Sunday, May 9, 2010


  HỘI CHỨNG SỢ KIM ĐỒNG HỒ QUAY

  Ngày nọ, tôi có dịp đi thăm một ông bác sĩ chuyên chữa trị cho người bệnh tâm thần ở một đất nước có hình dáng cong cong như hình chữ S, Ông bác sĩ ấy là một trong những người bạn thân nhất của tôi, đãnhiều năm chúng tôi không gặp mặt. Chủ khách mời nhau trà nước xong, tôi hỏi thăm tình hình công tác của ông bạn thân, ông ta khoái trá khoe:
  -Tôi  vốn là thằng bác sĩ cà mèng  nhất bệnh viện, vậy mà có một năm nọ tổng kết thi đua tôi cũng được khen thưởng ông ạ!
Bạn thân được khen thì ai mà chẳng vui, tôi dồn dập hỏi:
  -Ông được khen kể cũng lạ! thế ông được khen vì cái gì?
Ông bạn bác sĩ của tôi cười nói:
  - Ở công ty của ông, khi người ta đạt chỉ tiêu cao thì được thưởng hay là chỉ tiêu thấp thì được thưởng?
  -Dĩ nhiên là người ta được thưởng khi đạt chỉ tiêu cao rồi!
  -Ông  nói đúng đấy, mấy tay bác sĩ trưởng khoa ở bệnh viện tôi đều đạt loại giỏi vì chỉ tiêu thi đua của họ rất cao. Còn tôi vì chỉ tiêu quá thấp nên không được danh hiệu bác sĩ giỏi. Nhưng tay Giám đốc bệnh viện tôi đầu anh ta bị làm sao ấy! Tay ấy an ủi tôi bằng cách thưởng cho tôi với lý do đạt chỉ tiêu thấp nhất bệnh viện về số bệnh nhân chết...
Bà xã của ông bạn tôi từ trong nhà bưng đĩa trái cây ra đỡ lời:
  -Ối giời ơi, anh bỏ quê hương mà đi, chồng em không có người chuyện vãn hóa lẩn thẩn! Chuyện của chồng em có gì mà lạ! Hồi lúc đứa con gái nhỏ của vợ chồng em học lớp Hai nó đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. . . thầy, cô giáo ở trường ấy thành tích mới cực khiếp chứ!
  -Tôi biết con anh chị nó thông minh, học giỏi, chắc là cả trường có độ một vài em như thế. Anh chị quả là cực khiếp về cái khoản dạy con đấy!
Chị vợ hăng hái kể:
  -Năm ấy cháu về khoe với em là “Con được giấy khen HỌC SINH XUẤT SẮC nè má!” Em xúc động quá vội ôm con vào lòng hỏi nó:
  “-Ôi con má giỏi quá! Thế các bạn con thì sao?”
Nó bảo: “Các bạn con cũng được học sinh xuất sắc!” Em tròn mắt ngạc nhiên hỏi nó:
   -“Lớp con có mấy học sinh xuất sắc?” Nó đáp gọn lỏn: “36 bạn!”. Em sững sờ:
   -“Lớp con có bao nhiêu bạn tất cả?” Nó lẩm nhẩm tính rồi trả lời: “38 bạn ạ!” Lúc ấy em chợt hiểu ra, vội hỏi cháu:
   -“thế 2 bạn còn lại đạt danh hiệu gì hả con?” Nó dài giọng trả lời: “Hai bạn ấy là học sinh gio-ỏi má ạ!” Em vừa buồn cười, vừa nói như nói với chính mình:
   -“Nếu cho má chọn thì má chọnlà học sinh giỏi thôi con ạ!” tội nghiệp con bé ngơ ngác chẳng hiểu gì cả!
Hai vợ chồng ông bác sĩ còn ối chuyện để kể cho tôi nghe. Chuyện về trường của đứa con gái nhỏ rồi lại đến chuyện ở trường đứa con gái lớn, thế quái nào lại quay về chuyện bệnh viện. Vui chuyện đấy, nhưng còn mấy cái hẹn nữa nên tôi phải chào tạm biệt hai vợ chồng ông bạn quý.
Tôi ngoắc một chiếc taxi, đọc địa chỉ nhà cô em gái cho gã tài xế rồi ngả lưng vào ghế một cách khoan khoái. Gã tài xế lái xe bằng một tay vẻ điệu nghệ trong khi hắn vừa đủng đỉnh nói chuyện điện thoại di động, vừa nhấn chân ga liên tục, tôi cứ thầm phó linh hồn chuẩn bị về với Chúa. Chúng tôi nhích từng nửa bánh xe qua dễ có đến chục điểm kẹt xe suốt từ đoạn đường cầu Thanh Đa về đến Ngã Tư Bảy Hiền. Còn một đoạn đường nữa mới đến nhà cô em gái, nhưng vì quá sợ tay tài xế mạo hiểm, tôi bảo hắn ta cho xuống xe rồi đi bộ. Len lỏi qua những gánh hàng rong dọc theo các vỉa hè, những chiếc se ba-gác đậu nghênh ngang giữa đường, tôi tự hỏi cảnh sát giao thông bị treo còi hết rồi chăng? Đến nơi, tôi bấm chuông, thằng cháu cao lêu khêu và gầy như một que củi đon đả ra mở cổng:
  -Chào bác! Bác vào nhà chơi, đợi mẹ con một lát. Mẹ con đợi bác mãi vừa chạy ra chợ mua thêm trái cây bác ạ!
  -Thế bố con đi đâu?
Thằng bé đáp:
  -Bố con mắc chạy “sô” rồi bác ạ!
Tôi ngẩn ra:
  -Công ty bố con bây giờ làm việc cả ngày Chúa nhật cơ à?
  -Không! Bố con chạy “sô” theo em gái con vào các lớp học đàn, học vẽ, học Anh văn. . .! Thứ bảy với lại Chúa nhật, trường tiểu học được nghỉ, em gái con phải học liên tục các môn ngoại khóa theo lịch của mẹ con. Hai ngày cuối tuần bố con còn chóng mặt hơn ngày thường ấy chứ lị!




Rồi nó quay vào, bưng ra một ly nước lạnh mời tôi uống, nó ngồi xuống trước mặt tôi thở dài:
  -Bác ơi, cả nhà con bị bệnh rồi bác ạ!
Tôi lo lắng nhìn thẳng vào mắt nó sốt ruột hỏi:
  -Thế con bệnh gì? Mẹ con bệnh gì? Mẹ con mày bệnh hoạn lại còn bày vẽ chợ búa làm chi cho cực cơ chứ! 
Thằng bé mỉm cười làm tôi ngơ ngác:
  -Ơ, cái thằng này, thế mày bị bệnh tâm thần rồi à? Sao bảo bệnh mà cười tươi thế kia?
Đến lượt thằng cháu ngơ ngác hỏi:
  -Con  có bị bệnh gì đâu?
Chợt vỗ trán, hiểu ra nó cười hô hố:
  -Con bị bệnh đau đầu vì học thi tốt nghiệp, nhưng con bệnh thì nhẹ mà mẹ con thì bệnh nặng lắm bác ạ! Mẹ con bị sốt rất cao. . .
Tôi ngắt lời thằng bé:
  -Mẹ mày bệnh thế nào mà giấu bác?
Vẻ mặt nó bỗng trở nên thiểu não làm tôi càng lo lắng, nhưng nó đã nghiêm mặt nói:
  -Mẹ con bị bệnh sốt ruột do hội chứng “các bà mẹ muốn con đi du học nước ngoài” bác ạ! Mẹ con ở ngoài chợ suốt ngày nghe mấy bà chung quanh khoe con học giỏi về nhà cứ sốt lên vì con học không giỏi bằng con người ta! Con nhức đầu vì học thi thì ít mà nhức đầu vì phải nghe mẹ con ca cẩm thì nhiều.
Nói xong thằng bé đi lại bàn học của nó lấy ra một xấp giấy tờ đưa cho tôi coi, nó bảo:
  -Bác coi đi, đây là những tờ quảng cáo của các lò luyện thi, các trung tâm dạy Anh văn, những dòng gạch đỏ là do mẹ con đánh dấu để tham khảo đấy!
Vừa lúc đó mẹ nó về đến cổng, nó vội cất tập giấy báo vào chỗ cũ rồi quay ra nháy mắt với tôi. Cô em gái tôi đi xồng xộc vào nhà, một tay xách giỏ trái cây nặng trĩu, một tay cầm một xấp giấy báo chào tôi đon đả:
  -Em mới ra chợ mua cho bác những thứ trái cây  ngày xưa bác thích. Gớm lâu quá mới gặp bác, hôm nay bác phải ăn cơm với gia đình em một bữa mới được!
Rồi cô ấy vội quay qua thằng con quý tử, xòe ra tập giấy báo quảng cáo:
  -Này con xem đi, mẹ thấy người ta quảng cáo mấy trung tâm luyện thi trên Sài Gòn, toàn những thầy cô có bằng thiến sĩ, thạc sĩ thôi con ạ! Người ta đảm bảo học hết khóa là thi đậu đại học con ạ!
Thằng bé dường như hết chịu nổi, nó phát cáu:
  -Mẹ để con học đại đi, con thấy mẹ nên lo chữa bệnh cho mẹ hơn là lo cho con học đó!
Mẹ nó tức lên:
  -thằng này bất hiếu! Bác coi, em vô phúc . . . lo cho nó mà nó. . . Ờ! Mà tao bệnh gì mà mày bảo tao lo chữa bệnh?
Thằng bé lại nháy mắt với tôi rồi cười giả lả vuốt giận mẹ nó:
  -Thôi, để con lấy nước mát cho mẹ uống. Mẹ lo cho bác Cả đi!
Cơm nước xong, dùng dằng mãi mới chia tay được với cô em gái, tôi đi dọc theo dãy phố trước mặt mà lòng suy nghĩ miên man. Vừa thương cho những đứa cháu học vất vả, vừa thương cho đứa em gái mình đã bị cuốn vào một vòng xoáy danh vọng khó lòng thoát khỏi.
  Tới ngã tư tôi quẹo trái, đi thêm một đoạn trường tân thanh nữa mới tới trước cổng nhà chú  em út. Một đứa bé trai khoảng 8 tuổi đeo cặp kính cận dày cộm ra mở cửa, thằng bé nhanh nhảu chào bác rồi chạy vào gọi bố ơi rối rít.
Hai anh em ngồi vào bàn khách, thằng con cứ quanh quẩn bên cạnh, bố nó giục giã:
  -Vào học đi con kẻo không kịp ngày mai có bài kiểm tra toán đó!
Nó ngáp dài, ngáp ngắn rồi bảo:
  -Cho con nghỉ xíu đi, con học từ sáng tới giờ mệt lắm rồi! “Đi đâu mà vội, mà vàng. Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây”, bố không thuộc câu ca dao tục ngữ này à!
Tôi cười với nó:
  -Ái chà! Thằng bé này ghê nhỉ? Biết áp dụng ca dao tục ngữ gớm đấy nhỉ?
Bố nó thở dài:
  -Con em nó văn võ song toàn, anh ạ!
Rồi quay sang thằng con, bố nó giục lần nữa:
  -Con không học thì không kịp đâu!
Nó trả giá:
  -Vậy bố phải để cho con chơi game online 30 phút rồi con mới có tinh thần học tiếp chứ! Con nít thì phải vừa học, vừa chơi đúng không bác?
Nó quay sang tôi tìm đồng minh, thấy thế tôi đành bảo chú em tôi cho nó chơi một tí cho nó tỉnh táo. Nhưng bố nó đã nói một cách dứt khoát:
  -Anh không biết đâu, thằng này nó cứ nhè lúc em có khách là nó giở trò không chịu học, chứ nó vừa mới chơi cả tiếng đồng hồ trước khi anh đến đấy!
Rồi chú em tôi lại kiên nhẫn quay sang thằng con dỗ dành:
  -Con học ngoan đi, mai bố lại cho con chơi nữa. bác sĩ bảo chơi game nhiều không tốt cho mắt con đấy!
Thằng cháu lém lỉnh của tôi gân cổ cãi bố nó:
  -“Việc hôm nay chớ để ngày mai” bố ạ, bố không nhớ câu tục ngữ này à!



Lâu ngày anh em mới gặp nhau, chú em tôi đành cho phép thằng con chơi game để nói chuyện với tôi. Tôi chiêu một ngụm mước trà, ngó vào góc phòng nơi đặt chiếc máy vi tính, thấy thằng cháu khí thế phấn khởi linh hoạt khác hẳn với nó trước đây 5 phút. Hai tay nó gõ chanh chách trên bàn phím, hai chân nhịp nhịp nhún nhẩy lắc lư cả thân mình một cách đầy phấn khích. Thỉnh thoảng tôi nghe nó kêu lên:
  -Gặp Chúa!
  -Về với Chúa đi con!
Lúc lại ngâm nghê trong cổ họng một điệu nhạc, lúc lại kêu lên “A-men”, lúc lại huýt gió hoặc búng tay đánh tách một cái. Chợt tôi nghe có tiếng đọc kinh cầu:
  -Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. A-men
Tiếng đọc kinh của thằng cháu tôi ngày càng nhanh càng phấn khích theo tiến độ gõ bàn phím của nó. Tôi hoảng hốt:
  -Chết chửa! Cháu làm sao thế kia, chú vào xem nó làm sao!
Bố nó tỉnh bơ, dường như đã quá quen với tình trạng này:
  -Nó có làm sao đâu! Chẳng qua nó được chơi game là nó hưng phấn thế đấy thôi!
Tôi độ rằng chú em tôi rất chăm lo cho con cái học giáo lý, đọc kinh cầu nguyện nên đã ngấm vào máu nó như vậy. Tôi hỏi:
  -Thế hai đứa con của chú đã có đứa nào được rước lễ lần đầu chưa?
Chú em tôi đáp:
  -Chưa anh ạ, thằng này đang học lớp khai tâm.
Con em gái nó năm nay 6 tuổi, học lớp một, em khuyên cháu học giáo lý chung với anh Hai, sang năm rồi con cũng sẽ học chính thức lớp khai tâm đấy. Nó bảo: “Thôi để sang năm con sẽ học luôn thể, chứ học bây giờ nhỡ người ta cải cách thì lại mất công, bố ạ!”
Bây giờ ở đâu cũng cải cách giáo dục nên con em nó cũng rành cái vụ này lắm!
Rồi đột nhiên chú em tôi thở dài đánh sượt:
  -Cái vụ internet mới ớn anh ạ! Hôm nọ thằng cháu nhà em vừa rời máy, em tính vào google “sớt” vài thông tin mua bán chứng khoán, em giật mình thấy trong nút “sớt” có lưu lại những chữ “sét” và “cực sét”. Em gạn hỏi thì cháu bảo bạn nó chỉ cho cách tìm web đen xem phim sét, thế là nó mò cách “sớt”. May quá thằng bé viết sai nên mò chưa ra anh ạ!
  -Mới hôm qua trường cấp II gần đây xảy ra vụ một học sinh lớp Chín nhảy lầu tự tử. . . Nguyên nhân là thằng bé nghiện game online học kém, bây giờ gần đến ngày thi, áp lực gia đình, áp lực nhà trường. . . Người lớn thì hoang mang suy nghĩ, những tưởng bạn bè, thầy cô lo lắng, vậy mà em thấy mấy nữ sinh lớp Bảy, lớp Tám đi ngang đây nói chuyện mới vui làm sao. Tụi nó dường như hãnh diện vì trường nó có học sinh làm anh hùng biệt kích dù mũ đỏ không bằng. Một con bé cười toe toét nói:  Trường mình bữa nay lên báo nổi tiếng lắm tụi bay! Sáng nay tao đi ngoài đường người ta thấy tao đeo bảng tên của trường mình, họ nhìn tao cực kỳ đắm đuối!” . . . Cái đận năm ngoái, một con bé lớp 7 bỏ học vì mê game online, nó đạt danh hiệu sát thủ game, nghe bạn bè nó bảo thế. . . Rồi nhiễm thế nào mà giết một đứa bé hàng xóm 3 tuổi để lấy một đôi bông tai. Công an truy lùng theo dõi suốt ngày đêm, thế mà nó vẫn tỉnh bơ đi chơi với đám bạn. Chính bố đẻ nó tưởng nhà có chuột chết đổ đi tìm, thấy một bọc ni-lon to tướng từ trong tủ quần áo của nó rơi ra thối hoắc. . . Bố nó sững sờ . . . công an ập vào. . .! Con bé mới 13 tuổi mà giết người không gớm tay! Xác đứa bé bị bẻ gẫy hai tay, hai chân. Nó chết vì bị khăn quàng đỏ xiết cổ, hai mắt mở trừng trừng cho thấy thủ phạm đã dùng vật nhọn đâm thủng mắt. . .
Chợt có nhân viên bưu điện đến thu tiền dịch vụ, chú em tôi phải đứng lên. Tôi còn đang suy nghĩ về những chuyện đau lòng mà tôi vừa được nghe thì có tiếng chuông điện thoại. Chú em nhờ tôi nghe hộ, tôi vội bước lại bàn giấy để nhắc ống nghe:
  -A-lô!
Giọng nói của một cô gái rất trong trẻo, dễ thương vang lên từ đầu dây bên kia:
  -Dạ thưa, gia đình có em bé 6 tuổi đến 15 tuổi không ạ?
Tôi lắp bắp:
  -Dạ, chúng tôi có một bé gái đang. . .
Tôi còn chưa kịp nói hết câu, sợ hãi vì có vẻ như mùi vị của một vụ bắt cóc hay sao ấy. . . thì đã nghe tiếng cô gái vui vẻ:
  -Dạ thưa anh, chúng em ở trung tâm gia sư, có nhận đến nhà dạy kèm cho trẻ em từ lớp Lá đến lớp Chín anh ạ! Nếu gia đình có nhu cầu. . .
Tôi thở phào, thì ra. . . nhưng vẫn lịch sự vì giọng cô gái rất ngọt ngào bên tai:
  -Ồ, tôi không phải đương sự, nhưng nhà này có một bé gái đang học mẫu giáo cô ạ!
Giọng cô gái chợt sôi nổi hẳn lên:
  -Dạ, đúng đối tượng chăm sóc của trung tâm chúng em rồi đấy ạ! Chúng em sẽ cử người đến tận nhà, chúng em có giáo viên chuyên luyện chữ đẹp và dạy cho cháu trước khi vào lớp Một. . . nếu gia đình có nhu cầu, chúng em còn cả đội ngũ giáo viên đảm bảo cho các cháu đến khi xuất ngoại du học. . .
Chú em tôi đã quay lại, giằng lấy ống nghe, nói cộc lốc:
  -Cảm ơn, chúng tôi đã có giáo viên rồi!
Vừa gác ống nghe, chú em vừa cười như mếu:
-          Cả ngày không biết có bao nhiêu cú điện thoại như thế, anh nghĩ, em còn sức đâu mà lịch sự với họ chứ?
-            -Thì cũng phải có cầu mới có cung chứ chú!
Bỗng dưng chú em tôi hăng lên như muốn đập vỡ một cái gì trước mặt:
  -Em là em quyết không để cho cái Hội chứng điên rồ ấy xâm nhập vào gia đình em đâu!
  -Chú bảo cái gì cơ?
Chú  em tôi liếc nhìn về phía thằng con đang mải chơi game, rồi thì thào với tôi:
  -Anh Cả có thấy chị Hai dường như sắp bệnh rồi không?
  -Thế chú cũng cho là cô ấy bệnh à?
  -Bệnh nặng ấy chứ lỵ!   Thời buổi kinh tế thị trường, mấy bà buôn bán ở chợ có tí tiền rủng rỉnh là gặp phải cái Hội chứng “muốn con du học nước ngoài” ấy rất dễ tẩu hỏa nhập ma anh ạ! !
Tôi nghĩ thầm trong bụng, có lẽ chú em mình cũng đang luyện “CỬU ÂM CHÂN KINH” của Kim Dung tiên sinh ở giai đoạn cuối:
  -thế là thế nào?
Chú em tôi dè cái giọng:
  -Thì. . . mấy bà ấy nghe lời tiếp thị của mấy cô như vừa nãy anh đã nghe đấy. . . Chị Hai không ép được thằng nhớn thì đã có em gái nó làm vật tế thần. Nó đang được cả một công nghệ giáo dục mới chăm sóc từ chân đến răng. . .
Điện thoại lại réo vang, chú em tôi ngừng lời để tiếp điện thoại:
  -A-lô!
Mặt chú em tôi dần chuyển sang màu tái mét:
  -Sao? Nó nói những gì? Hay là nó nghiện game online, em nghe người ta nói có nhiều đứa bị chứng này phải đi cấp cứu nhi đồng. . . chị đã đưa nó đi bác sĩ chưa? Thôi, để em bảo anh Cả sang với chị. Nhà em đưa con bé đi nha sĩ vẫn chưa về, em còn vướng cái thằng nhớn!
Rồi chú ấy quay sang tôi, vẻ mặt rất nghiêm trọng:
  -Con bé nhà chị Hai bị làm sao ấy, nó cứ luôn miệng kêu sợ, đòi quay ngược kim đồng hồ để không phải đi học. Nhà em bấn quá! Anh sang xem chị ấy có việc gì không?
Tôi lại lót tót quay trở lại nhà cô em gái, đến nơi thấy hai vợ chồng nhà ấy cãi nhau, chồng đổ cho vợ, vợ sợ quá nói càn. Thằng anh đang dỗ dành con em gái, nó bảo:
  -Ừ! Để tí nữa anh hai quay kim đồng hồ đến  9 giờ tối, 9 giờ tối là giờ không có thầy cô trung tâm nào dạy học cho học sinh tiểu học nữa. . .
Con bé lại khóc òa lên:
  -Nhưng đồng hồ sẽ lại quay đến 5 giờ sáng, em cũng phải dậy đi học! Anh phải tháo pin đồng hồ ra mới được!
Rồi nó lại ôm chầm lấy anh nó mà khóc. Tôi đến ĐỠ LẤY ôm nó vào lòng, vuốt nhẹ vào lưng nó dỗ dành:
  -Bác Cả bắt mẹ cháu phải cho cháu nghỉ học đàn, học Anh văn, học vẽ, học thể dục nhịp điệu luôn, cháu sẽ có nhiều thì giờ để chơi đùa với bạn cháu, chịu chưa?
Con bé dịu lại, nó đã chịu uống chút sữa. Uống được nửa ly sữa, nó lại ôm lấy tôi òa lên khóc nức nở:
  -Bác Cả ơi, cháu sợ lắm, cháu sợ mẹ cháu buồn vì mẹ cháu bảo cháu là niềm hy vọng cuối cùng của mẹ cháu. . .
Con bé cứ từng chặp bình tĩnh, từng chặp khóc lóc nói lảm nhảm, tôi thấy không ổn liền phone cho ông bạn bác sĩ:
  -Ông có quen với bác sĩ nào chuyên về tâm lý trẻ em không? Tôi có đứa cháu gái. . .
Bên kia đầu dây, ông bạn tôi đã ngắt lời:
  -Lại một case Hội chứng “sợ kim đồng hồ quay” phải không?
  -Ủa! Ông có vẻ đi trước thời đại quá vậy?
Bạn tôi cười đắc chí:
  -Mấy năm nay, thấy Hội chứng này xuất hiện khá nhiều ở trẻ em nên tôi quay sang chuyên khoa tâm lý trẻ em, đã lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ về rồi, ông không biết đấy thôi! Bảo bố mẹ nó đem nó xuống đây cho tôi. Nhưng này, nhớ làm công tác tư tưởng cho quý bà có Hội chứng “muốn con du học nước ngoài” trước đã nghe không!

  Tôi và mẹ con cô em gái ngoắc một chiếc taxi, tôi đọc địa chỉ nhà ông bạn bác sĩ cho gã tài xế rồi ngả lưng vào ghế để hồi tâm lại. Gã tài xế này cũng lái xe bằng một tay rất điệu nghệ trong khi hắn vừa đủng đỉnh nói chuyện điện thoại di động, vừa nhấn chân ga liên tục, tôi lại thầm phó linh hồn chuẩn bị về với Chúa. Chúng tôi nhích từng nửa bánh xe qua dễ có đến chục điểm kẹt xe suốt đoạn đường từ Ngã Tư Bảy Hiền đến chân cầu Thanh Đa. . . Tôi động não  nghĩ thầm, chắc là cảnh sát giao thông lại có cuộc họp bất thường để xử lý nội bộ như thường lệ chứ còn gì nữa. Tôi sốt ruột nhìn hai bên đường, những biển quảng cáo sáng choang với những ngọn đèn màu chạy liên tục, nhấp nháy đủ kiểu tạo cho tôi có cảm giác choáng ngợp về một chốn phồn hoa đô hội. Cảm giác ấy đã phần nào xóa đi trong tôi những cảnh nhớp nhúa, lôi thôi của ánh sáng ban ngày trần trụi, nhưng nó không thể xóa đi trong tôi cảm giác lo lắng về cái Hội chứng “sợ kim đồng hồ quay” kỳ quái kia.

30/4/2010
Vũ Thủy 

1 comment:

  1. Thủy mến,

    Chuyện ngắn của em hay đấy, mang tính cách thời sự nóng bỏng của xã hội VN hiện nay. Thật tội nghiệp cho con trẻ hiện nay ở VN, rất sợ hãi khi nhìn về tương lai. Thời gian vô tình có ngừng chờ ai đâu, nó cứ thẳng tiến trong khi giới trẻ lại muốn nó ngừng xoay, thậm chí còn muốn nó chạy ngược. Hội chứng này đến bao giờ mới chấm dứt? Chẳng ai có thể trả lời được, trừ khi chính người trong cuộc đả thông được suy tư của chính mình!
    Rất mến,
    CT

    ReplyDelete