Sunday, September 30, 2012

MỜI CẢ NHÀ THƯ GIÃN : THỂ LOẠI VĂN TẾ

   Kính chào cả nhà
   Cao Bồi Già viết thử thể loại Văn tế, xin mời cả nhà thưởng thức thư giãn cuối tuần và cho góp ý.Rất cảm ơn

        VĂN TẾ MƯỜI TÁM  VẠN THỬ SĨ
Than ôi!
Vườn ngập tàng ô  ;
Trời đầy khí tử.
Nắng hấp vạn thây;
Gió đùa tứ xứ.
Nhớ linh xưa:
Chiếc mõm chuốt chu;
Hàm răng nhám nhứ.
Mắt  đảo rõ gian;
Chân phi tựa vũ
Trộm thóc chuyên nghề;
Chuột đồng chính chữ
Bầy  thử mẹ  ,bông lép bông căng ruộng Châu Đốc  xơi  càn;
Đám chuột cha ,hạt gầy hạt mẩy đồng Tịnh Biên cắn nhứ.
Mò vườn bác Khỏe ,vì hương thơm mùi nức  ,vị gợi   chân theo;
Lọt bẫy anh Na  ,bởi cá béo thịt ngon ,mồi khiêu dạ nhứ.
Chẳng quay lui  ruộng, cố phận phàm phu;
Vui ở lại chuồng  ,làm thân quân tử.
Canh canh ngon  giấc;
Khắc khắc no đủ.
Con sinh măn mắn,gia tộc xum vầy;
Cháu đẻ sòn sòn , họ  hàng vui thú.
Rủ bè rủ cánh,  đến đụng mâm bàn;
Gọi bầy gọi bạn ,về chung hưởng thụ.
Không xơi lúa má, còn góp công lao;
Chẳng hại ruộng đồng,nào vầy tội thứ.
Lấy thân đái tội tổ tông;
Đem xác lập công tộc thử.
Da lột phau phếch,món quê quán xá,chiêu  lưỡi bình dân ;
Than nướng thơm lừng,đặc sản nhà hàng,đãi mồm đại phú.
Tiếc thay:
Công chửa được bao;
Nợ chưa trả đủ.
Chiếu quan sức  ,tốc tốc nghiêm thi
Lệnh quân hành ,ào ào xử tử.
Xả thủy triều bầy cháu lũ con loét choét ,thác ngỏm ngòm ngom;
Vùi khí đá đám cha đàn mẹ lit chít ,toi nhừ nhứ nhử.
Vạn thây  đen tấp lủi bãi vườn;
Ngàn xác xú bồng bềnh sóng lũ.
Cùng tông chốn đồng táng đởm,mai mốt chả dại tham mồi;
Đồng loại ngoài bãi thất kinh ,sau này đố tài bẫy nhử
Ô hô !
Mèo lại hoàn mèo;
Thử  vẫn nguyên thử.
Ăn trộm bụng lưng;
Chả thèm sẵn đủ.
                 CAO BỒI GIÀ
              01-10-2012

   Dẫn chuyện :Ở Tịnh Biên , An Giang có bác Khỏe và anh Na có sáng kiến xây chuồng rộng  ngoài vườn làm thành bẫy nhử chuột đồng ngoài ruộng vào, nhốt  chúng lại và nuôi lấy thịt đem bán.Tháng 7/2012 chính quyền địa phương đã xuống bơm nước trộn khí đá tiêu hủy hết 180.000 con chuột của các nông dân này và bây giờ chuột lại hoành hành dữ dội các đồng lúa quanh vùng, theo giáo sư Võ Tòng Xuân thì mô hình nuôi chuột của bác Khỏe ,anh Na là phương pháp diệt chuột tốt không gây ô nhiễm môi trường, nhưng tiếc thay…!

ĐÓA HOA NHO NHỎ


Thơ Vũ Thủy

ĐÓA HOA NHO NHỎ
Chị thánh Tê-rê-sa
Là bông hoa của Chúa
Hoa nở giữa đời thường
Trên “Con Đường Thơ Ấu”

Từng cánh hoa nho nhỏ
Dâng lên Chúa mỗi ngày
Từng hy sinh vụn vặt
Chị góp nhặt hương nồng

Cần cù và yêu mến
Chị dâng Chúa lời kinh
Dâng tâm tình bé mọn
Dâng trọn trái tim hồng

Nồng nàn ước mơ bay
Theo người đi truyền giáo
Chị loan báo Tin Mừng
Bằng không ngừng cầu nguyện

Một đóa hoa nho nhỏ
Đỏ thắm tình Giê-su
Một đóa hoa khiêm nhu
Đã trở nên thánh nữ

Qua “Con Đường Thơ Ấu”
Chị tấu khúc yêu thương
Nêu gương sống đơn thành
Chị dạy em nên thánh!

*Con Đường Thơ Ấu: ý nói về linh đạo sống của chị thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su.

THÁNH TSGH. TÊRÊSA HÀI ĐỒNG




Hồn thơ trong trắng dịu hiền
Vẫn thường mơ tưởng làm tiên trên trời
Bay lơ lửng khắp mọi nơi
Đem mầu nhiệm lạ tuyệt vời cứu nhân.

Ai trồng cây Đức tuyệt trần
Gieo vào trong đấy lòng nhân tình người
Vẽ vào hồn nhỏ xinh tươi
Vươn lên mạnh mẽ rạng ngời cao sang

Gia đình lá ngọc cành vàng
Hồn thơ được dạy mọi đàng thương yêu
Tim non lửa mến thật nhiều
Yêu người kính Chúa mọi điều hy sinh

Chúa là tuyệt đỉnh đời mình
ThươngYêu nở đóa hoa xinh cho đời
Lòng mến tỏa khắp mọi nơi
Sáng lên lan tỏa cùng trời quang minh

Ước ao được hiến dâng mình
Làm người tình nhỏ xinh xinh Chúa Trời
Truyền giáo đến khắp mọi nơi
Lửa tim hồng thắm vào đời nhân sinh

Mười lăm tuổi rất trong trinh
Xin Giáo Hoàng chuẩn đăng trình vào tu
Dòng Kín sống rất khiêm nhu
Yêu người mến Chúa chăm chu vẹn toàn

Mọi việc chăm chỉ siêng ngoan
Liên lỉ nguyện ngắm để loan Tin Mừng
Tim yêu lửa cháy bừng bừng
Xin cho Linh Mục chẳng ngừng tiến thăng

Gieo hương Bác Ái Công Bằng
Để cho thế giới thấy rằng đạo ngay
Cuộc đời thơm ngát hương bay
Hôm nay Giáo Hội mừng ngày kính tôn

Tâm hồn tỏa ngát hương khôn
Hoa thơm tinh khiết trường tồn khắp nơi
Tê-rê-sa đã về trời
Hoa hồng sẽ rải mưa rơi khắp cùng

Cha Mẹ Ngài cũng về chung
Một gia đình Thánh khiêm cung trên trời
Danh thơm thánh thiện đời đời
Trên Thiên Cung tỏa sáng ngời dương gian.

Trầm Hương Thơ


01.10. ngày kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Chúc mừng tới các chị em có quan thầy Têrêsa.


Cha Mẹ của thánh Têrêsa đều đã được phong Á Thánh.
Thời trẻ cả hai người đều ước ao đời sống tu trì nhưng bất thành,và
ước ao được dâng tất cả các con lên Chúa và Ngài đã nhận lời.
Tất cả những người con của hai người đều đi tu.

Saturday, September 29, 2012

Trầm Thiên Thu: Bông Hoa Nhỏ Vĩ Đại - Chúc mừng những ai có bổn mạng Thánh Têrêsa 01/10/2012.


Bông Hoa Nhỏ Vĩ Đại

Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu không chỉ hứa mưa ân phúc xuống từ trời mà còn để lại tinh thần thơ bé cho chúng ta noi theo, đúng như Chúa Giêsu dạy: “Nếu không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:2).

Thánh Têrêsa nói: “Tôi biết rằng muốn nên thánh thì phải chịu đau khổ nhiều, phải luôn tìm kiếm điều tốt lành nhất, và phải từ bỏ chính mình. Tôi biết có nhiều cách nên thánh, mỗi linh hồn được tự do đáp lại các phương cách của Thiên Chúa, và làm ít hoặc nhiều vì Ngài. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã kêu lên: ‘Lạy Chúa, con chọn tất cả. Con không muốn nên thánh nửa vời. Con không sợ chịu đau khổ vì Ngài. Con chỉ sợ một điều là con làm theo ý riêng. Xin lấy nó đi, vì con chọn những gì Chúa muốn”.

Thánh Giacôbê viết: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính” (Gc 3:16-18).

Thánh nhân diễn tả các nhân đức nhỏ và đơn giản, nhưng những nhân đức đó lại tạo nên cách sống tốt lành. Thánh Têrêsa là người nên thánh từ những nhân đức rất nhỏ qua sinh hoạt hằng ngày: Chịu đựng những ánh mắt lườm nguýt, không cằn nhằn khi chị em làm nước bẩn văng vào mặt, không biện minh khi bị hàm oan,…

Các nhân đức nhỏ đó là trung tâm đời sống tâm linh của Thánh Têrêsa, thánh nữ gọi đó là “Con Đường Nhỏ Bé”, còn gọi là “Con Đường Thơ Ấu”. Thánh nữ viết: “Thiên Chúa không làm cho tôi ước muốn những điều không thể, và dù tôi nhỏ bé, tôi vẫn có thể nên thánh. Tôi không thể làm được những điều lớn hơn, thế nên tôi cứ là chính tôi, với vô số khuyết điểm của tôi. Nhưng tôi tìm cách lên trời bằng Con Đường Nhỏ Bé vừa ngắn vừa thẳng, con đường này khá mới”.

Thánh nữ tâm sự: “Lạy Chúa Giêsu, chính tay Ngài nâng con lên trời. Do đó con không cần cao lớn. Thật vậy, có điều trái ngược: Con phải sống nhỏ bé và càng ngày càng nhỏ bé”. Tuyệt vời quá! Thánh Gioan Tẩy giả cũng chỉ mơ ước đơn giản: “Chúa phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Hoàn toàn hợp với nguyên tắc của Chúa Giêsu: “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất (Lc 9:46).

Thánh nữ quá yêu Chúa Giêsu nên đã thêm Chúa Giêsu vào tên mình, nhưng là “Giêsu Hài đồng”, nói lên tính đơn sơ của trẻ em. Đây là một số tư tưởng của Thánh Têrêsa.

– Ân sủng của Thiên Chúa rộng lớn, thật phù hợp với mong đợi của con người.

– Để được ân sủng thì tâm linh con người cần phải đơn độc một mình, trong sạch, và tràn trề hy vọng để tiếp đón Thiên Chúa thì mới kết quả.

– Đức ái thì hướng dẫn người ta đến trước tòa Thiên Chúa, rất cao siêu và là con đường chắc chắn.

– Tôi tìm và đã tìm được phương pháp cho lòng tôi khoan khoái, đó chính là lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu.

– Tôi tận lực làm tất cả mọi việc, là chỉ để Thiên Chúa vui lòng.

– Tình yêu không phải cái gì khác, nhưng là hoàn toàn hy sinh chính mình.

– Nếu không có tình yêu thì tất cả hành vi, dù làm cho người ta tai nghe mắt thấy rất kinh ngạc, thì cũng là hư vô mà thôi.

– Chúa Giêsu tự nguyện dùng tình yêu và hy sinh của chúng ta để cứu linh hồn con người, cho nên chúng ta đem tất cả đau khổ dâng hiến cho Ngài, vì cuộc sống của nhân linh, hết mình vì bổn phận tông đồ Chúa Giêsu tự nguyện dùng tình yêu và hy sinh của chúng ta để cứu linh hồn con người, cho nên chúng ta đem tất cả đau khổ dâng hiến cho Ngài, vì cuộc sống của nhân linh, hết mình vì bổn phận tông đồ.

– Chuyên tâm làm việc yêu mến Thiên Chúa, thì hoàn toàn hiểu thấu điều răn lớn của tình thân ái.

– Tình yêu không có giới hạn, nhiệt tình của nó vượt qua mọi biên giới.

– Ai vì tình yêu mà làm tất cả mọi sự, và làm với sự trung tín nhất và nhiệt thành nhất.

– Ai vì yêu Chúa Giêsu mà nhặt một cái đinh, thì cũng đủ để cứu một linh hồn.

– Tôi tự nguyện vì tình yêu mà chịu đau khổ, và cũng tự nguyện vì tình yêu mà hưởng hạnh phúc.

– Chỉ cần yêu mến Thiên Chúa là nguyên nhân, mà bằng lòng sống trong vũng khóc lóc (thế gian) này, thì tất cả mọi khuyết điểm, Thiên Chúa sẽ bù cho lại cho.

– Ái tình là đao kiếm của chúng ta, dùng nó để trừ ma giết địch, để cho vua Giê-su ngự trị trong lòng mọi người.

– Khi tôi thực hiện việc yêu người, thì đó chính là Chúa Giêsu tự mình làm việc trong tôi.

– Phân phát một tình thân thiện vì yêu Chúa, thì đủ đền bù các tội lỗi; hóa ra là Chúa Giêsu thích trợ giúp chúng ta trong bóng tối.

– Nếu ai không cảm thấy sự ngọt ngào của tình yêu, mà vẫn có thể nhiệt tình yêu mến Chúa Giêsu, thì đó là một tình yêu lớn.

– Sống trong tình yêu, tức là không có thước tấc cho sự bố thí, và cũng không mong được đền đáp.

– Mặc dù tôi chỉ là người nhỏ nhất không chuyên làm những việc khác, nhưng chuyên làm việc yêu mến Thiên Chúa và hy sinh bản thân mình.

– Tình yêu có thể bổ sung cho tuổi thọ, Đức Giêsu Chúa chúng ta không chú trọng đến tuổi tác và thời gian, bởi vì Ngài là sự vĩnh hằng; cái mà Ngài quan tâm chính là tình yêu.

– Con người đương nhiên là có thể ngã nhào và thất lời, nhưng tình yêu có thể tiêu diệt những gì mà Chúa Giêsu không thích. Và ở trong đáy lòng chỉ lưu lại một sự bình an vừa khiêm tốn vừa tĩnh lặng thâm sâu.

– Tôi không tham vinh hoa phú quý, ngay cả vinh quang ở trên trời cũng không ngoại lệ, cái mà tôi tham chính là tình yêu.

– Từ trước đến nay Chúa Giêsu không hề thiết tha mong mỏi tình yêu cho bằng ngày hôm nay; nhưng những người đem mình trao phó cho tình yêu vô hạn mật thiết của Ngài thì thật ít, ngay cả trong các môn đệ của Ngài cũng ít ỏi.

– Bố thí không kể nhiều ít, bởi vì người có lòng yêu mến thì không tính toán so đo.

– Không câu nệ việc gì, ngay cả tư tưởng cuồng vọng trong đầu óc cũng đều là vì lý do yêu mến Thiên Chúa, cam tâm chịu nhịn nhục.

– Chúa Giêsu ơi, tham lam ái tình thì dù nó đã rất ngọt ngào, nhưng chờ được ái tình chân thật và vĩnh viễn hưởng thụ ái tình, thì càng phải là ngọt ngào hơn nữa.

– Bạn hỏi tôi phương pháp về thánh đức, tôi chỉ biết là yêu, bởi vì chỉ có yêu mới hoàn thành tất cả.

– Không nên bỏ qua cơ hội làm những việc hy sinh nhỏ, hoặc vui vẻ tiếp người, hoặc nói lời an ủi, luôn làm tốt việc nhỏ mà xuất phát từ yêu thương.

Thánh Phaolô khuyên: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10:31). Đó mới thực sự là yêu mến Chúa hết lòng hết sức.

Cuộc đời thánh nữ ngắn ngủi, và chỉ loanh quanh trong khuôn viên tu viện, nhưng thánh nữ được Giáo hội tôn vinh là Tiến sĩ và Bổn mạng các xứ truyền giáo. Một “Bông Hoa Nhỏ” tuyệt vời của Chúa.

Cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng ta một Bông Hoa Nhỏ Vĩ Đại. Nguyện xin Thánh Têrêsa bầu cử cho chúng ta trước Tòa Chúa, và luôn giúp chúng ta biết sống mọn hèn theo Ý Chúa!

TRẦM THIÊN THU

Lễ Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu – 2012

Slideshow Tin Yêu: Tình Yêu Của Con - Lễ Kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu 01/10/2012

TÌNH YÊU CỦA CON
Lời: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu
Nhạc: Gioakim
Thể hiện: Lệ Hằng
Slideshow: Tin Yêu

Thơ Trầm Thiên Thu



KHO TÀNG

Kho tàng ở đâu
Lòng theo đến đó (1)

Đọc lại Lời Chúa
Con chợt giật mình
Đời như thoảng gió
Nhẹ nhàng bay qua
            Tham lam mà chi
            Những gì trần tục
Tắt thở là hết
Chỉ còn trắng tay
Dẫu có là ai
Ông kia, bà nọ
Giàu sang nứt đố
Mang theo gì đâu
Hóa thành cát bụi
Dù giàu hay nghèo
Lu-y (2) căn dặn
Để cả hai tay
Ra ngoài quan tài
Khi nào ông chết
            Đời có mấy ai
            Được như ông vậy
            Sống Lời Chúa dạy
            Vật chất không màng
Đời con bước hoang
Chẳng có vàng bạc
Xin cho con được
Kho tàng Nước Trời
TRẦM THIÊN THU
(1) Mt 6:21
(2) Vua Louis của Pháp quốc.

Friday, September 28, 2012

ĐÁP LỜI SÔNG NÚI

      ĐÁP LỜI SÔNG NÚI
       MƯỠU
     Giang sơn gấm vóc muôn đời
Cha  ông lập dựng rạng ngời sử xanh
     Bao nhiêu máu đổ , xương tan
Đúc nên hùng khí Việt Nam vững bền
      NÓI
Hồn sông núi hùng thiêng linh khán
Sóng đảo xa uy vũ trấn thành
Đã bao lần giặc vượt Nam Quan
Ôm  đầu máu, ngàn năm còm ám

NHƯ HÀ NGHỊCH LỖ LAI XÂM PHẠM
NHỮ ĐẲNG HÀNH KHAN THỦ BẠI HƯ
“Ngô” quấy càn đòi hỗn sửa thiên thư
Khoác da hổ gầm gừ dọa dẫm
Toàn dân Việt quyết tâm đứng vững
Phá tan hoang mộng tưởng bá quyền
Cả nữ nhi, dẫu phận thuyền quyên
Sẽ nối gót Trưng Vương nhị tướng
Cỡi “dũng tượng “ dày quân bành trướng
Để bảo toàn Tổ Quốc yêu thương
Một lòng chẳng tiếc máu xương
          CAO BỒI GIÀ
          29-08-2011
CHÚ THÍCH :
NHƯ HÀ NGHỊCH LỖ LAI XÂM PHẠM
NHỮ ĐẲNG HÀNH KHAN THỦ BẠI HƯ
:Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
( Lý Thường Kiệt )


Monday, September 24, 2012

PHÚ: TRUNG THU

          PHÚ TRUNG THU
Tùng tùng cắc cắc;
Phố dọc đường ngang.
Địa cười  em nhỏ;
Quạt phẩy  sư lân.
Tháng tám tròn trăng ,ánh ngà soi tỏ;
Mùa thu tốt tiết ,ngọn gió mát lành.
Nến đỏ hoa đăng,rước đèn ngắm nguyệt;
Trà thơm bánh mứt,phá cỗ trông trăng.
Trẻ dăm bảy bé ra rả vui ca,nhấm nháp quanh bàn cỗ soạn;
Già bốn năm  thân  râm ran gẫu chuyện,khề khà dưới bóng trăng thanh.
Ôi một thời đã thế:
Cây mía  bánh đa,đơn giản quà quê  ,ô chao cũng đủ;
Quả xoài trái chuối,đậm đà  món sẵn  ,thế đã là sang.
Cắt giấy vót tre ,dán cá sao trời sáng lòe  xóm ngõ ;
Khoét lon Đục ống ,làm xe đèn đẩy quay tít cung thang.
Người  lớn vui tràn thanh hồn thản trí;
Trẻ con no thỏa mơ giấc mộng vàng.
Nay giờ có khác:
Gà quay vi cá bánh trái ngon thơm nhà nhà  có cả;
Thú  nhựa Ngộ Không đèn  pin í óe nhóc nhóc chơi nhằng
Trung thu lắm trẻ mồ côi đợi ngóng chút lòng thương đoái;
Tháng tám nhiều anh cơ hội mong chờ đủ mánh tiến thăng .
Mua hộp”Bát Tiên Thưởng Hằng”,chỉ dăm ba triệu làm quà hớn dạ không buông lời tiếc;
Tậu khay ”Tứ Long Kết Nguyệt”,hơn năm bảy chai đem biếu bờn lòng chẳng hé tiếng than.
Ấy chưa xám mặt;
Chẳng đáng đăng đàn.
Đâu đó bánh còn đi đêm kèm bông đính nhẫn;
Nọ rằng nhân đà lót lọt nhét bạc nhồi vàng.
Bánh bẻ chó ăn ,nhẫn sang tay ngọc;
Nhân quăng chuột gặm ,vàng nặng túi quan.
Cuội buồn co cẳng đá cành đa mắng;
Hằng giận nhíu mày  vén đám  mây than.
Giận thằng cơ hội;
Căm đứa gian ngoan.
Buôn thú bán đèn ,vỏ cad   sơn ,chì yểu đời con trẻ;
Chế quà làm bánh  nhân này chất ,nọ hại mạng thứ  dân..
Danh nghĩa ăn theo  hiệu xưng truyền thống.
Tiếng tăm vay mượn khách sạn nhà hàng.
Bánh làm tuầy huây ,oang cơ giới hóa;
Nhân nhập bá láp  ,khoe chất lượng vàng.
Tham lam lôi độc về từ nước lạ;
Ác độc rải hàng đi khắp thôn làng.
Chán ngán mùa trăng ,Nguyệt Hằng không sáng;
Buồn trông tết trẻ ,Kẻ xấu làm quàng.
Tùng tùng cắc cắc;
Mếu Địa ngoác Lân
Mưa rơi lắc rắc;
Nguyệt nữ võ vàng. . .
               CAO BỒI GIÀ              
               24-09-2012

 

Saturday, September 22, 2012

Nhạc Gioa-Kim: Chiều Đông.

CHIỀU ĐÔNG
Thơ: Trịnh Tây Ninh
Nhạc: Gioa-Kim
Thể hiện: Ca Sĩ Ngọc Quế & Ban Hợp Ca Thanh An

Slideshow Duy Hân: Lời Nguyện Cầu Cho Quê Hương

LỜI NGUYỆN CẦU CHO QUÊ HƯƠNG
Sáng tác: Linh Mục Paul Văn Chi
Tiếng hát: Kim Phụng
Slideshow: Duy Hân

Chuyện ngắn Trầm Thiên Thu: Ngày Xưa.


Ngày xưa
Ngày xưa, thời còn học tiểu học (nay gọi là cấp I), một thời thơ ngây và hồn nhiên thật đáng yêu. Suốt 5 năm chung lớp, vả lại, Thảo và tôi lại là hàng xóm, nên rất thân nhau. Tôi hơn Thảo 3 tháng tuổi, nên chúng tôi chỉ xưng tên với nhau.
Thảo và tôi không chỉ học chung trường, chung lớp, mà còn học giáo lý chung. Thời đó, chiều nào cũng học giáo lý chứ không chỉ học giáo lý vào Chúa nhật như bây giờ. Tôi nhớ năm đó, Thảo và tôi cùng được Xưng tội và Rước lễ lần đầu, ngay hôm sau lại được ĐGM phụ tá P.X. Trần Thanh Khâm ban bí tích Thêm sức. Với tôi là rất đặc biệt khi được Xưng tội và Rước lễ lần đầu hôm trước, hôm sau lại được Thêm sức ngay.
Hồi đó, tôi hay vẽ hình vua chúa, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, và hiệp sĩ bằng phấn trên nền nhà đất. Thảo thường sang chơi, thấy tôi vẽ cứ lại gần chọc phá tôi, có khi xóa “công chúa” và “hoàng tử” của tôi. Tôi giận quá – vì tôi rất nóng tính – nên tát Thảo một cái như trời giáng. Thảo khóc ơi là khóc. Trời lúc đó đang mưa, Thảo không về được, cứ ngồi khóc nức nở. Phải một hồi lâu sau mới hết, và tôi thấy hối hận. Lúc đó chẳng có ai ở nhà, tôi lén lấy gói kẹo mẹ mua còn để đó để bắt đền Thảo. Nhìn gói kẹo hồi lâu Thảo mới chịu cầm. Trời còn mưa nhẹ, Thảo vừa đi về vừa phụng phịu:
– Nguyên ác lắm, đánh Thảo đau quá đi, về nói bác gái à nghe!
Quả thật tôi nóng quá. Tôi ác thật. Và tôi sợ. Sợ thật. Sợ Thảo méc mẹ và sợ mẹ biết mất gói kẹo. Tôi cầu trời cho không xảy ra chuyện gì. Cả tuần sau chẳng thấy mẹ nói gì cả. Cũng từ hôm đó, tôi chẳng dám rủ Thảo đi học mỗi sáng, và Thảo cũng chẳng sang chơi như trước.
Sáng hôm đó, mẹ định lấy gói kẹo ra gói lại để đi biếu ai đó. Thấy mất gói kẹo, mẹ hỏi mà tôi cứ nói quanh, thế là mẹ mới cho tôi một trận đòn nên thân vì tội lấy đồ khi chưa được phép.
Biết tôi bị đòn, chiều hôm đó Thảo sang chơi, chắc là muốn biết nguyên nhân nhưng không dám vào, cứ thập thò ngoài cửa. Đang làm tập làm văn, thấy vậy nên tôi lên tiếng trước:
– Vào chơi, Thảo!
Thảo lẳng lặng bước vào một cách rụt rè. Tôi vội cười trấn an:
– Thảo giận Nguyên hả?
– Ai bảo…
Thảo cúi đầu buồn buồn. Đôi mắt bồ câu của Thảo hình như long lanh. Tôi vội nói:
– Cho Nguyên xin lỗi. Đừng giận nghe Thảo!
Thảo chợt ngước lên nhìn tôi và tặng tôi một nụ hàm tiếu miễn phí, rồi khẽ nói:
– Lúc đó giận lắm. Bây giờ thì… hết rồi. Thảo muốn đưa cho Nguyên cái này.
Tôi ngạc nhiên, vừa cười vừa hỏi:
– Cái gì vậy?
Thảo đi ra cửa lấy gói kẹo hôm trước tôi bắt đền vào đưa cho tôi:
– Thảo không lấy đâu. Mẹ Thảo nói vậy.
– Thảo cứ cầm đi. Không sao đâu.
– Nguyên xạo Thảo ha!
– Thiệt mà!
– Hồi sáng bác gái đánh Nguyên nè.
Tôi luống cuống như gà mắc tóc, và ấp úng:
– À… ừ… Tại Nguyên bị… điểm bốn đó.
Tôi nói dối vậy để chữa thẹn. Hẳn là Thảo cũng biết, vì Thảo học chung lớp mà. Thảo nhất định đưa lại gói kẹo cho tôi nên tôi đành… để lại chỗ cũ. Ai cũng nhận lỗi về phần mình. Dễ giận mà cũng dễ bỏ qua. Thế là huề. Cứ dễ thương mà cũng dễ ghét!
Từ lần ăn tát tới nay, Thảo “sợ” tôi hẳn. Một điều hỏi, hai điều hỏi, làm tôi đâm ngại. Nhưng nhờ vậy mà tôi bớt nóng tính hơn nhiều. Cảm ơn Thảo. Dẫu sao cũng vui vì đã “bình thường hóa quan hệ”.
Thấm thoát đã lớp Chín. Vậy là Thảo và tôi học chung suốt 5 năm cấp I và 4 năm cấp II. Thời gian qua nhanh quá! Con trai thì vẫn như thường, có khác chăng là tóc biết rẽ đường ngôi, mặc quần áo ủi. Con gái lại khác hẳn từ cách đi đứng tới cách ăn nói. Thảo bây giờ để tóc thề một suối ngang lưng, trông ra dáng một thiếu nữ, e lệ, “hay hay” sao ấy! Nhưng học chung từ nhỏ nên Thảo và tôi vẫn thân thiện như hồi nào.
Thảo dung dị, không kiểu cách, không làm dáng như các bạn cùng trang lứa. Thảo học giỏi và hiền lắm. Tôi không học giỏi bằng Thảo, nhưng tôi rất chăm học nên học lực cũng trên trung bình. Có lẽ đúng như ông bà thường nói: “Cần cù bù thông minh”.
Thi thoảng trường tổ chức mỗi lớp làm một tờ bích báo (báo tường). Tôi có nét chữ “coi được” – như các thầy, cô nói vậy – và tôi còn vẽ phỏng được các hình ảnh ở báo, nên cả lớp đồng ý giao cho tôi “trọng trách” viết và trang trí tờ bích báo của lớp.
Có lần thi đệ nhất lục cá nguyệt (học kỳ I), bài thi Văn của tôi được cô giáo đọc cho cả lớp nghe. Bất ngờ quá! Tôi mắc cở, vì hồi đó tôi nhút nhát lắm, như thỏ đế vậy. Về nhà, Thảo đòi mượn bài Văn của tôi cho bằng được. Tôi khá Văn, còn Thảo giỏi Toán. Qua những việc như vậy, tôi thấy mến Thảo, và ngược lại. Một thứ tình cảm đơn sơ, nhẹ nhàng, và trong sáng của một thời học sinh đáng yêu làm sao!
Hết cấp II, lên cấp III. Tôi đi học nội trú xa. Thảo cũng chuyển trường, nhưng gần đó. Cuối năm học lớp Mười thì đất nước thống nhất, gia đình Thảo chuyển đi nơi khác. Tôi không biết ở đâu. Riêng tôi vẫn ráng tiếp tục học, tuy có bị gián đoạn vài năm.
Không biết Thảo bây giờ làm gì. Nghe vài người quen nói hình như Thảo làm nhân viên ở một tòa soạn báo khá có tiếng. Cứ mỗi lần trời chuyển mưa, tự dưng tôi lại miên man nhớ về Thảo với cái tát “nổ đom đóm mắt” ngày đó, nét bình dị và đôi mắt bồ câu của Thảo. Nhớ ngày xưa như có chút níu kéo, lưu luyến, chưa muốn xa những gì đã xa, dù muốn hay không thì ngày xưa đã vĩnh viễn trôi vào dĩ vãng hóa thành ký ức và kỷ niệm. Không phải vì ích kỷ mà tôi chỉ muốn ôn lại những gì đẹp đẽ và dễ thương, nhất là một người như Thảo, cô bé ngày xưa ấy!
Tôi lấy ra cây viết Thảo đã tặng và viết vài dòng như để gởi cho Thảo vậy:
Tự tình cùng với thời gian
Thảo nguyên bát ngát thắm xanh một màu
Bao nhiêu kỷ niệm ban đầu
Còn trong ký ức pha màu bâng khuâng
Ngày xưa đậm nét vô thường
Như không như có… mênh mang diệu kỳ…
Tứ thời, bát tiết – đến, đi
Lòng người chộn rộn vân vi thất tình (*)
Cây viết đã theo tôi suốt mấy chục năm, dù có cũ với thời gian nhưng vẫn mới với kỷ niệm. Đặc biệt trên cây viết có khắc hai chữ Thảo Nguyên với nét bay bướm. Sự nhút nhát của tôi đã không thể hiểu ngụ ý của con gái. Con gái ký lạ quá. Con gái là một Thế Giới Mới, một Thế Giới Bí Ẩn, hiểu được con gái chẳng khác gì Kha Luân Bố (Colombus) tìm ra Tân Thế Giới (Mỹ châu). Sự hiểu muộn màng có tính tất yếu đặc thù của cái mà người ta thường gọi là tình cảm đầu đời, tình cảm tuổi mới lớn, còn Anh ngữ gọi là Puppy-Love.
Tất cả đã qua, nhưng kỷ niệm sẽ còn mãi, để rồi người ta có những lúc bâng khuâng… Ngày xưa thân ái và đẹp lạ lùng. Thời gian nhìn tới thì dài mà nhìn lại thì sao ngắn quá!
Tình cờ gặp lại mẹ của Thảo trong một lần đi lễ ở Nhà thờ Đức Bà, bác đã già ngoài bát tuần nhưng nhìn bác vẫn còn sinh khí của tuổi già. Chuyện qua lại, tôi thực sự ngạc nhiên khi bác cho biết Thảo đang là Chị Tổng (ngày xưa gọi là Mẹ Bề trên) của một dòng nữ ở giáo phận Phú Cường. Bác nói sắp đi công chuyện ở Bình Dương và tiện ghé thăm con gái luôn. Bác rủ tôi đi, và tôi hứa sẽ đi với bác. Quả thật, trái đất tròn. Rất tròn! Tạ ơn Chúa luôn quan phòng mọi sự và luôn yêu thương chan chứa…
Tôi chợt nhớ mà ngâm nga một bài thánh ca của thầy tôi là nhạc sư Hùng Lân: “Chúa có mặt trong lịch sử loài người, Chúa có mặt trong lịch sử đời tôi…”.

TRẦM THIÊN THU

(*) Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục.

Phú : CHỚ LO - ĐỪNG LÀM TÔI HAI CHỦ

         (Dẫn ý Theo Tin Mừng Mt_6,24-34)

Người người lắng lo;
Cơm no áo mặc.
Vất vả lưng còng;;
Nhọc nhằn mặt cắm
Kia kẻ nghề buôn bán
Đây người nghiệp cấy cầy
Sớm tinh sương thâm u chưa nắng,đã quáng quàng ra sức cuốc lầy;
Chiều tịch sẫm chạng vạng sụp trời ,còn găng gắng gia công bừa đất
Gà vẫn im khe,vội vội tỉnh quàng  sửa soạn   săn khách;
Trăng đà  cao tít,cố cố gồng ráng thu gom  vét xu
Hớn hở mừng vui,năm lúa bắp bội thu;
Hân hoan khoái trá,ngày bạc tiền ắp tráp
Dạ tiếc nuối ngơ ngác bàng hoàng  ,lúc vốn lời  tan tác;
Lòng héo hon buồn sầu cay đắng,khi mùa rẫy tan hoang
Buồn thay:
Tính tính toan toan;
Thêm thêm cố cố
Từ vị chủ vai thầy,hóa là tôi là tớ;
Thành mê tiền đắm bạc, bởi vì mặc vì ăn
Văng thân văng mạng, hòng kiếm dư ăn;;
Thí xác thí hồn, quyết tìm lắm mặc
Tích khố nọ tích kho này kho khác
Lo hôm nay lo ngày mốt ngày mai;
Nào có  ai lo tích cóp ,mà kéo được cuộc  sống dài thêm mấy gang tay;
Hỏi đâu người mải dệt thêu, có  may ra xống áo đẹp bằng  bao bông huệ?
Ấy điều Cha dạy;;
Chính luật Chúa răn
Chớ có đầy tớ hai thầy;
Đừng làm bề tôi nhị  chủ
Yêu chủ này mà ghét chủ khác;
Nịnh thầy   nọ lại gạt thầy kia
Đã theo Thầy dạ chớ phân chia;
Còn hám bạc lòng luôn lìa cách
Hãy chiêm ngắm   chim trời mượt mà lông cánh;
Cùng nghiệm   trông  hoa huệ lộng lẫy xiêm y
Của ăn  ư  Ta  nuôi dưỡng lũ chim di;
Cái mặc đó Trời  dệt thêu  chùm lan huệ
Chim muông chốc vụt mất còn ,mà    Ta còn lo dưỡng thế;
Hoa cỏ thoảng nhanh héo úa,  vẫn Chúa  quản chăm thân
Mạng sống há chẳng quý hơn miếng ăn;
Xác thân lẽ nào rẻ thua áo mặc
Vậy bữa mai ,đừng nên thắc mắc;
Và ngày mốt ,chớ có lo toan
Dưỡng tâm linh hãy hãy chu toàn;
Tìm Nước Chúa,mau maukhai mở
Chúa luôn ban thức ăn khí thở;
Cha cũng liệu  áo mặc nước trong
Cậy tin Ngài mãi mãi quan phòng;
Vững dạ Con hằng hằng  phó thác
Và hôm nay không lo chi khác;
Vì mai mốt có khổ khác thay  . . ..
           CÙ MÈ
         18-09-2012