Saturday, March 9, 2013

Hắn - Trầm Thiên Thu.



Hắn
– Ê mày, hắn kìa!
– Chàng của mày đó.
Trinh kéo giọng:
– Hổng dám đâu!
Hai đứa phá lên cười. Con gái thường “tinh ranh” và “quậy” không kém gì con trai, nhất là những lúc chỉ có riêng họ.
Hằng và Trinh học chung lớp. Nhà gần nhau, Hằng vẫn sang nhà Trinh cùng học. Chiều chiều, hai đứa ngồi tán dóc sau khi làm bài xong. Họ “phát hiện” một anh chàng thường ngày đi ngang qua trên chiếc xe “màu thời gian” trông rất… tội nghiệp. Đủng đỉnh và nghiêm trang như một vị chân tu. Trời nắng cũng như trời mưa, hắn cứ giữ tốc độ đều đặn. Có khi Hằng và Trinh cố ý cười hoặc nói lớn, thậm chí còn gọi “anh thời gian ơi” mà hắn vẫn “phớt tỉnh Ăng-lê”, coi như “không có gì đặc biệt dưới vòm trời này”. Chẳng biết tên tuổi, không biết lý lịch trích ngang của hắn ra sao. Con trai ít nói thì gợi tính tò mò của con gái. Chàng nào ba hoa thì các nàng “cắt đuôi” sớm, bỏ của chạy lấy người, gài số “de” lẹ. Đời có những điều “trớ trêu” vậy đó!
Trinh đẹp sắc xảo, gia đình khá giả, chưng diện “mắc tiền” hơn bằng những thứ “hàng hiệu”. Hằng mồ côi từ nhỏ, sống với dì ruột, nên Hằng không dám “trèo cao”. Có lẽ vì vậy mà Hằng càng dễ thương hơn với nét nhu mì, hiền thục, duyên dáng, dịu dàng “thiên phú”. Phải rồi, Hằng rất “con gái”. Tuy nhiên, cả hai không có gì mâu thuẫn dù Trinh hiếu động, còn Hằng trầm mặc và thường đăm chiêu nhìn về dĩ vãng xa ngái…
Hằng chỉ biết mặt Ba qua tấm hình Má giữ làm kỷ niệm, và cũng là di ảnh cuối cùng của Ba. Nghe Má kể rằng Ba là dân “taru” (tu ra, tu xuất), có “gốc tu” nên ngăn nắp, gọn gàng, hiền lành, chân thật, người tầm thước và điển trai, hơn Má 5 tuổi. Ba Má thương nhau lắm. Cưới nhau rồi, Ba vẫn tiếp tục học đại học. Ra trường, Ba trở thành kỹ sư xây dựng và thường phải đi công tác xa. Không may Ba bị chết trong một vụ tai nạn lao động. Má phải tảo tần nuôi con thơ. Bảy tuổi đầu, Hằng lại mất luôn người Mẹ thân yêu nhất trên đời. Má chết trong vụ lật xe ở đèo Bảo Lộc. Mười một năm qua nhanh như một thoáng chiêm bao.
– Mày lại khóc rồi.
Hằng lau nước mắt. Trinh nói tiếp:
– Mày khóc cũng chẳng lợi lộc gì. Ai cũng có những lúc buồn, thậm chí rất buồn, nhưng phải cố vượt qua mà sống. Người chết yên phận rồi. Tao chẳng giúp gì hơn được cho mày. Hay là… mày qua đây ở với tao đi, Hằng!
Hằng trầm giọng:
– Đâu được. Còn mẹ con dì Phương nữa. Nhờ dì mà tao mới được như hiện nay. Không lẽ lúc bơ vơ, tao được dì đùm bọc, nâng đỡ, giờ tao lại…
– Ờ há!
– Tao không biết phải làm gì sau khi học xong để phần nào giúp đỡ dì nữa.
– Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Hơi đâu mà lo cho tổn thọ.
– Thôi, muộn rồi, tao về nghe!
o0o
Cuối cùng Hằng và Trinh cũng biết được lai lịch của hắn.
Thiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Bách khoa. Họ đã quen nhau trong một dịp sinh nhật anh Vương, người anh họ của Trinh. Thiện không đi tu nhưng nhìn tướng rất… tu, dễ tưởng là tu sĩ lắm. Thiện chịu khó đi lễ, tích tham gia sinh hoạt giới trẻ, ca đoàn, và các hoạt động tôn giáo trong giáo xứ nơi anh trọ học.
Hai mẹ con dì Phương đến nhà cô chủ nhiệm của em Liên. Hơn 6 giờ chiều rồi mà mẹ con dì vẫn chưa về. Hằng mở radio thì chương trình ca nhạc đang phát bài Con Thuyền Không Bến của Nhạc sĩ Đặng Thế Phong: Đêm nay Thu sang cùng heo may, đêm nay sương lam mờ chân mây, thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng, như nhớ thương ai chùng tơ lòng… Tiếng hát nhẹ vang lên dặt dìu theo giai điệu êm đềm, chuyển tải lời ca man mác buồn. Cuộc đời đôi khi chẳng khác gì một con thuyền không bến!
– Mơ mộng gì mà đăm chiêu vậy, cô nương?
Tiếng nhỏ Trinh làm Hằng… hết hồn. Rồi Hằng lại muốn “đứng tim” khi thấy có cả hắn nữa. Chúa ơi! Không dưng sao mà… ru… un quá đi! Những rung động đầu đời vây quanh làm cho Hằng lúng túng. Hằng lí nhí:
– Anh Thiện… và Trinh… đến chơi.
– Làm gì như khỉ mắc phong vậy?
Thiện chỉ lặng cười. Trinh thao thao bất tuyệt. Mấy người lí lắc ham… nói, nhưng đôi khi cũng thực sự có lợi trong những trường hợp như thế này. Sau một hơi nói dài như dòng sông Mississipi, Trinh kết thúc:
– Xong bổn phận. Tiểu muội xin cáo từ để “chư vị” tự do “đàm luận”.
Cờ ở thế bí. Domino triệt buộc. Hết nước. Hằng nói như nói cho chính mình nghe:
– Mời anh… ngồi chơi.
– Được rồi. Hằng cứ để tôi tự nhiên. Có gì đâu mà khách sáo. Mà sao Hằng lúng túng quá vậy?
– Anh đến bất ngờ quá, Hằng không kịp chuẩn bị gì cả.
– Lẽ ra tôi phải báo trước mới phải. Nhưng ngày mai tôi đi sớm rồi, sợ không gặp được Hằng. Tôi đưa đến cho Hằng cuốn sách mà Hằng nhờ mua. Nhưng tìm hoài không ra, tôi mua cuốn “Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống” của dịch giả Nguyễn Hiến Lê. Đọc được lắm.
– Dạ. Ngày mai anh về quê hả?
Thiện gật đầu, giọng buồn buồn:
– Có thể về luôn.
– Sao vậy anh? Anh chỉ còn năm cuối mà?
– Biết sao được khi hoàn cảnh không cho phép. Lực bất tòng tâm.
Trời ơi! Cuộc đời khắc nghiệt đến vậy sao? Không ngờ hoàn cảnh của Thiện cũng khó khăn không kém. Thậm chí còn là nghịch cảnh nữa. Vừa chớm biết yêu, đời con gái bắt đầu nếm vị ngọt tình yêu thì cũng là lúc con tim nếm vị đắng. Chợt buồn và dỗi hờn vô cớ. Lây nhiễm nỗi buồn từ ai?
– À, dì không có nhà sao, Hằng?
– Dạ. Dì em đi công chuyện.
– Hằng thích đọc cuốn này chứ?
– Dạ. Em cũng thích loại sách học làm người. Anh về quê, chừng nào trở lại?
– Làm sao biết trước được. Để về xem sao đã. Nếu có cơ hội, tôi sẽ cố gắng hết sức.
Hằng im lặng. Biết bao giờ có cơ hội hả anh? Có khi dịp may chỉ đến một lần. Chỉ một lần thôi, anh ơi! Bao ngày anh đã ngang qua ngõ nhà, bây giờ… Vâng, bây giờ anh lại ngang qua ngõ hồn em. Thời áo trắng sắp qua. Sau niên học cuối cấp này, em cũng chưa biết mình ra sao nữa. Tình yêu là gì vậy anh? Anh đi rồi còn có nghĩ đến khu phố nhỏ này không? Hay là…
Những tư tưởng cứ đan xen nhau trong trí óc Hằng. Hình như Hằng không nghe thấy, và Hằng cũng không muốn nghe khi Thiện nói lời từ giã:
– Hằng cố gắng học. Nếu có điều kiện, hy vọng khi trở lại đây, tôi được nhìn thấy Hằng đã là một cô giáo như Hằng vẫn mơ ước, Hằng nhé!
Cuộc chia tay nào cũng để lại lưu luyến, bâng khuâng…
o0o
Hằng nhẩm đi nhẩm lại mấy câu thơ của thi sĩ nào đó đã viết:
Rồi ai cũng thấy cô đơn
Khi trời vương nắng hoàng hôn màu buồn
Nhìn bóng mình ngã trên đường
Ngỡ rằng người chợt nhớ thương tìm về
Cây đã thay lá năm lần rồi. Anh vẫn biệt tăm. Nỗi buồn kỳ lạ và khó tả. Hằng nói với chính mình: “Anh chưa có dịp trở lại hay anh không muốn? Bây giờ em có thể hiểu hết ý nghĩa cuốn sách anh mua tặng em ngày anh về quê. Như vậy là em còn may mắn hơn anh là được học xong đại học. Còn anh bây giờ ra sao? Em rất nhớ anh mỗi khi giảng bài cho học sinh. Vâng, em đã là cô giáo. Ước mơ của em, và cũng là ước mơ anh dành cho em, đã trở thành hiện thực. Em vẫn luôn tin có một ngày anh trở lại, dù em biết hy vọng đó rất mơ hồ. Khoảng trống trong em mênh mông quá! Em có thể làm gì cho anh? Có ai thuộc và hiểu hết bài học chờ đợi đâu anh. Thời gian lúc nào cũng rất vô tình…
– Thưa cô, cô có thư.
– Cảm ơn em.
Hằng vội mở lá thư. Anh “trở về” thật đúng lúc, và cũng đúng như lời anh đã hứa năm nào. Vậy là em đã không uổng công chờ đợi. Cảm ơn anh!
…, ngày… tháng… năm…
Hằng mến,
Vậy là em đã là cô giáo. Lúc này em đang đứng lớp hay ở nhà? Còn Trinh thế nào? Em cho anh biết tin nhé!
Anh sẽ trở lại thành phố để học lại năm cuối mà anh đã phải bỏ dở. Đầu niên học này, khi em cùng học sinh tựu trường, anh sẽ có mặt ở thành phố.
Em và anh đều gặp nghịch cảnh, nhưng không vì thế mà nản chí sờn lòng. Anomy Mour nói: “Con đường hay nhất để thoát gian khổ là đi xuyên qua nó”. Giữ vững lòng tin và có nghị lực, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Điều gì cũng có tính khả thi riêng của nó. Em đồng ý với anh chứ?
Đừng buồn nhiều. Hãy vững lòng tin vào Lòng Chúa Thương Xót. Hãy ngước nhìn lên cao và nhìn về phía trước. Cánh diều bay cao vút là nhờ gió thổi ngược. Chính Chúa Giêsu phải chịu chết rồi mới phục sinh khải hoàn kia mà. Thời gian dẫu vô tình nhưng lại rất cần thiết. KHÔN hay DẠI đều chết, chỉ những ai BIẾT mới sống. Chính gian truân tôi luyện người ta thành nhân, em ạ!
Hẹn gặp lại em.
Thân ái,
Nguyễn Hùng Thiện
Hằng khoan thai đứng dậy. Nắng ngập sân trường. Nụ cười tươi nở trên đôi môi cô giáo trẻ. Tiếng trống vào học đưa Hằng về thực tại với công việc. Từ văn phòng tới lớp, trong đầu Hằng cứ âm vang lời ca: “Say you will, say you will be mine…”. Hằng thầm tạ ơn Chúa vô cùng, dù trông lên chẳng bằng ai. Hằng nhớ lời Chúa Giêsu đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Tôi êm ái, và gánh Tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30), và Hằng thành tâm cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin nâng đỡ và thánh hóa chúng con, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

TRẦM THIÊN THU

No comments:

Post a Comment