Sunday, July 31, 2011


QUA NHỮNG DÒNG THƠ

Tôi qua Mỹ từ khi còn rất nhỏ
Nay trưởng thành tôi tìm về nguồn cội
Mấy năm trước má gọi phone thăm hỏi
Hai má con ấp úng khi trò chuyện
Có những lúc má nói tôi không hiểu?
Còn tôi nói nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh.
Qua dòng thơ Việt tôi thêm yêu Việt Ngữ
Nay có thể chuyện trò với má vui hơn.
Nhờ dòng thơ tôi nhớ đến quê nhà
Nhớ lũy tre xanh, nhớ  vườn xưa, nhớ lũ bạn...
Chiều bâng khuâng gió thổi sáo vi vu
Đưa tôi đến gần Đấng là Vua Vũ Trụ.
Trời với đất dù khoảng cách xa xăm
Vần thơ tôi, Chúa chắp cánh thiên thần
Ngọt ngào như hương sắc đóa hồng ân
Như cánh cửa mở dần kho tàng Việt ngữ
Thơ mở cho tôi một bầu trời tâm linh mới!

HBTT

Wednesday, July 27, 2011

Viphương: Hành Hương đền thánh Giuse và Anna - Canada (bút ký)

HÀNH HƯƠNG ĐỀN THÁNH GIUSE VÀ ĐỀN THÁNH ANNA
(ST JOSEPH’S ORATORY and ST ANNE- DE –BEAUPRÉ SHRINE)
June-30-2011 to July-1-2011


Vợ chồng tôi chỉ gặp cha Phêrô Nguyễn Văn Phong giám đốc Tu Đoàn Nhà Chúa một lần trong một đám tang của người quen. Sau đó cha và tôi cũng trao đổi một vài tin tức, một vài bài viết hay hay của ai đó. Thế thôi. Cha ở New Orleans Hoa Kỳ, còn tôi ở Brampton, tỉnh bang Ontario Canada. Trong dịp Hội Bảo Trợ Tu Đoàn nhà Chúa kỷ niệm 15 năm thành lập, cha có ngỏ ý mời vợ chồng chúng tôi cùng đi Hành Hương với cha lên đền Thánh Cả Giuse ở Montreal và Vương cung thánh đường Thánh Anna, thuộc tiểu bang Quebec, Canada. Phái đoàn gồm có các thày và hơn 10 anh chị từ bên New Orleans qua Canada để đi cùng với phái đoàn của Cha Vincent Kim Văn Toan.
Vợ chồng tôi đã đến đền thánh Giuse ở Montreal nhiều lần và cũng có lần đến kính viếng Vương Cung Thánh Đường bà thánh Anna ở Quebec city trong dịp Ðại Hội Thánh Thể toàn quốc được tổ chức ở đây. Tuy nhiên khi nhận được lời mời của cha Phong, tôi vẫn háo hức muốn đi và tôi nhận lời ngay. Sau đó, tôi lại ngập ngừng không muốn đi nữa vì trong phái đoàn Hành Hương của cha tôi chẳng quen ai, ngoại trừ cha Phong.
Nhưng có một cái gì đó thúc đẩy trong tôi làm tôi cứ muốn đi, cứ muốn đến kính viếng thánh cả Giuse và Thánh Anna. Để chiến đấu với những lo âu và ngại ngùng, tôi làm một quyết tâm là mỗi sáng tôi cố gắng đi dự thánh lễ tại nhà thờ thánh Anna gần nơi tôi ở. Tôi đã kêu cầu Bà Thánh Anna mở lòng tôi, để tôi được lòng mến bà như Bà Ngoại của tôi. Thế rồi, ngày qua ngày tình cảm yêu thương của thánh Anna nhè nhẹ đi vào hồn tôi, để rồi sau đó tội gọi thánh Anna là Ngoại lúc nào không biết và tôi nhất quyết đi đến đền thánh dành riêng để tôn kính bà Ngoại của tôi. Tôi tự nhủ lòng: “Trước lạ sau quen. Sợ gì. Đến thăm Ngoại chứ bộ!”
Sáng sớm ngày 30 tháng 6 năm 2011, năm anh chị em chúng tôi là anh chị Lộc-Ðào, Lộc-Phượng và tôi đã đến điểm hẹn. Thế nhưng, giờ hẹn đã đến, nhưng vẫn chưa thấy xe bus tới. Chúng tôi hồi hộp vì sợ xe bus không biết điểm hẹn và bỏ chúng tôi lại. Vừa thoáng thấy xe bus loại du lịch, tôi reo lên: “Xe tới kìa, chạy theo đi”. Nhưng chồng tôi phán ngay cho một câu làm tôi cụt hứng: “Ngon dữ. Biết đâu xe đó là của phái đoàn khác thì sao?” Tôi quả quyết: “Ðúng mà. Cha Phong vừa gọi xong”. Tôi sợ xe không biết đường quay lại, nên vội vàng đi nhanh đến ngã tư để ra dấu hiệu. Tôi mừng vì đúng là xe bus chở phái đoàn hành hương vì xe đang tìm đường quay ngược trở lại. Dù chồng tôi không đi vì bận công chuyện, nhưng cũng bước lên xe chúc mọi người đi hành hương vui vẻ và bằng an. Một chị cười nói với chồng tôi: “Tưởng anh lên xe đi. Ai ngờ chỉ chào hỏi thôi.” Sau này chồng tôi kể, vừa bước lên xe chào mọi người, cha Toan đã đứng lên niềm nở bắt tay làm chồng tôi cảm động.
Xe lăn bánh và trực chỉ xa lộ 401 về phía Ðông để đi Montreal. Xe chạy chưa được bao lâu, cha Phong đã vui vẻ lên tiếng: “Chắc bà con đói bụng rồi. Chúng ta ăn sáng!”. Thế là mọi người ngồi trong xe vui hẳn lên và mỗi người nhận được một ổ bánh mì thật lớn và một chai nước lạnh. Tôi không quen ăn sáng vì còn quá sớm. Nên tôi vội cất vào túi xách vì nghĩ là không thể ăn hết nổi ổ bánh mì bự tổ chảng này được! (To bằng ổ bánh mì Subway) Lỡ ăn vào rồi lại uống nước nữa, bánh mì trong bụng nở ra thì làm sao bụng tôi chịu cho nổi! Ôi thôi..., tôi thương cái bụng tôi quá! Tôi liếc tới liếc lui, liếc qua liếc lại nhìn mọi người, ai cũng tay cầm chai nước, tay cầm ổ bánh mì ăn một cách hết sức ngon lành. Tôi quay sang hỏi chị bạn: “Bánh mì ngon không chị? Chị vui vẻ thúc giục: “Ăn đi, bánh họ làm ngon lắm!” Nghe nói “ngon lắm” tự nhiên tôi bắt thèm, nên lấy ổ bánh mì ra, bẻ một nửa vì nghĩ mình chỉ có thể ăn hết một nửa là nhiều. Thế rồi chỉ một thoáng, tôi ăn hết cả ổ chứ không phải một nửa đâu! Phải nói là ngon thiệt là ngon! Có lẽ ổ bánh mì ngon vì tất cả tình thương mà cô Ngọc, cô Phượng đã đặt vào đó. Tôi được biết, hai cô đã thức hầu như suốt đêm để bỏ vào ổ bánh mì nào là thịt nguội kèm theo là miếng dưa và cọng ngò thơm. Chất béo, chất ngọt của thịt nguội hòa lẫn với mùi ngò thơm làm cho ổ bánh ngon hơn, thơm hơn. Thơm hơn là phải vì nó không chỉ có mùi thơm của ổ bánh mì, nhưng còn mùi thơm của Ban tổ chức đã quan tâm và lo lắng cho mọi người trong đoàn hành hương. Tôi ngẫu hứng viết vài câu thơ dưới đây để tặng Ban tổ chức:
Bánh mì ngon thật là ngon
Thịt Ham*, thêm chút cọng ngò thơm tho.
Ăn vào ngon miệng, lại no.
Cám ơn người có công lo cho đoàn…
Và:
Cám ơn dù có vạn lần
Vẫn chưa nói hết một phần công lao
Cầu xin lòng mến dạt dào
Tiếng lòng cám tạ, tình trao, trao hoài!
Vừa ăn điểm tâm xong, cha Phong mời mọi người lần chuỗi Mân Côi. Thú thật nghe cha nói, tôi cảm thấy ngán ngẩm. Tôi lẩm bẩm trong bụng: “Cha ơi, mới ăn xong làm sao đọc kinh cho nổi! Buồn ngủ muốn chết.” Dù sao, tôi cũng đọc theo mọi người. Nhưng chưa hết một chục kinh thì ai đọc mặc ai, hồn tôi bay bỗng nơi nao, tôi chả biết. Có ai đó làm rớt chai nước, tôi giật mình mở hai con mắt ra và ú ớ thưa “Amen” một mình! Chắc là tiếng thưa nhỏ quá nên không có ai nghe thấy. Nếu không thì bị quê một cục! Cha Phong à, lần sau cha cho đọc kinh trước rồi ăn sau. Nếu không, cha đọc một mình đó!
Không ngờ, cha quan tâm và lo lắng cho mọi người y như người mẹ hiền chăm sóc con cái. Ổ bánh mì hãy còn lũng bũng lội nước trong bụng thì cha lại nhắc người có trách nhiệm cho mọi người ăn trái cây. Trời đất, bụng nào chứa cho nổi, trong bụng nghĩ như vậy nhưng lại không dám phản đối khi cái miệng mở lớn ra đón nhận những trái cây thơm ngon và ngọt lịm vào! Rõ mâu thuẫn! Mà không biết cô nào chị nào khéo tay rứa. Trái cây được sắt ra từng miếng nhỏ rồi bỏ vào hộp ướp cho lạnh. Ăn miếng nào, mát tới ruột gan miếng đó. Tôi có cảm tưởng đang ngồi trên máy bay hạng Business. Tôi thầm nghĩ, anh chàng nào có phước mới gặp đuợc cô vợ như thế. Nghe đâu trong Giáo xứ của cha Toan, các bà các cô đều hết lòng, còn các ông thì hết sức để lo cho cộng đoàn lớn mạnh. Do đó mà nhìn cha Toan lúc nào cũng cười tươi vui vẻ và ngày càng trẻ ra. Tạ ơn Chúa!
Xe chạy bon bon từ Toronto đến Kingston rất nhanh (cách Toronto chừng 250km). Ai cũng hớn hở vì nếu cứ theo đà này, đoàn hành hương sẽ đến đền thánh Giuse ở Montreal khoảng 1 giờ trưa. Sau đó, anh chị em sẽ tha hồ đi cầu nguyện, tham quan đền thánh và mua quà lưu niệm…. Nếu còn giờ đoàn hành hương sẽ được đưa đi thăm Vương Cung Thánh Đường Notre-Dame. Thế nhưng mọi dự tính đều không được như ý vì gần tới Montreal thì bị kẹt xe quá chừng…Gần 3giờ 30 xe mới tới đền Thánh Giuse được.


*Tôi xin sơ qua về đền Thánh cả Giuse. Người Việt mình hay gọi như thế, nhưng chính ra đền thánh đã được Giáo Hội nâng lên Vương Cung Thánh Đường vì thánh Giuse là thánh bổn mạng nước Canada và Thế Giới, cũng là nơi khách thập phương từ khắp nơi tuôn về để cầu xin Thánh Cả Giuse.
VCTĐ Thánh Giuse do thày André Bessette xây cất để đặc biệt tôn kính thánh Giuse mà thày hết lòng yêu mến. Thày André sinh năm1845 trong một gia đình rất nghèo. Năm 12 tuổi bố mẹ thày qua đời. Bị mồ côi cả cha lẫn mẹ ở lứa tuổi 12, thày phải tự lập để kiếm sống. Sau đó thày xin gia nhập vào tu Dòng Thánh Giá. Nhưng vì sức học quá kém nên bề trên giao cho thày nhiệm vụ gác cổng mà thôi. Trong nhiệm vụ này, thày đã sống một cuộc đời thật đơn hèn, khiêm nhường và vui vẻ với tất cả những người mà thày gặp gỡ và luôn kết hợp mật thiết với Chúa trong lời cầu hằng phút giây. Qua Thày André, Chúa đã chữa lành cho biết bao người về phần xác và ơn hối cải để trở về với Chúa. Tiếng lành về lòng đạo đức của thày lan khắp nơi, thu hút bao nhiêu người đến đây hành hương. Thày nói với mọi người rằng, chính Thánh Cả Giuse cầu bầu, Chúa đã chữa lành chứ không phải là thày. Thày có ý định xây một nhà nguyện để kính Thánh Cả và là nơi để mọi người đến cầu nguyện. Do đó nhà nguyện tiên khởi được xây vào năm 1904 và đến năm 1910 thì hoàn thành. Tuy nhiên nhà nguyện này vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu ngày càng đông giáo hữu khắp nơi đổ về. Vì thế dự án xây cất một đại thánh đường được khởi công với sự đóng góp quảng đại của rất nhiều người. Tầng hầm (Crypt) hoàn tất năm 1917 và có thể chứa đến 1000 người tham dự thánh lễ. Nơi đây thánh lễ được dâng đủ mọi ngôn ngữ. Từ 8 giờ sáng đến tối, cứ cách một giờ lại có thánh lễ. Cũng trong tầng hầm này bên ngoài chỗ thắp nến cầu nguyện có tượng Thánh Cả Giuse thật lớn được đặt trên cao và hàng nến từ trên xuống dưới nhiều vô kể vì mỗi người khi đến đây thường thắp nến cầu nguyện. Hai bên tả hữu của thánh đài chính ta lại thấy có nhiều hình Thánh Cả tùy theo nhiệm vụ mà Thánh Cả phù trì. Chỗ tượng Thánh Cả chữa người đau ốm bệnh tật. Chỗ này có rất nhiều nến được thắp sáng. Tôi nghĩ có lẽ ai cũng cầu xin thánh cả chữa bệnh phần xác cũng như phần hồn. Gần đó tôi thấy rất nhiều cặp nạng được treo trên tường. Ðiều này chứng tỏ những người tật nguyền đã được chữa lành rồi bỏ nạng lại ở đây. Chỗ khác Thánh Giuse và kẻ sinh thì. Chỗ này là nơi để cầu nguyện cho người đã qua đời và an ủi những ai mất người thân yêu. Tiếp theo là chỗ cầu cho có công ăn việc làm, chỗ cầu cho con cái, chỗ cầu cho đức khiết tịnh của các bạn trẻ, chỗ cầu cho gia đình, chỗ cầu cho không bị thần dữ cám dỗ và chỗ cầu cho Giáo hội… Mỗi một chỗ, người điêu khắc đã tạc tượng Thánh Giuse theo ý chỉ cầu nguyện đó. Những bức tượng này làm bằng đá cẩm thạch thật đẹp và rất có nghệ thuật!
Mỗi lần lên đền thánh tôi rất thích được quì từng chỗ một để cầu nguyện. Cầu nguyện theo ý chỉ của bạn bè nhờ, cầu nguyện cho chính mình và những người thân..
Phía sau bức tường có tượng Thánh Giuse đứng chính giữa. Ðó chính là mộ thánh Brother André. Ai đến viếng, cũng đặt tay lên mộ thánh Brother André để cầu nguyện. Riêng trái tim của Ngài, người ta đưa lên trên lầu của đền thánh để được tôn kính. Bầu khí nơi đây thật linh thiêng!
Sau 40 năm xây cất, từ năm 1924, VCTĐ đã được hoàn tất. Nhà thờ lớn ở tầng trên cùng có sức chứa 2200 người và dành dâng các thánh lễ chủ nhật và các ngày lễ trọng. Dome (vòm) trên đỉnh đền thờ lớn vào bậc nhất thế giới với đường kính 30 mét. Từ dưới lên đến trên đỉnh cao 91 mét, dài 65 mét và rộng 37 mét. Có 283 bậc thang từ dưới lên trên. Bên ngoài đền thờ, từ dưới đất lên đến nhà thờ hầm (crypt) có 99 bậc thang được làm bằng gỗ dành cho những ai muốn hãm mình cầu nguyện. Có nhiều người đi lên bằng hai đầu gối. Có nghĩa là quỳ để đi lên. Nhìn họ quỳ để lên, tôi cảm thấy xấu hổ vì lần nào tôi cũng muốn xe đậu ngay trước cửa nhà thờ để đỡ mệt. Lạy Chúa xin tha tội con lười biếng.
Trở lại chuyện đoàn hành hương. Chính vì nạn kẹt xe, không còn giờ, nên dự tính đi thăm mọi nơi trong đền thánh Giuse không còn kịp. Ðoàn hành hương cũng muốn đến viếng thăm Vuơng Cung Thánh Ðường Notre-Dame cũng không được vì đường đi vào đang bị sửa. Ngay cả giờ lễ và nơi dâng thánh lễ cũng bị thay đổi. Thay vì hai cha Phong và cha Toan dâng lễ tại nhà thờ hầm (Crypt) lúc 5:45 chiều thì đổi lại dâng lễ tại một nhà nguyện (Chapel) vào lúc 4:30 chiều.
Tội nghiệp cha Phong và Ban tổ chức phải lo đi kiếm từng người để đưa về nhà nguyện cho kịp giờ dâng thánh lễ. Trong khi chờ đợi, cha Phong đã chia sẻ về Tu Đoàn Nhà Chúa. Đây là một Tu Đoàn được thành lập tại VN vào năm 1630 (có trên 350 năm) do cha Alexandre de Rhodes thành lập tại miền Bắc dưới danh xưng Tổ chức Nhà Đức Chúa Trời để đào tạo các Thày Giảng cho công cuộc truyền giáo tại Việt nam. Trong những giai đoạn đạo Chúa bị cấm đoán và bách hại, các giáo sĩ người ngoại quốc bị lùng bắt, thì các Thày Giảng của Tu Đoàn là những chiến sĩ can trường đã lặn lội khắp nơi, đồng hành với giáo dân để cũng cố niềm tin cho họ và loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Các tu sĩ cũng đã lấy máu đào để minh chứng niềm tin.Trong số 118 vị thánh Tử Đạo Việt Nam đã có gần 20 vị thuộc Thày Giảng nhà Đức Chúa Trời trong đó Chân Phước André Phú Yên là thày giảng tử đạo đầu tiên. Nhưng tại sao người Việt Nam ít nghe và biết đến Tu Đoàn này?
Lý do là, sau năm 1954, hiệp định Geneve phân chia hai miền Nam Bắc. Một số các linh mục tu sĩ lên đường vào Nam còn Tu Đoàn miền Bắc thì bị cấm đoán và bị hạn chế trong mọi sinh hoạt. Tuy nhiên các Tu sĩ Nhà Chúa vẫn âm thầm hăng say trong việc mở mang nước Chúa và như chúng ta đã biết niềm tin của giáo dân miền Bắc thật sống động mặc dù thiếu vắng cha cố, mặc dù họ phải gặp bao nổi gian truân để giữ đức tin và truyền lại cho con cháu. Trong khi ở Miền Nam, các Tu sĩ Nhà Chúa phải cố gắng để củng cố lại Tu Hội và đặt cơ sở để phát triển. Nhưng cũng có thể vì miền Nam được tự do Tôn Giáo, nên các dòng tu lớn mà các Đấng sáng lập là người nước ngoài như Dòng Tên, dòng Đa Minh, dòng Chúa Cứu Thế…Các cha đã đến cánh đồng truyền giáo Việt Nam để loan báo Tin Mừng và đồng thời cũng tuyển sinh cho các nhà dòng của họ. Vì thế những dòng tu, tu hội của chính người Việt Nam thành lập đã không được chú ý đến nhiều. Thật đáng buồn vì người Việt mình hay có tính vọng ngoại, ưa chuộng dòng ngoại quốc hơn dòng Việt Nam, ít có người quan tâm và nâng đỡ những dòng tu do chính người Việt lập nên. Do đó Ơn Gọi Tu sĩ Nhà Chúa đã bị ảnh hưởng không kém.
Để biết thêm hình ảnh hành hương và sinh hoạt Tu Đoàn Nhà Chúa, xin quý vị vào:
http://www. Nhachua.net
Những điều nhận xét trên là qua cảm nghiệm bản thân. Tôi cũng đã rơi vào tình cảm thiên tư ấy. Khi còn ở quê nhà tôi cũng có những suy nghĩ thiển cận là các dòng tu từ ngoại quốc họ học giỏi hơn, giàu sang hơn và cởi mở hơn, cho nên nhìn các dòng tu “made in VN” dưới cái nhìn không mấy thiện cảm!
Nhờ cha Phong chia sẻ một chút về Tu Đoàn tôi như người sực tỉnh sau một cơn mê dài. Tại sao tôi không nâng đỡ người của tôi. Tôi cũng là người Việt mà. Hơn nữa các dòng tu của người VN đã giúp cho người Việt giữ và làm sống động những nét văn hoa của nền Văn Hoá Việt Nam. Những thành kiến bấy lâu nay làm tôi thêm xấu hổ và hứa với lòng:
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!
Cầu xin Chân Phước André Phú Yên và các tiền nhân cầu giúp để con biết trở về nguồn và hãnh diện vì con là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Trong thánh lễ cầu cho ơn thiên triệu, Cha Phong đã nhấn mạnh đến cuộc hành hương. Đây không phải là một cuộc đi du lịch, hay thăm viếng danh lam thắng cảnh, cũng không phải chú tâm đến đây để cầu nguyện bắt Chúa nghe lời chúng ta. Nhưng chúng ta đến với tâm tình khiêm tốn, hoán cải, ăn năn và cám tạ muôn vàn Hồng Ân Chúa đổ xuống trên chúng ta qua Thánh cả Giuse và thánh Anna. Ðồng thời chúng ta suy gẫm và học về đức Khiêm Nhường nơi thánh Cả Giuse và thánh Brother André. Thánh Brother André là chứng nhân của một niềm phó thác đời mình cho Thiên Chúa qua việc liên lỉ cầu nguyện, sống trong tâm tình đơn sơ và khiêm tốn. Thày André là một đứa trẻ mồ côi mất cha mẹ năm 12 tuổi, không được học hành nhiều nên Bề trên đã giao cho Thày phận sự giữ cổng. Với chức vụ khiêm tốn ấy thày đã làm trong sự kết hợp mật thiết với Chúa bằng lời cầu nguyện và với lòng khiêm nhường thày đã cho những người mà thầy mở cổng hằng ngày một niềm vui một sự bình an và qua thánh cả Giuse mà thày hết lòng tôn kính và coi như Ðấng bảo trợ của thày và qua Thày Chúa đã chữa lành cho biết bao người về bệnh tật cũng như ơn hoán cải. Tiếng đồn về một thày nhân đức thánh thiện ngày càng lan xa. Nhiều người đã tìm đến với thày. Thày luôn luôn nói với họ: “Chính lòng thương xót của Chúa và qua thánh cả Giuse cầu bầu, Chúa đã chữa lành anh chị em chứ không phải tôi.”. Trong tâm tình khiêm tốn và âm thầm với nhiệm vụ giữ cửa, ngài đã thu hút được nhiều linh hồn về với Chúa và ngày qua ngày từng đoàn hành hương từ khắp nơi đã đến đây hành hương và rồi một đền thánh nguy nga được hoàn thành như chúng ta đang hiện diện do chính con người khiêm tốn ấy xây dựng nên. Nếu chúng ta biết sống trong tâm tình khiêm nhường, đơn sơ và kết hợp mật thiết với Chúa trong lời cầu và để Chúa hướng dẫn đời ta thì chắc chắn Chúa sẽ dùng ta như ý Chúa muốn và mọi việc trong đời ta sẽ tốt đẹp. Thế nhưng, làm thế nào để được có một tâm hồn như thế. Cha đã nhấn mạnh về hai chữ: NGHE và NÓI. NGHE, chúng ta phải biết lắng nghe lời Chúa qua Tin Mừng, qua Giáo Hội, qua các đấng Bản quyền để không bị sai lạc, không bị chao đảo trong niềm tin. Đồng thời cũng phải biết lắng nghe từ anh chị em với trọn vẹn lòng yêu mến. NÓI, chúng ta còn phải nói, nói trong tâm tình yêu thương, tâm tình khiêm nhu và trong ý thức là mỗi khi chúng ta nói, mỗi lời chúng ta nói là một sứ vụ đưa Tin Mừng của Chúa đến cho người mà chúng ta tiếp xúc.
Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày phải đối diện với bao tình huống, cũng khó cho chúng ta thực thi những điều trên. Biết bao lần chúng ta đã bịt tai lại không lắng nghe. Có khi chúng ta có lắng nghe nhưng chỉ bằng tai mà chưa nghe bằng chính con tim của chúng ta. Chúng ta như người ĐIẾC. Điếc trong định kiến: Nhìn người đó với con mắt khinh khi, hay hằn học. Điếc khi chúng ta không muốn đón nhận những ý kiến hay, đúng của người khác. Ta như đóng kín cõi lòng để bỏ ngoài tai những lời kêu van của những người kém may mắn hơn chúng ta. Có khi chúng ta còn hợm hĩnh tưởng mình là đỉnh cao của vũ trụ mà khinh chê người khác, mặc dù khả năng và sự hiểu biết của chúng ta chỉ là một hạt cát trong sa mạc mênh mông! Một cái Điếc tệ hại hơn là chúng ta đóng kín lòng trí về mặt thiêng liêng là không muốn đón nghe lời Chúa. Không tuân giữ lời Chúa, không sống lời Chúa, không thực hành lời Chúa và cũng không rao giảng lời Chúa.
Cánh đồng truyền giáo thì mênh mông hơn 5 tỷ người trên thế giới vẫn chưa biết Chúa. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh, vật chất và đề cao tự do cá nhân, hưởng thụ… mà thiếu đi sự cảm thông và đối thọai. Giáo hội cần nhiều tông đồ nhiệt thành để rao giảng lời Chúa. Ơn gọi tu trì bị sa sút, nhưng đừng thất vọng, hãy cầu xin Chúa là Mục Tử nhân lành sai nhiều thợ gặt đến trên cánh đồng truyền giáo mênh mông. Chính chúng ta cũng có bổn phận truyền giáo và hỗ trợ công cuộc truyền giáo bằng lời cầu nguyện và sự trợ giúp tùy khả năng của mỗi người. Đó là một mệnh lệnh mà trong sắc lệnh của Công Đồng Vaticanô II đã đề ra.
Xin Thánh Cả Giuse, thánh Brother André cầu bầu cho chúng ta, để mỗi người biết được trách nhiệm truyền giáo, đưa Tin Mừng của Chúa đến cho những người chưa biết Chúa vì chính Chúa đã truyền cho chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. (Maccô 16, 15)
Vì thế, chúng ta hãy học sống gương Khiêm nhường của Thánh Cả Giuse, thánh Brother André để chúng ta nên là chứng nhân của Chúa và tiếp nối sứ mệnh Tông Đồ của cha ông chúng ta.
Sau thánh lễ, chúng tôi lên xe để đi đến đền thánh Anna. Đền thánh Anna thuộc tỉnh Quebec trong tiểu bang Quebec, cách Montreal 3 giờ lái xe. Lại kẹt xe! Tôi ở Canada nên không lạ khi thấy kẹt xe vì đường xá đang được sửa chữa sau mùa đông tuyết phủ kéo dài làm đường xá bị hư hao.
Ra khỏi thành phố, xe đi lần qua các cánh rừng. Dưới ánh nắng của buổi chiều tà, nhìn mặt trời xuống rất gần trên những ngọn cây, chiếu những tia sáng lung linh trên dòng sông khi xe leo lên những cây cầu, lòng tôi dâng lên một chút xao xuyến và thầm cám ơn Chúa vì những việc lạ lùng Ngài đã làm! Ngồi gần tôi, em Loan cứ hỏi tôi: “Tới chưa chị?” Em nghĩ là tôi biết đường, nhưng thú thật tôi có biết gì đâu vì những lần đi Quebec tôi cũng chỉ ngồi nhìn và mặc cho xe chạy thôi mà. Tuy nhiên khi nghe em hỏi tôi cũng đáp: “Sắp rồi em!” Và tôi đã nói câu này với em không biết bao nhiêu lần! Có lẽ em nghĩ tôi nói xạo. Sau này, trên đường về chúng tôi vui với câu nói “Sắp rồi em” vì em đã hiểu đó là câu mà tôi nói để như có niềm vui và hy vọng. Nếu tôi trả lời bằng câu “Chưa đâu em” hoặc “Còn lâu em” thì có lẽ em sẽ chán nản, mệt mỏi và có khi còn thở dài nữa!


Hơn 9 giờ đêm chúng tôi mới đến đền Thánh Anna. Tôi vui mừng quá đổi và thầm kêu: “Nhà Ngọai đây rồi, con về thăm Ngoại đây.” Vì đã khuya, thánh đường đã đóng cửa nên chúng tôi đi nhận phòng. Trong khi chúng tôi được thoải mái lo việc riêng thì Ban tổ chức đã lo đi mua thức ăn tối cho chúng tôi vì phòng ăn của trung tâm cũng đã đóng cửa. Nhìn các anh chị trong Ban tổ chức quá chu đáo, và lúc nào cũng nở nụ cười, tôi cảm thấy thật ấm lòng và cám tạ Chúa đã cho tôi được thấy những bông hoa phục vụ quên mình. Tôi đã cầu nguyện cho các anh chị đó thay lời cám ơn!
Sau một giấc ngủ đêm an lành, chúng tôi thức dậy sớm để tham dự thánh lễ. Phụng vụ hôm nay mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ðền thánh Anna như là một dấu chỉ yêu thương của Bà Ngọai cho tôi. Năm Ðại Hội Thánh Thể thế giới, vợ chồng tôi đến đây và được chọn để dâng của lễ chung với cộng đoàn người Tây. Hôm đó tôi cảm động quá sức vì như một tình cờ, cha người Tây phụ trách hỏi tôi ở đâu đến tôi trả lời tôi là người VN đến từ Toronto. Cha đã mời chúng tôi dâng của lễ. Ðến khi dâng của lễ, cha lại giới thiệu chúng tôi với cha chủ tế. Tôi đã giữ kỷ niệm đẹp đó từ nhiều năm và lần này trong thánh lễ cha Phong lại cho tôi được đọc Bài Đọc một và Đáp Ca. Tôi cũng lo sợ lắm chứ, vì giọng nói của của một người có tí tuổi làm sao thanh thoát cho bằng các bạn trẻ. Nhưng vâng lời cha, tôi đã đón nhận và cho rằng đây là một món quà mà bà ngoại lại cho tôi. Hôm nay bà Ngoại lại cho thêm món quà khác cho cả đoàn hành hương là tất cả chúng tôi được lên gian cung thánh tham dự thánh lễ. Vây quanh các linh mục đồng tế, tôi cảm thấy bầu khí quá đổi thân thương, ấm cúng như những lần tôi về quê thăm ngoại tôi khi tôi còn nhỏ.
Trong thánh lễ cha Phong đã giảng về Tình yêu thương của Chúa qua Thánh Tâm của ngài trong bí tích Thánh Thể. Ngài kể câu chuyện khi Tổng Thống Abraham Lincoln qua đời, có một bà mẹ người da đen dẫn cậu con trai đến viếng xác. Bà chỉ vào xác vị tổng Thống quá cố và nói với cậu con trai: “Người này đã chết cho chúng ta”. Đúng thế, vì ông đã muốn xóa bỏ nạn kỳ thị chủ-tớ, cũng như giải phóng cho những người da màu nên Tổng Thống Abraham Lincoln đã bị ám sát ngày 14 tháng 4 năm 1865. Chúa Giêsu cũng đã chết cho chúng ta trên Thập Tự Giá để giải thoát chúng ta khỏi tội và còn hơn thế nữa Chúa còn ở với chúng ta hàng ngày trong Bí Tích Thánh Thể. Trong Bí Tích Thánh Thể Chúa đã cho chúng ta chính Trái Tim yêu thương của Ngài. Trái Tim Chúa là lò lửa yêu mến. Chúng ta hãy mở tai ra để nghe những lời giáo huấn đầy yêu thương của Ngài, hãy mở miệng để ca tụng tình yêu thương vô biên của Ngài vì không có tình yêu nào mãnh liệt cho bằng chính Chúa đã chết cho chúng ta là những người con yêu của Chúa.
Hôm nay,Mừng Kính Lễ Kính Thánh Tâm Chúa, chúng ta hãy là nhân chứng cho tình yêu đó. Thế giới đang bị soi mòn về niềm tin, chúng ta phải cố gắng vực lại niềm tin. Xin Thánh Tâm Chúa tha thứ những lỗi lầm của chúng ta. cải đổi tâm hồn chúng ta trước khi chúng ta có thể cải đổi thế giới. Cha tóm lại, chúng ta đi hành hương là để học hỏi đức tính Khiêm Nhường và hối cải chừa bỏ những những đam mê trong mỗi con người chúng ta.
Mặc dù còn lưu luyến, chúng tôi cũng phải lên xe trở về. Lần này, xe chạy lối xa lộ, nên có vẻ như nhanh hơn. Trời nắng đẹp và trong xanh. Tôi thả hồn nhìn những cánh rừng bát ngát xanh um hai bên vệ đường. Có lúc xe chạy trên những cây cầu cao và dài. Nhìn dòng sông lững lờ uốn khúc, nước trong xanh, không thấy những tảng rác lềnh bềnh, cũng không thấy bóng dáng những mảnh lục bình trôi theo dòng nước như trên dòng sông Cửu Long quê tôi! Một cảm xúc nhớ thương về quê hương Việt Nam nhè nhẹ đi vào hồn tôi. Tôi cảm thấy buồn cho quê hương tôi. Cũng một đất nước giàu tài nguyên, những người dân hiền hoà sống bên những dòng sông tràn đầy nhựa sống như dòng Cửu Long giang nơi mà cá tôm không biết bao nhiêu là kể để nuôi sống dân miền Nam; dòng sông Hồng Hà đem phù sa cho những ruộng lúa nuôi sống người dân miền Bắc, dòng Hương Giang thơ mộng trữ tình và còn bao nhiêu dòng sông thân thương nữa, thế mà dân tộc tôi vẫn nghèo, dân tôi vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhân phẩm của một con người. Tại sao? Tại sao? Tôi thì thầm cầu nguyện cho quê hương, thay cho tiếng thở dài!
Chỉ vỏn vẹn có hai ngày hành hương, nhưng những kỷ niệm thân thương đã để lại trong tôi những cảm xúc dạt dào qua sự tổ chức chu đáo của Ban Tổ Chức mà anh Bình là trưởng ban, qua sự quan tâm săn sóc đoàn hành hương của hai cha và các thày. Rồi qua quý bác, quý anh chị em trong đoàn đã cho tôi nhớ mãi tình thương của từng anh chị qua nụ cười, qua cử chỉ thân thương..Nhất là qua những chia sẻ trong hai bài giảng rất xúc tích của cha Phong.. Cám tạ Chúa đã cho con có chuyến hành hương này và ngày lại ngày HồngÂn nối tiếp Hồng Ân.
Viphương
July- 1-2011



1-      CÁM ƠN
Bánh mì ngon thật là ngon
Thịt Ham (1), thêm chút cọng ngò thơm tho
Ăn vào ngon miệng lại no
Cám ơn người có công lo cho đoàn (2)

Cám ơn cha (3) đã lo toan
Để lên kế hoạch cho đoàn con đi
Cám ơn các vị tu trì (4)
Hy sinh công sức ngại gì khổ thân

Kính xin Chúa cả từ nhân
Ban ơn chúc phúc ngàn lần cho ta
Hành hương cầu khẩn Chúa Cha
Người người vui vẻ chan hòa tình thân

Cám ơn dù có vạn lần
Vẫn chưa nói hết một phần công lao
Cầu xin lòng mến dạt dào
Tiếng lòng cám tạ, tình trao, trao hoài!

viphương

(1) Thịt nguội
(2) Anh Bình, cô Loan, cô Ngọc (Ban tổ chức)
(3) Cha Phong, cha Toan
(4) Các thày Rạng, Tuấn, Thuyết


     2-   ĐI HÀNH HƯƠNG (Đền thánh Giuse – Montreal, Canada)

Lên đền Thánh hành hương
Từ sáng sớm tinh sương
Bầu trời trong xanh quá
Cám tạ Chúa đã thương

Lên đền thánh hành hương
Hàng cây xanh bên đường
Lung lay theo chiều gió
Bay hết nỗi sầu vương

Lên đền thánh hành hương.
Cuộc đời biết đâu lường
Đoái nhìn, xin Thánh Cả
Bao mảnh đời thê lương

Cầu khẩn Ngài đoái thương
Cất đi nỗi đoạn trường
Những ai đang sầu khổ
Cõi lòng thôi vấn vương!
viphương

3-      GIẢ TỪ (Đền thánh Anna – QuebecQuebec, Canada )

Rời  Thánh An-Na, xa giáo đường
Lưu luyến lòng con bao vấn vương
Lên đường trở về nơi trú ngụ
Nhớ cảnh nơi đây đẹp lạ thường

Hành hương đền thánh, con vui sướng
BênThánh Tâm Cha con tựa nương
Nơi nhà của Ngoại* con mừng lễ
Kính Trái Tim Cha nguồn xót thương.

Bao nhiêu gian khổ lắm tơ vương
Đường đời đôi lúc lạc phương hướng
Xin Cha dẫn dắt và thánh hóa
Giải thoát đời con nỗi đoạn trường

Cất khỏi trong con những sầu vương
Đừng để hồn con bay lạc hướng
Tìm về bên Cha, nguồn hạnh phúc
Sống trong tình Cha, cõi thiên đường!

Viphương


*Thánh Anna là thân mẫu của Mẹ Maria nên hay được gọi là Bà ngoại

Tuesday, July 26, 2011

Trầm Thiên Thu: Bán cuộc đời (thơ)

BÁN CUỘC ĐỜI
(Diễn ý Mt 13:44–46)

Con xin bán cả cuộc đời
Để mua ngọc quý Nước Trời mai sau
Cuộc đời con đáng chi đâu
Bán đi bán lại chẳng bao nhiêu tiền!
Dù sao thì cũng phần riêng
Chút thơ, chút nhạc, chút phiền, chút vui
Chiều cô đơn, sáng ngậm ngùi
Con xin bán cả cuộc đời con đây!

TRẦM THIÊN THU
Saigon, 26-7-2011

Monday, July 25, 2011

Viphương - Thơ.

Niềm vui
 
Loay hoay sau vườn nhà
Cắt tỉa những cành hoa
Trắng, hồng, vàng, đỏ thắm
Hương hồng tỏa bay xa

Loay hoay sau vườn nhà
Nghe chim hót vang ca
Mảnh vườn tuy bé nhỏ
Có húng, ngò quê ta

Loay hoay sau vườn nhà
Tia nắng sậm màu da
Đón từng tia nắng sáng
Quên hết cõi ta bà!
 
Loay hoay sau vườn nhà
Ý tưởng chợt thoáng qua
Phải chăng đây hạnh phúc?
Niềm vui tuổi về già!

Viphương
July 22-2011

Chó với bà

Một con chó nhỏ, cạnh lão bà
Lẫn quẫn bên nhau, ngồi ngắm hoa
Chập chững đứng lên bà cùng chó
Đi đi lại lại quanh vườn nhà!

Một con chó nhỏ, cạnh lão bà
Tia nắng xuyên cành sậm màu da
Im lặng cùng nhau ngồi đón nắng
Suy nghĩ gì đây ta hởi ta!

Một con chó nhỏ cạnh lão bà
Quanh đi quẫn lại chó và ta
Vuốt ve tâm sự ta và chó
Nhớ mà chi nữa tuổi xuân qua!

Ngày tháng qua nhanh, bà hiểu bà…
Tuổi đời phủ kín dáng kiêu sa
Thôi thôi hãy nhớ thân tro bụi
Trở về lòng đất, không còn xa!

Viphương
July-22-2011

Thursday, July 21, 2011


Tấm tranh này là của một anh hoạ sĩ
Tuy khuyết tật, anh vẫn miệt mài vương lên
Gởi cho đời bao tấm tranh rất quí
Như hương sen thơm ngát hiến cho đời.

TÀI

Tài cho đi sẽ mãi tồn tại
Tài giữ lại dần dà mất đi
Tài thiếu khôn sẽ gây trở ngại
Tài từ tâm lắm kẻ hưởng nhờ.


Always Hope

People without hands
Can paint by foot
People physically handicap
Can paint by mouth
People that are blind
Can paint by poetry
With God there are infinite
POSSIBILITIES
A mystery beyond our grasp
When he shuts one door
He opens another.

HBTT

Tuesday, July 19, 2011


QUỲ TRƯỚC NHAN NGÀI 

Chúa Yêu ơi! Con quỳ trước nhan Ngài
Lửa Tin Yêu bừng cháy giữa hồn con
Lòng con đây thiết tha yêu mến Chúa
Vắng Chúa rồi, đời sẽ chẳng nở hoa

Chúa Yêu ơi! Con quỳ trước nhan Ngài
Dâng lên Ngài những ước mơ đẹp tươi
Lòng con thơ chất chứa bao hy vọng
Môi miệng con dâng lời kinh tiếng hát

Chúa Yêu ơi! Con quỳ trước nhan Ngài
Lời kinh con mang trọn niềm tín thác
Xác hồn con dâng Chúa cả ân tình
Vầng thơ tìm nhan Chúa tỏa hương say

Chúa Yêu ơi! Con quỳ trước nhan Ngài
Con xin mãi tôn thờ yêu mến Chúa
Tim nguyện hứa kiếm tìm đi cửa hẹp
Chúa là đường, là sự thật, và là sự sống.....

HBTT 

THƯƠNG CÁC LINH HỒN

Ôi lạy chúa, chưa nay đến nhà nguyện
Chúa ở đây chờ con có lâu không?
Con đến thăm chắc Chúa sẽ vui nhiều
Trời vào hạ tiếng ve sầu ray rức
Nóng hừng hực, con nhớ các Linh Hồn
Cõi bên kia, lửa đỏ luôn hừng bốc
Nơi luyện ngục, người cần con nguyện cầu.

HBTT
7/17/2011

Friday, July 15, 2011

TÂM SỰ CỦA HẠT CÁT

Thơ Vũ Thủy

Tôi là hạt cát nhỏ nhoi
Nằm bên bờ biển nắng soi mịn màng
Từng cơn sóng đổ mênh mang
Đau lòng se cát dã tràng biển Đông
Bạc đầu sóng vẫn về không
Rơi mình nhìn xuống cành rong ướt mèm
Biển đời xô dạt bao phen
Rêu xanh từng mảng ố hoen ven bờ
Sóng kia như thể hững hờ
Tìm vào bờ cát chơ vơ mệt nhoài
Bước chân còn đọng u hoài
Để cho hạt cát sõng soài đớn đau
Dã tràng còn mãi tìm nhau
Cát rơi từng hạt phơi màu thời gian...

Saturday, July 9, 2011

BA NHÂN VẬT TRONG CÂU CHUYỆN CỦA TÔI

Vũ Thủy

Thời gian đầu lên kiếm sống ở Sài Gòn, mẹ tôi và anh chị của tôi phải CHIA NHAU RA, TRỌ nhờ nhà MẤY NGƯỜI BÀ CON HỌ HÀNG. Thế cũng còn may, chứ tiền vốn làm ăn còn phải vay mượn, tiền đâu mà thuê nhà! Sau hai năm, công việc làm ăn có chiều hướng phát triển, mẹ tôi không dám làm phiền họ hàng mãi nên bà đã âm thầm tìm cách mua nhà.
Bà thấy người ta treo bảng bán nhà, nhắm thấy căn nhà nhỏ lụp xụp, mẹ tôi mới dám hỏi vào xem. Không ngờ căn nhà mặt tiền rộng có 3 thước, mà bước vào thì lại rất lớn. Nó dài hơn 26 thước, có chỗ bề ngang rộng tới hơn 6 thước. Hậu căn nhà tóp lại chỉ còn 4 thước, người bán nhà bảo thế vẫn là nởhậu. Mẹ tôi thì chả tin kiêng gì, bà chỉ mong sao kiếm được chỗ chui ra, chui vào là tạ ơn Chúa rồi. Bà nhẩm tính trong đầu “Hiện giờ mình chỉ có hai chỉ vàng trong tay, thôi kệ, cứ hỏi mua, rồi tính sau”. Chủ bán nhà kêu giá căn nhà là 6,5 lượng vàng, mẹ tôi mừng quýnh, đánh liều đặt cọc luôn hai chỉ vàng mà chưa biết sẽ vay mượn ra sao cho đủ số vàng. Mấy ngày sau, mẹ tôi trở lại để nghe ngóng tình hình, chủ căn nhà ấy thương lượng: “Tôi trả lại cọc cho chị và cho chị được lời năm chỉ, chị bằng lòng không?” Đầu óc mẹ tôi nhanh lắm, bà biết ngay chủ nhà muốn thối lui để bán cho người khác với giá cao hơn. Bà nhất định không chịu, và buộc chủ nhà phải thực hiện như các bước đã thỏa thuận với nhau trong giao kèo. Khoảng thời gian chờ đợi làm giấy tờ, mẹ tôi phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn cho đủ số vàng.

Mẹ tôi làm bất cứ việc gì lớn nhỏ cũng bảo mấy chị em chúng tôi cùng cầu nguyện với bà, “nếu đẹp lòng Chúa thì Chúa ban cho, còn không thì xin Chúa phá đi cho”. Đó là ngôn ngữ của bà, một người phụ nữ hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Lần này cũng vậy, mẹ tôi vẫn với cung cách cầu nguyện ấy, vẫn thanh thản làm những công việc thường ngày. Cuối cùng, mẹ tôi cũng mua được căn nhà đó! Ngày gia đình tôi dọn về nhà mới, tôi ngỡ mình đang mơ, vì không thể nào tin nổi mẹ có thể vay được số vàng lớn đến thế. Đó là vào khoảng năm 1990, tình hình kinh tế trong nước đã mở cửa, Chúa cho mẹ tôi làm ăn được lắm.

Có ở rồi mới biết, căn nhà tuy rộng rãi nhưng rất bất tiện. Ban ngày thì nóng như thiêu, mưa thì dột, nền nhà lở lói chỗ thì xi-măng chỗ thì lòi cả đất cát. Chúng tôi chịu cực đã quen, điều đó không thành vấn đề. Vấn đề ở chỗ, Căn nhà Nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo, rất khó tìm, khách giao dịch làm ăn nhiều người không kiếm nổi nhà, thật là bất tiện. Tôi nhớ cái đận tết Đoan ngọ năm ấy, mẹ tôi sai người anh rể và đứa em trai út của tôi đi công chuyện cho bà. Mẹ tôi ở nhà cứ chờ cửa hai người, gần nửa đêm mà vẫn chẳng thấy về, sốt ruột lắm. Rồi có tiếng người đập cửa ầm ầm, tiếng hỏi từ ngoài vọng vào “Có phải nhà anh Hòa, anh Tân đấy không?” Nghe thế, mẹ tôi mở cửa ra xem có việc gì. Đó là người đạp xích-lô đến báo tin anh rể và em trai tôi bị đụng xe. Anh ta bảo “Tôi đi tìm nhà bác gần ba tiếng đồng hồ rồi đó, nhà sao mà khó tìm ghê! Hai người Con bác bị đụng xe, tôi chở họ vào cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, họ bị thương nặng lắm, may thằng nhỏ còn tỉnh nhờ tôi về tìm địa chỉ này báo cho bác.” Mẹ tôi trả công anh ta rồi vội vã vào bệnh viện. Sau cái đận ấy, mẹ tôi lại muốn đổi nhà. Bà cũng gân lắm, vừa mới trả hết nợ cho căn nhà đang ở, đã lăm le kiếm mua một căn khá hơn.

Bà ngó ngang, ngó dọc rồi chấm một căn nhà ở chợ Ông Hoàng. Chủ nhà kêu giá là 16 lượng vàng, tôi đi theo mẹ xem nhà , hai mẹ con thì thầm với nhau nhà này cũng đáng mua lắm. mẹ tôi về bàn bạc với bố tôi, căn nhà ấy quay ra mặt chợ buôn bán nhỏ cũng đủ sống. Lại nữa, làm ăn gì cũng thuận tiện hơn. Ngặt nỗi, mẹ tôi tính sai một nước cờ, bà tưởng sẽ dễ dàng bán căn nhà “bụng chửa”. Nào ngờ đã có mấy người đặt cọc rồi, lại khóc lóc đòi cọc. Mẹ tôi vốn hiền lành cũng chả bắt họ phải đền bồi gì. “Bụng chửa” là cái tên tôi đặt cho căn nhà chúng tôi đang ở. Người ta thấy gia đình tôi làm ăn có phần sáng sủa, bảo nhà bụng chửa đẻ ra tiền. Mẹ tôi chỉ cười, trong lòng bà vẫn luôn tin vào “làm bởi bay, mà cho bởi Ta”.

Lại nói đến ông chủ nhà ở chợ Ông Hoàng, ông ta là một chủ tiệm thuốc bắc gia truyền người Hoa. Cái nhà mà mẹ tôi đang nhắm mua đã từng vang bóng một thời, đời cha ông ta bán thuốc rất mát tay, chắc kiếm cũng khá. Ông chủ nhà này ăn chơi, nhảy đầm đã quen, nay thời buổi thay đổi, thuốc bắc không còn chuộng, ông ta chỉ còn cái vỏ bề ngoài, căn nhà đã đem cầm cố chẳng bán cho ai được. Hai người, ông chủ tiệm thuốc và mẹ tôi, cùng ở vào thế bí. Nghe nói mẹ tôi có căn nhà “bụng chửa”, ông ta đòi coi nhà, gọi cả thầy địa lý đến coi, ông ấy tin rằng nhà “bụng chửa” sẽ đẻ ra tiền. Một cuộc trao đổi diễn ra, ông ta đề nghị đổi nhà cho mẹ tôi, chúng tôi chỉ phải các thêm 8 lượng vàng. Thấy cũng có lời, mẹ tôi bằng lòng ngay. Lại một cuộc chạy vạy để vay mượn, vì tất cả vốn liếng mẹ tôi có chỉ là căn nhà “bụng chửa”. Nhưng lần này thì dễ dàng hơn, vì công việc làm ăn của gia đình tôi lúc ấy hứa hẹn sẽ sớm trả được nợ.
Ngày dọn sang nhà mới, tôi là người cuối cùng rời khỏi nhà cũ. Thấy ông chủ đổi nhà cho mẹ tôi săm soi đo bề rộng của cửa ra vào căn nhà “bụng chửa”, tôi hỏi:
Anh đo cửa làm gì vậy:?
-Tôi chuẩn bị sửa cái cửa này nhỏ lại, thầy địa lý nói như vậy làm ăn mới khá!

Có người trong giới buôn bán biết căn nhà mẹ tôi mới dọn sang trước đây đã từng bị cầm cố, hỏi mẹ tôi: “Từ hồi dọn sang nhà mới, bác làm ăn ra sao?”. Mẹ tôi nói “Buôn bán thì có chuyến lời, có chuyến lỗ chớ!”Gia đình tôi dọn đến chợ Ông Hoàng ở được sáu tháng thì cơn sốt nhà đất ở Sài Gòn bùng nổ. Khi số vàng mẹ tôi vay mua nhà còn chưa trả xong, có người đã đánh giá trị nhà tôi lên đến hơn 40 lượng vàng. Công việc làm ăn của chúng tôi cũng tấp nập hẳn lên. Bấy giờ, gia đình tôi đang ở trong một căn nhà cũng tạm gọi là cao cấp hơn so với trước.

Nợ rồi cũng trả xong, mẹ tôi mở một tiệm thuốc Tây ngay trước cửa nhà, gọi là để tôi buôn bán đỡ buồn. Lúc ấy, sức khỏe tôi suy kém, không thể xông xáo ra ngoài làm ăn được nữa, tôi ngồi tại nhà bán tuốc Tây lai rai qua ngày. Chợ trước cửa nhà tôi chỉ họp vào buổi sáng, buổi chiều con đường qua lại trước cửa nhà tôi vắng hắt hiu. Những buổi tối, tôi thường ngồi ngó sang quán café cóc phía đối diện. Buổi tối, quán không có khách, thường chỉ có một người đàn ông đã ngoại thất tuần ngồi ngó ra đường. Đầu ông ta chỉ còn lưa thưa vài cọng tóc, mặc có mỗi cái xà-lỏn, hiếm khi tôi thấy ông ta mặc áo. Khuya đến, bàn ghế trong quán được xếp chồng gọn ghẽ,ông mắc mùng giữa quán nằm ngủ. Tôi tưởng ông ta là người nhà của chủ quán, ngủ ở đó để trông coi cho tiện. Nhưng người ta cười bảo “Quán có cái cóc khô gì mà coi, chủ quán cho ổng ngủ nhờ đó chớ!” Tôi tò mò thì được biết, ông ta chính là người trước đây đã từng xây dựng nên cái chợ này. Ông ta tên là Hoàng, hồi còn sở Mỹ trước giải phóng miền Nam, ông từng trúng số độc đắc. Tiền đó ông đầu tư vào thầu rác Mỹ, mua đất. Khu đất ở chợ Ông Hoàng này trước kia là vùng ao hồ, ông thuê công nhân đổ rác, rồi xây thành khu chung cư chợ Ông Hoàng này. Thì ra chỗ tôi đang ngồi trước kia lại là một vùng ao hồ nước đọng. Cuộc đời ông Hoàng cũng thay đổi như cái vùng đất này vậy, có chăng là hai sự thay đổi đó theo hai hướng khác nhau. Ông Hoàng trở nên giàu có hơn sau khi bán các căn nhà chung cư cho người dân quanh vùng. Ông lấy vợ Hai, vợ Ba rồi vợ Tư. Mỗi bà một đàn con, một cơ ngơi hẳn hòi. Thế sự xoay vần, khi ông không còn tiền, chẳng bà nào chịu chứa ông chồng già. Con ông thì đứa này nhường cho đứa nọ quyền chăm sóc ông. Cuối cùng, thấy ông lang thang không nơi nương tựa, chủ quán café thương tình cho ông ăn nhờ, ở tạm.

Những năm ấy đã bớt khó khăn, người ta bắt đầu xây dựng nhà cửa lại cho khỏi dột nát. Sau gần hai chục năm giải phóng, người ta tùy tiện sửa các con đường trước nhà cho cao, cho sạch. Con đường chợ chạy ngang qua trước nhà tôi cũng được đổ xà-bần hết lớp này, đến lớp khác. Nhà tôi nằm giữa một khu xây liên kế, nhà nào như nhà nấy, có một lầu lửng và một lầu chạy suốt. Đường đổ lên cao bao nhiêu, thì nền nhà cũng phải lên bấy nhiêu. Khi tôi đến ở nhà này, nền nhà đã được nâng lên cả hơn một thước, người cao lớn đứng thẳng gần chạm đầu với trần dưới lầu lửng. Cuối cùng, nền nhà thấp hơn mặt đường đến 6 tấc, phải đắp đê ngay giữa thành phố. Trời mưa nước ngập đầy nhà, sau khi nước ngoài đường rút đi, cả nhà phải xúm vào tát nước mấy tiếng đồng hồ mới xong. Mùa mưa cực lắm, có năm suốt mấy tuần lễ gia đình tôi rút hết mọi sinh hoạt lên cái lầu lửng, ở dưới nhà phải bắc cầu mà đi. Việc đi toa-lét thì khỏi phải nói. Nhưng gia đình tôi không cô đơn chịu cảnh ấy, mấy trăm gia đình thuộc khu chung cư chợ Ông Hoàng đều thế cả. Có lúc tôi tiếc cái nhà “bụng chửa”, cái nhà ấy ở dốc Ông Địa cao ráo, chẳng bao giờ ngập lụt.

Nhớ cái nhà “BỤNG CHỬA”, TÔI LẠI THOÁNG NGHĨ VỀ ÔNG CHỦ ĐÃ ĐỔI NHÀ CHO MẸ TÔI. Có lần vợ ông ấy đi chợ ngang qua nhà tôi, bà ấy ghé vào kể chuyện gia đình. Bà khoe “ÔNG xã chị ĐÃ sửa cái nhà ấy hết 2 lượng vàng, làm bữa tiệc thôi nôi cho thằng con trai hết 2 lượng nữa. Thầy bói nói sinh thằng này ra, anh chị làm ăn tiền vô như nước. Nó là quý tử của anh chị.”Tiền vô như nước đâu không thấy, chỉ nghe ít lâu sau ông ấy phải bán cái nhà “bụng chửa”, để mua một căn nhà lợp tôn ở vùng đất nông nghiệp mới chuyển đổi thành thổ cư. Còn mẹ tôi tuy có tiếc cái nhà ở chợ dễ làm ăn, song cũng phải tính đến chuyện bán nhà đi chỗ khác, vì quá ngán cái cảnh tát nước sau mỗi một trận mưa.

Khi gia đình tôi chuẩn bị dọn nhà lần nữa, thì ông Hoàng qua đời. Ông chết cô đơn tại quán café trong một đêm mưa gió lầy lội, không một người thân thích.

Vĩnh biệt ông Hoàng!
Chúng tôi về sống trong căn nhà mới ở giáo xứ Tân Trang vào giữa mùa hè 1997. Căn nhà gia đình tôi đang ở hiện nay rất thuận tiện. Bố mẹ tôi chỉ đi bộ mất ba phút là ra đến nhà thờ. Từ nhà tôi ra chợ mất độ dăm bảy phút. Trường học cũng khá gần, nhà nằm ngay phía sau lưng trường, con cháu có đi học ghé vào thăm ông bà chỉ mất hai phút. Nhà tôi ở trong một cái hẻm cụt, khá an ninh. Bước ra khỏi cái hẻm này, sang bên kia đường là “Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt”, ở đó có một khoảng đất rất rộng, mỗi sáng bố mẹ tôi thường tập thể dục tại đó. Mẹ tôi bây giờ không phải chạy vạy kiếm ăn nữa, bà cùng với chồng sớm tối đọc kinh cầu nguyện. Cứ vào 3 giờ chiều, hai ông bà lại ngồi tại phòng khách đọc tràng chuỗi kinh Lòng Chúa Thương Xót, và cùng nhau đọc Thánh Vịnh. Tôi cảm thấy hạnh phúc thay cho bố mẹ tôi, một sự bình an không gì có thể mua nổi! sự bình an phẳng lặng tỏa ra từ tiếng đọc kinh đều đều của bố mẹ tôi. Mẹ tôi bảo “Bây giờ mẹ chẳng thiết tha gì của cải, chỉ mong mỗi ngày còn đi được đến nhà thờ phụng sự Chúa, đi chợ nấu ăn phục vụ mọi người, thế là mẹ mãn nguyện rồi!”

Ba nhân vật trong câu chuyện của tôi: mẹ tôi, ông chủ tiệm thuốc và ông Hoàng đã cho tôi một kết luận giống như mẹ tôi đã từng nói “làm bởi bay mà cho bởi Ta”. Ông Hoàng thì đã nằm sâu trong lòng đất, hương hồn còn chưa biết về đâu; mẹ tôi thì xác tín rằng bà sẽ về với Chúa; còn ông chủ tiệm thuốc thì chẳng biết bây giờ có tin vào thầy địa lý nữa không.