Wednesday, November 30, 2011

LỜI CẢM TẠ CỦA NỤ HOA NHỎ

Thơ: Vũ Thủy

Khi con biết nói lời cảm tạ Chúa
Là khi môi con mọng chín mối tình Ngài
Trái tim con muốn phá tung lồng ngực
Hai nửa con tim rạo rực đến đê mê!

Khi con biết nói lời cảm tạ Chúa
Đôi môi con chan chứa một hồng ân
Con hạnh phúc nâng hồn lên tới Chúa
Những vần thơ đang viết vút thăng hoa!

Và có lúc con dâng lời cảm tạ
Trong cung buồn thả nốt nhạc chơi vơi
Con nghiệm ra Chúa muốn trao chén đắng
Khi Thánh ý dạy con nhận cúi đầu !

Con dâng Chúa hoa lòng con hé nụ
Hoa tình yêu chính Chúa đã ươm mầm
Nụ hoa nhỏ giữa lòng con bé nhỏ
Gởi tâm tình con tri ân mãi mãi!

Viết trong ngày lễ Thanks Giving 26/11/2011

Monday, November 28, 2011

THÀNH VIÊN MỚÍ

Mến Chào cả Nhà
Hôm nay HBTT xin Chúa cho một chút courage để giới thiệu cho cả nhà một thành viên mới toanh  anh Nguyễn Thanh Sơn ở Germany.  Vì trong nhóm chúng ta chưa có ai ở Germany cả.  TS Cũng là một thành viên sốt sắng trong Dũng Lạc. 
Kèm theo là thư tự giới thiệu và thơ của TS mong được chia sẻ cho nhóm VCN.
Xin cám ơn TS đã đến với nhóm chúng ta. 
HBTT






Kính chào Qúy Cha, Qúy Sơ, Qúy Anh Chị Em trong nhóm
"Viết Cho Nhau"


Nghe Sơ Hoàng Yến giới thiệu trong nhóm VCN.
(ai cũng nhiệt tình và cũng tốt).  Nên Thanh Sơn muốn gia nhập để được chia sẻ và hưởng lấy sự nhiệt tình đó.


Đôi lời về bản thân


Antôn P. Nguyễn Thanh Sơn 02.04.1957
Định cư tại Đức Quốc từ 1980
Rất dễ hòa hợp với mọi người nhưng không bao giờ xu nịnh ai.
Rất thích kể chuyện vui lành mạnh (không ưa chuyện bù khú)
Chuyên viết về thơ đạo Phúc Âm Lời Chúa (khoảng 600 bài)
Bút hiệu Thanh Sơn hoặc Trầm Hương Thơ,


Chưa viết bài thơ tình nào cả 
(chắc chưa có duyên viết thơ tình)
Bố Mẹ mất sớm, ở VN còn 2 người em gái là
Nguyễn Thủy và Vũ Thủy.


Đây là lý lịch trích ngang và kèm theo vài bài thơ đúng như sự chỉ dẫn của Sơ Hoàng Yến.


(Hy vọng không phải là Ma Sơ cũ bắt nạt Ma mới...?)
Kính trình diện qúy Cha, qúy Sơ và qúy Anh Chị Em.


Thanh Sơn




SÁNG LÊN

Sáng nay nhìn thấy trời thu ảo
Một cánh lá vàng liệng xuống ao
Lá ơi! có soạn đường đi trước?
Hay rụng vô tình bởi gió chao?

Sáng nay nhìn thấy trời thu ảo
Một vài cánh lá vút lên cao
Gió đưa về mãi nơi vô định
Nghe trong tâm tịnh tiếng thì thào

Sáng nay nhìn thấy trời thu ảo
Trên cành còn vài chiếc xanh xao
Lá ốm hay sao mà ủ rũ
Hay buồn tiễn bạn chẳng câu chào?

Sáng nay nhìn thấy trời thu ảo
Vừa chớm "Ánh Quang" ló dạng đào
Giá sương còn vương như châu ngọc
Đọng trên cành liễu chút nghẹn ngào?

Sáng lên rực rỡ hồn thu thảo
Hồng Ân soi xuống tự Trời cao
Vạn vật quy chào về "Ánh Sáng"
Tưng bừng nhảy múa đón CHÀNG vào


Sáng lên bừng vỡ tan băng giá
Hoàng Tử từ trời xuống cứu ta
Thiếu nữ Sion vui chào đón
Tung hô vang dậy vạn lời ca.

Thanh Sơn 26.11.2011




                      


LỜI CA CẢM TẠ                    

        Con viết lời thơ như hương kinh
Hồn vút cao lên tận Thiên Đình
Và hát mừng Thánh Danh Thiên Chúa
Trong tĩnh mịch vạn vật lặng thinh

Con viết lời thơ như hương kinh
Dâng lên Ngài muôn vạn ý tình
Trong hân hoan đón chờ ngày mới
Hừng Đông đến cho vạn vật xinh

Con viết lời thơ đợi Ánh Hồng
Ngài là Ánh Sáng của rạng đông
Sưởi ấm hồn con khi băng giá
Ban truyền Thần Khí của hương nồng

Con viết lời thơ tạ ơn Ngài
Như hồn nắng hạn đượm sương mai
Như nai đang khát tìm thấy suối
Nước mát cỏ non ấm hình hài

Con viết lời thơ tán dương Ngài
Tình Yêu muôn thuở chẳng hề phai
Ngài thương phận hèn người tôi tớ
Nâng niu thân phận mỏng bất tài

Con viết lời ca tụng Chúa Trời
Tình ngài chan chứa chẳng hề vơi
Ngài chính là Đường là Sự Sống
Hát lên cảm tạ mãi muôn đời.

Tôi viết lời chào qúy Chị, Anh
Nhóm "Viết Cho Nhau" Chúa chúc lành 
Nghệ thuật san sẻ theo Thiên Ý
Mỗi người một vẻ, vẽ nên tranh
Thanh Sơn 27.11.2011

Cám ơn Sr. Hoàng Yến, và xin chào mừng anh Thanh Sơn. Hai bài thơ chan chứa ân tình và tư tưởng đạo đức. Cám ơn anh nhiều. Hy vọng sẽ được thưởng thức thêm những vần thơ đặc sắc của anh. Thỉnh thoảng sẽ ghé thăm trong blog của anh.
Mến,
CT


Anh Thanh Sơn mến.

      Rất hân hạnh được gặp anh  trong nhóm VCN. Tôi đã biết anh nhiều qua bút danh Thanh Sơn và Trầm Hương Thơ, nhưng nay chính thức quen nhau trong nhóm, thật mừng lắm. Sẽ còn gặp nhau nhiều trên nhóm.
                        
 Thân mến.
                  Giu-se Nguyễn văn Sướng.


 Lời chào của Hân
Cám ơn Sơ Yến và anh Thanh Sơn. Hân có nhận được một số bài thơ của anh Sơn qua Lời Chào Buổi Sáng, thầm cảm phục người viết nhiều, đạo đức và tinh thần tranh đấu công lý cho quê hương thật cao. Nay đuợc làm quen thật là vui. Sẽ vào thăm blogs của anh thường xuyên.
Riêng Hân cũng nặng lòng với quê hương, đất nước, tiếc là tài sức khả năng không đến đâu nên đành ngậm ngùi, dù rất "đau lòng con quốc quốc". Tuy nhiên khác biệt dễ thấy giữa anh Sơn và Hân là người thì không làm bài thơ tình nào, còn người thì bị bạn bè trêu chọc là "chuyên trị thất tình"!
Dù sao, mình cũng có thể là anh em và sẽ Viết Cho Nhau khi có thể mà phải không?
Quý mến,
Hân



Chị Duy Hân ơi! lỡ sau này TS có thất tình thì phải nhờ đến thầy chữa đấy nhá.


TS.



On 28/11/2011 9:53 PM, Hien Nguyen wrote:

Chào Anh Thanh Sơn,
À thì ra anh ở bên Đức. Đâu ai ngờ, thế giới này bao la, thế mà chúng ta vẫn như đang ở bên nhau và trao cho nhau những gì ta đang có.  Đó là Viết Cho Nhau. Đọc 2 câu thơ đầu tiên trong bài Sáng Lên, thấy chiếc lá thật tội tình, bị "liệng xuống ao". Mong rằng cuộc đời của chúng ta có nhau mãi và đừng liệng thời gian vốn đã không bao giờ chờ ta.
Hiển

Sáng nay nhìn thấy trời thu ảo
Một cánh lá vàng liệng xuống ao


2011/11/28 Phuong Nguyen <viphuong81@hotmail.com>
Xin chào mừng anh Thanh sơn. Được đọc hai bài thơ "Sáng lên và Lời cảm tạ" của anh, vp khâm phục anh lắm rồi. Vp cũng đã vào trong blog của anh, ui chao sao mà nhiều thơ quá. Thỉnh thoảng cũng có đọc trên Dũng lạc thật là phục nhưng không biết là ai, vậy mà hôm nay lại được anh góp thơ trên Blog VCN thì còn gì vui bằng. VCN phải cám ơn anh chứ.
Blog VCN khởi nguồn từ nhóm 40 ngày sống lời Chúa trong mùa chay năm 2009, và sau đó thì đã thành lập nhóm VCN để chia sẻ những vần thơ, những câu chuyện, những tranh ảnh, slideshow, những bản nhạc...nên anh không cần lo gặp chuyện bù khú đâu. Mặc dù nhóm đã hơn một tuổi nhưng sự đóng góp thơ văn vẫn còn khiêm tốn. Hy vọng có anh vào VCN sẽ bừng lên sức sống.
Hân hạnh.
viphương


  
Chào mừng anh Thanh Sơn đến với nhóm VCN ha! Hy vọng sẽ được thưởng thức nhiều sáng tác mới của anh trong những ngày tới.


Hồi nãy em có thử vào blog của anh Sơn xem, chỉ một mình anh sáng tác thôi mà blog thật là phong phú và đa dạng.
very interesting!!!  :-P


Welcome anh Sơn to the VCN family!


Sang





Thanh Sơn thật vui khi được các ACE mở rộng tấm lòng chào đón vào nhóm VCN.
Cám ơn những lời khích lệ nhiều. Thanh Sơn không vững về luật thơ đâu. Phần nhiều là viết vào gần sáng thay cho những lời kinh sáng, để dâng về CHÚA, nên TS. mới đặt là "Hương Thơ Tình chúa" hay "Chào Buổi Sáng" cho Blọg của mình.
Cám ơn tất cả... và xin Chúa chúc lành cho Gđ. VCN.
Kính
TS.



Sunday, November 27, 2011

VỌNG

VỌNG
Sa mạc ,Tiền Hô ,tiếng hiển dương
Dọn lòng nắn thẳng mọi con đường
Núi đồi lòng dạ mau san lấp
Tục lụy gian trần chớ vấn vương
Trời đổ sương mai ,mưa thánh hóa
Chúa ban Thánh Tử ,giáng yêu thương
Dọn hồn chờ sẵn như hang đá
Lòng chúng nhân mong Chúa thấu tường
C.B.G.
25-11-2011

TÌM VỀ KHỞI THỦY

Thơ: Vũ Thủy

Cảm hứng từ câu Thánh-kinh:
“Thế nhưng, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Cha chúng con ;
chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài,
chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.” (\Trích sách I-sa-i-a: 64, 7)

Cơn lốc nào mở ra lòng trắc ẩn
Bụi trần nào phong tỏa dấu chân xưa
Bóng nhật nguyệt tựa hồ như khói loãng
Để hoang đàng gió cuốn giữa trùng khơi
Thuyền lênh đênh trơ cánh buồm tơi tả
Ôi, nửa đời phong sương tắm bụi trần!

Cơn lốc xoáy chiều nay NHƯ NGỌN LỬA
Rải tung trời đôi cánh trắng chim câu
Đâu chính ngọ, đâu trăng rằm thao thức
Mở cửa mồ, bứt tơ lòng trỗi dậy
Kẻ phong sương ngày ấy đã về đây
Bên bến bờ của tình yêu Thượng Đế!

Cơn lốc xoáy của Tình Yêu Muôn Thuở
Đã mở toang địa đàng cho nhân thế
Để bụi trần nâng bước dấu chân xưa
Cánh buồm hoang theo chính ngọ quay về
Tôi tìm về với Khởi Thủy, chốn Ê-đen
Men theo tiếng gọi của tình yêu Thượng đế...

Bóng nhật nguyệt vẫn dõi nhìn nhân thế
Bởi tình yêu đâu dễ bỏ lời thề
Ngài chẳng bỏ, chẳng để tôi tan nát
Cánh buồm tôi xơ xác trở về đây
Như sát muối vào con tim Thượng đế
Lòng xót thương như núi lửa trào tuôn...

Ôi, Khởi Thủy! Ngài đã yêu như thế
Con đâu còn phải sóng nước lênh đênh!

Sunday, November 20, 2011

Trầm Thiên Thu: Vua Lòng Thương Xót - Lễ Chúa Kitô Vua, 20/11/2011.

VUA LÒNG THƯƠNG XÓT
(Lễ Chúa Kitô Vua – CN XXXIV TN/A – Mt 25:31-46)

Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ được Giáo hội mừng kính tước hiệu Chúa Kitô Vua – Vua các vua và Chúa các chúa.
Vua Lòng Thương Xót
Thời quân chủ, vua là người có quyền tối thượng: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Không muốn cũng phải tuân lệnh, dù phải chết. Và người ta hiểu trung thần là dám chết để minh chứng lòng trung thành với vua. Người ta không được phép nhìn mặt vua và phải tránh những chữ có “liên quan” nhà vua, thậm chí muốn tâu bẩm cũng không được tâu thẳng với vua: “Muôn tâu bệ hạ” – tức là tâu cái bệ rồng của vua ngồi. Như vậy, cái ghế vua ngồi còn đáng giá hơn thần dân. Nhưng khi Philatô hỏi Chúa Giêsu có phải là vua hay không, Ngài đã trả lời ngay: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36), và Ngài cho phép chúng ta “phạm húy”, dùng ngay tên Ngài mà không cần tránh né: “Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Ngài”.
Chúa Giêsu là Thiên Vương, là Vua vũ trụ, nhưng cũng là “vua nghèo” nhất. Tại sao? Một vị Thiên hoàng mà sinh ra ở nơi bần cùng nhất là một hang chiên lừa hôi tanh. Chắc hẳn không ai nghèo bằng Ngài.
Không chỉ vậy, Ngài còn là vị vua không tiền hô hậu ủng, không xa giá, chỉ một lần duy nhất Ngài cưỡi lừa vào thành Giêrusalem. Còn ngoài ra, suốt 3 năm hoạt động mục vụ, hàng ngày Ngài đích thân rong ruổi khắp mọi đường xa, đến tận các hang cùng ngõ hẻm để giáo huấn và chia sẻ nỗi đau khổ của mọi người cùng đinh nhất, Ngài luôn tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của bất kỳ ai. Là vua, trong tay đầy quyền lực, nhưng Ngài đã làm gương đúng như lời Ngài dạy: “Ai làm lớn phải phục vụ” (Mt 20:24-28; Mc 10:40-45). Ngài không cậy quyền, ỷ thế, không có ngai vàng, nói và làm gì cũng dựa trên nền tảng yêu thương, luôn ngôn hành song song. Quả thật, Ngài là Vua Lòng Thương Xót. Bạn đã may mắn thấy vị nguyên thủ quốc gia nào hoặc chủ chăn nào thực hiện như “vua nghèo” Giêsu chưa? Nếu bạn đã thấy, bạn thật hạnh phúc!
Vua Công Bình
Phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua năm A dùng đoạn Phúc âm Mt 25:31-46 nói về ngày Chúa quang lâm xét xử nhân loài. Chúa Giêsu dùng hình ảnh thực tế, dễ hiểu và gần gũi: Chiên và Dê. Chiên là loài động vật hiền, mỗi lần bị xén lông rất đau nhưng nó không hề kêu hoặc phản ứng và có hình dáng “dễ thương”; dê là loài động vật có thể phản ứng dữ dội và có hình dáng “không bắt mắt”. Chiên là biểu tượng của người lành, dê là biểu tượng của người dữ.
Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và chịu chết để cứu độ nhân loại, thế nên Ngài có quyền phân xử công minh. Ngài đến trong vinh quang, có các thiên sứ theo hầu, và Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển. Ngài tập hợp các dân thiên hạ trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê. Ngài cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Thiên Vương Giêsu ôn tồn nói với những người ở bên phải: “Nào những người được Cha Tôi chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho quý vị ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã cho ăn; Tôi khát, quý vị đã cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã cho mặc; Tôi đau yếu, quý vị đã thăm viếng; Tôi ngồi tù, quý vị đã đến hỏi han” (Mt 25:34-37).
Bấy giờ những người công chính ngạc nhiên và khiêm nhường thân thưa: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” (Mt 25:38-40). Chúa Giêsu xác định: “Mỗi lần quý vị làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Tôi, là quý vị đã làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25:41).
Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi cho khuất mắt Tôi mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã không cho ăn; Tôi khát, quý vị đã không cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã không tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã không cho mặc; Tôi đau yếu và ngồi tù, quý vị đã chẳng thăm viếng” (Mt 25:42-44).
Bấy giờ những người ấy cũng sẽ phân bua là không hề thấy Chúa đói, khát, là khách lạ, trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà họ lại đành lòng không phục vụ Chúa (Mt 25:45). Nhưng Ngài xác định: “Mỗi lần quý vị không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là quý vị đã không làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25:46). Họ “bó tay”, không tự biện hộ được gì, “mắt chữ O và miệng chữ A”, đành cúi đầu ra đi để chịu cực hình muôn kiếp. Còn những người công chính thì vui sướng bước vào sự sống muôn đời. Mỗi người “xứng đáng” với cách sống của mình: Tốt được thưởng, xấu bị phạt.
Chúa không hỏi gì về những tội này hay tội kia, mà Chúa thẩm vấn 2 điều: Sử dụng vốn sống thế nào để sinh lời (Mt 25:14-30), và thực hành đức ái (Mt 25:31-46).
Ngài hoàn toàn công minh và chính trực, không thiên vị ai – chứ đừng nghĩ mình là “ông này, bà nọ” mà được “ưu tiên”. Vả lại Chúa đã nhiều lần cảnh báo, chứ Ngài không hề hứng chí làm sảng mà không báo trước. Có lẽ chúng ta nghe nhiều hóa nhàm tai, rồi cứ tưởng Chúa “vui tính”, thích đùa dai. Nước đến chân nhảy cũng không kịp. Số phận thành Sôđôma và Gômôra bị thiêu rụi đã quá hiển nhiên, rồi mới đây, ngày 11-3-2011, Sóng thần đã là “điểm đen” gây kinh hoàng ở Nhật Bản, và hiện nay Thái Lan cũng đang “nhức đầu” vì lụt lội. Có bao nhiêu người coi những dạng như vậy là “triệu chứng” của một căn bệnh trầm kha bất trị? Thiên tai hay nhân tai?
Nhìn thấy Chúa trong người khác là điều không dễ, nhưng đó là điều kiện “ắt có và đủ”, vì Chúa Giêsu đã xác định: Mỗi lần chúng ta giúp đỡ người khác – dù chỉ một chén nước lã, yêu thương người khác, có ánh mắt thiện cảm với người khác, vui cười với người khác, nói dễ nghe với người khác, cư xử tốt với người khác, chia sẻ vui buồn với người khác, cầu nguyện cho người khác,… đó là chúng ta làm cho chính Thiên Chúa. Người khác là bất kỳ ai, dù không quen biết, ngay cả chính kẻ thù. Ngay cả đại văn hào Victor Hugo cũng đã quả quyết: “Ai cho kẻ khốn cùng là đã cho Thượng đế vay”. Nếu không làm được vậy thì chúng ta không thể tự biện hộ, vì Chúa đã “ghi âm” và “ghi hình” ngay lúc chúng ta hành xử – và “thước phim” đó sẽ trình chiếu lại khi chúng ta trình diện Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là Vua Lòng Thương Xót vì Ngài đã yêu thương chúng ta đến giọt máu cuối cùng, giọt nước cuối cùng, và hơi thở cuối cùng. Ngài luôn nhẫn nại chờ đợi chúng ta đến với Lòng Thương Xót vô biên và sâu thẳm của Ngài – tức là đến với Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể. Ngài vẫn từng giây phút âm thầm mỏi mòn chờ đợi chúng ta hồi tâm, Ngài không hề muốn phạt ai, chỉ tại chúng ta quá cố chấp!
Alfred Mortier nói: “Mọi người đều nói đến quyền lợi, không mấy ai nói đến bổn phận”. Chúng ta cũng vậy, chúng ta van nài Chúa ban “miễn phí” cho chúng ta điều này hoặc điều nọ, càng nhiều càng tốt, nhưng lại không muốn hy sinh, chỉ muốn tránh né bổn phận càng nhiều càng tốt. Thật là phi lý!
Điều Chúa yêu cầu rất đơn giản nhưng rất quan trọng và hoàn toàn có lợi cho chính chúng ta: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5:48) và “hãy có lòng nhân từ như Cha là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).
Lạy Thiên Vương Giêsu Kitô, xin thương xót mà gia ân cho chúng con – những thần dân vô dụng của Ngài. Nhưng chúng con luôn vững tin Ngài đang ở với chúng con, Ngài không để chúng con cô đơn (x. Ga 8:29), vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136). Xin che chở, phù trợ và hướng dẫn chúng con dù “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7). Chúng con cầu xin nhân danh Thiên Vương Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Friday, November 18, 2011

Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc

MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC

Thứ bốn đàng Thánh Giá
Mẹ não nề gặp con
Tay mẹ muốn đỡ lấy
Thánh Giá nặng vai gầy


Nhưng rồi mẹ nán lại
Lau dòng lệ sụt sùi
Bùi ngùi thương nhân loại
Mẹ hiệp ý thông công

Bước theo Chúa đồng hành
Đến giờ Chúa tắt thở
Hồn thơ thẩn đớn đau
Như mủi gươm đâm thấu.


Ôi! Mẹ vẫn khổ sầu
Ở lòng người nhạt nhẽo
Chạy theo cõi hư ảo
Khiến mẹ mãi khổ đau.

Xin hãy sống chiến đấu
Vì có mẹ đồng hành
Đồng Công Cùng Cứu Chuộc
Hy vọng cõi mai sau...



Ảnh và Thơ - HBTT 11/17/2011

Sunday, November 13, 2011

Trầm Thiên Thu: Phù Du-Lục Bát Mùa Đông (thơ)




PHÙ DU

Tìm hoài trong cõi bốn mùa
Thấy mình là kiếp phù du lạc loài
Tìm trong đằng đẵng u hoài
Phách đời gõ nhịp đọa đày tâm can
Mơ hồ một chút dư âm
Mơ hồ chộn rộn thì thầm trầm tư
Mai về giữa chốn thiên thu
Ước mơ dang dở, bơ vơ kiếp người!
TRẦM THIÊN THU





LỤC BÁT MÙA ĐÔNG

Trăm năm chờ đỗ bến yêu
Nỗi buồn phố thị sớm chiều phân vân
Đi tìm ngọc bích quanh năm
Bồi hồi bông tuyết trắng ngần thi ca
Mùa đông lãng mạn, ngu ngơ
Khao khát mong chờ tha thiết tình xuân
Có xa cũng hóa thành gần
Cầu trời duyên nợ nồng nàn men yêu
TRẦM THIÊN THU

Phạm Trung & Quyên Di: Vầng Mây Trắng (slideshow)

Friday, November 11, 2011

MỪNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO

KÍNH MỪNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Mạnh mẽ ,hiên ngang giữa pháp trường
Rạng ngời các Thánh Tử nêu gương
Đầu rơi, máu đổ ,khinh sinh mạng
Thịt nát ,xương tan ,chấp bạo cường
Minh tỏ niềm tin nơi cõi phúc
Ươm gieo hạt giống khắp quê hương
Cháu con xin hưởng nhờ ơn đức
Can đảm vững tin đến trọn đường.
12-11-2011

Tuesday, November 1, 2011

CHUYỆN HAI NGƯỜI PHỤ NỮ ĐỘC THÂN

Tùy bút của Vũ Thủy

Có hai người phụ nữ độc thân, một người đã ngoài bảy mươi còn người kia thì mới ngót bốn chục, cả hai đều là những người yếu đuối bệnh tật.
Trong một dịp đầu xuân, người phụ nữ lớn tuổi đến chơi nhà người phụ nữ trẻ. Hai người kéo nhau ra một góc nhà trò chuyện to nhỏ, họ thỉnh thoảng phải dừng câu chuyện. Khách đến thăm gia đình này từ sáng đến trưa khá đông. Dường như đã thành một cái lệ, sau khi chúc tuổi chuyện vãn với chủ nhà xong, ai cũng ghé vào hỏi thăm người phụ nữ trẻ dăm ba câu rồi mới ra về. Lại cũng không ít kẻ ghé vào xin ăn. Người phụ nữ lớn tuổi hơn bảo người phụ nữ trẻ:
-Này! Tôi thấy cô nãy giờ được người ta lì xì cho khá nhiều tiền, người ta vì thấy cô bệnh hoạn mà thương tình giúp đỡ, nhưng sao cô lại đem cho hết cả? Cô không dành dụm một chút để phòng khi trở bệnh hay sao?
Người phụ nữ trẻ đáp:
-Cháu đã đau ốm hai mươi năm nay rồi, cũng chẳng có thuốc gì chữa khỏi! Vả lại, số tiền này có để dành thì cũng chẳng thấm vào đâu khi bệnh trở nặng! Cháu thấy mấy người kia tuy khỏe mạnh lại không có tiền mua thức ăn, trong khi cháu cầm số tiền này lại không chữa được bệnh. Chi bằng đưa cho người ta mua thức ăn sống qua ngày, biết đâu sau này họ làm ăn khấm khá lên thì sao?
Người phụ nữ lớn tuổi nói:
-Nhưng ít nhất cô cũng phải dằn túi một ít chứ!
Người phụ nữ trẻ cười vô tư:
-Nếu cháu để dành được Sáu trăm nghìn tiền lì xì này, thì rồi cháu sẽ lại cố tìm cách để có Một triệu đồng... Có Một triệu rồi thì cháu lại muốn có Hai triệu... Cháu biết bản tính mình nó thế! Rồi một khi cháu có được Năm triệu đồng, cháu sẽ gởi ngân hàng để kiếm lời. Gởi vào ngân hàng thì lại sợ ngân hàng bị phá sản, tiền mình sẽ mất! Nhưng giữ tiền thì phải khư khư chùm chìa khóa riêng. Rồi lại không có tiền lời, để tiền trong túi nó bứt rứt lắm! Cháu đã từng như vậy rồi! Có đêm cháu không ngủ được vì cứ nhẩm tính trong đầu xem nếu mình gởi tiền vào ngân hàng thì mỗi tháng có bao nhiêu tiền lời. Những con số tiền lời đang nhẩm tính trong đầu toàn là số thập phân, rất khó cộng trừ, những con số cứ lởn vởn trong đầu không sao ngủ được. Trong khi tiền thì chưa có để mà gởi ngân hàng... Bây giờ cháu chả tính toán gì nữa! Vậy mà lại khỏe, ăn ngủ tới sáng, cũng ít ốm đau hơn bà ạ!
-Cô cứ nói thế, chứ cô ăn bằng gì? Tiền đâu mà mua thuốc?
Người phụ nữ trẻ lại cười:
-Bác sĩ có cho toa đâu mà mua! Mỗi lần đi khám bác sĩ, cháu thường nghe mấy ông bác sĩ bảo “Bệnh cô nó thế rồi, không có thuốc gì...”, Còn ăn thì cơm ngày hai bữa bố mẹ cháu lo cho rồi!
Người phụ nữ lớn tuổi lườm cô ta:
-Thế nhỡ bố mẹ cô qua đời thì ai nuôi cô?
-Chẳng lẽ anh chị em cháu lại không cho cháu ngày hai bữa sao? Mà nếu họ không thương cháu, bỏ mặc cháu, thì hàng xóm láng giềng sẽ tội nghiệp mà cho... Nói đùa thế thôi, chứ cháu tin rằng Chúa quan phòng sẽ lo cho cháu, bà ạ!
Người phụ nữ lớn tuổi có tiếng là khôn ngoan, giỏi tính toán trong số các bà cô không chồng ở cái vùng ấy. Những phụ nữ độc thân ở vùng này gắn bó với nhau ghê lắm, vì là những người đồng cảnh ngộ, họ lo cho nhau thế đấy.

Ngày nọ, sau đám tang của một bà giáo độc thân trong vùng vừa mới qua đời vì căn bệnh ung thư, họ tụm lại “trà dư tửu hậu” tại nhà người phụ nữ lớn tuổi. Cái chết của bà giáo khiến cho những người còn lại trong nhóm phải suy nghĩ ít nhiều. Họ nói cho nhau nghe những điều mình trăn trở, và hỏi nhau xem có ai biết bà giáo kia đã quyết toán cuộc đời của bà ấy ra sao không. Người phụ nữ trẻ lắng nghe tất cả, những thông tin về nội bộ trong họ hàng huyết tộc của bà giáo thật là phong phú! Thời bao cấp, người ta cứ bảo nghèo nhất là nhà giáo, ấy thế mà ngoài nửa căn nhà đứng tên chung với thằng cháu gọi bằng cô, bà giáo còn cả một sổ tiết kiệm trị giá đến mấy chục triệu. Chưa kể số tiền phúng điếu, nghe đâu thằng cháu chi trả đám ma xong vẫn còn đủ tiền để thanh toán viện phí cho bà cô. Nghe xong, người phụ nữ lớn tuổi chép miệng:
-Thế thì... phải gởi số tiền tiết kiệm ấy vào mấy chỗ từ thiện, “mí lại”phải xin lễ cầu nguyện cho bà giáo, để bà ấy có công trong sổ Thiên đàng chứ lỵ... tớ thì tớ làm thế!
Người phụ nữ trẻ mỉm cười ý nhị:
-Bà nói thế, cháu không có đồng nào thì cháu không vào Thiên đàng được ư!
Người phụ nữ lớn tuổi lườm cô ta:
-Cô cứ đùa thế là không được đâu!
Cả nhóm hội độc thân nhìn người phụ nữ trẻ như thể cô ta là kẻ chống phá Giáo hội vậy, họ đều nhất trí với người phụ nữ lớn tuổi. Họ rủ nhau đến khuyên thằng cháu của bà giáo lo liệu cho sớm, kẻo bà cô ở trong lửa luyện tội lâu ngày phải chịu nóng nẩy!

Người phụ nữ lớn tuổi chuyên chăm làm từ thiện lắm! Nghe tin ở đâu có người ốm đau bệnh hoạn, bà sốt sắng về giục giã các em, các cháu mình tiết kiệm tiêu xài lấy tiền làm phúc. Phần bà, bà tuy cũng có chút đỉnh nhưng còn phải phòng khi thuốc thang, trái gió trở trời. Thay vì giúp đỡ tiền bạc cho người nghèo đói, bà đi lễ sớm hôm cầu nguyện cho họ có công ăn việc làm. Thôi thì phận tuổi già sức yếu, không chồng không con bà đành chịu. Rồi cũng đến ngày người phụ nữ lớn tuổi phải theo chân bà giáo. Đám tang của bà cũng đông đúc người thăm kẻ viếng, ai cũng thương cho hoàn cảnh không chồng không con nên đến phúng điếu và cầu nguyện cho bà. Người phụ nữ trẻ cũng đến! Cô thấy có nhiều người bỏ vào quan tài của người phụ nữ lớn tuổi những phong thơ và thì thầm gì đó.
Lần này, sau đám tang của người phụ nữ lớn tuổi, những người trong nhóm hội độc thân kéo nhau “trà dư tửu hậu” tại nhà người phụ nữ trẻ. Cô chăm chú lắng nghe mọi người, thông tin của họ về người phụ nữ lớn tuổi thật bất ngờ đối với cô. Những người đến bỏ vào quan tài của người phụ nữ lớn tuổi đều là những người có quan hệ họ hàng với bà, họ bỏ vào đó những lá thư để xin nợ. Người thì xin bà món nợ một lượng vàng, người năm, ba chỉ vàng... người thì vài trăm dollars. Người phụ nữ trẻ nhớ đến lời nói của bà hôm trước: “Thế thì... phải gởi số tiền tiết kiệm ấy vào mấy chỗ từ thiện, “mí lại”phải xin lễ cầu nguyện cho bà giáo, để bà ấy có công trong sổ Thiên đàng chứ lỵ... tớ thì tớ làm thế!”

Người phụ nữ trẻ tự hỏi “Ai sẽ là người giúp bà ấy làm những công việc đó bây giờ?” Cô chép miệng, âu cũng là bà ấy đã tốt bụng cho những người họ hàng kia vay mượn, thì cũng kể như bà ấy đã ghi công vào sổ Thiên đàng rồi. Người phụ nữ trẻ nhắm mắt lại, thầm cầu nguyện cho linh hồn người phụ nữ đã từng nổi tiếng khắp vùng là khôn ngoan và giỏi tính toán.