Friday, January 7, 2011


HIỆP NHẤT


Cúi xin Chúa xót thương
Cho mọi người hiệp nhất
Trong tình yêu chân thật
Như tình Cha và Con
     Người đời lắm sai lầm
     Thâm hiểm và ác ý
     Mưu mô và ích kỷ
     Chưa thật lòng thương yêu
Lạy Thiên Chúa tối cao
Xin tỏa Ánh Chân Lý
Phá bóng đen sự dữ
Cho cuộc đời bình an
     Con người còn nhỏ nhen
     Luôn tranh giành, quá khích
     Thiếu tu thân, tích đức
     Chưa khiêm nhường thành tâm
Chúng con là phàm nhân
Còn rất nhiều sai sót
Nguyện cầu Chúa thương xót
Thánh hóa và thứ tha


TRẦM THIÊN THU
Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất, 18/1/2011
 
 
HẠNH CÁC THÁNH.
 
7/1 – Thánh Râymunđô Penyafort, OP (1175-1275)
Thánh Râymunđô có cơ hội làm nhiều việc. Với tư cách là thành viên trong giới quý tộc Tây ban nha, ngài có tài sản và học thức để khởi đầu tốt về cuộc sống. Lúc 20 tuổi, ngài dạy triết học. Mới ngoài 30 tuổi, ngài có học vị tiến sĩ về giáo luật và dân luật. Lúc 41 tuổi, ngài trở thành tu sĩ Đa minh. ĐGH Gregôriô IX mời ngài tới Rôma làm việc và là người giải tội cho ĐGH. Một trong các việc ĐGH bảo ngài làm là tập hợp các sắc lệnh của các ĐGH và các Công nghị trong 80 năm qua trong khi Gratian làm một sưu tập tương tự. Thánh Râymunđô soạn thảo 5 cuốn sách gọi là các sắc lệnh (Decretals). Bộ sách này được coi là một trong các bộ sưu tập tốt nhất về Giáo luật cho đến khi biên soạn bộ Giáo luật mới năm 1917.
Thánh Râymunđô đã viết một cuốn sách về các trường hợp cho các cha giải tội. Sách này có tên là Summa de casibus poenitentiae. Không chỉ danh sách các tội và các việc đền tội, sách còn bàn về học thuyết thích hợp (pertinent doctrines) và Giáo luật liên quan vấn đề hoặc trường hợp xảy ra với cha giải tội. Lúc 60 tuổi, thánh Râymunđô được bổ nhiệm Tổng giám mục giáo phận Tarragona, thủ đô Aragon. Ngài không thích danh tiếng chút nào, ngài bị bệnh rồi từ chức trong vòng hai năm. Ngài vẫn không được yên, vì khi ngài 63 tuổi lại được các tu sĩ dòng Đa minh bầu làm giám tỉnh toàn dòng, kế vị thánh Đa minh. Thánh Râymunđô làm việc cần mẫn, đi bộ đến thăm các tu sĩ Đa minh, tái tổ chức hiến pháp và hoàn tất điều khoản về việc từ chức của các Tu viện trưởng. Khi hiến pháp mới được phê chuẩn, thánh Râymunđô xin từ chức, khi đó ngài 65 tuổi.
Thánh Râymunđô có 35 năm chống dị giáo và làm việc để người Moors ở Tây ban nha trở lại đạo. Chính ngài đã thuyết phục thánh Thomas Aquinas viết tác phẩm Against the Gentiles (Chống Người Ngoại Giáo).


20/1 – Thánh Fabianô, Giám mục Tử đạo (khoảng năm 250)
Fabianô là thường dân Rôma, từ vùng quê nhập cư thành phố với tư cách là giáo sĩ, và người ta đang chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới. Eusebius, sử gia của Giáo hội, nói rằng một chim bồ câu bay vào và đậu trên đầu Fabianô. Dấu hiệu này khiến mọi người đồng tâm nhất trí bầu ngài. Ngài cai trị Giáo hội 14 năm và chịu tử đạo khoảng năm 250 trong thời Decius bách hại. Thánh Cyprianô viết cho người kế vị rằng Fabianô là người “độc nhất vô nhị” được vinh dự chết tương xứng với sự thánh thiện và sự thuần khiết của cuộc đời ngài. Tại hầm mộ thánh Callistô, dù tảng đá trên mộ thánh Fabianô bị bể làm tư vẫn có thể nhìn thấy dòng chữ Hy lạp ghi: “Fabianô, Giám mục, Tử đạo”.


20/1 – Thánh Sebastianô, Tử đạo (257?-288?)
Lịch sử không có gì chắc chắn về thánh Sebastianô, chỉ biết ngài là vị tử đạo Rôma, được tôn kính ở Milan ngay thời thánh Ambrôsiô và được an táng ở Appian Way, có thể ở gần Đền thờ thánh Sebastianô ngày nay. Lòng sùng kính ngài lan tỏa nhanh, và ngài được nhắc đến trong tiểu sử các vị tử đạo từ năm 350.
Truyền thuyết về thánh Sebastianô quan trọng về nghệ thuật và có cách mô tả bằng hình tượng. Các học giả ngày nay đồng ý rằng có chuyện kể thánh Sebastianô gia nhập quân đội Rôma vì chỉ như vậy ngài mới có thể giúp các vị tử đạo mà không tạo sự nghi ngờ. Cuối cùng ngài bị phát hiện, bị bắt trước mặt Hoàng đế Diocletian và bị giao cho đội bắn cung Mauritanian. Thi thể ngài đầy mũi tên găm vào và bị bỏ mặc. Nhưng những người đến lấy xác đem chôn thì thấy Ngài còn sống. Ngài bình phục nhưng không chịu trốn đi. Một hôm, ngài đứng gần chỗ Hoàng đế đi ngang qua. Ngài đến gần Hoàng đế và tố cáo Hoàng đế đối xử độc ác với các Kitô hữu. Lần này ngài bị bắt và bị kết án tử hình. Thánh Sebastianô bị đánh đập đến chết.


TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

1 comment:

  1. Anh Thu mến,

    Hiệp nhất luôn là mong ước tối hậu của Chúa và giáo hội. Chính Chúa GiêSu đã cầu nguyuện cho hiệp nhất, để chỉ có một đàn chiên và một Chúa chiên. Trải qua mọi triều đại giáo hoàng cũng đều kêu gọi hiệp nhất. Đặc biệt trong thế hệ tục hóa trầm trọng ngày nay, chính sự thiếu hiệp nhất đã làm đổ vỡ biết bao gia đình. Hai câu thơ: "Thiếu tu thân, tích đức
    Chưa khiêm nhường thành tâm"
    đã nói lên phần nào lý do của sự thiếu hiệp nhất đó.

    Anh cũng cho biết thêm tóm lược hạnh các thánh để chúng ta học biết noi gương, tu thân tích đức.

    Cám ơn anh rất nhiều.

    Rất mến,
    CT

    ReplyDelete