gây ấn tượng. Đọc một bài thơ của Ngòi Bút Nhỏ, người đọc phải đọc
đầy đủ câu Kinh thánh ấy thì ý tứ bài thơ mới trọn vẹn, nghĩa là câu đề từ cũng là một phần
máu thịt của bài thơ, bởi ý thơ khởi đi từ câu Kinh thánh ấy. Ngòi Bút Nhỏ trích dẫn khá
rộng. Đó là các sách Sáng Thế Ký, Huấn ca, Thánh vịnh, Isaia; Giê-rê-mi-a; Tân ước của
các thánh sử Matthêu, Macô, Luca, Gioan; trích thư Êphêsô,... Ngòi Bút Nhỏ không buộc
mình vào bài Kinh thánh Chúa nhật hàng tuần của Thi Ca Cầu Nguyện.
Thơ của Ngòi Bút Nhỏ hầu hết là “thơ cầu nguyện”, đúng với “tôn chỉ”của Thi Ca
Cầu Nguyện. Nhân vật Tôi suy niệm Kinh thánh rồi trò chuyện với Chúa, cầu xin Chúa
những ý nguyện của mình. Giọng thơ nhỏ nhẹ, rất gần gũi, rất thân tình, như hai người đang
bên nhau. Thiên Chúa là Cha, gần gũi lắm. Đức Giêsu là bạn người đồng hành trong mùa
gặt mới, cũng là người chia sẻ mọi niềm vui nỗi muồn, là người bao dung thứ tha mọi lỗi
lầm, là nguồn hạnh phúc của Tôi. Tôi luôn hân hoan reo vui trên đường dấn thân loan báo
Tin Mừng, vì đời Tôi đã có Chúa ở bên và tương lai có Chúa dìu dắt bảo vệ.
Những lời cầu nguyện như thế vừa rất riêng tư vừa chứa đựng tâm nguyện chung của
mọi tín hữu nên thơ chạm được đến chỗ sâu xa trong lòng người đọc. Điều đặc sắc là những
suy niệm và những lời cầu nguyện quen thuộc ấy lại được thể hiện bằng ngôn ngữ thơ mới
lạ so với các tác giả Thi Ca Cầu Nguyện khác. Ngòi Bút Nhỏ không dùng lại ngôn ngữ đã
được giáo huấn từ nhỏ (Ý, tình, lời đã cũ), không “lên mặt” đạo đức để dạy bảo, không cao
rao kêu gọi cổ vũ thực hành đạo đức...Lời cầu nguyện của Ngòi Bút Nhỏ là riêng tư, xuất
phát từ những gì mình “ngộ” ra khi được Lời Chúa soi sáng.
Xin đọc:
NHÀNH LIỄU VEN SÔNG
“Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ, ngự trên ngai của Người. Đó chính là Đức
Chúa. Người đã tạo dựng, đã thấy, đã đếm và làm cho khôn ngoan nổi bật trên mọi công
trình, nơi mọi phàm nhân, theo lòng quảng đại của Người, và Người đã rộng ban khôn
ngoan cho những ai yêu mến Người.”(Hc: 1, 8-10)
Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ
Ngự trên ngai của Người
Đó chính là Đức Chúa
Người đã tác tạo nên con
Và đã ban cho con một tấm linh hồn thơm thảo
Trên mọi công trình
Nơi mọi phàm nhân
Con nhận ra sự hiện diện của Ngài
Đấng khôn ngoan vượt trên muôn vàn trí hiểu!
Như nhành liễu ven sông
Con thấy trời mênh mông bát ngát
Xin hát dâng Ngài muôn khúc hát ngợi ca
Và một lòng thiết tha yêu mến!
Chúa đến bên con, sóng nước ngập bờ
Con ngờ đâu được chính Ngài thương đoái
Trí hiểu con được Đức Chúa ngự vào
Và hồn con trào dâng niềm cảm tạ
Bởi vì Đấng khôn ngoan đã ở với con rồi!
20/2/2017
Ngòi bút nhỏ
Thơ Ngòi Bút Nhỏ có nhiều cái lạ có tính thẩm mỹ và có sức hấp dẫn, trước hết là
cách đặt nhan đề thơ. Nhan đề có sức gợi hình ảnh, cảm xúc (tức là tạo ra một thế giới nghệ
thuật) và gợi trí tò mò của người đọc. Ngay ở yếu tố đầu tiên này của tác phẩm, Ngòi Bút
Nhỏ đã có ý thức sáng tạo. Thí dụ: nhan đề các bài Chiên và ánh trăng, Nhành liễu ven
sông, Con thuyền và dòng sông, Gió lộng tràn về, Gié lúa trổ bông, Lên đường đi gặt lúa,
Lời của hoa mặt trời, Hãy xỏ gươm vào bao, Giữa biển đời hung hãn...
Đọc thơ Ngòi Bút Nhỏ, người đọc có cảm giác tác giả viết rất tự nhiên, không gò bó
vào niêm luật hay vần gieo của các thể thơ. Nếu đối chiếu với thi luật, thơ Ngòi Bút Nhỏ có
nhiều chỗ sai vần, nhưng người đọc vẫn nhận ra đó là “thơ” đích thực. Yếu tố nào tạo ra
phẩm chất thẩm mỹ ấy? Nếu quan sát, người đọc sẽ nhận ra ngôn ngữ thơ của Ngòi Bút Nhỏ
giàu hình ảnh, giàu tính nhạc, chất giọng rất trẻ thơ, tác giả nói ra những điều hồn nhiên, và
đặc biệt là tâm hồn reo vui vì cảm nhận được Chúa đang ở bên, Chúa đang đồng hành với
mình trên mọi bước đường đời
Ôi, Giêsu!
Người đã đến bên con
Người đã đến bên con khi biển động
Người đã đến bên con cho gió lộng tràn về
Con bàng hoàng sợ hãi tưởng trong mơ
Nhưng bây giờ con tin, Người đã đến!
(Gió lộng tràn về)
Hôm nay, Người dắt tôi về
Cho hưởng tràn trề nguồn ánh sáng hân hoan!
Ôi, Đức Chúa! Đấng từ bi nhân hậu
Con chẳng có gì để dâng Chúa, Chúa ơi
Dám xin Ngài nhận nơi con lời hoan chúc
Cùng đất trời, con nhảy múa reo vui!
(Vui ngày trở lại)
Quan sát hai khổ thơ trên, bạn đọc sẽ thấy không có câu nào vần với câu nào, cũng
không theo một thể thơ nào quen thuộc. Thơ như một dòng chảy cuồn cuộn mạnh mẽ, hồn
thơ bay lên, bay lên; cảm xúc thơ dào dạt như các lớp sóng tràn. Cả thân xác, linh hồn, trí
khôn, cảm xúc của người làm thơ quyện vào nhau trong niềm hoan lạc, niềm say sưa tự do:
“Cùng đất trời, con nhảy múa reo vui”. Vâng, đó là “thơ”, là “sáng tạo”.
Tôi đã đọc hơn 70 bài thơ của Ngòi Bút Nhỏ. Nhiều bài được viết bằng “thi pháp”
của Thánh Vịnh (xin đọc các bài: Cho lòng con no thỏa, Tế phẩm dâng Ngài, Xuyên bóng
tối, Vui ngày trở lại...). Chúng ta biết rằng Thánh Vịnh ngập tràn mọi cung bậc cảm xúc.
Lời văn của Thánh vịnh có rất nhiều hình ảnh đẹp. Nội dung của Thánh Vịnh bày tỏ bao
nhiêu là nỗi niềm. Nhưng cô đọng vẫn là những lời cảm tạ, ngợi khen chúc tụng và tín thác
vào Thiên Chúa. Thơ của Ngòi Bút Nhỏ cũng được viết bằng những tâm tình đó, ngôn ngữ
giàu hình ảnh cảm xúc, khác với ngôn ngữ ý niệm, ngôn ngữ kinh sách của nhiều tác giả
khác. Tôi nghĩ cách viết của Ngòi Bút Nhỏ cũng là một hướng tìm tòi làm mới Thi Ca Cầu
Nguyện, góp phần làm mới thi ca Công giáo đương đại.
Nếu được chia sẻ, tôi xin ghi nhận điều này. Thơ Ngòi Bút Nhỏ reo vui trong niềm hân
hoan được sống bên Chúa (cảm xúc lãng mạn) nhưng thiếu sự sẻ chia với những phận người
cùng khổ của đời dâu bể (chất hiện thực), nên thơ là tiếng nói của Cái Tôi “đời dâng hiến”,
thơ chưa nói được tiếng lòng của vạn kiếp nhân sinh. Những bài thơ làm về sau đã bắt đầu
lặp lại ý, tứ, lời của những bài trước đó gần như một công thức. Tính hồn nhiên trẻ thơ của
Ngỏi Bút Nhỏ là một ưu điểm nhưng thiếu chiều sâu trải nghiệm khiến cho thơ của Ngòi
Bút Nhỏ không vượt lên được thành thơ tư tưởng, con đường sáng tạo của Ngòi Bút Nhỏ
chững lại. Điều này thật tiếc.
TẠM KẾT
Các tác giả còn đang sáng tác, con đường phía trước còn dài nên chưa thể kết luận
được điều gì. Tôi chỉ ghi nhận được đôi điều theo góc nhìn của riêng mình (góc nhìn sáng
tạo, theo lý luận văn học).
10 khuôn mặt thơ Thi Ca Cầu Nguyện phản ánh nội lực thật sung sức trong sáng tạo
của thơ Công giáo đương đại. Chỉ riêng bộ Diễn ca ba năm A, B, C của Lm Giuse Trần Việt
Hùng đã là 1095 bài thơ (17.520 câu thơ lục bát). Các tác giả của CLB Đồng Xanh Thơ và
CLB Thi Ca Cầu Nguyện sau 10 năm, mỗi người đã có trên 500 bài...và cả hai Câu lạc bộ
này đã có trên 5 vạn bài. Đó là một gia tài đồ sộ.
10 khuôn mặt Thi Ca Cầu Nguyện cũng thể hiện nhiều khuynh hướng sáng tác. Có
“Huấn ca”, “Diễn ca” truyền thống, nhưng còn có thơ “suy niệm”, thơ “cảm nghiệm”, “thơ
cầu nguyện” và thơ trữ tình (thơ thể hiện những tâm tình, những cảm nghiệm riêng của Cái
Tôi), nhiều tác giả còn sáng tác cả “thơ thế sự”.Trong mỗi khuynh hướng sáng tác ấy, đã có
những tác giả thành công nhất định.
Khuynh hướng lấy cảm hứng từ Kinh thánh là khuynh hướng chung, nhưng khám phá
Kinh Thánh và dùng Kinh thánh để “suy niệm” hay “cảm nghiệm” hoặc “cầu nguyện”, mỗi
tác giả có cách viết riêng. Có khi là “diễn ca” nội dung bài Kinh thánh (Chúa nhật và lễ
trọng) rồi từ đó nhận thức và đưa ra lời khuyên, lời kêu gọi, lời giáo huấn hay lời chia sẻ. Có
tác giả chỉ mượn chủ đề đoạn Kinh thánh rồi nương theo mà khai bút. Ngòi Bút Nhỏ dùng
đoạn Kinh thánh làm nội dung bài thơ, từ đó viết tiếp những nghĩ suy của chính lòng mình.
Ở khuynh hướng này, có người hiểu sâu đoạn Kinh thánh và có khám phá mới mẽ, nhưng
cũng có người chỉ viết lại những gì đã được Giáo hội dạy, viết như một công thức. Và có cả
những tác giả, đôi khi hiểu chưa đúng nội dung đoạn Kinh thánh mà mình diễn giải.
Về nghệ thuật. Những tác giả “thơ trữ tình” có lợi thế hơn về nghệ thuật thể hiện (Lm.
Cao Gia An, Thanh Hương, Ngòi Bút Nhỏ...), ngòi bút thỏa sức vẫy vùng trong thế giới
cảm xúc, khám phá vô hạn trong thế giới tưởng tượng, thâm nhập rất sâu đời dâu bể, và
hoan ca trong Thiên đàng rực rỡ tráng lệ của Kinh thánh. Thể Diễn ca, Huấn ca, “thơ suy
niệm” thường viết theo công thức. Nội dung, tình, ý, lời rất cũ, tức là dùng lại ý tứ đã được
học trong kinh lễ mà không sáng tạo. Những bài thơ như thế không đọng lại được trong lòng
người đọc.
Và trên một nền thơ đầy nội lực như thế, tôi đã thấy xuất hiện những chân dung thi
nhân, những người có khả năng đi tiếp con đường sáng tạo của Hàn Mạc Tử, Xuân Ly
Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng... để làm nên một thế hệ “nhà thơ Công giáo” mới, và
kiến tạo một nền thơ Công giáo hội nhập được với thơ ca dân tộc đương đại. Mừng lắm
thay. Xin tạ ơn Chúa.
Tháng thánh Giuse/ 2022
Friday, April 21, 2023
10. THƠ CỦA “NGÒI BÚT NHỎ”
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment