Wednesday, July 28, 2010

Chuyện ngắn của Vũ Thủy.

THIÊN ĐÀNG, HỎA NGỤC HAI BÊN


26/9/2009

Hi chị Cả,
Sau khi đọc những lời chia sẻ của chị, em nhìn lại bản thân và những gì em đã vượt qua, em không ngờ mình có thể làm được như thế. Đôi khi em phàn nàn tại sao Chúa với Đức Mẹ lại thử thách em nhiều quá qua những biến cố cuộc đời. Em lại cảm ơn vì qua những biến cố đời thường như thế, tâm hồn em biết suy nghĩ và dám hành động vì tha nhân hơn.
Thú thực với chị, lúc đầu khi mẹ chồng em mới trở bệnh nặng, em sợ hãi lắm. Biết bao lần em đã bỏ chạy khi nghe bà nói là “có nhiều người đang nhảy múa đánh bà hoặc giành giật đồ ăn của bà”. Trong khi bà nói, đôi mắt bà trừng trừng như nhìn vào ai đó mà chung quanh ngoài bà ra chỉ có mình em. Nhưng khi bình tĩnh lại em cảm thấy ân hận vì đã bỏ mặc bà, lúc đó bà cần có người ở bên đọc kinh cầu nguyện để đuổi ma quỷ. . . Dần dần rồi em càng bình tâm hơn và xử lý khôn ngoan hơn. Đó là về tâm linh! Còn về xác thịt thì ghê gớm hơn, mỗi lần bà đi cầu hay đi tiểu em gớm lắm muốn bỏ mặc cho ai dọn thì dọn. . . Nhưng cuối cùng em cũng thắng được sự hèn hạ của xác thịt, càng ngày em làm mọi thứ càng thành thục, nhẹ nhàng và gọn gàng hơn. Trong những ngày vừa qua em căng thẳng lắm, hàng ngày phải chứng kiến sự giằng co giữa sự sống và sự chết của bà mà xót thương cho phận con người, đau đớn đến tột đỉnh, chết cũng không được mà sống cũng không xong. Em chỉ biết dâng hết cho Chúa và thầm thĩ cầu nguyện cho mọi người trong gia đình cũng như bản thân em biết chấp nhận và bằng lòng dù chuyện gì xảy ra. Việc Chúa làm, mình là người phàm không bao giờ hiểu được, đúng không chị? Cũng như chị nói, với tình yêu tha nhân con người ta vượt qua được hết chị ơi. Em không phải là người giỏi giang gì nhưng tiếp xúc nhiều với người bệnh tật, em thấy tấm lòng mình rộng mở hơn. Cách đây khoảng bốn tháng, em đi thực tập ở nhà dưỡng lão (nursing home), em có gặp một bà cụ Mỹ đen bị Parkinson giống ba. Tay chân bà lúc nào cũng như đang đánh trống vậy, em đã khóc vì nhớ đến ba nhiều. em đã định bỏ rơi bà cụ không giúp cho bà cụ ăn hay làm gì cho bà hết vì lúc ba mình đau đâu có được ai giúp đỡ đâu. Nhưng chỉ trong giây lát, em bình tĩnh lại, em dịu dàng với bà cụ đó hơn. Có hôm em phải tắm tại giường cho một bà cụ Ấn-độ, toàn thân bà bê bết phân và nước tiểu hôi hám vô cùng. Khi em mở tấm chăn đắp cho bà, mấy người học chung với em phải nôn mửa. Nhưng em lại thanh thản đến lạ lùng,bình tĩnh lau chùi cho bà cụ rồi thay khăn tắm cũng như khăn trải giường cho bà. Sau 3 tiếng đồng hồ công việc mới hoàn tất, em nhìn bà cụ thấy bà nở một nụ cười thật tươi làm em quên hết mệt nhọc. . . Sáng nay, em hay tin bà cụ người Ấn độ đã qua đời sau đó 2 ngày, em tự nhủ mình sẽ rất ân hận nếu như hôm đó đã bỏ mặc bà cụ.
Em đã học xong bằng y tá rồi, ở bên này gọi là: “Certified Nursing Assistant” giống như hộ lý ở VN vậy, nhưng làm nhiều thứ chuyện hơn. Mai mốt mẹ chồng em về với Chúa rồi em sẽ đi làm để giúp những người già VN.
Có gì em sẽ mail cho chị tiếp nghen, có bác sĩ đến thăm bịnh cho mẹ chồng em, em phải tiếp ông ấy. . 

By chị,
Em gái út của chị.



Đọc xong email của em gái, cả nhà đều thương cho nó, má thì xót xa vì con gái đi làm dâu sao cực quá! Ngọc Châu lại thấy mừng vì em gái cô giờ đây đã trưởng thành vượt xa mức tưởng tượng của cô. Châu nhớ như in cái ngày nó cùng hai đứa con nhỏ chia tay với gia đình cô tại phi trường. em gái cô đùm đề đồ đạc đi định cư tại Mỹ theo chồng. Lòng nó chắc xẻ làm đôi, nửa vui vì đoàn tụ với chồng-nửa tái tê vì phải ra đi không biết bao giờ mới có dịp gặp lại má và các anh chị. . . Mấy ngày trước khi ra đi, nó còn hớn hở bảo Châu:
-Chị Cả! Em qua đó chỉ chừng hai tuần lễ, em ổn định cuộc sống là sẽ đi làm liền!
Ngọc Châu nghi ngờ hỏi nó:
-Em đã chuẩn bị tâm lý để sống một cuộc sống không có má chưa?
-Em biết là sẽ khó khăn, hai đứa nhỏ vắng ngoại sẽ khóc, em sẽ phải tự làm lấy mọi việc, nhưng em đã chuẩn bị tâm lý rồi chị ạ!
Nghe em gái nói thế, Châu thấy nao lòng. Cô vẫn lo lắng cho nó vì từ bé đến giờ cuộc đời của nó lúc nào cũng suông sẻ chứ không lận đận như cô, chẳng biết nó có chịu đựng được những gì đang chờ đón nó ở bên kia bờ đại dương. Những ngày sau đó gia đình Châu liên tiếp nhận được những email và những cuộc gọi từ Mỹ về. Em út cô than thở về sự khắt khe của mẹ chồng và chị chồng. Bà chị chồng đã quá 50 mà chưa chịu lập gia đình, bà mẹ chồng mắc bệnh nan y mà không chịu nghe lời bác sĩ. Chồng nó trước đây vừa chăm sóc mẹ vừa đi học, đi làm, bây giờ chồng nó bảo nó phải ở nhà để chăm sóc mẹ chồng. Em gái cô chẳng muốn nhưng đó là giải pháp tốt nhất cho hoàn cảnh của cả hai vợ chồng, nó đành chịu. . .
Rồi những cú phone, những email của em gái Châu gởi về cũng thưa dần. Nhưng thỉnh thoảng quá bức xúc, nó cũng email để tâm sự riêng với Châu. Có lần nó kể lể với Châu rằng nó nghe thấy mẹ chồng năn nỉ chị chồng nó ở lại bệnh viện ngủ với bà một đêm. Bà nói: “Mẹ không còn sống bao lâu, mẹ có điều muốn nói với con!” Nhưng đứa con gái của bà ta trả lời dứt khoát: “Con phải về nhà ngủ để ngày mai đi làm chứ!” Thật là tội nghiệp bà ta hết sức, không biết lúc ấy bà nghĩ gì mà quay qua cáu kỉnh với đứa con dâu rồi đuổi nó về. Nhưng em gái Châu đã không nỡ bỏ mặc bà một mình, nó ra hành lang cầu nguyện cho bà được một giấc ngủ bình yên. Thế vậy mà bà chị chồng lại gieo tiếng ác cho em gái Châu, cô ta bảo với em trai mình: “Vợ của chú chịu hầu hạ mẹ là để chuộc tội ngoại tình khi cô ta còn ở Việt Nam.” Điều đó hoàn toàn bịa đặt, em rể Châu phải biết rõ hơn ai hết, thế mà hắn ta không hề thanh minh cho vợ mình một tiếng. . .
Thật là thiệt thòi cho em gái Châu, từ bé đến lớn nó quen được chiều chuộng săn sóc, muốn gì làm nấy tùy thích. . . Thấy má khóc vì thương con gái phương xa, Châu an ủi:
-Má phải mừng vì con Út nó đổi tánh đổi nết, con nghĩ nó đã được ơn Chúa mới chịu đựng được những nỗi oan ức thiệt thòi đó. Đời nay làm gì còn cảnh làm dâu? Nhất là lại ở trên một đất nước văn minh như Mỹ?
Má chậm chậm nước mắt bằng chiếc khăn tay hồi xưa ba mua cho má, rồi nói:
-Biết là mừng rồi đó, nhưng sức người có hạn. . .
Châu cắt ngang:
-Má phải tin tưởng chớ, có ơn Chúa rồi con người ta vượt qua được hết má à! Con nghĩ nó đã kiếm được một góc Thiên đàng ngay trong địa ngục trần gian ở bển. . . Ngược lại, má thử nghĩ coi nó không bằng lòng làm vậy thì phận hiếu thảo của chồng nó không vẹn toàn, rồi hai vợ chồng lại cắn đắng nhau. . . Sẽ có một địa ngục trần gian ngay trên thiên đường nước Mỹ thôi má à!


Châu mỉm cười nhớ lại những ngày còn nhỏ cô cùng các em chơi trò THIÊN ĐÀNG, HỎA NGỤC HAI BÊN, thấm thoát thế mà cô em út của Châu đã biết chọn cho nó một góc Thiên đàng ở ngay trần gian. Người ta cứ bảo nó nhẫn nhịn nhà chồng thế là dại, Châu lại thấy em gái mình khôn ngoan hơn bao giờ hết.
 23/7/2010
Vũ Thủy

2 comments:

  1. Vũ Thủy mến,
    Cám ơn em nhiều nhé! Câu chuyện rất thời sự và có ý nghĩa luân lý và tôn giáo. Trong thời đại luân lý và tôn giáo càng ngày càng xuống cấp này thì kiếm được người con gái như em của cô Châu thật là hiếm. Thật sự người em gái này đã biết chọn phần tốt nhất cho đời mình, phải không Thủy? Thiên đàng đã đang ở trong lòng người con gái hiền đức này vậy!
    Rất mến,
    CT

    ReplyDelete
  2. mới nghe qua tưởng dễ làm , kỳ thực làm được rất khó ! ước gì trên đời này
    ta gặp được nhiều người như vậy .
    Giu-se Sướng

    ReplyDelete