Tuesday, November 1, 2011

CHUYỆN HAI NGƯỜI PHỤ NỮ ĐỘC THÂN

Tùy bút của Vũ Thủy

Có hai người phụ nữ độc thân, một người đã ngoài bảy mươi còn người kia thì mới ngót bốn chục, cả hai đều là những người yếu đuối bệnh tật.
Trong một dịp đầu xuân, người phụ nữ lớn tuổi đến chơi nhà người phụ nữ trẻ. Hai người kéo nhau ra một góc nhà trò chuyện to nhỏ, họ thỉnh thoảng phải dừng câu chuyện. Khách đến thăm gia đình này từ sáng đến trưa khá đông. Dường như đã thành một cái lệ, sau khi chúc tuổi chuyện vãn với chủ nhà xong, ai cũng ghé vào hỏi thăm người phụ nữ trẻ dăm ba câu rồi mới ra về. Lại cũng không ít kẻ ghé vào xin ăn. Người phụ nữ lớn tuổi hơn bảo người phụ nữ trẻ:
-Này! Tôi thấy cô nãy giờ được người ta lì xì cho khá nhiều tiền, người ta vì thấy cô bệnh hoạn mà thương tình giúp đỡ, nhưng sao cô lại đem cho hết cả? Cô không dành dụm một chút để phòng khi trở bệnh hay sao?
Người phụ nữ trẻ đáp:
-Cháu đã đau ốm hai mươi năm nay rồi, cũng chẳng có thuốc gì chữa khỏi! Vả lại, số tiền này có để dành thì cũng chẳng thấm vào đâu khi bệnh trở nặng! Cháu thấy mấy người kia tuy khỏe mạnh lại không có tiền mua thức ăn, trong khi cháu cầm số tiền này lại không chữa được bệnh. Chi bằng đưa cho người ta mua thức ăn sống qua ngày, biết đâu sau này họ làm ăn khấm khá lên thì sao?
Người phụ nữ lớn tuổi nói:
-Nhưng ít nhất cô cũng phải dằn túi một ít chứ!
Người phụ nữ trẻ cười vô tư:
-Nếu cháu để dành được Sáu trăm nghìn tiền lì xì này, thì rồi cháu sẽ lại cố tìm cách để có Một triệu đồng... Có Một triệu rồi thì cháu lại muốn có Hai triệu... Cháu biết bản tính mình nó thế! Rồi một khi cháu có được Năm triệu đồng, cháu sẽ gởi ngân hàng để kiếm lời. Gởi vào ngân hàng thì lại sợ ngân hàng bị phá sản, tiền mình sẽ mất! Nhưng giữ tiền thì phải khư khư chùm chìa khóa riêng. Rồi lại không có tiền lời, để tiền trong túi nó bứt rứt lắm! Cháu đã từng như vậy rồi! Có đêm cháu không ngủ được vì cứ nhẩm tính trong đầu xem nếu mình gởi tiền vào ngân hàng thì mỗi tháng có bao nhiêu tiền lời. Những con số tiền lời đang nhẩm tính trong đầu toàn là số thập phân, rất khó cộng trừ, những con số cứ lởn vởn trong đầu không sao ngủ được. Trong khi tiền thì chưa có để mà gởi ngân hàng... Bây giờ cháu chả tính toán gì nữa! Vậy mà lại khỏe, ăn ngủ tới sáng, cũng ít ốm đau hơn bà ạ!
-Cô cứ nói thế, chứ cô ăn bằng gì? Tiền đâu mà mua thuốc?
Người phụ nữ trẻ lại cười:
-Bác sĩ có cho toa đâu mà mua! Mỗi lần đi khám bác sĩ, cháu thường nghe mấy ông bác sĩ bảo “Bệnh cô nó thế rồi, không có thuốc gì...”, Còn ăn thì cơm ngày hai bữa bố mẹ cháu lo cho rồi!
Người phụ nữ lớn tuổi lườm cô ta:
-Thế nhỡ bố mẹ cô qua đời thì ai nuôi cô?
-Chẳng lẽ anh chị em cháu lại không cho cháu ngày hai bữa sao? Mà nếu họ không thương cháu, bỏ mặc cháu, thì hàng xóm láng giềng sẽ tội nghiệp mà cho... Nói đùa thế thôi, chứ cháu tin rằng Chúa quan phòng sẽ lo cho cháu, bà ạ!
Người phụ nữ lớn tuổi có tiếng là khôn ngoan, giỏi tính toán trong số các bà cô không chồng ở cái vùng ấy. Những phụ nữ độc thân ở vùng này gắn bó với nhau ghê lắm, vì là những người đồng cảnh ngộ, họ lo cho nhau thế đấy.

Ngày nọ, sau đám tang của một bà giáo độc thân trong vùng vừa mới qua đời vì căn bệnh ung thư, họ tụm lại “trà dư tửu hậu” tại nhà người phụ nữ lớn tuổi. Cái chết của bà giáo khiến cho những người còn lại trong nhóm phải suy nghĩ ít nhiều. Họ nói cho nhau nghe những điều mình trăn trở, và hỏi nhau xem có ai biết bà giáo kia đã quyết toán cuộc đời của bà ấy ra sao không. Người phụ nữ trẻ lắng nghe tất cả, những thông tin về nội bộ trong họ hàng huyết tộc của bà giáo thật là phong phú! Thời bao cấp, người ta cứ bảo nghèo nhất là nhà giáo, ấy thế mà ngoài nửa căn nhà đứng tên chung với thằng cháu gọi bằng cô, bà giáo còn cả một sổ tiết kiệm trị giá đến mấy chục triệu. Chưa kể số tiền phúng điếu, nghe đâu thằng cháu chi trả đám ma xong vẫn còn đủ tiền để thanh toán viện phí cho bà cô. Nghe xong, người phụ nữ lớn tuổi chép miệng:
-Thế thì... phải gởi số tiền tiết kiệm ấy vào mấy chỗ từ thiện, “mí lại”phải xin lễ cầu nguyện cho bà giáo, để bà ấy có công trong sổ Thiên đàng chứ lỵ... tớ thì tớ làm thế!
Người phụ nữ trẻ mỉm cười ý nhị:
-Bà nói thế, cháu không có đồng nào thì cháu không vào Thiên đàng được ư!
Người phụ nữ lớn tuổi lườm cô ta:
-Cô cứ đùa thế là không được đâu!
Cả nhóm hội độc thân nhìn người phụ nữ trẻ như thể cô ta là kẻ chống phá Giáo hội vậy, họ đều nhất trí với người phụ nữ lớn tuổi. Họ rủ nhau đến khuyên thằng cháu của bà giáo lo liệu cho sớm, kẻo bà cô ở trong lửa luyện tội lâu ngày phải chịu nóng nẩy!

Người phụ nữ lớn tuổi chuyên chăm làm từ thiện lắm! Nghe tin ở đâu có người ốm đau bệnh hoạn, bà sốt sắng về giục giã các em, các cháu mình tiết kiệm tiêu xài lấy tiền làm phúc. Phần bà, bà tuy cũng có chút đỉnh nhưng còn phải phòng khi thuốc thang, trái gió trở trời. Thay vì giúp đỡ tiền bạc cho người nghèo đói, bà đi lễ sớm hôm cầu nguyện cho họ có công ăn việc làm. Thôi thì phận tuổi già sức yếu, không chồng không con bà đành chịu. Rồi cũng đến ngày người phụ nữ lớn tuổi phải theo chân bà giáo. Đám tang của bà cũng đông đúc người thăm kẻ viếng, ai cũng thương cho hoàn cảnh không chồng không con nên đến phúng điếu và cầu nguyện cho bà. Người phụ nữ trẻ cũng đến! Cô thấy có nhiều người bỏ vào quan tài của người phụ nữ lớn tuổi những phong thơ và thì thầm gì đó.
Lần này, sau đám tang của người phụ nữ lớn tuổi, những người trong nhóm hội độc thân kéo nhau “trà dư tửu hậu” tại nhà người phụ nữ trẻ. Cô chăm chú lắng nghe mọi người, thông tin của họ về người phụ nữ lớn tuổi thật bất ngờ đối với cô. Những người đến bỏ vào quan tài của người phụ nữ lớn tuổi đều là những người có quan hệ họ hàng với bà, họ bỏ vào đó những lá thư để xin nợ. Người thì xin bà món nợ một lượng vàng, người năm, ba chỉ vàng... người thì vài trăm dollars. Người phụ nữ trẻ nhớ đến lời nói của bà hôm trước: “Thế thì... phải gởi số tiền tiết kiệm ấy vào mấy chỗ từ thiện, “mí lại”phải xin lễ cầu nguyện cho bà giáo, để bà ấy có công trong sổ Thiên đàng chứ lỵ... tớ thì tớ làm thế!”

Người phụ nữ trẻ tự hỏi “Ai sẽ là người giúp bà ấy làm những công việc đó bây giờ?” Cô chép miệng, âu cũng là bà ấy đã tốt bụng cho những người họ hàng kia vay mượn, thì cũng kể như bà ấy đã ghi công vào sổ Thiên đàng rồi. Người phụ nữ trẻ nhắm mắt lại, thầm cầu nguyện cho linh hồn người phụ nữ đã từng nổi tiếng khắp vùng là khôn ngoan và giỏi tính toán.

No comments:

Post a Comment