Chỉ Một Điều-Kiện
Nguyễn Văn Thông
Thánh-vịnh 22 là thánh-vịnh được nhiều tác-giả thánh-ca phổ nhạc nhất, tôi đoán thế. Khá nhiều năm sinh-hoạt ca-đoàn, chọn bài không phải chỉ theo ý mình mà còn phải theo ý ca-viên, nhất là các cô nên sự ước-đoán của tôi chắc cũng có nhiều phần đúng. Từ khi có bài Chúa Chăn Nuôi Tôi của Phanxico thì họ bám chặt lấy qua suốt nhiều năm. Có những ngày lễ tôi tìm cách thay-đổi mà phải chịu thua. Quả thực, các bài của Phanxico đểu hấp-dẫn cả, một phần vì lời rất đậm tình-cảm chuyên-chở những hình-ảnh gần-gũi của gia-đình và quê-hương; một phần vì nhạc điệu mềm-mại, óng-ả dễ rung-cảm, nhất là với trái tim của các... cô. Không biết tại sao thế, vì hồi xưa trong Dòng Don Bosco, Phanxico PĐD không có nét lãng-mạn mà lại nhiều trầm-tư. Thế mới lạ, người ta bảo: Lù-đù bê cái lu lúc nào không biết!
Phần tôi kém lù-đù nên chẳng bê được cái lu nào hết, nghĩa là thích nhạc mà chẳng sáng-tác được bài nào, mà lại khó tính khi chọn bài. Trong khi cho ca-đoàn hát bài của Phanxico thì tôi lại hay hát một mình bài của LM Vinh Hạnh: Chúa Khoan Nhân. Anh K bạn già của tôi không có chút lí-thuyết nào về âm-nhạc nhưng lại hay nhắc tới những bản thánh-ca của Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh thời nửa thế-kỉ trước. Hình như kiến-thức là một chuyện, cảm-nhận là một chuyện khác. Anh cố tìm chữ để diễn-tả tại sao bài này hay, bài kia hay đối với anh. Tôi biết nhiều chữ hơn anh một tí nhưng phải cảm-phục sự nhận-xét đối với tôi là tinh-tế ít người có được. Cái hay mà anh cảm-nhận nằm ở chiều sâu như con sóng ngầm, và ở chiều cao như tia sáng vượt tầng mây mà số đông người ta ít cảm-nhận.
Khi vui trong niềm tạ ơn, tôi ngâm-nga "Chúa khoan-nhân là mục-tử tôi, tôi không còn thiếu gì, tôi không còn e-sợ nỗi gì..."
Khi xao-xuyến lo-âu, tôi nghe lòng mình trào dâng: "Dù đi qua trong thung-lũng tối đen hiểm-nguy, lòng tôi không lo-ngại tai-hoạ gì, vì Chúa ở cùng tôi..."
Tôi thấy mình dù ở hoàn-cảnh nào cũng thảnh-thơi bước dưới bóng che của Chúa. Tiếng hát cất lên từ lòng tôi, đơn-giản, sâu-lắng và thấm-thía.
Một lần kia đi viếng tang một đồng-nghiệp người Do Thái, tôi được đội cái nón nhỏ gài trên đỉnh đầu trước khi vào khánh phòng. Bước đi trang-nghiêm nhưng trong bụng cứ tự hỏi không biết khuôn mặt Việt Nam của mình đội cái chóp Do Thái thì nom nó như thế nào. Đang nghĩ bụng như thế thì nghe bài thánh-ca Thánh Vịnh 22 nổi lên, bằng tiếng Anh quen-thuộc của người Mỹ. Tôi bỗng thấy lạ mà quen. À, người Do Thái hát thánh-vịnh mà, họ cầu-nguyện bằng thánh-vịnh từ ngàn xưa rồi. Hôm nay ở đây người ta hát thánh-vịnh theo cung-điệu mới.
Tôi bỗng thấy họ gần-gũi với mình ghê. Cái cảm-tưởng người Do Thái cứng đầu không tin Ngôi Hai Đấng Cứu Thế bỗng rơi đi khỏi tôi. Họ cũng là những người tôn-thờ Thiên Chúa Cha trên trời, cũng cầu được chăn nuôi, che-chở trên đồng xanh khỏi sói dữ. Tôi hoà tiếng hát với họ, thỉnh-thoảng liếc nhìn những cái miệng ở xung-quanh mở nhịp-nhàng.
Nhiều người bảo dân-tộc Do Thái là dân-tộc thông-minh xuất-chúng. Chẳng có dân-tộc nào bị phân-tán khắp thế-giới hàng ngàn năm, rồi bị tàn-sát hàng triệu người như họ, mà lại qui-tụ được thành một nước dù bé tí-xíu giữa khối kẻ thù đông gấp trăm mà vẫn đứng vững, vẫn hiên-ngang phát-triển. Họ như thách-thức với cả thế-giới, không sợ ai hết, nhưng vẫn cúi đầu cầu-nguyện trước Thiên Chúa tối cao. Họ hát thánh-vịnh.
Bài Thánh Vịnh 22 trong thánh lễ hôm nay được tiếp-nối với bài Tin Mừng tân-ước Chúa kể về dụ-ngôn tiệc cưới. Tiệc cưới lạ lắm, tiệc của nhà vua, được Vua mời nhưng ai cũng từ-chối. Cuối cùng Vua cho gia-nhân ra đường gặp ai cũng mời, với chỉ một điều-kiện: mặc áo choàng tiệc cưới. Người Do Thái có nhiều phong-tục, rửa tay trước khi ăn, tiệc cưới phải mặc áo choàng. Có những phong-tục kĩ-càng phiền-phức nhưng có những phong-tục rất hay đối với cả thời nay sau vài ngàn năm văn-minh, văn-hoá. Trong tiệc cưới, nhà vua đi "chào bàn" - không lấy tiền mừng - bỗng thấy có người không mặc áo choàng tiệc cưới. Ông tra hỏi, và bỏ tù người này.
Tôi giật mình khi nghe câu chuyện. Nếu người đó là tôi thì sao nhỉ? Tôi sẽ cãi hết sức, cãi rất hăng để khỏi bị vào tù. Tôi sẽ cãi rằng, vua mời tôi tới chứ tôi có lẻn vào đâu, tại sao lại bỏ tù tôi? Tôi sẽ nghĩ ra nhiều cách để cãi cho ra nhẽ chứ dại gì... Thế mà tại sao cái người khách bất-đắc-dĩ kia lại không cãi? Chắc là cãi không được, lỗi rành-rành đó rồi. Sống trong văn-hoá ấy, phong-tục ấy mà lại không chấp-hành thì còn cãi làm sao? Áo choàng đã được cung-cấp từ cửa, nước rửa tay đã có sẵn để giữ vệ-sinh cho mọi người mà ông từ-chối là ông thách-thức với mọi người, với nhà vua rồi còn gì!
Còn gì vinh-dự hơn được dự tiệc của nhà vua, càng vinh-dự khi được mời không do công-trạng của riêng mình, được mời vô điều-kiện. Thế nhưng vẫn có một điều-kiện căn-bản: sự hợp-tác. Tôi phải hợp-tác với niềm vinh-dự. Hợp-tác bằng sự biết ơn, bằng sự không thách-thức. Bàn tiệc, đất hứa được ban để tôi thưởng-thức, sử-dụng, phát-triển trong niềm tạ-ơn chứ không phải để tôi tự-do phá-hoại, để tôi thách-thức với Đấng yêu thương ban cho tôi.
Chúa đã dẫn tôi qua thung-lũng ngập tràn nguy-khó, đến bàn tiệc trước mặt kẻ thù hại tôi, ơn-phúc Chúa ban đầy-dư, Chúa chỉ đòi tôi một điều-kiện: giữ nơi đây là Nhà của Thiên Chúa mãi mãi.***
October 11, 2020
No comments:
Post a Comment