Wednesday, December 23, 2015

Duy Hân và gia đình xin mến chúc quý tu sĩ nam nữ, quý cô bác, anh chị em & các cháu một Giáng Sinh và Năm Mới 2016 tràn đầy sức khỏe, niềm vui.
Mong ông già Noel sẽ mang tới tặng mỗi người một bao thật to đựng đầy thời gian. Với nhiều thì giờ, chúng ta sẽ đủ kiên nhẫn để tỏ lộ sự yêu thương, quan tâm tới người trong gia đình rồi tới tha nhân và quê hương. Với nhiều thì giờ, chúng ta sẽ không bị căng thẳng mất bình tĩnh với người khác, và hằng ngày sẽ có giờ ngồi nghiệm lại những việc tốt mình đã làm để mỉm cười....

Đầu năm, xin gởi quý anh chị xem thử Lịch Cờ Vàng 2016 của gia đình Duy Hân, xin mở PDF file đính kèm / bấm vào link Youtube:

Thơ Duy Hân - Ông già Noel
 
Ông già Noel ơi
từ Bắc cực xa xôi
ông mang quà đi phát
thì nhớ ghé đây chơi
 
Việt Nam rất xa xôi
nóng và khổ muôn đời
lại mới thêm lụt lội
ông sẽ khóc cho coi !
 
Em cũng đã không vui
mấy mùa Noel rồi
áo, cơm không đủ ấm
mẹ em ....cũng chịu thôi !
 
Bố em đã mất rồi
trong chiến trận mù khơi
thê lương và đổ nát
niềm thương nhớ nào vơi
 
Em ngước mắt lên trời
ngắm vì sao chơi vơi
sao hôm còn lấp lánh
lệ còn tràn mắt môi
 
Ông có ghé đây chơi
cho em nhắn đôi lời
xin mang theo khăn thắm
lau lệ sầu muôn nơi
 
Nhưng già Noel ơi
trong u sầu tả tơi
em vẫn mong vẫn đợi
một niềm tin lên ngôi
 
Em tin Đấng trên Trời
sẽ ban muôn muôn lời
Hồng ân và an ủi
kiếp khó nghèo, đơn côi
 
Ông nhớ ghé đây chơi
ông già Noel ơi
Giáng sinh đã đến rồi
vui lên đi, người ơi !!
 
Trịnh Tây Ninh 

Chuyện Ngắn Duy Hân - Kẹo

Kẹo tiếng Anh là candy, tiếng Pháp là bon bon, tiếng Ý là caramelle, tiếng Bồ đào nha là doces, tiếng Tàu là tòng cổ. Riêng tại Việt nam, kẹo có rất nhiều loại, nhiều nghĩa. Kẹo que để mút, kẹo bạc hà để ngậm, kẹo gum để nhai, kẹo mè xửng, kẹo gừng, kẹo chuối, kẹo ... hầm bà lằng đủ thứ. Kẹo thắng bằng đường để ra nước mầu kho thịt, người Bắc gọi là kẹo đắng. Khi ghen tương giận dữ, người ta có thể cho tình địch ăn một viên kẹo đồng. Câu chuyện xảy ra hồi Noel năm ngoái mà tôi sắp kể ra đây, cũng có liên hệ đến kẹo, nhưng là một loại kẹo khác: Kẹo ... kéo!!
 
Kẹo kéo theo nghĩa bình thường là lọai kẹo dẻo, trắng, dễ kéo dài uốn nắn, có lấm tấm đậu phọng ăn rất thơm ngon. Thuở còn đi học tôi mê món kẹo này lắm, lâu lâu được cho tiền ăn quà là tôi mua ngay lấy một miếng nhâm nhi. Gương mặt và bàn tay của ông bán kẹo kéo đến giờ tôi vẫn nhớ. Nhưng miếng kẹo kéo mà tôi có được Noel năm ngoái không dễ nuốt như vậy. Nó có chút hương vị đắng cay, lo lắng, bồi hồi nhưng kết cuộc cũng không kém phần ngọt ngào, đáng nhớ. Thôi để tôi kể huỵch toẹt ra cho rồi, kẻo mất thì giờ của quý vị.
 
Số là gia đình tôi từ thuở ban đầu đã có chút gì lộn xộn, trật vuột. Chàng gốc người Trung nhưng nói tiếng Bắc, còn tôi là gái Bắc nhưng nói tiếng Nam. Trong nhà vô tình chia ra hai phe. Tôi và đứa con gái lớn mang quốc tịch Mỹ, thích ăn ngọt, tính tình chậm chạp, hạp rơ với nhau hơn. Chàng và đứa con gái nhỏ lại có quốc tịch Canada, thích ăn mặn, cách làm việc lanh lẹ, dứt khoát. Đứa con thứ nhất da đen ngăm, mắt tròn xoe nhìn giống như Phi-luật-tân. Đứa thứ hai lại tròn trĩnh, mắt một mí nên trông như lai Tàu.
 
Tuy lộn xộn thế nhưng gia đình tôi nói chung rất đuề huề, hạnh phúc. Thỉnh thoảng cũng có lúc canh không ngọt, cơm không lành nhưng giận nhau tối đa một tuần là ... đình chiến. Hai bé Trâm và Kim cũng tương đối ngoan ngoãn, thông minh nên dù nghèo chúng tôi cũng không lấy làm buồn phiền, than thân trách phận. Chúa cho chúng tôi rời được Việt nam, mới đầu đứa đi Mỹ, đứa ở Canada, bây giờ được đoàn tụ vui vẻ, thì lý nào lại than thở khen chê. Chỉ có cái tôi chưa xin được giấy phép đi làm ở Canada, còn ở nhà trông con nên đôi lúc cũng thấy buồn, mang mặc cảm vô dụng, nhất là kinh tế gia đình có phần eo hẹp, chỉ sống bám vào đồng lương căn bản của chàng.
 
Đúng ra, tính tôi còn kẹo hơn tính chàng nhiều, vì lúc ở Việt Nam sống tại tỉnh nhỏ, gia đình không khá giả gì, ba má tôi lại luôn khuyên nhủ phải tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn, nên tính hà tiện đã đi sâu vào tâm huyết, khó mà tẩy rửa. Bắc kỳ ăn cá rô cây! Xài chút gì tôi cũng thấy phí chưa cần thiết, luôn tính toán so đo, suy nghĩ nếu ráng để dành sau này mua cái khác cần thiết hơn sẽ có lợi hơn (nhưng hiếm khi nào tôi mua cho mình cái khác đó) Chàng rộng rãi hơn, thích đồ đẹp, thích đi ăn tiệm, nhưng dưới sự kiểm soát của tôi và hoàn cảnh gia đình, chàng cũng không được rộng tay xài thoải mái. Nói không phải tự khen mình, nhưng nếu không nhờ tôi, làm sao gia đình có đồng ra đồng vào, không phải vay nợ hoặc cà visa thê thảm. Một đầu lương mà 4 miệng ăn, lại phải giúp người ở VN, đâu phải chuyện dễ. Bé Kim hình như cũng thừa hưởng được bản tính hà tiện di truyền, nên rất căn cơ, khôn trước tuổi. Hễ cầm tờ báo quảng cáo lên thấy món gì ưng ý, câu đầu tiên cháu hỏi là giá bao nhiêu vậy mẹ, và dù tôi trả lời bất kỳ con số nào khác với 99 cents, cháu cũng đều chê mắc không chịu mua.
 
Có hôm trên đường lái xe đến nhà thờ, bé nhờ tôi lấy dùm tờ khăn giấy để nhả miếng kẹo gum trong miệng ra, tôi tiếc tờ napkin trắng nõn nên lục lọi trong túi đưa cho bé tờ giấy hóa đơn tính tiền để thay thế. Ai lại tự nhiên vứt tờ khăn giấy mới tinh vào thùng rác bao giờ! Kim cầm tờ bill trên tay lẩm bẩm:
-Giấy này phía sau còn trắng, có thể để dành vẽ hình được. Thôi để con ráng ngậm thêm hồi nữa, đến thùng rác nhà thờ mới nhả ra!
Chàng phá ra cười:
-Mẹ con nhà trùm sò, thấy bắt sợ!
 
Cũng có lần đọc báo thấy kể chuyện người ta dám bỏ ra $100 để mua một muổng cafe trứng cá, loại cavier gì đó để ăn, tôi đã tiếc rẻ:
-Trời ơi, ăn chỉ có chút xíu mà phải đi làm cả buổi để bù vào. Em mà có $100, đãi cả nhà đi ăn phở cũng còn dư, tô nào tô nấy bự chẳng, no cả ngày.
Xong rồi chưa đủ phê, tôi tự động sửa lại:
-Mà thôi cũng chẳng cần đi tiệm phở làm gì cho tốn công, tốn tiền hao xăng. Đưa $100 ấy cho em, em mua cả đống xương về hầm phở lấy, được tới cả chục nồi.
Có lần đi shopping ngang qua tiệm cafe Second cup, thấy mùi thơm quá tôi buột miệng khen:
-Cafe thơm quá.
Chàng tấp vào ngay định mua hai ly, tôi hãi hùng ngăn cản:
-Họ bán gần $5 một ly, mua làm gì?
Chàng ngạc nhiên hỏi lại:
-Chính em nói thơm mà!
-Em nói thơm, chứ em đâu có nói mua. Muốn uống cafe phin về nhà em pha, thơm ngon có kém gì đâu!
 
Chàng và Trâm cười khúc khích, ra điều tôi quá đáng. Qua tới Âu Mỹ rồi, tôi cũng không thích kẹo kéo làm gì, nhưng ăn theo thuở ở theo thì, chừng nào tôi có giấy tờ đi làm lúc ấy sẽ tính. Tôi tự biện hộ cho mình: Kẹo với nhau trong nhà thì OK, miễn ra đường cũng đóng góp đàng hoàng vào chuyện chung, quà cáp tặng người ngoài cho phải phép là được rồi. Vả lại đàn bà Việt nam có căn cơ chút đỉnh cũng không sao, coi như bản tính tốt, đàn ông mà riết róng keo kiệt quá mới kỳ cục. Chân lý trên đời là chỉ đàn bà mới được độc quyền kẹo, đàn ông không thể xâm phạm quyền này!
 
Có lần tôi đi dự đám cưới người bạn thân, cũng nổi hứng đi tiệm làm móng tay, móng chân cho le lói. Làm gần xong tôi mới hối hận. Nó vừa khó chịu, vừa bất tiện lại tốn thêm tiền. Của đáng tội, mới đầu nghe bà chủ tiệm « neo » dụ chỉ tốn $5, tôi cứ tường là giá cho nguyên bàn tay, quên rằng bàn tay có 5 ngón, vì họ tính riêng $5 mỗi ngón. Khi biết ra thì đã lỡ rồi, đâu có rút lại được. Không lẽ làm một tay và để nguyên một tay!! Báo hại trong đám cưới tôi cứ sòng sành, cử động hai bàn tay liên tục để các bà chú ý vào bộ móng mới. Biết vậy để tiền bới tóc còn sướng hơn, làm tóc người khác không cần chú ý lắm cũng thấy ngay. Làm móng tay cũng tốn bằng ấy tiền mà ít ai biết tới. Thật là dại dột, tiếc tiền ruột đau như cắt.
 
Thế nhưng không hiểu hà tiện có máu lây hay sao, mà gần đây chính chàng lại cũng tằn tiện hơn nhiều, khác hẳn với tính khí trước kia. Chàng đã vi phạm quyền hà tiện của đàn bà một cách thô bạo. Đi chợ tôi lấy thứ này bỏ vào xe, chàng tính toán và bỏ ra lấy thứ khác. Có lần phải mua bộ đồ mùa đông cho bé Kim, ngày hôm sau thấy flyer quảng cáo giá giảm xuống còn 50%, chàng đã lặn lội lái xe đi trả rồi mua lại đúng bộ đó với giá mới, bớt được 50%. Trước đây nếu tôi nẩy ra “idea” này thì chính chàng sẽ càm ràm, không bao giờ chịu đi đổi. Chàng lại không muốn đi ra ngoài ăn nữa, dù chính tôi đề nghị. Rồi chuyện này đến chuyện khác, tự nhiên tôi đâm ra lo và thấy ớn người hà tiện quá. Đàn ông mà kẹo kéo sao thấy không giống ai. Hơn nữa gần đây chàng lại dở chứng không đưa tiền cho tôi giữ. Tôi cũng tự ái không muốn mở miệng ra hỏi. Anh đi làm overtime nhiều hơn, về trễ hơn nhưng không nói năng gì đến tiền thặng dư, mặt khác lại cẩn trọng trong việc tiêu tiền hơn nữa. Tôi bỗng lạnh mình. Trời ơi, có thể chàng đang có vợ bé, hoặc có con rơi con rớt ở đâu cần phải support. Thiếu gì những chuyện đàn ông đổi tính dở quẻ, mang của nợ về bắt vợ nuôi hoặc tự động gởi giấy ly dị về bắt vợ ký, dù không hề có dấu hiệu mèo mỡ gì khả nghi báo trước. Tôi hết sức rầu rĩ, ngày nào cũng rờ rẫm, lục soát, hít ngửi quần áo chàng nhưng chàng dấu rất kỹ, tôi chưa bắt gặp bằng chứng rõ ràng.
 
Khuôn mặt chàng từ lúc bắt đầu biết tính toán, keo kiệt trông tối tăm hẳn ra, không thấy oai vệ phương phi như trước nữa. Chàng lại úp úp mở mở thật là khả nghi, tôi vặn vẹo, điều tra thế nào cũng không xong. Chàng lại còn tuyên bố là dù có vợ nhỏ, chàng cũng sẽ không bỏ tôi đâu mà sẽ cưới luôn hai em cho trọn nghĩa!
 
Lễ Giáng sinh đã gần tới, nhưng tôi không còn lòng dạ nào để trang trí, nấu nướng tiệc tùng. Năm nay thôi nghỉ mừng lễ một lần, chờ chàng đổi tánh hay công việc ngả ngủ ra sao rồi hãy tính. Cùng lắm thì ly thân thôi chứ gì. Tôi không thích ràng buộc nhau khi tình đã hết, tại sao lại phải van xin chút tình cảm thừa? Chàng chê cơm nguội thì dù khi đói lòng, cũng đừng hòng tôi tha thứ. Công nhận gần đây tôi gầy đi và xấu hẳn. Thôi cũng đành! Tội nghiệp Trâm và Kim, hai đứa thấy ba má có gì đó trục trặc, nghi ngờ quạu quọ với nhau, nên cũng ít cười đùa, ca hát như trước. Chúng hay tròn xoe mắt nhìn thái độ dò hỏi, bực bội của chúng tôi.
Đêm vọng Giáng sinh, chắc không chịu được không khí căng thẳng, tẻ lạnh, chàng thay quần áo bảo tôi sửa soạn đi lễ. Tôi chua chát:
-Không vui thì đi lễ đêm làm gì? Trời lại lạnh quá, thôi để mai đi lễ trưa cho tiện.
Chàng nhất định bắt buộc tôi phải đi, đi thì đi đâu có sao, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Với tôi, sự đổi tính và thái độ dấu giếm gian dối của chàng mới là quan trọng, còn đi lễ hay không chỉ là chuyện nhỏ.
 
Vào nhà thờ, nghe nhạc vọng Giáng Sinh đầm ấm rộn ràng mà tôi muốn khóc. Chúa Hài đồng sinh ra trong đói rách khó hèn, nhưng gia đình Thánh Gia luôn ấm cúng yêu thương. Còn gia đình nhỏ bé của tôi, chỉ giống được Thánh gia ở chỗ ... khó hèn chật vật, nhưng hạnh phúc gần đây tự nhiên biến mất, tất cả chỉ vì chàng!
 
Lễ xong, tôi cũng cố gắng vui vẻ dọn thức ăn cho gia đình ăn reveillion, rồi thúc Trâm và Kim khui quà. Vì tình trạng kinh tế gia đình cắt giảm, quà của hai bé năm nay rất đơn sơ, nhưng hy vọng chúng cũng sẽ vui vì dẫu có buồn chàng, tôi vẫn luôn yêu thương, chăm sóc hai con hết lòng, chắc chắn chúng cảm nhận được. Nói dại, sau này có chia hai chàng đi ở với vợ bé, tôi sẽ dành quyền nuôi con, nhất định không chia cho chàng đứa nào.
 
Suy nghĩ miên man, tôi ăn không vô. Chàng thì cứ cười cười làm như hiền lành ngây thơ vô số tội, bảo tôi đi mở quà. Tôi chán ngấy, già cả rồi còn quà cáp chi cho lôi thôi, những Noel trước chúng tôi làm gì có lệ tặng quà cho nhau. Lo quà cho con, cho cháu còn chưa xuể nói chi là cho người lớn. Trước tiếng vỗ tay reo hò của con, tôi đành miễn cưỡng khui hộp giấy to tướng - nhưng nhẹ tênh. Trong hộp giấy to là hộp giấy nhỏ, trong hộp giấy nhỏ là hộp giấy nhỏ hơn, Trâm và Kim thích thú reo hò, hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng, trong chiếc hộp nhỏ xíu, một chiếc nhẫn kim cương xinh xắn, sáng lóng lánh hiện ra. Tôi lặng người đọc kỹ tờ thiệp gời kèm:
 
Em yêu,
Dành cho em một sự ngạc nhiên. Lâu rồi thấy vợ chồng mình bận rộn, lo lắng nhiều thứ, em lại tằn tiện cực khổ rất nhiều, nên anh cố gắng làm thêm giờ, hà tiện còn hơn trùm sò, mới mua được chiếc nhẫn này đây, diamond is forever, em đeo nó để nghĩ tới tình anh và con đã hãm mình ép xác trong mấy tháng vừa qua...
 
Nước mắt tôi rơi lả tả trên chiếc nhẫn hột xoàn - có lẽ không lớn lắm so với người khác - nhưng thật là vĩ đại với tôi. Tôi nhớ lâu lắm rồi tôi có trêu chàng là đàn bà ai cũng thích đàn ông cho mình cái hột vừa to vừa cứng, mà có lẽ tôi là người duy nhất chưa hề làm chủ hột nào, dù bé tí xíu. Lúc ấy tôi chỉ giỡn chơi thôi, chứ không cố ý đòi hỏi gì vì tôi hiểu hoàn cảnh gia đình, đâu muốn làm khó chàng.
 
Chàng cười tươi, ánh mắt sáng ngời, lấy tay lau nước mắt cho tôi:
-Được quà Giáng sinh ai lại khóc bao giờ, coi chừng con nó cười cho. Đạt được mục đích rồi anh mừng quá, từ nay không phải kéo kẹo kéo nữa!
 
Tôi vừa mừng vừa xấu hổ, hối hận vì đã nghĩ xấu cho chàng, nước mắt rớt xuống nhiều hơn, giọt nào giọt nấy to tướng ướt đẫm chiếc cà rá hột xoàn.
 
Ngoài sân, ánh đèn Noel như lấp lánh hơn, huy hoàng hơn, tiếng chuông đổ xa xa từ thánh đường kế bên vọng về như nhắc nhở mủa Hồng ân, Tin yêu đang đến ....
 
Nguyễn Ngọc Duy Hân


NHỮNG BƯỚC CHÂN RỘN RÃ -Thơ của Vũ Thuỷ

Ngày 22/12/2015, tôi cùng một số anh chị em khuyết tật Kitô Vua đi thăm những người mù ở huyện Bình Chánh, với mục đích đem niềm vui Chúa Giáng Sinh đến cho họ, và đó cũng chính là một sự ra đi mang lại niềm vui cho mỗi người trong chúng tôi. Chúng tôi mong muốn tạo nên một cuộc giao lưu văn nghệ giữa những người khuyết tật, anh chị em Kitô Vua đã chuẩn bị để hát cho họ nghe những bài hát Thánh ca như: Đêm Thánh Vô Cùng, Cao Cung Lên và Đêm Noel. Với những người mù ở Bình Chánh, dường như đây là lần đầu tiên họ mới được nghe những bài hát này. Chúng tôi tụ hội nhau tại một ngôi đình, nơi nhóm người mù huyện Bình Chánh đã mượn để làm trụ sở sinh hoạt. Lúc còn ở nhà, vì sợ ít người tham gia ca hát, nên bản thân tôi đã chuẩn bị cho mình sẵn 4 bài hát Giáng sinh, dẫu rằng tôi đang viêm họng rất nặng. Nào ngờ cả chủ lẫn khách đều có máu văn nghệ, danh sách các bài hát thì còn dài mà thời gian thì có hạn. Thế là cổ họng tôi không phải làm việc nhiều như tôi đã nghĩ. Chỉ hơi tiếc một điều là, phần đông họ không biết hát nhạc Giáng Sinh, ai có bài ruột nào họ thoải mái đem ra hát: từ vọng cổ cho tới tân nhạc, từ nhạc đạo cho tới nhạc trữ tình. Cốt sao các bạn tôi cảm thấy vui là được. Sau 2 tiếng đồng hồ ca hát, ông già Noel xuất hiện, tai đeo ống nghe loại đặc biệt dành cho người khiếm thính, ông đi đến từng người phát quà cho họ trong tiếng nhạc của bài hát Jingle Bell... Khi ông già Noel đã phát quà xong, hội người mù Bình Chánh mời chúng tôi một bữa cơm trưa, tuy thanh đạm nhưng đậm đà nghĩa tình. Rồi mọi người chia tay nhau trong nỗi niềm quyến luyến. Một số anh chị em khuyết tật Kitô Vua quay về Sài Gòn trên chiếc Daihasu. Còn lại sáu người, chúng tôi sử dụng honda để tiện cho việc đi lại gọn nhẹ, tiếp tục cuộc thăm viếng. Đúng 12giờ 15phút, tôi cùng với người bạn độc nhãn, ông già Noel khiếm thính, hai bạn trẻ ủng hộ viên và một tình nguyện viên, chúng tôi theo sau chiếc honda dẫn đường đi về phía xa hơn, để còn thăm viếng 10 ngôi nhà, nơi có những người mù già cả ốm yếu. Đường đi càng lúc càng xấu, có những ổ voi ổ gà, khiến xe của chúng tôi cứ lồng lên như ngựa, bụi bay mù mịt. Có ngôi nhà ở sâu trong rẫy, từ đường lộ rẽ vào nhà đến 2, 3 cây số. Có những ngôi nhà ở cách xa nhau tới 10 cây số. Người dẫn đường rất nhiệt tình, tuy nhiên, chị và người đứng đầu của hội người mù Bình Chánh tỏ vẻ lo ngại cho chúng tôi, họ khuyên chúng tôi quay về; song, tất cả chúng tôi dù mệt mỏi vẫn quyết tâm đi đến cùng. Có lúc, tài xế riêng của tôi, người bạn độc nhãn với thị lực chỉ còn chưa đến 1/10, đã thốt lên: “Đây mới thực sự là đi thăm viếng!” Và anh ta nói với tôi rằng: “Tôi đi với chị từ bấy đến nay đã hơn mười năm, chưa có chuyến đi nào xa xôi hiểm hóc bằng chuyến đi này!” Phải, lúc đó tôi bắt đầu buồn nôn, vì cái cột sống đã bị thoái hóa của tôi gặp nhiều chấn động khiến tôi cảm thấy đau thấu óc, đường xóc làm cho tôi ê ẩm cả mình mẩy. Tôi nhớ đến chuyện Mẹ Maria trong chuyến viếng thăm bà chị họ Isave, vất vả của tôi nào có thấm gì so với Mẹ? Nghĩ thế, tôi phó dâng mọi sự cho Chúa lo liệu... Chúng tôi cùng nhau đi đến tận nhà, để được thăm viếng những người mù có hoàn cảnh neo đơn già yếu, những người này đã không thể tới tụ họp tại ngôi đình ban sáng với chúng tôi. Hoàn cảnh nào cũng đầy nỗi thương tâm. Khoảng 3 giờ chiều, mọi người đã thấm mệt, chúng tôi đến nhà một người đàn bà mù. Một cuộc đời đau khổ dẫn đến hận thù day dứt vì bị chồng phụ, ngay từ khi con gái của bà còn rất nhỏ. Niềm đau khổ vì bị phản bội, nỗi cơ cực kiếm sống nuôi con trong cảnh mù lòa đã khiến người phụ nữ này hận thù đến độ bỏ cả nhà thờ. Tôi cùng một số anh chị em khuyết tật đến thăm và tặng quà cho bà, bà vui lắm. Đời bà hết khổ vì chồng, lại khổ vì con. Đứa con gái của bà bởi số phận chẳng ra gì, đã lớn lên trong cảnh thiếu ăn thiếu học. Khi đến tuổi lấy chồng, nó chẳng lấy chồng. Nay cặp người này có một đứa con, mốt cặp người nọ thêm hai đứa con, nó vất cho người mẹ mù lòa nuôi, rồi lại cặp kè với người khác. Cứ thế nó đem về cho bà đến 5 đứa con không cha. Người phụ nữ mù lòa kia lại phải còng lưng ra nuôi cháu... Biết chuyện, tôi nhân cơ hội bà đang vui vẻ liền khuyên bà đi nhà thờ. Bà lặng im không nói gì. Sau một lát tôi nghe tiếng bà sụt sùi như đang khóc, tôi hỏi: “Sao dì khóc?” Bà nói: “Dì hận ông chồng dì bỏ dì. Dì đã thề là chừng nào mẹ của dì trăm tuổi, dì mới lại đi nhà thờ, chứ đâu phải dì không muốn đi!” Tôi nhẹ nhàng nói: “Thôi dì đừng nghĩ đến chuyện cũ nữa, cho lòng mình thanh thản hơn, dì ạ!” Bà nói trong nước mắt rằng bà không thể nào quên được những gì ông ấy đã đối xử với bà. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi tôi như mở ra, tôi không khuyên bà đi nhà thờ, tôi nói: “Bất cứ lúc nào dì cảm thấy buồn khổ, hay đau đớn trong mình, thì dì cứ kêu tên Giêsu, dì nhé! Chúa sẽ luôn ở bên dì mỗi khi dì kêu tên Giêsu đó!” ” Bà vui vẻ trở lại và nói: “Dì không đi nhà thờ, nhưng có lúc dì cũng nhớ đến Chúa, dì kêu tên Chúa...!” Tôi ra khỏi đó, trong lòng thầm cầu xin với Chúa, xin Chúa giúp biến đổi tâm hồn người phụ nữ này, để bà quên hết hận thù mà vui sống quãng đời còn lại. Người phụ nữ này chưa phải là cảnh khổ nhất trong số những cảnh đời cơ cực mà chúng tôi đã ghé thăm. Có những cảnh đời cơ cực mà một người bạn đồng hành với tôi đã phát biểu thế này: “Anh ta nằm đó, hoàn cảnh của anh ta còn không bằng con chó ở nhà tôi nữa, cô ạ! Con chó tôi nuôi nó, tôi tắm xà bông thơm cho sạch sẽ, nó ngồi uống cafe với tôi, nó còn sướng hơn anh ta”. Vâng, đó là hoàn cảnh của một người bị chấn thương sọ não, phải nằm liệt trên giường, nhưng không có người thân chăm sóc, ngoài một người hàng xóm mỗi bữa bưng cho chút ít thức ăn. Song, ai trong chúng tôi cũng có cảm giác người phụ nữ này có cái miệng nói nhiều hơn là có cái tâm, Bà mang thức ăn đến cho bệnh nhân, vì đã nhận được tiền của đứa cháu gái gọi anh ta bằng dượng, gởi gắm. Từ cửa ngõ vào nhà, chúng tôi đã ngửi thấy một mùi hôi thối nồng nặc xông ra. Quả thật, bệnh nhân nằm trong một cái phòng còn tệ hơn cái chuồng heo, phân và nước tiểu be bét trên giường, rác rưởi và những gì ở trên giường chảy xuống nền nhà... Thấy tôi cứ quyết tâm đến gần bệnh nhân, người ta kéo tôi lại không cho tôi vào phòng, bảo: “Chị đừng có vào trong đó, dơ lắm, anh ta còn biết gì nữa đâu mà thăm!”. Nhưng tôi nói với mọi người: Mình đã vượt bao nhiêu cây số đến đây, tại sao lại không vào thăm anh ta một chút! Thấy tôi quyết tâm như vậy, một bạn trẻ dắt tôi tới cửa phòng, hướng cho tôi nhìn về phía ánh mắt của bệnh nhân, bảo: Chị nói chuyện với anh ấy đi, anh ấy đang nhìn chị đó. Tôi nói với anh ta: Hôm nay anh chị em khuyết tật Kitô Vua đến thăm anh, mang sự bình an của Chúa đến với anh. Ông già Noel sẽ phát quà cho anh... Rồi họ lại kéo tôi ra ngoài, cô gái trẻ hiểu lòng tôi, cô tiến đến tận giường, đặt bao thơ tiền vào tay bệnh nhân. Khi trở ra, cô kể cho tôi nghe rằng: anh ấy cười với em chị ạ! Lòng tôi chùng xuống nặng trĩu buồn như chưa bao giờ buồn như thế, vì thương cho hoàn cảnh của anh. Người ta cứ nghĩ là anh chẳng biết gì, thế nhưng anh vẫn còn biết cười khi có chúng tôi đến thăm, có nghĩa là anh đang rất khao khát tình yêu đồng loại... Thực ra, người chúng tôi định đến thăm là một ông già mù, liệt hai chân. Ông già mù đó là bố vợ của người bại liệt này, khi chúng tôi đến nơi, mới biết tin ông già mù đã nằm bệnh viện từ trước đó 3 tuần rồi. Tình huống này khiến chúng tôi bối rối, nhưng rồi chúng tôi đã quyết định tăng thêm phần quà cho ngôi nhà ấy. Bảo nhau cử người ngày mai sẽ đến bệnh viện trao quà cho ông cụ, đồng thời chúng tôi còn đưa tiền cho người hàng xóm, để bà này vui vẻ giúp đỡ bệnh nhân. Ngay lúc ấy, chị Loan, người dẫn đường cho chúng tôi đã nhanh nhẹn xách 2 thùng nước vào chà rửa sàn nhà cho bớt hôi thối. Chị cứ xuýt xoa tiếc rằng nhà chị ở quá xa, nếu không thì chị có thể sẽ hằng ngày đến đây chăm sóc cho con người khốn khổ này... Chúng tôi trở về nhà, ai nấy đều mệt mỏi sau một ngày ra đi với những đoạn đường đầy ổ voi, vào tận những ngôi nhà ở sâu trong đồng ruộng, nhưng lòng thì ấm áp một niềm vui sâu xa. Vừa về tới nhà, tôi đã nhận được điện thoại của những người ở vùng đất chúng tôi đến viếng thăm, họ nói họ rất vui khi được cùng tôi đi thăm các gia đình neo đơn bệnh hoạn, họ có cảm giác như trong ngày Tết, đó là lời của người đi “sưu tầm người mù”. Tôi bật cười khi lần đầu tiên nghe được cụm từ “sưu tầm người mù”, đây có lẽ là ngôn từ riêng của chị Thuận. Chị Thuận, một tân tòng tôi quen biết ở hội người mù quận Tân Bình, sau bao năm tháng sưu tầm người mù, chị đã quy tụ được khoảng 40 người mù ở khu vực huyện Bình Chánh. Tôi thầm cảm phục sự kiên trì nhẫn nại của người phụ nữ này, chị là một người mù đảm đang chịu thương chịu khó. Rong ruổi trên con đường mưu sinh, người phụ nữ mù này đã lân la khắp ngõ ngách để sưu tầm người mù, tôi tin chị đã thấm nhuần Lời Chúa mới có đủ sức kiên trì như vậy. Thế mà, chị lại cứ ngưỡng mộ sự can đảm của tôi. tôi nói cho chị biết, tôi đã ra đi như một người ngôn sứ của Chúa, và mọi sự tôi đã phó thác cho Chúa, tất cả những gì chuẩn bị cho cuộc thăm viếng những người mù và bệnh nhân neo đơn ở Bình Chánh này là do sự sắp đặt của Chúa. Và Lòng thương xót của Chúa đã được thể hiện qua những tấm lòng hy sinh phục vụ của các bạn đồng hành. Tình yêu thương chia sẻ của mọi người khiến chúng tôi cảm thấy bừng ấm một niềm vui. Niềm vui của tôi sau chuyến đi hôm qua tràn ngập trong lòng, không những bản thân tôi mà tất cả những ai có mặt trong chuyến đi này đều có những cảm xúc mạnh mẽ, bởi những gì họ đã mắt thấy tai nghe. Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, tôi cảm thấy như Chúa đang chỉ ra cho tôi thấy những điều kỳ diệu Ngài đã thực hiện nơi tôi. Tất cả những gì đã xảy ra trong những ngày gần đây, đối với tôi là sự sắp đặt kỳ diệu của Chúa, Người làm như thế là để chuẩn bị cho người ngôn sứ đức mọn tài hèn này của Chúa có thể ra đi thi hành sứ vụ của mình một cách tốt đẹp như ý Người muốn! Lạy Chúa! Chuyến đi vừa rồi của con ai nghe qua cũng phải để tâm suy nghĩ, và con đã khẳng định với họ rằng con đã được Chúa dẫn đi một cách an toàn. Quả vậy, con không hề cảm thấy lo lắng gì cho bản thân khi mà biết bao chướng ngại đã được báo trước, bởi con tin mọi sự luôn có bàn tay Chúa quan phòng. Sự thăm viếng và những tặng phẩm các vị ân nhân nhờ con chuyển đến những người nghèo khổ bất hạnh, đã trở nên những thông điệp tình yêu của Chúa trong mùa Giáng sinh này. Giờ đây, con xin dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, vì Chúa đã gìn giữ và bảo vệ con cùng những người đồng hành với con trên suốt chặng đường. Xin Chúa hãy ở lại với những người mà con đã được Chúa dẫn đến viếng thăm ngày hôm qua, Chúa nhé!

Lá Thư Noel- 2015

Gia Đình VCN Ơi , 
Tiết Đông lạnh đã ùa về Bắc Mỹ , màu lá xanh cũng đang ngà màu vàng , để rồi rơi rụng , trải thảm lá vàng trên lối đi , làm bước chân người lữ hành lao xao , như một nhắc nhở về đời người , nhất là đối với những ai đã bước vào tuổi tri thiên mệnh . Phượng không bi quan , khi " tuổi già xồng xộc nó thời theo sau " , nhưng P luôn nhìn vào thực tế đời sống , để hướng đi cuộc đời không " lệch chuẩn " Kito hữu , như Nhà Văn Nguyễn Trọng nhận xét :"Đạo Công Giáo phát xuất từ sa mạc Sinai , nên trong lòng mỗi người Công Giáo đều có một niềm nhớ nhung sa mạc , và một tiếng gọi xa xăm , trở về sống trong Sa Mạc , để tìm lại nguồn gốc tôn giáo của mình và cho lòng mình cảm nghiệm thấy trống rỗng , cô đơn , để đón nhận Thần Khí Chúa từ trời cao đầy Hồng Ân như một cơn mưa rào " _ Có lẽ , P không có cơ may để đặt chân đến sa mạc Sinai , nhưng trong chuyến hành hương Đất Thánh năm 2012 với Cha Tầm Thường , P đã được ngắm nhìn sa mạc Judea trên một đoạn đường dài gần hai tiếng , cho dù chỉ là ngồi trên xe buýt . hai bên đường là những bãi cát mênh mông , tít tắp phía xa là những dãy núi trùng điệp nối tiếp . Và P đã có một ước mơ : được sống trong sa mạc , để có cảm nghiệm như Vị Thánh có sứ mạng dọn đường cho Giesu Nazaret vào đời . Ngài Gioan Tẩy Giả đã được sống trong một khung cảnh tĩnh lặng , trần trụi thực sự , chỉ có chính mình và Đấng Vô Hình , ngõ hầu có thể nghe được tiếng nói của Ngài qua làn gió nhẹ , để việc rao giảng về Ngài trổ sinh nhiều Hoa Trái Giác Ngộ _P còn nhớ , phía cuối dãy sa mạc Judea , còn có một ngọn núi đặc biệt : Núi Cám Dỗ , và P cũng chỉ được dòm từ dưới thung lũng xa cùa vùng Jericho , chứ chưa được đặt chân lên đỉnh cao, nơi đã xẩy ra cuộc
 " vật lộn " giữa Giesu và ba mưu  chước độc hại của ma quỷ _Ngày hôm nay , nếu đứng trên ngọn núi này , nhìn xuống khu dân cư phía dưới , cũng chỉ là đám dân nghèo , P thấy chẳng có gì là nguy nga tráng lệ của một thành phố hiện đại . Nhưng theo lời dẫn giải của Cha Tước : thời của Chúa , nơi đây là thành phố thương mại của cả đất nước , người dân tập trung buôn bán nhộn nhịp sầm uất . Thế nên Satan mới dẫn Chúa lên ngọn núi cao , chỉ cho Chúa thấy khung cảnh bao quát của một phố thị giàu có , để dễ dàng dụ dỗ Ngài quỳ lạy chúng , và chúng sẽ hiến dâng tất cả _ Thời hiện đại , con người cũng đang phải đối diện với sức mạnh vũ bão của Thần Dữ ! Theo Cha Cazzaanga :" Nhật là đất nước có 434 vị tử đạo và hàng trăm ngàn các vị tử đạo khác chưa được biết đến . Nhưng giờ đây , 99% dân số Nhật là vô thần . Sau thế chiến thứ hai , chủ nghĩa hiện sinh phát triển mạnh , thành phố Nagasaki , có thời được xem như trung tâm Kito giáo quan trọng nhất Vùng Viễn Đông . Nhưng trong những năm gần đây , trung bình mỗi ngày có 49 trường hợp tự tử , hầu hết là giới trẻ . Đó là hậu quả của nền giáo dục được thúc đẩy bởi nhu cầu kinh tế , quá nhấn mạnh đến khoa học tự nhiên hơn là nhân văn . Hệ quả , dẫn đến một xã hội vô thần , thực dụng , hiện sinh , tranh đua quyết liệt "_ Thực trạng này , phản ánh đúng nhận xét của Đức Giáo Hoàng Benedicto 16:" Thế gian hứa cho chúng ta sự thoải mái , nhưng người ta không được tạo dựng vì sự thoải mái , mà vì Sự Cao Cả " _Thế nên , có đạt được mọi sự thoải mái của trần gian ban tặng , con người vẫn bất an , khắc khoải cho một điều siêu thực nào đó . Phải chăng , đó là " sự cao cả " (?) . Nhưng để đạt được 
" sự cao cả " mà Giesu Thập Tự mời gọi mỗi người , dù ơn gọi có khác biệt , kẻ ở giữa chợ đời , người trong chốn thiền tu . Đoạn đường đó vẫn luôn chông gai , nhiều thử thách , nhiều hiểm trở . Đúng như câu danh ngôn :" Con đường dài nhất thế giới , là con đường 18 inches từ cái đầu đến trái tim của bạn . Nói cách khác : khả năng biến đổi từ sự hiểu biết đến hành động là một quá trình vô cùng khó khăn " , nhất là tư duy của con người thời nay , người ta " tôn thờ " tự do cá nhân , nên dễ bị dị ứng với những giáo huấn của Giáo Hội ._Hôm nào đây , P đọc tin trên Vietcatholic , được biết : một Giám Mục Thụy Sĩ bị kiện ra tòa , mà nếu bị kết án , Ngài có thể bị phạt ba năm tù , chỉ vì Ngài trích dẫn Kinh Thánh trong sách Lê Vi về vấn đề đồng tính :" Khi người đàn ông nào nằm với người đàn ông khác như nằm với người đàn bà , thì cả hai làm điều ghê tởm ..."_Đức Cha đã bày tỏ sự kinh ngạc tột cùng đến không ngờ
:" Việc trích dẫn Kinh Thánh trong một hội nghị chuyên biệt về Thần Học và học thuật , thuộc phạm vi nội bộ người Công Giáo , lại có thể gây ra một sự chống đối lan rộng và dữ dội như thế hay sao !?"_ Lời than thở của Đức Cha , làm P nhớ đến lời nguyện cầu của Thánh Gregorio thành Narek :" Lạy Chúa , xin nhớ đến cả những người trong nhân loại , vốn là kẻ thù của chúng con . Và vì ích lợi của họ , xin ban cho họ sự tha thứ và thương xót . Đừng triệt hạ những kẻ bách hại con , nhưng hãy sửa đổi họ , nhổ tận rễ những con đường xấu xa của thế gian này , và cấy trồng điều thiện hảo trong con và trong họ "_ Hằng năm , như thông lệ , khi những tờ lịch vơi cạn dần , P giãi bày tâm sự với Cả Nhà trên trang điện thư về những suy tư đời người , và về Một Biến Cố , Một Con Người mà thế gian " tin hay không tin , chấp nhận hay không chấp nhận biến cố Giáng Sinh , thì Chúa Giesu vẫn là trung tâm của lịch sử. Trong quá khứ , nguyên tổ đã làm cho lịch sử con người thành lịch sử tội lỗi , dẫn đến sự chết . Nhưng khi Thiên Chúa Làm Người , bước vào trong lịch sử nhân loại . Ngài xoay chiều lịch sử , Ngài định hướng lại lịch sử , để biến thành một lịch sử thánh thiện , dẫn đến Sự Sống , Hạnh Phúc ,và Niềm Vui "_Đúng như lời tuyên bố của một Bí Thư Đảng Cộng Sản Pháp :
" Khi Kito giáo tuyên xưng rằng , Đức Kito sống lại từ cõi chết , điều đó có nghĩa là : không một ai , không một cái gì trong cuộc đời này , kể cả sự chết , có thể ngăn cản niềm hy vọng của họ " _Điều này đã là một chứng từ hùng hồn cho toàn cõi đất , qua cái chết tử đạo của một số anh em Kito hữu  trong cuộc biến loạn ở Iraq , Syria , khi  cái đầu sắp lìa khỏi cổ bởi bàn tay tàn ác của phiến quân IS , nhưng môi miệng họ vẫn không ngừng kêu tên " GIESU "_ P cũng như các Anh Chị được sống trong một quốc gia ưu  việt về tự do , dân chủ . Có lẽ chẳng bao giờ có được cái phúc tử đạo theo kiểu đó , mà thực sự P cũng rất sợ hãi kinh hoàng ! nếu như Chúa có ban cho cái phúc đó , chắc là cũng chùn bước không dám nhận , P chỉ dòm trên ti vi thôi , mà không đủ can đảm , phải nhắm mắt lại ! Nhưng các Anh Chị à , không đổ máu , không hẳn là không tử đạo , vì " tử đạo là căn tính của người Kito hữu  " kia mà . Chính Chúa đã nói :" Nếu các con không chết đi cho chính mình , các con không xứng đáng là môn đệ Thầy " . Nhưng để sống được chiều kích tử đạo đó từng ngày , trong suốt chuỗi ngày tại thế , P tưởng chừng đó là một điều không tưởng ! Cicero đã nói :" Con người là kê thù khủng khiếp nhất của chính mình ". Tuy nhiên , Gordon lại khuyên rằng :"nếu chưa làm được những gì mình muốn , thì ít ra cũng phải muốn điều mình có thể làm " . Hơn nữa , với niềm tin vào Giesu Thập Tự , người Kito hữu  vững tin tiến bước ,  nhờ vào sức mạnh của lời cầu nguyện . Nhà Bác Học Ampere đã xác quyết :" Con người chỉ thực sự vĩ đại khi chúng ta biết cầu nguyện " , và Teilhard De Chardin cũng lạc quan trong hy vọng khi diễn tả :
"Người chiến đấu giống như người bơi  lội ngoài biển ban đêm . Vì ban đêm , người bơi  lội vùng vẫy , làm dao động mặt nước biển , có ánh sáng lóe lên chung quanh mình" . Ánh sáng đó , với P , chính là Tình Yêu , và Tình Yêu Giesu sẽ soi đường dẫn lối cho con người bước đi trong mọi tình huống đường đời , như lời cầu khẩn của Reinhald Niebur :" Xin Chúa ban cho con Một Tâm Hồn Bình Tĩnh , để cam nhận những tình thế không thể thay đổi được . Một Lòng Can Đảm , để thay đổi những tình thế có thể thay đổi được . Và Một Tinh Thần Sáng Suốt , để biết phân biệt tình thế nào có thể thay đổi được , tình thế nào không thể thay đổi được ."_Đó cũng là lời cầu chúc Giáng Sinh và Năm Mới mà P muốn gửi về các Anh Chị _ P viết điện thư Noel đến đây , P nhớ lại tin " chấn động " thế giới Công Giáo , và ắt là đau  lòng ĐTC Phanxico , cũng như giáo triều Roma :" Đức Ông Krzysztof Charmsa , làm việc tại Bộ Giáo Lý Đức Tin , rồi trợ lý thư ký Ủy Ban Thần Học Quốc Tế và giảng sư thần học tại hai Đại Học Giáo Hoàng ở Rome lâu năm . Vậy mà , trước ngày khai mạc Đại Hội Gia Đình Thế Giới ở Philadelphia vừa qua  , đã bất ngờ tuyên bố công khai với báo chí :" Ông sống quan hệ đồng tính từ lâu , và có một người tình từ nhiều năm qua " , rồi lại còn xác quyết :" Tôi hãnh diện và tự hào là một Linh Mục đồng tính " _Đúng là , " con người thời nay đã đánh mất cảm thức về tội lỗi " !_Chúa đã cảnh báo :" Trong thời sau hết , ma quỷ nó sàng các con như sàng gạo , nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu  thoát " . Vậy thì chúng ta luôn nhớ đến nhau , nâng đỡ nhau trong nguyện cầu , để khi Chúa trở lại , có thể đứng vững với tâm hồn hân hoan chào đón Ngài , và được Ngài đón vào Cõi Hằng Sống , chỉ còn niềm vui và nụ cười , các Anh Chị nhé ._Phượng chân thành cám  ơn từng người trong Mái Ấm VCN đã nhớ đến P trong ngày kỷ niệm Hồng Ân Sự Sống , với những lời chúc thấm đẫm tình thương trìu mến , cùng những lời thì thầm với Giesu mà các Anh Chị dành cho P . Đó là niềm hạnh phúc và nguồn trợ lực , giúp P An Vui tiến về phía trước theo Tiếng Gọi Giesu Thập Tự .
Phượng Hoàng.

Lời Ru Thánh

Monday, December 21, 2015

Merry Christmas/ Happy New Year

Chào đón Giáng Sinh về 
và Năm Mới 2016 đến
Con kính chúc Cha Tuấn, Thầy Khánh, Sr Yến và Tất Cả Anh Chị Em
Một Mùa Giáng Sinh 
Ấm Nồng Tình Yêu - Chan Hòa Thánh Đức


Và Năm Mới 2016 

Ngập Tràn Bình An - Đong Đầy Hạnh Phúc.
 ​Con: Goretti Sương


 Cả Nhà mến! 
Noel đã đến! Cầu chúc Cha Tuấn, Thầy Khánh, 2 Sơ, cùng tất cả Anh Chị và gia đình một mùa Noel và Năm Mới Dương Lịch 2016 an lành, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc bên người thân của mình. 

Merry Christmas and Happy New Year!

Út Hiền.

Như lời phát biểu của Linh Mục Kim Long " Có thể nói đêm Giáng Sinh mà không hát "Hang Bêlem" của Hải Linh thì thấy thiếu một cái gì đó, vì nó có âm hưởng riêng và nó diễn tả được tâm tình của người phải có khi đón chờ Chúa, gặp gỡ Chúa trong đêm hồng phúc". 

Mời mọi người thưởng thức lại 2 ca khúc bất hủ dưới sự điều khiển của cố Nhạc Sư Hải Linh. 

Say Noel (Thơ: Xuân Ly băng - Nhạc: Hải Linh & Lm. Kim Long)
https://www.youtube.com/watch?v=JFWFo-pPPxw

Hang Bêlem (Tác Giả: Hải Linh)

Saturday, December 12, 2015

NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT


LÒNG          Thương xót Chúa bao la
THƯƠNG    người dương thế ngã sa tội truyền
XÓT             xa lòng Chúa vô biên
CHÚA          Con ngự xuống nơi miền Ba Lan 
BAO             la tình Chúa vô vàn 
LA                bàn hướng dần trần gian rõ ràng 

CAO             rao ơn thánh truyền ra
SIÊU             thường qua Faustina khiêm nhường
VÔ                lường tình Chúa đoái thương
LƯỢNG       tình "Thương Xót" vô thường hôm nay
THẾ             nhân mau thức tỉnh ngay!
TRẦN          gian lỗi tội phá thai đủ điều
VÔ               luân sa đọa qúa nhiều
SONG          còn chống lại mười điều Chúa răn 

NĂM           nay Giáo Hội truyền ban
THÁNH       Danh Thiên Chúa khuyên can mỗi người
MỞ              NĂM THÁNH CHÚA cho đời
RỘNG         loan khắp chốn gieo Lời Chúa ban 
TÂM           mau chừa những dối gian
LÒNG         mau từ bỏ con đàng xấu xa!

ĐÓN           ơn hòa giải thứ tha
ƠN              lành "Năm Thánh" mở ra cho đời
THÁNH       Linh soi xuống tự Trời 
CHÚA         Con chuộc tội cứu người thế gian
VÀO            Lòng Thương Xót vô vàn
TRONG       ân sủng Chúa nồng nàn yêu thương 
TÂM            ngay mở cửa thiên đường
HỒN            thanh thơm tỏa thiên hương giữa đời. 

Trầm Hương Thơ
08.12.2015

Tuesday, December 1, 2015

Tông Sắc Năm Thánh Về Lòng Thương Xót MP3 |

Cả Nhà mến! 
Để chuẩn bị cho Năm Lòng Chúa Thương Xót sắp đến, Xin gởi đến cả nhà nghe bản Tông Sắc Năm Thánh Về Lòng Thương của ĐGH Phanxicô .
Thân ái,
Út Hiền 


Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời,
và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.
Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát.
Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc;
đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo;
đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa,
và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.
Xin cho chúng con biết lắng nghe,
như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con,
những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa!”
Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,
gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ
mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự:
xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian,
gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.
Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối
để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc:
xin cho mọi người đến với các thừa tác viên
đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.
Xin Chúa hãy gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,
để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng,
để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo,
loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức,
và cho người mù lại được nhìn thấy.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót,
chúng con nguyện xin Chúa
là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
đến muôn thuở muôn đời.
Amen.
Phanxicô, giáo hoàng
copy and paste the link in the bar to listen to LeAnh read the prayer.  Thank you so much chi LeAnh have a beautiful reading voice.
 https://app.box.com/s/9vfdostowr6fq8spk13obdfvevt4vwot

 Mến gởi cà nhà nghe nhạc phẩm:

 Kinh Năm Thánh
Lời Kinh: ĐGH Phanxicô 
Nhạc: Sr. Chu Linh, OP 
Thể Hiện: Diệu Hiền

https://app.box.com/s/imzq6hu7kmsvbkhq91dc8plvisfvkkh3
or
http://thanhcavietnam.net/ThanhCaVN/#Play,19332