Tuesday, November 9, 2010

GIAI ĐIỆU MÙA ĐÔNG - TRẦM THIÊN THU

Giai điệu mùa Đông

Hơi lạnh phả xuống. Sương mờ giăng giăng trên mái phố và lẩn quẩn bên những tán lá. Se lạnh. Hẳn ai cũng khả dĩ nhận ra dáng dấp mùa Đông. Dù không mang hồn thi sĩ cũng dễ bị “lây nhiễm” chút bâng khuâng lãng mạn. Tôi khoác thêm chiếc áo len để ngăn bớt giá lạnh buổi sáng và cũng để làm tăng nét duyên con gái. Dĩ nhiên tôi không quên ngắm mình trong gương một lần nữa rồi mới chịu đi học.

Rời “thế giới riêng” của tôi, ngày nào tôi cũng phải đi qua “khu biệt lập” của anh Hai. Một ngày như mọi ngày, cứ lúc nào có mặt ở nhà là anh Hai ngồi miết ở bàn để học hoặc viết lách, nhìn như bức tượng gỗ bất động vậy. Bên cạnh thường có tiếng nhạc trữ tình êm dịu. Tôi nghe riết đâm mê lây. Quả thật, những ca khúc hoặc các bản nhạc hòa tấu anh Hai nghe đều được chọn lọc, đủ sức khiến tâm hồn lắng đọng. Riêng loại nhạc cổ điển giao hưởng thì tôi không quen nổi. Nghe nó, tôi không khác gì “vịt nghe sấm”. Tuy đôi lúc rất bực mình vì anh Hai nhưng thực lòng mà nói thì anh Hai vẫn mặc vẻ gì đó kỳ lạ, khác người sao đó. Anh Hai trầm ngâm, ít nói vậy, nhưng tôi biết lòng anh Hai chẳng tĩnh lúc nào. Mai mốt có lấy chồng thì tôi “thề độc” là sẽ không bao giờ chịu “nâng khăn sửa túi” cho loại người suốt ngày thơ thẩn say nhạc như anh Hai tôi. Anh Hai có “ế độ” cũng… đáng đời! Tôi cầu vậy.

Vừa ra đến cửa, tôi gặp má đi chợ về. Má nói tôi đưa đồ ăn sáng cho anh Hai. Tôi phụng phiu:

– Con đi học kẻo trễ rồi nè.

– Đưa cho anh Hai thì có tốn thời gian bao nhiêu mà con khó dễ vậy?

Tôi so đo:

– Má cưng anh Hai quá đi. Mặc ảnh đi má!

Má nhìn tôi:

– Anh Hai con có đòi hỏi chi đâu, nó chịu đựng nhiều hơn con. Chẳng cần gì mà chỉ cặm cụi suốt ngày đến quên cả ăn. Nếu không thì con đi học đi.

Tôi đành xuống nước:

– Má để con đưa cho anh Hai.

Con gái độ tuổi mới lớn như tôi thường ngang tàng, bướng bỉnh nhất thế gian, đủ các yêu sách. Dù biết sai nhưng vẫn cho mình là đúng, do tự ái mà cãi tràn đi hết. Tất nhiên tôi không “hợp khẩu” mỗi khi anh Hai la rầy tôi. Tôi biết anh Hai không ăn được ớt, thế là tôi lén bỏ nước ớt vô cho… “biết tay” nhỏ Út Ngân này, bõ ghét cái tật ỷ anh Hai mà ăn hiếp em út.

o0o

Trưa. Đi học về, tôi thấy má đang lui cui dưới bếp, còn anh Hai đã “biến”. Đỡ khổ. Tôi giả nai:

– Anh Hai đâu rồi, má?

– Nghe nói nó đi ký hợp đồng làm băng đĩa gì đó. Ca khúc thiếu nhi nó vừa đoạt giải đó mà.

Tôi hí hửng:

– Má biết bài hát của anh Hai là bài gì không?

– Ai mà biết.

– Mà này! Con trai cưng là nhạc sĩ mà hổng quan tâm gì ráo trọi. Bài hát của anh Hai là…

Má cắt ngang:

– Tổ cha bay! Nhạc sĩ làm chi cho héo hon cả người đi. Thấy anh Hai bay đó. Chết vì mấy nốt nhạc chứ béo bở gì. Mà sao bữa nay con bênh anh Hai đột xuất vậy? Muốn gì thì nói.

Tôi làm toán trừ rất nhanh bằng một “cú” cười khẩy. Xong. Chợt tôi hơi khựng lại khi má hỏi:

– Hồi sáng con có đưa bánh mì cho anh Hai không mà thấy nó sục cơm nguội vậy?

Chúa ơi! Hú vía! Tôi ấp úng:

– Dạ… dạ… có mà má.

– À, má nhớ rồi. Nó nói tới tối mới về lận. Chắc nó ăn thêm cho chắc bụng đó thôi.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Má ơi là má, làm con hết hồn. Bể mánh thì chắc… ăn đòn mất! Mà nói tiếp:

– Muốn có chiếc xe máy cho nó lại mà khó khăn quá. Thấy nó đi xe đạp hoài cũng tội. Thôi, thay đồ đi cô nương.

– Dạ. – Tôi đáp nhanh và gọn lỏn.

Tôi trở xuống phụ má làm món ăn cuối cùng. Cố ra vẻ “con chiên ngoan đạo” cho má khỏi nghi ngờ. Má bước ra và dặn:

– Con nghỉ ngơi đi, đợi má qua dì Ba chút. Má về rồi ăn cơm nghe con.

– Dạ.

Thoát nạn. Rửa tay thật nhanh, tôi hồi hộp đi “kiểm tra” bàn viết của anh Hai. Tôi khựng lại khi kéo ngăn bàn ra thấy ổ bánh mì chỉ cắn dở một miếng được gói lại trong bịch ni-lông. Thảo nào…! Tôi hí hửng vì cho anh Hai ăn ớt. Nhưng chỉ sợ má biết. Nghĩ cũng tội nghiệp anh Hai. Chắc là anh Hai nhăn như khỉ ăn ớt.

Tôi lướt mắt nhìn một lượt chiếc bàn viết của anh Hai. Vẫn luôn có một tấm thiệp Noel, dù là ngày thường, và mỗi năm thay bằng một tấm thiệp khác. Là tu mi nam tử vậy chứ anh Hai rất chăm chút hoa, lúc nào trên bàn cũng có một bình hoa tươi nhỏ nhắn dễ thương. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy nhánh hoa lưu ly mà không là loại hoa khác. Theo Tiếng Anh, hoa này là Forget-Me-Not. Thảo nào! Thường thì năm nào cũng vào khoảng một tuần trước lễ Giáng sinh là đã có tấm thiệp mới từ một người đặc biệt ở xa gởi về cho anh Hai, vậy mà năm nay vẫn chưa thấy. Không lẽ…? Tôi tò mò mở tấm thiệp cũ ra, câu chúc đơn sơ mà đậm đà ý vị và tha thiết, chưa phai màu mực:

Chúc anh đêm giáng sinh vui vẻ, và một năm mới tuyệt vời.
Gởi về anh tất cả niềm thương và nỗi nhớ.
Em – MIÊN LY

Hai người yêu nhau dữ nghen. Tôi nghĩ và cười một mình. Tuy hai anh em ít nói chuyện với nhau, nhưng lâu lâu anh Hai vẫn cho tôi coi hình của chị đều chi hằng tháng, thậm chí cả thư nữa. Chị có nước da trắng và nụ cười tươi. Hình như thời gian gần đây anh Hai càng thấy ít nói hơn. Đã bỏ thuốc một thời gian mà độ rày thấy hút lại, mà còn hút nhiều nữa. Mỗi ngày dọn dẹp nhà là tôi lại phải đổ tàn thuốc Chỉ một đêm mà đồ gạt tàn đầy ắp. Hút chi mà nhiều ơi là nhiều. Điếu này vừa hạ rộng, điếu kia đã động quan. Khiếp! Chẳng lẽ những người đang yêu thường hay buồn nên trở nên lập dị? Má nói hoài cũng hổng nghe. Hút kiểu này có chiều hướng “đai” sớm. Chị Miên Ly mà biết thì chắc… chỉ ghét hút thuốc lắm thôi. Tôi lật cuốn sách thì gặp thư của chị Miên Ly. Thư cũ rồi. Tôi đọc nhanh. Thảo nào anh Hai giấu biệt thư này. Má nói cũng lâu rồi không thấy anh Hai khoe gì hết. Hay là…? Càng đọc thì thấy giọng buồn càng dầy thêm.

Đúng rồi, mới tuần trước, má nhắc chuyện lấy vợ, anh Hai chỉ tảng lờ. Tôi chen vô:

– Chị Miên Ly đẹp lắm, má ơi!

– Con nhỏ này! Má biết rồi. – Má cười thật tươi.

Tôi đẩy đưa:

– Giàu nữa đó, má ơi!

– Tình yêu không thể chỉ căn cứ vào chuyện giàu nghèo đâu con.

Rồi má quay qua nói với anh Hai:

– Sao con? Chuyện hai đứa tới đâu rồi?

Tôi lại lăng xăng “cầm đèn chạy trước ô-tô”:

– Hai người yêu nhau dữ lắm. Má sắp mất con trai cưng rồi. Má thấy anh Hai như người mất hồn không?

Anh Hai nghiêm mặt nhìn tôi. Thấy ghét! Làm gì dữ vậy? Vui thì cũng vui dữ, mà nghiêm thì… cái mặt “hình sự” dễ sợ. Cứ ăn hiếp người ta đi, mai mốt chỉ “ăn hiếp” lại cho mà coi. Xí! Má đều giọng:

– Con lớn rồi. Má chỉ mong con yên bề gia thất để má an lòng. Con mê nhạc quá hóa khổ thân đó. Vừa phải thôi. Cần phải quan tâm một chú kẻo Miên Ly thấy con vậy rồi nó nản. Con gái thích sự ngọt ngào, quan tâm, chăm sóc, con à! Nếu hai đứa thương nhau thật thì…

Anh Hai ngước lên nói nhanh:

– Má à, con biết má thương con nên lo cho con, nhưng…

– Nhưng sao? Hay là hai đứa chia tay rồi hả? Tại con hết mà. Con không nói với má là Miên Ly trách con vô tình và tàn nhẫn sao?

– Không phải vậy đâu, má.

Má thở dài nhìn anh Hai. Tôi cũng cảm thấy hơi “ngộp thở” trong không khí “đặc sệt” thế này. Im lặng một hồi, anh Hai tiếp:

– Má tha thứ cho con. Yêu là một chuyện, còn hôn nhân là một chuyện, má à!

– Con nói sao chứ?

– Con đoán trước mà không sai. Vì… vì gia đình Miên Ly không chấp nhận cho tụi con quen nhau. Má thấy đó, gia đình Miên Ly khá giả lắm.

– Má hiểu. Phải chi nhà mình khá giả hơn thì các con đỡ thua thiệt. Con trai giàu mà con gái nghèo thì vấn đề không phức tạp mấy. Nhưng con trai nghèo mà con gái giàu thì dễ sinh nhiều vấn nạn. Đó là một lý do. Má nghĩ còn những vấn đề khác nữa chứ không đơn thuần vậy đâu.

– Dạ. Con xin lỗi má. Có thể cũng tại con và Miên Ly không cùng tôn giáo. Thôi, má đừng buồn nữa.

– Nhưng rồi con cũng phải lo chuyện gia chứ không lẽ…

– Dạ. Con cũng không biết sao nữa. Tuy không nhu nhược, nhưng hoàn cảnh thế này con khó quyết định quá. Vả lại, tương lai con chưa có gì bảo đảm cho một gia đình, má à!

– Lớn rồi. Không thể vì thế mà con quên chuyện lập gia đình. Cuộc đời phức tạp lắm. Sống không dễ đâu con. Vì thế, người ta mới cần tình yêu đôi lứa để yêu thương, nâng đỡ và bù đắp cho nhau suốt đời. Má biết con buồn nhiều. Phần vì đường đời không êm xuôi, phần vì tình yêu. Nhưng không lẽ cứ buồn hoài sao con? Đừng tự bóp nát trái tim mình vì một người đã mang trái tim họ đi xa. Đôi khi người ta cũng cần hy sinh mối tình lãng mạn và đẹp của riêng mình để tạo hạnh phúc mới. Ở đời, ai cũng chỉ vì tìm hạnh phúc mà phải khổ, con à! Ngày xưa, má cũng đã một lần dang dở tình yêu. Thời nào cũng vậy, vấn đề môn đăng hộ đối vẫn khó xóa nhòa trong ý nghĩ con người. Má cũng từng phải khóc nhiều vì tình yêu nên má hiểu. Hãy coi đó là kỷ niệm đẹp. Phải cố quên mà sống nghe con!

– Dạ. Con hiểu. Cảm ơn má. Xin má tha thứ cho con.

– Má không hiểu con thì còn ai hiểu con nữa chứ? Con đừng tủi thân quá. Sự đau khổ có ý nghĩa sâu xa và riêng biệt của nó. Nếu biết sử dụng thì chính nó lại là nấc thang đi lên cho người có nghị lực. Hoàn cảnh gia đình vậy rồi, biết sao được. Biết chấp nhận thì đỡ khổ. Nnói vậy không phải má đổ lỗi cho hoàn cảnh. Mà con đừng bao giờ trách Miên Ly nghe chưa?

– Dạ. Không đâu, má.

Kể ra cũng tội cho anh Hai. Lận đận trăm đường. Nhiều năm qua, ước mơ là nhạc sĩ của anh Hai giờ mới thành hiện thực. Tình duyên lại trắc trở. Thế mà tôi không cảm thông và không thương anh Hai, lại nỡ bỏ ớt vô bánh mì của anh Hai sáng nay. Tôi quá quắt lắm! Tôi thấy hối hận và nhận ra những gì phải làm cho anh Hai. Tôi nhất định tối nay sẽ tìm dịp xin lỗi anh Hai. Anh Hai ơi, tha lỗi cho Út Ngân nghen!

– Ngân ơi!

Tiếng má gọi cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi đang miên man. Hình như mắt tôi cay cay. Con gái mà! Tôi vừa vuốt mắt vừa “dạ” thật to, rồi bước nhanh…

o0o

Tối. Tôi rụt rè đứng bên anh Hai xin lỗi về chuyện hồi sáng. Anh Hai cười xòa:

– Chuyện nhỏ mà em gái. Anh không để bụng đâu. Có thứ còn cay hơn ớt nữa kìa.

Chà, thâm ý ghê nha. Tôi cười thầm, nói nhanh:

– Cảm ơn anh. Anh Hai nè!

– Sao?

– Anh đang “táng xác” bài gì vậy?

– Con nhỏ này! Giỏi nói lái “đía” anah Hai quá ha?

Tôi cố nói giọng “nhừa nhựa” để “xoa dịu”:

– Hổng dám đâu! Nè, nói em nghe bài gì đi mà.

Giọng anh Hai vẫn đều đều “chặt ba rọi”:

– Thiên đường mong chờ.

Trúng phoóc mà. Tôi vội đưa tay bụm miệng, vừa khúc khích vừa nói:

– Tương tư nặng rồi, ông anh ơi! Viết tặng chị Miên Ly hả anh? Căn bệnh coi mòi trầm kha dữ ta. Khó chữa lắm nghe anh!Thôi, đừng phá anh nữa. Để anh tập trung làm việc. Em đi làm công chuyện của em hay xem ti-vi đi. Ngoan mà em gái!

– Dạ. Tuân lệnh đại huynh. Tiểu muội… “biến”!

Tôi rút êm. Tính anh Hai vậy, tôi biết. Không muốn “bị” ai quấy rầy khi đang viết. Tôi phải gặp anh Hai vì chuyện hồi sáng chứ tôi đâu dám “phá” khi anh Hai đang viết. Mấy người như ảnh “khính tó” thí mồ đi. Bộ mặt lúc nào cũng “lạnh như tiền” vậy. Thấy mà ớn! Như mọi khi là ảnh mô-ran tôi rồi. Không ngờ hôm nay anh Hai hiền đột xuất. Tốt thôi!

Tôi mở tập làm toán mà không sao làm nổi. Tôi định xin phép má cho đi chơi để khỏi bị “ám khí” của anh Hai, nhưng lại thôi. Tự nhiên tôi thấy buồn giùm anh Hai dễ sợ. Chắc anh Hai buồn lắm. Tại anh Hai không nói đó thôi. Nhìn anh Hai ngồi lặng lẽ ôm cây ghi-ta gảy ca khúc anh vừa viết hồi chiều mà hồn tôi cứbị hút theo. Tuy không mê nhạc nhiều như anh Hai, nhưng tôi cũng có khả năng thưởng thức âm nhạc vào loại… bình thường. Giai điệu anh viết nghe mênh mang, xa vắng quá! Tôi thấy thương anh Hai quá chừng. Phải chi có chị Miên Ly lúc này chắc hẳn anh Hai sẽ không buồn như vậy, hoặc cùng chị dạo phố để nghe niềm hạnh phúc reo trong lòng bằng giai điệu của đôi tim hòa nhịp chứ đâu ngồi mình ên thế kia. Nhìn anh Hai mà tôi thấy não lòng! Còn chị Miên Ly, giờ này chị làm gì nhỉ? Chắc cuối tuần chị vui lắm!

– Ngân!

Tôi giật thót như đạp trúng gai nhọn khi nghe gọi bất ngờ. Không lẽ tôi cũng “nhiễm” luôn cái “phong cách” của anh Hai? Tôi ngước lên. Anh Hai cười nửa nụ:

– Em gái nghĩ gì mà ra dáng thi sĩ vậy? Mơ mộng hả cô bé?

Tôi vểnh mặt lên giọng:

– Còn khuya!

Anh Hai ngồi xuống và đưa cho tôi tờ giấy.

– Em đọc đi.

Tôi sững người khi thấy dòng chữ “hiến xác cho khoa học”. Tôi ôm choàng anh Hai rồi bật khóc.

– Sao lại vậy hả anh?

Anh Hai ôn tồn:

– Bình tĩnh nào, em gái. Nín đi kẻo má biết.

– Không. Em phải nói cho má biết.

– Nghe anh nói nè. Đừng để má buồn.

– Anh làm em sợ quá đi!

Giọng anh Hai đều đều:

– Em đừng buồn vì anh nói chuyện này ra. Anh muốn em hiểu, và anh tin em hiểu. Dẫu sao em còn trẻ nên dễ thông cảm cho anh. Có gì còn có em. Anh xin em đừng cho má hoặc bất kỳ ai biết. Anh không muốn má buồn. Má đã khổ vì anh em mình nhiều rồi. Thời gian sẽ dần dần làm người ta hiểu đúng vấn đề.

– Mà chuyện gì? Anh làm em hồi hộp quá!

– Từ từ coi nào.

Anh Hai ngưng một lát rồi đưa mắt nhìn xa, anh trầm giọng:

– Em nhìn giấy thì biết đó. Anh vừa hiến xác cho khoa học vài tháng nay. Sự sống và sự chết đều nhằm phục vụ con người. Cả đời anh không làm được gì hữu ích thì khi chết anh muốn có một nghĩa cử cao đẹp. Sống chết đâu ai biết trước được. Anh chuẩn bị vậy thôi. Mới đây khoa học đã tìm ra căn bệnh CORP cũng nguy hiểm không ít, và có khả năng dẫn đến tử vong nhiều hơn AIDS gấp 20 lần đối với những người hút khoảng 30 điếu thuốc một ngày đó em.

– Anh nói sao chứ gì dữ vậy?

– Khó tin mà có thật đó em. Các khoa học gia nói chứ anh không bịa đâu nha. Nghiêm túc đó.

Tôi tròn mắt nhìn anh Hai. Vừa cuộn tròn tờ giấy anh Hai vừa nói tiếp:

– Anh hút thuốc nhiều quá. Anh mong đừng ai hút thuốc nếu có thì hút ít chứ đừng nghiện như anh. Hôm qua anh đi khám tổng quát, họ cho anh biết anh đang mắc chứng bệnh CORP này.

Tôi trợn mắt:

– Anh nói sao? Thật không?

Anh Hai cười:

– Anh nói đùa thôi. Em an tâm. Anh nói thiệt đó!

Anh Hai không sao hay anh Hai bệnh nặng mà anh Hai giấu? Tôi cảm thấy lo lo, bán tín bán nghi.

– Còn em, mai mốt đừng yêu ai hút thuốc nha!

Tôi “phang” ngay:

– Em không thèm lấy chồng đâu.

Anh Hai cười, đưa tay “ký” nhẹ đầu tôi.

– “Xao nặng” quá đi, em gái. Có dám không? Hay là khi đó lại khóc hết nước mắt?

– Xí!

– Có bài hát thế này: Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu. Em nhớ không? Con gái chúa xạo!

– Hổng dám đâu!

– Hãy đợi đấy, em gái!

Tôi vừa cười theo anh Hai vừa nhõng nhẽo:

– Tới lúc đó hay, anh ha? Nói trước sợ bước không qua.

– Ngon ha! Cô bé nào mới lớn cũng cứng đầu hết.

– Chứ sao? Em nhạc sĩ chứ bộ!

Anh Hai lắc đầu, nhắc lại:

– Mà em phải nhớ là không được cho má biết chuyện nghe chưa? Em hứa với anh đi!

Tôi nhìn anh Hai mà thấy thương quá. Anh Hai giục:

– Em hứa không?

Tôi chỉ biết lặng lẽ gật đầu cho anh Hai vui thôi, chứ tôi không thấy an tâm chút nào hết.

– Còn việc hiến xác cho khoa học là một việc tốt, em đừng nghĩ sai. Thân xác sau khi chết, nếu đem chôn hoặc thiêu thì thật uổng phí.

– Biết là tốt. Nhưng… nhưng sao em thấy ớn quá!

– Có gì đâu. Khi đó chết rồi còn biết gì mà sợ hả em gái?

– Thế anh có cho chị Miên Ly biết không?

Vừa lắc đầu anh Hai vừa nói:

– Biết thì cũng đến vậy thôi. Anh không muốn cô ấy buồn. Vả lại, lúc trước khác, lúc này khác.

– Em phải viết thư cho chỉ thôi.

– Không. Em đừng làm vậy. Anh năn nỉ mà. Biết điều này, nếu còn yêu anh thì cô ấy càng buồn thêm mà thôi. Anh nghĩ là không nên ích kỷ, ngay cả trong tình yêu. Không lấy được người ta thì cũng phải để người ta lấy chồng chứ em.

Tôi “cà khịa”:

– Anh cao thượng quá ha!

– Không cao thượng gì. Đúng lý thôi.

Tôi liếc thấy bộ mặt anh Hai kỳ kỳ. Tôi ghẹo:

– Em hỏi thiệt anh nghe. Thế anh có thấy nhớ chỉ không?

Anh thở dài bật ra câu nói:

– Biết là nhớ hay không. Mà có nhớ cũng đến vậy. Chỉ thêm khổ. Càng cố quên càng nhớ thêm. Có bài hát vậy đó. Tình yêu là vòng lẩn quẩn vậy đó em.

Có lẽ anh Hai lãng mạn nên đa tình quá. Nhưng có vẻ chung tình. Giới thiệu ai cũng không chịu. Kén quá mà. Già kén kẹn hom thôi. Nhưng sao tôi vẫn thấy tội nghiệp anh Hai ghê đi!

– Chẳng lẽ anh đợi chỉ hoài sao?

– Miên Ly cũng hỏi anh như vậy.

– Rồi anh trả lời sao?

Anh Hai lại đưa mắt nhìn xa xăm:

– Biết trả lời sao hả em? Còn ai đâu mà chờ!

– Anh có định đổi nghề hay cứ là nhạc sĩ?

– Sao em hỏi câu nào cũng như chị Miên Ly hỏi anh vậy? Ca sĩ mới được coi là một nghề, lại có giá nữa. Nhạc sĩ không là một nghề đâu em, là cái nghiệp thì đúng hơn. Buồn lắm, em à! Nhạc sĩ thì “bèo” lắm. Chị Miên Ly “ngán” là phải. Thôi thì ta vui với mình vậy!

– Chứ sao anh theo riết vậy?

– Đã nói là cái nghiệp mà. Nghiệp thì không tránh được, chứ đâu phải anh “cố đấm ăn xôi”. Hỏi hoài.

– Tại anh mê nhạc quá nên chỉ giận anh đó.

– Không phải vậy đâu.

Tôi tài khôn:

– Còn không nữa. Giảm mê nhạc đi. Bớt hút thuốc nữa. Vậy là chỉ “chịu” ngay à. Mai mốt sống với nhau ráng mà “chiều” chỉ một chút, ông anh ơi! Anh tâm lý phụ nữ lắm mà!

Anh Hai nhìn xuống đất, thấp giọng:

– Nếu xuôi xắn thì anh cũng đâu sống tới ngày đó mà em lo cho anh vậy?

Mệt anh Hai quá! Trời ơi, nghe anh Hai nói mà nẫu lòng. Không lẽ số phận anh Hai cũng… “bèo” và nghiệt ngã vậy sao? Chị Miên Ly ơi! Chị có thấu hiểu tình anh Hai em dành cho riêng chị nhiều lắm không? Chị có biết anh Hai em vẫn đêm ngày chờ đợi và nhớ thương chị tha thiết thế nào không? Chị đang ở đâu? Chị có khi nào chợt nghĩ về anh Hai em không? Chị hết thương anh Hai em rồi sao? Chẳng biết anh Hai em còn đủ thời gian chờ mong chị nổi nữa không. Anh Hai đang bệnh nặng lắm, chị biết không? Nhưng thôi, em nghĩ vậy chứ không trách chị đâu. Anh Hai vẫn dặn em vậy. Mỗi người có hoàn cảnh riêng mà. Nhưng khi buồn thì người ta hay nghĩ mông lung vậy thôi.

Mấy bữa nay, biết anh Hai vậy rồi, em cũng thấy buồn nhiều. Chắc hẳn anh Hai buồn lắm. Không lẽ trái tim anh Hai hóa đá? Em còn nhỏ dại, ăn chưa no lo chưa tới, nên nhiều lúc làm anh phật lòng. Mong anh Hai tha thứ. Từ nay em cố gắng không làm anh Hai buồn nữa, nhất là trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời anh. Cầu cho anh Hai sống lâu với má, với em. Tuy trẻ người non dạ nhưng em cũng phần nào hiểu được tình anh Hai luôn dành cho những người thân rất sâu đậm, kể cả với chị Miên Ly. Cử chỉ, ngôn ngữ và động thái của anh Hai, kể cả những gì anh Hai viết, là bằng cả tấm lòng. Trời ơi! Tại số phận hay tại con người?

– Thôi, em đi nghỉ một chút để còn đi lễ đêm nữa.

Tôi “dạ” rất nhỏ, đứng lên và chậm bước đi về phòng. Anh Hai lại ngồi viết. Chẳng biết mọi đêm anh Hai viết đến bao giờ mới đi ngủ. Còn đêm nay chắc anh Hai không ngủ vì… nhớ! NNgười ta nói “vui một đêm thành tiên, phiền một đêm thành cú”, huống chi anh Hai. Thấy anh Hai dạo này gầy đi nhiều. Tôi trằn trọc mãi. Nghĩ đến má. Nghĩ đến chị Miên Ly. Nghĩ đến anh Hai. Có bốn câu thơ Không Đề của thi sĩ nào đó có vẻ “hợp” với anh Hai:

Ta vẫn một mình với số phận
Cuộc đời nghiệt ngã lắm, em ơi!
Hãy nói đi em, đừng im lặng
Dù điều em nói sẽ không vui!

Chị Miên Ly ơi! Anh Hai nghèo lắm. Chẳng nói thì chị cũng biết rõ. Anh Hai chỉ có tình yêu chân thành dành cho chị thôi. Tôi nghĩ lan man rồi thiếp đi… Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy anh Hai khỏi căn bệnh CORP quái ác, mơ thấy má cười hạnh phúc. Chưa bao giờ thấy má vui như vậy. Rồi má chợt khóc, làm tôi cũng khóc theo. Má khóc vì vui. Và như vậy, hẳn là mùa Đông của anh Hai sẽ không ngậm ngùi lặng lẽ mãi. Tất nhiên, tôi cũng được “giải” lời cầu cho anh Hai “ế độ” hồi trước.

o0o

Tiếng má gọi dậy đi lễ đêm làm tôi thức giấc. Mắt cay sè. Còn dư âm theo giấc chiêm bao vừa rồi nên tôi thấy uể oải. Gió lạnh phả vào khiến tôi hơi thu mình lại. Anh Hai vẫn ngồi đó. Chắc lòng anh Hai lạnh lắm!

Đường nhộn nhịp người, xe. Tôi lặng bước đi bên má. Má cũng im lặng. Tiếng hát vang ra từ một quán cà-phê: Bài Thánh ca đó còn nhớ không em… dội vào tai khiến tôi có cảm giác bâng khuâng như tôi là anh Hai vậy. Nghe những lời ca như vậy hẳn anh Hai buồn da diết. Chắc tại anh Hai không xứng với chị Miên Ly nên gia đình chị ngăn cấm? Nhưng sao chị không viết thư cho anh Hai khi hai người còn yêu nhau nồng nàn vậy? Cũng có thể vì chị giờ này là Việt kiều Mỹ? Chợt tôi buột miệng: “Chị Miên Ly ơi! Chị định sao mà không cho anh Hai em biết?”. Má hỏi:

– Con lẩm bẩm gì vậy?

Tôi vội đáp gọn lỏn:

– Dạ, không.

Đêm nay, đêm bình an, cả thế giới hân hoan cầu chúc nhau bình an và hạnh phúc trong ngày lễ hội quốc tế. Trên cao, hàng chữ Merry Christmas nhấp nháy hòa điệu vui mừng cùng muôn lòng. Tôi vu vơ nhìn lên trời. Những vì sao vẫn sáng lấp lánh. Ngôi sao nào của anh Hai? Thế là năm nay anh Hai không nhận được thiệp Noel của chị Miên Ly nữa. Tôi thầm cầu cho anh Hai đừng buồn nhiều, mà đủ sức vượt qua cú sốc này. Tôi không quên cầu cho chị Miên Ly bình an, khỏe mạnh, vui vẻ trọn vẹn, để anh Hai có chút niềm vui khi chị như vậy. Tôi biết anh Hai cũng mong ước như tôi.

Vì chuyện của anh Hai mà tôi cũng bâng khuâng lây. Tình yêu nhiêu khê thì tuổi mới lớn cũng phức tạp. Tôi sợ mai đây ngôi sao tôi lại như ngôi sao anh Hai. Vâng, con người yếu đuối và nhỏ nhoi nên mang nhiều mơ ước, nhiều khát vọng. Lẽ nào con người sinh ra để nuối tiếc khôn nguôi? Nhưng có vậy thì con người mới cần có nghị lực, can đảm vươn lên, vươn lên không ngừng, vươn lên khỏi cái tầm thường, ích kỷ nhỏ nhen, để khả dĩ hiểu thế nào là yêu thương và vị tha, là cần có một tấm lòng đại lượng thực sự. Cánh diều lên cao nhờ gió ngược, gió càng mạnh thì cánh diều càng bay cao. Tôi chợt thấy mình đang thành nhân. Điều đó còn cần hơn sự thành tài nữa. Tôi nhớ một danh nhân đã nói: “Ba thứ có giá trị nhất trên đời là tình yêu, lòng tự tin và bạn bè. Ba thứ không bao giờ bền vững trên đời là giấc mơ, thành công và tài sản”. Cảm ơn anh Hai.

Đêm nay, chị Miên Ly có Réveillons không? Hẳn là có. Ngoại quốc mà. Chắc là chị không muốn làm “đại tẩu” của Út Ngân rồi. Buồn ghê! Tại chị chán anh Hai hay tại ghét Út Ngân này? Còn anh Hai thì chắc chắn sẽ Réveillons với bản tình ca riêng của anh Hai bằng giai điệu màu Đông trầm lắng, xa vắng, mà mấy bữa nay anh Hai thường dạo đàn. Anh Hai đang chấp nhận cuộc đời để có sự bình an trong tâm hồn. Em nghĩ vậy có đúng không hả anh Hai của em?

Trên đường về, từ một quán cà-phê nào đó đang ngân vang bài ca vui nhộn: We wish you a Merry Christmas and a Happy New Year như một điều ước cho mọi người…

TRẦM THIÊN THU

1 comment:

  1. Anh Thu mến,

    Tuy mùa đông Canada chưa đến và Giáng Sinh lại cũng chưa về, nhưng đọc chuyện ngắn "Giai Điệu Mùa Đông" này của anh, CT lại cảm thấy mùa đông đã về và đang chuẩn bị Giáng Sinh. Một chuyện tình buồn với những tình tiết éo le, nhưng lại có đoạn kết không hề thề lương, bi thảm vì người trong cuộc có thiện tâm, biết chấp nhận, biết cảm thông, biết hy sinh, biết chia sẻ và biết tha thứ...Rõ ràng là có Chúa Giáng Sinh ngự trị trong tâm hồn mỗi nhân vật trong câu chuyện, nên ngay cả người đọc cũng cảm thấy một sự bình an ấm lòng. Nên Giai Điệu Mùa Đông cũng là Giai Điệu Giáng Sinh và Giai Điệu An Bình!

    Cám ơn anh Thu nhiều! Một chuyện ngắn thật hay và ý nghĩa!

    Rất mến,
    CT

    ReplyDelete