Tôi không chỉ có duyên gặp gỡ với Thi Sĩ Bùi Giáng, nhưng còn có duyên thân quen với một Văn Nhân Xứ Huế: Ông Trần Hát, giáo sư Anh Văn cấp 3 ở Huế. Trong biến cố 1975, gia đình Ông lánh nạn, chạy vào Sài Gòn, tạm trú ở nhà cô em vợ ở trong hẻm gần nhà tôi. Một hôm, tôi đã đóng cửa gian hàng, chuẩn bị lên lầu đi ngủ, bỗng con chó Luna sủa inh ỏi dồn dập, thò đầu vào khe cửa sắt. Tôi vội đi ra, nhìn qua khe cửa, thấy một Ông đang trải tấm ny lông trong góc sân, rồi ngồi dựa vào góc tường, hý hoáy viết. Điều đó cho tôi linh cảm: Ông không phải là một người ăn xin thường tình trên đường phố_ Tôi bèn mở cửa, ra gặp Ông, mở lời chào:" chào Anh " . Ông im lặng không nói gì. Tôi hỏi tiếp :" Anh ăn cơm chưa ?". Ông nói:" chưa ". Tôi nói :" Anh có cái hũ nào không, để tôi vào nhà lấy cơm, canh cho Anh " .Ông vội vàng đứng lên, nói :" để tôi chạy về nhà lấy hũ ". Tôi chờ Ông khoảng 10 phút, Ông trở lại với cái tô lớn và chiếc muỗng _ Và rồi từ hôm ấy, khi tôi vừa đóng cửa gian hàng, Ông lại ra góc sân nhà tôi với cái tô, muỗng trong túi xách, tôi tặng Ông một bữa tối đạm bạc : cơm, canh cá _ Sau đó, Ông miệt mài viết trong ánh sáng chập choạng của đèn đường, rồi ngủ qua đêm ở góc sân. Có lẽ, mỗi đêm Ông rời nhà với cái tô, muỗng, Ông nói cho vợ biết. Nên một hôm, tôi đang ngồi trò chuyện với Ông, thấy vợ Ông đến, nhìn Ông đang ăn, Chị im lặng không nói gì, tôi bèn hỏi thăm về Ông và gia cảnh Chị, và rồi được Chị tâm sự : Ông Xã tôi tên Trần Hát, trước 1975, Anh dạy Anh Văn cấp ba ở Huế, nhưng rồi biến cố 1975 xẩy đến, gia đình tôi 6 người : hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ, theo đoàn dân di tản vào Sài Gòn, ở trọ nhà em gái tôi trong hẻm gần đây. Anh ấy không tìm được việc làm, gia đình cô em cũng nghèo, không giúp chúng tôi được gì. Tôi phải đi bán vé số, Nhìn vợ con trong cảnh đói khổ mà bất lực, nên Anh hóa tâm thần. Nhưng Anh hiền lắm, ngày đêm im lặng, và vì ở nhà quá chật chội, nên Anh ra góc sân nhà chị để ngủ qua đêm ! _ Nhưng rồi, góc sân nhà tôi cũng không còn là chỗ trọ qua đêm của Giáo Sư Trần Hát nữa, khi căn nhà thuộc về chủ mới .
_ Tôi rất ư may mắn khi được quen biết với Thi Sĩ Bùi Giáng và Giáo Sư Trần Hát, vì cơn bão thời cuộc, cả hai trở nên tâm thần, nhưng tính cách hai người khác hẳn nhau: Giáo Sư Trần Hát ít nói, im lặng, thích viết, tối nào cũng vậy, sau khi ăn xong tô cơm, Ông lấy giấy viết ra và cặm cụi viết. Tôi không biết Ông viết những gì, vì thấy Ông nghiêm nghị, nên tôi không dám hỏi. Còn Bùi Giáng vui nhộn, tuy cũng không nói nhiều, nhưng nói câu nào làm tôi té cười ngặt nghẽo, rồi lại vào hẳn trong nhà ngồi dựa tường, nên tôi cũng dễ dàng thân tình hơn _Một hôm, Bùi Giáng đến vào buổi tối, lúc tôi sắp sửa dọn hàng, tôi nấn ná để Ông có thêm thời gian ngồi nghỉ ngơi, và khi nhìn đồng hồ đã 11 PM, tôi lại bên Ông nói nhẹ :" Thầy ơi, khuya rồi, con đã dọn xong hàng, Thầy về cho con đóng cửa ". Ông không thèm nói gì, hai mắt nhắm lại, ngửa cổ dựa vào tường.. Tôi nhắc lại lần hai, lần ba. Ông vẫn nhắm mắt, trả lời :" cho tau ngủ qua đêm ". Tôi hoảng hồn, cố năn nỉ:" Thầy ơi, không được đâu, Thầy về cho con đóng cửa, khuya lắm rồi" . Ông không nói gì nữa, nhưng không nhúc nhích ! Tôi lo lắng, suy nghĩ một hồi lâu, rồi bèn nghĩ ra kế và nói :" Thầy ơi, con năn nỉ Thầy mà Thầy không về, con đành phải lên lầu gọi " ông xã" con xuống._Vừa nghe đến hai từ " ông xã", Ông vội đứng lên, đi ra khỏi nhà_ Nhìn Ông đi vào bóng đêm của thành phố. Tôi thật cảm thương Ông, vì biết là Ông sẽ lang thang suốt đêm nơi vỉa hè, hoặc tìm một chỗ ngủ trong góc sân nào đó ! Nhưng tôi không dám cho Ông ở trong nhà qua đêm, vì nhà chỉ có ba mẹ con đàn bà, làm sao dám cho một Ông điên ở qua đêm !
Phượng Hoàng Sài Gòn
Hay lắm, không ngờ chị Phượng Hoàng lại có cơ duyên gặp gỡ những nhân vật này, và chị viết lại cũng rất hay đâu có kém cạnh gì các nhà văn. Cám ơn chị vì đã cho mọi người biết thêm về những tiền bối đáng kính này.
ReplyDeleteGiu-se Sướng