Thursday, June 30, 2011

GỞI NGƯỜI NƠI ẤY

Thơ Vũ Thủy

Mưa hoài ngõ nhỏ buồn hiu
Tay gầy với chút gió thu sớm về
Gió còn tha thẩn ngoài đê
Bên song hiu quạnh khách hề đợi mưa
Gió thu quấn quýt ngọn dừa
Gợi lòng thêm nhớ cảnh xưa với người
Mưa giăng ngõ nhỏ đầy vơi
Hồn buông nửa tiếng ru hời người ta
Người giờ rẽ bến phương xa
Hồn ai cất giọt mưa sa tủi hờn
Hồn ai lặng lẽ cô đơn
Chiều cơn mưa lạnh tần ngần ngoài song
Giọt mưa thánh thót trong lòng
Gởi người nơi ấy cả dòng sông xưa.

Wednesday, June 29, 2011

Trầm Thiên Thu: Đại Dương Lòng Chúa Xót Thương (thơ)


ĐẠI DƯƠNG LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG

Nhìn mênh mông biển Vũng Tàu
Sóng vỗ rì rào điệp khúc yêu thương
Nhớ tình yêu Chúa vô thường
Muôn đời Lòng Chúa Xót Thương vô bờ
Dù con là một tội đồ
Thuyền nan con khẳm bao là oan khiên
Nhưng thuyền con vẫn không chìm
Sóng Tình Chúa cứ miên man vỗ về
Đại dương sâu thẳm bao la
Con còn thấy khó thăm dò sâu, nông
Đại dương Lòng Chúa Xót Thương
Con càng khó hiểu, con càng gẫm suy
Yêu con, Chúa chẳng muốn xa
Cho dẫu chỉ là một thoáng mà thôi
Thế nên Chúa quyết chẳng rời
Lập nên Thánh Thể đêm ngày bên con
Chiều nay biển lại sóng cồn
Nghĩa là Chúa lại nhớ con thật nhiều
Xin cho con biết dâng trao
Trọn đời con muốn chỉ yêu mình Ngài
Đại dương Tình Chúa tuyệt vời
Đưa thuyền con cặp Bến Trời bình an

TRẦM THIÊN THU
Vũng Tàu, 28-6-2011

Cô Gái Mù và Ly Cà Phê Trắng: Slideshows.

Monday, June 27, 2011

Duy Hân: Kinh Khổ (Slideshows)

KINH KHỔ
Sáng tác: Trầm Tử Thiêng
Tiếng hát: Elvis Phương
Slideshows: Duy Hân


Wednesday, June 22, 2011

VÈ GIẶT ÁO

Mến tặng anh chị Dũng-Anh nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành hôn của anh chị.

Chồng chồng vợ vợ
Giặt áo cho nhau
Vợ nhặt rổ rau
Chồng lau chén đĩa
Công kia việc nọ
Thuận vợ thuận chồng
Vợ vợ chồng chồng
Bồng con gởi nội
Lặn lội kiếm ăn
Lương chị nuôi con
Lương anh sắm sửa
Cửa nhà khang trang
Đồng chồng đồng vợ
Đi chợ thổi cơm
Râu tôm ruột bầu
Chồng chan vợ húp
Gật đầu khen ngon
Đồng vợ đồng chồng
Nuôi con chóng nhớn
Việc lớn anh lo
Việc to chị nhận
Thuận vợ thuận chồng
Tát cạn biển Đông
Vợ vợ chồng chồng
Chồng chồng vợ vợ
Giặt áo cho nhau...

VŨ THỦY

Monday, June 20, 2011

Trầm Thiên Thu: Hương Tình Đầu (chuyện ngắn)

Hương tình đầu


– Dạ, chào bác.
– Chào cháu.
– Loan đi học chưa bác?
– Nó sắp đi đó. Loàn à, đi học đi con. Vọng đợi con nè.
Chẳng cần mẹ nói tên, tôi cũng đã biết đó là tiếng của Vọng. Hàng ngày Vọng vẫn qua rủ tôi đi học. Nhà Vọng cách nhà tôi một mặt đường và một khu vường rộng. Đường đến trường chỉ mất khoảng 15 phút, nhưng chúng tôi thường đi sớm 5 phút để khỏi vội vàng.
Tôi học lớp 11, Vọng học lớp 12. Vọng hơn tôi một tuổi. Vả lại, tình láng giềng giữa hai gia đình rất đậm đà thân thiết, coi nhau như ruột thịt, nên tôi vẫn gọi Vọng là anh. Nghe tiếng anh, tôi cũng vừa chải đầu xong. Thường ngày tôi ra ngay, nhưng hôm nay tôi còn nấn ná chút xíu, vuốt lại mái tóc, ngắm mình trong gương với một thoáng kiêu sa. Con gái có những nét “kiêu” vậy đó. Lâu quá, không thấy tôi ra, mẹ giục:
– Đi học, Loan à. 7 giờ kém 15 rồi.
Tôi lẳng lặng đi ra, dịu dàng nói:
– Thưa mẹ, con đi học.
Vọng họa theo:
– Thưa bác, con đi học.
Mẹ tôi khẽ gật đầu, nói:
– Ừ, các con đi học kẻo trễ.
Hàng ngày mẹ tôi vẫn thường lặp lại cái điệp khúc đơn điệu đó, không gì lạ, nhưng hôm nay, hai tiếng “các con” làm tôi e lệ làm sao ấy! Tôi thấy “giận” mẹ vô cớ… Và tự dưng tôi cũng “ghét” lây qua Vọng.
Ra khỏi cổng, tôi lặng lẽ lên xe, không cười không nói huyên thuyên như mọi ngày. Vọng đạp xe bên tôi một cách “ngoan ngoãn”. Đi một đoạn đường khá xa mà không ai nói với ai. Không khí có vẻ nặng nề, Vọng”cứu vãn” bâng quơ:
– Trời hôm nay hơi lạnh.
Tôi vẫn “bằng chân như vại”, chẳng thèm đếm xỉa tới câu nói “tội nghiệp” ấy. Giá như mọi ngày, tôi đã sôi nổi góp chuyện, thậm chí nhiều khi tôi vẫn hồn nhiên “khai mào” trước chứ đâu như hôm nay. Tôi nghĩ:
– Cũng lạnh thật.
Vọng chuyển đề:
– Hôm nay sao vậy? Bệnh hả?
Trời ơi, tức không chứ? Nói trống vậy đó. Lại còn trù ẻo cho người ta bệnh nữa. Ăn nói gì mà không có chủ từ gì cả. Như được nước, được đằng chân lân đằng đầu, như lửa thêm dầu, tôi càng lặng im một cách khó chịu. Vọng hỏi dồn:
– Làm bài tập Anh văn xong chưa?
Tôi trả lời cộc lốc, nhưng không dám xẳng giọng:
– Chưa.
– Sao vậy?
– Khó.
– Sao không đưa mình chỉ cho?
Tôi “đóng băng”. Có bao giờ tôi bất lịch sự vậy đâu chứ?
Vọng chẳng bao giờ xưng “anh” hoặc “tôi” với tôi, ngay cả với bạn bè hoặc những người nhỏ hơn, mà chỉ xưng là “mình”, có kẹt lắm mới xưng “tôi”. Tiếng “mình” của Vọng thật thân ái và dễ thương, nhưng lúc này sao tôi thấy “ghét” ghê!
Vọng khá Anh văn. Khi có gì không hiểu, tôi vẫn hỏi Vọng. Cả ngày Chúa Nhật hôm qua, tôi đã định sang nhờ Vọng giảng lại mấy chỗ khó. Cứ đứng dậy lại ngồi xuống. Cuối cùng, tự ái đã giữ tôi lại. Chỉ vì hôm thứ Bảy vừa rồi…
Không thấy tôi nói gì, Vọng tiếp:
– Khó phần nào? Grammar hay tense?
– Cả hai.
Hình như Vọng chau mày và lên giọng:
– Bài nào?
– Ai biết!
Vẫn giọng điệu cộc lốc như một đoạn nhạc ngắn có nét staccato với những nốt nhạc rơi xuống khô khốc. Vọng im lặng. Tôi cũng thi gan nối tiếp khoảng im lặng. Thế là suốt quãng đường còn lại chẳng ai nói gì.
Hai tiết đầu là Anh văn. Tôi còn đang loay hoay mở sách, bỗng nghe thầy gọi:
– Nguyễn Kiều Phượng Loan.
Hèn chi sáng nay mắt phải tôi nháy hoài! Tôi lững thững cầm tập lên đưa cho thầy kiểm tra. Bỗng mắt thầy dừng lại và ngước lên nhìn tôi.
– Sao em không làm hết bài?
– Dạ, hôm qua em nhức đầu quá. Em còn thiếu mấy câu sau.
– Đây là lần đầu tiên, thầy tha. Lần sau em không được như vậy nữa, nghe chưa? Thầy cho em 5 điểm.
– Dạ.
Tiếng “dạ” của tôi nhẹ đến nỗi hầu như không nghe rõ. Trời đất như quay cuồng. Tôi cúi gằm mặt về chỗ. Mắc cở quá! Và hình như tám mươi con mắt đang đổ dồn về phía tôi. Nhức đầu chỉ là cái cớ.
Cái se lạnh của mùa Đông đang ấm dần với những tia nắng bình minh. Tôi thả hồn mơ màng trong ánh nắng, giận hờn vu vơ… Hai tiết học nặng nề trôi. Giờ ra chơi tôi cũng không buồn rời chỗ. Hồng “quậy” sà tới chỗ tôi.
– Ê, sao còn ngồi đó như ông địa vậy?
Tôi không “phản pháo”. Mắt hơi cay.
– Nghe tao nói không, mày? “Nắm lấy cô” (1) là trung bình rồi. Có gì mà buồn?
Tôi uể oải lắc đầu rồi gục mặt xuống bàn. Yến “lãng mạn” cũng “bay” đến rồi cao giọng:
– What happens? (2)
Hồng phụ họa rất… Tây:
– I don’t know. Maybe she’s crying now! (3)
Yến vẫn giọng “lai căng”:
– Thôi mà “mít ướt”, my little princess! (4)
Bộ ba chúng tôi vẫn thường có những mẩu đối thoại “bỏ túi” như vậy để “thực hành”, kiểu Anh ngữ thực dụng. Tôi vẫn ngồi lì một chỗ. Hồng chạy đi một lát rồi trở lại với bịch cóc, ổi. Hai đứa nó ăn ngon lành. Tôi thèm muốn chết nhưng vẫn cố nén lòng cho ra vẻ “lâm ly bi đát”. Lỡ rồi, phóng lao phải theo lao. Chơi luôn! Yến nói giọng cải lương:
– Phải chăng cô nương đã bị “mũi tên tình ái” bắn trúng quả tim rồi chăng?
Hồng thêm vào:
– Hay là “tiếng sét ái tình” đã đánh trúng cô nương?
Hồng và Yến cười như nổ điện đường dây cao thế. Tôi giận điên lên được, đứng phắt dậy và quát:
– Im!
Trống điểm vừa đúng lúc vang lên. Ba tiết sau lại nặng nề trôi. Các câu thơ và các phản ứng hóa học cứ đua nhau nhảy múa trong đầu tôi. Tôi lơ đãng nhìn vào khoảng không ở phía tấm bản trước mặt, chẳng để ý gì đến lời giảng…
o0o

Hè Này Nhớ Hè Sau: Slideshows

HÈ NÀY NHỚ HÈ SAU.
Nhạc: Minh Tuấn
Ý thơ: Minh Thụy
Tiếng hát: Quỳnh Lan
Thực hiện: Duy Hân

MỘT PHIÊN TÒA

Truyện ngắn của Vũ Thủy

Buổi sáng hôm ấy chợ không ế cũng chẳng đắt, tiếng người cười ré đầu này, huyên thuyên bát nháo đầu nọ như mọi ngày. Cửa hàng của Hương thỉnh thoảng cũng có khách ghé vào xem, nhưng hai chị em cô chỉ bán được mấy món lặt vặt. Em gái Hương rảnh rỗi không biết làm gì, ngồi nhẩm đếm xem đã có mấy người xin ăn vào cửa hàng của mình...
Một người khách bước vào, rồi lại có thêm mấy bọn khách nữa... Hai chị em bận tíu tít. Hương và em gái tiếp khách rất niềm nở, họ không để cho một người khách nào tay không bước ra khỏi cửa tiệm của mình. Em gái Hương phấn khởi ra mặt, chị em cô vừa bán cho một tốp khách khá sộp, hàng hóa lộn xộn cả lên. Đang sắp xếp lại quầy hàng cho gọn ghẽ, Hương cảm thấy như có ai đó nhìn mình, cô quay lại, bắt gặp ánh mắt của một cô gái chống nạng. Cô gái đứng từ xa, ánh mắt nhìn vào Hương vẻ van lơn. Hương bước ra, mỉm cười thân thiện với cô bé rồi nhét vào tay cô tờ giấy bạc năm nghìn đồng. Cô bé có khuôn mặt xanh xao nhưng xinh xắn, hai chân cô phải mang nẹp sắt. Hương cảm thấy xót xa cho cô bé bao nhiêu thì lại thấy mình may mắn bấy nhiêu. Cô bé cảm ơn Hương rối rít rồi chống hai cây nạng khó nhọc bước đi. Đi được vài bước, cô lại quay đầu nhìn Hương vẻ biết ơn. Hương dõi theo cô bé cho đến khi dáng đi khập khiễng của cô lẫn vào đám người đi chợ. Hương biết cô gái ấy cho Hương là sự lạ, vì ít có ai cho một người ăn xin một lúc năm ngàn đồng. Nhưng Hương vẫn cảm thấy mình cho cô bé chẳng bao nhiêu là đủ vì những thiệt thòi mà cô phải hứng chịu.

Tối hôm ấy, nằm thoải mái trên chiếc giường nhỏ sạch sẽ, Hương tự hỏi: “Điều gì đã làm cho mình cảm thấy hạnh phúc suốt cả ngày hôm nay thế nhỉ?”
Cô điểm lại những sự việc đã xảy ra trong ngày, cô nhớ lại cảnh mấy người ăn xin vui vẻ nhận từ tay cô tờ giấy bạc hai nghìn đồng, họ mua một ổ bánh mì không. Cô băn khoăn chẳng biết tối nay họ có được một chén cơm đàng hoàng, hay là họ cũng sẽ lại phải ăn một ổ bánh mì không? Câu hỏi đó dần đưa Hương vào giấc ngủ. Cô mơ thấy họ có những căn nhà nhỏ ở ngoại ô, những căn nhà tuy đơn sơ nhưng sạch sẽ. Trên bàn có cả mâm cơm bày thịt cá ê hề. Hương thấy cô gái chống nạng bước đi như bay, nét mặt cô bé rạng rỡ, ánh mắt tinh quái đang đùa nghịch cùng lũ bạn...

Những ngày sau đó, hầu như ngày nào cô gái đi nạng cũng đến trước cửa hàng của Hương. Vẫn ánh mắt van lơn, không một lời xin sỏ hay than van, cô bé đứng nhìn Hương từ xa. Lần nào cũng vậy, Hương lại gần mỉm cười với cô bé rồi dúi cho cô tờ giấy năm ngàn.

Đã một tuần nay, Hương không thấy cô gái đi nạng xuất hiện trước cửa hàng của mình. Những lúc rảnh rỗi, cô suy nghĩ vẩn vơ, không biết cô bé đi nạng có bị đau ốm gì không? Hương cảm thấy mình quá vô tình vì cô hầu như không biết gì về cô gái ấy... Một người khách bước vào, cắt ngang dòng suy nghĩ của Hương. Cô mỉm cười với khách:
-Anh muốn mua gì ạ!
Người khách trạc độ ngoài 30, anh ta mặc áo blouse trắng, nhìn cô rồi lại nhìn quanh cửa tiệm của cô:
-Tôi không mua hàng! Nhưng có một bệnh nhân hấp hối nhờ tôi đến gặp cô!
Hương lo lắng hỏi vị bác sĩ:
-Sao ạ! Ai cơ ạ!
Hương bối rối bảo anh ta rằng cô không có người thân nào đang nằm viện. Vị bác sĩ có vẻ gấp gáp:
-Đúng thế! Bệnh nhân là một cô gái 16 tuổi, bị tật ở chân. Cô ta đã bị đụng xe và bị bỏ mặc cho đến khi người ta đưa vào bệnh viện thì đã mất quá nhiều máu. Hai ngày nay, tôi đã cố gắng hết sức nhưng... Sáng nay cô ta nhờ tôi tìm cô để trăn trối điều gì đó!
-Tìm tôi? Sao anh biết là cô ta tìm tôi, vả lại cô ta là ai?
-Cô ta tên là Ngộ, hai chân mang nẹp sắt, chắc là cô có quen chứ!
Hương ngơ ngác, lắc đầu quầy quậy:
-Tôi không hề quen biết với ai có tên là Ngộ!
Vị bác sĩ trẻ lúng túng, nhìn lên bảng hiệu trước cửa tiệm một lần nữa rồi nói:
-Suốt đêm qua tôi đã phải thức vì tình trạng của Ngộ rất nguy kịch. Sáng nay, trước khi rời bệnh viện, tôi đã ghé thăm Ngộ. Ngộ đã níu lấy tôi, yêu cầu tôi giúp. Cô ta mô tả cho tôi về cửa hàng của cô và hình dáng của cô... Cô ta bảo có việc rất cần nói với cô. Cô phải nhanh lên kẻo không kịp!
Nói xong, anh ta nhìn đồng hồ rồi lại nhìn Hương:
-Tính mạng cô bé không còn bao lâu, tôi cũng không quen biết gì cô ấy. Cô ấy bảo trên đời này chỉ quen biết có mỗi mình cô và cần nhắn gởi cho cô điều gì đó. . .
Hương ngờ ngợ đoán ra Ngộ là cô gái đi nạng vẫn ghé qua đây mỗi ngày. Cô quay vào dặn dò em gái chút việc rồi vội vã theo vị bác sĩ.

Đến phòng cấp cứu, vị bác sĩ dẫn Hương vào giường của Ngộ, một thân hình nằm như dán xuống giường, mắt hướng về phía cửa. Hương nhận ra đó chính là cô gái chống nạng thường ghé vào cửa hàng của mình xin ăn. Ngực cô bé dồ lên, bụng lép kẹp, cô có vẻ như đang lấy hết hơi sức để nói chuyện với Hương. Hương cúi xuống, nắm lấy tay cô và dịu dàng hỏi:
-Có phải em muốn gặp chị không?
Cô bé khép mi mắt lại rồi mở ra như tỏ ý gật đầu, thì thào:
-Chị giúp em đi gặp ông ấy...!
Hương chẳng hiểu gì cả, nhưng thấy ánh mắt khẩn thiết của cô bé, vội nói:
-Chị sẵn sàng giúp em, hãy nói cho chị biết ông ấy là ai!
Cô bé thở khó nhọc:
-Em bị người ta cố tình giết chết chị ạ! Có người đã cố tình lái xe đụng vào em. . .
-Sao! Em nói sao!
Cô bé ứa hai hàng nước mắt, Hương lấy khăn giấy chậm nước mắt cho nó. Nó lôi từ trong túi quần ra một cái hộp nhỏ rồi nói tiếp trong hơi thở đứt quãng:
-Trước khi chết mẹ em đưa cho em cái hộp này... Địa chỉ của ông ấy ở trong hộp... Em muốn nói với ông ấy rằng “Con tha thứ cho ba!”
Cô bé rướn cong người lên trong đau đớn rồi đột nhiên ngoẻo đầu sang một bên, những giọt nước mắt lăn trên má. Hương lay lay cánh tay cô bé, gọi giật giọng:
-Ngộ ơi, Ngộ ơi! Tỉnh dậy đi em!
Nghe tiếng kêu thất thanh của Hương, vị bác sĩ tiến đến bên giường Ngộ, vạch mí mắt cô bé ra xem, anh nói bằng một giọng trầm buồn:
-Ngộ chết rồi cô ạ!
Hương bối rối và đầy sợ hãi, cô cảm thấy mình đang mang một trọng trách trên mình. Cô nói với vị bác sĩ trẻ:
-Hình như cô bé còn có một người cha trên đời, tôi phải tìm ông ta cho cô bé! Anh hãy giúp tôi lo liệu cho Ngộ nhé!
Chàng bác sĩ trẻ nghiêm nghị gật đầu:
-Được! Cô đi tìm ba của cô bé, tôi sẽ lo liệu ở đây!

Ra khỏi phòng cấp cứu, đi hết dãy hành lang của bệnh viện, đầu óc Hương vẫn mải sắp xếp tất cả những sự việc vừa qua. Cô tìm một chỗ vắng ngoài sân bệnh viện, ngồi xuống một chiếc ghế đá, cố lấy lại bình tĩnh. Hít một hơi thật sâu, Hương mở cái hộp nhỏ ra xem, bên trong có một sợi dây chuyền và một mảnh giấy nhỏ. Cô chăm chú đọc hàng chữ nguệch ngoạc trên mẩu giấy, Nguyễn Thanh Sơn nhà số... đường Đồng Khởi, quận I. Cô xem sét kỹ miếng ngọc bội của sợi dây, nó hình trái tim có khắc hai chữ “Hạnh Ngộ”. Hương đoán “Hạnh Ngộ”. là tên của cô bé, cô thở dài, có lẽ cuộc hạnh ngộ đó đã để lại một kết cục bi thương thế này đây. Hương sắp xếp các chi tiết sự việc lại theo một chuỗi thời gian...Người mẹ trước khi chết đã trăn trối cho con gái mình một sợi dây chuyền và địa chỉ của một người đàn ông, người mẹ bảo con gái đi tìm ba, chắc là hy vọng ông sẽ thay mình muôi con. Đứa con gái ngây thơ đi tìm ba, người đàn ông ở ngôi nhà đó chắc phải là một người giàu có, một ngôi nhà ở khu trung tâm thành phố... Ông ta không nhận con gái, vì nếu nhận thì Ngộ đã không phải rời khỏi ngôi nhà đó một mình, rồi bị đụng xe... Hương nhớ tới lời của Ngộ trước khi chết “Người ta cố tình giết chết em”. Chắc cô bé phải nhìn thấy sự vật và người nào đó một cách đặc biệt... “Con tha thứ cho ba!”, Ngộ tha thứ cho người đàn ông đó vì ông ta đã không nhận mình là con gái? Hay là ông ta đã cố tình... Hương rùng mình, một cảm giác lạnh buốt chạy dọc theo sống lưng cô. Cô nhớ lại ánh mắt đau đớn của Ngộ khi nói lời tha thứ cho ba nó. Cô quay trở vào tìm vị bác sĩ ban nãy, anh ta đang chờ nhân viên đưa Ngộ xuống nhà xác. Hương nhìn kỹ mặt Ngộ lần cuối, nước mắt cô ứa ra hai bên khóe rồi lăn dài trên má. Cô kể cho vị bác sĩ nghe những lập luận của cô về cái chết của Ngộ, cô đồ rằng chính người mà Ngộ gọi bằng ba đã giết chết con gái mình. Sau khi nghe Hương trình bày những giả thiết của cô, vị bác sĩ trẻ cảm thấy lo cho cô. Anh bảo:
-Tôi sẽ đi với cô đến gặp ông ta! Cô sẽ báo công an chứ?
Hương lắc đầu:
-Tôi chưa biết tính sao? Nhưng Ngộ đã nhờ tôi nói với ba nó rằng nó tha thứ cho ba nó... Vả lại đấy chỉ là giả thuyết của tôi, chứ chẳng có gì là bằng chứng!
Tự nhiên Hương nghẹn lời, cô òa khóc nức nở. Qua một lát, người bác sĩ vỗ về Hương rồi dắt tay cô đi ra khu vực để xe của bệnh viện. Anh ta đưa cho cô một chiếc khăn tay trắng tinh:
-Cô lau nước mắt đi! Đợi một lát, tôi lấy xe rồi ta cùng đi!

Còn lại một mình, Hương chợt nghĩ: “Người bác sĩ này cũng như mình, không quen biết gì với Ngộ mà sao anh ta lại nhiệt tình thế nhỉ?”. Nhớ lại ánh mắt trong sáng của người bác sĩ, Hương cảm thấy rất tin tưởng ở người này. Vừa đúng lúc anh ta dắt xe ra, cô leo lên xe một cách rất tự nhiên, đọc địa chỉ trên mảnh giấy cho anh rồi hối thúc:
-Chạy lẹ lên anh, tôi phải thuyết phục ông ta đến gặp con gái lần cuối cùng! Tôi thương Ngộ quá anh à!

Hai người dừng lại trước một ngôi biệt thự sang trọng, trên cánh cổng có gắn bảng ghi địa chỉ bằng đồng bóng loáng. Hương ghé vào tai anh chàng bác sĩ:
-Anh đợi tôi ở bên kia đường! Nếu thấy quá lâu, thì gọi công an nhé!
Tay bác sĩ muốn theo cô vào trong, nhưng Hương cho rằng như vậy sẽ nguy hiểm cho cả hai, cô bảo anh:
-Không sao đâu? Em có cách mà!
Cô hối anh dắt xe qua đường, rồi quay lại bấm chuông. Những giây phút chờ đợi khiến Hương căng thẳng, sự hồi hộp làm cho cô nghẹt thở. Cuối cùng, hai cánh cổng ngôi biệt thự được mở ra, một cô gái trẻ hỏi giọng lễ phép:
Thưa, cô tìm ai ạ?
Hương nói:
Tôi có việc rất hệ trọng, muốn gặp ông Sơn!
Cô gái trẻ ngần ngừ:
-Ông chủ em... mệt, không muốn tiếp ai, thưa cô!
-Nhưng tôi có việc rất gấp, nếu ông chủ của cô không gặp tôi, ông ấy sẽ phải hối tiếc!
Cô gái do dự một chút, rồi mời Hương vào, bảo cô ngồi đợi ở phòng khách. Hương đưa mắt quan sát khắp căn phòng, tất cả đều nói lên chủ căn nhà này là một người giàu có, sang trọng. Cô sắp xếp lại những gì sẽ phải nói và những tình huống có thể xảy ra, trong trường hợp xấu nhất cô sẽ phải làm gì... Một giọng nói sang sảng khiến cô giật mình:
-Chào cô, tôi chưa được hân hạnh quen biết cô!
Trước mặt Hương xuất hiện một người đàn ông ngoài năm mươi, ông ta trông rất điển trai, và có vẻ thu hút đúng như cô đã tưởng tượng. Hương nhìn thẳng vào mắt ông ta:
-Xin lỗi! Ông là Nguyễn Thanh Sơn?
-Đúng! Tôi là Nguyễn Thanh Sơn, cô cần gặp tôi có việc chi?
Hương im lặng một lát, rồi nhìn chăm chăm vào mắt ông ta, cô nói:
-Hạnh Ngộ, con gái của ông vừa chết sáng nay tại bệnh viện! Ông có muốn đi thăm nó không?
Người đàn ông thoáng biến sắc, nhưng rất nhanh, ông ta đã lấy lại bình tĩnh:
-Cô lầm với ai đó rồi, tôi không có...
Hương đã tính đến khả năng này, cô chặn ngang:
-Dĩ nhiên là ông nói thế, vì cô ta chỉ là con ngoại hôn của ông. Nhưng ông đừng lo, việc có người cố tình đụng xe gây tai nạn cho con gái ông chỉ có hai người biết... tôi và người bạn thân của tôi ở ngoài kia!
-Tôi không hiểu cô nói gì!
Hương đưa ra trước mặt ông ta cái hộp dây chuyền, hỏi:
-Chắc ông có quen với cái hộp này chứ?
Lần này thì ông ta không còn bình tĩnh nữa, đưa tay định đón lấy cái hộp. Hương mở cho ông ta xem sợi dây chuyền,
Hạnh Ngộ trăn trối cho tôi, nó nói nó tha thứ cho ba. Và tôi sẽ giữ lời hứa với nó! Tôi chỉ yêu cầu ông đến nhìn xác con gái một lần cuối cho cô bé khỏi tủi phận mà thôi!
Ánh mắt người đàn ông dữ tợn, ông ta trả lại sợi dây chuyền cho Hương, gằn giọng:
-Tôi không biết sợi dây chuyền này và cũng không hiểu những gì cô nói. Tôi xin nhắc cô vì cô đang là khách trong nhà nên tôi còn lịch sự với cô đấy! Mời cô ra khỏi đây cho!
Hương cười gằn:
-Nếu ông không lịch sự với tôi thì ông sẽ đối xử với tôi như đối với Hạnh Ngộ chắc! Ông nên nhớ! Nếu tôi sợ thì đã không đến đây và đã báo công an rồi. Vả lại, tôi đã hứa với người chết thì tôi sẽ giữ lời hứa.
Người đàn ông cười thách thức:
-Cô có bằng chứng gì không?
-Tôi không có bằng chứng, nhưng ông không sợ hồn ma con gái ông sao? Nó chết tức tưởi quá! Tôi sẽ rời khỏi đây và để ông lại với tòa án lương tâm của ông!
Hương đứng lên, không chút sợ hãi cô lại gần vỗ vai ông ta:
-tôi khuyên ông nên ăn năn tội, vẫn còn kịp đấy!
Rồi cô bước ra cửa. Người đàn ông vói theo, nắm chặt tay Hương:
-“Cô định đi đâu?
-Ông đừng lo, tôi không đến gặp công an đâu! Tôi sẽ giúp ông đứng ra lo liệu cho đám tang của Ngộ...
Giọng cô dịu xuống:
-Ông Sơn! Hãy nghĩ đến hương hồn con gái ông, hãy thương yêu nó một chút, nó đến lúc gần chết vẫn tha thiết muốn nói lời tha thứ cho ba của nó! Ông hãy suy nghĩ lại đi, ông Sơn, tôi sẽ giữ lời hứa với Ngộ cho đến lúc chết!
Khuôn mặt ông Sơn trở nên méo mó, khó coi. Ông thì thào:
-Cô cho tôi theo với!
Hương cho ông Sơn địa chỉ của bệnh viện, cô không muốn lằng nhằng với ông ta nữa vì cô cảm thấy mình đã nói quá nhiều. Cô bảo ông hãy chuẩn bị những gì cần thiết để làm đám tang cho con gái, còn cô sẽ thu xếp công việc nhà rồi đợi ông ở cổng bệnh viện vào lúc 3 giờ chiều. Nói xong, Hương đi ra phía cổng, bỏ mặc người đàn ông lại với căn phòng khách sang trọng của gã. Hai cánh cổng của biệt thự vẫn khép hờ, Hương lách ra ngoài, quài tay khép cổng lại phía sau. Cô thở phào nhẹ nhõm khi thấy vị bác sĩ vẫn đang nhóng về phía ngôi biệt thự chờ cô.

Thấm thoát mà đã đến giỗ 100 ngày của Ngộ. Sáng nay Hương cùng với anh chàng bác sĩ đi thăm mộ của nó, ông Sơn đã có mặt tại đó với một lẵng hoa thật đẹp. Phải một lúc sau họ mới nhận ra người đàn ông thanh lịch hôm nào, ông ta già sọm đi, gầy gò và ăn mặc lôi thôi không còn chút dáng vẻ nào của một người giàu có. Ánh mắt ông đờ đẫn, ông cảm ơn hai người đã đối xử tốt với con gái mình rồi khóc nức nở như một đứa trẻ. Tiếng khóc của người cha ai oán vang lên giữa không gian tĩnh mịch, vài giọt nước mắt của ông ta rơi xuống ngôi mộ của đứa con gái. Hương và bác sĩ Dũng đã thắp nhang cho Ngộ xong, cả hai cùng cảm thông với ông ta trong im lặng. Rồi như đã dịu đi sự đau khổ trong lòng, ông ta bắt đầu kể lể:
-Lẽ ra chúng tôi đã rất hạnh phúc! Khi biết cô ấy có thai, tôi đã chuẩn bị để sống chung với cô ấy, cuộc hôn nhân trước đó giữa tôi và vợ tôi chỉ là vấn đề của cha mẹ hai bên, vì lợi ích tài sản của hai gia đình... Tôi đã thỏa mãn lợi ích cho họ, và họ sẽ để tôi yên... Hạnh Ngộ ra đời, chúng tôi đã rất hạnh phúc, nhưng thật là ngắn ngủi, sáu tháng cho một đứa trẻ mũm mĩm, xinh xắn. Rồi bỗng dưng nó bị một cơn sốt kịch liệt, bác sĩ bảo suốt đời nó sẽ phải chống nạng. Khi nó trở thành một đứa trẻ khuyết tật, tôi đã không sao chấp nhận, tôi cho đó là một sự sỉ nhục và đổ mọi tội lên đầu cô ấy một cách tàn nhẫn. Mẹ của Hạnh Ngộ là một phụ nữ rất tinh tế, cô ấy không chịu nổi sự xúc phạm của tôi đối với đứa con gái tật nguyền, thế là cô ấy đã đem nó đi khỏi tầm mắt của tôi. Hai mẹ con cô ấy không có một chút tài sản, không nhà cửa, không người thân thích, tôi lo cho họ nhưng lại không chịu nổi cái thảm cảnh có một đứa con gái tật nguyền... Tôi rất nhớ cô ấy, muốn đi tìm, nhưng khi hình dung ra đôi chân co quắp của Hạnh Ngộ tôi lại không sao chịu nổi... Và thời gian cuốn tôi vào cơn lốc của danh vọng, tiền tài, tôi không còn chút kỷ niệm nào về nó... thì nó lại xuất hiện trước mặt tôi. Sau khi chia tay với mẹ nó, tôi đã rất đau khổ, tôi đã sử dụng các phụ nữ khác như là sự trả thù cô ấy. Dần dần tôi trở nên chai đá và thủ đoạn... Khi Hạnh Ngộ đến tìm tôi, tôi là con người như thế, và tôi đã hẹn nó đến một chỗ vắng để... Lúc đó, tôi khoái trá vì trả thù được cô ấy cú này thật là đích đáng, vì Hạnh Ngộ là báu vật của cô ấy. Tôi cho rằng có chết rồi cô ấy cũng phải đau khổ hơn tôi...
Giọng ông ta trở nên mếu máo, ông ta lại bắt đầu khóc. Vừa khóc, ông vừa kể:
-Suốt mấy tháng nay, lúc nào tôi cũng nhìn thấy vẻ mặt của Hạnh Ngộ lúc nó cố nhìn theo tôi... tôi nhìn thấy đôi môi mấp máy của nó, hình như nó gọi “Ba ơi! Ba ơi! Sao ba lại làm thế!”. Tôi thấy hai bàn tay tôi dính đầy máu của nó, tôi thức dậy trong đêm để rửa tay nhưng sao nó vẫn tanh mùi máu...
Rồi ông nhìn Hương và Dũng:
-Hai người là bạn tốt của con gái tôi, hai người bảo tôi phải làm gì bây giờ?
Bác sĩ Dũng nói:
-Ông có muốn theo tôi chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi không? Chúng rất cần chúng ta giúp đỡ. Ông có thể bỏ công sức và cả tiền bạc để giúp chúng, cứ coi như ông lo cho con gái ông vậy! Người ta ai cũng có thể mắc sai lầm, điều quan trọng là phải biết sửa chữa và cứu vãn những sai lầm đó. Hạnh Ngộ đến lúc chết vẫn tha thiết tha thứ cho ông, nó không để cho hai bàn tay ông dính máu của nó đâu! Ông hãy đi theo tôi làm việc, ông sẽ có cơ hội để đền bù tội lỗi. Tôi tin là thế!
Người đàn ông mếu máo:
-Tôi phạm tội ác tày đình, đền bù đơn giản như vậy mà được sao?
Dũng nghiêm nét mặt:
-Ông hãy tìm đến với Chúa Giê-su, Người đã tha thứ cho kẻ đóng đinh mình...
Rồi Dũng kể cho ông Sơn nghe về những khó khăn tài chính mà các anh đang phải đương đầu để lo cho một số trẻ em bị bỏ rơi. Ông Sơn chăm chú lắng nghe, khuôn mặt ông ta dần dần bớt căng thẳng...
Cả ba người rời khỏi nghĩa trang, Hương và Dũng cùng nhen nhúm một niềm hy vọng, tòa án lương tâm sẽ thức tỉnh ông Sơn trong một ngày gần đây. Hương lại cảm thấy cô gái chống nạng đang nhìn mình, cô quay lại phía sau, nấm mồ của Ngộ chỉ còn là một khối đá nhỏ, trắng toát dưới ánh nắng lung linh.

Friday, June 17, 2011

Trầm Thiên Thu: Muộn Màng (Tạp văn)



Muộn màng

Nắng nhạt. Chỉ còn vài đốm sáng trên những ngọn cây cao. Ráng chiều mang sắc nhớ mênh mang. Tiếng thời gian rơi trầm da diết.
Cơm mưa chiều ập xuống. Mưa như trút nước, thế mà vẫn không thể cuốn trôi hết nỗi buồn trong con!
Cha vĩnh viễn đi vào cõi vĩnh hằng cũng vào một chiều mưa bão sụt sùi, sau những năm nằm bệnh vì bán thân bất toại. Phải chi ngày đó gia đình khá giả, có lẽ cha không đến nỗi phải chịu bệnh trạng đằng đẵng như vậy. Con cứ tự trách mình bất tài vì vì đã không tìm ra giải pháp khả thi nào khác để phần nào giúp cha bớt nỗi đau. Con biết, nỗi đau thể xác đâu bằng nỗi đau tinh thần. Bảy mươi năm sống mà cha không hề có được một ngày sống thoải mái, để rồi tử thần “cướp” mạng sống cha trong khi cha chưa có nụ cười mãn nguyện, dù chỉ là phần nào thôi.
Cha là “phần cứng”, mẹ là “phần mềm”. Cả hai đều quan trọng xuyên suốt cuộc đời con. Con chỉ là một “chương trình nhỏ”. Thế mà đã bao năm thấm thoắt trôi qua, từ ngày cha vĩnh viễn ra đi, rồi lại đến mẹ!
Con chưa hiểu trọn tình cha mà cha đã xa con mãi mãi. Con bàng hoàng nhìn cha nằm bất động, rồi con khóc, khóc như đứa trẻ hờn dỗi tức tưởi. Thế là chấm dứt những ngày tháng hạnh phúc bên cha, chấm dứt nỗi vui mừng tuổi thơ ngày xưa mong đợi cha tan sở về. Những ngày tháng ấy, đi đâu cha cũng cho con theo cùng. Tình cha bao la như biển, cao vòi vọi như đỉnh Thái Sơn. Con không thể và không bao giờ hiểu hết. Những lỗi lầm của con như viên sỏi rơi vào cõi mênh mông.
Cha ơi! Những dòng này con viết dâng cha, những lời tri ân và tạ lỗi muộn màng mà chẳng bao giờ cha có thể đọc được. Cha ơi! Xin cha tha lỗi cho con!

TRẦM THIÊN THU

Ngày giỗ Thân Phụ – 16/6/2011

Duy Hân: Tình Cha (Slideshows)

 TÌNH CHA.
Nhạc và lời: Nguyễn Văn Hiển
Thực hiện youtube: Trần Năng Phùng,



Thursday, June 16, 2011

Trầm Thiên Thu: Hắn (Chuyện ngắn)


Hắn

– Ê mày, hắn kìa!
– Chàng của mày đó.
Trinh kéo giọng:
– Hổng dám đâu!
Hai đứa phá lên cười. Con gái thường “tinh ranh” và “quậy” không kém gì con trai, nhất là những lúc chỉ có riêng họ.
Hằng và Trinh học chung lớp. Nhà gần nhau, Hằng vẫn sang nhà Trinh cùng học. Chiều chiều, hai đứa ngồi tán dóc sau khi làm bài xong. Họ “phát hiện” một anh chàng thường ngày đi ngang qua trên chiếc xe “màu thời gian” trông rất… tội nghiệp. Đủng đỉnh và nghiêm trang như một vị chân tu. Trời nắng cũng như trời mưa, hắn cứ giữ tốc độ đều đặn. Có khi Hằng và Trinh cố ý cười hoặc nói lớn, thậm chí còn gọi “anh thời gian ơi” mà hắn vẫn “phớt tỉnh Ăng-lê”, coi như “không có gì đặc biệt dưới vòm trời này”. Chẳng biết tên tuổi, không biết lý lịch trích ngang của hắn ra sao. Con trai ít nói thì gợi tính tò mò của con gái. Chàng nào ba hoa thì các nàng “cắt đuôi” sớm, bỏ của chạy lấy người, gài số “de” lẹ. Đời có những điều “trớ trêu” vậy đó!
Trinh đẹp sắc xảo, gia đình khá giả, chưng diện “mắc tiền” hơn bằng những thứ “hàng hiệu”. Hằng mồ côi từ nhỏ, sống với dì ruột, nên Hằng không dám “trèo cao”. Có lẽ vì vậy mà Hằng càng dễ thương hơn với nét nhu mì, hiền thục, duyên dáng, dịu dàng “thiên phú”. Phải rồi, Hằng rất “con gái”. Tuy nhiên, cả hai không có gì mâu thuẫn dù Trinh hiếu động, còn Hằng trầm mặc và thường đăm chiêu nhìn về dĩ vãng xa ngái…
Hằng chỉ biết mặt Ba qua tấm hình Má giữ làm kỷ niệm, và cũng là di ảnh cuối cùng của Ba. Nghe Má kể rằng Ba là dân “taru” (tu ra, tu xuất), có “gốc tu” nên ngăn nắp, gọn gàng, hiền lành, chân thật, người tầm thước và điển trai, hơn Má 5 tuổi. Ba Má thương nhau lắm. Cưới nhau rồi, Ba vẫn tiếp tục học đại học. Ra trường, Ba trở thành kỹ sư xây dựng và thường phải đi công tác xa. Không may Ba bị chết trong một vụ tai nạn lao động. Má phải tảo tần nuôi con thơ. Bảy tuổi đầu, Hằng lại mất luôn người Mẹ thân yêu nhất trên đời. Má chết trong vụ lật xe ở đèo Bảo Lộc. Mười một năm qua nhanh như một thoáng chiêm bao.
– Mày lại khóc rồi.
Hằng lau nước mắt. Trinh nói tiếp:
– Mày khóc cũng chẳng lợi lộc gì. Ai cũng có những lúc buồn, thậm chí rất buồn, nhưng phải cố vượt qua mà sống. Người chết yên phận rồi. Tao chẳng giúp gì hơn được cho mày. Hay là… mày qua đây ở với tao đi, Hằng!
Hằng trầm giọng:
– Đâu được. Còn mẹ con dì Phương nữa. Nhờ dì mà tao mới được như hiện nay. Không lẽ lúc bơ vơ, tao được dì đùm bọc, nâng đỡ, giờ tao lại…
– Ờ há!
– Tao không biết phải làm gì sau khi học xong để phần nào giúp đỡ dì nữa.
– Trời sinh voi, trời sinh cỏ. Hơi đâu mà lo cho tổn thọ.
– Thôi, muộn rồi, tao về nghe!
o0o
Cuối cùng Hằng và Trinh cũng biết được lai lịch của hắn.
Thiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Bách khoa. Họ đã quen nhau trong một dịp sinh nhật anh Vương, người anh họ của Trinh. Thiện không đi tu nhưng nhìn tướng rất… tu, dễ tưởng là tu sĩ lắm. Thiện chịu khó đi lễ, tích tham gia sinh hoạt giới trẻ, ca đoàn, và các hoạt động tôn giáo trong giáo xứ nơi anh trọ học.
Hai mẹ con dì Phương đến nhà cô chủ nhiệm của em Liên. Hơn 6 giờ chiều rồi mà mẹ con dì vẫn chưa về. Hằng mở radio thì chương trình ca nhạc đang phát bài Con Thuyền Không Bến của Nhạc sĩ Đặng Thế Phong: Đêm nay Thu sang cùng heo may, đêm nay sương lam mờ chân mây, thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng, như nhớ thương ai chùng tơ lòng… Tiếng hát nhẹ vang lên dặt dìu theo giai điệu êm đềm, chuyển tải lời ca man mác buồn. Cuộc đời đôi khi chẳng khác gì một con thuyền không bến!
– Mơ mộng gì mà đăm chiêu vậy, cô nương?
Tiếng nhỏ Trinh làm Hằng… hết hồn. Rồi Hằng lại muốn “đứng tim” khi thấy có cả hắn nữa. Chúa ơi! Không dưng sao mà… ru… un quá đi! Những rung động đầu đời vây quanh làm cho Hằng lúng túng. Hằng lí nhí:
– Anh Thiện… và Trinh… đến chơi.
– Làm gì như khỉ mắc phong vậy?
Thiện chỉ lặng cười. Trinh thao thao bất tuyệt. Mấy người lí lắc ham… nói, nhưng đôi khi cũng thực sự có lợi trong những trường hợp như thế này. Sau một hơi nói dài như dòng sông Mississipi, Trinh kết thúc:
– Xong bổn phận. Tiểu muội xin cáo từ để “chư vị” tự do “đàm luận”.
Cờ ở thế bí. Domino triệt buộc. Hết nước. Hằng nói như nói cho chính mình nghe:
– Mời anh… ngồi chơi.
– Được rồi. Hằng cứ để tôi tự nhiên. Có gì đâu mà khách sáo. Mà sao Hằng lúng túng quá vậy?
– Anh đến bất ngờ quá, Hằng không kịp chuẩn bị gì cả.
– Lẽ ra tôi phải báo trước mới phải. Nhưng ngày mai tôi đi sớm rồi, sợ không gặp được Hằng. Tôi đưa đến cho Hằng cuốn sách mà Hằng nhờ mua. Nhưng tìm hoài không ra, tôi mua cuốn “Quẳng Gánh Lo Đi Mà Vui Sống” của dịch giả Nguyễn Hiến Lê. Đọc được lắm.
– Dạ. Ngày mai anh về quê hả?
Thiện gật đầu, giọng buồn buồn:
– Có thể về luôn.
– Sao vậy anh? Anh chỉ còn năm cuối mà?
– Biết sao được khi hoàn cảnh không cho phép. Lực bất tòng tâm.
Trời ơi! Cuộc đời khắc nghiệt đến vậy sao? Không ngờ hoàn cảnh của Thiện cũng khó khăn không kém. Thậm chí còn là nghịch cảnh nữa. Vừa chớm biết yêu, đời con gái bắt đầu nếm vị ngọt tình yêu thì cũng là lúc con tim nếm vị đắng. Chợt buồn và dỗi hờn vô cớ. Lây nhiễm nỗi buồn từ ai?
– À, dì không có nhà sao, Hằng?
– Dạ. Dì em đi công chuyện.
– Hằng thích đọc cuốn này chứ?
– Dạ. Em cũng thích loại sách học làm người. Anh về quê, chừng nào trở lại?
– Làm sao biết trước được. Để về xem sao đã. Nếu có cơ hội, tôi sẽ cố gắng hết sức.
Hằng im lặng. Biết bao giờ có cơ hội hả anh? Có khi dịp may chỉ đến một lần. Chỉ một lần thôi, anh ơi! Bao ngày anh đã ngang qua ngõ nhà, bây giờ… Vâng, bây giờ anh lại ngang qua ngõ hồn em. Thời áo trắng sắp qua. Sau niên học cuối cấp này, em cũng chưa biết mình ra sao nữa. Tình yêu là gì vậy anh? Anh đi rồi còn có nghĩ đến khu phố nhỏ này không? Hay là…
Những tư tưởng cứ đan xen nhau trong trí óc Hằng. Hình như Hằng không nghe thấy, và Hằng cũng không muốn nghe khi Thiện nói lời từ giã:
– Hằng cố gắng học. Nếu có điều kiện, hy vọng khi trở lại đây, tôi được nhìn thấy Hằng đã là một cô giáo như Hằng vẫn mơ ước, Hằng nhé!
Cuộc chia tay nào cũng để lại lưu luyến, bâng khuâng…
o0o
Hằng nhẩm đi nhẩm lại mấy câu thơ của thi sĩ nào đó đã viết:
Rồi ai cũng thấy cô đơn
Khi trời vương nắng hoàng hôn màu buồn
Nhìn bóng mình ngã trên đường
Ngỡ rằng người chợt nhớ thương tìm về
Cây đã thay lá năm lần rồi. Anh vẫn biệt tăm. Nỗi buồn kỳ lạ và khó tả. Hằng nói với chính mình: “Anh chưa có dịp trở lại hay anh không muốn? Bây giờ em có thể hiểu hết ý nghĩa cuốn sách anh mua tặng em ngày anh về quê. Như vậy là em còn may mắn hơn anh là được học xong đại học. Còn anh bây giờ ra sao? Em rất nhớ anh mỗi khi giảng bài cho học sinh. Vâng, em đã là cô giáo. Ước mơ của em, và cũng là ước mơ anh dành cho em, đã trở thành hiện thực. Em vẫn luôn tin có một ngày anh trở lại, dù em biết hy vọng đó rất mơ hồ. Khoảng trống trong em mênh mông quá! Em có thể làm gì cho anh? Có ai thuộc và hiểu hết bài học chờ đợi đâu anh. Thời gian lúc nào cũng rất vô tình…
– Thưa cô, cô có thư.
– Cảm ơn em.
Hằng vội mở lá thư. Anh “trở về” thật đúng lúc, và cũng đúng như lời anh đã hứa năm nào. Vậy là em đã không uổng công chờ đợi. Cảm ơn anh!
…, ngày… tháng… năm…
Hằng mến,
Vậy là em đã là cô giáo. Lúc này em đang đứng lớp hay ở nhà? Còn Trinh thế nào? Em cho anh biết tin nhé!
Anh sẽ trở lại thành phố để học lại năm cuối mà anh đã phải bỏ dở. Đầu niên học này, khi em cùng học sinh tựu trường, anh sẽ có mặt ở thành phố.
Em và anh đều gặp nghịch cảnh, nhưng không vì thế mà nản chí sờn lòng. Anomy Mour nói: “Con đường hay nhất để thoát gian khổ là đi xuyên qua nó”. Giữ vững lòng tin và có nghị lực, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Điều gì cũng có tính khả thi riêng của nó. Em đồng ý với anh chứ?
Đừng buồn nhiều. Hãy vững lòng tin vào Lòng Chúa Thương Xót. Hãy ngước nhìn lên cao và nhìn về phía trước. Cánh diều bay cao vút là nhờ gió thổi ngược. Chính Chúa Giêsu phải chịu chết rồi mới phục sinh khải hoàn kia mà. Thời gian dẫu vô tình nhưng lại rất cần thiết. KHÔN hay DẠI đều chết, chỉ những ai BIẾT mới sống. Chính gian truân tôi luyện người ta thành nhân, em ạ!
Hẹn gặp lại em.
Thân ái,
Nguyễn Hùng Thiện
Hằng khoan thai đứng dậy. Nắng ngập sân trường. Nụ cười tươi nở trên đôi môi cô giáo trẻ. Tiếng trống vào học đưa Hằng về thực tại với công việc. Từ văn phòng tới lớp, trong đầu Hằng cứ âm vang lời ca: “Say you wil, say you will be mine…”. Hằng thầm tạ ơn Chúa vô cùng, dù trông lên chẳng bằng ai. Hằng nhớ lời Chúa Giêsu đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Tôi êm ái, và gánh Tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30), và Hằng thành tâm cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin nâng đỡ và thánh hóa chúng con, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.
TRẦM THIÊN THU