Thursday, May 31, 2012

MARIA MẸ LÀ SỨ GIẢ TÌNH THƯƠNG (Lc. 1,26-56)


Này đây! tôi tá Chúa Trời
Xin Vâng! Thánh Ý Sứ Trời truyền trao
Một luồng "Ánh Sáng" phủ bao
Tràn đầy "Ân Sủng" ngọt ngào khắp nơi

Xin Vâng! nhận lấy Ơn Trời
Cứu nhận độ thế tuyệt vời là đây!
Xin Vâng! Mầu Nhiệm lạ thay!
NGÔI LỜI nhập THỂ lòng đầy Thiên Hương.

Bước chân đon đả lên đường
Đem theo "Sứ Điệp Tình Thương" vào đời
Ô kìa! Trinh Nữ đến nơi
Nàng vừa cất tiếng mở lời chào xong

Gio-an vui nhảy trong lòng
Như tràn ơn sủng từ trong đến ngoài
Người là Đức Nữ Trinh Thai
Bởi đâu! tôi được Mẹ NGÀI viếng thăm?!!!

Từ Na-gia-rét xa xăm
Em mang CON CHÚA đến chăm giúp người
Ma-ri-a Đấng tuyệt vời!
Đầy tràn phước cả CHÚA TRỜI trong em

Hồn tôi lên tiếng ngợi khen
Trí tôi hớn hở phận hèn ngợi ca
Ngài thương tôi tớ thật thà
Ơn NGÀI cao cả nguy nga lẫy lừng

Trên trời dưới thế không ngừng
Danh NGÀI chí THÁNH kính mừng ngợi ca
"LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA BAO LA
PHỦ TRÀN KHẮP CẢ BAN RA CHO ĐỜI".

Ma-ri-a Mẹ tuyệt vời!
Gương lành kim cổ cho đời noi theo
Đường xa thăm kẻ đơn neo...
Còn con có viếng kẻ nghèo xung quanh ???

Trầm Hương Thơ 31.05.2012
Ngày lễ kính Đức Mẹ thăm viếng bà Êlisabét.

Wednesday, May 30, 2012

CHIÊM NGƯỠNG MẸ



Thơ Vũ Thủy

   Mẹ ơi con hướng về Trời
Nhìn lên nhan Mẹ dâng lời thiết tha:
   Ngày xưa Mẹ vội bôn ba
Đi thăm chị họ đường xa không nề!
   Bây giờ đường chẳng sơn khê
Mà con lại những bỏ bê tình người
   Mẹ ơi, Mẹ ở trên Trời
Cho con học Mẹ yêu người quên ta!

            Viết trong ngày lễ kính Mẹ Đi Thăm Viếng 

Monday, May 28, 2012

Truyện ngắn Trầm Thiên Thu.

Từ trường đại học về, tôi đạp xe trong bụi mưa lất phất. Về đến nhà cũng đủ ướt áo. Mưa tháng Sáu bất chợt và thơ mộng như mối tình học trò. Tưởng chừng khoác áo nhiệm mầu. Mưa rơi đầy kỷ niệm man mác buồn, nỗi buồn mà lại ngọt ngào, khó tả...

Thế mà đã bốn năm thấm thoát như bóng câu vút qua. Nhưng, bốn năm xa từ chiều mưa ấy vẫn như là hiện tại. Vài ngày nữa tôi sẽ là cô giáo. Niềm vui vừa đến thì nỗi buồn cũng vừa trở lại. Không biết "người ấy" bây giờ ra sao.
                                                                    
                                                                      o0o

Nghe mẹ nói có người đến ở nhà để đi học, tôi không phản ứng gì vì không mấy quan tâm, chỉ biết là con trai của một người bạn thân với mẹ ngày xưa. Rồi buổi chiều, đi học về ướt như chuột lột, vì có "khách", tôi chỉ bị trách nhẹ:

– Con gái lớn rồi, mẹ đã dặn mùa mưa thì phải đem áo mưa theo. Không ý tứ gì cả!

– Đã vậy, mẹ còn quay sang cười nói với "khách":

– Con gái mới lớn vậy đó. Làm dáng, nhõng nhẽo, bướng bỉnh. Đúng là "nhất quỷ, nhì ma". Nhiều khi đến bực mình với nó.

Chẳng biết "hắn" nghĩ gì mà "ném" cho tôi một cái nhìn kèm theo một nụ cười "miểng chai" hóm hỉnh. Tự nhiên tôi ghét cay ghét đắng "hắn". Thì ra "hắn" tên là Ân. Cái tên nghe "diễm phúc" vậy mà lại... dễ ghét ghê! Chưa đến đầu niên học nhưng Ân phải đi làm thêm dịp hè để kiếm tiền tự trang trải cho năm học sắp tới.

Gia đình Ân ở dưới tỉnh. Phần thì xa, phần thì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mất sớm, mẹ Ân một nách ba đứa con. Ân ở đây để học Anh văn. Tôi hơi "ghen" khi thấy mẹ chu đáo chăm sóc Ân. Tuy không ác tâm nhưng tôi... "coi thường" Ân. Tuy vậy, dù không nói ra nhưng tôi thấy khâm phục Ân về việc tham dự thánh lễ hằng ngày. Vẫn biết là không được đối xử không tốt với người khác, phải "yêu người như chính mình", nhưng tính bướng bỉnh của một cô bé mới lớn vẫn bảo thủ lý lẽ riêng. Ân hơn tôi ba lớp. Dù vậy, Ân luôn bị tôi "ăn hiếp". Có lần làm bài xong, tôi loay hoay tìm cuốn truyện mãi mà không thấy, tôi muốn "điên tiết" lên, máu như dồn hết lên não!

– Thi, con tìm gì vậy?

– Cuốn truyện con để đây mà mất đâu rồi! – Giọng tôi không bình thường.

– Làm gì mà con gắt lên vậy? Từ từ tìm sẽ thấy.

– Con tìm khắp nơi rồi. Con để ngay đây mà!

Nghe hai mẹ con tôi nói chuyện, Ân chạy lại với cuốn truyện trên tay.

– Truyện đây, thưa bác.

Tôi vênh mặt và cao giọng:

– Sao "ông" tự nhiên như ruồi vậy?

– Tôi tưởng...

– Không tưởng với nghĩ gì cả. Muốn gì "ông" phải hỏi người ta chứ!

Mẹ tôi nghiêm giọng:

– Thi! Con không được hỗn với Ân như vậy. Ân không đáng là anh con sao?

– Nhưng...

– Không nhưng nhị gì hết. Cứ "nhưng", "vì" và "tại" là làm hư chính mình. Con gái lớn rồi, phải ăn nói cho đàng hoàng. Con phải thương hoàn cảnh của Ân mới đúng. Nghèo không xấu, nhân cách mới quan trọng, con gái à! Đừng thấy mình hơn người khác một chút về một phương diện nào đó đã vội lên mặt mà khinh thường người khác. Sông có khúc, người có lúc. Con có nghe mẹ nói không Thi?

– Thưa mẹ, con nghe. Con xin lỗi mẹ!

– Xin lỗi thì dễ. Biết phục thiện mà sửa đổi mới khó.

Tôi bật khóc. Khóc vì tự ái. Con gái vẫn thường vu vơ thế đấy. Tính bướng bỉnh của tuổi mới lớn còn mạnh hơn cả tình yêu, thậm chí hơn cả... sự chết.

Thời gian cứ trôi qua. Ngày tháng nhìn nhau bằng ánh mắt không mấy thiện cảm đã chấm dứt. Trước đó, tôi không muốn gặp... anh (đại từ này "khó nói" thí mồ đi!) vì... ghét. Bây giờ tôi ngại ánh mắt anh vì... e lệ. Dẫu sao thì cũng đã là nữ sinh lớp 12. Suốt ngày anh cặm cụi với sách vở và chữ nghĩa, còn tôi lo giữ "hồn" tôi. Nhìn những cuốn tự điển dày cộm của anh mà tôi thấy "ớn lạnh".

Những ngày học cuối cấp trôi qua thật nhanh, không thể níu lại được. Nhánh phượng đỏ như vẫy gọi người ra đi. Mây giăng xám bầu trời chỉ chực mưa. Mẹ và anh vui mừng khi tôi đậu đại học. Niềm vui rộn rã, nhưng tôi chợt thấy lòng mình bâng khuâng lạ thường. Anh sắp đi xa. Có niềm vui này tất sẽ có nỗi buồn khác, như một quy luật bất biến muôn thuở vậy.

Buổi chiều. Mưa dầy hạt. Mẹ đi công chuyện. Tôi đang chuẩn bị hành trang cho những ngày sắp tới. Chợt có tiếng gọi khẽ:

– Thi!

Tôi quay lại và bối rối khi ""chạm" ánh mắt anh – một hiện-tượng-giao-thoa! Tôi chưa biết phải nói gì thì anh mỉm cười hỏi (may quá!).

– Thi có rảnh không?

– Dạ, em... em... rảnh.

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi "lễ phép" và nhẹ nhàng với anh như vậy. Mặt nóng bừng, tôi vội tiếp:

– Anh có... giận Thi không?

– Có gì đâu mà giận. Tôi tặng Thi cuốn truyện, món quà nhỏ mừng Thi vừa thi đậu.

Tôi đưa tay đón lấy mà không kềm được run nhè nhẹ. Tôi nói át đi:

– Anh hỏi Thi rảnh hay không để làm gì?

– Ừm... thì để nói chuyện nãy giờ đó.

Tôi "tinh ranh" liếc anh và thầm nghĩ:

– Anh chàng này "dễ ghét" ghê! Có lẽ chưa học "đại từ ngôi thứ hai số ít".
                                                        
                                                              o0o

Thế là anh đã xa. Kỷ niệm chẳng bao giờ cũ. Kỷ niệm chỉ đến một lần cũng đủ làm người ta luyến nhớ. Khoảng trống khó lấp đầy.

Mở trang đầu cuốn truyện, màu mực như chưa phai. Kỷ niệm đầu đời mãi ghi đậm dấu ấn, dù màu mực có thể "cũ" theo thời gian. Bốn năm chưa phải là dài. Tôi nhẩm đi nhẩm lại những dòng chữ anh đề tặng:

Bướm chưa hóa kiếp chưa đa tình

Áo trắng học trò còn trắng tinh

Chẳng nhớ, chẳng thương, và chẳng hẹn

Bỗng dưng một lúc hóa... vô tình!

Mùa Thi – Tháng Sáu

Cơn mưa ập tới bất thình lình. Cơn mưa nào cũng có tính chất giống nhau. Nhưng hình như hôm nay mưa khác hẳn. Mưa ơi! Tôi sắp trở thành cô giáo. Tôi không còn là cô bé bướng bỉnh, cố chấp và lanh chanh như trước nữa. Tôi chợt thấy lòng đầy ký ức về những ngày xưa thân ái. Còn anh?

Thật ngẫu nhiên, bên nhà hàng xóm đang vang vọng tiếng ca truyền cảm: "Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt... Trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa...". Lòng tôi như sợi dây đàn chùng xuống, lạc cung...

Nghe mẹ nói anh học xong đại học và đã vào Dòng, anh nghèo nên anh muốn dành cả cuộc đời để yêu thương những người cùng khổ nhất mà xã hội bỏ rơi. Là con người, tôi không tránh khỏi nữ nhi thường tình. Nhưng tôi tin có thể vượt qua và dâng tất cả cho Chúa. Tôi tin Ý Chúa luôn nhiệm mầu. Tôi ngước nhìn lên linh ảnh Lòng Thương Xót và thầm nguyện: "Lạy Chúa, con tín thác vào Ngài! Xin Chúa nâng đỡ con và gìn giữ anh theo Ý Chúa!".

Từ ngày ba mất, mẹ tôi vất vả hơn, nhưng chiều nào mẹ tôi cũng đi dự giờ kinh Lòng Thương Xót ở nhà thờ xứ. Lòng đạo của mẹ cũng tự nhiên truyền sang tôi. Mẹ tôi thường khuyên tôi: "Hãy sống kết hiệp mật thiết với Chúa bằng cách cầu nguyện liên lỉ, tôn sùng Thánh Tâm Chúa cũng là tôn sùng Lòng Thương Xót của Chúa. Không có Chúa thì không ai làm được gì".

Tôi thầm tạ ơn Chúa ban cho tôi một người mẹ hiền từ và đạo đức. Vả lại, lúc này tôi đã trưởng thành, lại không còn lo bài vở như thời là sinh viên nữa, nên tôi tham gia dạy giáo lý cho các em thiếu nhi trong giáo xứ. Tôi muốn tham gia việc đạo đức, trước tiên là giúp mình cố gắng sống đạo đức hơn để phần nào làm vui lòng Chúa, sau là tự cứu mình và giúp người khác càng ngày càng sống thánh thiện hơn.

TRẦM THIÊN THU

Friday, May 25, 2012

QUẢ ĐÀO DẠI



Thơ Vũ Thủy

Tình mẫu tử ở đâu cũng có
Tình mẹ cho con như sóng biển tràn trề...  

Đường mẹ về,
Có những cây đào dại!
Những cây đào, chỉ lơ thơ vài quả cọc
Có một vết gãy cành... nhìn xuống phía dưới
Là vực sâu trăm thước!
Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe sâu,
Những trái đào dại nằm vương vãi
Trong tay mẹ còn nắm chặt một quả
Máu trên người mẹ đã cứng lại thành một đám màu đen!

Tôi lặng ngắm những cành đào chơ vơ trên triền núi
Tưởng chừng...người mẹ điên ngã chúi vẫn gọi con
Tưởng chừng... nụ cười ngây ngô của bà đang vì con mà hạnh phúc
Tưởng chừng... tiếng kêu xé lòng lúc người mẹ phải xa con...

Bà mẹ điên khờ dại
Sao lại thí mạng mình vì mấy quả đào?
Quả đào dại
Còn ngọt đắng trên môi đứa con trai vừa kịp lớn!

Mẹ đã đi thật rồi!
“Mẹ ơi, Mẹ đau khổ của con ơi!
Con hối hận đã nói rằng đào này ngọt!”

            Tình cờ lang thang trên mạng, Vũ Thủy đọc được truyện ngắn hết sức cảm động về một bà mẹ điên, một tình mẫu tử thâm sâu khiến trái tim phải thổn thức. Vũ Thủy đã góp nhặt và sắp xếp lại vài chi tiết trong truyện, để viết thành bài thơ “QUẢ ĐÀO DẠI”.
Dưới đây là nội dung cốt truyện:

  “Tình Mẫu Tử” viết về một người mẹ điên có hoàn cảnh rất đỗi thương tâm. Nhân vật “tôi” trong truyện kể rằng: Ở trong làng bỗng đâu xuất hiện một cô gái điên, đầubù tóc rối, nhìn ai cũng cười, chả ngại ngồi “tè” trước mặt người khác... Bà nội anh thấy vậy bảo con trai mình đem cô gái về làm vợ để có con nối dõi tông đường. Anh con trai 35 tuổi chưa vợ của bà cảm thấy bất nhẫn; nhưng, vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, lại bị cụt mất một tay trong khi lao động ở hầm đá, không có tiền cưới vợ, cuối cùng cũng đã nghe lời mẹ. Cô gái điên trở thành mẹ, nhưng chẳng hề được bế con mình. Mẹ chồng sợ đứa con dâu điên dại, không biết gì,  làm hại đứa bé, bà chỉ cho cô ta bế con một lần trước khi bị đuổi ra khỏi nhà. Bà mẹ chồng có ác đâu, chỉ vì nhà không kiếm nổi cơm ăn cho cả 4 mạng người! Đứa bé một tuổi đã phải xa mẹ, lớn lên nó đòi được gặp mẹ...  Người mẹ điên dại chẳng có nhiều ý niệm về cuộc đời, đã phiêu bạt kỳ hồ suốt mấy năm, rồi cũng lại tìm về cái làng ấy... Đứa bé thấy mẹ mình là con mụ điên gớm guốc, đã chủi đuổi mẹ, không cho lại gần... Bà nội cũng là phụ nữ, động lòng thương đứa con dâu, rồi cũng đón về nhà, chỉ bảo cho đi cắt cỏ làm thuê... Buổi đầu tiên, cô  con dâu đi làm một mình, cô làm bà mẹ chồng ngạc nhiên vì hoàn thành công việc quá nhanh. Nào ngờ, người ta kéo đến đòi bồi thường vì đám lúa đang trổ đòng của họ đã bị cắt cụt. Bà mẹ chồng biết lấy gì đền, uất quá đánh con dâu tàn nhẫn trước mặt mọi người. Thấy vậy, người ta cũng đành bỏ qua! Người mẹ điên không biết làm việc, nhưng hễ việc gì có liên quan đến con trai, bà rất cố gắng! Một lần, trời mưa to, người mẹ điên mang ô đến trường đón con, thằng bé bị bạn bè trêu ghẹo vì có bà mẹ điên lem luốc, nó xấu hổ xông vào đánh bạn. Bà mẹ thấy con mình bị bắt nạt, phóng vào đánh lại bọn trẻ... Kết quả là, có một học trò phải nhập viện. Phụ huynh người ta kéo đến nhà, đập nát đồ đạc, đòi bồi thường cho con họ 1.000 Nhân dân tệ, vì cho rằng con họ có lẽ đã bị lây bệnh điên đang nằm bệnh viện. Người chồng thấy cảnh nhà như vậy, đồ đạc thì đã bị đập phá, lương tháng của anh chỉ có 50 NGT thì biết làm sao đây... Quẫn trí, ông lấy thắt lưng da quất tới tấp vào người vợ, người vợ điên chẳng hiểu gì, chỉ còn nằm quằn quại dưới đất... Trước cảnh đó, công an cũng phải giảng hòa. Khi mọi người đã đi rồi, người chồng ôm xiết lấy vợ mà khóc, trước sự chứng kiến của đứa con trai. Kể từ đó, đứa con trai không còn hắt hủi mẹ nữa... Nghe lời khuyên của cha, nó ráng vào đại học để cứu gia đình thoát khỏi cảnh khổ. Bà nội qua đời, bố cụt tay phải một mình lao động nuôi cả gia đình. Nhân vật “tôi” đã lớn, phải trọ học xa nhà, người mẹ điên hằng tháng phải băng đồi, vượt dốc đi tiếp tế cho con... 
Một ngày kia, bà mẹ điên đến trường thăm con, ngoài những đồ đạc mang theo thường lệ, bà còn cho con mấy quả đào dại. Đứa con trai ăn đào rồi khen ngọt, bà mẹ nhìn con với một nụ cười ngây ngô... Bà đã không biết rằng vì niềm hạnh phúc ấy mà bà phải vĩnh viễn rời xa con của mình! 

Wednesday, May 23, 2012

Hai thư ngỏ của LM Trăng Thập Tự.


BỘ SƯU TẬP THƠ CÔNG GIÁO
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ HÀN MẠC TỬ
Ngày 22-9-2012 tới đây sẽ là kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử. Đây là một niềm vui cho giới Công giáo vì nhà thơ được công chúng biết đến rộng rãi nhất và được thương mến nhiều nhất này là một tín hữu Công giáo trẻ, chết lúc mới 28 tuổi. Sự kiện này đồng thời cũng khiến chúng ta nhớ đến những khó khăn rất lớn mà Giáo hội Công giáo Việt Nam đang gặp phải trên lãnh vực văn hóa.
Những trì trệ và khó khăn lớn Giáo hội Công giáo Việt Nam đang gặp phải trên lãnh vực văn hóa:
- Chữ Quốc ngữ do các thừa sai Công giáo sáng tạo hơn 400 năm qua và giờ đây đã trở nên công cụ cho mọi sinh hoạt thường ngày của dân Việt, thế nhưng trên diễn đàn văn học chỉ có duy nhất một tác giả Công giáo được công chúng biết đến là nhà thơ Hàn Mạc Tử;
- Giới Công giáo bị coi như vắng mặt trên văn đàn vừa do những hoàn cảnh cụ thể bên ngoài, vừa do Giáo hội Việt Nam chưa quan tâm đào tạo;
- Không có các nhà văn, nhà thơ thì cũng không có những người viết kịch bản và làm phim để chuyển tải Tin mừng qua nghệ thuật;
- Những người được ơn cầm bút đã quá ít, rời rạc, lại không được khích lệ cho nên không quan tâm phát triển tài năng;
- “Tiếng Việt là gia tài cha ông để để lại cho con cháu luyện tập để chuyển tải Tin Mừng cứu độ cho thiên hạ lại bị bỏ quên hoặc coi thường, trong khi thiên hạ biết tôi luyện và tận dụng tiếng Việt để chuyển đạt các tư tưởng chống Chúa, chống Giáo hội” (ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, lời tựa bộ sưu tập thơ Có Một Vườn Thơ Đạo);
- “Tình trạng viết văn tiếng Việt của các bạn trẻ ngày nay thật đáng suy nghĩ! Mấy chục năm thời chiến, vừa học vừa nấp bom tránh đạn, thì thước đo trí thức lấy cộng trừ nhân chia làm chính. Hòa bình lập lại, cả thầy lẫn trò bị hút vào vi tính và ngoại ngữ, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ bị bỏ quên, chẳng còn mấy ai chuyên chăm luyện văn, tập viết” (ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, sđd). Khả năng viết tiếng Việt của sinh viên học sinh trong nước xuống thấp không tưởng tượng nổi, trở ngại rất lớn cho việc đào tạo các ơn gọi trẻ trong Hội Thánh – nơi tất cả các Giáo phận và các Dòng tu quốc nội. “Trên thương trường và các mặt khác của xã hội, tình trạng yếu kém tiếng Việt chẳng trở ngại gì lắm, nhưng trên cánh đồng của Chúa mà cứ thế, thì người của Chúa lấy đâu văn chương chữ nghĩa mà rao giảng Tin Mừng?” (ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, sđd).


Bộ sưu tập thơ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử

Để khơi dậy sinh hoạt sáng tác văn thơ nơi giới Công giáo, từ hơn 20 năm qua, một vài anh em chúng tôi (linh mục và giáo dân) đã tìm liên lạc, gặp gỡ và nối kết những người cầm bút. Chúng tôi đã thực hiện những sưu tập (1) để gom góp những tác phẩm sẵn có và những cuộc thi sáng tác (2) để phát hiện và vun trồng những tài năng mới. Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, là một cột mốc để chúng tôi đúc kết một giai đoạn làm việc với bộ sưu tập thơ Công giáo mang tên CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO, gồm 4 quyển:
+ Quyển 1: nói riêng về Hàn Mạc Tử, tập trung vào mảng thơ đạo của anh.
+ Quyển 2: 45 tác giả thơ Công giáo, có năm sinh từ 1912 đến 1940
+ Quyển 3: 51 tác giả thơ Công giáo, có năm sinh từ 1941 đến 1955
+ Quyển 4: 44 tác giả thơ Công giáo, có năm sinh từ 1956 đến 1990
Hiện nay giới văn học vẫn còn ngộ nhận trầm trọng về thơ đạo của Hàn Mạc Tử. Với những bài viết của một số tác giả Công giáo sắp xếp có hệ thống, quyển I của bộ sách mong sẽ giúp độc giả có được cái nhìn chính xác và sâu xa hơn, tiếp cận với tinh thần đạo hạnh và cả kinh nghiệm tâm linh sâu thẳm đáng kinh ngạc của nhà thơ trẻ tuổi.
140 tác giả ở ba quyển sau gồm 03 giám mục, 32 linh mục, 05 tu sĩ , 03 chủng sinh, 59 giáo dân nam, 01 nam cảm tình viên, 25 giáo dân nữ và 12 nữ tu.
Thế nhưng bài toán cộng rất đáng suy nghĩ. 1 + 140 mà kết quả hình như vẫn chỉ mới là = 1. Sau hơn 400 năm cống hiến chữ Quốc ngữ cho Dân tộc, giới Công giáo chỉ mới có được một ngôi sao duy nhất trên nền trời văn học. Ước mong của nhóm biên tập là bộ sưu tập sẽ tạo điều kiện để sớm xuất hiện những tác giả văn thơ Công giáo sáng giá có chỗ đứng trên diễn đàn văn học nước nhà.
Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
Ghi chú:
(1) Cụ thể là: quyển GÓP NHẶT THƠ CÔNG GIÁO VIỆT NAM với 40 tác giả (Nxb Thuận Hóa 1998), quyển KINH TRONG SƯƠNG với 15 tác giả (Nxb Phương Đong, 2007) và bộ sách Ở THƯỢNG NGUỒN THI CA CÔNG GIÁO (6 quyển, Nxb Tôn giáo, 2009)
(2) Ngoài hai cuộc thi chung SEN GIỮA LẦY (2010) và NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI (2011), còn có những cuộc thi ở cấp giáo phận tại Qui Nhơn, Phan Thiết và Xuân Lộc
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

BỘ SƯU TẬP THƠ CÔNG GIÁO – ĐĂNG KÝ TRƯỚC NGÀY 10-6-2012

Thực hiện bộ sưu tập thơ Công giáo 4 tập CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO, ước mơ của Nhóm Biên tập là làm sao phát hành thật rộng rãi và với giá thật thấp để mọi sinh viên học sinh đều có thể mua được. Nhắm đến sinh viên học sinh là để thúc đẩy các em quan tâm trau dồi tiếng Việt, chuẩn bị cho các em, cách riêng những em sẽ dâng mình cho Chúa có khả năng nói và viết tiếng Việt tốt hơn.

Ưu tiên cho sinh viên học sinh

Việt Nam hiện có 26 giáo phận. Nếu mỗi giáo phận nhỏ có 1.000 độc giả tìm mua và các giáo phận lớn nhiều hơn, nhu cầu sẽ lên đến 30.000 bộ. Lúc đầu chúng tôi theo đuổi ý tưởng tìm nguồn tài trợ để bù lỗ cho 30.000 bộ sách, thế nhưng kinh phí quá lớn sẽ không tìm nổi. Theo lời khuyên của một số vị khôn ngoan, chúng tôi đã đổi ý: sẽ dừng lại với con số 10.000 bộ đã đăng ký xin giấy phép, phát hành dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật nhà thơ Hàn Mạc Tử. Sau lễ kỷ niệm, bộ sách sẽ được đưa lên mạng internet cho độc giả khắp nơi có thể truy cập. Lượng người tiếp cận với bộ sách sẽ vượt trên con số 30.000 mà khỏi phải tìm nguồn trợ giá.

Tìm nguồn trợ giá

Việc thực hiện 10.000 bộ sách in được tiến hành, vì hiện nay sách in vẫn còn cần thiết, nhất là đối với những người chưa biết internet. Tuy nhiên kinh phí để thực hiện 10.000 bộ không nhỏ. Tiền in mỗi bộ sách hết 110.000 VNĐ. Tổng cộng sẽ lên đến 1 tỷ 100 triệu. Để sinh viên học sinh mua được, sẽ đề giá bìa đồng đều mỗi quyển 20.000 VNĐ. Mỗi bộ 4 quyển cộng lại là 80.000 VNĐ và sẽ trừ 25% cho phía phát hành, chỉ thu được 60.000 VNĐ, tức là mỗi bộ sách phải bù lỗ 50.000 VNĐ. Tổng số bù lỗ sẽ lên đến 500 triệu, chưa kể lượng sách tặng.
Bộ sách được thực hiện do thao thức của nhóm biên tập, không có một ngân quỹ chính thức nào bảo trợ. Khi nộp hồ sơ xin giấy phép, chúng tôi chỉ có được vỏn vẹn 50 triệu VNĐ. Chúng tôi đã gõ cửa một vài nơi trong và ngoài nước nhưng cho đến lúc này chưa có kết quả. Giáo dân rất nhanh nhạy đóng góp xây những nhà thờ vật chất nhưng khi nói đến việc xây những đền thờ tinh thần hình như rất ít người hiểu, in sách bán bù lỗ là chuyện viển vông… Nó cũng không nằm trong quan niệm thông thường của những người điều hành các cơ quan tài trợ. Dù vậy chúng tôi cố gắng vận động tối đa để giới thiệu được cho các bạn trẻ biết đến dòng thơ Công giáo Việt Nam.
Quả là rất khó, thế nhưng việc xây những đền thờ tinh thần quan trọng không kém gì xây đền thờ vật chất, để vượt thoát những trì trệ và khó khăn về văn hóa của Giáo hội Việt Nam, cần có một bước đột phá. Cần phải mạnh dạn đầu tư nếu muốn vun trồng một đội ngũ tác giả văn thơ trẻ.
Nếu không liều thì chuyện tông đồ cho giới trí thức chẳng bao giờ đạt kết quả. Vì thế, chúng tôi vẫn tiến hành trong tin cậy và phó thác, học theo kinh nghiệm những người làm nhà thờ, phóng lao rồi theo lao, đã có ngày đặt viên đá đầu tiên thì sẽ có ngày khánh thành. Năm kia và năm ngoái chúng tôi đã tổ chức hai cuộc thi văn thơ trên mạng, lần đầu tốn kém khoảng gần 1/20 và lần sau khoảng 1/10 kinh phí một ngôi nhà thờ nhỏ. Lúc đầu chúng tôi chẳng có gì nhưng rồi dần dần cũng đâu vào đó. Nếu quý độc giả chung mối đồng cảm, xin quảng đại giúp chúng tôi theo đuổi công cuộc tông đồ văn hóa cụ thể này.
Các khoản giúp đỡ xin gởi về:
Lm VÕ TÁ KHÁNH
Tòa Giám mục Quy Nhơn
116 Trần Hưng Đạo
Tp Quy Nhơn – Việt Nam
ĐT:               0935-424-449
Email:           gopnhattho@yahoo.com
Mỗi thứ Bảy hằng tuần linh mục Chủ biên đều dâng lễ kính Đức Mẹ cầu nguyện cho các ân nhân của công cuộc này. Đức Mẹ sẽ nhớ đến tấm lòng Quý Vị đã tha thiết muốn xây dựng những đền thờ tinh thần để tôn vinh Chúa Cứu Thế, Con yêu dấu của Ngài. Nguyện chúc Quý Vị và gia đình luôn an vui hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa.

Phân phối qua phòng phát hành sách các Tòa giám mục

10.000 bộ sách cho sinh viên học sinh của 26 giáo phận, bình quân mỗi giáo phận chưa được 400 bộ. Để tránh lạm dụng và để sách có thể đến tay sinh viên học sinh, chúng tôi sẽ nhờ phòng phát hành sách của các Tòa Giám mục giúp phân phối. Vì số sách có hạn, các bạn trẻ có nhu cầu nên nhờ cha xứ đăng ký trước tại phòng phát hành sách giáo phận trước ngày 10-6-2012.

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh


Tuesday, May 22, 2012

KINH HÃY NHỚ
Sáng tác: Gioakim
Tiếng hát: Như Mai
Slideshow: Tin Yêu

Sunday, May 20, 2012

Thơ Trầm Thiên Thu.

NỐT TRẦM

Trầm tư ngày tháng không tên
Thiên thai là cả một miền ước mơ
Thu qua, Đông hết, chờ Hè
Tứ thời, bát tiết xong về bụi tro
Lãng du nhặt mấy vần thơ
Lượm vài nốt nhạc cho vừa trăm năm
Đôi vầng Nhật Nguyệt lặng thầm
Đuổi nhau suốt kiếp không tìm thấy nhau
Vầng Trăng im lặng niềm đau
Mặt Trời thao thức sớm chiều nắng mưa
TRẦM THIÊN THU
Kỷ niệm bút danh 15/5/1975 – 15/5/2012

Thơ Trầm Thiên Thu: Lễ Chúa Lên Trời.

NHÌN TRỜI

Ngước nhìn thăm thẳm trời cao
Con thao thức với muôn sao đêm trường
Mơ về hạnh phúc Thiên đường
Chỉ còn đức Mến muôn trùng mà thôi
Ngước nhìn thăm thẳm cõi trời
Chúa về nơi ấy, vào đời con đi…
Mưa chiều, nắng sớm lưu ly
Tháng ngày gian khổ hóa khờ đời con
Bước trên sỏi khổ, đá buồn
Nhưng tin Chúa vẫn bên con đồng hành
Dẫu con cát bụi hôi tanh
Nhưng Giêsu vẫn chân thành yêu con
Tình Yêu Thiên Chúa vô biên
Quyết tâm con sống chứng nhân cho Ngài
TRẦM THIÊN THU
Lễ Thăng Thiên – 2012

Saturday, May 19, 2012

Thơ Trịnh Tây Ninh.

Mười Ngón Nguyện Cầu
 
Chắp tay con nguyện cầu
Mười ngón khép vào nhau
Xin Ơn Trên soi sáng
Lời kinh được thắm mầu
 
Ngón tay cái khởi đầu
như gia đình bên nhau
xin cho cha mẹ được
sống vui bạc mái đầu
 
Xin thơm mùi cau trầu
vợ chồng mãi bên nhau
an vui dù bão tố
năm tháng có dãi dầu
 
Ngón tay trỏ để cầu
cho thầy giáo một câu
được khôn ngoan chỉ bảo
thế hệ trẻ tiến mau
 
Ngón tay giữa rất dài
người hướng dẫn tương lai
xin lo cho đất nước
được hưng thịnh, đẹp giàu
 
Ngón tay nhẫn yếu mềm
người quanh ta cần thêm
cảm thông và tha thứ
xin câu kinh ngọt hiền
 
Ngón tay út kế liền
dẫu bé nhỏ truân chuyên
xin vượt qua thử thách
bản thân được vẹn tuyền
 
Chắp tay lời khấn nguyền
dân tộc con triền miên
trong bất công đói khổ
Cha ban ơn diệu huyền
 
Mười ngón tay khép liền
lời kinh nguyện muôn niên
xin dâng lên Cha Cả
như của lễ trọn niềm…
 
Trịnh Tây Ninh
---
Yêu Em Giấc dài
 
Tôi đã ngủ giấc dài
tỉnh dậy ngày sắp tắt
soi gương bỗng giật mình
tuổi xuân dường đã mất
 
Tôi đã ngủ giấc dài
hạt mưa vừa ướt đất
thấy em dưới tuyền đài
tôi mây trời cao ngất
 
Tôi đã ngủ giấc dài
vẫn nỗi buồn hiu hắt
trong giấc mơ u hoài
xót xa còn trong mắt
 
Tôi đã ngủ giấc dài
ước rằng em nói thật
tôi nguyện dưới gót hài
nghe em lời đường mật
 
Tôi đã tỉnh giấc dài
biết đường đi đã trật
Sao nỡ dối gian hoài
mặc tình ta chật vật?
 
Tôi chưa tỉnh giấc dài
nói chi điều giáo luật
tim vẫn tiếng thở dài
yêu em tình rất thật....
 
Trịnh Tây Ninh

Thursday, May 17, 2012

Thánh Ca: Ngài Nâng Tôi Lên - Gioakim

Ngài Nâng Tôi Lên.  
Nhạc ngoại quốc. 
Lời Việt: Gioakim. 
Tiếng hát: Lê Anh.

Tuesday, May 15, 2012

Slideshow Duy Hân: Tình Xưa.

Tình Xưa.
Thơ: Hoàng Song Liêm
Nhạc: Từ Công Phụng
Tiếng hát: Ngọc Diệp
Hòa âm: Lê Huy
Slideshow: Duy Hân

TÌNH MẸ CHO CON

Thơ Vũ Thủy


Tình mẹ cho con như sương sớm trong lành
Tình mẹ cho con, hóa thành viên kim cương lấp lánh
Tình mẹ cho con, tỏa ánh nắng ấm đời con
Tình mẹ cho đi, cho con cả cuộc đời
Tình mẹ cho con, chẳng ngòi bút nào tả xiết
Tình mẹ tha thiết như lời ru của biển...

Niềm vui nào của mẹ thiếu vắng con trong đó?
Nỗi buồn nào của con không là sầu của mẹ?
Tình mẹ trọn vẹn như trăng rằm tháng Tám!
Bởi tình mẹ chẳng bao giờ so đo tính toán!
Tuổi ĐỜI càng cao, trái tim mẹ càng đầy...
Con càng lớn, mẹ dầy thêm lo lắng...

Tình mẹ con như thể nắng mùa đông
Vừa ấm áp, vừa mênh mông dìu dịu
Mẹ nhẫn chịu cho đời con hạnh phúc
Con vô tình để nhiều lúc mẹ khổ đau
Vẫn biết thế, nhưng tình mẹ vẫn thế
Là cho đi như thể vẫn còn nhiều...

Cảm hứng từ những tâm tình chia sẻ của Sáng

TÌNH MẸ ĐẸP NHẤT TRONG ĐỜI



TÌNH     Mẹ bao phủ trần gian
MẸ        là bóng mát che đàn con yêu


ĐẸP      thay tình Mẹ sớm chiều
NHẤT    trong thiên hạ hơn nhiều giấc mơ
TRONG  lòng Mẹ vẫn mong chờ
ĐỜI     con khôn lớn bao giờ thành nhân


MẸ          luôn ấp ủ xa gần
CHO        con tất cả gian trần vì yêu
CON        ngoan đời Mẹ vui nhiều
ĐƯỢC  hân hoan chút nắng chiều ấm thân
LÀM        con hiểu được mấy phần
NGƯỜI   đời vẫn vậy đâu cần nghĩ xa
THÀNH   thân rời bỏ Mẹ già
THÂN      mình no thỏa Mẹ ra thân cò

CON        lập gia thất Mẹ lo
ĐI          đâu Mẹ cũng dặn dò trước sau
KHẮP      cùng thiên hạ giống nhau
CẢ        trong loài khác một màu y chang
GIAN      nan Mẹ vẫn sẵn sàng
TRẦN     gian lòng Mẹ ngọc vàng thua xa

LÒNG     Mẹ ôi! thật bao la
MẸ         cho tất cả vì ta vào đời
LUÔN    luôn khấn nguyện ơn Trời
MÃI    hoài Mẹ vẫn nhất đời thương con
VẪN      hy sinh mãi cho tròn
GẦN     "Ngày của Mẹ" nên con nhớ nhà
BÊN      nhà xin Mẹ thứ tha
CON     xa dâng Mẹ bông hoa tâm hồn.


Thanh Sơn  

Friday, May 11, 2012

Slideshow Duy Hân.

CÒN MÃI TIẾNG RU.
Nhạc: Nguyễn Văn Hiển
Thơ: Trịnh Tây Ninh.
Slideshow: Duy Hân

Wednesday, May 9, 2012

Slideshow Tin Yêu: Matia! Mẹ Con Ơi!

MARIA! M Ẹ CON ƠI!
Sáng tác: Gioakim
Tiếng hát: Lệ Hằng
Slideshow: Tin Yêu

CHÚT SUY TƯ MÙA HẠ

Thơ Vũ Thủy

Hạ về nắng dội thênh thênh
Sân trường cỏ úa buồn tênh trưa hè
Thinh không ra rả tiếng ve
Trời nghiêng mây biếc lắng nghe hạ buồn...

Bao giờ trời đổ mưa tuôn
Để cho cánh phượng thả hồn nhớ nhung
Bao giờ mặt đất ung dung
Lá cây rụng xuống nghìn trùng ra đi...

Bao giờ trở lại mùa thi
Cho người lại nhớ tiếng ai ôn bài
Bao giờ nắng hạ nhạt phai
Để triền con dốc đổ dài bóng xưa...

Hạ ơi, nhớ mấy cho vừa
Chiều nay nắng gọi ngày xưa trở về
Một vòng khói tỏa đê mê
Một tôi đứng ngắm tái tê sân trường!

Hạ ơi, sợi nhớ sợi thương
Một vùng kỷ niệm ngát hương xa rồi
Chỉ còn nắng hạ mà thôi
Xin đừng phai nhạt một thời tôi yêu!

Tuesday, May 8, 2012

Slideshow Duy Hân: Kỷ Niệm.

KỶ NIỆM
Nhạc: Phạm Duy
Tiếng hát: Thái Hiền.
Slideshow: Duy Hân

Sunday, May 6, 2012

Happy Mother's Day


Mến tặng ba mẹ của Chị Thuỷ và anh Huy


Mến tặng Người Mẹ Hiền Đông Khê,
 Chị là hoa hồng
Rực đỏ, nhung thánh
Nước mắt âm thầm
Vẫn còn tuôn chảy
Mà nào con có hay....
"Cả đời của mẹ
Mẹ đã cho con
Từng dòng sửa non
Đến đầu tóc bạc"(1)

(1) from ĐK







NGÀY HIỀN MẪU

Tháng Năm
Vườn hồng nở
Duyên dáng hữu tình
Rực rỡ ánh bình minh

Nhớ đến
Các hiền mẫu
Đời sống mẫu gương
Bươn chải vượt tuyết sương 

Nụ cười
Ánh mắt mẹ
Đôi tay, lời nói
Vì đời và vì con
Nhớ ơn mẹ, mẹ yêu hỡi...

HBTT

Friday, May 4, 2012

Slideshow Tin Yêu: Ave Maria

AVE MARIA
Nhạc: GioaKim
Tiếng hát: Như Mai
Slideshow:Tin Yêu

Wednesday, May 2, 2012

Slideshow Đời Đá Vàng & Tưởng Niệm.

Đời Đá Vàng: Vũ Thành An
Tưởng Niệm: Trầm Tử Thiêng.
Tiếng hát: Khánh Hà & Trần Thái Hòa.
Thực hiện slideshow: Duy Hân.

Trầm Thiên Thu chuyển ngữ: Tận hiến cho Đức Mẹ.


Tận hiến cho Đức Mẹ
Đây là bài trích từ bài thuyết trình của ông Howard Dee trong dịp Hành hương Quốc gia lần IV tới Lipa ngày 12-9-2007. Ông Dee là nguyên Đại sứ tại Vatican, có lòng tôn sùng Đức Mẹ, và là tác giả 2 cuốn sách về Đức Mẹ: Tặng phẩm Quý giá nhất của Thiên Chúa dành cho Nhân loại Ngày nay (God’s Greatest Gift to Mankind Today) và Số phận Cuối cùng của Nhân loại (Mankind’s Final Destiny).
Chúng ta hãy bắt đầu bằng định nghĩa của sự tận hiến. Theo Webster, tận hiến là hiến dâng cho một mục đích thánh (sacred purpose).
Chẳng hạn, khi một giám mục thánh hiến một nhà thờ, đó là dâng hiến cho mục đích thánh là thờ phượng Thiên Chúa. Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta, những người tin theo Chúa Giêsu, được tận hiến cho Đức Mẹ?
Để trả lời, tôi dùng định nghĩa uy tín (authoritative definition) của thánh Louis Marie Grignon de Montfort (gọi tắt là Louis Montfort), vị thánh rất yêu mến Đức Mẹ mà Chân phước Gioan Phaolô II đã dâng trọn đời mình cho Đức Maria, và đã chọn khẩu hiệu giáo hoàng của ngài là Totus Tuus, Maria! (Tất cả nhờ Mẹ Maria!).
Thánh Louis de Montfort nói rằng tận hiến cho Đức Mẹ là dâng trọn đời mình cho Đức Trinh Nữ, để hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Tận hiến cho Đức Mẹ nghĩa là chúng ta dâng hiến cuộc đời mình, công việc, trái tim và khối óc, thân xác và linh hồn, vì mục đích thánh: để Thiên Chúa được tôn vinh nơi chúng ta, nhờ chúng ta và qua chúng ta, theo gương Mẹ Maria. Theo công thức tận hiến của thánh Montfort (Montfortian formula of Consecration), ngay cả những gì sở hữu, bên trong và bên ngoài, cả những nhu cầu tốt lành của chúng ta, cả quá khứ, hiện tại và tương lài, đều được phó thác cho Mẹ Maria qua việc tận hiến cho Mẹ Maria, để Mẹ sắp xếp như Mẹ muốn, vì vinh danh Thiên Chúa.
Do đó, tận hiến cho Đức Mẹ là một động thái theo Phúc âm là chết cho chính mình, hy sinh và tự nguyện phục tùng, theo tinh thần Totus Tuus, hiến dâng mọi thứ vì mục đích thánh, mục đích mà Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, để chúng ta hoàn toàn thuộc về Ngài. Nhờ sự tận hiến của chúng ta, Mẹ Maria trở nên Đấng bầu cử riêng (personal intercessor) và là Đấng trung gian (Mediatrix) giữa chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đưa chúng ta tới sự sống dồi dào (abundant life) mà Chúa Giêsu đã hứa ban khi Ngài nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Sự sống dồi dào này là sự sống trong Chúa Thánh Thần, sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Qua động thái hoàn toàn tận hiến cho Mẹ Maria, Chúa Giêsu hoàn tất lời hứa của Ngài đối với chúng ta về sự sống dồi dào khi Đức Mẹ đưa chúng ta vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, sự sống thật của mỗi Kitô hữu.
Điều gì xảy ra khi chúng ta tận hiến hoàn toàn cho Đức Mẹ? Cũng như Mẹ nói lời “xin vâng” (fiat) khi được sứ thần truyền tin, Chúa Thánh Thần dùng chính lời xin vâng của chúng ta, kết hợp với lời xin vâng của Mẹ Maria, để hành động trong chúng ta, Chúa Giêsu được tái sinh trong chúng ta và chúng ta được tái sinh trong Ngài. Chúng ta trở nên Kitô khác (alter-Christ), con cái đích thực của Mẹ Maria, các Kitô hữu và môn đệ đích thực của Đức Kitô.
Qua bí tích Thánh Thể, Bửu huyết của Chúa Giêsu ngấm vào chúng ta, đó là Máu mà Chúa Giêsu lấy từ Đức Mẹ, làm cho chúng ta thực sự là con ruột (blood children) của Đức Maria. Có Đức Maria là Mẹ ruột của chúng ta, và Chúa Giêsu là Anh Cả, chúng ta khả dĩ “yêu cầu” phần thừa kế trọn vẹn từ Chúa Cha (we can claim our full inheritance from the Father).
Tại sao chúng ta tận hiến cho Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ? Vì như Chúa Giêsu đã dạy, trái tim chúng ta là kho tàng. Trái Tim Mẹ là vị trí của yêu thương và trái tim đó chỉ có thể yêu một chủ. Hoặc là yêu Chúa, hoặc là yêu thế gian. Chúng ta không thể yêu cả hai chủ. Chúa Giêsu nói rằng chúng ta sẽ yêu chủ này và ghét chủ kia. Với Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ cũng vậy. Trái Tim Mẹ hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa. Kho tàng quý nhất của Mẹ là Thánh Tâm Chúa Giêsu, và Thánh Tâm Chúa Giêsu luôn ở trong Trái Tim Mẹ. Khi chúng ta tận hiến cho Trái Tim Mẹ, chúng ta trở nên phần kho báu của Mẹ và được hưởng huê lợi trực tiếp (direct beneficiaries) bằng đường vào ân sủng qua Mẹ Maria là Đấng Trung chuyển mọi Ân sủng (Mediatrix of All Grace). Khi hiện ra với tôn danh Đức Mẹ Hoa Kỳ (Our Lady of America), Đức Mẹ nói rằng “Trái Tim Mẹ là Trái Tim Vô Nhiễm, là kênh hồng ân của Thánh Tâm Chúa, được trao ban cho nhân loại”.
Tận hiến cho Trái Tim Mẹ không chỉ là động thái phó thác. Theo thánh Montfort, đó là đường sự sống, là hoàn tất lời hứa Thánh Tẩy (baptismal vows). Thánh nhân giải thích:
Tất cả sự hoàn thiện của chúng ta được làm cho thích nghi, được kết hợp và tận hiến cho Chúa Kitô, do đó trở nên lòng tôn sùng hoàn hảo nhất, không chút nghi ngờ, đó là sự thích nghi hoàn hảo nhất, kết hợp và tận hiến cho Chúa Giêsu. Mẹ Maria là người thích nghi nhất với Chúa Giêsu, sự tận hiến làm cho linh hồn thích nghi với Chúa là tận hiến cho Đức Mẹ, và càng tận hiến cho Đức Mẹ thì càng tận hiến cho Chúa Giêsu.
Bằng cách lý luận của thánh Montfort, chúng ta càng tận hiến cho Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ thì chúng ta càng được tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Con của Đức Mẹ. Chân phước Gioan Phaolô II đã từng dạy chúng ta rằng Thánh Tâm Chúa Giêsu được hình thành dưới Trái Tim Đức Mẹ và Bửu huyết chảy qua Thánh Tâm Chúa được lấy từ Máu của Đức Maria.
Khi hiện ra với tôn danh Đức Mẹ Hoa Kỳ, Mẹ nói rằng ân sủng từ Thánh Tâm Chúa Giêsu được phân phát qua Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ. Mối liên kết giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria được Chân phước Gioan Phaolô II giải thích là được đóng ấn dưới chân Thánh giá khi viên quan chỉ huy (centurion) đâm vào Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ, hoàn tất lời hứa với thánh Simeon khi Chúa Giêsu được dâng hiến trong đền thờ.
Theo thánh Alphongsô Ligôri, vị sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế (Redemptorist Order), cô gái Maria được chọn làm Mẹ Thiên Chúa bằng sự Đồng công Cứu chuộc (Co-redemptrix) và Trung gian (Mediatrix); một “chiếu chỉ” (divine decree) được tiền định cho Đức Mẹ đối với sứ vụ gấp đôi này.
Thánh Alphongsô cân nhắc thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa theo ánh sáng của Ơn Cứu Độ. Nghiên cứu về lý do nhập thể, ngài theo luận điểm (thesis) của thánh Thomas Aquinas: “Nếu loài người không phạm tội, Thiên Chúa sẽ không nhập thể”. Do đó, lý do tối hậu của sự nhập thể là cứu độ nhân loại. Đức Maria trở nên Mẹ của Đấng Làm Người để trở nên Đấng Cứu Độ và để đền tội cho thế gian; không có tội nhân thì Thiên Chúa không nhập thể, và Đức Maria cũng không là Mẹ Thiên Chúa.
Do đó, sứ vụ của Mẹ được kết hợp với sứ vụ của Chúa Kitô. Các sứ vụ này đã được tiền định để bảo đảm Ơn Cứu độ cho nhân loại sa ngã, qua đó mà Ơn Cứu độ mang dấu ấn của Lòng Thương Xót và Đặc ân Tha thứ. Điều này đã được Chúa Cha ra “chiếu chỉ” tại Vườn Địa Đàng (Garden of Eden) khi Ngài nói với Luxiphe rằng “đầu nó sẽ bị đạp nát dưới gót chân của một phụ nữ”.
Với đặc ân là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria hợp tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ nhân loại, trở thành Đấng Đồng công Cứu chuộc, và hiện nay Mẹ là Đấng Trung chuyển Ân sủng từ Thiên quốc. Thánh Alphongsô dạy:
Như các Giáo phụ đã nói với chúng ta, Đức Maria trở nên Người Mẹ tâm linh của chúng ta hai lần. Lần một, khi Mẹ thụ thai Con Thiên Chúa, bằng lòng tận hiến vì công cuộc cứu độ, do đó mà Mẹ cũng mang thai chúng ta trong lòng Mẹ. Lần hai, khi Mẹ sinh chúng ta trong ân sủng trên Núi Sọ, Mẹ dâng chúng ta cho Chúa Cha Hằng Hữu, trong nỗi buồn sâu thẳm của tâm hồn, sự sống của Con Mẹ để cứu độ chúng ta.
Theo ĐHY Luis Aponte Martinez ở Puerto Rico, khi sứ thần truyền tin, Đức Maria đã xin vâng với Chúa Cha, để Chúa Thánh Thần dùng linh quyền cho Mẹ thụ thai Ngôi Hai Thiên Chúa, Con Một Dấu Yêu của Chúa Cha, rồi Chúa Cha ban lệnh từ lúc đó, mọi ân sủng được trao ban cho nhân loại sẽ qua Mẹ Maria là Đấng Trung chuyển Ân sủng. Các Kitô hữu đều muốn sản sinh Đức Kitô trong cuộcsống của họ, điều này chỉ khả thi nhờ hành động kết hợp của Chúa Thánh Thần nơi họ qua Mẹ Maria, Đấng vừa Đồng công Cứu chuộc vừa Trung chuyển Ân sủng.
Tôi còn nhớ rõ, từ khóa Maria học (Mariology classes), tôi được may mắn tham dự với Đức cố Hồng y Jaime Sin, ngài nói với chúng tôi rằng không có thánh nhân trên trời nào lại không tôn sùng Đức Mẹ. Đó là lý do Mẹ là Nữ vương và Khuôn mẫu của các Thánh (Queen and Molder of All Saints).
Chúa Cha đã tạo nên Trái Tim Đức Mẹ để thay thế tình yêu hoàn hảo của Ngài. Mặt khác, Đức Mẹ còn đáp lại Tình yêu Thiên Chúa, tình yêu hoàn hảo đối với tình yêu hoàn hảo. Theo thánh Thomas Tiến sĩ Thiên thần (Thomas Aquinas), cuộc trao đổi tình yêu này được biểu hiện bằng sự trao đổi các tặng phẩm. Đức Mẹ trao cho Thiên Chúa, Đấng Trường sinh, một cơ thể con người và khả năng chết (power to die). Khi trao đổi, Thiên Chúa trao cho Đức Mẹ khả năng không chết (power not to die) và Đức Mẹ được chấp nhận vào Nước Trời, cả thể xác và linh hồn.
Nếu chúng ta sống tận hiến cho Đức Mẹ, Chúa Thánh Thần sẽ thánh hóa chúng ta và trao cho chúng ta khả năng chết cho chính mình và khả năng sống vĩnh hằng với Thiên Chúa. Vậy bạn phải làm gì sau khi tận hiến cho Đức Mẹ? Thánh Alphongsô nói rằng tận hiến không chỉ là một nghi thức mà còn liên quan cách sống. Năm 1957, Đức Mẹ hiện ra tại Hoa Kỳ và được nói lại vào ngày 22-8-2007:
Hỡi con của Mẹ, Mẹ phải làm gì khi con cái quay lưng với Mẹ? Hòa bình giả tạo của thế gian này quyến rũ họ và cuối cùng sẽ hủy diệt họ. Họ tưởng họ đã tận hiến đủ cho Thánh Tâm Vô Nhiễm của Mẹ. Không đủ đâu. Đó là điều Mẹ muốn và quan trọng nhất, nhiều người đã không tận hiến cho Mẹ. Điều Mẹ muốn thì Mẹ đã xin, và sẽ tiếp tục xin là sửa đổi đời sống. Phải có sự thánh hóa trong đó. Mẹ sẽ tác động phép lạ hồng ân của Mẹ nơi những người cầu xin và thanh tẩy linh hồn họ sạch những dấu vết tội lỗi đã làm mất lòng Con của Mẹ. Những linh hồn tội lỗi không thể đón nhận kho tàng ân sủng mà Mẹ trao cho họ.
…Hỡi con yêu dấu, Mẹ muốn quy tụ về bên Mẹ những chiến binh dũng cảm cầm đuốc sáng, một đội quân can đảm yêu thương, những người cầm đuốc sáng sẽ thắp lên ngọn lửa Lòng Chúa Thương Xót trong tâm hồn con người. Chỉ những người mạnh mẽ trong yêu thương mới có thể trở nên binh sĩ của Mẹ mà giương cao ngọn đuốc, không phải lưỡi kiếm hủy diệt mà là lưỡi kiếm lửa, ngọn đuốc thắp sáng Lòng Từ Ái của Thiên Chúa.
Đức Mẹ hướng dẫn rằng ước muốn của Trái Tim Mẹ được chuyển tới giám mục địa phương. Đức Mẹ nói: “Hãy đi gặp Đức giám mục, nói với ngài về những ước muốn của Trái Tim Mẹ. Chúng ta sẽ giúp đỡ con”.
Thật may mắn khi chúng ta ở Philippines, chúng ta không phải thuyết phục các giám mục về các ước muốn của Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ. Rather, chúng ta có những giám mục yêu mến Đức Mẹ như Đức TGM Ramon Arguelles luôn kêu gọi các tín hữu vâng theo sự thôi thúc của Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ. Tại sao việc tận hiến cho Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ lại quan trọng đối với thế giới ngày nay như vậy? Chúng ta lại theo ĐHY Aponte Martinez. ĐGH đã kêu gọi tại Hội nghị Hồng y ở Rôma:
Với mối quan tâm đặc biệt về mệnh lệnh đại kết ngày nay, đây không là một trong các nhu cầu cấp bách nhất của Kitô giáo và sự cầu bầu của Đức Mẹ về sự đoàn kết hay sao? Bây giờ không là thời gian kêu xin Đức Mẹ dùng cả sức mạnh tâm linh của Trái Tim Mẹ để liên kết con cái của Chúa thành một hay sao? Đây là cơ hội trở về với Đức Mẹ để cầu khẩn hồng ân cần thiết làm viên mãn lời cầu chưa trọn vẹn của Chúa Giêsu: “Xin cho mọi người nên một” (x. Ga 17:21).
Thánh Montfort đã nói tiên tri với những người theo ngài là sẽ được hoàn tất trong thế giới ngày nay. Ngài nói rằng Chúa Giêsu, trong lần thứ nhất, đã đến thế gian qua Mẹ Maria, lần thứ nhì Ngài cũng sẽ đến qua Mẹ Maria. Có nhiều dấu hiệu cho thấy lần đến thứ nhì của Chúa Giêsu không còn xa nữa, chúng ta cần hành động như những cô trinh nữ khôn ngoan chuẩn bị đủ dầu để thắp sáng đèn và tỉnh thức chờ Tân Lang.
Không còn cách nào tốt hơn là tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ, đó là thắp sáng “đèn tâm hồn” để cùng Đức Mẹ chờ Chúa Con đến. Tân Lang sẽ đến hỏi Tân Nương, tức là Giáo hội, về các tín hữu là Dân yêu dấu của Thiên Chúa.
Nhờ tận hiến cho Thánh Tâm Vô Nhiễm Đức Mẹ, chúng ta sẽ được tái sinh trong Chúa Giêsu, và trái tim chúng ta được thắp sáng ngọn lửa sùng kính sẽ là những ngọn đèn thắp sáng đường đi cho Chúa Giêsu đến thế gian lần thứ nhì. Chúng ta sẽ là những người cầm đuốc sáng của Mẹ Maria để thắp sáng Lòng Chúa Thương Xót trong tâm hồn con người, cả nam phụ lão ấu, làm ngay ngắn con đường cho Đức Vua tái lâm.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ all-about-the-virgin-mary.com)