PHƯỢNG.
Thủy Phượng ngồi bàn phía trước tôi. Cô bé khá xinh với mái tóc chảy dài ngang lưng, đôi mắt to và luôn mơ huyền (không hiểu sao tôi lại “ưa” mắt buồn con gái đến vậy!), đôi môi mọng đỏ, và hai bàn tay búp măng thon đẹp (tôi hay để ý tay người khác lắm, quái vạy đó!) – loại tay đẹp mà cố NS Trịnh Công Sơn mô tả: “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”.
Phượng học giỏi nhưng “tiết kiệm” lời nói. Không biết có phải người giỏi thì thường có vẻ “lạnh” như vậy hay không! Thấy vậy tôi đâm… “ớn”. Tôi thường ngồi “lì” phía sau huýt sáo hoặc hát nho nhỏ những “mẩu” nhạc “nặng mùi” một chút. Phượng vẫn bình chân như vại, coi như không có chuyện gì xảy ra và không hề ảnh hưởng hòa bình thế giới. Không “ép-phê” chút nào! Tôi chơi luôn “liên khúc”. Vô phương. Người gì mà “linh hồn tượng đá” đến thế cơ chứ! Có những khi tôi phải đành “từng bước từng bước thầm” xuống căn-tin làm ly trà đá cho hạ nhiệt. Sốt tới hơn 40OC cơ đấy! Nếu là thể bệnh thì phải lo cấp cứu rồi.
Một hôm, trong tiết kiểm tra, Phượng cứ loay hoay mãi. Tôi liếc thử. Bút hư. Tôi thầm nguyện cho bút của Phượng… hư luôn (thế mới ác chứ!). Cầu được ước thấy. Phượng cứ chực quay xuống tôi. Tôi biết tỏng, nhưng vẫn “lên nước” làm thinh, làm tàng, làm lơ. Ai “ngon” hơn ai cho biết! Cũng có lúc người ta trở nên “có giá” một chút vậy. Cuối cùng tôi giành phần thắng. Được nước, tôi giả điếc. Một mảnh giấy rơi xuống ngay trước mặt tôi như huyền thoại: “Đằng ấy” cho mượn bút. Tôi thản nhiên lật mặt sau viết: “Đằng này” cho “đằng nào” mượn? Lại một “sứ điệp” khác: “Đằng ấy” cho “người ta” mượn mau đi! Máu yêng hùng hảo hớn bốc lên tới chỏm đầu. Tôi liền mở cặp lấy cây bút sơ-cua và kèm theo mấy chữ có vẻ mang tính nhân đạo: “Tặng cô bé làm… kỹ nghệ”. Tôi khều nhẹ cây bút vào khuỷu tay Phượng. Phượng quay lại “ném” cho tôi một nụ cười “bá cháy”. Tôi vu vơ cười theo như một người máy. Cũng bõ công những ngày làm Trương Chi (có điều là tôi hơi điển trai, tạm cho là vậy, thế nên “nàng” mới “biếu không” tôi nụ cười đẹp và “lác mắt” đến vậy, chứ đời nào…).
Tôi cứ mơ mộng tuổi học trò mới lớn. Phượng như bức tượng thiên thần bằng thạch cao trên bàn học của tôi ở nhà, bức tượng chị Ba cho tôi hồi sinh nhật 18. Nụ cười vừa rồi là khởi điểm “thời mở cửa” để thiết lập mối bang giao mới, hy vọng có thể mỹ mãn sau này. Tôi vừa gật gù ra chiều đắc chí vừa cười một mình.
Thời gian vẫn cứ là thời gian. Tan trường là “đường ai nấy đi”. Hàng ngày chỉ có thể xã giao với nhau bằng nụ cười… từ xa. Phiêu ơi là phiêu! Có lúc tôi cũng “căn me” để ráng sức “bám sát” và mượn thơ của Nhà thơ Phạm Thiên Thư: Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, anh theo Phượng về,… (dù trời không hề mưa giọt nào, và nắng như đổ lửa).
Một hôm, được nghỉ hai tiết cuối, tôi “uống thuốc liều” để bí mật gởi cho “tiểu thư xinh xắn” một “bức tâm thư” vắn tắt: “Nghỉ học tiết cuối, đến Chiều Tím nhé!”. Bí mật gởi xong, tôi mới lo làm sao! Nói giọng thám tử thế ai mà thèm đi chứ?
Vừa hết tiết ba, tôi phóng như tên lửa bay ra cổng. Mãi không thấy Phượng ra, tôi bắt đầu lần hạt xin Đức Mẹ phù hộ. Nếu Phượng OK, xin đừng có nhỏ nào “ăn theo”. Những tà áo trắng nối nhau bay ra cổng. Tôi đẩy xe ra xa để dễ “theo dõi”. Tôi thở phào. Mấy nhỏ bạn về trước. Phượng đủng đỉnh đạp xe về phía tôi. Tất nhiên là bốn mắt giao thoa và cười “miểng chai” hết biết luôn! Tôi hết lời tạ ơn Đức Mẹ trong khi trống ngực đánh liên tu bất tận.
Đợi Phượng đi trước một quãng, tôi mới dám “bám” theo. Thường ngày tôi đâu có nhút nhát vậy, thế mà lúc này bỗng dưng sinh chứng.
Ngồi trước mặt Phượng, bao nhiêu sinh khí của một nam nhi chợt biến đâu ráo trọi. Tôi phá vỡ im lặng:
– Mời Phượng!
Phượng cười nụ và nói rất khẽ:
– Cảm ơn.
Có “tâm hồn ăn uống”, tôi khuấy mạnh vài cái rồi làm liền một hơi. Tôi hết nửa ly mà Phượng mới hết “lớp mặt”. Chúa ơi, thỏ thẻ như mèo vậy, mèo con ạ! Cả hai lại nối dài im lặng. Đột nhiên ngước lên, tôi bắt gặp cái nhìn của Phượng. Ăn chè lạnh mà tôi vẫn cảm thấy hơi nóng bốc lên mặt. Phượng vội quay đi, đưa muỗng chè vô miệng. Tôi buột miệng chữa cháy:
– Phượng quen tay trái à?
Phượng không đáp, chớp mắt rồi đưa tay dụi mắt. Thì ra câu nói đột ngột của tôi làm Phượng sặc. Hạt đậu dám “du lịch” lên mũi lắm! Phượng luống cuống đáp:
– Phượng… giống ba… đó.
Tôi “chuyển tông” ngay:
– Phượng định theo ngành gì?
– Phượng còn đang suy nghĩ. Ba má muốn Phượng theo ngành y, mà Phượng chưa có quyết định. Còn Tuấn?
– Mình muốn học sư phạm ngoại ngữ.
Cả hai chúng tôi đều cười, rồi mỗi người theo ý nghĩ riêng của mình.
– Phượng ăn nữa đi.
– Không ăn nữa.
– Còn nhiều đó nghe. Ngại à?
– Không. Thôi, mình về nghe!
Tôi nhẹ gật đầu và đứng dậy.
Mỗi người về một ngả. Trưa đầy nắng. Hanh và nóng. Những ngày cuối niên học trôi qua mau. Cành phượng đã đỏ rực rỡ, đỏ như lửa và đỏ như… máu. Tiếng ve hòa âm trầm buồn, nhè nhẹ…
Lớp học trở nên trầm tĩnh hơn, ngay cả những người hiếu động hoặc “quậy” nhất xứ Giao chỉ. Vẻ mặt nào cũng đượcm nét buồn. Tôi nắn nót trên trang đầu cuốn sổ: “Thân tặng Thủy Phượng – Mùa Hạ cuối cấp”, với một cánh phượng được ép cẩn thận trong sổ. Tôi cầm gói giấy hồi hộp vào lớp. Tụm năm, tụm bà bàn tán. Có tiếng gọi, tôi giả lơ và đi thẳng. May hết sức, một mình Phượng đang cắm cúi làm gì đó. Chợt thấy tôi, Phượng hơi “hoảng” quay đi. Tôi càng hồi hộp hơn. Chúa ơi, đi ngang qua Phượng mà tôi run như đứng trước vành móng ngựa. Trống ngực không ai khua mà vẫn loạn xạ, y như những ô nhịp chuyển đoạn. Tôi nói cho bớt run:
– Phượng đi sớm vậy?
Phượng im lặng. Ngồi vào chỗ, định để cặp vô hộc bàn, tôi ngạc nhiên thấy một mảnh giấy có nét chữ viết rất giống tôi:
Nếu lỡ ngày mai Phượng “ống chề”
Lêu lêu mắc cở, quá là quê
Nhiều đêm thức giấc ươn ướt gối
Tội nghiệp duyên ai hết… ép-phê!
No comments:
Post a Comment