Sunday, June 2, 2013

Cottage - Túp lều.

Cottage _ Túp Lều.
Phượng Hoàng
Từ lúc còn hoa niên đến lúc lão niên , gia đình tôi sinh sống ở phố thị . Vì Bố tôi mang nghiệp " ông ký " , nên ở Đất Bắc , Bố tôi làm công chức cho Pháp , gia đình cư ngụ ở thành phố . Rồi biến cố " vượt biên " ào ạt của trên một triệu người dân " Bắc Kỳ rau muống " , trốn chạy Việt Cộng năm 1954 vào Nam . Bố tôi lại tiếp tục làm công chức cho chính phủ VNCH , nên gia đình lại lập nghiệp ở Hòn Ngọc Viễn Đông Sài Gòn . _ Năm 1991 , còn lại ba Mẹ con , Bố tôi đã Qui Tiên năm 1983 , người Chị Cả an cư với đời tận hiến ở trong bốn bức tường của tu viện . Người chị thứ hai , " biệt vô âm tín " trong chuyến vượt biên đường bộ năm 1979 . Hai em kế , đã định cư ở Xứ Lạnh Tình Nồng , Canada năm 1981. Thế nên , Mẹ con tôi có cơ hội được " vượt biên " khỏi mảnh đất chữ S , bằng đường hàng không. Lần này , trốn thoát vĩnh viễn một chế độ mà theo Ông Lê Diễn Đức , trước đây đã là " cháu ngoan Bác Hồ " , nhưng khi sinh sống và làm việc ở Ba Lan , chứng kiến cuộc sống " thay da đổi thịt " của một Ba Lan Cộng Sản với Ba Lan Dân Chủ , Tự Do . Ông đã Sáng Mắt với đôi mắt mở to để nêu lên nhận định rằng :" Ông Hồ Chí Minh và Đảng , từ lúc cầm quyền đến nay , đã biến đất nước thành một phòng thực nghiệm vĩ đại của Phản Xạ Có Điều Kiện . Hàng chục triệu người Việt đã , đang và tiếp tục trở thành những Con Chó Của Pavlov . Các chế độ Cộng Sản đạt mức siêu đẳng về chuyện nuôi trồng con người theo ý đồ của mình !" _Đặt chân đến Canada , tôi lại cũng cư ngụ ở thành phố với gia đình Nga ( em út ) , từ Vancouver , tỉnh bang phía Tây ven Thái Bình Dương , đến Mississauga , và bây chừ Toronto , thành phố sát cạnh với một trong Ngũ Đại Hồ Bắc Mỹ , thuộc tỉnh bang Ontario , phía Đông của giải đất dài rộng mênh mông , với cả 10 ngàn cái hồ lớn nhỏ  này ._ Cũng vì cuộc sống quanh quẩn giữa nơi đô hội , tôi ít có dịp sống giữa đồng nội . Tôi nhớ mãi về một kỷ niệm thuở vào đời , khi lần đầu tiên , tôi rời Sài Gòn và được đi ngang qua cảnh đồng quê . Tôi được trường Cao Đẳng Sư Phạm Tiền Giang gọi nhập học .Sở dĩ , tôi ở Sài Gòn mà lại phải về trường CĐSP Mỹ Tho để học hành , vì tháng 4 năm 1975 , tôi là cô nữ sinh lớp đệ nhất ở trường trung học Lê Bảo Tịnh , do các Cha gốc Thanh Hóa thành lập . Đang miệt mài với sách vở để chuẩn bị cho kỳ thi tú tài hai , vào khoảng tháng sáu . Nhưng cơn bão thời cuộc ập đến ! tôi trở thành học sinh của mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa , bắt đầu phải nhồi nhét vào bộ nhớ của trí não về " văn -thơ " của Bác và Đảng , để dự khóa thi Tốt Nghiệp Trung Học đầu tiên của học sinh lớp 12 toàn Miền Nam dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam . Sau đó , tôi nộp đơn thi vào đại học nha khoa . Thuở ấy , trong tờ đơn dự thi vào bất kỳ đại học nào , họ cho thí sinh điền thêm vào " hai chọn lựa " , để nếu rớt đại học , họ căn cứ vào số điểm thi , sẽ chuyển thí sinh xuống chọn lựa một hoặc hai . Nên tôi điền vào chọn lựa một là Cao Đẳng Sư Phạm và chọn lựa hai là Trung Học Sư Phạm ._Tôi " trượt vỏ chuối " nha khoa ! lý lịch dòng họ ba đời (phải kê khai từ ông bà nội ngoại trở xuống )của gia đình không có " con ông cháu cha " , không có công với cách mạng . Lại còn thêm " cái tội " ngụy quyền , vì người chị thứ ba là Chủ Sự phòng nhập cảnh , Bộ Nội Vụ của chế độ cũ , nên tôi không được học ở Sài Gòn , mà bị tống khứ tuốt luốt xuống Tiền Giang . Nhưng cũng còn may , chứ sau này tôi được biết một số thí sinh cùng thi đại học khóa đầu tiên với tôi , bị " lưu đày " xuống tận Cà Mau ! _Bố tôi không dám để đứa gái đầu tiên trong gia đình đi xa nhà một mình , nhất là không có một người thân quen nào ở thành phố sắp đến . Nên hai Bố con cùng đi chuyến xe đò từ Bến Xe Xa Cảng Miền Tây , Chợ Lớn về Mỹ Tho ._ Tôi vốn là kẻ thích ngắm cảnh trên đường đi , nên mua được hai cái vé " chợ đen " rồi , Bố con tôi vội lên xe , tôi tìm một chỗ ngồi sát với thành xe , ở dãy ghế giữa , Bố ngồi bên cạnh . Khi xe đi ngang qua một đoạn đường dài tới Tân An , hai bên là cánh đồng lúa ngả nghiêng theo gió chiều . Tôi thích thú ngắm nhìn , nhưng không biết đó là lúa , mà cứ nghĩ đó là đồng cỏ , nên quay sang hỏi :" Bố ơi , sao ở đây người ta trồng cỏ nhiều thế ? mà cỏ ở đây tốt thật , cao lớn , chứ không thấp lè tè sát mặt đất như Sài Gòn " 

Bố nhoẻn cười , nhẫn nại nghe tôi nói xong , mới thong thả trả lời :" Lúa đấy , ai mà lại mất công trồng cỏ thẳng cánh cò bay như thế ! Miền Tây là vựa lúa nuôi sống người dân Nam Bộ đấy ."_ Nghe câu giải nghĩa của Bố , tôi bật cười cho câu hỏi ngây ngô của cô sinh viên tập tễnh vào đời !_ Trong lúc băng qua cánh đồng lúa bạt ngàn ấy , tôi thấy tít tắp phía xa , có những mái nhà tranh lụp xụp , lấp ló giữa vườn cây cao . Rồi khi ra trường , tôi được phân công về dạy học ở một trường Phổ Thông Cơ Sở Nhị Quí , Cai Lậy . Phía sau trường là một khung cảnh nên thơ , với cánh đống lúa ngút ngàn , phía chân trời xa xa  , ẩn hiện những túp lều tranh ._ Đó là hình ảnh mà tôi lưu giữ trong ký ức về túp lều ở quê nhà .


Sau 22 năm định cư ở một quốc gia tiên tiến như Canada , tôi không hình dung được " túp lều " ở xứ sở văn minh như thế nào cả ! _ Thế nên , cuối tuần tháng năm vừa qua , Nga rủ tôi đi Cottage , rồi Linh ,  chủ nhân cottage cũng lên tiếng mời . Tôi nể vì tấm lòng nhiệt tình của Linh , nên nhận lời , nhất là lời nhắn gửi của Linh với cô em út :" chị nói với chị Phượng , không được quịt lời hứa với em đó !" _ Chiều thứ sáu 24/5 , tôi khăn gói về nhà Nga , trời nắng đẹp nhưng cũng lạnh vì gió mạnh . Tôi theo Nga ra vườn thượng uyển phía trước , phía sau và bên hông nhà , với đủ loại hoa khoe sắc , nào là anh đào trắng , hồng , ngay góc sidewalk , rồi tulip , hoa hồng nhiều sắc màu . Nga yêu thích làm vườn và có " greenthumb " , nên láng giềng ai ai cũng tấm tắc khen khu vườn của Nga đẹp nhất khu xóm . Hai chị em loanh quanh ngoài vườn cả tiếng đồng hồ , tôi đứng khoanh tay trong cái se lạnh của gió chiều hiu hiu , dòm Nga lom khom vun xới , bón phân từ cụm hoa này đến cụm hoa kia ...Rồi ăn tối , ngủ đêm ..._ Sáng thứ bẩy , gần 8 AM , Nga Phúc và tôi bắt đầu chuyến xuất hành về đồng nội . Đường đi cũng khá xa , khoảng tiếng rưỡi lái xe . Khi ra khỏi phố thị , như đi giữa khu rừng , đồng ruộng bát ngát . Rồi đến con đường nhỏ dẫn vào khu Cottages , cạnh một con sông rộng , dài . Oh ! cottage ở xứ này , khác hẳn với cottage xứ mình ! tôi ngoẻn cười nói với mình như vậy ! _ Nếu gọi là túp lều , căn lều ở đây sang đẹp như khu vi -la  . Lều của chàng Linh hai tầng ; tầng dưới gồm nhà bếp , nhà vệ sinh và phòng khách rộng rãi với bộ sô- pha bằng da thứ thiệt . Tầng trên là ba phòng ngủ và phòng tắm . Chàng Linh cũng như hai người em , đều tốt nghiệp đại học , có " job thơm " , lương cao , nhưng chủ trương " độc thân vui tính " suốt kiếp , không lập gia đình , nên có tiền thặng dư rủng rỉnh , mua khu đất rộng cả mẫu, bên rừng , bên sông , với căn lều ở giữa . Rồi lại tậu thêm một căn nhà nghỉ mát ở Florida và Việt Nam , để xả hơi thư thái trong những khi không " đi cày " . Căn lều của Linh thơ mộng lắm , bên trái là khu rừng , bên phải , cách một lối đi , là căn lều hàng xóm . Phía sau là bao lơn gỗ , hướng ra dòng sông . Đi xuống dốc thoai thoải sát bờ nước , là cầu tàu gỗ , dẫn ra xa lòng sông . Phía bờ sông bên kia là một hòn đảo với rừng cây xanh um , nhìn xa xa , thấy có những chiếc ca-nô đậu bên bờ sông . Phong cảnh chung quanh chỉ là mây nước , núi rừng , rất thanh bình , tịch mịch . Đứng trên bao lơn hay cầu tàu , ngắm nhìn trời chiều tỏa nắng xuống dòng sông , lấp lóa nắng vàng lung linh , tỏa sáng khắp mặt nước , rồi lặng nghe tiếng sóng vỗ bờ . Nước sông rất trong , nhìn thấy cả lớp đá bên dưới , với những con cá to khoảng 2 ký , bơi tung tăng . Bên cạnh căn lều , có một căn nhà nhỏ để dụng cụ làm vườn và hai chiếc ca-nô đậu sau sân . Phía trước nhà , là một bờ dốc dẫn lên con đường nhỏ để xe hơi của khoảng 10 gia đình trong khu lều di chuyển . Bên cạnh con đường là khu rừng .
Tôi rủ Nga và Lệ ( em gái Linh ) đi dạo xuyên suốt con đường này , từ căn lều đầu tiên của Linh , đến căn cuối cùng dẫn vào khu rừng , vắng lặng không tiếng động , ngoại trừ tiếng chim ríu rít và tiếng lá xào xạc bên rừng . Nhìn xuống một căn lều , thấy có một cặp vợ chồng già , ngồi trên hai chiếc ghế sát cạnh nhau , hướng nhìn ra dòng sông . Ông Cụ choàng cánh tay trên vai Cụ Bà , cả hai đang thủ thỉ chuyện trò . Nhìn cảnh tình tứ thọ mộng ấy , Lệ nói với hai chị em  :" mấy chị coi , đúng là một túp lều với hai trái tim vàng . Vợ chồng già mà lãng mạn chưa !" _ Cả ba cùng cười , chia vui với Tình Già ! _ Quả thực , thiên đường là đây cho đôi uyên ương trong cuộc tình cuối đời ! _Thế nên , có những người láng giềng của Linh , sinh sống cả gia đình tại khu rừng này , chừ không chỉ là căn lều nghỉ ngơi , thư giãn ít ngày , để thoát khỏi bầu khí ồn ào nhộn nhịp của phố thị trong đời sống " chạy theo kim đồng hồ " thường ngày ._ Ngắm nhìn thiên nhiên đã con mắt , cả Xóm Nhà Lá ( tên gọi nhóm bạn thân quen của Nga Phúc cùng đi Cottage ) được Phúc nướng thịt trên lò gas bên góc bao lơn , rồi cùng đánh chén bữa ăn ngoài trời , bên dòng sông mát rượi . Sau đó kéo nhau vào gian nhà bếp , kẻ đứng , người ngồi , tán gẫu , rồi từng tràng cười tung tóe ha hả vì những câu chuyện mang hơi hướm Hồ Xuân Hương ! _ Đó là một ngày dã ngoại đầu tiên của tôi ở Xứ Ca-na-điên , để tôi được biết thế nào là Túp Lều ở đất nước văn minh ! _ Thây ba anh em Linh , chọn Đường Đi Một Mình trong đời sống cuộc thế , để Enjoy cuộc đời theo sở thích . Như rứa , không biết Khôn hay Dại , như câu thơ :" Ta dại , ta tìm nơi vắng vẻ . Người khôn , người đến chốn lao xao ". Trong khi đó , có một Nhà Văn lại cảm thán rằng :" Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả sự nghiệp của tôi , để có được một người phụ nữ , mỗi buổi chiều bên mâm cơm , đợi chờ tôi trở về !" _ Có lẽ , Hạnh Phúc hay Khổ Đau . Khôn hay Dại , không tùy thuộc đường đời chúng ta bước đi . Nhưng như một tác giả đã nói :" Có lý tưởng , làm cho cuộc đời được mở bung ra một vùng trời tự do bát ngát . Tất cả bỗng trở thành cơ hội : nghề nghiệp thành cơ hội phục vụ , cám dỗ thành cơ hội chứng minh tình yêu đích thực , niềm vui thành cơ hội tạ ơn , đau khổ thành cơ hội trở nên gần gũi...Gian nan bỗng nhẹ tựa mây trời . Trần gian hóa nên Thiên Đàng ".

4 comments:

  1. Đọc mẩu chuyện “túp lều” của chị Phượng Hoàng, thủy lại nhớ đến cái lều thuở mình đi làm rẫy ở suối Nông Trường. Chớp mắt mà đã 35 năm trôi qua, ngày ấy đi làm rẫy mỗi buổi trưa được chui vào cái lều ấy(của một bác nông dân có ruộng kề sát nhà mình), thật là sung sướng...
    Nói là cái lều, nhưng nó chỉ là mấy cây cọc gỗ cong queo, phía trên che tạm bằng mấy tàu lá buông chặt ở trên đồi... Nắng soi trên mặt từng đốm như những bông hoa di động, mưa thì nước rỏ lộp độp trên áo trên lưng... chính giữa cái lều có mấy khúc rễ cây để ngồi tạm trong giờ nghỉ trưa... Lúc ấy Thủy còn nhỏ, nên tranh thủ vắng người là ngả lưng xuống một khúc rễ cây, mới đầu thấy nó cấn cấn đau lưng một chút, nhưng nằm một lúc rồi không muốn dậy, bởi bao nhiêu cái mỏi cái đau của lưng vì phải khum khum cấy lúa như được tan biến, thế nên mới thấy hạnh phúc...
    Bao nhiêu năm qua rồi, nhưng Thủy vẫn thấy quãng ngày niên thiếu được gần gũi với thiên nhiên đó là đẹp nhất đời mình, chị Phượng ạ!

    ReplyDelete
  2. Đọc túp lều của chị Phương Hoàng TS. thích qúa. Chị viết hay như thế mà lâu lắm mới được đọc một bài của chị. Mong sao được đọc bài của chị thường xuyên hơn.TS thích là bởi vì hồi bé chăn trâu nên rành nhiều về nhà nông, đọc rồi nhớ lại cảnh xưa hồi bé thôi chứ lớn lên một chút là lái máy cày đi cày hết ruộng nhà rồi lại lái đi cày mướn cho bà con trong giáo xứ. Đến năm 1975 là hết cả ruộng và máy cày luôn, lúc đó phải đi làm thủy lợi và cuốc đất bằng tay mà không đủ gạo để ăn nên toàn được thưởng thức "cao lương" không hà. Đến năm 1980 thì nhất quyết giã tư Thiên Đường XHCN. May mà Chúa ban chuyến vượt biên an bình có hai ngày thì được tầu Tây Đức vớt đưa vào Singapo ở 3 tháng rồi họ lại đưa mình qua Đức. Nên ngàn đời cảm tạ ơn Ngài vẫn chưa đủ. Cám ơn bài viết của chị nha.

    ReplyDelete
  3. Đọc truyện của chị Phượng Hoàng, Hiển lại nghĩ đến những tháng hè về miền Cái Sắn Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang phụ anh chị làm ruộng năm xửa năm xưa. Nói nhưng không ai tin một Hiển mà biết cắt lúa, dắt trâu cộ lúa về sân, đập lúa. Sau này lấy trâu đạp lúa rồi thuê máy cày đạp lúa thay trâu, rê lúa, vác bao lúa đổ vào kho! Ngày đầu hè, thân hình còn trắng trẻo thư sinh, một tuần lễ sau mặt sám xịt, người đen như mọi. Tựu trường, mấy thằng bạn nói một câu tức muốn thụi tụi nói mấy cái: "Sướng ha, mày được đi du lịch Phi Châu!"
    Chúc Cả Nhà cuối tuần vui vẻ.
    Hiển

    ReplyDelete
  4. Cảm ơn Chị PH, chị viết rất thú hút người đọc. Nghe chú Hiển kể nghe funny giáng chú Hiển ai nhìn là người cày ruộng đâu nhi? Nhìn giáng người như người Thành Phố.

    Hồi nhỏ HBTT ở gần nhà hàng xóm, có một cô bé bằng tuổi đi chăn bò, chăn trâu, mà envy. Nên ngày khia bỏ tập sách dưới gốc cây tre, theo cô bé đi chăn trâu vui quá. Xong rồi không may đi ngang qua tổ ong, bị ong dí chít đầy cả lưng, ê ẩm lucky không bị allergic, chỉ sức dầu xanh mà nó khỏi. Và kể từ đó không dám chốn học theo cô bé chăn bò .

    HBTT

    ReplyDelete