Thursday, September 2, 2010

Cây Thiên Thần - A/C Khuê Diệp.

Cây Thiên Thần

Gia đình chúng tôi rất vui vẻ hạnh phúc. Nhờ chồng tôi làm lụng vất vả, tôi có thể ở nhà săn sóc ba đứa con gái ngoan ngoãn xinh xắn của chúng tôi: Minh Châu 12 tuổi, Minh Ngọc 10 tuổi và Minh Trân 6 tuổi. Mỗi đứa một vẻ, với những khác biệt rất dễ thương. Trong đêm khuya thanh vắng, khi các con đã ngủ say, vợ chồng chúng tôi thường cùng nhau chia sẻ niềm sung sướng và thầm cám ơn bàn tay huyền nhiệm của Thiên Chúa đã tạo dựng và ban phát cho chúng tôi những đứa trẻ tràn đầy hi vọng nầy.

Minh Trân nhỏ nhất nhà, hoạt bát, nhanh nhẹn, được mọi người trong xóm cho là thông minh, vui tính và cởi mở. Mỗi buổi sáng, vừa nhảy xuống giường, cháu chạy tới phòng các chị, líu lo ca hát và tìm cách chọc các chị đang ngái ngủ trên giường. cháu thích thu lượm vật dụng của các chị nhét vào ống thông xuống phòng giặt, nào là búp bê, gấu nhồi bông, nào là gương, lược, giày, vớ v.v. làm cho các chị hốt hoảng nhảy xuống giường gấp để giữ lại. Đó là cách giúp mẹ đánh thức các chị có hiệu quả nhất.

Cháu thích tham gia các buổi tổ chức từ thiện hay gây quỹ cho nhà Thờ. Với bộ áo quần đầy màu sắc đứng trước cửa chính, tung tăng như một con bướm nhỏ xinh tươi, cháu luôn miệng mời mọc giáo dân ghé vào mua những hàng hóa mới cũ được trưng bày la liệt trên sân nhà thờ. Mọi người dường như bị đứa bé vui tươi đầy sức sống thu hút.

Vào một ngày mùa xuân, Minh Trân đi học về, mang theo một cây nhỏ trụi lá, khẳng khiu, khô cằn, cao khoảng 70 cm. Cháu nói:
- Mẹ à, hôm nay là “ngày trồng cây xanh” được thành phố phát động hàng năm. Con đã nhận cây nầy để trồng và sẽ chăm sóc nó thật tốt tươi khỏe mạnh.

Nhìn thân cây khẳng khiu trần trụi, loe ngoe vài sợi rể nhỏ héo úa, tôi không có chút hi vọng nào. Nhưng cháu đã thuyết phục được chúng tôi giúp trồng cây đó sau vườn. Minh Trân đặt tên là cây Thiên Thần vì cháu tin tưởng và hi vọng tất cả các Thiên Thần sẽ phù hộ, giúp cây mau lớn mạnh.

Minh Trân đều đặn tưới cây mỗi sáng, vỗ về nói chuyện và hát nho nhỏ, rồi cúi đầu chúc phúc cho nó, xem như nó có thể nghe và cảm nhận được những gì cháu nói, cháu làm.. Cháu tin tưởng và hi vọng cây sẽ chóng lớn, sẽ đem lại tươi mát cho mọi người.

Vào một buổi sáng mùa hạ, Minh Trân hối hả chạy vào nhà vui mừng loan báo:
- Mẹ, mẹ ơi! Cây của con đã trổ ra hai ngọn lá xanh nhỏ thật đẹp.

Cháu sung sướng gọi ngày đó là ngày “Alleluia” của chúng tôi. Cây Thiên Thần đã trở nên một thành phần thân thiết gắn bó với gia đình.. Chúng tôi bắt đầu chiều ý Minh Trân, lưu tâm săn sóc và không còn chọc ghẹo cháu nữa. Có một lần Minh Châu đẩy máy cắt cỏ đụng nhằm thân cây, Minh Trân bắt chị xin lỗi. Minh Châu đành phải cúi đầu trước cây Thiên Thần, nhỏ nhẹ: “Xin lỗi ta đã đụng vào ngươi. Ta hứa từ nay sẽ cẩn thận, không còn vô ý như vậy nữa”.

Mùa đông, tuyết phủ đầy vườn, Minh Trân vẫn đều đặn ra thăm cây, khuyến khích nó ngủ ngon để khỏe mạnh thức giấc vào mùa xuân ấm áp. Mùa đông trôi qua, nhiều mầm non nõn nà bắt đầu chớm nở. Minh Trân tung tăng nhảy múa hát mừng. Trong lúc chúng tôi chia sẻ niềm vui với cháu thì cháu nhẹ nhàng sờ vào thân cây, nhìn chúng tôi nở nụ cười hóm hỉnh.

Đó là hình ảnh đứa con gái út thân yêu mà tôi luôn ghi nhớ trong lòng, một hình ảnh thiên thần sống động, lung linh dưới ánh mặt trời không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ. Tháng tám, hai ngày trước ngày sinh nhật thứ bảy của cháu, cháu phải vào nằm bệnh viện. Hôm nay chúng tôi hồi hộp đợi chờ kết quả kiểm nghiệm của cháu trong phòng bệnh. Bác sĩ bất chợt bước vào, buồn bã cho biết cháu có cái bướu ác tính khá lớn trong ngực, rồi vội vã đi ra. Tôi xây xẩm mặt mày và cảm thấy như bầu trời tăm tối đang sụp đổ.

Một đêm cách ngày nhập bệnh viện khoảng hai tuần, Minh Trân lay tôi dậy: “Mẹ à, con cảm thấy nóng ran khắp người”. Rồi cháu lên cơn ho dữ dội. Tôi cho cháu uống mấy viên thuốc cảm. Chắc chỉ là bệnh thông thường của trẻ con. Mấy hôm sau, cháu vẫn còn nóng và ho, tôi nhìn ngực cháu có chút gì là lạ. Chụp Xray, bác sĩ cho biết có một khối u trong ngực. Vợ chồng chúng tôi tức tốc chở cháu vào bệnh viện nhi đồng Toronto, Những ngày đợi chờ trong bệnh viện là những ngày đen tối khắc khoải lo âu nhất của đời tôi, qua những lời nói dè dặt của các bác sĩ, những thử nghiệm, những lời khuyên và sau cùng là quyết định làm biopsy với kết quả như trên.

Đến đây, bệnh tình của cháu đã quá rõ ràng. Cách chữa trị duy nhất là áp dụng phương pháp quang tuyến và hóa học trị liệu. Không có gì đau đớn và dễ sợ cho bằng nhìn thấy những cơn đau quằn quại của cháu trên giường bệnh!

Mặc dầu tôi đã đọc nhiều lần Thánh Vịnh 23, câu 4: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ yên tâm”, nhưng đứng trước thảm cảnh nầy, làm sao tôi có thể giả bộ an nhàn và yên tâm bước trong thung lũng đen tối đó! Không bao lâu, tôi mơ thấy Minh Trân qua đời và mặc dầu tôi không nói với chồng tôi về giấc mơ đó, chồng tôi cũng đoán được một phần sự lo âu tuyệt vọng trong mắt tôi.



Vào ngày lễ Giáng Sinh cuối cùng, trước khi căn bệnh quái ác xuất hiện, “ông già No-en” đã gởi tặng Minh Trân một con chó nhồi bông thật lớn, với đôi vai mềm mại buông thỏng xuống hai bên má và cháu đặt tên là Lu-lu. Cháu rất thích Lu-lu, đi đâu cũng mang theo. Nó là nguồn an ủi lớn của cháu trong thời gian chữa trị ở bệnh viện cũng như ở nhà.. Cháu ôm ấp và tâm sự với Lu-lu như một người bạn. Mặc dầu rất yếu và đã có Lu-lu bên cạnh, cháu vẫn nhờ tôi giúp cháu ngồi xe và đẩy cháu ra vườn thăm cây Thiên Thần của cháu. Đôi mắt cháu mở to vui sướng nhìn những ngọn lá xanh tươi ngày một nhiều trên các nhánh cây khỏe mạnh.

Tôi và Minh Trân thường nói chuyện với nhau hàng giờ mỗi tối. Đôi khi cháu nhìn tôi với đôi mắt u buồn, dường như muốn hỏi bệnh tình của cháu như thế nào! Tuy nghĩ thế, tôi vẫn im lặng, cố nuốt giữ dòng lệ đang dâng trào. Tôi không biết trả lời ra sao, nếu cháu hỏi.

Tôi nhớ vào một buổi sáng, tôi đang chải mái tóc mềm mại của cháu thì từng lọn tóc lả tả rơi xuống. Mặc dầu hết sức sợ hãi, tôi cố lấy can đảm bình tỉnh nói với cháu: “Tại sao chúng ta không tiếp tục chải để lấy những sợi tóc rối nầy ra?”. Ngay lúc đó Minh Châu xuất hiện ở ngưỡng cửa, tôi nhìn lên khuôn mặt khả ái của cháu lắc đầu làm dấu. Cháu hiểu ý, lí nhí nói: “Mẹ, để đó con chải cho em.”

Nhiều năm trôi qua, tôi và Minh Châu ôn lại thời khắc đau đớn đó, thời khắc mà chúng tôi khám phá ra rằng chúng tôi đã mang một tâm trạng chung: xót xa, yêu thương và tuyệt vọng! Nhưng cháu cũng như tôi đã làm ra vẻ không có gì quan trọng xảy ra để cho Minh Trân an tâm dưỡng bệnh.

Tháng 6, Minh Trân có vẻ khỏe hơn. Cháu có thể đi xe đạp quanh nhà. Nhưng chẳng được bao lâu, bệnh tình đột nhiên trở nặng bắt buộc chúng tôi đem cháu vào lại bệnh viện. Các bác sĩ thở dài thất vọng. Không thể hành hạ cháu bằng phương pháp “hóa học trị liệu” được nữa. Chúng tôi đành đem cháu về nhà săn sóc, hàng ngày y tá tới chích thuốc an thần. Tuy vậy chúng tôi vẫn không dám nói với cháu về tình trạng nghiệt ngã nầy.

Chúng tôi quyết định giúp cháu được sống vui vẻ cho đến giây phút cuối cùng. Chúng tôi chở cháu và Lu-lu đi thăm viếng các nơi, nhất là những trung tâm hành hương, những Thánh đường nổi tiếng, những thắng cảnh thiên nhiên và thỏa mãn những gì cháu yêu thích.

Ngày 17 tháng tám, đứa con gái bé bỏng yêu quí của tôi bổng nhiên chìm vào cơn hôn mê. Vài ngày sau, nhịp tim chậm dần và cuối cùng dường như đã ngừng lại. Tôi thốt lên:
- Hết rồi!
- Vâng hết rồi! Bác sĩ đứng túc trực bên cạnh giường nhẹ nhàng nói.

Lễ an táng đơn giản với nhiều người tham dự. Tất cả mọi người không cầm được nước mắt khi nghe ca đoàn hát bài cuối cùng tiển biệt cháu bình an về với Chúa trên cõi vĩnh phúc. Từ nay cháu không còn đau khổ lo âu vì bênh hoạn nữa và được sống hạnh phúc bên cạnh các Thiên Thần mà cháu đã ngưỡng mộ và tôn kính từ khi mới có trí khôn.

Chúng tôi trở về, ngôi nhà vắng tanh, Lu-lu ngồi im lìm trên giường, kiên nhẫn đợi chờ cô chủ. Bên ngoài, trời nắng gắt, oi bức khó chịu, cây Thiên Thần đang cô đơn đợi chờ một bàn tay săn sóc. Chúng tôi cũng vậy, cảm thấy thật cô đơn!

Tôi đã nghĩ rằng sự ra đi của Minh Trân sẽ giúp tôi thư giản, giải thoát được những day dứt buồn đau. Để tiếp tục sống kiên cường, tôi tìm cách xóa bỏ những gì còn lại của Minh Trân. Tôi bán hết tủ giường bàn ghế của cháu, mang các đồ chơi và quần áo đến hội bác ái. Riêng Lu-lu, tôi không nở cho đi và đã lặng lẽ dấu kín vào một một góc trong phòng chứa đồ. Trong nhà chỉ còn lại con mèo mướp nằm bẹp hàng giờ trên sàn nhà với đôi mắt u sầu. Nó là con vật duy nhất có thể biểu lộ sự tiếc thương người bạn thường vuốt ve nâng niu nó, còn chúng tôi lại cố đè nén, không muốn để lộ nỗi lòng của mình, không muốn nhắc nhở đến những kỷ niệm buồn vui đã trải qua. Chúng tôi nghĩ rằng đó là cách hay nhất để có thể trở lại đời sống bình thường như trước. Mỗi một chúng tôi như đang thu mình trong một khối thủy tinh, cô đơn, khắc khoải với những ý nghĩ riêng tư của mình!

Ngồi một mình nhìn ra cửa sổ, tôi lại suy tư, lại cảm thấy mình còn nhiều thiếu sót trong sự cố gắng bảo vệ Minh Trân trước cơn bạo bệnh, cảm thấy mình chưa làm tròn bổn phận của một người mẹ, đã không làm dược gì nhiều để nâng đỡ và an ủi cháu. Tôi không biết việc tôi dấu diếm không cho cháu biềt rõ sự thật là đúng hay sai. Lòng tôi băn khoăn không yên, ruột gan như thắt lại khi nghĩ đến. Hình ảnh tươi cười dịu dàng của cháu thường ẩn hiện trước mắt tôi, nhất là trong giấc ngủ. Làm sao tôi có thể thoát được những suy tư ám ảnh nầy? Tôi cho rằng việc quan trọng nhất là phải cứng rắn, đừng để chảy nước mắt.

Trong thời gian khổ đau nầy, cây Thiên Thần và nhất là ngôi nhà nhắc nhở tôi nhiều về sự ra đi của cháu. Chúng tôi quyết định dời nhà, nhưng hứa sẽ bứng cây Thiên Thần về nhà mới vào mùa xuân, vì nó là bạn thân, là công lao, là niềm hi vọng của cháu, chúng tôi không thể rời bỏ.

Càng ngày tôi càng ý thức được rằng ý tưởng “quên đi’ của chúng tôi thật viển vông và đáng thương, vì khi chúng tôi di chuyển vào nhà mới, tất cả những nhớ nhung buồn đau vẫn bám sát chúng tôi. Chắc chắn chúng tôi không thể quên được nụ cười rạng rỡ và ánh mắt tinh nghịch của cháu. Chúng tôi càng muốn xóa đi những kỷ niệm, chúng lại càng mờ ảo xuất hiện trong trí nhớ chúng tôi.

Vào một buổi sáng thứ tư, trời còn se lạnh, chúng tôi trở lại nhà cũ bứng cây Thiên Thần về. Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm săn sóc nó như Minh Trân đã làm. Chúng tôi trồng nó ở vườn sau, gần cửa sổ để mọi người có thể nhìn thấy từ trong nhà.

Đời sống vẫn tiếp tục trôi mau. Tôi vẫn còn ở nhà lo chăm sóc Minh Châu và Minh Ngọc. Mỗi lần nhìn thấy cây Thiên Thần, tôi lại không thể không nhớ đến Minh Trân.

Bảy năm sau khi Minh Trân qua đời, một hôm, chồng tôi rủ tôi theo anh đến tham dự buổi họp mặt của hội “Những Người Bạn Cùng Chung Một Cảnh Ngộ”. Có lẽ ảnh muốn giúp tôi tham gia những sinh hoạt chung để nguôi ngoai cơn buồn mà bên ngoài tôi cố kềm giữ không để lộ ra chăng?

Trong buổi họp, người điều khiển nói: “ Chúng ta đã từng mất đi một người thân yêu và đã vượt qua được cơn đau buồn, chúng ta nên giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh đương đầu với sự mất mát họ đang phải đối diện”. Bỗng nhiên tôi đùng đùng nổi giận, đứng dậy buột miệng nói: “Trời đất ơi! Tại sao tôi lại phải giúp người khác? Trong suốt thời gian bảy năm dài dằng dặc, có ai ngó ngàng gì đến tôi đâu, dù chỉ là một câu an ủi!” Tôi ngồi xuống ngạc nhiên khi thấy mọi người nhìn tôi im lặng. Tôi ngượng ngùng rón rén ra xe về nhà.

Rồi một sự việc khác xảy đến. Cháu Minh Châu vứa tốt nghiệp đại học và đang sống ở London, chỉ cách Toronto vài trăm cây số, gọi điện thoại nói lên một sai lầm lớn của chúng tôi trong những tháng năm qua, đó là tìm đủ mọi cách để “quên”. Trong lúc đang giải thích, tự nhiên cháu nói:
- Mẹ à, con Lu-lu ở đâu? Xin mẹ lấy nó ra và ôm chặt nó vào lòng dùm con.
Tôi hỏi:
- Tại sao?
- Đó là cách hay nhất để con tỏ lòng nhớ đến em con.

Chúng tôi thật xúc động và bắt đầu nói về Minh Trân, về tính vui vẻ, sự khôn ngoan và cách cư xử tuyệt diệu của cháu đối với mọi người, những điều mà bấy lâu nay chúng tôi tránh né, không dám đả động đến. Cám ơn Lu-lu, nhờ nó mà mẹ con chúng tôi đã có thể trao đổi những cảm nhận sâu xa nhất.

Từ ngày đó, Lu-lu không còn bị dấu kín trong phòng chứa đồ phế thải nữa và đã trở nên một thành phần nổi bật trong gia đình chúng tôi. Cuộc sống của tôi thay đổi khi tôi bắt đầu nói với những người khác về đứa con thân yêu của tôi, về những bài học rút ra từ đời sống ngắn ngủi của cháu.

Nhờ tôi đã thoải mái chia sẻ những khắc khoải ẩn dấu trong lòng với những người bạn trong nhóm “Cùng Chung Một Cảnh Ngộ”, tôi nhận thức được chính trong thâm tâm, tôi cũng đã từng chờ đợi được một người nào đó hiểu tôi, giúp vực tôi dậy và thấy được giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình, giúp mình chấp nhận để vượt qua nỗi buồn đau.

Hiện nay, vào mỗi mùa Giáng Sinh, tôi đến gặp mặt các gia đình mất con vài lần. Bên cạnh tôi luôn luôn có Lu-lu đã bờm xờm vì tuổi tác, nhưng vẫn còn phản chiếu lòng thương yêu của Minh Trân chất đầy trên nó. Tôi nói với họ đã bao năm qua Lu-lu bị bọc kín trong bao nhựa và để trong phòng chứa đồ để chúng tôi quên đi những kỷ niệm về Minh Trân. Tôi nói với họ về sự tranh đấu lâu dài của tôi đối với cái tang nầy. Tôi khuyến khích họ chống lại sự thúc dục tỏ ra “kiên cường” để quên và nên ôm lấy những kỷ niệm của đứa con đã qua đời. Có như vậy, đứa con mới sống lại trong tim họ, cũng như Minh Trân đã trở lại sống mãi trong tim tôi.

Minh Ngọc mới 12 tuổi khi Minh Trân lìa đời, không bao giờ nhắc đến em nó trong những năm qua. Cháu cho rằng “Hội Bạn” tôi lui tới là một hôi ngớ ngẩn, lố bịch. Rồi một đêm đang ở đại học, cháu xúc động điện thoại cho tôi, cũng như Minh Châu đã gọi tôi mấy năm trước. Cháu bảo cháu đang học về đề tài “sự chết” và hôm nay cháu muốn cùng tôi ôn lại và chia sẻ những kỷ niệm liên hệ đến Minh Trân.

Nay hai đứa con gái chúng tôi đã lập gia đình, vợ chồng chúng tôi dời về một chỗ ở nhỏ hơn. Lúc nầy cây Thiên Thần của chúng tôi đã cao trên 10 mét, không di chuyển được nữa. Như một món quà tặng chồng, tôi chụp hình cây Thiên Thần sum sê đầy sức sống, phóng lớn và treo ngay trong phòng ngủ. Cây Thiên Thần xanh tươi, cao lớn, mạnh khỏe là bằng chứng hùng hồn nói lên lòng Tin và niềm Hi Vọng mãnh liệt của Minh Trân đã được thể hiện.

Đứng trước căn bệnh ngặt nghèo, vô phương cứu chữa của đứa con thơ ngây, tôi đã mất đức tin, không còn tin “Chúa luôn ở cùng” và “bảo vệ” tôi. Sau bảy năm cô đơn sầu khổ, tôi mới nhận ra đựợc Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi, Chúa đã giúp đỡ tôi bằng cách nầy hay bằng cách khác, đặc biệt Ngài đã từ từ dùng bàn tay của các bạn cùng hoàn cảnh, bàn tay của chồng và hai đứa con lớn của tôi dang ra vực tôi dậy.

Khuê Diệp phóng tác.

2 comments:

  1. Anh chị Khuê Diệp mến,

    Anh chị luôn chọn lựa rất kỹ những mẫu chuyện đầy ý nghĩa để phóng tác, nên các bài viết của anh chị luôn mang tính tích cục, hướng thượng, luân lý và đạo đức. Qua phóng tác này người đọc bị xúc động và được thôi thúc để luôn sống lạc quan, tin tưởng và yêu thương. Bé Minh Trân và cây thiên thần đưọc coi như hai hình bóng biểu tượng của sự sống thuận theo ý Chúa. Minh Trân vẫn sống mãi trên nước trời và cây thiên thần vẫn phát triển tươi tốt nơi trần gian là hai ấn tượng mà người đọc sẽ nhớ mãi trong tâm khảm.

    Lời văn cú pháp rất ngắn gọn, bình dị trong sáng. Cốt chuyện thật xúc động, mang tính tôn giáo sâu sắc. Cám ơn anh chị nhiều nhé!

    Rất mến,
    CT

    ReplyDelete
  2. Con người ta có thể mất mát nhiều thứ trên đời, nhưng không thể mất niềm tin và hy vọng. Nếu ta còn chút niềm tin , chút hy vọng ta vẫn có thể sống dồi dào, sống tươi vui như CÂY THIÊN THẦN của bé Minh Trân trong câu chuyện này. Riêng Vũ Thủy cũng đã trải qua chút kinh nghiệm sống với niềm tin và hy vọng:


    LẼ SỐNG ĐỜI CON
    Chúa cấm con thất vọng
    Vì Chúa tạo nên con
    Từ mầm xanh hy vọng
    Cho đời thêm sức sống

    Chúa cấm con ngã lòng
    Vì Chúa đã tạo con
    Trong thân phận mỏng dòn
    Nhỏ nhoi và yếu đuối

    Chúa muốn con trông cậy
    Vì Chúa trọn tình thương
    Tình Ngài luôn sặn đợi
    Con tìm về tựa nương

    Chúa bảo con hy vọng
    Vì Người là lẽ sống
    Là ánh sáng đời con
    Con bây giờ vui hát!

    2/11/2009
    Cảm hứng sau khi đọc Tin vui Thời Điểm
    Các câu trích dẫn từ bài viết của Cha Trần Cao Tường:
    Chúa cấm con thất vọng
    Chúa cấm con ngã lòng
    Chúa muốn con trông cậy
    Chúa bảo con hy vọng

    VŨ THỦY

    ReplyDelete