Thursday, June 16, 2011

Trịnh Tây Ninh: Chuyện rất ngắn và Thơ

Chuyện Rất Ngắn và Thơ
Trịnh Tây Ninh
Mừng Fathers’ Day

Người dạy lái xe

Mỗi dịp lễ Hiền Phụ - Fathers’ Day - Tôi đều nhớ đến người dạy lái xe, vừa thương vừa hối hận.
Năm đó con trai tôi học lái xe, sau phần lý thuyết, trường gởi tới một ông người Ý. Ông sẽ phải đem xe tới nhà đón cháu thực tập tất cả 12 giờ. Ông luôn tới trễ, dời hẹn, có khi không tới luôn! Ngày thi đã cận kề, tôi nóng nảy điện thoại cho ông:
-  Hôm nay ông có tới không? Ông thật bê trễ, nếu con tôi rớt vì không học đủ giờ thì sao?
Ông ấp úng:
-  Tôi sẽ cố gắng tới.
Khi ông gõ cửa, nhìn vẻ mệt mỏi, cách ăn mặc bê bối của ông tôi càng thêm giận:
-  Chắc tôi phải báo cho Văn Phòng biết sự thất hứa, thiếu bổn phận của ông!
Ông cúi đầu:
-  Thành thật xin lỗi anh. Con trai tôi vừa qua đời sau 5 tháng điều trị ung thư. Mấy tuần cuối này tôi quá bận rộn và căng thẳng, lẽ ra tôi không nên nhận lời dạy lái xe, nhưng tôi cần tiền thuốc thang cho cháu!
Chưa biết phản ứng ra sao, ông lại tiếp:
-  Hôm nay là Fathers’ Day đầu tiên tôi không được nghe con tôi nói lời chúc mừng nữa. Nó cũng trạc tuổi con ông. Tôi xin được chúc mừng anh trong ngày đặc biệt này.
Tôi lại vụng về đứng im, không an ủi, xin lỗi ông được tiếng nào.

Em sẽ đánh ba!

Vũ là một học sinh bướng bỉnh, lầm lì, làm cô giáo dạy tiếng Việt như tôi nhiều khi thấy thật khó khăn.
Hôm nay tôi cho các em xếp giấy làm quà tặng cha, vì ngày Fathers’ Day sắp tới. Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, những đôi tay chăm chú xếp hình bông hoa, chim bướm, tôi thấy thật vui. Ánh mắt tôi dừng lại trên Vũ, nó lại ngồi chơi, lơ đãng.
-  Vũ, các bạn sắp xong rồi, cô sẽ không cho em “sticker” nếu em không giỏi!
Thằng nhỏ trả lời:
- Em không thích xếp giấy!
- Tại sao?
-  Không tại sao cả!
Tôi bực lắm nhưng cố gắng dỗ dành:
-  Em không muốn có quà cho ba sao?
-  Không!
-  Em không thương ba à?
-  Không!
-  Ba làm gì mà Vũ giận?
-  Em ghét ba! Ba hay đánh mẹ.
Rồi bàn tay nhỏ xíu của nó nắm lại, giọng chắc nịch:
-  Nếu ba còn đánh mẹ nữa, em sẽ đánh ba!
Tôi đã biết nếu có người làm gương xấu, đứa trẻ sẽ bắt chước theo ngay. Tôi đã nghe nếu sanh ra trong hận thù, đứa trẻ sẽ học thù hận, nhưng tôi thật bối rối khi nghe Vũ trả lời. Tôi ôm Vũ vào lòng, thấy thương nó thật nhiều. Hèn chi lúc nào nó cũng lầm lì, khó bảo. Những đứa trẻ sống với cha mẹ hay gây gỗ, tâm lý rất dễ bị xáo trộn. Tôi sẽ phải trình bày với chị Hiệu Trưởng để giúp Vũ đặc biệt.
Tôi chợt nghĩ đến gia đình nhỏ bé của mình, nhiều lúc tôi cũng nóng nảy, cãi vả với chồng trước mặt con. Tôi nguyện cầu cho mình được đủ hy sinh nhường nhịn, để các con có điều kiện phát triển bình thường trong yêu thương.


Nhớ Bố

Ngồi buồn đếm tóc
sợi đổ vai thuôn
làm sao đếm được
những nỗi sầu buồn
làm sao dấu được
nước mắt tràn tuôn
ngồi đây nhớ bố
bóng ngả bên đường
bây giờ khôn lớn
mới hiểu yêu thương!

Bố tôi

Bố tôi là một công chức thời Việt Nam Cộng Hòa, có tiếng là thanh liêm.
Sau 30 tháng 4, 1975, căn nhà đang ở bị tịch thu làm cơ quan nhà nước, gia đình phải đi Kinh Tế Mới.
Đi “cải tạo” nhiều năm về, bố yếu và buồn hơn bao giờ, nhưng ông vẫn luôn an ủi mẹ: Cả nước còn mất, thì những cái mình mất đâu thấm thía gì! Ông ra sức làm rẫy, chống chõi với cuộc sống khắc nghiệt. Cũng may, cuối cùng cả nhà được qua Mỹ theo diện HO, dù muộn màng nhưng chúng tôi rất vui bắt đầu cuộc sống mới.

Bố đã già nên chỉ ở nhà lo các việc lặt vặt. Ông giành rửa chén vì mẹ đã phải nấu ăn, vì muốn con dâu được rảnh rỗi lo cho cháu. Chúng tôi cũng xót ruột, nhưng ông bảo: Bố thấy mình vô tích sự, hay để bố làm chút việc cho khuây khỏa.
Ngày ngày ông đọc sách báo, xem tin tức trên computer, quan tâm tới sinh hoạt cộng đồng, tình hình tại quê nhà. Ông xót xa khi biết dân nghèo khổ, phải bán thân làm cô dâu Đài Loan, Đại Hàn, phải đi lao động nước ngoài, bị chèn ép. Ông đau lòng vì nạn hối lộ, bất công khắp nơi. Dân nghèo nằm la liệt tại hành lang các bệnh viện nhưng không được chữa vì không thuộc diện ưu tiên cán bộ. Hồi xưa chánh phủ cũng có khó khăn, cũng có cái xấu, nhưng đâu tệ như bây giờ!
Gần đây, mắt quá kém không xem tin tức được, nên ông chờ chúng tôi đi làm về để hỏi thăm tình hình thế giới. Những ngày cuộc Cách Mạng Hoa Lài bùng nổ tại Tunisia, Ai Cập, rồi lan qua Lybia, ông vui mừng ra mặt. Ngày nào cũng hồi hộp hỏi tin, mong ánh sáng lan tới Việt Nam. Tết năm nay, tôi mua tặng bố chậu bông lài, bố thích lắm ngày ngày chăm bón, mong lài trổ bông.

Thế nhưng bố ra đi bất ngờ trong một cơn đau tim, để lại trong lòng mẹ và chúng tôi nhiều thương tiếc. Mỗi khi đi thăm mộ, chúng tôi đều đem hương, đem hoa tới cắm. Tôi mong có ngày Việt Nam thật sự đổi mới, để tôi được cắm trên mộ phần bố một bó hoa lài trong trắng, thơm tho…

Khóc cha và quê hương

Vốc một vốc nước đầy
giả như chuyện không hay
giả như mình chưa biết
lệ đong đầy trong tay…

Vân

Vân vuốt tóc con. Hôm nay, Vân phải quyết định một chuyện rất khó khăn đối với cô. Lời người bạn khuyên nhủ vẫn còn văng vẳng bên tai: Hãy quên đi tự ái, hãy nghĩ đến con, hãy cho chồng cũ tới thăm, hãy tha thứ cho bà mẹ chồng đang đau ốm khắc khoải, hãy bỏ bớt sân si….
Nước mắt uất ức bỗng trào ra như suối. Vân nhớ 6 năm về trước khi cu Tâm ra đời, cũng là lúc bà mẹ chồng lời ra tiếng vào, làm hai vợ chồng gây gỗ, nghi ngờ lẫn nhau. Vân và mẹ chồng không hiểu sao cứ kỵ rơ, khắc khẩu, không vui vẻ với nhau được.
Vì công việc, Vân hay đi công tác xa, cô lại đẹp, luôn tươi cười năng động nên nhiều chàng trai ve vãn. Bà không tin Vân là người nết na đàng hoàng, nên xúi con đem thằng cháu đi thử máu. Kết quả cu Tâm chính là cháu nội của bà, nhưng Vân không chấp nhận được hành động của chồng. Hồi trước cô thương anh vì thấy anh hiền lành thật thà, nay Vân bực mình vì thấy anh nhu nhược, nhiều chuyện chỉ biết nhắm mắt nghe lời mẹ, nhiều quyết định sai lầm.
Cô ly thân, đem con đi xa, một mình vừa làm ba vừa làm mẹ. Khổ nhất là khi bé Tâm cứ hỏi sao thằng Minh, thằng Tim có ba, mà Tâm không có! Nó khôn ngoan nhậy cảm hơn các đứa trẻ cùng tuổi.
Sau mấy năm tìm kiếm, hôm nay chồng Vân mới liên lạc được và xin đến thăm con. Vân vẫn còn giận, chưa biết xử trí ra sao, nước mắt lưng tròng.
-  Mẹ ơi! Sao mẹ khóc?
-  Tâm có muốn gặp mặt ba không?
-  Dạ muốn. Hôm qua cô giáo dạy cả lớp vẽ thiệp cho ngày Fathers’ Day, nhưng con không có ba để đưa!
Vân xót xa vuốt tóc con, tay bấm phôn gọi chồng….

Ngày Mất Cha

Cha nằm im giá lạnh
nụ cười tắt trên môi
không gian dường cô quạnh
ngoài vườn chiếc lá rơi

Con đã về đây rồi
sao không nói cha ơi
con đã luôn luôn trễ
hãy trách con nặng lời!

Khi tuổi còn đôi mươi
con xa quê hương rồi
bỏ mẹ cha chốn cũ
bôn ba với cuộc đời

Hôm nay hay tin dữ
con mỏi cánh rã rời
nhưng không kịp nói chữ
con về rồi, cha ơi!

Căn phòng thân yêu cũ
nhưng xác cha lạnh rồi
nước mắt rơi không đủ
thả trôi đi mộng ngời

Tấm lòng nát tơi bời
hối hận nào cho vơi
cơn dông chiều mưa lũ
có gột đi sầu đời?

Cố hương ngày ly biệt
kỷ niệm rất xa vời
trên vai sầu cô lữ
mình nhỏ tựa nằm nôi

Ước gì ly rượu mạnh
là chén sầu ly bôi
cố hương ngày cha mất
bao giờ sẽ phai phôi......

Bộ quần áo cũ

Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội, không chấp nhận thua cuộc, ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm.
Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:
- Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.
- Nhưng bố thích mặc bộ này!
Tôi bắt đầu cau có:
- Mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không lo cho bố.
Ông già buồn rầu, lập lại:
- Bố thích bộ quần áo này lắm.
Tôi cũng cương quyết:
- Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.
Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:
- Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.
Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.
Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, tôi nên xét lại trái tim mình đã.

Nhìn ảnh ba mẹ

Người trong ảnh,
hãy bước ra
cho con ôm lấy
thiết tha
một lần
Thuở xưa
con đã ngại ngần
giờ đây hối tiếc
cũng đành
thương thân…

 Trịnh Tây Ninh
DuyHan@rogers.com

No comments:

Post a Comment