Wednesday, November 3, 2010

KÝ ỨC VỀ THẦY - TRẦM THIÊN THU

Ký ức về THẦY

Bản tính nó nghịch ngợm nhưng nhút nhát. Hình như đó là định luật bù trừ. Chạy nhảy suốt ngày như chim, nó không ngồi yên lúc nào. Thậm chí, đi học về là vứt cặp đó, mắt trước mắt sau là “biến” ngay. Ai cũng nói nó tuổi Heo mà như Ngựa vậy. Chắc là Heo rừng hoặc Heo mọi gì đó nên mới “đi hoang” như thế. Số nó lận đận là cái chắc!
Quả thật, nó lận đận y boong! Thầy bói nói không sai. Người thì nói chữ nó đẹp nên “đào hoa”. Người thì nói nó đàn-ông-tính, nhiều cô sẽ “khổ” vì thương thầm. Người lại nói nó thoát chết 3 lần sẽ sống thọ, nhưng có khá cũng phải ngoài 40. Nói chung là trăm đường lận đận. Tính nó “gàn bát sách” lắm. Khí khái cũng khỏi chê, đôi khi bị hiểu lầm là kiêu ngạo nữa.
Từ ngày còn học phổ thông, thầy và các bạn thường gọi nó là Nguyễn Đình Chiểu vì trán nó thoáng nét nhăn dù còn trẻ tuổi, nhìn nó có vẻ điềm đạm như một ông đồ vậy.
Hôm đó, thầy đến cửa lớp mà nó vẫn còn thao thao “giảng”:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều như thế, nói lên “quy luật muôn đời”: Tài mệnh tương đố. Các chàng có tài và các nàng có sắc đều phải… “tỉnh thức”. Vì sao lại như thế? Ai có thể phát biểu?
Cả lớp cười ồ. Nó ra vẻ nghiêm nghị: “Trật tự trong giờ học”. Cả lớp nhìn nhau và lại cười ồ. Chợt 74 con mắt “đồng quy” về phía cửa ra vào. Thầy! Nó vụt xuống chỗ ngồi. Thầy đi từ trên xuống cuối lớp rồi lại chậm rãi đi lên, không nói gì. Cả lớp “nín thở”, tưởng chừng nghe được “tiếng vỗ cánh của một con ruồi”. Xong!
Thầy là một “típ” người nghiêm khắc mặc dù có những lúc vui vẻ mang một chút hài hước. Nơi thầy toát ra vẻ gì đó khiến học trò nể sợ. Thầy bôn ba sống không khác một lãng nhân. Có lẽ cuộc sống vất vả nhiều nên thầy “khô” như thế. Tên thầy cũng đủ nói lên bản chất riêng của thầy. Còn nó hoạt bát, hiếu động nên nó chẳng ưa gì những ai khó tính và lầm lì, dù là thầy. Một hôm, thầy hỏi ai viết mấy câu Kiều trên bảng. Cả lớp nín thinh. Nhìn nét chữ, ai cũng đoán ra nó. Và cũng chỉ có nó mới “liều” như vậy. Nguyên văn còn đó:
Quá niên trạc ngoại “ba lăm”
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
 VIỄN DU

Nó đã sửa chữ tứ tuần thành ba lăm cho ra vẻ “lâm li bi đát”, và tên Nguyễn Du thành Viễn Du cho thích hợp. Chúa liều! Thực ra nó đùa vui chứ chẳng có tâm địa xấu gì cho cam, và nó cũng không hề cố ý coi thầy là Mã Giám Sinh. Bạn bè đều biết nó thẳng như ruột ngựa. Dĩ nhiên nó phải nhận lỗi. Thầy “mo-ran” cho nó “te tua”. Nó cúi mặt thấy thương. Thầy bắt nó đứng ngoài lớp và lên văn phòng làm kiểm điểm. Con sâu làm rầu nồi canh. Cả lớp phải “vạ” lây. Từ đó nó càng không ưa thầy. Có lúc nó cầu cho thầy… trúng gió hoặc bị tai nạn (nhẹ thôi) để được nghỉ tiết học hôm nào đó. Nó sẽ là người sướng nhất vì nó đỡ… khổ!
Phải công nhận là thầy khó, khó đủ thứ. Khi thầy viết lên bảng, không thấy ai viết vào tập, thầy liền la: “Làm gì ngây như chú Tàu nghe kèn vậy?”. Khi lớp lục tục viết bài, thầy lại mắng: “Vẹt! Nghe giảng. Hiểu đã. Ghi sau”. Khi bạn “bí” bài, nhắc bạn thì thầy quở: “Đừng xen vào chuyện của hàng xóm”. Khi không nhắc, thầy lại trách: “Không có tình đoàn kết”. Ôi, đủ thứ chuyện trên đời! Sao cũng bị thầy trách. Nó “quậy” hơn nên thầy “quan tâm” hơn. Và, dĩ nhiên, nó “khó chịu” nhất là cái chắc rồi.
Có lần nó bệnh nặng, nghỉ học đã 3 ngày rày. Bạn bè đến thăm và nói là thầy nhắc nó, nó “phớt tỉnh Ăng-lê” nói:
– Dẹp đi. Đừng nhắc tới ổng ở đây.
Một tuần. Bệnh nó chỉ thuyên giảm chút ít. Nó lơ mơ nghe tiếng mẹ:
– Thưa thầy, hôm nay thay thuốc, thấy cháu có khá hơn.
Nó mở mắt, không phải mơ. Thầy đang mỉm cười nhìn nó:
– Sơn, em khỏe nhiều rồi chứ? Ráng tịnh dưỡng, mau khỏi, đi học với các bạn nha!
Nó chỉ khẽ thưa:
– Dạ.
Nó miên man suy nghĩ. Thầy biết nó ngang bướng tuổi mới lớn, luôn cho mình là đúng, luôn nghĩ mình là “cái rốn của vũ trụ”, nên thầy không giận nó? Thầy tâm lý quá! Có lẽ nó nghĩ sai về thầy? Những ý nghĩ đan nhau làm nó nhức đầu. Nó chợt thiếp ngủ. Và trong giấc mơ, nó thấy thầy bị tai nạn khi giúp nó vượt qua một nguy hiểm. Nó khóc khi thấy mặt thầy dính máu. Nó nức nở:
– Thầy… thầy…
Mẹ nó chạy vào:
– Con sao vậy?
Nó lắc đầu.
– Thầy về lâu chưa mẹ?
– Về lâu rồi. Thầy mua cho con cam và 10 gói cháo gà ăn liền kìa.
Nó thấy hổ thẹn và xốn xang trong lòng. Chiều dần xuống. Ánh nắng vàng võ đầy sân ngoài kia khiến nó bâng khuâng. Mẹ bảo nó “ốm lớn”. Nó nghĩ đến thầy, đến các bạn…
o0o
Sáng nay, 2 tiết Văn của thầy. Nhà trường thông báo nghỉ, chỉ nói thầy đi công tác đột xuất. Có thể tuần sau thầy dạy lại. Nó chợt thấy lòng trống vắng và thèm nghe những lời giảng trầm ấm của thầy về những áng văn chương tuyệt tác mà thầy truyền đạt.
Ngày Hiến chương Nhà giáo sắp tới. Cả trường chuẩn bị làm báo tường. Năm ngoái thầy làm trưởng ban biên tập. Năm nay người khác thay thế. Hai tuần trôi qua. Cuối cùng, vì lý do sức khỏe, nhà trường phải thông báo thay thầy dạy Văn để học sinh không bị gián đoạn việc học, và cũng để thầy có thời gian nghỉ dưỡng sức. Lớp đã quen thầy nên lúc này thấy buồn và nhớ thầy mặc dù thầy khó đủ thứ. Buồn hơn khi biết thầy nghỉ vì lý do sức khỏe. Nó hóa “hiền” hơn rất nhiều.
Lớp tổ chức thăm thầy vào ngay sáng 20/11, phải có mặt đầy đủ.
Căn nhà nhỏ nằm trong hẻm sâu, nghèo nàn, đơn sơ. Chiếc bàn nhỏ và ít sách. Thầy nằm đó, gầy guộc, xanh xao, mái tóc điểm nhiều sợi trắng. Thi thoảng thầy ho khan, nặng tiếng. Trông thầy hom hem hơn thường nhật. Thảo nào người ta thường gọi nghề dạy học là nghề “bán cháo phổi”. Lớp tặng thầy ít sữa, ít cam để thầy bổ dưỡng. Tới một lúc nào đó, người ta bỗng nhận ra điều gì đó “thú vị”, và điều gì đó là chân lý. Nó cũng vậy. Sống mũi nó sè cay vì hối hận về những gì nó đã nghĩ không hay về thầy trong thời gian qua. Nó cầu mong thầy mau bình phục và trở lại bục giảng. Thấy cuộc sống của thầy, nó cảm thông những khó khăn, những khó tính của một người như thầy.
Vâng, cuộc đời còn khó khăn và nhiêu khê gấp bội. Nó chợt nhìn tới viễn cảnh tương lai của mình và thầm nghĩ: “Thầy ơi! Xin thầy tha lỗi cho đứa học trò ngỗ nghịch và bồng bột đã cư xử với thầy thiếu lòng tôn sư trọng đạo. Không một bông hoa nào đẹp bằng hoa lòng tôn trọng, yêu thương và chăm ngoan học tập để kính tặng thầy, hôm nay và mãi mãi”.
Quả thật, cuộc sống còn khắc nghiệt hơn người ta tưởng. Không phải là sung sướng mà chính gian khổ mới khiến người ta thành nhân. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Đủ can đảm vượt qua khó khăn mới đúng là anh hùng, là vĩ nhân. Nó chợt biết khóc, rồi nó mỉm cười nhớ lời Khổng Tử nói rằng: “Vinh quang lớn nhất của ta không phải là không vấp ngã mà là biết đứng lên sau mỗi lần vấp ngã”. Nó vừa thành người lớn.
Ngoài kia nắng đổ nhẹ. Có chiếc lá cuối Thu rụng xuống làm gạch nối với mùa Đông. Thầy đã đi vào ký ức nó, và chắc chắn không thể phai nhòa theo năm tháng.
TRẦM THIÊN THU

2 comments:

  1. Đọc xong truyện ngắn của anh Thu, Vũ Thủy nhớ về thời còn đi học và dạy học của mình quá! Là học sinh, Vũ Thủy có lẽ còn nghịch ngợm hơn nhân vật "nó", hồi ấy bạn bè gọi Thủy là Thủy "Du Đãng", ông thầy trong truyện này còn may phước hơn mấy ông thầy của Thủy nhiều, vì là nữ học sinh tha hồ nhõng nhẽo với thầy. Là cô giáo, học sinh gọi Thủy là cô "Mặt Trời" (nghĩa là nóng rát), vì thời đi học thầy bảo: nhất Thủy, nhì ma, thứ ba học trò, nên khó có học trò nào qua mặt được cô "Mặt Trời". Cách đây mấy tháng, thầy chủ nhiệm lớp 12C năm xưa, lóc cóc đi thăm Thủy, thầy đã già hơn 70 tuổi mắt mờ chân chậm. . . hai thầy trò ôn lại bao kỷ niệm cũ, chẳng hiểu vì sao các thầy cô lại hay thương những đứa học trò nghịch phá như Thủy cơ chứ! Trước khi chia tay thầy còn nói: Thầy yên tâm vì thấy em phong độ vẫn như xưa!
    Hôm nay lại nhớ đến lời hứa sẽ về thăm thầy, Thủy vẫn chưa thực hiện được, tệ ghê!

    ReplyDelete
  2. Anh Thu mến,

    Câu chuyện này cũng khiến CT gợi nhớ về một thời mài đũng quần trên ghế nhà trường và một thời đứng trên bục giảng, như Vũ Thủy vậy. Tuy phần lớn thời gian học trò là sống dưới bóng mát của Chúa trong chủng viện nhưng cũng có rất nhiều kỷ niệm tươi đẹp, êm đềm...nhất là trong những kỳ nghỉ hè, chủng viện cho về quê sống với gia đình và bà con trong giáo xứ. Lúc đó tự nhiên thấy mình là thành phần ưu tú, được mọi người quý mến Đên khi không còn tu nữa đi dạy học tự do nơi các trường trung học thì lại thấy cái nghề này không thích hợp với mình tí nào, vì nghề này luôn bắt mình phải nghiêm nghị, dễ nổi nóng với những học sinh phá phách nghịch ngợm; không giống như dạy các chú chủng sinh trong chủng viện. Thật sự là rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Làm thợ thì không thể nào, không quen lao động chân tay; làm thày thì cứ phải đóng kịch nghiêm trang. Cứ quanh quẩn như vậy cho tới ngày qua Canada đấy!

    Bây giờ đọc chuyện ngắn này của anh thì mọi sự đã đi vài dĩ vãng rồi.

    Cám ơn anh nhiều!

    Rất mến,
    CT

    ReplyDelete