Tuesday, February 28, 2012

MÙA CHAY VỀ


Mùa chay về con qùy bên Thánh Gía
Bóng AI xưa gục ngã trên đồi cao
Nhớ lại đường Gon-gô-tha thủa nào
Mão gai in máu đào Ngài đỏ thắm



Đôi mắt Ngài nhìn con đang buồn lắm
Bước chân đau thăm thẳm nhói vào tim
Từng lằn roi hằn lên vẫn kiếm tìm
Xé thịt da để in vào thân xác



Cây Thánh Giá cứu chuộc Ngài đang vác
Gánh tội đời, ai khác chính là con
Bởi lương tâm vặn vẹo chẳng vuông tròn
Đường xiên xẹo đi mòn khoe ngay chính



Mang hình người nhưng trong đầy thú tính
Vỏ bên ngoài phúng phính đẹp làm sao
Thèm lời khen tim đen mãi buộc vào
Thích bàn nào mâm cao ngồi cỗ nhất



Tên "phú hộ" ngỡ chẳng bao giờ mất
Thu thật đầy xây cất lắm lẫm kho
Xây lâu đài "ích kỷ" thật là to
Lời nhân từ là trò bịp hay nhất



Này! "phú hộ" những gì ngươi giấu cất
Chỉ một đêm, sẽ mất! chẳng còn chi
Và hồn ngươi ra đi mang được gì?
Có bao giờ, nghĩ suy đời sau hết?



Trong tíc tắc đã đi vào cõi chết
Để ngàn đời bản kết án sầu đau
Linh hồn ngươi về đâu ở kiếp sau?
Trước mặt người cúi đầu nghe phán xét.



Mùa chay này bao nhiêu người đói rét
Theo lời Ngài là nét đẹp sẻ chia
Phá lâu đài ích kỷ đã xây kia
Đem kho báu phân chia cho kẻ khó



Ánh mắt Ngài con thấy vui từ đó
Hoa Thánh Giá hương gió tỏa miên man
Mùa chay về tình sử bỗng nồng nàn
Con đã hiểu hai ngàn năm thủa trước.



Mùa chay về là mùa con cất bước
Theo dấu chân quy ước của Ngài xưa
Đường "Vị Kỷ" phục vụ sẵn sàng thưa
Bước chân vào đường xưa "Mùa Chay Thánh"



Trầm Hương Thơ 28.02.2012

Wednesday, February 22, 2012

LỜI KẺ HOANG ĐÀNG

Con đây lắm lúc cũng hoang đàng
Như đứa con hư mải bước hoang
Ân phước Cha ban xem rẻ rúng
Thói hư đời vẽ giỏi xiên quàng
Xác lâm cùng khốn lòng đâm hối
Hồn chất đọa đầy mắt phát quang
Biết chẳng đáng làm con Chúa nữa
Nguyện xin thương xót kẻ sai đàng
C.B.G.
23-02-2012

Slideshows Duy Hân: Một Ngày Có Nhau & Mùa Phố Xưa.

 

Tuesday, February 21, 2012

Mầu Nhiệm Mùa Thương - Thơ Viphương.

MẦU NHIỆM MÙA THƯƠNG


Thứ nhất: Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu

Vườn Giệt-Si Chúa lo buồn
Mồ hôi lẫn máu rịn tuôn thân mình
“Cha ơi! Xin hãy thương tình
Xin Cha tha thứ chúng sinh lỗi lầm
Bao nhiêu tội lỗi muôn dân
Con xin gánh chịu nhận phần thay cho
Nhưng sao con lại buồn lo
Nếu Cha có thể bỏ cho chén này
Chén chuộc tội quá đắng cay
Nhưng con xin nhận đền thay tội trần
Cha ơi! Con nguyện xin vâng
Ý Cha thể hiện, tội trần được tha”.
Não lòng, Chúa lại đi ra
Môn đồ say ngủ, xót xa Chúa buồn
Nhẹ nhàng Ngài trách yêu thương:
“Các con không thức canh trường được sao?
Lòng Thày cảm thấy xôn xao
Các con chớ có lãng xao nguyện cầu
Tâm hồn Thày thật buồn sầu
Mong con tỉnh thức đêm thâu với Thày”.
Con đây yếu đuối lắm thay
Bao nhiêu lỗi phạm mỗi ngày vương mang
Cha ơi, xin hãy thương ban
Giúp con thống hối tà gian giã từ
Giúp con xa lánh thói hư
Đừng làm xúc phạm nhân từ tình Cha.

 Thứ hai: Chúa Giêsu chịu đánh đòn

Chúa Giê-su chịu đánh đòn
Toàn thân đẫm máu không còn nhìn ra
Đòn roi xé nát thịt da
Chỉ vì tội lỗi của ta đó mà
Vì yêu Chúa không nề hà
Trước tòa quan án kêu ca cũng thừa
Vì con phạm tội a dua
Bao lần lỗi phạm về hùa cáo gian
Bao lần con đã huênh hoang
Sỉ nhục lên án vu oan người lành
Chúa ơi! Con thật gian manh
Đòn roi con đánh vào anh em mình
Những khi miệng lưỡi cố tình
Nói lời chua xót, khỉnh khinh người đời
Tội con đã thấu đến trời
Chúa ơi! Tình Chúa cao vời xin thương
Giúp con xa thói bất lương
Sống đẹp lòng Chúa biết thương đến người
Chúa ơi Chúa thật nhân từ
Giúp con biết cách xử cư hiền hòa
Giúp con bỏ thói điêu ngoa
Hãm mình, chừa bỏ lánh xa tội đời.
Chúa ơi, tình Chúa cao vời
Giúp con sống trọn một đời chứng nhân..

Thứ Ba: Chúa Giêsu chịu đội mũ gai

Chúa Giêsu chịu đội mũ gai
Máu nhòa mặt Thánh vì ai thế này?
Sỉ vả bao lời đắng cay
Âm thầm chịu nhục nhận thay loài người
Chúa ơi, lòng Chúa nhân từ
Tội con Chúa chịu để người khinh khi
Xin cho con được nhu mì
Kiên tâm cam chịu những khi buồn phiền
Tình đời lắm lúc đảo điên
Những khi bị nhục con liền phản công
Đôi khi con giữ trong lòng
Tìm mưu trả hận đừng hòng con tha
Chúa ơi, lòng Chúa hải hà
Chúa đà chịu đựng thứ tha tội tình
Giúp con biết cách sửa mình
Yêu thương hòa giải chân tình với nhau
Chúa ơi, Chúa quá đớn đau
Vòng gai mũi nhọn đâm thâu vào đầu
Chúa biết, biết rõ từ đâu
Biết con kiêu ngạo ẩn sâu trong lòng
Chúa ơi, con khấn cầu mong
Giúp con khiêm tốn sống trong tình Ngài.

Thứ Tư: Chúa Giêsu vác cây Thập Giá

Kề vai Chúa vác thập hình
Mỗi bước di chuyển thân mình máu tuôn
Lối đi dốc đá gian truân
Trên vai vác khúc gỗ vuông nặng nề
Đường lên đỉnh núi Calvê
Ba lần quỵ ngã lết lê lên đồi
Quân lính đánh đập không thôi
Không thương, không xót, liên hồi quát vang:
“Đi nhanh cho kịp thời gian!”
Gượng lên té xuống không than một lời
Chúa ơi, Chúa gánh tội đời,
Khi con vấp ngã Chúa thời đỡ nâng
Xin cho con biết ân cần
Giúp người khốn khổ tấm thân cơ hàn
Chúa ơi xin hãy thương ban
Cho con theo Chúa vững vàng quyết tâm
Cho con có được lòng nhân
Cảm thông, an ủi, tương thân giúp người
Chúa ơi, lòng Chúa nhân từ
Giúp con chỗi dậy, thói hư xin chừa.
Gục đầu, thành khẩn con thưa
Giúp con chớ có hơn thua não lòng
Giúp con đừng có bội vong
Chúa thương gánh tội chỉ mong con về
Giúp con bỏ thói đam mê
Giúp cho chừa hết khinh chê thói hèn
Cho con cất tiếng ngợi khen
Tình yêu Thiên Chúa là men cuộc đời.


Thứ Năm: Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá

Chúa lên đến núi Cal-vê
Quân lính lột áo, máu me tuôn tràn
Đớn đau chúng cũng không màng
Đẩy xô thân Chúa, chúng càng mạnh tay
Xô nhào trên khúc gỗ cây
Dùng đinh chúng đóng chân tay của Người
Toàn thân đau đớn rã rời
Máu tuôn, thịt nát thân thời căng ra
Lòng phàm chẳng chút xót xa
Tham lam, độc ác gian tà vậy sao?
Quân lính dựng Thánh Giá cao
Thân mình chùng xuống máu đào tuôn ra.
“Cha ơi, xin hãy thứ tha
Chúng làm nên tội nhưng nào biết chi”.
Yêu thương Chúa lại thầm thì
Trối Gioan cho Mẹ, Mẹ thì của Gioan
Tình Thương Chúa mãi mãi còn
Tha cho tên trộm nỉ non khấn cầu:
“Con ơi, con hết âu sầu
Hôm nay con sẽ về Trời với Ta”
Thế rồi đảo mắt nhìn xa
Đám đông bội phản chúng la chúng cười
Hôm nào chúng chúc tụng Người
Bây giờ trở mặt nhạo cười khinh chê
Ôi thôi sao quá não nề
Tình yêu Thiên Chúa tràn trề thương ban
Thế mà lòng chúng xảo gian. 
Dùng đòng đâm thấu tâm cang cạnh sườn
Máu đào chảy cạn vì thương 
Chúa ơi, Chúa chết đoạn trường thế sao!
Yêu con, Chúa bỏ trời cao
Làm thân người thế, cho con trọn tình
Chúa chịu chết treo thập hình
Để cho con được trường sinh quê trời
Chúa ơi, tình Chúa cao vời
Lấy gì đền đáp biển khơi tình Ngài
Con cầu khẩn con van nài
Cho con từ bỏ tiền tài lợi danh       
Xin cho con được lòng thành            
Kính yêu thờ Chúa lợi danh không màng
Giúp con vật chất đừng tham
Đam mê xác thịt tà gian xa rời
Chúa ơi, tình Chúa tuyệt vời
Chúa đà chịu chết cứu đời của con
Giúp con biết sống vuông tròn
Một lòng một dạ, sắt son yêu Ngài.

MÙA CHAY THÁNH


Nay mùa "Chay Thánh" đến rồi!
Hồn con bỗng thấy bồi hồi xót xa
Bao năm trời đã trôi qua
Bon chen kiếp sống phồn hoa giữa đời

Cuộc đời chẳng biết nghỉ ngơi
Bây giờ mới tiếc tuổi đời đã qua
Bao năm con đã xa CHA
Buông trôi cuộc sống bê tha thế trần

Trong hồn có tiếng vọng ngân
Con mê kiếp sống phù vân làm gì
Thương con "Thiên Tử" sinh thì
Trên cây"Thập Tự" chỉ vì TÌNH YÊU

Hôm xưa "Núi Sọ" một chiều
Chúa Con đau đớn ! mọi điều hy sinh
Sao ta cứ mãi bội tình
Chạy theo cuộc sống phù vinh làm gì?

Hôm nay con quyết ra đi
Theo Thầy bỏ lại những gì phù hoa
"LINH HỒN" là một món qùa
Cao sang "vô giá" CHÚA đà ban cho

Thứ tư dâng lễ "chịu tro"
Vào mùa "Chay Thánh" dặn dò lương tri
"Bốn mươi ngày hãy khắc ghi"
Xưng tội, rước lễ, từ bi làm đầu

Bước vào "Tuần Thánh" nhiệm mầu
Mùa chay trọn vẹn, là câu giữ mình
Linh hồn từ đó trổ xinh
Như trầm hương tỏa quanh mình thơm tho

Con xin là một cành nho
Gắn vào thân Chính uống no tình "THẦY"
Trọn mùa "Chay Thánh" xum vầy
Xin ơn CHA đổ tràn đầy trong con.

Thanh Sơn

Monday, February 20, 2012

NGÔI LỜI TRÊN THẬP GIÁ


Tranh Vẽ của HBTT

NGÔI LI TRÊN THP GIÁ


Ngôi lời là Thiên Chúa
Từ thuở rất xa xưa
Chưa có ánh mặt trời
Chúa dùng "LỜI" mà phán
Ngày có nắng ngập tràn
Đêm có triệu vì sao
Biển từng đàn cá lượn
Đất rợp bóng cỏ cây
Vườn Ê-đen xinh đẹp...
Tất cả cho con người!

Ngôi Lời là Thiên Chúa
Đã tạo dựng A-đam
Rồi tạo thêm E-và
Sau ông-bà sa ngã
Trải qua nhiều thế hệ
Kể từ Áp-ra-ham
Ngôi Lời lại phán hứa
Chọn dân Ít-ra-en
Làm dân riêng của Chúa
Trong kế hoạch lâu dài...

Ngôi lời là Thiên Chúa
Đã đặt để Mai-sen (1)
Đứng lên làm thủ lãnh
Dẫn dắt Ít-ra-en
Rẽ nước qua Biển Đỏ
Đưa dân vào sa mạc
Bốn mươi năm thử thách...
Ôi ! Sử sách thâm sâu
Lưu truyền lời Đức Chúa
Qua ngôn sứ của Ngài !

Ngôi Lời là Thiên Chúa
Vì quá yêu nhân loại
Đã xuống thế làm người
Trời rạng ánh bình minh
Mở ra kho Tân Ước
Trước con mắt thế trần
Giê-su Na-za-reth
Là con người bình dị...  
Người đã chết vì yêu...
Ngôi Lời trên thập giá !


HBTT

 (1) Tên Mai-sen là ông Mô-sê




Tranh Vẽ của HBTT

Tuesday, February 14, 2012

HƯƠNG NGÀY MỚI

Thơ: Vũ Thủy


Ta lắng nghe gió ru hồn cây cỏ
Khung trời nhỏ ngà say hương ngày mới
Nắng ùa vào phơi phới trái tim ta
Có tiếng Người bao la từ sâu thẳm
Ta nhắm mắt cố tìm trong ký ức
Mùi hương nào làm náo nức hồn ta
Buổi sáng nay tiếng chim hót trong lành
Gọi mặt trời hé bình minh rạng rỡ
Giọt sương vỡ nhẹ run từng phiến lá
Phả vào đời một chút lạnh se se!!!
Ta lắng nghe một ngày mới chào đời
Có tiếng cười giòn tan trong nắng sớm
Tiếng guốc ai thẳng thớm bước vào đời
Ngày gồng gánh bán lời rao giữa chợ
Ta nợ người một câu nói cảm thông
Đồng giấy bạc nợ mồ hôi muối mặn
Có chút gì chặn lại nửa môi cười
Ta dâng Người thầm một câu kinh nguyện:
“Chuyện giàu nghèo đừng ngăn cách yêu thương!”
Hương ngày mới, Người chia san gánh nặng!

Ta nhẹ lòng đón nắng ấm vừa lên!

Monday, February 13, 2012

ĐẸP MÃI TÌNH YÊU





TÌNH       yêu đẹp tựa mùa xuân
YÊU        nhau hoa nở đầu tuần ngát hương
THIỆN    tâm dìu bước lên đường
HẢO      duyên hòa hợp uyên ương trọn đời
TUYỆT  vời! khắp nẻo rong chơi
VỜI        cao tung cánh khắp trời đó đây

TỪ         ngày duyên thắm đong đầy
KHI        tình cao vút ngất ngây xác hồn
THIÊN   đàng trần thế trường tồn
CHÚA    ban ta phải kính tôn danh Ngài
ĐẤT       cho ta ở khoan thai
TRỜI      cho ta cả muôn loài đẹp xinh!
DỰNG   nên vạn sự hữu tình
XÂY      nên triệu thứ cho mình hưởng xuân

TRÁI      thơm rượu qúy đầu tuần
TIM        ta có mở dành phần tiến dâng?
HỒNG   tâm chia sẻ phúc phần
THẮM   ân nghĩa Chúa vo ngần thưởng ban
ĐONG  đầy đấu giữa trần gian
ĐẦY     ân, đầy phúc, sẻ san cho người

TÌNH     yêu sẽ rất tuyệt vời
YÊU     thương sẽ nở hoa cười giữa xuân
HẠNH  do cây đức trào tuôn
PHÚC  do chúa thưởng mãi luôn đời đời
ĐỜI      vui đời sẽ tuyệt vời
NẦY     tương lai sẽ rạng ngời ngàn sau
ĐỜI      đời trong Chúa tươi màu
SAU    ơn phước cả sang giàu Thánh Danh.

Thanh Sơn 14. 02.2012







Sunday, February 12, 2012

Thơ Trầm Thiên Thu


NGU NGƠ CON
(Diễn ý Mc 8:14-21)
Lòng con mê muội ngu ngơ
Mắt thì có đó mà như không tròng
Có tai mà cũng như không
Nghe mà không hiểu, không thông được gì!
Từng giờ, từng phút cứ qua
Biết bao điều lạ vậy mà không hay
Cứ đòi phép nọ, dấu này
Chưa nhìn tận mắt, không tài nào tin!
Lòng con sỏi đá vô tình
Đại ngu mà cứ tưởng mình giỏi giang
Nguyện xin Thiên Chúa xót thương
Thứ tha, thánh hóa, khiến lòng mềm ra
Giúp con nhận biết sâu xa
Điều bình thường cũng vẫn là Hồng ân
Đời con lắm nỗi đa đoan
Xin thương dìu dắt, đỡ nâng từng ngày!
TRẦM THIÊN THU
Saigon, 12-2-2012


DÂNG ĐỜI
Xin dâng Chúa những ước mơ
Ưu tư khát vọng vẫn chưa vuông tròn
Xin dâng Chúa những lo toan
Khiến con lo sợ ngày đêm không ngừng
Xin dâng Chúa những đa mang
Dọc theo những bước lang thang giữa đời
Xin dâng Chúa những nụ cười
Mỗi khi con được niềm vui ngọt ngào
Xin dâng Chúa giọt lệ sầu
Mỗi khi con chịu khổ đau, muộn phiền
Xin dâng Chúa những nỗi niềm
Miên man suốt những tháng năm cuộc đời
Con xin cảm tạ Tình Ngài
Vẫn luôn thương xót một người như con
Con xin lỗi Chúa thành tâm
Vui, buồn, sướng, khổ: Hồng ân của Ngài
Con xin lời lãi Chúa thôi (1)
Và tin tưởng Chúa trông coi, quan phòng (2)
TRẦM THIÊN THU
Sáng sớm 13-2-2012
(1) Mt 16:26. (2) Mt 6:25 & 31; Lc 12:22.


TRĂNG
Trăng nằm lơ lửng trời cao
Tròn như chiếc bánh, ai treo lạ kỳ?
Chính là Thiên Chúa tạo ra
Kỳ công ấy khiến người ta lạ lùng
Trẻ em thấy rất vui mừng
Mong rằm trăng sáng mênh mông diệu kỳ
Từng đàn ríu rít đường quê
Ca vang rộn rã, vui đùa dưới trăng
TRẦM THIÊN THU

Saturday, February 11, 2012

Giuc Niềm Vui Lên Tiếng-Slideshow thay cho lời chúc valentine.

Thơ : Vũ Thủy
Tiếng hát: Minh Quang
Nhạc & Slideshow: Hiển Nguyễn.

Happy Valentine - Duy Hân (slideshow)

HAPPY VALENTINE
Loi Ngot Ngao Yeu Thuong-Love Story
Minh Ngoc Piano
Slideshow: DuyHan


Friday, February 10, 2012

HOA VÔ NHIỄM


Trinh trong thánh thiện một loài hoa
 
Thiên đàng trần thế nhất ngọc ngà
 
Thơm lừng vũ trụ vô cùng tận
 
Hương ngát thế trần mãi tỏa ra
 
Đồng công giải thoát cho nhân loại
 
Cùng với Giê-su cứu chuộc ta
 
"Đức Vô Nhiễm Tội" tràn phước cả 
 
"Thánh Nữ Đồng Trinh" Ma-ri-a
 
Thanh Sơn 11.02.1012

THUYỀN TRĂNG CẢM HỨNG

Thơ: Vũ Thủy


Thuyền neo nhẹ ven sông
Trăng đầy thuyền, đêm lồng bóng nguyệt
Rượu sóng sánh vần thơ.

Rằm tháng Giêng, năm Nhâm Thìn

Thursday, February 9, 2012

Thanh Bình Ca - Slideshow.

Nhạc : Nguyễn Hiền.
Tiếng hát: Thái Thanh.
Slideshow: Duy Hân.


Tuesday, February 7, 2012

Phượng Hoàng: Ngày Về (Bút ký).

NGÀY VỀ .

Mùa thu năm 1991 , khi tôi được Nga , em gái út báo tin cho biết : đã mua xong vé máy bay cho ba Mẹ con đi Canada . Tôi mừng rỡ , nhưng nỗi lo ập đến , bao nhiêu những ý nghĩ " xúi quẩy " nó hiện lên trong đầu : nào là sợ bị bắt cóc , nào là sợ tai nạn xẩy ra cho người bên này lẫn bên kia ...
Những lo sợ này , nó đến từ thực tế nghiệt ngã , đã xẩy ra cho những người chung quanh trong giai đoạn chờ đợi đi xuất cảnh : có một gia đình đang chờ đi Đức , do một cô con gái duy nhất trong gia đình , định cư ở Berlin bảo lãnh . Cả nhà chẳng làm ăn gì cả , " ngồi mát ăn bát vàng " nhờ nguồn viện trợ dồi dào , vì người con ấy lấy được một Ông Thống Đốc Ngân Hàng . Thế rồi , tin chẳng lành như một tiếng sét giáng xuống mọi người trong nhà . Cô con gái ở Đức , trong một buổi chiều Đông , trời đổ tuyết mịt mờ , trên đường từ sở làm về nhà , đã lo ra chia trí , quên mất cuối con đường là một dòng sông , thế nên phóng xe lao thẳng xuống dòng sông buốt giá , chết tức tưởi trong tíc tắc ! _ Gia đình như đang trên đỉnh cao , rớt xuống đáy vực : không đi nước ngoài được , căn nhà đã bán , cả nhà vô nghề nghiệp !..._Rồi một trường hợp khác , là gia đình phụ huynh của cậu học trò trong lớp chủ nhiệm của người chị kế tôi , ở trường Ngô Tất Tố ( trước 1975 , đây là ngôi trường Saint Thomas của các Cha Đa Minh ở Nhà Thờ Ba Chuông , đường Trương Minh Giảng ). Cận kề ngày ra phi trường của cả nhà đi định cư ở Mỹ , thì cậu bé học trò kia bị chính người họ hàng bắt cóc ( làm tiền ), thế là Bà Cụ ngoài thất thập , là Bà Nội , đành phải hy sinh ở lại để tìm cháu đích tôn ! _Thế nên , những lo sợ của tôi , không phải là vô căn cứ . Nhưng tôi cất giữ nỗi lo ấy cho riêng mình , và cũng giấu kín , không cho Mẹ già biết là đã có vé máy bay , vì e rằng Mẹ sẽ đi khoe xóm giềng . _ Những lúc có nỗi lo âu , sợ hãi canh cánh trong lòng , mới thấy niềm tin phó thác nơi Chúa Quan Phòng cần thiết biết chừng nào . Căn nhà tôi lúc ấy , cũng đã thuộc về chủ mới , và khi ký giấy bán nhà , tôi đã yêu cầu chủ nhà cam kết một điều : cho ba mẹ con tôi được ở lại một phòng trên lầu ba ( 15m2) cho đến khi đi xuất cảnh . Thời điểm này , quả thực , tôi chỉ ăn với chơi , nhưng đầu óc thì ngay ngáy nỗi lo ! tôi bèn tìm cách trút bỏ gánh nặng tâm tư cho Giesu . Thế là , chiều chiều , tôi đạp xe lên Nhà Thờ Chúa Cứu Thế , Kỳ Đồng , hoặc Ngôi Đền Đức Bà Sài Gòn để nghe Cụ Nguyễn Khảm và Cụ Phạm Gia Thụy thuyết pháp , rồi dự lễ .Và tâm hồn tôi đã tìm được niềm tín thác trong an bình ._ Sau này , khi gia đình tôi đã đoàn tụ với gia đình Nga ở Vancouver , Nga mới dám kể về tai nạn xe hơi đã xẩy ra cho gia đình Nga , đúng vào thời điểm mẹ con tôi đang chờ đi . Và một điều rõ ràng trong sự cố tai nạn là có bàn tay chở che của Chúa Quan Phòng _ Phúc , chồng Nga , dừng xe bên đường để Nga chạy vào tiệm mua hàng , và khi trở ra , thay vì Nga ngồi chỗ cũ , bên cạnh Phúc , thì Nga lại mở cửa xe ở băng sau để ngồi cùng Tuấn , Uyên . Khi xe Phúc quẹo đến một ngã tư , thì một chiếc xe khác đâm sầm vào ngay chỗ ngồi cũ của Nga . Nhìn vào chiếc xe bị bẹp dúm phía chỗ cạnh tài xế , ai ai cũng nghĩ , ít nhất phải có một người chết ! _ Nhưng tạ ơn Chúa , Phúc không làm sao cả , còn ba mẹ con Nga chỉ bị xây xát nhẹ . _ Đến ngày lên đường đi xứ người , suốt đêm hôm ấy , tôi trằn trọc không ngủ được . Tôi sắp vĩnh biệt Sài Gòn , một miền đất được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông đã nuôi tôi lớn lên trong tuổi thiếu niên , dưới mái nhà đoàn viên , có Bố Mẹ , các chị , các em mà mỗi tối quây quần trước tượng Thánh Giá trên tường , cùng cất tiếng ca khen và tạ ơn Thiên Chúa trong buổi kinh tối của gia đình . Giờ đây , Bố tôi chỉ là nắm tro tàn trong hũ hài cốt được gửi gấm ở Nhà Thờ Vườn Xoài , còn một người chị thứ hai thì lạc loài nơi đâu trong chuyến vượt biên đường bọ năm 1979 (!?) , có lẽ xác thân chị đã biến thành Hạt Bụi của xứ láng giềng Căm Bốt rồi ! và người Chị Cả sẽ vĩnh viễn ở lại mảnh đất của tu viện Đa Minh Thánh Tâm Hố Nai . _ Tôi sắp mất ngôi nhà đã ấp ủ tuổi hoa niên của mấy chị em , mà Bố Mẹ tôi đã tiêu hao bao công sức gầy dựng nên từ khi vượt vĩ tuyến 17 năm 1954 . _ Người ta ra đi trong hân hoan mừng rỡ . Còn tôi ra đi trong ngậm ngùi cho một quá khứ vuông tròn đã bị phân tán thành từng mảnh ...
Tuy nhiên , khi ba mẹ con đã an tọa trong hàng ghế của chiếc phi cơ Hàng Không Việt Nam , và khi máy bay chuyển bánh , rồi từ từ nhấc cao khỏi phi đạo . Tôi thở phào nhẹ nhõm và ngay giây phút ấy , mọi nỗi lo biến mất để nhường cho niềm vui Đoàn Tụ , Dân Chủ , Tự Do , bừng sáng khắp tâm tư . Ba mẹ con tôi đã xuất cảnh thực sự rồi , một sự may mắn mà bao người ước vọng . Trong hơn tám mươi triệu dân , mẹ con tôi đã thuộc vào tỷ lệ ít ỏi của hơn hai triệu kiều bào ở hải ngoại . Quả thực , cuộc đời đã đãi ngộ mẹ con tôi . Chiếc phi cơ tăng dần cao độ , nhìn xuống mảnh đất quê hương với những ô nhà cửa , con đường , dòng sông , ruộng lúa ...tôi thầm hát :
" Sài Gòn ơi ! tôi đã mất người trong cuộc đời , Sài Gòn ơi ! thôi đã hết ..." Và trong tâm trí , tôi không hẹn ngày về ! _ Nhưng đường đời có những cột mốc thời gian ngoài dự tính . Đúng hai mươi năm sau , tôi đã trở về Sài Gòn . Và sự trở về này , nhìn dưới khía cạnh niềm tin , tôi nhận ra có sự sắp xếp của Chúa Trên Cao . Cuối tháng 7 , 2011 Ngài đã gọi mẹ tôi về với Ngài , sau 17 năm liệt giường dưới sự chăm sóc của tôi . Sang tháng tám thì Chị Dung tôi bị té ngã , chấn thương cột sống . Sau ba tháng nằm bẹp giường ở tu viện Thánh Tâm , Hố Nai và tình trạng đau đớn ngày càng tăng hơn , Chị phải nhập viện ở Sài Gòn . Và tôi đã quyết định về với Chị . Trong hai mươi năm nơi xứ người , tôi chỉ quanh quẩn ở nhà với Mẹ , thế nên lần đầu tiên đi đường trường hàng không một mình , tôi vừa lo , vừa sợ , vừa ngơ ngáo như mán về thành phố , mặc dầu ngày ra phi trường Pearson , Toronto , được Nga Phúc và cháu gái đưa tiễn vào tận cửa check in , và Phúc đã căn dặn , in bản đồ mấy Terminals ở Hồng Kong để chỉ dẫn cho tôi rất tỉ mỉ .
Lúc đi , tôi ngồi ở giữa hai người đàn ông Hồng Kong , một trẻ , một già , lại ở dãy giữa của máy bay , nên khi phi cơ cất cánh ở Pearson lúc 1:30 AM , tôi đã không nhìn thấy toàn cảnh Toronto về đêm khi chiếc phi cơ nhấc bổng lên cao . Trong suốt hành trình lơ lửng với mây trời hơn mười lăm tiếng đồng hồ , vượt mảnh đất Canada từ Đông sang Tây , rồi vượt một bến bờ Thái Bình Dương đến Hồng Kong . Tôi không tài nào chợp mắt được , trong khi Ông già bên tay phải tôi , cứ ăn xong là chìm vào giấc ngủ say . Còn chàng trai trẻ bên tay trái , nói tiếng Anh lưu loát , cũng đi vào giấc ngủ trên không dễ dàng sau ba bữa ăn .Còn tôi , sau mỗi bữa ăn là dán mắt vào màn ảnh nhỏ, rộng khoảng nửa cuốn vở học trò , được gắn vào thành ghế phía trước . Chương trình cũng hấp dẫn lắm , có cả Discovery Chanel . _ Đến phi trường Hồng Kong , trời đang chuyển mình đón chào bình minh , núi đồi chập chùng , khí hậu mát mẻ như Đà Lạt . Những hành khách chuyển máy bay đi Việt Nam , tập trung ở khu chờ đợi . Lúc này thì tôi nghe " Tiếng Nước Tôi " om sòm đủ giọng Bắc , Trung , Nam . Tôi ngồi lặng yên nghe các Cụ kể chuyện , Cụ ở Montreal thì khoe : năm nào tôi cũng về ăn Tết mấy tháng , vừa trốn tuyết mùa Đông Canada , vừa thắp nén nhang cho ông nhà tôi đang ngủ yên ở khu đất tổ tiên ở Cần Thơ , vừa sum vầy với con cháu . Tết đến là tôi lì xì cho mỗi gia đình , nhưng rồi đứa nào cũng rên quá trời ! năm ngoái , tôi mang về mười ngàn đô , tới ngày ra đi là sạch trơn ! _ Một anh tuổi trung niên , dáng người lam lũ như nhà nông , không biết ở Canada đã bao lâu , nhưng nước da vẫn đen bóng , thong thả chen vào : Bác có tiền già còn đỡ , tui đây muốn dzề ăn Tết dzới gia đình là phải bắt trùng , làm farm . Đi một chuyến là trắng tay , dzề lại bên này cày tiếp ! _Nhìn đồng hồ còn hơn một tiếng nữa mới đến giờ " boarding " , tôi đi dòm đó đây thì thấy có ba cái computers trên kệ gắn vào tường , để hành khách xử dụng miễn phí 15 phút mỗi người . Thế là tôi email cho Nga Phúc biết , tôi đã đến Hồng Kong và đang chờ chuyến bay đi Tân Sân Nhất . Và đó là một lần vào Internet duy nhất trong suốt bẩy tuần lễ tôi xa am thất của tôi ._ Chiếc Cathay Pacific chuyển bánh lên cao dần , lần này tôi được ngồi sát ô cửa kính , nên tôi khẽ vẫy tay giã từ phố cảng Hồng Kong trong một lần đến , rồi một lần đi quá ngắn ngủi , chưa được ngắm phố phường mà từ trên cao nhìn xuống , chỉ thấy toàn buildings san sát ven bờ biển xanh êm đềm . Khi cánh chim sắt đi giữa hai tầng mây , nhìn lên trên , thấy tầng mây trắng trên cao , nhìn xuống dưới , thấy mây bay là là , tôi thấy mây thật gần bên tôi , chỉ cách có khung cửa kính . Tôi như cánh chim đang bay trong khung trời rộng , hướng về miền Đất Mẹ . _ Ba tiếng đồng hồ cuối cùng trên không trung , trôi qua thật mau , nhìn vào màn ảnh nhỏ về tin tức chuyến bay , tôi thấy cao độ xuống thấp dần , và thời gian đến Tân Sân Nhất cũng giảm dần ... Và kìa , tôi bắt đầu nhìn thấy Sài Gòn từ trên cao : từng ô nhà cửa , những con đường uốn lượn , dòng sông trắng , những đám lúa hay khu vườn xanh biếc ...Tôi hồi hộp ! vì sắp sửa đặt chân xuống " đường xưa lối cũ " của thành phố mà khi tôi tạ từ đã không một nuối tiếc !
Ra khỏi phi cơ , tôi cứ thế đi theo kiều bào đến trước một dãy những khung vuông , là bàn làm việc của nhân viên hải quan , mặc đồng phục như bộ đội . Trước tôi vài người , tôi thấy anh hải quan xét duyệt Passports rồi cho đi rất mau , không biết họ có biếu anh tiền cà phê gì không (?)
Gần đến phiên tôi , tôi định lấy tờ 5 CAD để vào Passport , nhưng một Bác người Nam đứng sau tôi , bèn ghé tai dặn dò :" không cho nó đồng nào nghe cô , mình đường đường chính chính , có gì đâu mà phải cho nó !" _ Nghe vậy , tôi lặng yên cười và đành vâng lời Bác . Nhưng trong lòng phân vân nghĩ ngợi : hai mươi năm tôi mới trở về , và Anh là người nhân viên hải quan đầu tiên tôi gặp , tôi muốn biếu Anh 5 đô như là quà của tôi , chứ tôi không hối lộ , vì tôi có gì gian trá đâu . Tôi nghĩ , một công nhân viên với đồng lương èo ọt của một đất nước XHCN , thì cũng chỉ đủ nuôi bản thân . Anh may mắn hay quen biết (?) xin được một việc ở hải quan TSN , cũng là trông mong vào tình đồng bào khi trở về , biếu tặng " Pourvoir " để Anh thêm ngân khoản cho vợ con trong những tháng cuối năm ._ Đến phiên tôi , tôi mỉm cười chào Anh và đưa Passport . Anh cầm , lật tới lật lui rồi hỏi :" chị về lần đầu à ?" _ Dạ vâng _ Im lặng một tí , Anh hỏi tiếp :" Passport của chị đâu ?" _ Tôi ngỡ ngàng , không hiểu...và hỏi lại : Passport nào Anh ? tôi từ Canada về , nên tôi chỉ có Passport Canada , Anh đang cầm ._ Anh nhìn tôi rồi nói :" tôi hỏi chị về cái passport mà chúng tôi đã cấp cho chị , để chị đi Canada " _ Lúc này tôi chợt hiểu ra : Anh muốn tôi biếu tiền cà phê !_
Nhưng tôi không dám , vì lộ liễu quá khi lấy tiền đưa anh , vì bao người đang xếp hàng phía sau , có cả mấy Ông Bà Tây ._ Thế nên , vừa nghe Anh giải thích xong , thì tôi làm ra vẻ ngây ngô của kẻ về lần đầu : Ủa , vậy hả Anh , tôi về lần đầu nên tôi không biết là phải mang theo cả passport lúc xuất cảnh . Thôi lần sau , tôi sẽ mang theo Anh ạ . _Anh đưa lại passport cho tôi với vẻ mặt chẳng vui tí nào ! _ Cầm lại passport trong tay , tôi mừng hớn hở , cứ sợ Anh giữ luôn thì khốn ! biết thưa trình vấn đề với ai bây giờ ! _ Hối hả , vai đeo cái túi nhỏ , tay cầm cái xách tay , đi vội vã tìm quầy lấy hành lý . Ôi chao ! toàn là người vây quanh ba quầy xoay , biết va ly mình ở quầy nào bây giờ ! nhìn trước sau , chẳng thấy có bảng chỉ dẫn ! tôi hớt hả , chạy từ quầy 1 , sang quầy 2 , rồi quầy 3 . Cứ thế vòng tới vòng lui , bổng có một anh nhân viên an ninh đi lại chỗ tôi với nụ cười thân thiện :" chị đi từ đâu về ?" _ Dạ , tôi từ Hồng Kong ._ " Hồng Kong thì ở quầy 1 , chị có hai va ly phải không , chị ra quầy 1 đứng chờ , để em đi lấy xe và em đẩy hai va ly cho chị ."_ Tôi vui mừng vì có người hướng dẫn giúp đỡ . Tôi đứng dòm khoảng 15 phút thì thấy hai va ly với ruy băng trắng tím mà Nga đã cẩn thận vòng chung quanh tay cầm để tôi dễ nhận diện . Tôi nói với Anh : em ơi , hai va ly chị kia kìa , có dải ruy băng trắng tím ở tay cầm ._ Anh nhanh nhẹn len sát vào quầy quay , nhấc hai va ly , cho vào xe và đẩy đến chỗ rà máy . Xong , Anh lại cho hai va ly lên xe , đẩy ra khu vực khách đón chờ thân nhân . Tôi cứ lẽo đẽo đi theo Anh , ngơ ngáo nhìn cảnh quan TSN của 2011 khác hoàn toàn với 1991 , nên cũng chẳng biết đến chỗ nào là " khu vực giới hạn " của Anh ! bỗng thấy Anh quẹo xe vào một góc khuất và cúi sát nói nhỏ với tôi :" chị cho em tiền cà phê chỗ này , chứ ra ngoài kia , em không được phép nữa " _Tôi vội lấy tờ 10 CAD đưa cho Anh và cám ơn . Rồi tôi đẩy chiếc xe ra khu vực khách đón . Vừa đi vừa nhìn tứ phía để kiếm tìm bảng tên " Mỹ Hạnh " : đó là Sơ đã săn sóc Chị Dung trong thời gian ở bệnh viện trước khi tôi về và tôi đã liên lạc trước để nhờ Sơ ra phi trường đón tôi . _Về lại thành phố cũ , tôi như kẻ " mồ côi " vì chẳng còn một thân nhân nào cư ngụ ở đây , nên Tu Viện Đức Mẹ Mông Triệu , gần nhà thờ Ba Chuông , thuộc hội dòng Đa Minh Thánh Tâm là mái nhà của tôi . Sơ Hạnh gọi chiếc Taxi 6 chỗ ngồi để đưa hai chị em ghé về Lê Văn Sỹ , gửi hai chiếc va ly . Tôi chỉ kịp ôm chào Sơ quản lý , gửi Sơ giữ giùm passport và một số tiền , rồi vội vã thu gom vài bộ quần áo để Taxi chở thẳng đến bệnh viện Trưng Vương . Ngồi trong xe , vừa trò chuyện với Sơ Hạnh , tôi vừa ngó nhìn qua cửa kính , ngắm nghía phố phường Sài Gòn thật inh ỏi tiếng còi xe , những con đường hình như nhỏ hẹp đi bởi những dòng xe taxi , xe hơi , Honda , cứ thế luồn lách chen chúc nhau trên một lòng đường quá tải , chiều xuôi , chiều ngược , lẫn lộn vào nhau . Đi qua biết bao con đường , tôi nhìn ngang dọc để cố kiếm tìm hai loại xe " cổ " là : xích lô đạp và xe đạp , nhưng hoàn toàn vắng bóng ! tôi chợt nhớ nhung đến những tà áo trắng nữ sinh phất phơ trong gió chiều vào giờ tan trường . _ Chiếc taxi đưa tôi qua nhiều khu phố , nhiều con đường , từ TSN đến bệnh viện Trưng Vương , tất cả , tôi đều thấy mới lạ , ngay cả con đường Lê Văn Sỹ ( Trương Minh Giảng cũ ) là con đường mà tôi đã bước đi từ thuở niên thiếu đến lúc trưởng thành , thế mà tôi vẫn ngơ ngác chưa kịp nhận ra căn nhà xưa của mình khi chiếc xe vụt qua !
Đến bệnh viện , ở tầng trệt và lầu một , tôi thấy bệnh nhân ngồi kín các hàng ghế trước phòng khám bệnh , còn thân nhân thăm nuôi , kẻ đứng , người ngồi , la liệt ở các hành lang , cầu thang , vẻ mặt ủ dột , mệt mỏi , thân hình gầy guộc , đen đúa , tay xách túi ny lông , chân đi đôi dép nhựa . Nhìn họ , người ta dễ dàng nhận ra , họ là những nông dân nghèo khổ từ những vùng xa miền Tây , miền Đông ... về Sài Gòn để chăm sóc người thân trong bệnh viện . Lên lầu hai , tôi thấy một tấm bảng lớn với hàng chữ :" Khu vực điều trị theo yêu cầu " . Tôi thực sự không hiểu ý nghĩa những từ ngữ này ra sao ! nhưng tôi thầm nghĩ : cứ sống , rồi từ từ sẽ hiểu thôi ._ Sơ Hạnh đưa tôi đến một phòng ở gần cuối hành lang , tôi để Sơ bước vào trước , tôi theo sau và đứng bên cạnh . Sơ ríu rít chào hỏi Chị Dung và quay sang tôi nói :" bây giờ chị Dung có em Phượng chăm sóc , thích nhá !" _ Chị Dung lặng thinh , cười mỉm và không có vẻ gì ngạc nhiên . _ Khi tôi quyết định về và đã book xong vé máy bay , tôi phone cho Sơ Hạnh biết và xin Sơ giữ kín , đừng cho Chị Dung biết . Nhưng ngày hôm ấy , Nga chờ mãi không thấy tôi phone về , nên nóng lòng sốt ruột , đã phone hỏi chị Dung :" Chị Phượng đã về đến chỗ chị chưa ?" _Tôi bắt đầu thay ca cho các Sơ để ở lại với Chị Dung cho tới ngày xuất viện . Tất cả những phòng bệnh nhân ở lầu hai này , được gọi là " phòng dịch vụ " , phòng " VIP" , mỗi phòng rộng 15m2 , có máy điều hòa không khí , có phòng vệ sinh với máy nước nóng nước lạnh , hai giường bệnh nhân , cạnh mỗi giường có một cái tủ nhỏ . Tiền phòng là 800,000 VND / 1 ngày , như thế mỗi bệnh nhân phải trả 400,000 $ . Lương công nhân viên , một tháng hơn một triệu , làm sao có thể ở phòng dịch vụ (!?) . Bây giờ thì tôi đã hiểu cụm từ " khu điều trị theo yêu cầu " có ý nghĩa gì : khu vực dành cho người giầu !_ Bệnh nhân cùng phòng với chị Dung là một Cụ Bà người Nam , có con rể là nhân viên ngay trong bệnh viện , nhìn anh sáng sủa , phong độ , tôi đoán anh là y sĩ ở đây . Cô con gái , khuôn mặt đầy đặn , người tròn trịa , dáng vẻ linh hoạt , làm kế toán cho một trường học . Chào hỏi mọi người xong , tôi xuống Căn- tin ở dưới sân bệnh viện để mua bữa ăn tối cho hai chị em . Nhìn thực đơn , chỉ có hai món : hủ tíu và cơm phần , tôi chẳng biết chọn món nào , vì hai chị em cùng không ăn thịt , nhìn nồi nước lèo và những tô thịt kho đậu hũ sóng sánh mỡ , tôi sợ , rồi nhìn xuống sàn nhà bụi bặm , giấy lau tay , những cọng húng quế , cọng giá , vỏ chanh , vất bừa bãi . Ở mỗi cạnh bàn, dưới sàn ,có một cái giỏ nhựa nhỏ được bọc bằng một túi ny lông bên trong để khách hàng vất những thứ linh tinh , thì tôi bỗng thấy một ông " phẹt " một bãi nước bọt vào đấy ! _ Tôi ngao ngán bước ra , nhưng đứng tần ngần ở lối đi trước cửa hàng , nhìn trời chiều sắp ngả bóng tối , tôi e ngại không dám ra đường phố của khu vực trường đua Phú Thọ , đành quay vào tiệm , gọi hai phần hủ tíu mang về , rồi lại quầy bán nước giải khát , đủ loại nước ngọt , nước trái cây , nước suối thiên nhiên , trong bình nhựa , mẫu mã đẹp y như nơi đây , tiếng Việt , tiếng Anh đủ cả . Nhưng tôi cũng nghi ngại về nguồn nước và thành phần hóa chất của chất lỏng trong bình . Nên suốt 10 ngày ở bệnh viện , tôi chỉ uống nước dừa sim được chặt tại chỗ . Đêm hôm ấy , tôi cứ tưởng , tôi sẽ rơi vào giấc ngủ dễ dàng , vì toàn thân mệt nhoài sau một đêm thức trắng trên không và một ngày tất bật đó đây trong chuyến đi từ Toronto về đây . Nhưng không , tôi trằn trọc , hết nằm lại ngồi tựa lưng vào tường, dòm Chị Dung và hai mẹ con Bà Cụ giường bên ngủ say , ngáy khò khò . Hai mươi năm , nằm nệm " mút " êm ái , bây giờ nằm chiếu dưới sàn gạch , cứ như nằm trên miếng ván , đau từ gót chân lên đến đầu ! _ Ngày hôm sau , tôi phải tìm cô y tá phụ trách phòng , để thuê ghế bố của bệnh viện . Giá tiền ở VN thì tôi không tài nào nhớ được , vì mua bất cứ thứ gì , cũng từ 10 ngàn đồng trở lên , một dĩa bánh cuốn không 15,000 $ . Hôm sau , Chị Dung bảo tôi : Phượng đi ra con đường trước bệnh viện , tìm mua bánh cuốn , đừng mua hủ tíu nữa , ăn chán lắm ,toàn bột ngọt . Khoảng 10 giờ sáng , tôi xuống phố Lý Thường Kiệt trong buổi đầu tiên , các hàng gánh rong , xe đẩy , với đủ các món ăn , rồi xe đạp với thúng bắp luộc nóng hổi , san sát ở vỉa hè bệnh viện , đầy những khách hàng bệnh nhân và người thăm nuôi . Tôi đi dọc suốt những tiệm ăn bên đường để tìm tiệm bánh cuốn , nhưng không thấy , rồi một người khách bộ hành chỉ cho tôi vào một con hẻm gần bệnh viện , sẽ có tiệm bánh cuốn . Tôi đi gần hết con hẻm , hầu hết các cửa nhà đều đóng im lìm , tôi thấy có một tiệm , không có bảng hiệu , chẳng biết quán ăn hay quán cà phê , thấy có ba người đàn ông đang ngồi ở một bàn ăn ngoài sân , trên bàn chỉ còn mấy ly trà đá , bà chủ quán ngoài tứ tuần , đang ngồi ở cái ghế đẩu phía trong nhà , tôi bèn đi vào hỏi :" chị ơi , ở đây chị có bán bánh cuốn không ?" _ Bà không thèm trả lời một tiếng nào , nhìn tôi trừng trừng không chớp mắt ! _ Bỗng , tôi thấy e ngại , sợ sệt ! và không muốn sự " khiếp vía" này kéo dài , tôi lại nhỏ nhẹ nói tiếp :" có người chỉ cho em , ở con hẻm này có một tiệm bánh cuốn , chị biết chỗ nào không , làm ơn chỉ giùm em " _ Bà vẫn không lên tiếng , ánh mắt " trừng trị " kia lại kèm thêm một cái cau mày ! nhìn tôi như người từ hành tinh đến !_ Tôi rụt rè thoái lui , khẽ nói :" chào chị " _ Tôi bước từng bước chậm chạp trong tiếng thở dài , giữa cái nắng gắt buổi trưa Sài Gòn , để cảm nhận nỗi bơ vơ , sự lạc loài giữa quê hương !!!
Đến cuối con hẻm thì quả thực có một tiệm bánh cuốn , với bảng hiệu lớn , nhưng cửa đóng then cài , vì họ chỉ bán từ lúc sáng sớm đến 10 AM . _Buổi chiều đầu tiên ở bệnh viện, trước khi các Sơ " giao ca " lại cho tôi . Sơ Mỹ Hạnh đã phải ngồi xuống để chỉ dẫn tôi cách xử dụng điện thoại di động của VN , nào là cài Sim Card , nào là nạp thêm tiền vào điện thoại . Nhưng Sơ nói xong là tôi quên tuốt luốt , tôi thành thật khai báo với Sơ : về đây , em mới bắt đầu xử dụng cell phone , chứ ở bên kia , em chỉ dùng điện thoại bàn thôi , nên em ấm ớ lắm , Sơ giúp em cài Sim Card và nạp tiền vào giùm em luôn . _ Cũng vì u mê như vậy , nên 7 tuần ở VN , mà thay đổi số điện thoại ba lần . Thay vì tôi chỉ mua thẻ nạp tiền của Mobil hay Viettel để cho vào điện thoại , thì tôi lại mua Sim Card , lúc thì Mobil , lúc thì Viettel ! _ Thế nên Cha giáo Giuse ở Đại Chủng Viện Xuân Lộc , khi đến thăm hai chị em ở nhà dòng Thánh Tâm , đã cười trêu tôi là " Việt Kiều hai lúa !" ._ Khi biết cách Dial điện thoại di động rồi , tôi liên lạc ngay với Vũ Thủy . Và hôm sau , Huy và Thủy được một người bạn dẫn đường khiếm thị 70% , vì một mắt cũng không nhìn thấy gì , mắt còn lại chỉ nhìn thấy 30 % đến tận phòng thăm chị em tôi . Ngoài các Sơ ở hội dòng Đa Minh Thánh Tâm , thì đó cũng là ba người khách duy nhất viếng thăm chị em họ Hoàng ở bệnh viện Trưng Vương .
Được gặp Huy , Thủy khi mới chân ướt chân ráo nơi quê nhà , đó là một niềm vui lớn cho tôi . Bởi vì hai Anh Em Vũ Quang Huy và Vũ Thủy là hai Thi Sĩ khiếm thị tôi ngưỡng mộ trên websites , và bây giờ tôi mới có dịp diện đối diện , để chị em cùng chuyện trò cười nói bên nhau trong vài khoảnh khắc nơi Căn _tin bệnh viện . Đó cũng là một kỷ niệm đẹp trong đời , " là hình ảnh ghi lại những dấu yêu đã buông cánh đậu xuống đời tôi " _ Và cũng nhờ đó mà tôi mới được nghe Huy bộc bạch về nỗi " oán hờn " về một người phụ nữ Ca-na-điên , là nhân viên sở di trú đã có cách ứng xử không đắc nhân tâm với Thi Sĩ CBG trong cuộc phỏng vấn xuất cảnh . _ Mười ngày ở bệnh viện với Chị Dung , tôi chỉ có cơ may đối thoại cởi mở thân tình , lâu giờ với một người y sĩ duy nhất là Anh Bác Sĩ thân quen với Nga Phúc , đang điều trị cho chị tôi . Còn cô y tá điều dưỡng có nhiệm vụ chăm sóc chị , thì tôi e ngại không dám ! và hình như " luật bất thành văn " đối với bệnh nhân và thân nhân , " không được phép " hỏi han về sự điều trị nơi bệnh viện , vì làm mất thì giờ của nhân viên y tế . Buổi chiều đầu tiên tôi gặp cô , dáng người mảnh mai , da trắng mịn , khoảng 25 tuổi , sau khi cô đo huyết áp và kiểm tra lượng thuốc đang được truyền vào cánh tay chị Dung , cô dặn tôi , khi nào hết thuốc trong bình thì ấn váo cái nút đầu giường để báo cho y tá ở phòng trực , rồi cô đưa cho tôi ba loại thuốc khác nhau đựng trong túi ny lông nhỏ , và dặn cho bệnh nhân uống sau bữa ăn . Tôi nhìn vội ba túi thuốc , thấy có một túi , phía ngoài đề chữ "ch " , tôi chạy theo cô ra cửa , đưa túi thuốc " ch" cho cô nhìn , tôi hỏi : " em à , thuốc này uống buổi chiều nay phải không ?"_ Cô đứng lại , nhìn tôi rồi phán hỏi một câu làm tôi chưng hửng :" có biết chữ không ?" _ Tôi lặng lẽ trở vào phòng , ngồi dựa lưng vào tường , nhìn mấy gói thuốc , rồi nhìn lơ đãng ra góc trời xanh ngoài hành lang ở cửa sau căn phòng . Bỗng tôi thấy dậy lên trong hồn một niềm thương cảm dạt dào cho người bệnh nhân lẫn thân nhân nghèo khổ mà tôi gặp trong bệnh viện Trưng Vương này . Rồi tôi hồi tưởng lại tác phong ân cần , niềm nở , vui tươi , đôi môi luôn nở nụ cười của người y sĩ nơi Xứ Lạnh Tình Nồng , khi tiếp xúc với bệnh nhân , thân nhân . Tôi vẫn còn nhớ rõ người Bác Sĩ trẻ đẹp vào thăm cô bệnh nhân mới nhập phòng , bên cạnh giường mẹ tôi ở bệnh viện Mount Sinai , Toronto . Sáng hôm ấy , Ông Bác Sĩ bước vào gần giường cô , liền lên tiếng :" good morning " _ Cô im lặng và đang trong tư thế nằm quay mặt vào tường . Ông lấy cái ghế , đặt cạnh giường phía chân , rồi vẫn nhiệt tình hỏi thăm tiếp :" Are you OK ? ...How do you feel today ?" _ Vẫn không một tiếng trả lời ! cô gái kia vẫn không quay mặt ra để thưa chuyện với bác sĩ . Một lúc sau , cô gái ( nhìn ngoại diện có vẻ bụi đời , đeo khoen mũi , hình xâm trên hai cánh tay ) lí nhí điều gì đó . Thế là người bác sĩ da trắng , cao ráo , khôi ngô tuấn tú , nhanh nhẹn đứng lên nhoẻn cười đáp :" OK , see you later !" ._ Sau 10 ngày ở Trưng Vương , chị Dung được xuất viện . Tôi thuê chiếc Taxi 6 chỗ ngồi , có máy lạnh , có chỗ nằm cho chị , và có hai Sơ đi quá giang . Tôi giã biệt tòa nhà được gọi là " nhà thương " , nhưng tôi thầm hỏi : phải chăng đây là mái nhà của tình thương giữa những người được gọi là đồng bào , thuộc thành phần công nông của một đất nước được gọi là " thiên đường cộng sản " cho hai giai cấp này (!?)
Con đường từ Sài Gòn về Hố Nai đã làm tôi háo hức ngắm nhìn không chán , vì cảnh phố xá vui nhộn , tấp nập với đủ các cửa hàng cao cấp lẫn bình dân ở các dẫy nhà cao thấp hai bên đường , tiếng còi xe ầm ĩ không ngớt của xe tải , xe hơi , taxi , Honda , tràn ngập các con đường . Nhất là ở những ngã tư , ngã sáu , bùng binh ...tôi chỉ còn nhìn thấy một bãi xe hỗn độn lớn nhỏ chen nhau , lách nhau từng chỗ trống , tôi e ngại sự ùn tắc giao thông này làm sao mà giải tỏa ! _ Ấy thế mà chỉ một nhoáng , tôi chưa kịp đảo mắt hết toàn cảnh , thì bãi xe ô hợp kia đã lần lượt đi vào các ngã rẽ . Tôi buột miệng nói với hai Sơ bên cạnh :" em phải công nhận , tài xế ở Việt Nam giỏi nhất thế giới " , thế là anh tài xế trẻ và bốn người hành khách cùng cười nắc nẻ ! _ Về tới nhà dòng Đa Minh Thánh Tâm , tôi bắt đầu cuộc sống đời tu theo giờ giấc của tu viện : 9PM _4AM là giờ ngủ đêm ( buổi trưa từ 12_1PM) , tôi không phải là người khó ngủ , nên ban đêm , ễnh ương , ếch nhái cứ tha hồ " ca hát " rộn ràng ngoài vườn , tôi vẫn ngủ say đến 3:30 AM thì chuông nhà thờ Thánh Tâm đổ hồi inh ỏi ! _ Đêm đầu tiên , nghe tiếng chuông giáo đường , tôi bật cười khi nghĩ đến sự cố về một nhà thờ nào đó ở trời Tây bị kiện vì " cái tội " giật chuông vào buổi sáng làm phiền giấc ngủ , sự yên tĩnh của cư dân chung quanh . Và tôi chợt so sánh : Phương Tây là cái nôi của Kito giáo , thế mà không muốn chấp nhận tiếng chuông ban mai , sớm nhất thì cũng phải là 8 AM là thánh lễ đầu ngày . Còn nơi đây , các quan chức vô thần XHCN , vẫn sẵn sàng nghe vang tiếng chuông giáo đường lúc 3:30 AM ! _ Ngày ngày , sau bữa điểm tâm lúc 7AM , tôi đẩy chiếc wheelchair đưa chị Dung qua phòng vật lý trị liệu của các Thầy Dòng Gioan Thiên Chúa , ở phía sau bệnh viện Thống Nhất , để tập luyện , cách nhà dòng một khoảng ngắn 30 m qua cánh cửa sau giữa hai tu viện . Đến chiều , sau giờ ngủ trưa 1 PM , Chị tập đi với walker ( tôi đi bên cạnh ) chung quanh hành lang khu Nhà Hưu và Nhà Nguyện . Sau bốn tuần , thì Chị tự đi một mình và cũng tự làm những việc vệ sinh cá nhân , không cần đến sự giúp đỡ của tôi nữa . Thế nên tôi có rời Chị đi đó đây ban ngày , tôi cũng an tâm . Thường vào buổi chiều , cứ ba ngày , tôi lại đi chợ Thánh Tâm mua trái cây . Con đường quốc lộ 1 , là con đường xuyên Bắc Nam , nhỏ hẹp , nhưng lúc nào cũng đầy xe vận tải 10 bánh , 14 bánh ...không biết chở những loại hàng hóa gì , mà cao chất ngất , chỉ được bao phủ bằng một tấm bạt nhựa , rồi cột chung quanh thành xe , có chiếc nghiêng hẳn về một bên . Tôi đứng bên góc đường , nhìn chăm chú chiếc xe tải nghiêng nghiêng , sát cạnh hai bên là bao nhiêu chiếc Taxi , Honda san sát , tôi trộm nghĩ : nếu như chiếc xe tải kia bị lật ! thì bao nhiêu sinh mạng sẽ bị dẹp nát tức tưởi trong tíc tắc !? _Trước đây , khi còn ở quê nhà , tôi cũng là người bộ hành " hiên ngang " như bao người , băng ngang qua đường bất cứ nơi đâu , còn bây giờ , tôi rụt rè , sợ sệt , đứng bên lề đường chực chờ xem có ai qua đường , thì tôi vội chạy lại bên cạnh đi theo họ . Có hôm chờ mãi chẳng thấy ai , tôi bèn rảo bộ xuống một ngã tư có cột đèn báo hiệu giao thông, với những lằn vôi trắng dành cho người bộ hành qua đường . Tôi đứng chờ đèn hiệu mầu xanh đã bật lên cho người băng qua đường , nhưng vẫn không dám bước xuống lằn vôi trắng , vì những làn xe hai chiều vẫn " vô tư " phóng vút qua , mấy phút sau , thì làn xe phía bên tôi đã dừng , tôi vội bước đi đến nửa đường thì phải đứng lại , để nhường cho những chiếc Honda ở làn xe bên kia vẫn " oanh liệt " vụt qua ngạo nghễ trước người bộ hành ! _ Một hôm tôi đi chợ về , hai tay xách hai túi nặng trái cây , một Sơ trẻ ( Sơ đi du học ở Thụy Điển về , có cao học về ngành xã hội và được nhà nước mời làm giảng viên ở đại học ) dừng chiếc xe đạp phía sau tôi , tươi cười đề nghị :" Chị Phượng ơi , em cho chị mượn chiếc xe đạp của em , để đi chợ cho đỡ vất vả xách nặng " . Tôi bật cười : " Sơ ơi , đi bộ mà Phượng còn không dám băng qua đường , thì làm sao dám đạp xe !". Sơ cười giòn giã rồi tự khai :" Chị Phượng biết không , lúc em mới ở Thụy Điển về , em cũng y như chị , không dám qua đường , không dám đi xe đạp , mãi hai năm sau em mới đánh bạo đạp xe đi dạy để khỏi mất thời giờ . Giao thông ở xứ mình khác lạ với xứ người , khách bộ hành phải tránh xe , dù là đi trên vỉa hè hay lằn vôi trắng !" _Hai chị em té cười , vừa nhìn nhau vừa lắc đầu ! _
Thường thì tôi thích đi bộ , nếu khoảng đường chừng 1km . Đi bộ , tôi mới có giờ thư thả để nắm bắt những góc cạnh đời sống trong những ngõ khuất , và mới nhìn thấy được sự chênh lệch của khoảng cách giầu sang , phú quí , lịch lãm , của giới nhà giầu , trong những chiếc xe hơi bóng loáng hay nơi những cửa hàng nhãn hiệu thời trang Ba Lê , Nưũ Ước , Italy ... với sự lầm than , lam lũ , đen đúa , gầy guộc , luộm thuộm của thành phần nhà nghèo cùng khổ , nhan nhản nơi góc hẻm , bãi đậu xe , vỉa hè ..._Một hôm đi chợ chiều , ngang qua tiệm vàng gần chợ Thánh Tâm , cửa tiệm đóng nghỉ trưa , tôi thấy một thanh niên trẻ , ăn mặc tươm tất , áo " đóng thùng " có thắt lưng nữa , chân đi săng _đan , khoác một cái áo gió nhẹ , có cái cặp táp còn mới được đặt dưới đầu , hai tay khoanh trước bụng , nằm ngủ say trên bậc hiên trước cửa tiệm .Tôi đoán , có lẽ chàng trai từ quê xa , đến vùng đất được gọi là "khu công nghiệp mới " này để tìm việc làm , nhưng không có tiền mướn nhà trọ , nên tìm một chỗ ngủ tạm buổi trưa nơi vỉa hè !_ Nhà dòng Thánh Tâm có " nồi cháo tình thương " , là một trong những hoạt động bác ái của hội dòng . Vào mỗi buổi sáng , các Sơ phụ trách đẩy hai thùng cháo đậu xanh hoặc cà rốt / thịt , cao khoảng 6 tấc , đường kính khoảng 5 tấc , ra phía cổng sau , ngăn cách tu viện và bệnh viện Thống Nhất . Các thân nhân chăm sóc người thân ở bệnh viện , từ các vùng quê , vùng sâu kinh tế mới , không đủ tiền mua thức ăn cho bản thân , đứng xếp hàng dài , mỗi người cầm một cái hũ nhựa , lần lượt đứng trước hai thùng cháo , để các Sơ múc vào đầy hũ . Và đó là phần ăn cả ngày cho cá nhân họ . _ Trong một lần điện đàm với Cao Bồi Già , tôi đã bật cười nắc nẻ khi nghe Huy nói :" Chị P biết không , người dân VN hiện nay chỉ có 3 nghề ..." , hai nghề đầu thì tôi quên mất tiêu rồi , nhờ Huy bổ túc nhá ! còn nghề thứ ba thì tôi không thể quên được , vì ngày ngày , tôi cũng là " nạn nhân " của cái nghề phổ thông này , đó là nghề : móc túi nhau ! _ Thoạt nghe , tôi chưa hiểu ngay , nên chưa cười , thấy vậy , Huy liền giải thích : nền kinh tế chủ yếu của đất nước như sản xuất , thì thuộc về các công ty của Trung Quốc , Đài Loan , nước ngoài . Còn người dân chỉ biết buôn bán lẻ để móc túi nhau !_ Ui chao , hai chị em cùng té cười rung rinh ở hai đầu giây . Nhận xét của CBG thật xác đáng và chí lý . Tôi thấy khắp các con đường lớn , nhỏ , mà tôi đã đi qua , từ Sài Gòn đến vùng Hố Nai , Long Khánh , Vũng Tàu , không một căn nhà nào mà không mở cửa hiệu buôn bán . Giàu thì cửa hàng cao cấp , sang đẹp . Nghèo thì cũng là tiệm tạp hóa nhỏ hay quán ăn giải khát . Bần cùng hơn nữa thì cũng là thúng xôi , khoai ...được cột vào yên sau xe đạp , rồi vừa rao lanh lảnh , vừa dắt đi khắp hang cùng ngõ hẻm . Tôi thầm tính nhẩm : chị bán hàng rong , nếu hôm nào đắt hàng , bán hết thúng xôi khoai , thì cũng kiếm được khoảng tiền lời 50,000 VND , không biết có đủ mua hai ký gạo (?) , vì tôi mua một dĩa bánh cuốn không cũng 12.000$ , 1 kg cam sành 20,000$ ._ Đấy , người dân quê nhà , từ thành thị đến ngoại ô , buôn bán sầm uất trong những cửa tiệm cũng như vỉa hè , nhưng cũng chỉ là xoay quanh một vòng tròn khép kín là " móc túi nhau " ! _Trong sáu tuần " tu kín " với Chị Dung ở khu Nhà Hưu của tu viện , không ti vi , không Internet , những lúc rãnh rỗi , tôi thơ thẩn dạo bộ ra nơi ngủ yên của thế giới người chết ở nghĩa trang , được bao quanh bởi khu vườn chuối và rừng cây cao vút , tìm một chỗ ngồi dưới bóng cây cao , bên lối đi rải sỏi , thả hồn vào những trang sách tôn giáo mà các Sơ cho mượn . Tôi thấy cả con người mình nó thanh thản , nhẹ nhàng , siêu thoát làm sao ! tâm trí thoát khỏi những lo toan của sự đời ! _ Nhưng trong những tháng ngày kín cổng cao tường ấy , tôi lại có một kỷ niệm Birthday độc nhất vô nhị trong đời vào đúng ngày 22/12 . _ Cha Giáo Giuse ở Đại Chủng Viện Xuân Lộc , ( tôi thân quen với Ngài từ khi Ngài còn là Ông Thầy ở họ đạo kinh tế mới Thọ Lộc , dưới chân núi Gia Ray ) phone cho tôi từ hôm trước với tin vui bất ngờ :" ngày mai , sẽ có xe hơi đến đón chị ở cổng tu viện , Anh tài xế sẽ chở chị đến ĐCV , tôi chờ chị ở đây để dẫn chị đi thăm quan TGM và ĐCV . Sau đó , tôi đưa chị đi du ngoạn Vũng Tàu đấy nhá !" _ Tôi cám ơn Ngài , lòng khấp khởi niềm vui , chờ đón một ngày được " xuất thế " đi du hí vùng biển mà gần 40 năm , tôi chưa một lần trở lại .
Sáng sớm hôm sau , tan lễ ở tu viện lúc 6 AM , trời còn tờ mờ , tôi vội vã về phòng giặt thau quần áo cho Chị , rồi rảo nhanh ra phía cổng nhà dòng mua bánh cuốn để hai chị em ăn điểm tâm . Vừa xong thì Cha Giáo phone cho biết : anh tài xế đang chờ ở trước sân nhà khách . _ Tôi chào chị Dung và dặn chị đừng chờ cơm buổi trưa và buổi chiều . Chị im lặng không nói gì . Tôi biết , chị không muốn cho tôi đi đâu , nhưng vì nể Cha Giuse mà đành chấp nhận . Khi tôi vừa ra đến nơi , Anh tài xế tươi cười mở cửa xe cho tôi , và tôi chỉ kịp nhìn thoáng qua chiếc xe đen tuyền bóng loáng , chẳng biết có phải BMW không , nhưng khi tôi hỏi chuyện anh , thì tôi giật mình : chiếc xe trị giá 200 ngàn USD , chưa kể thuế nhập cảng 300 % , và đây là chiếc xe mà Bà chủ của Anh mới tậu và dành riêng cho khách " VIP" mà Bà quí mến như Cha Giáo Giuse . Bà là một giáo dân vừa giầu của , giầu lòng . Gia đình Bà là chủ một công ty , các con Bà đều là chủ nhân những cửa hàng lớn . Một mình Bà " ngoại giao " với chính quyền địa phương , rồi mua đất , xây cất tạm ngôi nhà thờ nhỏ cho họ đạo lẻ vùng Long Bình , hằng tuần , Cha Giuse về đây dâng lễ chủ nhật và làm những công việc mục vụ cho đoàn chiên thiếu vắng chủ chiên . Nơi đây , ngày xưa là khu căn cứ Long Bình của quân đội Hoa Kỳ , đất rộng mênh mông bạt ngàn , thế mà sau 1975 , dân tứ xứ khắp nơi , từ Bắc , Trung vào , từ Cà Mau lên , cứ thấy đất trống là chiếm cứ dựng lều , dựng vách lên làm nhà . Và bây giờ thành một khu dân cư đông đúc , buôn bán sầm uất , nhà này sát vách nhà kia , những lối đi nhỏ hẹp , ngoằn nghèo chi chít như khu bàn cờ . Ngay chủ nhật đầu tiên về Thánh Tâm , Cha Giáo đã có nhã ý mời tôi tham dự thánh lễ ở họ đạo lẻ này . Thoạt đầu , cả hai chị em cùng ngần ngại , vì Ngài sẽ cho một anh giáo dân đến chở tôi đi bằng Honda . Chị Dung lo sợ tai nạn ! tôi cũng thế , ngoài đường xe cộ lúc nào cũng như mắc cửi , xe hai bánh thì phóng như bay , làm sao tôi dám ngồi Honda ôm ! nhưng thấy Ngài tha thiết , nên tôi nhận lời , đánh liều " mạo hiểm " , nhẩy lên băng sau , một tay thì vịn chặt vào yên của anh tài xế , một tay thì bám chặt vào yên sau , anh giáo dân mang theo một cái mũ bảo hiểm đưa cho tôi , nhưng tôi không biết đường cài nút thế nào , nên anh phải đội mũ cho . Khi Ngài đón tôi ở cuối nhà thờ , Ngài ghé tai nói nhỏ :" Sở dĩ tôi muốn mời chị dự lễ chiều nay , vì tôi sẽ dâng lễ cầu nguyện cho ba linh hồn thân yêu của chị : Bố Mẹ và Chị Mai " . Tôi xúc động dạt dào về tấm lòng đầy tình thương mến mà Ngài dành cho tôi và gia đình . Và đó cũng là thánh lễ " mở tay " của Ngài đối với tôi . Vì từ khi Ngài thụ phong LM cho tới ngày tôi trở về là 20 năm , đây là thánh lễ đầu tiên của Ngài mà tôi tham dự . _ Con đường từ Hố Nai đến ngã ba Gầu Dây , sao mà nhiều nhà thờ đến thế , cứ cách một hoặc hai block đường , lại một giáo xứ với hoa đèn , ngôi sao rực rỡ giăng từ trên tháp chuông cao xuống mái vòm phía trước lối vào nhà thờ , rồi hang đá lớn ngoài sân ( và trong gian cung thánh nữa ) hang đá không chỉ trưng bày nơi giáo đường , nhưng hầu hết ở mỗi xóm đạo cũng có một hang đá lộ thiên ở khu phố , và trong mỗi tư gia cũng có hang đá nhỏ ở phòng khách . Những lúc đi xe hay rảo bộ , tôi không hề thấy người giáo dân vùng Hố Nai này chỉ trang hoàng Giáng Sinh bằng cây thông và Ông Già Noel . Điều đó nói lên điều cốt lõi của niềm tin vào Đấng được gọi là " Ngôi Lời Đã Làm Người Và ở Giữa Chúng Ta " được thể hiện nơi người tín hưũ Bắc Kỳ Hố Nai ._ Đoạn đường từ Gầu Dây đến Long Khánh , trước 1975 là khu rừng cao su bạt ngàn . Còn bây giờ , hai bên đường là " khu công nghiệp mới " của Trung Quốc , Đài Loan , với những nhà máy đồ sộ , rộng lớn . Rừng cao su chỉ còn lại một phần không đáng kể ._ Cha Giáo Giuse tươi cười đón tôi ở sân ĐCV . Vừa ra khỏi xe , tôi nói ngay với Ngài :" Cha à , 20 năm ở xứ người , con chỉ được đi xe hơi , trị giá cao nhất là 40 ngàn đô . Không ngờ về đây , Việt Kiều hai lúa lại được Cha cho đi xe 200 ngàn đô " ._Ngài , Anh tài xế và tôi cùng cười giòn giã , rồi Ngài nói thêm :" tôi cũng không ngờ Bà ấy lại cho tôi và chị được đi du hí bằng chiếc xe quá xịn như vậy , làm tôi cũng thấy ái ngại , nhưng thôi , đó cũng là món quà đặc biệt dành cho Việt Kiều Canada trong ngày Birthday đấy ." _ Tôi cảm động ôm chầm lấy Ngài thay cho lời cám ơn . _ Ngài đưa tôi đi thăm quan hết các dẫy lầu của ĐCV , rồi nhà nguyện và cả khu nhà bếp . Cảnh quan TGM Xuân Lộc ngày nay khác hoàn toàn với thập niên 1980 , khi lần đầu tiên tôi đến nơi đây cùng với một chị bạn : từ ngoài đường vào đến khu nhà TGM là một con đường đất dài khoảng nửa cây số , hai bên là vườn cà phê um tùm , phía sau là vườn chôm chôm . Còn hôm nay thì chẳng còn vườn trái cây nào , các tòa nhà ba , bốn tầng chiếm cứ hết khu đất mênh mông , lúc tôi đến , lại thêm một dẫy nhà tầng đang được xây cất . Mỗi Thầy , mỗi Cha Giáo đều có phòng ngủ riêng , đầy đủ tiện nghi với mạng nối Internet . ĐCV Xuân Lộc hiện tại trên 300 Thầy từ giáo phận nhà và các giáo phận lân cận .Từ cổng đi vào , bên phải là TGM , bên trái là vườn hoa rộng đẹp , với những dãy nhà nhiều tầng rộng dài . Quả thực , ĐCV Xuân Lộc đồ sộ , rộng lớn bậc nhất vùng Đông Nam Á ._ Sau đó , hai Cha con bắt đầu chuyến du ngoạn vùng biển . Vũng Tàu bây giờ được gọi là thành phố du lịch , nên đường đi rộng đẹp như xa lộ , ở giữa là bồn cây cảnh dọc tuyến đường , phân chia hai chiều lên xuống . Đường đi đến Bãi Dâu là con đường vòng quanh núi sát bờ biển , thật thơ mộng . Có lẽ không một khách du lịch nào đến Vũng Tàu mà không thăm quan núi Tao Phùng , và không cố leo lên tận cánh tay của bức tượng Chúa Kito Vua trên đỉnh . Cha con tôi cũng thế . Tôi leo được hai phần ba đoạn đường thì thở dốc hổn hển , phải dừng lại một lúc lâu để nhịp tim được điều hòa lại . Sau đó , Cha Giáo phải cầm chặt cánh tay tôi , kéo lên từng bậc . Khi lên đến hai cánh tay bức tượng , Cha con đứng bên chấn song sắt ở lan can , ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Vũng Tàu bên bờ biển trong xanh , giữa cái nắng chói chang của buổi trưa gió lộng . Và tôi kể cho Ngài nghe về một tiếng gọi hy hữu đã xẩy ra ở bức tượng Chúa Kito này :
Cha ( Nguyễn ) Văn Hòa ở Úc , trước khi là tu sĩ SJ , Ngài là một Bác Sĩ sản khoa , đang làm ở bệnh viện . Và cũng đang chuẩn bị làm đám cưới với Người Yêu . Một lần về thăm quê hương , Ngài cũng đi thăm quan núi Tao Phùng , Bãi Dâu . Và cũng leo từng bậc thang từ chân núi lên đỉnh núi , rồi khi đến những bậc thang vòng tròn trong bức tượng Chúa Kito Vua , vừa đến bậc cuối cùng ở hai bên cánh tay Chúa , thì bầu trời xanh bao la mở ra . Ngay giây phút ấy , một tiếng gọi huyền nhiệm tác động mãnh liệt đến tâm tư Ngài . _Sau chuyến thăm quê lần đầu ấy , trở về Úc , Ngài quyết định từ giã con đường công danh sự nghiệp sáng chói , và ...từ hôn ! để bước vào đời Dâng Hiến Dòng Tên . _ Trong một lần , Ngài cùng với Cha Hưng SJ ở Mỹ , sang Tổ -rồng -to để giúp Linh Thao cho các sinh viên Con Rồng Cháu Tiên . Nga đã " phỏng vấn " Ngài về cảm nhận Ơn Gọi đặc biệt này . Ngài nhoẻn cười chia sẻ : khi em đang mệt nhoài leo hết mấy trăm bậc thang lộ thiên , rồi cố gắng leo từng bậc thang trong lòng bức tượng , và lúc bước ra khỏi bậc cuối cùng , nhìn thấy khoảng trời xanh bao la mở ra trước mắt . Em có cảm tưởng là cuộc đời con người ở trần gian này đang từng bước phấn đấu vươn lên cao , và Thiên Chúa đang giang rộng đôi tay chờ đón mỗi người ở khung trời rộng vô biên . Và đó là Tiếng Gọi đã đến với em ._ Nga lại lí lắc hỏi thêm :
" thế trái tim Cha có nhức nhối khi giã từ Người Tình ?" . Mặt Ngài đỏ bừng với câu nói chậm rãi :
" dĩ nhiên là đau đớn lắm chứ chị Nga !" _ Và một điều thú vị nữa với chị em tôi : Ngài lại là người hàng xóm ở con đường Trương Minh Giảng , căn nhà của Ông Bà Cố cách nhà tôi khoảng 100 mét.
Nghe những lời tâm sự của Ngài , tôi chợt nhớ đến câu nói của Tagore :" Những người yêu con ở thế gian này , luôn giữ chặt con trong vòng tay . Còn Chúa yêu con mênh mông bao la , con cất cánh bay tự do ". _ Bẩy tuần lễ bên Chị Cả nơi quê hương đã trôi qua mau lẹ . Vào buổi chiều chia ly Thánh Tâm , về lại Sài Gòn để ngủ trọ qua đêm ở tu viện Đức Mẹ Mông Triệu , Lê Văn Sỹ . Đồng thời để tôi viếng thăm hài cốt thân phụ ở nhà thờ Vườn Xoài . Tôi điện thoại cho người chị họ ở giáo xứ Trà Cổ , Hố Nai , ngỏ ý với chị đến chơi với chị Dung , để khoảnh khắc giã biệt của tôi vào giờ ngủ trưa của tu viện bớt ảm đạm , vì tính vui cười hay nói của người chị họ bên cạnh , sẽ giúp chị Dung thoát khỏi cảm giác cô đơn bơ vơ , ít là trong một buổi chiều không còn sự hiện diện của tôi . _ Cùng đi với tôi , có hai Sơ quá giang , khi chiếc Taxi đậu ngay trước cửa phòng chị , tôi vội vã kéo hai va ly nhẹ tênh ra xe , rồi trở lại chỗ chị Dung và chị họ đang đứng ở hành lang , tôi không dám nhìn Chị Cả lần cuối , tôi nói nhanh :" em chào hai chị , em đi " . Chiếc Taxi chạy vòng quanh vườn hoa khu nhà hưu rồi ra cổng tu viện trong im lặng , không ai đủ can đảm ngoái nhìn lại phía sau !!! _ Về đến tuv viện ở Lê Văn Sỹ , trời đã nhạt nắng , tôi thư thả rảo bộ qua từng căn nhà của khu phố xóm giềng xưa , đến căn nhà của tôi , tôi dừng lại một hồi lâu nhìn tầng trệt , nhìn tầng lầu , tất cả những dẫy nhà hai bên đường , tôi đều thấy lạ quá , mới quá , với những cửa hàng trang trí sang trọng , lộng lẫy , đủ loại dịch vụ shopping . Suốt một đoạn đường dài từ nhà thờ Ba Chuông đến Vườn Xoài , tôi không gặp một người hàng xóm nào . Tôi đứng tần ngần bên vỉa hè , nhớ đến câu thơ :" người muôn năm cũ , hồn ở đâu bây giờ ?" _ Hai mươi năm qua , những ông bà thuộc thế hệ Bố Mẹ tôi , đã thuộc người thiên cổ , có mấy ai vẫn hiện sinh (?) còn thế hệ tôi , cũng đã nhòa vào dòng đời , bến đục , bến trong ! _Đến khu nhà hài cốt của giáo xứ Vườn Xoài , tôi như lạc vào một thế giới linh thiêng , tôi dán mắt vào hình ảnh của những người ở cõi âm , từ trái qua phải , từ trên xuống dưới , hết dẫy tủ kính này đến dẫy khác san sát , chỉ cách khoảng cho một người đi mà chẳng thấy Bố đâu , tôi thầm gọi :" Bố ơi , Bố ở đâu , con đang tìm Bố " _ Sau lời gọi thầm , hàm ẩn một lời chỉ dẫn ấy , tôi bèn rời khu phía bên trái , từ cửa vào , đi sang khu bên phải , thì kìa , tôi đang đứng trước hũ hài cốt của Bố ở dãy kệ thứ tư , từ trên xuống , mừng quá , tôi mỉm cười nói với Bố trong niềm xúc cảm dâng tràn :" Bố ơi ! con về đây thăm Bố ..." , cũng may phòng hài cốt lúc ấy chỉ có mình tôi , rồi mặc cho mắt ướt hoen mi , tôi đứng nhìn tấm hình thuở trung niên của Bố đã hoen vàng !..._ Sau thánh lễ năm giờ chiều ở ngôi thánh đường giáo xứ , mà thuở tôi còn là con chiên trong đoàn chiên của Cụ Phan Khắc Từ , tôi đã tự ví mình như " con chiên hoang lạc đàn " , vì chủ nhật hằng tuần , tôi hớn hở đạp xe từ Vườn Xoài lên Nhà Thờ Chánh Tòa Đức Bà để dự thánh lễ của Cụ Nguyễn Khảm cùng với các bạn trẻ muôn phương nô nức lên Đền ._ Cha xứ Vườn Xoài bây giờ là một Cha mới , nhìn nét mặt có vẻ xa cách lạnh lùng , nên tôi ái ngại không gặp , tôi lặng lẽ trở lại phòng hài cốt , chào vĩnh biệt hình hài còn lại của Bố trong hũ cốt :" Bố ơi ! Bố ở lại nơi đây , con ra đi ..." mắt tôi nhòe đi ...
Trở lại con đường Lê Văn Sỹ về đêm , tôi bước từng bước thong thả ,ngắm nhìn chăm chú từng căn nhà hai bên đường , có lúc dừng lại ,tìm về ký ức để cố nhớ xem đây là căn nhà của ai và mong mỏi gặp được vài người hàng xóm cũ , nhưng cũng chẳng gặp ai , có lẽ dẫy phố Trương Minh Giảng này đã thay đổi chủ nhân mới nhiều lắm , hoặc nếu còn lại người xưa cũ , thì căn mặt tiền cho mướn cả rồi . Đến trước căn nhà yêu dấu số 89 , tôi dừng lại , nhìn vào , chỉ thấy người xa lạ với những tủ kính quần áo thời trang sáng choang . Rồi tôi đi thêm vài bước , đến căn nhà đóng kín của Úy Ban Nhân Dân phường 13 , tôi đứng lại , nhìn qua mấy căn nhà đối diện bên đường . Ô , tôi bắt gặp Oanh đang ngồi bắt chéo chân trên một cái ghế thấp , ở góc sân trước tiệm , dáng người đẫy đà , làn da trắng mịn , trông như bà chủ . Vì mải mê dòm Oanh , người hàng xóm duy nhất mà tôi nhìn thấy , nên tôi cũng quên mất không nhìn vào trong gian hàng phía trong . _ Trên đường về lại tu viện , câu chuyện đổi đời của gia đình tướng lãnh này ùa về tâm trí tôi : Oanh là con gái thứ hai của đàn em sáu đứa , cách nhau năm một . Bố là Đại Tá nhẩy dù VNCH , Mẹ là một thiếu phụ trẻ đẹp , dáng mảnh mai khuê các , là con một của Ông Bà Cụ khoảng lục tuần . Gia đình vị tướng này mới dọn về khu phố tôi được vài năm trước 1975 . Cả nhà , từ ông bà cụ , đến ông bà đại tá và đàn con ,ít giao tiếp với hàng xóm . Căn nhà bốn tầng lầu lúc nào cũng cửa đóng then cài , người ta chỉ nhìn thấy những chiếc xe công xa ra vào , lúc thì , anh lính tài xế chở ông đại tá với quân hàm đi làm , lúc thì chở đàn con đi học . Bà đại tá xinh xắn ít khi ra ngoài , vì mọi công việc nội trợ , giữ em , đều có người giúp việc đảm trách . Nhưng rồi cuộc sống êm đềm , nhung lụa và đầy quyền uy của ông bà đại tá đã bị cơn bão thời cuộc hất tung hoàn toàn . Sau 1975 , Ông phải đi cải tạo ở Bắc Việt và chỉ được vài năm thì ông chết trong tù , vì người vợ không có khả năng đi thăm nuôi . Người mẹ trẻ không biết xoay sở thế nào để nuôi 11 nhân khẩu , thế là bao nhiêu đồ đạc của bốn tầng lầu lần lượt ra chợ trời ! chỉ để lại một cái giường cho ông bà ngoại già , còn tất cả 9 mẹ con , giăng mùng nằm dưới sàn gạch bông . Khi " bụng đói thì đầu gối phải bò " , ông bà ngoại phải tự mưu sinh bằng thùng thuốc lá bán lẻ trước sân nhà . _
Người ta cũng thường nói :" phú qui sinh lễ nghĩa , bần cùng sinh đạo tặc " . Oanh , chẳng biết lăn lóc nơi chợ trời thế nào , lại gặp gỡ với một người đàn ông trung niên , dáng người lẫn khuôn mặt bặm trợn như một tướng cướp ! và từ ngày Oanh cặp kè với người đàn ông này , người mẹ trẻ và đàn em vui cười hẳn ra , cả nhà chẳng làm ăn gì mà vẫn sống phây phây , căn nhà mặt tiền không ai dám mướn vì trộm ngay trong nhà , cứ chiều chiều là mẹ con hớn hở mở cửa đón con gái và " chàng rể " , với đủ thứ " chiến lợi phẩm " mà Oanh và ông chồng hờ chôm chỉa được ở khắp phố phường Sài Gòn . Chẳng bao lâu Oanh trở thành một tay anh chị lành nghề và người mẹ cũng tươi cười đón nhận " con rể " vào chung sống với gia đình ._ Khi mà hành vi tội phạm đã bào mòn lương tâm , thì danh dự cá nhân cũng như gia đình chẳng còn nghĩa lý gì ! Oanh không chỉ hành nghề ở nơi xa , nhưng chôm chỉa với cả lối xóm , nhà này , nhà kia xẩy ra mất những vật dụng trong nhà : ti vi , cassettes , xe đạp ..., ban ngày lẫn ban đêm ..._Sau này , khi gia đình tôi di chuyển từ Vancouver về Toronto , gặp lại người hàng xóm bên cạnh nhà , thì được biết : một người con trai thứ ba đã đi vượt biên , và nhờ vào lý lịch của ông bố đại tá , nên được vào Mỹ . Sau đó , người con trai này đã bảo lãnh cho mẹ và hai đứa em út độc thân . Còn căn nhà bốn tầng ở Lê Văn Sỹ thuộc về gia đình Oanh và người anh cả ._Đêm cuối cùng ở Sài Gòn , tôi cũng chẳng sao chợp mắt được , nhưng không như đêm cuối của 20 năm về trước , tôi ra đi mà lòng dạ xót xa nghĩ về quá khứ , còn lần này , lòng tôi thanh thản , nhẹ nhàng ,trở về đất nước mà tôi đã là một công dân . Tôi nằm nghe tiếng xe đêm ...với cái lưng ê ẩm vì thiếu cái nệm êm ! _ Khi tiếng còi xe bắt đầu đánh thức người dân thành phố , tôi nhìn đồng hồ , đã bốn giờ sáng , tôi thức dậy , chuẩn bị dự lễ 5 AM với các Sơ , lần đầu và cũng là lần cuối , ở nhà nguyện tu viện . Đúng 8:30 AM , tôi từ giã các Sơ và gọi chiếc Taxi Mai Linh bên đường đưa tôi ra Tân Sân Nhất . Đoạn đường từ nhà thờ Ba Chuông ra phi trường , ngắn thôi , nhưng mất 45 phút , vì là giờ cao điểm , xe bốn bánh , xe hai bánh , túa ra khắp các nẻo đường , còi xe đua nhau vang inh ỏi , chẳng biết ai ra hiệu cho ai !? tôi bật cười : good morning Sài Gòn ! _ Đến cửa ra vào dành cho hành khách đi nước ngoài , có hai nhân viên an ninh đứng ngay hai bên cửa , một anh thấy tôi một mình kéo hai va ly ,vai đeo túi xách , bèn nhanh nhẹn lên tiếng :" chị đi có một mình thôi à ?" . Tôi cười đáp :" dạ , vâng " . Anh đi theo vài bước , vừa chỉ tay vào một anh đứng gần đó , vừa nói nhỏ:" anh kia sẽ đẩy hai va ly giúp chi , chị cho chúng em xin 10 đồng " . Vậy là không cần chờ tôi " yes " hay " no" , anh kia vội vã lại cầm hai va ly của tôi kéo đi . Tôi nhoẻn cười đi theo , vì đang mình ên kéo cồng kềnh mà lại có người phụ giúp . _ Nhìn một hàng dài kiều bào " quốc tế " , ai ai cũng một xe chất đầy hai va ly , lại còn đóng thêm thùng to . Anh quay sang tôi hỏi :" chị không mua sắm gì hay sao mà hai va ly nhẹ tênh !" . Tôi phì cười :" chị hết tiền rồi , hai va ly chị , chỉ có vài bộ quần áo, vài cuốn sách và một ít quà của bạn bè tặng " . Tôi trả lời anh như thế , nhưng trong lòng thầm nghĩ : chẳng biết VN có những " đặc sản " nào mà Việt Kiều cần phải tậu nhiều như rứa ! trong khi các Sơ và người thân quen đều nói với tôi :" Phượng ở nước tiên tiến , thực phẩm và vật dụng được bảo đảm an toàn . Còn nơi đây , nếu sợ nhiễm độc , thì hằng ngày , chẳng biết ăn cái gì , từ cọng rau , quả chuối , đến hạt gạo ...còn đồ dùng bây giờ toàn là hàng Trung Quốc , những mặt hàng cao cấp hàng hiệu , giới bình dân làm sao dám rờ đến !" _ Khi hai chiếc va ly đã qua máy rà , anh lại nói với tôi :" xong hết rồi chị ạ , họ sẽ chuyển lên máy bay ". Tôi cám ơn và đưa cho anh tờ 10 CAD , rồi cũng lấy thêm tờ 5 CAD để vào passport . Khi anh nhân viên hải quan vừa mở passport của tôi ra , nhoẻn nụ cười tươi :" em cám ơn chị " , rồi đưa lại cho tôi ngay . _Trong lúc đợi chờ" boarding"
tôi nhìn cảnh quan sân bay , liên tục phi cơ hạ cánh , đưa kiều bào , lẫn Ông Tây Bà Đầm khắp nơi về ăn Tết quê hương . Còn tôi , hững hờ " Để Xuân Ở Lại " và " thả hồn du lãng rũ ưu phiền " với những vần thơ thất ngôn bát cú của Người Thi Sĩ " vo chữ thành thơ xả nghĩ suy / bắt chước Tú Xương khoa khẩu phách / học đòi Nguyễn Khuyến xướng văn thi "..._ Khi chiếc Cathay Pacific chuyển bánh trên phi đạo , rồi nhấc bỗng lên cao , tôi dựa đầu vào sát vuông cửa kính , ngắm nhìn Sài Gòn xa dần phía dưới trong buổi trưa nắng đẹp . Lòng tôi bình lặng như mặt nước hồ thu , không một cảm xúc khuấy động . Tôi giã biệt , mà cũng có thể là vĩnh biệt mảnh đất sinh quán , nhưng bây giờ chỉ còn là một nơi dừng chân trên bước đường phiêu lãng..._ Và khi chiếc phi cơ hạ cánh xuống phi đạo Hồng Kong , chợt nhìn thấy biểu tượng Lá Phong Đỏ ở phía đuôi của chiếc máy bay Canada Airline , tôi mừng rỡ , cưởi toe toét , thầm hát :" O Canada , our home and native land ...we see thee rise the true North strong and free from far and wide ... God keep our land glorious and free ..."._ Tôi thực sự YÊU và NHỚ miền đất Xứ Lạnh Tình Nồng lắm thay ...