- ‘Long ơi, nướng Nem Nướng dùm em đi!’
Nghe tiếng réo của Linh, tôi giao mấy lá bài lại cho thằng con trai của tôi, đang ngồi ‘chầu rìa’ kế bên, nói vài lời xin lỗi với mấy người bạn, rồi chạy vội vào nhà bếp.
Chiều nay, chiều thứ Bảy, vợ chồng tôi, mời mấy người bạn thân đến chơi, kéo nhau ra sau vườn: vừa ăn chiều, vừa đánh bài, vừa tán dốc chuyện thiên hạ...
Nhìn những dĩa rau, những lọ tương, những lát dưa leo, chuối chát, giá, hẹ... mà Linh đã cắt và trình bày thật khéo trên bàn ăn; nhất là khi thấy những cây nem nướng đang nằm vắt ngang trên lò BBQ, bắt đầu chín dần, tỏa mùi thịt nướng thơm lừng khắp nơi... quá khứ như vụt quay trở về trong trí tôi... đưa tôi trở lại quê nhà... vào những ngày thật xa xưa, khi mà tôi đang còn là một học sinh Trung Học... tưởng chừng như bên tai mình vẫn còn đang nghe tiếng rao hàng của dì Ba Nem Nướng...
- ‘Aaaaaaai ăn nem nưưưướng ...’
Lúc đó, nhà tôi cư ngụ trong một khu xóm lao động, khá gần chợ, những gánh hàng rong, đi ngang nhà tôi, gần như suốt cả ngày; tuy nhiên, gánh nem nuớng của dì Ba là một kỷ niệm sâu đậm nhất trong lòng tôi. Vào thời điểm đó, có lẽ dì Ba trong khoảng tuổi bốn mươi, nhưng đời sống lam-lũ, làm cho dì trông già hơn số tuổi đó rất nhiều.
Từ căn nhà lụp xụp trong xóm, dì oãi chiếc gánh nem nuớng khá nặng ra chợ. Trên đoạn đường dài này, dì thường nghỉ chân ở nhiều trạm.
Phía trước hàng hiên nhà tôi, vì là một sân xi-măng khá sạch sẽ, nên được dì chọn làm trạm nghỉ chân lâu nhất. Mùi thơm của những cây nem nướng được dì nướng trên chiếc bếp than nhỏ, là một câu rao hàng hữu-hiệu nhất, mời gọi lối xóm và khách đi đường ghé lại thưởng thức món nem nuớng nổi tiếng của dì.
Mẹ tôi thích ăn nem nuớng lắm! Nên gần như cứ hai ba ngày là mẹ kêu dì Ba làm cho mẹ một tràng nem nướng. Và, có lẽ, để thay cho lời cám ơn, vì được sử dụng sân nhà tôi làm hàng quán, được xin nước rửa chén... nên mỗi khi bán cho mẹ, dì luôn thêm cho mẹ một cây nem nướng. Thật ra, cho dù dì có ‘bonus’ thêm cho mẹ tôi hay không, điều đó cũng không quan trọng lắm. Bởi vì mẹ tôi vẫn xem dì như người bạn thân. Mỗi khi nhà có giỗ chạp, hay có được món ăn nào ngon, mẹ luôn nhớ để dành cho dì, khi thì dĩa mì xào, khi thì chục cuốn chả giò... Về phần dì Ba, dì cũng xem mẹ như người chị ruột, gặp chuyện vui buồn nào, dì cũng đều kể lể tâm sự với mẹ.
Mẹ kể, chồng của dì Ba chết đã lâu, dì chỉ có một đứa con trai, nhưng nó lại ghiền xìke và không chịu làm ăn đàng hoàng. Làm chỗ nào, cũng chỉ được vài tháng. Hoặc là bị người ta đuổi hoặc là nó tự ý bỏ chỗ làm (than là ‘cực quá ...’ làm không nổi). Và nếu có làm được đồng nào, thì nó cũng chỉ tiêu pha cho những gói bột xì-ke của nó mà thôi. Chẳng bao giờ, giúp cho dì Ba được đồng nào. Thậm chí, thỉnh thoảng còn xin tiền của dì, mỗi khi nó bị thất nghiệp hay hết tiền xài. Có thể nói, hai mẹ con của dì sống được lây lất qua ngày, tất cả là chỉ trông nhờ vào gánh nem nướng mà dì Ba đã chịu khó dầm mưa dãi nắng gánh đi bán hằng ngày. Có hôm, dì than thở với mẹ, là đã ba ngày rồi, không thấy con trai của dì về nhà, không biết nó đi đâu, đang ở đâu, có chuyện gì chẳng lành xảy ra cho nó không? Và, mặc dù, đó không phải là lần thứ nhất mà nó đã bỏ nhà đi như vậy, nhưng mỗi khi không thấy nó về nhà, là dì Ba lại hồi-hộp lo âu. Dì nói với mẹ, dì đã nhiều lần, năn nỉ, khóc lóc, khuyên can nó bỏ xì-ke, làm ăn đàng hoàng ... nhưng hình như lời nói của dì, cùng với những hy-sinh, vất-vã mà dì đã dành cho nó, vẫn không đủ mãnh lực đễ giữ được bước chân của nó hay cảm hóa nó trở về lại được nẻo chánh đường ngay!
- ‘Chừng nào nướng xong nem nướng, anh nướng mấy cây chạo tôm này nhé! Con Kathy, nó thích ăn chạo tôm lắm! ’ Tiếng Linh kéo tôi về lại với hiện tại.
- ‘Anh nhớ để lữa nhỏ... chạo tôm dễ bị cháy khét lắm đó!’.
Để mâm chạo tôm xuống bên cạnh tôi, Linh lại vội vã chạy biến vào nhà bếp.
Tại sao chiều nay ký ức về dì Ba nem nướng lại trở về trong tâm trí tôi, đây đâu phải là lần thứ nhất, gia đình tôi làm món ăn nem nướng này? Và, tôi chợt nhớ ra, chiều nay còn là buổi cơm chia tay trong gia đình tôi. Tuần sau, Kathy,con gái lớn của tôi, sẽ đi sang một tỉnh bang khác để nhập đại học. Thực ra trong thành phố này cũng có 3 trường đại học, nhưng nó lại thích đi học xa. Có lẽ do quan niệm của giới trẻ lớn lên trong xã hội này, nó muốn được bắt đầu một đời sống tự lập khi bước vào tuổi mười tám. Đồng thời, còn một nguyên nhân sâu xa hơn, bạn trai của nó, David cũng sẽ nhập học nơi trường đại học đó. Tụi nó, muốn được tự do sống gần nhau trong nhũng năm học ở đại học.
Linh buồn và giận lắm! Linh không muốn Kathy học ngành đó, không muốn cho nó đi học xa đã đành, mà nhất là lại càng không muốn cho nó ra sống riêng với boyfriend của nó, theo lối sống của giới trẻ lớn lên ở đây.
Linh và Kathy không thiếu những trận tranh cải to tiếng, mà kết quả không đi đến đâu. Có lần, trong lúc lời qua tiếng lại, Linh đã giận dữ đến xanh mặt. Hôm đó, nếu tôi không nhảy vào ôm Linh và lôi ra khỏi phòng, chắc Kathy đã lảnh lấy một cái tát tay của Linh, vì cách ăn nói và cách suy nghĩ khá phóng túng của nó. Tuy nhiên, mặc dù buồn và không muốn Kathy đi xa, Linh vẫn dành hai tuần vacation, để giúp Kathy chuẩn bị hành lý. Riêng tôi, lấy cớ tặng quà sinh nhật sớm cho Kathy, tôi dẫn nó đi mua cái ipod. Trên đường đi, tôi cố giải thích cho nó hiểu và thông cảm với Linh, cho nó thấy rằng những gì mà chúng tôi bất đồng ý kiến với nó, cũng chỉ vì muốn lo cho hạnh-phúc lâu dài của nó mà thôi! Nhưng hình như trong lòng nó lúc này, chỉ có tình yêu giữa nó và David, hay chỉ có David mới là người mà nó tin tưởng hơn ai hết.
Tuần sau, Kathy đi rồi! Chiều nay, Linh làm bữa cơm, với những món ăn mà Kathy thích, mời mấy người bạn thân của gia đình tôi và đám bạn của Kathy đến ăn chia tay. Nhìn Linh lăng xăng lo cho con từng ly từng tý trong mấy tuần qua; hay hai hôm nay, lủi-thủi, thức khuya dậy sớm, làm các thức ăn, lòng tôi bỗng nhiên xao xuyến và liên tưởng đến hình ảnh của dì Ba nem nướng và hoàn cảnh gia đình của dì năm nào. Không biết, bây giờ, dì Ba còn sống không? Nếu dì còn sống, tôi không nghĩ rằng, dì còn đủ sức gánh nổi cái gánh nem nướng đi bán đâu! Nhưng, còn cậu con trai của dì, bây giờ ra sao? Liệu anh ta có đủ khả năng để nuôi dì trong cảnh tuổi già không? Rồi, tôi chạnh nghĩ đến gia-đình mình, đến ngày mai tương lai của con cái tôi, đến cuộc sống nơi Bắc-Mỹ này, nơi mà Linh và tôi cũng đang bươn-chải và tranh đấu với cuộc đời; nơi mà Linh và tôi cũng đang gặp rắc rối rất nhiều trong việc dạy dỗ, giáo dục con cái! Nếu ngày xưa, dì Ba nem nướng, với chiếc gánh nặng nề, kiếm sống qua ngày, trong nổi lo-lắng về con cái và phó mặc tương lai cho một ngày mai không định hướng, thì ngày nay Linh và tôi trong cuộc sống tân-tiến của Bắc Mỹ này, liệu chúng tôi có thừa đủ khả năng, để hoạch định được những tương lai chắc chắn cho con cái của mình không?
Những năm tháng thơ bé của các con tôi đã qua rồi! Ngày nay, chúng nó không cần Linh, đứng bên cạnh chúng nó, trong những buổi sáng tinh sương, bên vệ đường, chờ chuyến xe bus đến đón chúng nó đi học. Chúng nó cũng không còn hỏi tôi về những bài toán đại-số, hay bắt tôi phải chơi basket ball với chúng nó mỗi buổi chiều, khi tôi đi làm về. Chúng nó không còn muốn Linh và tôi góp ý cho chúng nó về những kiểu quần áo mà chúng nó mặc, ngành nghề mà chúng nó theo đuổi mai sau, nhất là đừng can thiệp vào những quan hệ bạn bè của chúng nó. Vâng, một chặng đường mới trong đời sống hôn nhân của tôi và Linh. Và, cũng là một cuộc hành trình mới, một viễn-ảnh mới đang mở ra trước mắt các con tôi; mà xem chừng ra, những hy-sinh và tình thương mà Linh và tôi đã dành cho chúng nó, chưa chắc đã đủ sức giữ được bước chân của các con tôi, hay dẫn dắt chúng nó đi theo những ước mơ và hoài bão tốt đẹp mà chúng tôi đã kỳ-vọng vào trong cuộc đời chúng nó.
- ‘Để em nướng tiếp cho, anh lại chơi với mấy ảnh đi’.
Linh giằng lấy cây kẹp nướng trên tay tôi.
- ‘Coi chừng chạo tôm dễ bị cháy khét lắm đó!’ Tôi chọc lại Linh và hôn nhẹ trên má Linh.
- ‘Ai mà không biết, chỉ có anh mới không biết thôi!’ Linh liếc xéo tôi.
- ‘Ai cũng hiiiiiiểu, chỉ một người không hiiiiiiểu...’
Tôi hát nhái theo một câu hát trong một bản nhạc_do Elvis Phương hát để trêu Linh, trước khi trở lại bàn bài với mấy ông bạn.
Mặc dù trong mấy tuần qua, tôi cố gắng giải thích và an-ủi để cho Linh thấy những khác biệt trong lối sống giữa hai thế giới Đông-Tây, những khoảng cách trong suy nghĩ giữa hai thế hệ Cha Mẹ và Con Cái; nhưng vẫn không thiếu nhiều đêm, tôi choàng tỉnh dậy giữa đêm khuya và không tài nào ngủ lại được. Có đêm, tôi bước nhẹ xuống phòng ăn, nhìn những tranh ảnh chụp gia-đình mình treo trên tường, nhìn những tấm hình chụp tôi với Kathy (lúc nó còn bé): ‘tôi cõng nó trên vai’, ‘nó nắm tay tôi đi trên đường phố ‘ ... tôi cảm thấy thật sự chua xót và buồn nản khi nghĩ về tương lai của con gái mình. Liệu cuộc sống nơi thành phố xa xôi kia, có đủ mang lại sự an toàn và niềm hạnh-phúc thật sự cho nó hay không? Cuộc sống nơi Bắc Mỹ này, với những phương tiện kỹ-thuật hiện đại, những tự do tiến bộ trong xã-hội, xem chừng ra, đang mỗi ngày một bẻ gãy đi những giềng mối thân tình trong các đại gia-đình. Những quan niệm và trào lưu mới trong thế kỷ 21 đang mỗi ngày một ảnh hưởng trên cá nhân nhiều hơn là nền giáo-dục từ cha mẹ đến con cái. Về một khía cạnh nào đó, cũng có thể đó là điểm hay. Bởi vì, vẫn không thiếu những bậc cha mẹ Á Đông với cách giải quyết độc-đoán, luôn áp đặt trên con cái của mình theo những quan niệm quá cổ-hủ. Tuy nhiên, về một mặt khác, liệu các con của tôi, có thừa đủ thông-minh và vững mạnh trong ý chí, để nhận định và quyết tâm chọn lựa được điều tốt, trong cuộc sống nhiều tự-do và cũng nhiều cạm bẩy sa-ngã này hay không?
Có tiếng Linh kêu tôi ‘ơi ới’. Hình như Linh làm đổ chén mỡ hành vào lò BBQ, thành-thử khói bốc lên; tôi lại phải bỏ bàn bài, chạy đến với Linh. Tôi chợt nhớ, một câu văn rất sâu sắc, mà tôi đã đọc được trong một tác phẩm khá nỗi tiếng của một vị Linh Mục, Cha Yves Congar: ‘ ...Trên những trận tuyến, khi bị quân thù từ xa pháo kích tới, những người lính nào can-đảm, dám phóng mình chạy lên phía trước, sẽ là những người có nhiều cơ-hội sống sót nhất...’ Phải chăng, đời sống của chúng ta vẫn luôn là một cuộc chiến-đấu? Chiến- đấu cho một lý-tưởng cao đẹp, chiến-đấu để dành cho được người mình yêu, chiến-đấu cho một vị trí đứng trong xã-hội, và nhất là chiến-đấu cho niềm hạnh-phúc của những người thân yêu trong gia đình mình... Trong cuộc chiến-đấu đó, những ai can-đảm, luôn phóng mình tới phía trước, không sợ- hãi, và không chùng bước trước những khó khăn thử-thách, vẫn luôn là những người có nhiều cơ-hội thành-công hơn cả. Vâng, tôi cũng đang đứng trước một cuộc chiến-đấu mới với chính bản thân mình, chiến-đấu để không ‘mất’ con cái của tôi, do những lúc nóng-nẩy thiếu bình-tĩnh, hay mang nặng những thành kiến cổ xưa. Và tôi cũng hy-vọng vào một ngày mai. Vâng! Hy-vọng một ngày nào đó, con gái tôi sẽ hiểu được sâu sa hơn về tình thương vô bờ bến mà chúng tôi ‘đã’ và ‘sẽ’ mãi mãi dành cho nó. Nhất là hy-vọng, trong cuộc đời của nó sẽ không phải trả những cái giá quá đắt cho những bài học làm người hay những cái ‘giá phải chăng’ về những ảo-ảnh của tình yêumà không phải người trẻ nào cũng có thể dễ dàng để vuợt-qua.
_______________________
Quốc Khánh
Anh Khánh mến,
ReplyDelete"Khoảng cách" nói lên thực trạng của nhiều gia đình VN trong xã hội tây phương ngày nay. Có một sự ngăn cách vô hình nào đó giữa cha mẹ và con cái khiến cho hai thế hệ khó có sự cảm thông và đồng cảm. Đây là một vấn đề nan giải làm nhức nhối cho nhiều bậc phụ huynh. Vấn đề có lẽ do môi trường hấp thụ văn hóa khác biệt.
Cám ơn anh Khánh nhiều đã dàn dựng cốt chuyện và làm nổi bật được vấn đề, khiến người đọc phải suy nghĩ và tự tìm giải pháp riêng cho từng trường hợp cá biệt của mình.
Rất mến,
CT
Khoảng cách giữa các thế hệ sinh trưởng luôn tồn tại trong mọi thời đại con người, một trong những giải pháp là nên tìm hiểu tâm lý của con cái và sống hy sinh cho con cái. Em còn nhớ lứa tuổi 17 của mình cũng "ngầu" lắm, nhưng làm gì em cũng phải nghĩ đến cha mẹ mình trước đã. Em là đứa con ngỗ nghịch nhất trong gia đình đấy! Những lần bạn bè rủ rê, em phải cân nhắc xem điều đó có gây ảnh hưởng gì xấu cho bố mẹ , họ đã vất vả hy sinh vì chúng em, rồi mới quyết định. . . Em không thích bị cấm đoán!
ReplyDelete