Tuesday, August 31, 2010

Chiều Đông Nhớ Nhà - Thơ Hồ Đắc Dũng

Chiều Đông nhớ nhà

Sáng nay vừa nhận được thư em
Giòng mực xanh xanh giấy mỏng mềm
Lòng rộn tiếng cười xen cảm xúc
Anh cầm thư đọc suốt thâu đêm

Ra đi rời bỏ đất Thần Kinh
Thành cổ rêu phong cảnh hữu tình
Sóng nước sông Hương buồn lãng mạn
Cô nàng áo trắng dáng xinh xinh

Anh đi từ thuở tóc còn xanh
Nào biết chi mô mộng viễn hành
Phó thác đời mình theo số mạng
Lêng đênh biển cả nước bao quanh

Sống kiếp tha hương tựa kiếp tằm
Quê người lưu lạc đã bao năm
Mẹ già tựa cửa ngày trông đợi
Bóng dáng con yêu vẫn biệt tăm

Anh muốn về thăm lại cố hương
Để nghe giọng Huế ngọt ngào thương
“ Chi mà lạ rứa mần răng hỉ “
Nón lá nghiêng vành nhẹ gót vương

Bên ni giá lạnh cả mùa Đông
Tuyết phủ em ơi buốt tận lòng
Nhiều lúc nhớ nhà anh thức trắng
Đêm dài quơ mãi cánh tay không

Công danh sự nghiệp vẫn còn mê
Chẳng biết khi nao sẽ trở về
Vài chữ thăm em lòng bức rức
Một ngày anh hứa sẽ thăm quê.

Dũng Anh

SAO EM NHƯ THẾ! - Thơ Giuse Sướng.


SAO EM NHƯ THẾ .

Em nói chia tay như một gã Sở Khanh thực thụ
Mặt lạnh như tiền chẳng xúc cảm mảy may !
Trước toà , em nêu lý do đơn giản , không hợp - không còn tình yêu
Và tôi , đứng chết trân như Từ Hải .

Tôi vẫn nhớ ,
Lời dịu dàng em nói yêu tôi , phải chăng là giả dối ?
Lời thề ngày tân hôn ,
Giữ lòng chung thuỷ với tôi khi mạnh khoẻ cũng như lúc yếu đau , bây giờ là lừa gạt !
Em quay lưng đi , bỏ mặc con thơ cho chồng nuôi dưỡng
Tôi còn ở lại , một mình gặm nhấm cô liêu , nhức nhối đêm dài .

Ôi , Tô Thị , đã bao năm nàng hoá đá , em chẳng học được gì sao?
Kìa , chị Hai , vẫn ru lại câu hò khi con đò trở lại , tang thương , sao em không nhìn thấy ?
Con em giờ đã lớn
Tôi , cũng già với cô đơn
Nghe nói đời em phong ba , dăm bảy lần đò , nết xưa không sửa !
Con cái sinh ra , mỗi đứa một cha , lớn trong sầu tủi .

Em , nhan sắc cũng lụi tàn .
--------------------------------------------------------------------------
Giuse Nguyễn văn Sướng .

Monday, August 30, 2010

TIẾNG ĐÀN MANG NGỌN LỬA TRÁI TIM

Thơ: Vũ Thủy
Phổ Nhạc: Anh Phạm Trung

Kỷ niệm 5 năm Katrina - Quốc Khánh.

Quý anh chị thân mến,
Từ Louisiana, anh Khánh vẫn luôn nhớ và cầu nguyện cho chúng ta. Nhân ngày nước Mỹ kỷ niệm 5 năm bão Katrina, anh đã gởi tặng slideshow này như một nhắc nhớ là nơi mà cách đây 5 năm, Katria đã tàn phá khủng khiếp thì cũng là nơi anh đang tu tập trong "Tu Đoàn Tông Đồ Giáo-Sĩ Nhà Chúa" (viết tắt là S.D.D. = Society Domus Dei). Cám ơn anh Khánh nhiều và mọi người luôn cầu chúc anh mãi vững tiến trên con đường thánh hiến! Luôn nhớ nhau trong kinh nguyện!
Rất mến,
CT

Sunday, August 29, 2010

Lan Hạc Trắng & các loại lan khác.

Quý anh chị thân mến,
Mời quý anh chị thưởng thức một loại lan rất lạ, mầu trắng và có hình giống như cánh hạc. Tiếp theo là một sldeshow hơn 70 tấm hình về các loại lan khác! Nhìn lan, CT cũng ngẫu hứng làm mấy câu thơ như sau:

Lan hạc trắng.
Lan tươi trắng ngọc trắng ngà,
Mong manh tinh khiết mượt mà thanh tao.
Trời xanh mây trắng trên cao,
Lan như cánh hạc bay vào không trung,
Nhìn lan lên chốn thiên cung
Ngợi ca danh Chúa ngàn trùng vinh quang.
Chớ gì con được như lan,
Hồn luôn trinh trắng bình an quê trời!
CT









Saturday, August 28, 2010

TIẾNG ĐÀN MANG NGỌN LỬA TRÁI TIM

Có một gã mù đến công viên Chiến Thắng
Một bàn tay của gã,
Đã bị bỏ lại nơi chiến trường ác liệt
Gã ngồi đó, gảy đàn ghi-ta trong nắng sớm
Những bông hoa mùa xuân vừa chớm
Cứ rạo rực nghe tiếng đàn mang ngọn lửa trái tim.

Bỏ mặc quả bóng tròn chơ vơ bên bụi cỏ,
Mấy thằng nhỏ nhìn gã mù ngưỡng mộ
Người đàn ông gảy đàn với một cây thẻ gỗ
Cột ở đầu cánh tay đã mất một bàn tay.
Một thằng bé mập ù, bước chân len lén
Nhẹ đặt thỏi sô-cô-la bên cạnh gã mù
gã mỉm cười
thằng bé dáng gầy ghé tai người đàn ông nói nhỏ:
"Goao! Chú gảy đàn rất tuyệt!"
Gã mù mỉm cười sung sướng.

9. 1. 2008
Viết về một trong những người bạn của tôi.

Gã mù trong bài thơ "Tiếng đàn mang ngọn lửa trái tim" là một trong những người bạn của tôi. Anh ấy tên là Công Nghĩa, lúc 17 tuổi, trong một lần đi cuốc
rẫy đã bị lựu đạn nổ làm cụt mất một bàn tay và mù cả đôi mắt. Một hôm, anh gọi điện cho tôi bảo rằng anh đang rất trống vắng, anh ngỏ ý muốn đến chơi
đàn cho tôi nghe. Tôi nhiệt tình mời anh đến nhà, sau khi trò chuyện một lát, anh đàn cho tôi nghe suốt buổi sáng hôm ấy. Tôi bảo anh cứ chơi đàn tự nhiên
trong khi tôi sờ vào cánh tay cụt của anh để xem anh gảy đàn thế nào. Anh Nghĩa đã cột một que tính vào đầu mỏm tay cụt và dùng nó để gảy đàn, tay trái
của anh bấm trên cần đàn. Thực ra tiếng đàn của anh rất thô và có nhiều lỗi, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn hát theo tiếng đàn để cổ vũ anh. Một lần trong
trại hè Kết Thân dành cho người có hoàn cảnh đặc biệt, tôi đã khuyến khích anh lên sân khấu biểu diễn. Lần đó Ban tổ chức đã tặng cho anh một giải khuyến
khích. Có lẽ đó là vì anh đã nỗ lực vượt qua cái khiếm khuyết của mình để làm những điều mà người không khiếm khuyết đã làm chứ không phải vì anh đã chơi
đàn hay. Vả lại anh không có điều kiện để được học chơi đàn như nhiều người khác. Anh phải đi bán vé số kiếm sống từ sáng sớm đến tối khuya mới về nhà.
Mỗi lần có dịp đi đâu đó cùng những người bạn khuyết tật, tôi thường thấy anh vác cây ghi ta trên vai, một tay bám vào vai người đi trước. Những lúc ấy
tôi thường thầm nhủ giá như có ai đó dạy cho anh chơi đàn một cách bài bản hơn thì tốt biết bao.

Anh Nghĩa là một người rất hiền lành, có lần anh đã tâm sự với tôi:

-Mình là anh lớn trong nhà mà không làm được điều gì lớn lao, mình phải cố gắng sống làm gương cho em mình noi theo.

Và tôi thấy điều đó anh đã và đang thực hiện. Với anh, có lẽ cây ghi ta là người bạn thân duy nhất gần gũi và là niềm tự hào cho anh trong cuộc sống cực
kỳ khó khăn và một tương lai mịt mờ của anh.

Những điều tôi đã viết trong bài thơ "Tiếng đàn mang ngọn lửa trái tim" là những điều tôi mong ước mọi người đối xử với nhau cũng đẹp như thơ. Những bông
hoa còn rung động trước tiếng đàn của một gã mù đã cụt mất một bàn tay. Các bạn biết người bị cụt một bàn tay chơi đàn đã khó mà người ấy còn bị mù thì
việc ấy sẽ khó khăn đến thế nào? Một thằng bé mập ù vì tham ăn đã biết chia sẻ thanh Chocolate của nó cho gã mù, một thằng bé gầy ốm không có gì để cho
thì có món quà tặng là lời khích lệ. . . Anh Nghĩa sẽ cảm nhận được bước chân len lén của thằng bé, tiếng chạm nhẹ của thanh chocolate bên cạnh anh bằng
cách lắng nghe. Anh mỉm cười sung sướng vì sự động viên của thằng bé gầy ốm, vì tấm lòng của nó chứ anh biết anh chơi đàn chẳng tuyệt. . .

giá mà cuộc sống chỉ toàn những bông hoa và những thằng bé mập ù, những thằng bé gầy ốm ấy thì đẹp biết mấy.

9. 1. 2008
VŨ THỦY

Thơ viphương

Cỏi Vô Thường

Vô thường một cỏi nhân sinh.
Hoa kia tươi nở bình minh rạng ngời
Hoa thơm say đắm lòng người
Nâng niu, nhìn ngắm ai người bỏ qua!
Hoa xinh vào buổi chiều tà
Cánh hồng chụm khép nhìn mà cảm thương!
Cuộc đời là cỏi vô thường
Họp tan, tan họp muôn phương xa vời
Suy suy, nghĩ nghĩ sự đời
Có gì bền vững cỏi đời dương gian?
Cuộc vui nào cũng chóng tàn
Đời người chóng vánh, bàng hoàng..Giấc mơ!
Chữ Yêu chớ có thờ ơ:
Kính yêu Thiên Chúa, tôn thờ hết tâm
Yêu người chớ có phân vân
Yêu thương tùng phút, ân cần giúp nhau
Giúp nhau giảm bớt sầu đau
"Hoa Yêu" tươi mãi, muôn màu không phai
Yêu thương là cỏi Thiên Thai
Hãy yêu thương mãi, yêu hoài người ơi
Mai này về chốn quê Trời
Hưởng nhan Thánh Chúa muôn đời an vui.

Viphương
Aug-21-2010

Friday, August 27, 2010

GIẤC NGỦ CUỐI CÙNG

Mỗi buổi chiều ta ngồi đếm hoàng hôn
Chiều buông xuống cho đời ta thêm tuổi
Ánh tà dương cứ chiều chiều rong duổi
Chở hồn ta đến gần Nhan Thánh Chúa
Bóng hoàng hôn nhảy múa điệu hoan ca

Ta đã biết khi hoàng hôn chiều tím
Giục hồn ta suy ngẫm lại đời mình
Bàn tay trắng vẫn hoàn bàn tay trắng
Mặc cho đời đen đỏ với hơn thua
Chắp hai tay mỗi đêm về sám hối
Thong thả ta lại đếm hoàng hôn

Một chiều tím sẽ đưa ta vào giấc ngủ. . .

28/7/2010
Vũ Thủy

Thursday, August 26, 2010

Ngõ Vàng Cô Độc.

NGÕ VÀNG CÔ ĐỘC

Có một chiều về lại ngõ quen, mưa phập phồng ướt rũ. Rặng hoa vàng mùa này đã nở, vàng xưa in hằn mái nhớ. Lênh loáng tình, lênh loáng yêu thương tưởng chừng đã cũ, mà sao vẫn mồn một rõ rành trong tim. Những gánh đời long đong trăm ngàn thế chuyển, ta vô định hướng đi cho chính mình. Ta đã quên lối xưa hoa vàng thắm đượm ân duyên. Ngày se sắt trùng dương lanh canh nặng nhọc. Khất khoát cuộc đời ta đếm bước ta u tịch từng cơn lâm lụy. Muộn phiền giăng mắc. Ngõ đời tất tưởi, như một cuộc rượt đuổi mà chẳng bao giờ bắt được một thứ gì. Ta quên, hồn ngã ra chiều vô vọng…

Ta có để dành cho mình chút nghĩa yêu thương? Ta khất thực từ ngõ bi hoan đời ban bố ân cần lên đôi tay nứt nẻ đành hanh. Ta có bao giờ khóc? Để nước mắt rơi trên bờ môi run lạnh trụi trần. Ta khỏa thân tâm hồn mình giữa đông đúc sự cô liêu tràn đổ vô tình. Chẳng còn ai bên cạnh chung say, chẳng còn ai nhìn vào ta bằng đôi mắt độ lượng nhân từ. Người đi qua người dày xéo nhau tơi tả, áo đời rách rưới, thịt da thâm bầm… Tóc râu rối bời, tơ tình vướng vít chẳng chịu xuôi theo nỗi lòng rời rạc vô ngộ. Khô khốc! Cỗi cằn! Vô vị chán chê cuộc đời đối xử nhau bạc bẽo. Cô đơn là điệu nhạc không linh hồn tung tăng nhảy múa. Cô đơn ngạo nghễ trêu ghẹo và sỉ vả vào trái tim đông cứng huyết mạch chẳng thể lưu thông. Tình thương con người hùa nhau bán buôn đổi chác. Hoa vàng khắc khổ nở, khắc khổ rời cành lại hóa tro phân. Ta rồi sẽ về cát bụi, tình thương nén kín sẽ chẳng được một chút nghĩa dư thừa.

Chiều lên, đời nghiêng, chênh chao mi mắt. Tim lòng òa vỡ không vọng vô vàn lời tân toan đời ném vào nhau đau đớn. Thơ ta viết giữa ngày xiêu đổ, lòng ta gõ nhịp tang bồng, đánh mất trần gian. Thơ ta viết giữa trời ngờ vực, niềm tin nơi nhau chẳng còn đủ để mang lại một nụ cười gượng gạo. Đời đánh nhau bằng chính những giọt máu tanh hôi mang lại sự sống. Tái xanh mặt người! Ta mơ về ta giữa trời cô độc đã hóa huyền ngôn… Lặng lẽ nhìn, lặng lẽ cúi mặt và lặng lẽ đào huyệt chôn mình cùng những cánh hoa vàng tô điểm dung nhan tình trần. Ta mơ mình lột xác! Chẳng vướng buồn lo! Vô tư rộng trải nỗi niềm trên những bước đường đời không một hơi thở đồng loại sánh đôi. Ta liếm láp ân tình bằng đôi môi cùi hủi. Ngửa tay xin một chút bình yên. Thơ trào… Đời vẫn như mơ… Ngõ hoa vàng chống chếnh… Lắt lẻo gập ghềnh!

Lê Miên Ca

Tuesday, August 24, 2010

Đừng Vội Vã!

Quý anh chị thân mến,
Bài viết dưới đây có cái nhìn về cuộc đời rất đúng và chí lý, CT xin post ra đây để chúng ta đọc và suy nghĩ. Xin hãy nhẩn nha  mà đọc, đừng có vội vã nhé!
Đi đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá mà quàng phải giây
Rất mến,
CT

" Nếu chỉ còn một ngày để sống
Chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp
Phải chăng ta sống quá vội vàng
Nên ra đi chưa được bình an ... "

Một ngày không vội vã...

Mỗi năm một lần , tôi về thăm Mẹ và các em hiện đang sống ở Montréal , Canada . Năm nay cũng như thuờng lệ, tôi về thăm nhà 2 tuần cuối tháng 6. Nói sao cho hết niềm vui gặp lại gia đình. Montréal vào mùa hè thật nóng bức, có ngày lên đến hơn 100 độ F, nên cả nhà thường rủ nhau đi ra ngoài chơi cho mát mẻ.
Tôi còn nhớ sáng hôm đó, cả nhà định dẫn mấy đứa cháu ra công viên cho tụi nhỏ hưởng chút khí trời . Tôi thì đã thay quần áo từ lâu, cứ chờ mãi mà mọi người cứ " xàng qua xàng lại ", gần 9 giờ vẫn chưa xong, nhất là mấy đứa nhóc thì cứ lăng xăng chơi game, không ai chịu thay quần áo.
Thế là tôi bắt đầu nổi quạu " Nhà mình sao làm gì cũng như rùa bò vậy ? Có đi hay không thì bảo ... ?
Cô em tôi nhỏ nhẹ " Thì từ từ, vacation mà lị , chị sống ở Mỹ riết rồi quen thói " stress out " hà ... ".
Cậu em trai thì nói " Chị làm gì mà dữ vậy, chị có biết hôm nay là " ngày không vội vã " hôn ?
Tôi ngạc nhiên, tưởng tai mình nghe lầm, nên hỏi lại " Ngày gì ? Không vội vã là sao ? " .
Thế là Má tôi bật tivi lên. Trên màn ảnh, đài nào cũng đang nói về cái ngày đặc biệt này. Ồ, thì ra là từ vài năm nay, mỗi năm chính phủ Canada chọn ra một ngày, thường là vào mùa hè, một ngày cuối tuần, và năm nay rơi vào ngày 26 tháng 6, gọi là " một ngày không vội vã ".
Khoảng chừng vài tuần truớc đó, là báo chí, các cơ quan truyền thông đều loan báo và nhắc nhở để mọi người chuẩn bị. " Ngày không vội vã " bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến 9 giờ tối. Mọi người được khuyên là " Bạn hãy ngủ cho thẳng giấc, thức dậy khi nào mình muốn. Hãy nhâm nhi tách cà phê , và ngồi ngắm khu vườn của bạn, nghe tiếng chim hót líu lo . Hãy đi ra ngoài nếu bạn thích, vào ăn trưa ở một restaurant nào mà bỗng dưng bạn muốn. Còn nếu không, bạn có thể mời bè bạn đến nhà làm BBQ. Bạn cũng có thể chạy xe đạp một vòng thành phố, hay nằm dài trên bãi cỏ của một công viên gần nhà, vân vân và .. vân vân " .
Tóm lại, chính phủ khuyến khích người dân : " Hãy enjoy từng phút giây hạnh phúc, bình an của ... một ngày không vội vã. Hãy biết sống và tận hưởng Hạnh phúc ở quanh ta ", như lời của một người phóng viên trên đài tivi đang nói.
Rồi còn có các màn phỏng vấn vài người dân , hỏi xem họ dự định sẽ làm gì trong cái ngày đặc biệt này trong năm, thì đa số câu trả lời đều là " spend time với gia đình, người thân ".
Có một cảnh trên màn hình làm tôi nhớ mãi. Hình ảnh một cụ già tóc bạc phơ, lụm cụm trả lời phỏng vấn với nụ cười móm mém " Tôi luôn mong đợi và yêu nhất cái ngày này trong năm, vì đó là ngày duy nhất mà tất cả con cháu tôi không ... bận rộn, chúng nó tề tựu đông đủ để họp mặt với tôi. Cám ơn chính phủ, cám ơn ân nhân nào đã " đặt ra " cái ngày ý nghĩa này ... " .
Thế là bỗng dưng tôi đổi ý . Tôi bảo gia đình " Hôm nay là ngày đặc biệt, vậy thôi mình làm chương trình gì special đi nhe .. " .
Thế là cả nhà nhao nhao hưởng ứng, người thì bảo " khỏi nấu cơm, đi ăn tiệm cho khỏe ", kẻ thì nói " nhà hàng đông lắm, đi xuống downtown chơi ".
Em trai tôi thì muốn đi xe đạp ( ở Montréal có rất nhiều bãi cho mướn xe đạp, bạn chỉ cần " quẹt " cái credit card vô là có thể lấy xe đạp đi ngay ) .
Mấy cháu nhỏ lại muốn đi tàu BateauMouche. Rồi lại có ý kiến đi câu cá, hay đi xe ngựa một vòng thành phố. Và thế là giơ tay biểu quyết. Cuối cùng thì đa số thắng thiểu số : đi xuống Vieux-port ( khu phố cổ ) chơi và sẽ đi tàu BateauMouche. Thế là chúng tôi lên đường , thảnh thơi, không vội vã ...
Đường xuống phố đông nghẹt, và kẹt xe, thế mà không một xe nào bóp kèn. Thiên hạ ngồi trong xe, an nhiên chờ đợi, còn mở cửa kiếng xuống nhìn nhau cười, và vẫy tay " No hurry ! Be happy ! ". Tôi thật sự " thấm " được thế nào là ý nghĩa của 3 chữ " không vội vã ! ".
Đến chừng xếp hàng mua vé đi tàu, thì lại là một hàng thật dài, trong cái nắng gắt của mùa hè. Vậy mà ai ai cũng cười, cũng nói, cũng bắt tay, với cả những người ... không quen biết. Dường như con người ở đây, ngày hôm nay, không ai bị stress cả. Cả một thế giới hoà bình, thanh thản quanh tôi ...

Thơ viphương

Một Thoáng Như Mơ

Một thoáng như mơ ta trong mộng
Tình yêu chớp nhoáng có như không
Tưởng rằng tình yêu ta có mãi
Nào ngờ thoáng chốc đã thành không

Tình yêu chợt đến như giấc mơ
Bên này bên nớ hai bến bờ
Với tay nắm lấy nào có thể
Tình yêu thế đó cuộc tình hờ

Tình yêu chợt đến như mộng mơ
Chợp mắt qua nhanh nào ai ngờ
Cứ tưởng yêu nhau tình thắm thiết
Phút chốc tan tành một giấc mơ

Tình đến mà chi, một giấc mơ
Xao xuyến trong ta chút thẩn thờ
Người đến người đi làm ta nhớ
Giựt mình tỉnh giấc chỉ là mơ!

Viphương 2010

Monday, August 23, 2010

Thơ của anh GiuSe Nguyễn Văn Sướng.

MẸ của CON .

Mẹ như hoa héo rũ
Con sợ gió thời gian
Vô tình lay rụng mẹ
Xuống gốc đời mênh mang

Vẫn biết là quy luật
Đời có hợp có tan
Sao lòng vẫn thắt đau
Khi nghĩ về ly biệt !

Tuổi xuân xanh mẹ phần
Quả na chín cho con
Giờ vật lạ mang sang
Mẹ đâu ăn được nữa !

Mẹ là hoa héo rũ
Tám hai mòn tóc sương !
Con vẫn còn tráng niên
Năm tư đầu cũng bạc !

Mẹ nay ốm mai đau
Đèn cạn dầu trước gió
Con dù muốn quan tâm
Cũng chỉ biết nguyện cầu !

Con xưa ngày thơ bé
Mẹ bảo bọc chở che
Giờ mẹ đây yếu lắm
Con chỉ biết nguyện cầu !

Biết bao điều muốn nói !
Biết bao điều ước ao !
Mẹ đau trong thân xác
Con buốt nhói trong tim

Nguệch ngoạc viết đôi câu
Lệ rưng trong khoé mắt
Chỉ mở toang lồng ngực
Mới thấy hết con tim !
----------------------------------
Giuse Nguyễn văn Sướng

Chuyện ngắn của anh chị Khuê Diệp.

Yêu.

Tôi và anh gặp nhau kể từ năm thứ nhất khi tôi ngỡ ngàng bước vào ngưỡng cửa đại học. Lần đầu tiên rời gia đình bước vào một khung trời xa lạ, rộng lớn mênh mông, nhìn những kiến trúc đồ sộ cổ kính ngay hàng thẳng lối, xen kẻ những sân cỏ, những vườn hoa được cắt tỉa chăm sóc tỉ mỉ, với những con đường trải nhựa hay lát gạch thẳng tắp, tôi cảm thấy hồi hộp với niềm kiêu hãnh, đồng thời cũng cảm thấy lạc lõng bơ vơ. Vừa tiến vào bãi đậu xe, tôi thấy nhiều anh chị lớn đã đứng chờ sẵn (sau đó, chúng tôi mới biết họ là những đàn anh đàn chị trong hội sinh viên Việt Nam), tay bắt mặt mừng, kẻ xách vali, người cầm tay, nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tiến vào khu nội trú dành riêng cho sinh viên năm thứ nhất…và tôi đã đế ý đến một người mảnh khảnh hơi cao đang bẽn lẽn đứng đằng xa mĩm cười nghiêng mình chào.
Anh đã đến với tôi một cách tự nhiên nhờ các buổi họp hàng tuần của hội sinh viên chúng tôi. Tôi thích anh ở chỗ ít nói, có vẻ lắp bắp lúng túng khi tôi hỏi anh điều gì. Nhưng khi tôi cần anh giúp đỡ, anh không nề hà thì giờ và sức lực giúp tôi đến nơi đến chốn. Chúng tôi ngày một khăn khít bên nhau. Sau bữa tiệc Giáng Sinh năm đó, chúng tôi đang cùng nhau sánh bước trong công viên đại học thì anh dừng lại rụt rè nắm tay tôi:
- Thủy Tiên à, em đã thu hút anh kể từ giây phút đầu tiên khi anh ở đàng xa nhìn thấy em thướt tha bước trên con đường nhỏ rợp bóng cây dẫn tới khu đại học xá. Anh phân vân suy nghĩ không biết có phải là anh đã yêu em từ ngày đó? Cho đến bây giờ thì anh chắc chắn đã yêu em và anh hi vọng rằng em cũng đã dành cho anh một cảm tình đặc biệt, phải không em?
Tôi bóp nhẹ tay anh e lệ gật đầu. Từ đó chúng tôi gặp nhau thường hơn và mối tình ngày một thêm sâu đậm.

Vào dịp tết năm sau, tôi đang học năm thứ hai, anh học năm thứ tư, tôi dẫn anh về giới thiệu với gia đình. Cha mẹ tôi hỏi han anh về chuyện học hành và gia thế, rồi cha mẹ tôi rời phòng khách để chúng tôi nói chuyện và chơi đùa với mấy đứa em tôi.
Chúng tôi trở về đại học với cuộc sống bình thường. Khoảng một tháng sau, điện thoại reo, tôi cầm lên, giọng cha tôi sang sảng:
- Cha mẹ đã tìm hiểu gia đình người bạn trai của con. Cha mẹ nhận thấy họ không hợp với gia đình mình. Con không nên tiến thêm…Rồi cha tôi bỏ điện thoại xuống không cho tôi một phút giây nào để có thể năn nỉ xin cha suy xét lại.
Tôi choáng váng, lo âu! Cha tôi rất nghiêm khắc. Lệnh phát ra rồi không thể thay đổi! Ngay cả mẹ tôi cũng không dám cãi lời. Cha rất tự ái, luôn bảo vệ ý kiến của mình đến cùng. Biết tính sao đây? Mỗi lần về thăm nhà, tôi nhắc đến tên anh, cha tôi liền chuyển qua nói chuyện khác.
Tình yêu đã sâu đậm, chúng tôi không thể rời xa nhau. Vấn đề khó giải quyết là vì tôi không muốn chống lại người cha đã từng hết mực thương yêu tôi, đã hi sinh suốt cuộc đời để nuôi dưỡng anh chị em chúng tôi đến tuổi khôn lớn. Chúng tôi chỉ còn biết nhẫn nại chờ cho dến lúc cha đổi ý. Chúng tôi cầu nguyện mỗi ngày, xin Chúa thương giúp bảo vệ tình yêu trong sáng của chúng tôi, cho chúng tôi được kiên trì giữ vững tình yêu đã gầy dựng bấy lâu.. Lòng tôi xốn xang, tôi chỉ biết khóc, nhất là khi nhìn thấy vẻ mặt u sầu của anh. Đôi khi quá buồn bực, đầu óc căng thẳng, tôi đã tàn ác trút hết cơn tức lên người anh. Tôi giận anh, chê trách anh vụng về, không biết cách ăn nói để lấy lòng cha tôi. Thỉnh thoảng tôi lại gay gắt hỏi anh: “Anh có thực sự yêu em không? Anh chỉ biết ngồi thở vắn than dài thôi sao?”. Anh ngồi yên, âm thầm chịu đựng! Tôi thật vô lý và ngang ngược! Tôi đã nhiều lần làm khổ anh. Tôi hối hận và yêu anh vô cùng.
Thời gian rồi cũng qua mau. Anh tốt nghiệp và được học bổng ra nuớc ngoài học hỏi thêm. Vài tuần trước khi đi, anh hẹn gặp tôi ở một tiệm ăn. Anh đứng lên ngỏ ý cầu hôn:
- Anh biết anh nói năng không hay, không trôi chảy. Anh chỉ biết một điều là anh tha thiết yêu em. Nếu em cho phép, anh sẽ nguyện săn sóc em trong suốt cuộc đời còn lại. Còn đối với gia đình em, anh sẽ cố gắng hết sức để xin cha thương chấp nhận mối tình của chúng ta. Vậy em có đồng ý làm vợ anh không?
Với sự nhẫn nại và cương quyết của chúng tôi, cha mẹ thấy không thể khuất phục nổi, đã đồng ý cho chúng tôi làm lễ đính hôn trước khi anh đi. Ngàn dặm xa cách, chúng tôi không thể gặp nhau, nhưng lâu lâu điện thoại và nhất là nhờ e-mail qua lại hàng ngày,, chúng tôi vơi được phần nào niềm thương nỗi nhớ.
Rồi tôi tốt nghiệp, kiếm được việc làm vừa ý. Anh vui mừng cho biết anh cũng sắp hoàn tất luận án, hi vọng gặp lại nhau một ngày không xa. Khung trời vui tươi hạnh phúc đang mở rộng chờ đón chúng tôi.

Tôi từ từ mở mắt ra, đầu óc nhức nhối tưởng chừng không chịu nổi, nhìn thấy cha mẹ đang lo âu đứng bên cạnh giường. Tôi nhận thức được tôi đang bị thương nặng. Đôi mắt mẹ sưng húp, chắc mẹ đã khóc suốt đêm qua. Tôi muốn nói vài câu trấn an mẹ. Nhưng dường như miệng tôi bị tê cứng, không thể phát ra lời.. Tôi hốt hoảng ngất đi.
Khi tôi tỉnh dậy, mọi người trong gia đình đứng vây quanh hồi hộp đợi chờ. Người bạn thân nghiêng miệng vào tai kể cho tôi biết tôi đã bị tai nạn xe hơi khi vừa ra khỏi hãng và băng qua đường lấy bus về nhà. Bác sĩ cho biết vì đầu bị va chạm nặng, phần điều khiển phát âm trong não bộ đã bị tê liệt, tôi không thể nói được nữa.
- Chúa ơi, sao rủi ro lại dồn dập đổ hết trên đầu con? Nào con có tội tình gí? Đời sống của con rồi sẽ đi về đâu? Còn người yêu, cha mẹ, anh chị em con sẽ thế nào?


Thơ viphương

Tình Đơn

Làm sao bày tỏ tâm tư
Từ khi vương vấn tương tư một người
Đôi khi nghĩ lại buồn cười
Ngày ngày trông ngóng,ngồi thừ người ra
Làm sao anh biết lòng ta.
Tình ta đơn độc thật là đáng thương
Dù cho có lúc đoạn trường
Nhìn người sao xuyến vương vương tơ lòng
Một điều ước nguyện cầu mong
Được người đáp trả tấm tình ta yêu
Yêu người, không dám nói yêu
Một mình ấp ủ từ nhiều tháng qua
Cuộc đời như thể cánh hoa
Sớm thì tươi đẹp, chiều tà héo hon
Cho dù chờ đợi mỏi mòn
Dù cho sông cạn, núi non có dời
Ta yêu yêu đến trọn đời
Gửi người tri kỹ trọn đời ta yêu.

Viphương 2010

Friday, August 20, 2010

Jerusalem!

Thơ của anh Hồ Đắc Dũng.


Tình Câm Chưa Nói

Bao ngày dấu kín mối tình đau
Gặp gở Ân chi để chuốc sầu
Lặng lẽ chiều nay nhìn sen trắng
Duyên tơ phận mỏng sẽ về đâu

Mai này chưa chắc sẽ gặp Ân
Có lẽ mình em lạnh bóng sầu 
Còn lại có chăng là kỷ niệm
Chỉ là buồn thảm môt trời đau

Nghĩ tới mai này chẳng gặp nhau
Em nghe thổn thức trái tim đau
Hình như lệ đọng bên bờ mắt
Xót cả tim em một khối sầu

Ông Trời lắm lúc cũng bất công
Phụ bạc mần chi kẻ có lòng
Em giận em buồn thôi chả nói
Em đành ngậm miệng với tình không

Một thoáng tim sen vỡ mộng rồi
Làm sao Ân hiểu được mà thôi
Ước mơ hòa lẫn trong kinh kệ
Một mảnh hồn hoang giữa cuộc đời

Hồ Bạch Liên

Kỷ niệm một năm hành hương Thánh Địa.


HỒNG ÂN NỐI TIẾP HỒNG ÂN
 
Lạy Chúa Giêsu, Đấng lòng con yêu mến. Đây là những dòng suy niệm của con trong những ngày con được đi VỀ. Về quê nơi Chúa sinh ra làm người. Nơi mà ơn Cứu Độ đã được ban phát ra cho toàn thế giới. Nơi mà lòng thương xót Chúa đổ tràn ra cho nhân loại không phân biệt chủng tộc, màu da, không phân biệt kẻ sang người hèn.
Với con, nơi Chúa sinh ra cũng là nơi quê Nội và quê Ngoại của riêng con vì Mẹ Maria và Thánh cả Giuse cũng đã được Chúa chọn trong phần đất này. Vì thế, con muốn thưa với Chúa rằng con đang trên đường về thăm quê Mình mà bao nhiêu năm con hằng ấp ủ.
Chúa cùng đi với con qua 4 vị linh mục tháp tùng. Đây là một hồng ân rất tuyệt vời vì một đoàn hành hương có được một linh mục tháp tùng đã là quý. Trong khi đó, chúng con được tới 4 vị linh mục. Đoàn hành hương của chúng con lần này ngoài Cha Phêrô Nguyễn-Chí-Thiết, một linh mục đã có rất nhiều kinh nghiệm hướng dẫn hành hương Đất Thánh (54 lần) còn có các cha Phêrô Nguyễn-Thế-Tuyển, cha Giuse Phạm-Ngọc-Tuấn và cha Giuse Phạm-Quốc-Thông cùng đi để cùng cha Thiết giúp đỡ đoàn hành hương về tâm linh và tổ chức.
Sáng thứ hai ngày 3 tháng 8 năm 2009 vào lúc 9 giờ, tại Queen of Apostles Renewal Centre, Cha Tuấn và cha Thông đã dâng thánh lễ Lên Đường để cầu nguyện cho chuyến hành hương được tràn đầy ơn Chúa. Qua bài tin Mừng của thánh Mt.14,13-21 Chúa chạnh lòng thương khi thấy đám đông theo Ngài để nghe Ngài giảng. Ngài đã chữa lành bệnh tật của họ. Trời đã về chiều, các môn đệ thưa với Chúa: "Xin Ngài hãy giải tán đám đông để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn". Chúa bảo các ông: "Họ không cần đi đâu cả. Chính các con hãy cho họ ăn". Các môn đệ đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá"! Chúa bảo: "Đem lại đây cho Thầy". Chúa truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Chúa cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, rồi trao cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh vụn, người ta thu lại được 12 giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông không kể đàn bà và trẻ em.
Lạy Chúa, qua bài Phúc âm của ngày lên đường hôm nay, con đã nhận ra không phải một lần Chúa chạnh lòng thương, mà Chúa luôn luôn tỏ lòng thương xót đến những người bệnh tật, chữa lành tất cả bệnh tật về phần xác cũng như phần hồn. Chúa cho họ có của ăn khi họ đói khát. Trong bài đọc Ds 11,4b-15 Chúa đã cho họ của ăn, cho Manna từ trời xuống để nuôi dân trong Sa mạc, cho nước từ mạch đá chảy ra để cho họ uống, cho chim trời từng đàn rơi xuống để họ có thịt ăn theo như đòi hỏi của họ. Thế mà họ vẫn than trách Chúa vì Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai-Cập, giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ.
Lạy Chúa, hình ảnh kêu than, trách móc của họ là hiện thân của chính con. Cũng như họ, Chúa đã ban cho con biết bao ân tình. Chúa luôn yêu thương con. Chúa luôn săn sóc con. Trên con đường đời con đi, bao lần con vấp ngã, Chúa nâng con dậy và âu yếm bế con vào lòng và đưa con về. Bao lần con đói khát ơn thánh Chúa, Chúa lại đổ vào lòng con nguồn hoan lạc của tình yêu Chúa. Bao lần con xa cách Chúa, chạy theo đam mê vật chất, danh lợi thế gian, Chúa lại tìm kiếm, đưa con về đường ngay nẻo chính. Bao lần con đã phản bội Chúa, Chúa vẫn thứ tha, vẫn giang rộng hai tay chờ đón. Trái tim Chúa vẫn luôn bỏ ngõ để con có thể tìm về ẩn náu! Chúa ơi, sao Chúa yêu con quá vậy. Chúa đã chết cho tội lỗi của con lại còn ban bánh Trường Sinh là chính Mình và Máu Thánh Chúa để nuôi sống con qua Bí Tích Thánh Thể! Con có là gì trước mặt Chúa đâu? Vậy mà, Chúa còn muốn con là cộng sự viên của Chúa nữa chứ. Chúa muốn con giúp Chúa cho anh em con của ăn, săn sóc họ khi họ đau yếu bệnh tật. Chúa muốn con là cánh tay nối dài của Chúa để đem tình yêu của Chúa đến với anh chị em con! Lạy Chúa, con bất xứng. Xin Chúa hãy xử dụng con theo thánh ý Chúa.
Ngày hôm nay, con đang trên đường về quê hương của Thánh Gia, xin Chúa chỉ cho con từng bước, từng bước những gì Chúa đã làm để con chứng kiến tận mắt tình yêu thương mà Chúa đã giáng trần để ban ơn cứu độ cho con.
Lạy Chúa, con dâng lên Chúa ngày hôm nay với trọn vẹn niềm vui của một chuyến hành hương Đất Thánh.


Máy bay cất cánh. Lên cao. Lên cao mãi. Nó bỏ lại thành phố Toronto như một biển ánh sáng đẹp tuyệt vời. Con thầm cám ơn Chúa đã cho con có một quê hương thứ hai thật thanh bình và đầy tình người! Lòng con rất đổi xôn xao, chỉ mong máy bay chóng đáp xuống để con được đặt chân lên phần đất mà Chúa đã hứa cho Tổ Phụ Abraham.
Ngày thứ Ba (Aug 04, 2009) Sau một đêm bay trên bầu trời, máy bay hạ cánh an toàn xuống phi trường Tel Aviv lúc 2:30 chiều giờ Israel. Lòng con rộn ràng niềm vui khó tả! Đoàn hành hương chúng con lên xe bus để đến Jêricho. Xe chạy qua bao là núi đồi, con chỉ thấy núi đá chập chùng, không một bóng cây. Sa mạc của xứ Giudea là đây. Núi đá hùng vĩ! Dưới cái nóng như thiêu như đốt, con liên tưởng đến Chúa phải vất vả ngược xuôi để đem Tin Mừng cho dân chúng. Thương Chúa quá!
Xe ngưng ở Jaffa, chúng con vào viếng đền thờ thánh Phêrô. Nơi đây thánh Phêrô đã có thị kiến: Chúa bảo Phêrô bắt ăn tất cả những côn trùng. Cũng chính nơi đây, thánh Phêrô đã làm phép lạ chữa bà Tahiba (người ngoại giáo) sống lại. Cha Thiết còn giải thích thêm từ Joppe này, thánh Phêrô được gia nhân của Cornelio thỉnh mời đến Cesarê để rao giảng Tin Mừng cho gia đình ông : đó là dấu chỉ Chúa muốn thánh Phêrô không phải chỉ đem Tin Mừng cho người Do Thái, mà còn phải loan báo Tin Mừng cho tất cả các dân ngoại nữa.
Con cám tạ ơn Chúa, vì nhờ vậy mà con mới được làm con Chúa, mới được biết Chúa là Cha đầy lòng yêu thương.
Tiếp đến, xe chạy đến Jericho và dừng lại chỗ có cây sung thật già nơi mà trong Kinh Thánh đã nói đến ông Jakêu leo lên để được nhìn thấy Chúa vì dân chúng đông quá. Đây là bài học cho con vì: Phúc cho ai tìm kiếm Chúa thì sẽ gặp được Chúa. Khi đã gặp Chúa, có Chúa thì Chúa sẽ biến đổi trái tim chai đá, trái tim bất chính trở thành trái tim thịt mền, trái tim biết cho đi, biết yêu thương, biết quên mình.
Lạy Chúa, tim con còn yếu đuối. Xin Chúa bơm thêm lòng mến Chúa vào tim con để con không sống ích kỷ cho bản thân mình, mà phải biết cho đi, biết chia sẻ những gì mình có cho anh em con. Giêricô không cách xa quán Samaritanô trong sa mạc Giudêa là bao nhiêu, vì thế tại Jericho này Chúa đã dạy con phải biết yêu thương, cứu giúp người đau yếu hoạn nạn qua dụ ngôn người Samarita nhân hậu.
Chúng con đã nghỉ đêm tại Jericho.
Sáng thứ Tư (Aug 05, 2009), sau Thánh lễ để có Chúa cùng đồng hành, Cha Thiết hướng dẫn chúng con đi Qumran, nơi những bản kinh Cựu Ước viết bằng tay trên những tấm da cừu. Người Do Thái cuộn lại và bỏ vào những cái hũ (giống như cái chum) từ 100 năm trước Chúa Giáng Sinh. Những bản kinh này đã bị chôn vùi, nhưng đến năm 1947, người ta tình cờ đã tìm thấy và cất giữ để lưu truyền cho hậu thế. Đặc điểm ở đây cha muốn nhấn mạnh đến ơn linh ứng của Chúa Thánh Thần và sự lưu truyền Lời Chúa từ đời này sang đời kia một cách trung thành không thể tưởng tượng nổi : Vì đem những bản Thánh kinh chúng ta đang có bây giờ là cháu chắt chút chít của Bản thánh kinh thế kỷ thứ X sau Kitô so với những bản Thánh kinh cũ của Qumran vào thế kỷ thứ hai trước Kitô thì thấy đều giống nhau.
Rời Qumran, đi dọc theo biển chết và trở về để lên núi 40 (Quarantena). Gọi là núi 40 vì để kính nhớ việc Chúa đã ăn chay và cầu nguyện 40 đêm ngày trên một núi trong sa mạc Giudêa này trứơc khi ra đi loan báo Tin Mừng. Vì núi cao, nên phải dùng Cap để đưa mọi người lên. Càng lên cao, càng nhìn thấy một hoành thể núi đá vô cùng vĩ đại. Có những hang động để những đan sĩ khi xưa ẩn tu. Đoàn hành hương lên đến tận tu viện của các tu sĩ Chính Thống Giáo. Tu viện này đã có từ thế kỷ thứ 4 và đã bị người A-Rập phá hủy. Sau đó, tu viện lại được tìm thấy và được trùng tu bởi Đạo Binh Thánh Giá. Nhưng rồi tu viện lại bị lãng quên qua nhiều thế kỷ. Mãi cho đến năm 1875, tu viện được Chính Thống Giáo tìm thấy và chiếm giữ cho tới ngày nay. Hiện giờ vẫn còn có các thày sống khổ hạnh trên núi để giữ gìn nơi thánh. Nơi đây chỉ có núi đá và núi đá. Cây cối không mọc nổi. Chúa đã đến vùng này để ăn chay và cầu nguyện.
Lạy Chúa, lúc vừa đến phi trường, con không hiểu tại sao đoàn hành hương lại về Jericho? Bây giờ con mới hiểu. Cha Trưởng ban tổ chức muốn đưa chúng con đến đây để bắt đầu cho chuyến hành hương. Có nghĩa là chúng con phải trở nên như Jakeu. Chúng con phải cố gắng leo lên cao như ông Jakêu để tìm gặp Chúa trước. Vì nếu có cố gắng kiếm tìm thì Chúa mới chạnh lòng thương như Chúa đã chạnh lòng thương ông Jakêu và đã ở lại nhà ông. Ôi hạnh phúc cho ông, cho những ai ao ước được tìm đến Chúa! Cũng núi 40 này nhắc nhở Chúa đã muốn chúng con nếu muốn đi theo Chúa thì việc trước hết phải làm là cầu nguyện. Con phải cầu nguyện trước khi con bắt đầu một công việc gì. Cầu nguyện liên lỉ. Không phải chỉ một ngày mà kéo dài mãi mãi. Con có kết hợp mật thiết với Chúa thì con sẽ có niềm vui và sức sống vì luôn có Chúa ở cùng!
Chúa ơi, lên núi 40 này, con thấy được những kỳ công trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới có thể sáng tạo những kỳ quan vô cùng to lớn như vậy. Con cám tạ Chúa đã cho con hai con mắt để ngắm nhìn những vẻ đẹp kỳ diệu. Những trùng trùng điệp điệp của núi đồi. Những bao la của biển khơi. Những huy hoàng của muôn triệu ngàn tinh tú. Những muôn hình vạn trạng cảnh sắc khác nhau. Tuyệt vời hơn hết, đó chính là sự sống của muôn vật. Nhưng trên hết của sự tạo dựng là sự kỳ diệu khi Chúa tạo dựng nên chính con người chúng con. Con cũng cám tạ Chúa vì đã cho con đôi chân để đi. Nếu không có chân làm sao con có thể đi được để đến nơi mà chính Chúa cũng đã dùng đôi chân để rảo bước!
Buổi chiều, cha Thiết đã dẫn cả đoàn đến tắm tại Dead Sea (Biển chết). Tức cười lắm. Cha nói: "Anh chị em ngâm mình tắm chỗ nào thì trẻ chổ đó...". Ai cũng vui vẻ và chạy ào xuống biển. Vì nước biển mặn gấp hơn 6 lần những biển khác nên khi xuống tắm, người chỉ nổi lên chứ không bao giờ bị chìm. Các bà các cô tha hồ lấy bùn trét lên mặt, lên lưng để cho da thịt mềm mại hơn, đẹp hơn. Cho nên người nào người ấy cũng đen thui, trông hết sức ngộ nghĩnh! Con không đọc được ý muốn của mọi người muốn trẻ chỗ nào. Tuy nhiên tâm lý các bà chắc chắn đều mong sau khi tắm mặt sẽ trẻ đẹp hơn xưa, sẽ bớt đi những vết nhăn nheo của cuộc đời. Riêng con, trong lúc trầm mình dưới nước, con cầu xin Chúa thêm muối vào đôi chân của con (đôi chân của con rất đau, trước ngày đi một tuần con đã có ý định bỏ cuộc) để con có đủ sức chạy theo Cha Thiết vì cha đi rất nhanh! Và cũng thật kỳ lạ, vì sau khi tắm con nhận thấy da của mình mịn màng hơn. Còn trẻ đẹp hơn hay không thì chưa thấy. Con chỉ thấy cha Tuấn, cha Tuyển đen hơn trước! Con lại sợ sau khi tắm con cũng bị đen như hai cha thì chết! Và cám tạ ơn Chúa vì đôi chân đau nhức của con đã giảm đau và con đã có thể chạy theo cha Thiết để không bị mất một nơi nào.
Tóm lại, tại Jericho này con ghi nhớ những điều như sau:
Phải luôn tìm cách để được gặp Chúa (qua Phép Thánh Thể và qua anh em), Cầu nguyện, ăn chay hãm mình, Phải biết chạnh lòng thương.
Xế chiều, đoàn hành hương lại trở về miền Bắc, về miền Nazareth là quê hương của Thánh Gia. Xưa kia Nazareth là một miền quê nghèo đến nỗi không có tên trên bản đồ. Thế mà Chúa đã nhận chốn này làm quê hương. Kỳ lạ!
Đến khách sạn thì trời đã tối. Tất cả mọi người nhận phòng, tắm rửa ăn uống, ngủ nghỉ để sáng hôm sau còn có sức tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng một số các anh chị đã nhìn thấy Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Truyền Tin, nên rủ nhau đi thăm Mẹ. Đi bộ đến nơi thì đã hết giờ nên không vào được, đành phải dạo phố rồi về phòng!
Sáng ngày thứ Năm (Aug 6, 2009) thăm viếng vùng biển hồ Galilée, nơi Chúa tuyển mộ các tông đồ và cũng tại nơi đây sau khi sống lại Chúa hiện ra cho các tông đồ và trao quyền cai quản Giáo Hội cho Thánh Phêrô. Tại đây, con có được cảm nhận như chính Chúa đã nhiều lần hỏi con: Ph con có yêu mến Cha không? Không phải Chúa hỏi con 3 lần như Chúa đã hỏi thánh Phêrô mà đã có rất nhiều nhiều lần Chúa tha thiết hỏi con. Có khi con trả lời một cách hời hợt: Lạy Chúa con yêu mến Chúa. Nhưng cũng nhiều lần con tránh né câu trả lời. Những lần như thế, con thấy ắnh mắt Chúa buồn lắm. Trong đời sống gia đình nhiều khi con hỏi con của con, con có yêu mẹ không? Nếu nó chạy lại ngả vào lòng con, hôn lên má con và nói con yêu mẹ lắm. Những lúc ấy tim con rộn ràng, và con cảm thấy hạnh phúc vô biên. Chúa ơi, con nghĩ Chúa cũng thế, Chúa chỉ muốn con chạy vào lòng Chúa và nói với Chúa: Lạy Chúa con yêu mến Chúa. Dù lời nói của con vẫn còn bập bẹ như em bé, nhưng chắc chắn Chúa vui nhiều lắm. Lạy Chúa xin thêm lòng mến cho con.
Cha Thiết lại đưa chúng con lên núi Bát Phúc (Mt Beatitudes) và dâng lễ nơi đây. Ôn lại lời Chúa trong tám mối Phúc Thật (Mt 5:1-8)
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hỏa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thày mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Qua đoạn Tin Mừng trên, Chúa đã hứa cho con Được tất cả, nếu con tuân giữ những điều trên. Trong đời sống hàng ngày, nhất là xã hội chạy theo vật chất, theo chủ nghĩa cá nhân, làm sao con tránh khỏi những cám dỗ. Biết bao lần, con trách Chúa vì sao con thiếu cái này, không có vật kia, vì sao những người gian manh ác đức thì họ lại được giàu sang phú quý. Còn con theo Chúa để được cái gì. Những lời hứa Chúa dành cho kẻ theo Chúa có vẻ xa vời với thực tế quá! Tuy nhiên niềm xác tín trong con là khi con tuân giữ những giới răn của Chúa, không làm điều xấu, không gian tham, không xảo trá, con thấy tâm hồn con thật bình an, dù mình có nghèo hơn người khác. Đó chính là niềm hạnh phúc cho tâm hồn con.
Rời núi Bát Phúc, chúng con đến viếng thăm nơi Chúa làm phép lạ 5 chiếc bánh và hai con cá để nuôi hơn 5000 ngàn đàn ông không kể đàn bà và con nít. Cha đã cho chúng con biết Chúa luôn luôn động lòng thương. Thấy dân chúng đói khát, Chúa chạnh lòng thương và kêu gọi sự đóng góp của mọi người để cho họ có của ăn. Cũng nơi đây, suốt đêm vất vả thả lưới, các môn đệ đã không bắt được một con cá nào. Chúa đã hiện ra bảo các ông thả lưới bên phải thuyền. Các ông tin theo và phép lạ đã xảy ra, họ đã lưới được nhiều cá. Tất cả là 153 con. Con số này là tổng số cho những con số tượng trưng của các mẫu tự Do thái - mỗi mẫu tự có một con số tương ứng - và khi cộng lại thì thành 153, các mẫu tự ấy làm thành câu nói "Ani Yahweh" (Adonai) nghia là "Ta là Thiên Chúa" trong tiếng Hebrew, danh xưng mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Maisen từ bụi gai cháy rực trong sa-mạc Sinai . Qua hai sự việc xảy ra, Chúa đã dạy con hãy Tin và hãy cộng tác với Chúa để yêu thương những người cần đến. Nhiều khi con hay so đo khi cho người xin mình, hoặc nghi ngờ họ lợi dụng, hoặc nghi ngờ họ giả bộ, hay nghĩ họ là những người lười biếng không chịu đi làm... Vì có những suy nghĩ thiển cận như thế, nên con đã bỏ lỡ biết bao lần thực thi đức bác ái. Có lần có một linh mục bạn từ VN sang thăm con, luôn tiện xin giúp đỡ để xây nhà thờ vì nhà thờ đã muốn sụp! Chính con khi con trở về VN thăm Giáo Xứ của cha, con có gợi ý sao cha không xây nhà thờ khác kẻo nhà thờ sập thì nguy hiểm lắm. Chính vì thế khi cha sang đây, con đã cố gắng để xin anh em giúp ngài một tay. Cha đã nói với con một câu làm con suy nghĩ: Nếu làm để vinh danh Chúa thì dù có phải quỳ xuống để xin tôi cũng không ngại. Cha còn cho con thêm một cái nhìn khác: người Nhận là người đáng thương vì họ bị mang mặc cảm của kẻ chịu ơn, còn người cho có lẽ họ là người sung sướng vì được người khác biết ơn và đồng thời họ được Thiên Chúa xót thương! Lạy Chúa xin cho con có trái tim thịt mền để con luôn giống Chúa biết Động lòng thương.
Sau một buổi sáng đi thăm viếng thì bụng đã bắt đầu đói. Nên cha con kéo nhau đến nhà hàng để ăn cá Phêrô truyền thống. Lần đầu tiên một mình ăn một con cá thật to. Vừa ăn con vừa nghĩ con đang ăn với Chúa và suy nghĩ tại sao các Tông đồ vẫn còn nghi ngờ không biết có phải Thày mình không? Chúa đã nướng cá, bẻ bánh và cũng ăn với các ông? Thế mà tại sao các Tông đồ không nhận ra Chúa khi Chúa từ cõi chết sống lại? Tại mắt các ông bị che lấp bởi vinh quang của Chúa hay tại Chúa đẹp hơn, xấu hơn? Con thắc mắc hoài! Với con, vì đức tin của con chưa đủ nên con chưa nhìn ra Chúa qua anh em con, qua những người nghèo khó.
Chúng con lại lên đường để đến dòng sông Jordan, nhắc nhở nơi thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa. Nơi đây, con đã cảm nghiệm được bài học về đức Khiêm Nhường. Chúa là Thiên Chúa mà hạ mình để Gioan làm phép rửa như một loài thụ tạo. Thứ hai, Gioan đã nói về Chúa: Ngài đến sau tôi, nhưng có trước tôi. Tôi không đáng quỳ xuống cởi dây giày cho Ngài. Ôi lời nói của thánh Gioan cho con bài học về sự khiêm nhường thật sâu thẳm. Thánh Gioan đang được dân chúng theo đông lắm. Ngài rất có uy tín với dân chúng và các vua quan nể phục vậy mà Ngài đã hạ mình trước Con Thiên Chúa. Ngài đã không đưa mình lên. Ngài đã không dành dân cho chính mình, mà còn chỉ cho thiên hạ Đấng Đang đến giữa chúng ta...
Lạy Chúa, con không là chi, không là gì trước mặt mọi người. Thế mà con lại dám kiêu căng tự cao tự mãn! Nhiều khi làm được chút gì cũng muốn khoe khoang, cũng muốn mọi người biết đến. Đôi khi còn tự đưa mình lên, và chê bai người khác hoặc ganh tỵ với anh em khi họ làm được những việc hơn mình. Càng nghĩ càng thấy mình hợm hỉnh đáng chê. Xin Thánh Gioan Baotixita và Thánh Têrêxa Hài Đồng là gương mẫu về đức Khiêm Nhường cầu bầu cho con. Để con biết nhìn những yếu đuối trong con người con. Để con biết giới thiệu Chúa cho anh em con. Để Thiên Chúa phải lớn lên và con phải nhỏ đi. Để con nhận ra thân phận thấp hèn của con và nhờ thế con mới luôn bám vào Chúa.Vì lạy Chúa, Chúa chính là Chúa của con, là sức mạnh của con, là nơi con ẩn náu. Xin cứu con Chúa ơi!


Cảm nghiệm của anh chị Khuê Diệp.


Bất hạnh.


Năm 1975, gia đình tôi được nhận vào định cư ở Canada, một quốc gia nhỏ bé, đất rộng dân thưa (lúc bấy giờ chỉ có khoảng trên 20 triệu người), nhưng tình người thật hiền hòa và nồng ấm, đã sẵn sàng giang tay đón tiếp chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi vượt qua những khó khăn ban đầu để ngày nay có thể tiến lên gần như ngang hàng với họ.
Tôi, một thiếu niên 15 tuổi vừa mới đến toronto đã được nhận ngay vào học lớp 10 và 3 năm sau tốt nghiệp trung học. Tôi được một ít học bổng và vì gia đình nghèo, được vay đủ số tiền theo học đại học.
Tốt nghiệp đại học, tôi kiếm được việc làm và năm sau, tôi lập gia đình. Vợ chồng tương đắc, cùng nhau dự lễ Chúa Nhật, dấn thân hoạt động trong giáo xứ và luôn thầm nhắc nhau phải biết tạ ơn Chúa đã luôn ở bên cạnh ban phúc và nâng đỡ gia đình mình. Hai năm sau chúng tôi sinh hạ được một cháu trai kháu khỉnh, dễ thương, đặt tên Hạnh. Ông bà nội, ngoại thường xuyên đến nhà bồng bế chơi đùa và luôn miệng khen đứa cháu đẹp như thiên thần.
Khi cháu được mười hai tháng, một hôm, nhìn cháu đang chập chững bước đi, vợ tôi thốt lên: ‘Anh ơi, em thấy con mình không lớn thêm chút nào!’. Lúc đó tôi mới để ý, vội bế cháu vào phòng tắm để cân. Trọng lượng cûa cháu giữ nguyên như hồi mới tám tháng. Bỗng dưng hai vợ chồng cùng chảy nước mắt. Tôi an ûi vợ: hi vọng sự phát triển chỉ ngưng lại một thời gian ngắn rồi sẽ trở lại bình thường, em đừng lo!’ Chỉ một tháng sau, tóc cháu bắt đầu rụng. Chúng tôi đem cháu đến một số các bác sï danh tiếng khám nghiệm. Họ cho biết cháu bị một loại bệnh đặc biệt hiếm hoi, cháu sẽ rất thấp vào tuổi thành niên, còn tất cả các mặt khác đều phát triển bình thường.
Vợ tôi thường ôm con khóc ròng và trách móc Chúa tại sao lại đổ tai họa xuống trên gia đình mình, trên những người tốt và đặc biệt trên một đứa trẻ trong trắng vô tội. Tuy tôi không nói ra, tôi cũng thầm trách đấng tạo hóa âất công đã đem sự bất hạnh đến cho con tôi. Mỗi lần nghĩ đến tương lai mịt mù của cháu, chúng tôi không làm sao chịu đựng nổi! Chúng tôi lại trách móc, phàn nàn đấng tối cao đã quá nghiệt ngã.
Chúng tôi tìm được một bác sĩ nhi đồng chuyên nghiên cứu về sư tăng trưởng của trẻ em và chúng tôi đem cháu đến khám nghiệm, hi vọng có thể chữa trị được. Hai tháng sau, ông cho chúng tôi biết cháu bị bệnh ‘lão hóa’, sẽ không cao quá một thước, sẽ giống như một cụ già bé nhỏ trong lúc cháu chỉ còn là một đứa con nít và cháu sẽ qua đời trước tuổi vị thành niên. Đứng trước sự tuyệt vọng, chúng tôi chỉ còn biết than trời oán đất. Cứ nghĩ đến tương lai ngắn ngủi đầy bất trắc của cháu, những tia nhìn lạnh lùng của láng giềng, những lời nói đùa cợt vô tình của bạn bè cháu khi cháu bắt đầu có trí khôn, biết suy nghĩ… lòng chúng tôi lại quặn đau, thương cháu vô cùng.

Thursday, August 19, 2010

Cảm nghiệm của chị Phượng.


TRÊN ĐỈNH CALVÊ,

Trời Toronto đang vào thu, se sẽ lạnh, cái lạnh dể thương làm sao! Không cắt da xé thịt như mùa đông tuyết phủ, cũng không nóng gắt cháy da như mùa hè!

Thả bộ dọc theo lối mòn của công viên gần nhà, tôi hít thở từng ngụm không khí trong lành của sáng mai, ngắm nhìn những nụ hoa nở muộn. Hàng ngàn hạt sương mai, nằm gọn trên cành cây ngọn cỏ, trên những nụ hồng đỏ thắm, lóng lánh như những hạt kim cương tinh khiết. Những tia nắng mai xuyên cành cây kẻ lá làm những nụ hồng thêm xinh tươi sống động!

Thời tiết này, sao mà giống thời tiết lúc xuân về trên xứ tôi, cũng trời lành lạnh, cũng nắng chan hoà nhưng không gay gắt. Tôi nhớ mùa xuân năm ấy, tôi đã không về quê ăn tết theo như tập tục của gia đình. Cha mẹ tôi già nua, không muốn bỏ ruộng vườn nơi mà một đời các ngài đã đổ công gây dựng, để vào Sài Gòn sinh sống với chúng tôi. Do đó, các anh chị em chúng tôi vì theo nghề nghiệp phải bỏ xứ ra đi. Người nơi này, người chỗ nọ, nhưng mỗi năm vào dịp tết, chúng tôi tất cả con cháu nội ngoại đều trở về đoàn tụ với gia đình, súm xít bên nhau, chung hưởng những ngày vui bên cha mẹ gìa. Thế mà, năm đó vì tình hình chiến sự sôi động, tôi đã không thể trở về. Cha mẹ tôi buồn lắm, tôi là con út mà! Bao nhiêu yêu thương, cha mẹ dành cho tôi, luôn mong muốn tôi ở gần bên khuya sớm, thế mà đứa con gái út của cha mẹ lại là đứa thích bay nhảy, thích phiêu lưu. Có lẽ từ tuổi thơ ấu tôi đã được cha mẹ và các anh chị cưng chiều quá đỗi, nên tôi thích theo ý mình, thích phiêu lưu như những chuyện thần tiên tôi đã đọc lúc còn bé. Cha mẹ tôi luôn luôn chìu chuộng tôi nên các ngài đành xót xa để tôi đi học xa và làm việc xa nhà. Mỗi lần tôi trở về thăm nhà, cha tôi lại khoe: ''Thư con gửi về cho cha, cha luôn luôn bỏ vào túi áo trong, cài kim băng lại, con biết vì sao không?" Tôi lắc đầu nũng nịu như đứa bé: '' Làm sao con biết được! Cha nói đi." Cha tôi mỉm cười, tát cưng vào má tôi và nói: ''Cha giữ chỗ này vì nó gần trái tim cha!''

Thương yêu làm sao! Ôi tình yêu cha cho con gái út của cha là thế đó! Cha ơi, làm sao con quên được. Lúc con còn bé, cha luôn đem con theo bên cha. Cho dù cha đi thăm viếng hay đi làm việc với các quan chức trong làng trong tỉnh, cha cũng đem con theo. Con thích nhất được cùng cha cởi ngựa đi thăm ruộng vườn, đồi núi; được ngồi gọn trong lòng cha trên lưng ngựa. Con nắm dây cương giục ngựa lên đường. Cha đưa con đi khắp nơi, lúc leo đồi khi lội suối, qua những thung lũng, đến những buông làng của đồng bào sắc tộc. Những lần đi như thế con được rất nhiều quà, từ những món quà nhà quê mộc mạc hay những cụm Lan rừng tỏa ngát hương thơm. Con còn được cha cho con theo cha trong những buổi cha đi săn. Có một lần xe đang đổ dốc, một chú nai to xuất hiện trước đầu xe. Hai con mắt nó to như cái đèn pha. Nó đứng ngang đầu xe thách thức. Chú tài hỏi cha bắn nó không? Có lẽ cha biết con sợ, đang ôm chặt lấy cha nên cha đã bảo chú ấy đừng bắn. Thế là hôm đó cha đi săn về tay không. Có lần các chú người làm đi chài cá, con cũng đòi đi theo cho bằng được. Cha chiều ý cho đi. Kết quả các chú chài được một con cá thật to. Con cá đó chính là con vì khi con thấy có một con cá nhỏ bị mắc lưới, con vội nhảy ngay vào lưới để bắt cho bằng được. Thế là rách lưới! Tuy nhiên điều con thích thú nhất là đêm đêm ngồi bên cha, cha bắt con đọc cho cha nghe rất nhiều bộ sách như Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Hán sở tranh hùng, Cổ Học tinh hoa... Con đọc đến đâu cha giải thích đến đó. Có khi cha hứng chí ca cho con nghe. Con được nghe cha kể về ông bà nội. Khi xưa ông nội con là một ông bầu gánh hát Bộ, lưu diễn khắp nơi. Bà nội là người Hoa chạy loạn từ Trung Hoa qua. Bà mê hát bộ nên bỏ cha mẹ đi theo gánh hát của ông nội và từ đó hai người nên nghĩa vợ chồng và sanh được nhiều hát bộ con trong đó có cha. Từ thủa nhỏ cha đã được ông bà nội tập dượt để đóng vai ấu chúa, nên cha thuộc rất nhiều đoạn hát trong các tuông cổ, vì thế cha hay hát cho con nghe! Con rất thích các tuồng cổ đó vì hậu vận bao giờ kẻ ác cũng phải đền tội và người lành, người ngay bao gìờ cũng được đền bù. Đó là lý do tại sao cha và con rất quấn quít bên nhau.

Wednesday, August 18, 2010

Chuyện ngắn của chị Hân.

Gai Sen

Liên cúi xuống ao sen, cắt những bông hoa đẹp nhất để chuẩn bị cắm trên chánh điện. Hôm nay rằm, ánh trăng đêm qua còn sót lại, đọng trên những chiếc lá tròn xoe, long lanh như nước mắt. Liên đưa tay quệt mồ hôi trán, mới sáng sớm mà trời đã oi nồng, khó chịu. Một ngày mới đã bắt đầu, Liên sẽ phải quét dọn Chùa, đi chợ nấu ăn, chăm sóc các em mồ côi Chùa nuôi và giúp bà Tám nấu cám, cắt rau nuôi heo, nuôi gà. Vất vả từ sáng tới khuya, nhưng Liên thấy vui và lòng thật thanh tịnh. Bạch Thầy đã dạy cô bỏ bớt sân si, sống an nhiên tự tại. Liên khôn ngoan trước tuổi, hiểu nhiều về cuộc sống, về sự nghèo khổ cô đơn, lấy niềm vui của các em, của sự cho đi làm niềm vui của mình.

Liên bị cha mẹ vất ở ao sen Chùa này hơn 20 năm trước, khóc oe oe trong đám sen trắng, may nhờ Bạch Thầy lượm được nuôi dưỡng nên Liên mới hiện diện trên cuộc đời cho tới hôm nay. Liên không đẹp nhưng thùy mị xinh xắn, tuy gầy còm nhưng vẫn có duyên, chỉ học đến trung học nhưng lanh lẹ khôn ngoan, xóm diềng ai cũng thương mến. Cuộc sống hằng ngày bình dị trôi qua, Liên vui trong bổn phận, chắc là cô sẽ không lấy chồng, mà cũng chẳng xuống tóc đi tu, cô sẽ làm các việc hằng ngày, giúp các em mồ côi học hành nên người, giúp Chùa Viên Giác ngày càng phát triển, khi có chuyện vui buồn thì tâm sự với bà Tám. Bà Tám đã già nên hiểu nhiều về thế sự nhân tình, rất tốt bụng thương người. Liên học được ở bà nhiều điều mà mớ sách vở ít ỏi Liên có không hề dạy. Liên chia sẻ với bà tất cả mọi chuyện, như với một người bạn thân, nhưng gần đây Liên đã dấu diếm, chưa dám thổ lộ với bà điều đang làm tâm tư cô xáo trộn. Liên xấu hổ cúi mặt, giả vờ ngửi đóa sen hồng để che dấu bối rối. Có lẽ Liên đã yêu!

Một người con trai cao ráo, chắc là giàu lắm, bằng cấp thật nhiều đã đến Chùa trong mấy tháng gần đây rồi làm Liên chao đảo. Bảo Ân - cái tên thật đẹp, con người thật đẹp. Ân theo phái đoàn thiện nguyện từ Canada đến Chùa để giúp người dân khám bệnh, mổ mắt. Ân chưa là bác sĩ, chỉ mới tập sự, chịu trách nhiệm khám tổng quát để chuyển hồ sơ lên thành phố. Mỗi sáng Ân tới Chùa gặp bệnh nhân sắp hàng chờ khám miễn phí, làm việc tới trưa rồi đi lo các công việc khác. Nghe nói ông Nội của Ân ở gần đây, nên Ân đã chọn tỉnh lỵ này để gần gũi với gia đình và thực tập trong mùa hè này.

Liên thấy mình xôn xao mỗi khi Ân hiện diện, trái tim non rộn ràng khi Ân thăm hỏi, nhờ vả những chuyện lặt vặt. Có lần Ân cần đi lên tỉnh, Bạch Thầy giao chiếc xe Dream cho Liên để chở Ân đi. Chạy xe vòng vòng tỉnh lỵ thì rất dễ dàng với Liên, vì cô thuộc đường xá nằm lòng, lại khéo léo cẩn thận. Có lần Liên phải chở mấy trăm cái chén dĩa kiểu mỏng manh, thế mà vẫn không trầy trụa chút nào. Miệng Ân nói sợ, bảo dân ở đây chạy xe ghê quá, nhưng Liên thấy Ân vui và thích thú mỗi khi Liên luồn lách, qua mặt được một số xe khác. Có khi Ân sợ té, ôm chặt lấy Liên làm cô hết sức bối rối. Liên để ý chăm sóc Ân, nấu những món thuần túy quê hương cho Ân ăn trưa, bắt đầu mơ mộng lãng đãng. Lạ ghê, Ân sinh ra ở nước ngoài, lần đầu tiên về Việt Nam nhưng thích ăn canh chua, cá kho tộ, nhất là loại cá mề gà kho khô, thứ rẻ tiền nhất mà đám trẻ ở Chùa không hề thích. Nhưng Liên cũng biết mình không nên mơ mộng hão huyền, cô biết thân biết phận. Hoàn cảnh Liên và Ân khác nhau một trời một vực, Liên cố gắng đè nén tình cảm và giận chính mình vì “đũa mốc mà chòi mâm son”. Liên cũng biết câu ca dao “Con Vua thì được làm Vua, là con sãi chùa thì quét lá đa” nên uất ức cúi đầu, vò nát bông sen trên tay mà không biết.

- Liên suy nghĩ gì mà bóp nát cánh hoa vậy, bắt chước Trần Quốc Toản bóp nát trái cam hả!

Thì ra Ân đã tới và ra ao sen kiếm Liên. Liên lại càng bối rối, ấp úng không nói nên lời, may có bé Hà tới kiếm, nhờ Liên giúp làm bài tập nên Liên giả đò bận rộn bỏ vào trong Chùa.


Tuesday, August 17, 2010

VÒNG TAY YÊU THƯƠNG QUA NỬA VÒNG TRÁI ĐẤT

Mùa chay vừa qua, như một sự tình cờ, tôi được Sáng, một người bạn chỉ quen biết qua email. mời gọi tham dự nhóm Đồng Hành Mùa Chay của cô ấy. Cô bạn tôi là người trẻ tuổi nhất trong nhóm, tự nhiên trở thành thư ký cho nhóm. Mỗi sáng sớm Sáng đã cất công lên mạng internet tìm những bài Phúc Âm gởi cho chúng tôi. Mỗi đêm tôi đều nhận được một bài thánh thư, một bài Phúc Âm, những câu Thánh vịnh, và đặc biệt một bài hát phù hợp với chủ đề của đoạn Tin Mừng hôm ấy. Đó là một nỗ lực rất lớn của Sáng, vì cô ấy còn có công việc tại sở làm và hai con gái nhỏ cần phải chăm sóc. Chúng tôi ở cách nhau khoảng 12 múi giờ. Phần lớn thành viên trong nhóm là người Việt sống ở Toronto nhưng mọi việc diễn ra cứ như chúng tôi đang ở cạnh nhau vậy. Lúc đầu tôi có cảm giác như mình chỉ là một người khách mời của nhóm nhưng sau đó tôi dần dần nhận ra sự liên đới ngày càng ăn khớp cho đến khi tôi quyết định viết những dòng chữ này tôi cảm thấy mọi việc dường như có bàn tay của Chúa sắp xếp. Không biết những người bạn của tôi ở phía bên kia đại dương có nhận ra điều này không, phần tôi tôi cảm nhận một điều gì đó rất kỳ diệu. . .
Mỗi thành viên trong nhóm đọc những bài Phúc Âm có đánh số ngày theo thứ tự 40 ngày chay tịnh của Chúa do Sáng gởi tới qua email rồi gởi đi những suy niệm của mình cũng qua email. Tôi đọc các chia sẻ cảm nghiệm của những người còn lại trong nhóm một cách cẩn thận. Những chia sẻ của họ cho thấy họ đã cố gắng soi rọi tâm hồn họ vào Lời Chúa như soi mình vào một tấm gương vĩ đại. Những chia sẻ ấy bày tỏ sự trăn trở, sự sám hối, sự quyết tâm của mỗi người. . . để trở về với Chúa. Phần tôi, tôi viết cho họ những gì tôi cảm nghiệm được trong lúc ấy hoặc những điều tôi thường trăn trở trong cuộc sống hàng ngày và từ từ nhận ra trước đây mình đã quá hời hợt với Lời Chúa. . . Đôi lúc tôi giật mình nhận ra những điều Chúa muốn nói với mình chỉ sau khi tôi đọc những lời chia sẻ của các anh chị trong nhóm. Cho đến ngày thứ 40, dưới mỗi bài chia sẻ, ai nấy đều có lời cảm ơn đến Sáng đồng thời bày tỏ sự nuối tiếc của họ vì sự chia sẻ đã vào giai đoạn kết thúc. Riêng Sáng thú thật rằng cô đã kiệt sức vì khối lượng công việc mà cô phải gồng mình để làm trong những ngày vừa qua, dù cô rất vui sướng được làm điều đó. Tôi cho rằng hình thức chia sẻ này rất hay và đề nghị mỗi người cứ tiếp tục email khi cần chia sẻ mà không cần phải gò bó theo một chương trình nào thì sẽ thoải mái hơn. Liền đó đã có những anh chị viết những bài thơ bày tỏ tâm sự của mình gởi đi cho nhau. Tôi cũng được mời gọi vào sân chơi này.
Không ngờ trong nhóm chúng tôi lại có nhiều tâm hồn nghệ sĩ đến thế. Không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, chúng tôi trở nên gần gũi với nhau hơn qua những vần thơ nghiệp dư đầy ngẫu hứng. . .
Các anh chị em bàn nhau đặt cho nhóm một cái tên hoạt động. Tôi ở mãi bên này bờ đại dương cũng hào hứng tham gia qua email. Rồi từ tất cả những nỗi niềm, ước muốn của các anh chị, tôi đã có cảm xúc để viết một bài thơ với tựa đề là “VIẾT CHO NHAU”, cũng là cái tên được chọn cho trang blog của nhóm chúng tôi. Bài thơ vừa gởi đi được mấy tiếng đồng hồ thì tôi nhận được phản hồi từ mọi người, đặc biệt anh Hiển đã từ ý nghĩa của bài thơ mà sáng tác bài hát “HÃY CHO NHAU tràn đầy tình cảm”. . .
Nhóm chúng tôi chỉ có mấy người nhưng có lẽ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần đã giúp blog hoạt động cho đến hôm nay. Những bài thơ, những bài hát, những slide show, những bài chia sẻ liên tục được đưa lên blog.
Hai ngày cuối tuần 7-8 tháng 8 vừa qua, nhóm đã tụ họp nhau sinh hoạt ngâm thơ và ca hát tại nhà anh chị Cao-Thanh ở Toronto. Riêng tôi sống ở Hồ Chí Minh City không thể họp mặt để ngâm thơ và ca hát với các anh chị ấy nên nghĩ ra cách sẽ thâu âm giọng hát của mình rồi gởi qua email. Tôi đã dành ra suốt 2 ngày để tập bài hát XIN ĐỘNG LÒNG THƯƠNG của anh Nguyễn Văn Hiển, một nhạc sĩ của nhóm. Và mặc dù hát chay không có nhạc nghe rất dở, mặc dù hát không đúng nhịp (tôi vốn không hiểu biết lắm về âm nhạc), tôi vẫn quyết định thâu âm lại để gởi cho các anh chị ở Toronto hy vọng sẽ được góp phần vào cuộc họp mặt. Các anh chị ấy cũng đã dành cho tôi một trò chơi thú vị: “Đoán tên qua điện thoại”. Đấy là sáng kiến của anh chị Duy-Hân. Anh Cao (chủ nhà) đã nối điện thoại về số phone của tôi để tôi đoán tên từng người trong nhóm. Tôi chưa hề gặp mặt cũng như chưa hề nghe giọng nói của các anh chị ấy, nên rất căng thẳng khi nghe giọng nói đoán tên. Bằng vào những gì tôi cảm nhận được về mỗi người qua các email, tôi chỉ đoán đúng được 50%. . . Trong nhóm “VIẾT CHO NHAU” còn một thành viên nữa cũng sống ở Việt Nam, đó là anh Giu-se Nguyễn Văn Sướng, một thành viên tích cực của nhóm. Tiếc là hôm đó số phone của anh Sướng bị trục trặc sao đó nên không liên lạc được với Toronto. . .
Sáng nay, check mail tôi thật là ngạc nhiên khi nhận được email của anh Hiển với attachment file “XIN ĐỘNG LÒNG THƯƠNG-CA SĨ Vũ Thủy”, vội mở ra xem thì nghe được giọng hát của chính mình. Trong khi nghe bài hát tôi gần như ứa nước mắt, dù trước đó những ca từ này đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. . . mình đã bao lần bỏ qua tiếng van xin của đồng loại? Tôi cũng cảm nhận được sự vất vả của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiển khi đệm đàn phải đuổi theo những lúc tôi hát sai nhịp, rồi phải sắp xếp để mix nhạc với giọng hát cho ăn khớp. . . và chính là lúc tôi nhận ra sự sắp xếp của Chúa Thánh Thần, Ngài đã dẫn dắt tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi nhận ra tình yêu thương đồng loại qua sự quan tâm của những người ở cách xa tôi nửa vòng trái đất. Tôi nhận ra tình yêu thương của đồng loại qua sự khích lệ của bạn bè. Và tôi nghĩ mình phải phổ biến lời kêu gọi yêu thương ấy qua bài hát đang làm tôi tràn đầy cảm xúc: XIN ĐỘNG LÒNG THƯƠNG của anh Hiển. . .
Giờ đây tôi đang viết về những gì giúp tôi nhận ra tình yêu của Thiên Chúa để chúc tụng Ngài và để van xin tình yêu của đồng loại. Tôi chợt làm một phép so sánh giữa cuộc phiêu lưu của đời mình với câu chuyện ông Giu-se bị bán sang Ai-cập để rồi sau này cứu vớt cho cả dòng tộc Israel. Chúa Thánh Thần làm việc cũng đầy ngẫu hứng như các nghệ sĩ để rồi tạo nên những thành quả tốt đẹp. Điều ấy đang diễn ra không chỉ cho riêng tôi qua nửa vòng trái đất, mà chắc chắn còn cho hết thảy mọi người trên cả trái đất này.

16/8/2010
Vũ Thủy