Thursday, February 10, 2011

ĐẤT CŨ - TRỊNH TÂY NINH

Đất cũ
 
Trong cuộc sống hằng ngày, tôi luôn nhủ lòng hãy cố gắng rộng rãi, thứ tha, nhưng điều ấy thật là khó thực hiện. Có khi vì một lý do cỏn con, tôi giận chồng đến mấy ngày liền. Có khi tình cờ nghe ai đó nhận xét không tốt về mình, tôi bỏ bụng và chán nản. Tôi đã quên đi gương tha thứ, yêu thương của chính ba má tôi - mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn bồi hồi, tưởng như chuyện vừa mới xảy ra .....
 
Tôi sanh ra và lớn lên ở Tây Ninh, một tỉnh lỵ đất đỏ miền đông khô khan, nghèo nàn. Riêng gia đình tôi thì còn nghèo hơn nữa. Ba tôi là một công chức nhỏ, chỉ sống bám vào đồng lương nhỏ bé do chính phủ chu cấp. Má tôi hiền lành còn hơn khoai sắn, chỉ ở nhà nội trợ chăm sóc đàn con, ai gạt bà lấy tiền, bán hàng cân thiếu bà cũng đều im lặng chịu đựng.
Ba má rời miền Bắc từ năm 1954 bỏ lại ông bà nội ngoại, nhà cửa sự nghiệp, vào Nam với bàn tay trắng. Nghe nói thuở ấy gia đình bên ngoại chúng tôi giàu lắm, ruộng đất cò bay thẳng cánh. Dòng họ Vũ Ngô nổi tiếng ở sự giàu có và đạo đức, năm Ất Dậu khi nạn đói tràn lan, ông bà tôi nấu cháo phát chẩn cho người nghèo. Nhờ thế sau này dầu bị đấu tố, ông bà vẫn được thương tha tội địa chủ, chỉ bị tịch thu tài sản. Bên nội thì nghèo nhưng học giỏi, ai nấy đỗ đạt, có bằng Thành Chung.
 
Vào Nam mấy anh chị lớn được gởi đi học trên Saigon, ở nhà trọ ăn uống rất kham khổ. Món ăn sang nhất mà các anh chị có được là món caricoga, tức là món cổ gà nấu càri, mấy tháng mới được một lần. Bốn đứa nhỏ chúng tôi ở với ba má tại căn nhà gỗ cũ kỹ cạnh nhà thờ tỉnh lỵ. Ngày tháng êm đềm trôi qua, gia đình tôi sống bình an hạnh phúc, cho đến khi Duy Ninh chết bất đắc kỳ tử, thì mọi việc trong nhà bắt đầu khó khăn, nhiều chuyện buồn liên tục xảy đến.
 
Ninh là anh thứ bẩy của tôi, lúc ấy chỉ mới 17 tuổi. Anh trắng trẻo - dầu Tây Ninh nóng như đổ lửa, ai nấy nhất là tôi khét nắng đen thùi - Anh lại có khiếu về máy móc, học giỏi nên là niềm hy vọng và hãnh diện của gia đình. Ba má tôi hiếm con trai chỉ có anh Năm và anh Bẩy,  nên đôi khi chúng tôi cũng hơi ghen, ước ao mình là con trai để được cưng chiều đặc biệt. Tuy thế, không phải là tôi ghét Duy Ninh đâu. Trong nhà, anh nói chuyện, sai vặt tôi nhiều nhất, vì tôi út ít nhỏ nhất nhà.
Hôm xảy ra chuyện tôi đang chơi búp bế ở nhà trên, bỗng nghe tiếng hét hãi hùng của Duy Ninh ngoài giếng nước chung của xóm. Anh đang xách nước để châm vào hồ cá bé xíu mới xây ngoài vườn mà anh vừa hoàn thành. Tôi chạy ra coi, có thêm vài người hàng xóm, họ đem anh tới nhà thương nhưng đã quá trễ. Sau này, tôi mới biết người hàng xóm đã ăn cắp điện nhà nước bằng cách câu giây âm xuống giếng - Nhà anh ta chạy rất nhiều tủ lạnh để bán nước đá, sinh tố, cà rem cho cả xóm - Vô tình Duy Ninh kéo trúng sợi dây này, nên đã bị giật. Người hàng xóm cũng đã nổi tiếng về những thành tích khộng tốt: lường gạt, nóng nảy với bà con lối xóm, nên chung quanh ai cũng bàn, khuyên ba má tôi thưa hắn ra tòa, bỏ tù cho đáng tội. Trước cái chết bất ngờ và đau đớn của con, ba má tôi ngã bệnh nặng. Nhà tôi lúc ấy lại nuôi tới mấy trăm con gà, ba má tôi chẳng hồn vía nào để chăm sóc, nên chúng lăn ra bị dịch, phải bán tống bán tháo đi lỗ vốn rất nặng.
Mới đầu, ba má tôi cũng đồng ý phải đem vấn đề ra trước luật pháp cho rõ ràng, nhưng đến khi hai vợ chồng người hàng xóm khóc lóc, van xin, ba má tôi nghĩ lại và đã làm đơn bãi nại. Khi ấy dù mới 12 tuổi, nhưng tôi nhớ rõ ràng lời ba nói với má:
-Thôi bà ạ, đàng nào con mình cũng chết rồi, bắt thằng T. đi ở tù thì chỉ tội vợ con nó, con mình cũng không sống lại được.
Tôi cũng nhớ rất rõ mà tới bây giờ vẫn chưa giải thích được, là khi các anh chị tôi từ Saigon về thăm xác, lúc cầm lấy tay Duy Ninh, nước mắt và máu mũi anh tự nhiên ứa ra dầm dề, không lẽ anh chết oan nên linh thiêng như vậy ??
Ngày đưa xác Duy Ninh tôi mặc áo dài trắng, đội khăn tang, hai tay cầm ảnh anh đi trước xe nhà đòn đi bộ ra nghĩa trang, lòng thê thiết trong điệu bài Tiễn em mà Phạm Duy đã phổ nhạc từ thơ Cung trầm Tưởng:
Lên xe tiễn anh đi, chưa bao giờ buồn thế ....
(Tôi biết hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An từ lúc còn nhỏ, vì học đòi theo các chị)
Thế mà sau này khi chúng tôi tạm rời Tây Ninh về Saigon cư ngụ sau ngày 30 tháng 4, 75, chính T. đã cạy cửa nhà tôi, vơ vét, lấy hết những gì còn sót lại. Chúng tôi biết rõ người hàng xóm ăn cắp đồ, vì hắn ta đã mang bán những cuốn album tem chị em tôi sưu tầm, hoặc những hộp màu nước mà chúng tôi dè sẻn không dám vẽ. Ba má tôi vẫn yên lặng chịu đựng, không trách móc, chỉ đôi lần thở than.
 
Mỗi khi nhớ tới má, tôi nhớ tới món bún ăn với nước mắm chanh, không hề có thịt cá, tôm cua gì. Bà ngồi ở xó bếp, vừa ăn vừa trò chuyện với tôi. (Vì lúc còn bé tôi đeo mẹ dữ lắm, nhõng nhẻo bị các chị chọc hoài). Không phải má tôi thích ăn bún chay, nhưng vì hà tiện, bà ăn vậy cho rẻ. Tôi cũng thèm món này lắm, vì ăn cơm hẩm canh suông hoài, lâu lâu được đổi ra ăn bún, sao lại không mê. Những vắt bún mập mạp trắng ngần, gói trong những chiếc lá sen xanh mướt, đem về rưới nước mắm tỏi ớt chanh đường, lùa vào miệng trơn tuột mát lòng làm sao.
Khi tới Canada, có gia đình riêng, có công ăn chuyện làm, có bữa tôi cũng cắc cớ luộc bún để ăn với nước mắm chanh, không kèm thịt thà rau cỏ gì, nhưng chỉ nuốt được tới gắp thứ hai, tôi nhớ má đến quặn ruột, nước mắt tràn tuôn, phải đem bún đi cất. Ông xã đi làm về, bắt gặp tôi vừa trệu trạo ăn vừa khóc, anh chẳng hiểu gì! Trong cuộc sống hải ngoại vật chất dư thừa này, dù có dịp ăn nhiều món lạ, nhưng có lẽ suốt đời sẽ không còn dịp ăn được tô bún ngon như ngày xưa nữa.
Còn nhớ đến ba, là nhớ tới những buổi dạy kèm mà ông đã hao công tốn sức dành cho tôi, nhất là trong thời kỳ luyện thi Trung học. Muốn thi đậu vào trường công để khỏi đóng học phí phải thực hành cho nhiều. Toán thì ông giao cho hai chị Hảo và Hoan nhồi tôi như nhồi bột, riêng ông thì kèm tôi môn luận văn, vì ông vốn yêu văn chương, chữ nghĩa. Ông thuộc lòng chuyện Kiều và các ca kịch bằng tiếng Pháp, suốt ngày ngâm nga cho tôi nghe.Tôi ghét phải làm bài nhiều - hết tả cái này rồi lại bình giảng câu kia - nên hay tỏ ra bực bội, giận dỗi, bây giờ mới biết cảm ơn ông.
 
Ngày nay, dấu xe trên đường cũ như được lặp lại, tôi cũng kềm cặp, thúc dục con tôi học rất nhiều. Chúng cũng rên la than thở, nhưng hy vọng sau này lớn lên chúng sẽ hiểu. Ngày ấy, tôi đã ham vui với bạn bè, hay đi học về trễ vì thích la cà ở trường. Khi đạp xe về đến ngõ, thấy dáng ba gầy còm đứng ngóng, tôi cũng hối hận lắm nhưng không bỏ được tánh ham chơi. Bây giờ, cũng có lúc tôi xoắn ruột ở nhà chờ con về trễ, thấm thía được nỗi lòng của bố khi xưa:
Đứng chẳng yên lòng
Ngồi chẳng yên lòng,
Tựa triện ngồi trông
Tựa triện đứng trông ...
 Đã có lúc tôi thầm trách ba má không công bình, thương anh nọ nhiều hơn chị kia, thế mà khi lớn lên, tôi cũng thấy mình bất công với người khác trong rất nhiều việc - dù có khi không hiểu tại sao mình lại vô lý như vậy. Nhớ hồi đi dạy Giáo Lý và tiếng Việt cho đám trẻ ở trại tị nạn, đứa học trò nào tên Ninh cũng dều được tôi cưng, để ý đặc biệt, dù nó có đen thủi đen thui xấu xí thế nào. Hồi còn bé, tôi không thích ăn hành, má tôi đã nhẫn nhục ngồi lựa từng miếng hành ra khỏi chén. Bây giờ con tôi cũng chê hành, tôi cũng phải tỉ mỉ ngồi lựa ra, thầm nghĩ không biết có phải là ... quả báo !!.
Tuy nhiên với bản tính yếu hèn, kém chịu đựng, tôi biết mình không thể nào bắt chước được gương thứ tha, nhẫn nhục của ba má, dù anh chị em tôi có được ngày hôm nay đúng là do nhân đức mà ông bà, ba má tôi đã gieo trồng. Ôi, nụ cười hiền lành của má và dáng gầy còm cõi của ba, biết bao giờ sẽ phai nhạt…
 
Gần 30 năm ở nước ngoài, tôi chưa có dịp về thăm lại Tây Ninh - nơi chôn nhau cắt rốn - dù trong giấc mơ tôi, những con đường, những cảnh vật cũ vẫn hiện về, rõ ràng như chuyện thật. Những kỷ niệm ở đất cũ mà tôi còn nhớ được, tôi nguyện với lòng sẽ mãi chắt chiu, sống với nó, học từ nó, trân trọng nó, yêu thương nó với cả một tấm chân tình mà tôi luôn hướng về ba má và đất cũ.....
 
Trịnh Tây Ninh

2 comments:

  1. "Đất cũ" thật nhẹ nhàng, thật bình dị mà sâu sắc!

    ReplyDelete
  2. Trịnh Tây Ninh mến,

    Câu chuyện tự thuật này đầy cảm xúc, đánh động tâm hồn người đọc. True story này hàm xúc những tình tiết đơn sơ và chân thật như bản tính hiền hòa của ông bà cụ thân sinh, nhưng điểm nhấn đặc biệt là đã phô diễn được đức tính chịu đựng tha thứ, điều mà các cụ luôn muốn cho con cháu hậu duệ theo gương bắt chước.

    Rất mến,
    CT

    ReplyDelete