Ký ức về THẦY
Bản tính nó nghịch ngợm nhưng nhút nhát. Hình như đó là định luật bù trừ. Chạy nhảy suốt ngày như chim, nó không ngồi yên lúc nào. Thậm chí, đi học về là vứt cặp đó, mắt trước mắt sau là “biến” ngay. Ai cũng nói nó tuổi Heo mà như Ngựa vậy. Chắc là Heo rừng hoặc Heo mọi gì đó nên mới “đi hoang” như thế. Số nó lận đận là cái chắc!
Quả thật, nó lận đận y boong! Thầy bói nói không sai. Người thì nói chữ nó đẹp nên “đào hoa”. Người thì nói nó đàn-ông-tính, nhiều cô sẽ “khổ” vì thương thầm. Người lại nói nó thoát chết 3 lần sẽ sống thọ, nhưng có khá cũng phải ngoài 40. Nói chung là trăm đường lận đận. Tính nó “gàn bát sách” lắm. Khí khái cũng khỏi chê, đôi khi bị hiểu lầm là kiêu ngạo nữa.
Từ ngày còn học phổ thông, thầy và các bạn thường gọi nó là Nguyễn Đình Chiểu vì trán nó thoáng nét nhăn dù còn trẻ tuổi, nhìn nó có vẻ điềm đạm như một ông đồ vậy.
Hôm đó, thầy đến cửa lớp mà nó vẫn còn thao thao “giảng”:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều như thế, nói lên “quy luật muôn đời”: Tài mệnh tương đố. Các chàng có tài và các nàng có sắc đều phải… “tỉnh thức”. Vì sao lại như thế? Ai có thể phát biểu?
Cả lớp cười ồ. Nó ra vẻ nghiêm nghị:
– Trật tự trong giờ học.
Cả lớp nhìn nhau và lại cười ồ. Chợt 74 con mắt “đồng quy” về phía cửa ra vào. Thầy! Nó vụt xuống chỗ ngồi. Thầy đi từ trên xuống cuối lớp rồi lại chậm rãi đi lên, không nói gì. Cả lớp “nín thở”, tưởng chừng nghe được tiếng vỗ cánh của một… con ruồi. Xong!
Thầy là một “típ” người nghiêm khắc mặc dù có những lúc vui vẻ mang một chút hài hước. Nơi thầy toát ra vẻ gì đó khiến học trò nể sợ. Thầy bôn ba sống không khác một lãng nhân. Có lẽ cuộc sống vất vả nhiều nên thầy “khô” như thế. Tên thầy cũng đủ nói lên bản chất riêng của thầy. Còn nó hoạt bát, hiếu động nên nó chẳng ưa gì những ai khó tính và lầm lì, dù là thầy. Một hôm, thầy hỏi ai viết mấy câu Kiều trên bảng. Cả lớp nín thinh. Nhìn nét chữ, ai cũng đoán ra nó. Và cũng chỉ có nó mới “liều” như vậy. Nguyên văn còn đó:
Quá niên trạc ngoại “ba lăm”
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
VIỄN DU
Nó đã sửa chữ tứ tuần thành ba lăm cho ra vẻ “lâm li bi đát”, và tên Nguyễn Du thành Viễn Du cho thích hợp. Chúa liều! Thực ra nó đùa vui chứ chẳng có tâm địa xấu gì cho cam, và nó cũng không hề cố ý coi thầy là Mã Giám Sinh. Bạn bè đều biết nó thẳng như ruột ngựa. Dĩ nhiên nó không thể không nhận lỗi. Thầy “mo-ran” cho nó “te tua”. Nó cúi mặt thấy thương! Thầy bắt nó đứng ngoài lớp và lên văn phòng làm kiểm điểm. Con sâu làm rầu nồi canh. Cả lớp phải “vạ” lây. Từ đó nó càng không ưa thầy. Có lúc nó cầu cho thầy… trúng gió hoặc bị tai nạn (nhẹ thôi) để được nghỉ tiết học hôm nào đó. Nó sẽ là người sướng nhất vì nó đỡ… khổ!
Phải công nhận là thầy khó, khó đủ thứ. Khi thầy viết lên bảng, không thấy ai viết vào tập, thầy liền la: “Làm gì ngây như chú Tàu nghe kèn vậy?”. Khi lớp lục tục viết bài, thầy lại mắng: “Vẹt! Nghe giảng. Hiểu đã. Ghi sau”. Khi bạn “bí” bài, nhắc bạn thì thầy quở: “Đừng xen vào chuyện của hàng xóm”. Khi không nhắc, thầy lại trách: “Không có tình đoàn kết”. Ôi, đủ thứ chuyện trên đời! Sao cũng bị thầy trách. Nó “quậy” hơn nên thầy “quan tâm” hơn. Và, dĩ nhiên, nó “khó chịu” nhất là cái chắc rồi.
Có lần nó bệnh nặng, nghỉ học cả gần tháng nay. Mẹ lo chạy đủ thứ thuốc, hết thuốc Nam sang thuốc Bắc, rồi thuốc Tây, vì mẹ vẫn nói: “Có bệnh vái tứ phương”. Mẹ còn để linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót ở ngay đầu giường nó, và ngày nào mẹ cũng lần Chuỗi Lòng Thương Xót và Chuỗi Mân Côi đẩ cầu nguyện cho nó mau bình phục. Bạn bè đến thăm và nói là thầy nhắc nó, nó nói với giọng “phớt tỉnh Ăng-lê”:
– Dẹp đi. Đừng nhắc tới ổng ở đây.
Một tuần. Bệnh nó chỉ thuyên giảm chút ít. Nó lơ mơ nghe tiếng mẹ:
– Thưa thầy, hôm nay thay thuốc, thấy cháu có khá hơn.
Nó mở mắt, không phải mơ. Thầy đang mỉm cười nhìn nó:
– Sơn, em khỏe nhiều rồi chứ? Ráng tịnh dưỡng, mau khỏi, đi học với các bạn nha!
Nó chỉ khẽ thưa:
– Dạ.
Nó miên man suy nghĩ. Thầy biết nó ngang bướng tuổi mới lớn, luôn cho mình là đúng, luôn nghĩ mình là “cái rốn của vũ trụ”, nên thầy không giận nó? Thầy tâm lý quá! Có lẽ nó nghĩ sai về thầy? Những ý nghĩ đan nhau làm nó nhức đầu. Nó chợt thiếp ngủ. Và trong giấc mơ, nó thấy thầy bị tai nạn khi giúp nó vượt qua một nguy hiểm. Nó bật khóc khi thấy mặt thầy đầy máu. Nó nức nở:
– Thầy… thầy…
Mẹ nó chạy vào:
– Con sao vậy?
Nó lắc đầu, và hỏi:
– Thầy về lâu chưa mẹ?
– Về lâu rồi. Thầy mua cho con cam và 10 gói cháo gà ăn liền kìa.
Nó cảm thấy hổ thẹn và xốn xang trong lòng. Chiều dần xuống. Ánh nắng vàng võ đầy sân ngoài kia khiến nó bâng khuâng. Mẹ bảo nó “ốm lớn”. Nó miên man nghĩ đến thầy, đến các bạn…
o0o
No comments:
Post a Comment