Monday, May 31, 2010

Thơ Vũ Thủy.



TÌNH CHÚA BA NGÔI
Vũ Thuỷ


Mây trắng rải tung trời
Nắng vàng ngọt sương mai
Gió thổi hơi Thần Khí
Một sáng Chúa về Trời

Từ muôn thuở muôn đời
Từ trong cõi trùng khơi
Ôi, Ngôi Cha cực thánh!
Cha đã yêu con rồi

Tình Chúa quá tuyệt vời
Ban tặng trên con người
Tình ẩn trong thần khí
Dâng trào tựa biển khơi

Lạy Chúa Trời Ba Ngôi
Ngay từ buổi tinh khôi
Từ khởi nguồn vũ trụ
Chúa đã yêu con rồi

Ôi tình Chúa Ba Ngôi
Đổ tràn mãi không thôi
Ôi tình nào sánh ví
Chúa thậm yêu con rồi!

Hoa một cánh ven sông
Đò lữ khách tang bồng
Mái chèo khua khe khẽ
Chở về cõi mênh mông. . .

30/5/2010
Viết trong ngày lễ kính CHÚA BA NGÔI
Vũ Thủy

Saturday, May 29, 2010

Tháng Đức Mẹ.

Quý anh chị thân mến,
Cuối tháng 5, tháng kính Đức Mẹ, chúng ta cùng suy niệm kinh Magnificat để cùng ca tụng Chúa và cùng cầu nguyện.
CT

Thursday, May 27, 2010

Thơ Vũ Thủy.


CHIỀU MƯA NHỚ MẸ

Mưa từ trên nương mưa về phố thị
Mưa Sài gòn khổ lắm chị em ơi
Me thương con gái me lấy chồng vất vả
Me tất tả lo ngược lo xuôi
Con gái me nuôi me lo từng giấc ngủ
Me ủ ấm những chiều mưa gió buốt
Chừ về nhà người ta mưa có buốt lắm không?

Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy
Con bi chừ chạy vạy những chiều mưa
Con nhớ lúc xưa được tay me ấp ủ!

11/6/2008
Viết trong chiều mưa
VŨ THỦY




CHÚ BÊ HAM CHƠI


Gió lững thững bên bờ suối
Mặt trời chạy nhanh như ai đuổi
Chiều vàng cố níu ngọn tre
Người đàn bà le te gánh thóc
Mồ hôi tết tóc, gió thổi hây hây. . .


Một chú bê con bên bờ suối
Nhảy gộc gộc quanh đám cỏ non
Những gốc rơm bị bỏ quên trên ruộng vắng
Như một bình sữa lạt
Nắng nhạt tìm chân mây. . .


Bò mẹ đã về chuồng
Tiếng kêu già nua vọng qua kẽ lá
Nhá nhem khung cửa hẹp
Bóng người ngoài sân nhớn nhác
Đốt đuốc lên! Đốt đuốc lên!




6/6/2008
HOA MẶT TRỜI
-----------------------------------
Chị Thủy gởi tặng cho hai nhóc con của Sáng nhân dịp ngày QUỐC TẾ THIẾU NHI 1.6.2010
Thương,
Dì Thủy














BÉ TÔ MÀU

Bé tô màu xanh
Trên vùng biển rộng
Có sóng lăn tăn
Từng đàn cá nhỏ
Bơi lội tung tăng
Đoàn thuyền băng băng
Ra khơi tắm mát
Cánh buồm no căng.


Bé chọn màu vàng
Điểm trên ruộng lúa
Hạt thóc no tròn
Chân trời gợn sóng
Từng đợt óng vàng
Liềm hái xênh xang
Mùa gặt rộn vang
Bác nông dân cười


Chọn màu đỏ tươi
Bé tô điểm Mười
Tặng ba, tặng mẹ
Vẽ một trái tim
Bé tô đỏ thẫm
Hai nửa thương yêu
Nửa này tặng ba
Nửa kia tặng mẹ


Bé yêu ba mẹ! ! !


6/5/2010
HOA MẶT TRỜI
-----------------------------------
Chị Thủy gởi tặng cho hai nhóc con của Sáng nhân dịp ngày QUỐC TẾ THIẾU NHI 1.6.2010
Thương,
Dì Thủy
Thơ : Đình Chẩn.
Nhạc: Phạm Trung.
Tiếng hát: Trung & Quý.
Thực hiện slideshow: Duy Hân.

Wednesday, May 26, 2010

Thơ Vi Phương.


Mưa Đêm

Lặng nghe tiếng mưa rơi bên ngoài
Bồi hồi thương nhớ, nhớ đến ai
Người ơi người hỡi người có biết
Nhớ thương da diết suốt đêm dài!

Tí ta tí tách, giọt mưa rơi!
Nhớ quá đi thôi, nhớ cả đời.
Từng giọt mưa rơi từng nỗi nhớ
Đêm trường thầm thỉ gọi: người ơi

Người ơi! người ở tận nơi đâu?
Giọt mưa rơi rớt, giọt mưa sầu
Hay chăng nỗi nhớ lòng tê tái.
Thao thức vì ai suốt đêm thâu.

Giọt mưa rả rít suốt đêm trường
Nhớ sao nhớ quá người mình thương!
Mong ước có nhau chuyền hơi ấm
Người ơi có còn chút vấn vương?

viphương
May 22-2010

Friday, May 21, 2010

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG.
23/05/2010.
Thực hiện slideshow: Trung Quý.Nhạc và Lời: Phạm Trung.



Chúng ta hãy cùng thưởng thức bản nhạc "Mẹ Quê Hương Việt Nam" như một lời cầu nguyện cho Giáo Hội & Quê Hương Việt Nam mến yêu! Hãy lắng nghe Lệ Hằng, giọng ca hàng đầu về thánh ca, với tâm tình tin tưởng, thiết tha và phó thác.
CT

 
Mẹ Quê Hương Việt Nam.
Linh mục Văn Chi.

ĐK. Lạy Mẹ La Vang, Mẹ là Mẹ quê hương Việt Nam, con trông cậy suốt đời, Mẹ thương và ban ơn chúc phúc cho Việt Nam. Nguyện Mẹ La Vang, Mẹ hiền của con dân Việt Nam, luôn khẩn cầu đến Mẹ, Mẹ ban ngàn hồng ân cho quê hương bình an.

1. Con nguyện cầu xin Mẹ, Mẹ chúc phúc quê hương Việt Nam. Trong ân tình của Mẹ, nguyện dâng lên Nữ Vương Việt Nam. Dâng lên Mẹ dịu hiền, giải gấm vóc giang sơn Việt Nam. Trong tay Mẹ uy quyền, nguyện dâng lên dân Việt yêu thương.

3. Dâng lên Mẹ gia đình, Mẹ thắp sáng yêu thương đầy vơi.
Cho gia đình thuận hòa, niềm tin hạnh phúc trong tình yêu.
Đây gia đình dâng Mẹ, tận hiến trái tim gia đình con.
Xin dâng Mẹ dịu hiền, tình yêu thương gia đình con đây.


4. Con dâng Mẹ tâm hồn, cuộc sống với bao nhiêu lầm than.
Luôn trông cậy nơi Mẹ, nguyện xin tận hiến cả đời con.
Dâng cuộc đời thế trần, Mẹ hướng dẫn con trên đưởng đi.
Trong tay Mẹ dịu hiền, đời con sẽ an bình vui êm.



Tuesday, May 18, 2010

Hãy Sống Vui Mỗi Ngày.

Vi Phương: một slideshow thật đau lòng, nhưng cũng thật ý nghĩa và xúc động.


Ý ĐẸP CUỘC ĐỜI

Thực hiện Slideshow: Chị Hân


Monday, May 17, 2010






PHÉP LẠ MÃI CÒN



Vũ Thủy



Mẹ ơi con hết rượu rồi
Con dâng tràng chuỗi Mân Côi khẩn cầu
Lời kinh từ dưới thẳm sâu
Đưa con theo áng nhiệm mầu lên cao. . .

Ở đây sóng gió ba đào
Hiền thê của Chúa lao đao trăm chiều
Còn đâu dáng vẻ mỹ miều
Mẹ ơi chắc Mẹ buồn nhiều hơn con
Lời kinh chuỗi ngọc nỉ non
Con xin Mẹ chút rượu ngon cho đời
Tiệc còn dang dở Mẹ ơi
Hiền thê của Chúa rối bời vì lo
Mẹ ơi, Mẹ hãy ban cho
Chúng con sắp sẵn cả vò rồi đây
Nước trong cũng đã đủ đầy
Chỉ còn chờ Mẹ hỏi Thầy giùm thôi!

“Con ơi, họ hết rượu rồi!”
Họ đang cầm chuỗi Mân Côi khẩn cầu!”

Lời kinh có phép nhiệm mầu
Con tin Mẹ sẽ cầu bầu cho con
Rồi thì sẽ có rượu ngon
Tay nâng chén rượu môi con mỉm cười. . .

13/5/2010
Góp lời cầu nguyện với Giáo Hội
Vũ Thủy

Saturday, May 15, 2010

Youtube này được thực hiện để thân gởi đến tất cả quý chị, gợi nhớ về một thời nữ sinh áo tím!
Ôi! Mấy cô vũ công áo tím quần trắng dễ thương quá!

CT




Hình ảnh cuộc đời.

Ngày kia, nhà tỷ phú nọ mang cậu con trai duy nhất về nơi thôn dã với ý định để cho con tìm hiểu và so sánh với cuộc sống nghèo nàn của người dân quê. Hai cha con sống hai ngày tại một làng xóm xa xôi nơi mà người ta cho là có đời sống khó khăn. Sau khi trở về nhà, người cha hỏi người con:
- Con thấy cuộc đi chơi ra sao?

- Cuộc đi thích thú lắm - người con trả lời.

- Con có thấy cuộc sống của người dân quê không?

- Dạ, có.
- Con nhận thấy gì trong cuộc sống của họ?

- Con nhận thấy chúng ta chỉ có mỗi một con chó, mà họ thì có tới bốn con. Chúng ta chỉ có một hồ bơi nhỏ ở giữa vườn, còn họ thì có cả một nhánh sông chảy mút mùa. Chúng ta phải nhập cảng những chiếc đèn để treo trong vườn mà họ thì không cần đến, vì họ có đầy sao chiếu sáng lúc ban đêm. Tại chỗ ngồi chơi trước nhà, chúng ta chỉ có thể nhìn tới bức tường ở cổng trước mà thôi, còn họ có thể ngồi nhìn xuốt tới tận chân trời. Chúng ta chỉ có một khoảng đất để sống quanh quẩn ở đó, còn họ có cả một khoảng đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Chúng ta phải có người ở để giúp việc, còn họ thì không cần, họ tự lo lẫn cho nhau. Chúng ta phải bỏ tiền đi mua đồ ăn, còn họ trồng lấy và tự túc về thực phẩm. Nhà chúng ta phải có tường bao quanh để bảo vệ chúng ta, còn họ thì không cần vì họ có những bạn tốt để đùm bọc lẫn nhau.

Trước những lý luận của người con trai, người cha đã không nói nên lời.

Người con nói tiếp : "Con cám ơn cha đã mang con đi du hành để tỏ bầy cho con thấy chúng ta đang có một cuộc sống nghèo nàn như thế nào!"

Ở đời, chúng ta thường quên đi những gì chúng ta đã có và đang có, mà chỉ nghĩ tới những gì chúng ta không có và chưa có. Những vật không đáng giá của người này chính là những vật mong uớc của người kia. Đời là như vậy! Hạnh phúc sẽ đến, nếu chúng ta biết ghi nhận những an lạc tràn trề chúng ta đang có, thay vì chỉ nghĩ đến mộng uớc muốn có thêm. Hãy tận hưởng những gì chúng ta đang có, nhất là những đồng bào, bạn bè, thân quyến đang có chung quanh ta.


An hưởng cuộc đời.

Ngày xưa, có vị Hoàng Đế nọ muốn ban trọng ân cho một người cận thần. Nhà vua phán: "Ngươi có công lao rất lớn với ta. Kể từ cổng thành trở đi, ngươi phóng ngựa đi tới nơi nào ngươi dừng lại thì khoảng đất đó ta sẽ ban cho ngươi."

Viên cận thần nhảy lên ngựa phóng đi, ra sức phóng ngựa để có được càng nhiều đất càng tốt. Người đó đi suốt ngày đêm, khi mệt và đói cũng không dám ngừng nghỉ vì muốn có nhiều đất. Tới một ngày kia, sức khoẻ kiệt quệ vì đói và mệt, hắn lả đi gần chết ở trong rừng. Hắn lẩm bẩm : "Tại sao ta tham lam quá độ vậy, ta tận sức để có được nhiều đất đai. Bây giờ thì gần chết rồi mà ta chỉ mong có được một thước đất để được chôn cất mà thôi!"

Câu chuyện cổ kể trên cũng giống như cuộc đời của chúng ta. Hàng ngày, chúng ta gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta tận sức tới mức sao lãng sức khoẻ, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên cả những cảnh đẹp thiên nhiên. Ngay cả trong những buổi họp bạn bè với danh nghĩa để giải trí, chúng ta vẫn có tư tưởng là sự giao thiệp sẽ có lợi cho việc tạo thêm tiền tài, danh vọng hay thế lực. Rồi một ngày kia nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy những sự cố gắng đó vô nghĩa lý. Than ôi! lúc đó thì ta không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa, chúng ta đã bỏ mất dịp hưởng an lạc của cuộc đời một cách chân chính. Hãy sống tỉnh thức, để an hưởng cái đẹp của thiên nhiên, để tìm ra lẽ sống của cuộc đời. Cuộc đời rất mong manh, hãy an trú trong hiện tại.

Thursday, May 13, 2010



Ý NGHĨA CỦA MỘT GIẤC MƠ
Vũ Thủy

Đêm qua tôi vừa nằm mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, tôi trở lại là một cô bé khoảng 13, 14 tuổi đang ngồi học bài. chợt tôi ngước nhìn lên qua cửa sổ, xa xa là cánh đồng lúa chín, xa hơn nữa là khu rừng rậm rạp, trong khu rừng ấy có một đám lửa khổng lồ đang tiến dần về phía rẫy lúa chín rộ của gia đình mình. Tôi sợ hãi khủng khiếp, lòng quặn đau thắt vì nỗi lo cháy hết lương thực thì lấy gì mà ăn. Tôi chạy lại gần cửa sổ, nhoài người ra khỏi khung cửa và cầu cứu:
-Chúa ơi, xin cho mưa đổ xuống trên cánh đồng lúa của con!
Tự nhiên tôi thấy mình bình tĩnh lạ thường và lại tiếp tục học bài, trong khi mắt tôi vẫn nhìn qua cửa sổ. Lạ lùng thay, khi đám lửa khổng lồ đến gần rẫy lúa của gia đình tôi thì một cơn mưa rào ập tới. Đám cháy tắt ngúm, bầu trời trở nên quang đãng.
Rồi lại có đám lửa khổng lồ từ xa tiến đến nhanh một cách khủng khiếp như muốn nuốt chửng rẫy lúa nhỏ nhoi của tôi. Khi nó đến sát rẫy lúa, cơn mưa rào thứ hai lại ập xuống làm nó tắt ngúm. . . Lúc ấy tôi thấy có nhiều người chạy qua chạy lại phía trước, xôn xao bàn tán về đám cháy, tôi la lớn:
-Chúa đã cứu giúp chúng tôi, Chúa đã cho cơn mưa đổ xuống đúng lúc để cứu chúng tôi!
Mọi người tỏ vẻ hoài nghi nhưng tôi vẫn khẳng định với họ như vậy lần thứ hai. . .
Tôi bừng tỉnh và nhận ra mình vừa trải qua một giấc mơ. tôi bấm đồng hồ và nghe báo giờ lúc ấy là 3g15 sáng, tôi nhớ lại những chi tiết trong giấc mơ và tự hỏi tại sao mình lại mơ thấy điều ấy. Tôi chợt nhớ lại một điều không hẳn là tương tự như thế nhưng có lẽ Đức Mẹ đã nhắc nhở tôi điều gì chăng?
Tôi nhớ lại một chuyện đã xảy ra với mình vào khoảng đầu năm 1998, thời gian ấy tôi thường ở nhà một mình vì mọi người đều bận công việc. Hôm ấy, khoảng 10 giờ sáng tôi nhận được phôn của em gái tôi gọi từ chợ Tân Bình về báo cho tôi hay:
-Chị Thủy ơi, nhà trẻ Anh Đào ở gần nhà mình bị cháy rồi! Chị lo chạy đồ đạc đi!
Tôi bật cười, bảo nó:
-Trời ơi, thân tao còn lo chưa xong mà còn kêu tao chạy đồ đạc nữa!
Lúc ấy tôi cho rằng nhà trẻ đó cách xa nhà mình nên chẳng đáng lo, tôi bảo đứa em gái:
-Ui, nó cách nhà mình xa , không sao đâu!
Một bà chị tôi đang buôn bán ở ngoài chợ Tân Bình cũng phôn về báo tin ấy. Chị cảm thấy khó xử vì không thể bỏ hàng đó mà về. Tôi đã trấn an chị ấy là chẳng có gì đáng lo ngại. Thế nhưng khi gác điện thoại xong, tôi bắt đầu cảm thấy một nỗi sợ hãi ghê gớm, nghĩ bụng nếu như đám cháy ấy người ta không cứu được, nó cháy lan đến đây thì sao? Tôi đi ra sân trước nghe ngóng rồi lại đi vào sân sau, tim đập thình thịch và bắt đầu nghĩ cách nào để thoát thân nếu điều ấy xảy ra. Nhà tôi lại nằm ở cuối một con hẻm cụt, nghĩ tới nghĩ lui, tôi thấy mình không có khả năng chạy một mình, vì lúc ấy tôi chưa thích nghi với đời sống của một người mù cho lắm. Nghĩ đến hàng xóm, nhà nào nhà nấy đóng cửa kín bưng gọi cũng chẳng ai để ý. Tôi lên sân thượng nghe ngóng, chung quanh vẫn bình thường chẳng có gì nhốn nháo cả, vậy mà sao tim tôi đập dữ dội? Tôi cứ nghĩ đến cảnh cháy nhà lan tới đây. . . cảm thấy nỗi lo sợ và bất lực dâng lên khủng khiếp.
Tôi còn nhớ như in lúc ấy mình đang đứng trên sân thượng, nắng chang chang làm rát cả mặt, nỗi lo sợ khiến đôi chân run lẩy bẩy; không biết làm gì hơn, tôi thầm thĩ:
"- Mẹ ơi, xin Mẹ cứu con, con bất lực và cô đơn lắm!"
Vừa mới dứt câu tôi chợt nhận thấy những giọt nước mưa rơi trên mặt, trên hai cánh tay mình. Một cơn mưa rào tuy không lớn lắm nhưng nó đủ để tôi cảm thấy một điều rất hệ trọng. Tôi vừa cầu xin thì Đức Mẹ đã can thiệp rồi vì trời mưa thì đám cháy sẽ được dập tắt. Ngay lúc ấy, tôi lại nhận được điện thoại:
-Chị Thủy ơi, nhà trẻ hết cháy rồi!
Nếu như tôi nói đấy là một phép lạ mà Đức Mẹ đã làm cho tôi có lẽ nhiều người sẽ cho rằng tôi nói chuyện vớ vẩn. Nhưng tôi khẳng định chắc chắn Đức Mẹ đã luôn ở bên tôi và nghe lời cầu xin của tôi. Tôi tin chắc một điều cuộc đời tôi cho đến hôm nay, phép lạ đã xảy ra hàng ngày đối với tôi. Vì thế sau giấc mơ vừa rồi, tôi nhất định phải viết ra phép lạ Đức Mẹ đã làm cho tôi 10 năm về trước.

24/10/2008

Sunday, May 9, 2010

Nhân Ngày Hiền Mẫu, Cao Thanh xin mến chúc quý chị luôn hạnh phúc vui khỏe trong mái ấm gia đình, trong sự đùm bọc nâng đỡ của Mẹ Hiền Chí Thánh Maria, Mẹ gương mẫu tuyệt vời của tất cả các bà mẹ!





















MẸ CỦA TÔI

Mẹ của tôi đã già
Da mẹ hẳn nhăn nheo
Tóc bạc theo năm tháng
Mẹ vẫn sáng niềm tin
Truyền cho tôi sức sống.

Mẹ một đời vất vả
Tất cả vì chúng tôi
Bảy bông hoa biết nói
Là niềm vui, nỗi buồn
Là tương lai của mẹ

Đời mẹ tựa bài ca
Quãng thăng trầm réo rắt
Quãng dìu dặt đớn đau
Mẹ dâng lời cảm tạ
Đấng mẹ vẫn tôn thờ

Đời con tựa bông hoa
Trong vườn hoa của mẹ
Mẹ giữ gìn nâng niu
Đóa hoa này yếu ớt
Mẹ chăm sóc nhiều hơn

Mẹ của tôi đã già
Mẹ vẫn là bóng mát
Che mái đầu chúng tôi
Ngôi nhà mẹ vẫn mở
Đón lũ con mỗi ngày

Mẹ của tôi đã già
Mẹ vẫn là bài ca
Giai điệu càng réo rắt
Càng son sắt niềm tin
Truyền cho tôi sức sống!

Viết cho NGÀY CỦA MẸ năm 2010
Vũ Thủy



  HỘI CHỨNG SỢ KIM ĐỒNG HỒ QUAY

  Ngày nọ, tôi có dịp đi thăm một ông bác sĩ chuyên chữa trị cho người bệnh tâm thần ở một đất nước có hình dáng cong cong như hình chữ S, Ông bác sĩ ấy là một trong những người bạn thân nhất của tôi, đãnhiều năm chúng tôi không gặp mặt. Chủ khách mời nhau trà nước xong, tôi hỏi thăm tình hình công tác của ông bạn thân, ông ta khoái trá khoe:
  -Tôi  vốn là thằng bác sĩ cà mèng  nhất bệnh viện, vậy mà có một năm nọ tổng kết thi đua tôi cũng được khen thưởng ông ạ!
Bạn thân được khen thì ai mà chẳng vui, tôi dồn dập hỏi:
  -Ông được khen kể cũng lạ! thế ông được khen vì cái gì?
Ông bạn bác sĩ của tôi cười nói:
  - Ở công ty của ông, khi người ta đạt chỉ tiêu cao thì được thưởng hay là chỉ tiêu thấp thì được thưởng?
  -Dĩ nhiên là người ta được thưởng khi đạt chỉ tiêu cao rồi!
  -Ông  nói đúng đấy, mấy tay bác sĩ trưởng khoa ở bệnh viện tôi đều đạt loại giỏi vì chỉ tiêu thi đua của họ rất cao. Còn tôi vì chỉ tiêu quá thấp nên không được danh hiệu bác sĩ giỏi. Nhưng tay Giám đốc bệnh viện tôi đầu anh ta bị làm sao ấy! Tay ấy an ủi tôi bằng cách thưởng cho tôi với lý do đạt chỉ tiêu thấp nhất bệnh viện về số bệnh nhân chết...
Bà xã của ông bạn tôi từ trong nhà bưng đĩa trái cây ra đỡ lời:
  -Ối giời ơi, anh bỏ quê hương mà đi, chồng em không có người chuyện vãn hóa lẩn thẩn! Chuyện của chồng em có gì mà lạ! Hồi lúc đứa con gái nhỏ của vợ chồng em học lớp Hai nó đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. . . thầy, cô giáo ở trường ấy thành tích mới cực khiếp chứ!
  -Tôi biết con anh chị nó thông minh, học giỏi, chắc là cả trường có độ một vài em như thế. Anh chị quả là cực khiếp về cái khoản dạy con đấy!
Chị vợ hăng hái kể:
  -Năm ấy cháu về khoe với em là “Con được giấy khen HỌC SINH XUẤT SẮC nè má!” Em xúc động quá vội ôm con vào lòng hỏi nó:
  “-Ôi con má giỏi quá! Thế các bạn con thì sao?”
Nó bảo: “Các bạn con cũng được học sinh xuất sắc!” Em tròn mắt ngạc nhiên hỏi nó:
   -“Lớp con có mấy học sinh xuất sắc?” Nó đáp gọn lỏn: “36 bạn!”. Em sững sờ:
   -“Lớp con có bao nhiêu bạn tất cả?” Nó lẩm nhẩm tính rồi trả lời: “38 bạn ạ!” Lúc ấy em chợt hiểu ra, vội hỏi cháu:
   -“thế 2 bạn còn lại đạt danh hiệu gì hả con?” Nó dài giọng trả lời: “Hai bạn ấy là học sinh gio-ỏi má ạ!” Em vừa buồn cười, vừa nói như nói với chính mình:
   -“Nếu cho má chọn thì má chọnlà học sinh giỏi thôi con ạ!” tội nghiệp con bé ngơ ngác chẳng hiểu gì cả!
Hai vợ chồng ông bác sĩ còn ối chuyện để kể cho tôi nghe. Chuyện về trường của đứa con gái nhỏ rồi lại đến chuyện ở trường đứa con gái lớn, thế quái nào lại quay về chuyện bệnh viện. Vui chuyện đấy, nhưng còn mấy cái hẹn nữa nên tôi phải chào tạm biệt hai vợ chồng ông bạn quý.
Tôi ngoắc một chiếc taxi, đọc địa chỉ nhà cô em gái cho gã tài xế rồi ngả lưng vào ghế một cách khoan khoái. Gã tài xế lái xe bằng một tay vẻ điệu nghệ trong khi hắn vừa đủng đỉnh nói chuyện điện thoại di động, vừa nhấn chân ga liên tục, tôi cứ thầm phó linh hồn chuẩn bị về với Chúa. Chúng tôi nhích từng nửa bánh xe qua dễ có đến chục điểm kẹt xe suốt từ đoạn đường cầu Thanh Đa về đến Ngã Tư Bảy Hiền. Còn một đoạn đường nữa mới đến nhà cô em gái, nhưng vì quá sợ tay tài xế mạo hiểm, tôi bảo hắn ta cho xuống xe rồi đi bộ. Len lỏi qua những gánh hàng rong dọc theo các vỉa hè, những chiếc se ba-gác đậu nghênh ngang giữa đường, tôi tự hỏi cảnh sát giao thông bị treo còi hết rồi chăng? Đến nơi, tôi bấm chuông, thằng cháu cao lêu khêu và gầy như một que củi đon đả ra mở cổng:
  -Chào bác! Bác vào nhà chơi, đợi mẹ con một lát. Mẹ con đợi bác mãi vừa chạy ra chợ mua thêm trái cây bác ạ!
  -Thế bố con đi đâu?
Thằng bé đáp:
  -Bố con mắc chạy “sô” rồi bác ạ!
Tôi ngẩn ra:
  -Công ty bố con bây giờ làm việc cả ngày Chúa nhật cơ à?
  -Không! Bố con chạy “sô” theo em gái con vào các lớp học đàn, học vẽ, học Anh văn. . .! Thứ bảy với lại Chúa nhật, trường tiểu học được nghỉ, em gái con phải học liên tục các môn ngoại khóa theo lịch của mẹ con. Hai ngày cuối tuần bố con còn chóng mặt hơn ngày thường ấy chứ lị!




Rồi nó quay vào, bưng ra một ly nước lạnh mời tôi uống, nó ngồi xuống trước mặt tôi thở dài:
  -Bác ơi, cả nhà con bị bệnh rồi bác ạ!
Tôi lo lắng nhìn thẳng vào mắt nó sốt ruột hỏi:
  -Thế con bệnh gì? Mẹ con bệnh gì? Mẹ con mày bệnh hoạn lại còn bày vẽ chợ búa làm chi cho cực cơ chứ! 
Thằng bé mỉm cười làm tôi ngơ ngác:
  -Ơ, cái thằng này, thế mày bị bệnh tâm thần rồi à? Sao bảo bệnh mà cười tươi thế kia?
Đến lượt thằng cháu ngơ ngác hỏi:
  -Con  có bị bệnh gì đâu?
Chợt vỗ trán, hiểu ra nó cười hô hố:
  -Con bị bệnh đau đầu vì học thi tốt nghiệp, nhưng con bệnh thì nhẹ mà mẹ con thì bệnh nặng lắm bác ạ! Mẹ con bị sốt rất cao. . .
Tôi ngắt lời thằng bé:
  -Mẹ mày bệnh thế nào mà giấu bác?
Vẻ mặt nó bỗng trở nên thiểu não làm tôi càng lo lắng, nhưng nó đã nghiêm mặt nói:
  -Mẹ con bị bệnh sốt ruột do hội chứng “các bà mẹ muốn con đi du học nước ngoài” bác ạ! Mẹ con ở ngoài chợ suốt ngày nghe mấy bà chung quanh khoe con học giỏi về nhà cứ sốt lên vì con học không giỏi bằng con người ta! Con nhức đầu vì học thi thì ít mà nhức đầu vì phải nghe mẹ con ca cẩm thì nhiều.
Nói xong thằng bé đi lại bàn học của nó lấy ra một xấp giấy tờ đưa cho tôi coi, nó bảo:
  -Bác coi đi, đây là những tờ quảng cáo của các lò luyện thi, các trung tâm dạy Anh văn, những dòng gạch đỏ là do mẹ con đánh dấu để tham khảo đấy!
Vừa lúc đó mẹ nó về đến cổng, nó vội cất tập giấy báo vào chỗ cũ rồi quay ra nháy mắt với tôi. Cô em gái tôi đi xồng xộc vào nhà, một tay xách giỏ trái cây nặng trĩu, một tay cầm một xấp giấy báo chào tôi đon đả:
  -Em mới ra chợ mua cho bác những thứ trái cây  ngày xưa bác thích. Gớm lâu quá mới gặp bác, hôm nay bác phải ăn cơm với gia đình em một bữa mới được!
Rồi cô ấy vội quay qua thằng con quý tử, xòe ra tập giấy báo quảng cáo:
  -Này con xem đi, mẹ thấy người ta quảng cáo mấy trung tâm luyện thi trên Sài Gòn, toàn những thầy cô có bằng thiến sĩ, thạc sĩ thôi con ạ! Người ta đảm bảo học hết khóa là thi đậu đại học con ạ!
Thằng bé dường như hết chịu nổi, nó phát cáu:
  -Mẹ để con học đại đi, con thấy mẹ nên lo chữa bệnh cho mẹ hơn là lo cho con học đó!
Mẹ nó tức lên:
  -thằng này bất hiếu! Bác coi, em vô phúc . . . lo cho nó mà nó. . . Ờ! Mà tao bệnh gì mà mày bảo tao lo chữa bệnh?
Thằng bé lại nháy mắt với tôi rồi cười giả lả vuốt giận mẹ nó:
  -Thôi, để con lấy nước mát cho mẹ uống. Mẹ lo cho bác Cả đi!
Cơm nước xong, dùng dằng mãi mới chia tay được với cô em gái, tôi đi dọc theo dãy phố trước mặt mà lòng suy nghĩ miên man. Vừa thương cho những đứa cháu học vất vả, vừa thương cho đứa em gái mình đã bị cuốn vào một vòng xoáy danh vọng khó lòng thoát khỏi.
  Tới ngã tư tôi quẹo trái, đi thêm một đoạn trường tân thanh nữa mới tới trước cổng nhà chú  em út. Một đứa bé trai khoảng 8 tuổi đeo cặp kính cận dày cộm ra mở cửa, thằng bé nhanh nhảu chào bác rồi chạy vào gọi bố ơi rối rít.
Hai anh em ngồi vào bàn khách, thằng con cứ quanh quẩn bên cạnh, bố nó giục giã:
  -Vào học đi con kẻo không kịp ngày mai có bài kiểm tra toán đó!
Nó ngáp dài, ngáp ngắn rồi bảo:
  -Cho con nghỉ xíu đi, con học từ sáng tới giờ mệt lắm rồi! “Đi đâu mà vội, mà vàng. Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây”, bố không thuộc câu ca dao tục ngữ này à!
Tôi cười với nó:
  -Ái chà! Thằng bé này ghê nhỉ? Biết áp dụng ca dao tục ngữ gớm đấy nhỉ?
Bố nó thở dài:
  -Con em nó văn võ song toàn, anh ạ!
Rồi quay sang thằng con, bố nó giục lần nữa:
  -Con không học thì không kịp đâu!
Nó trả giá:
  -Vậy bố phải để cho con chơi game online 30 phút rồi con mới có tinh thần học tiếp chứ! Con nít thì phải vừa học, vừa chơi đúng không bác?
Nó quay sang tôi tìm đồng minh, thấy thế tôi đành bảo chú em tôi cho nó chơi một tí cho nó tỉnh táo. Nhưng bố nó đã nói một cách dứt khoát:
  -Anh không biết đâu, thằng này nó cứ nhè lúc em có khách là nó giở trò không chịu học, chứ nó vừa mới chơi cả tiếng đồng hồ trước khi anh đến đấy!
Rồi chú em tôi lại kiên nhẫn quay sang thằng con dỗ dành:
  -Con học ngoan đi, mai bố lại cho con chơi nữa. bác sĩ bảo chơi game nhiều không tốt cho mắt con đấy!
Thằng cháu lém lỉnh của tôi gân cổ cãi bố nó:
  -“Việc hôm nay chớ để ngày mai” bố ạ, bố không nhớ câu tục ngữ này à!



Lâu ngày anh em mới gặp nhau, chú em tôi đành cho phép thằng con chơi game để nói chuyện với tôi. Tôi chiêu một ngụm mước trà, ngó vào góc phòng nơi đặt chiếc máy vi tính, thấy thằng cháu khí thế phấn khởi linh hoạt khác hẳn với nó trước đây 5 phút. Hai tay nó gõ chanh chách trên bàn phím, hai chân nhịp nhịp nhún nhẩy lắc lư cả thân mình một cách đầy phấn khích. Thỉnh thoảng tôi nghe nó kêu lên:
  -Gặp Chúa!
  -Về với Chúa đi con!
Lúc lại ngâm nghê trong cổ họng một điệu nhạc, lúc lại kêu lên “A-men”, lúc lại huýt gió hoặc búng tay đánh tách một cái. Chợt tôi nghe có tiếng đọc kinh cầu:
  -Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. A-men
Tiếng đọc kinh của thằng cháu tôi ngày càng nhanh càng phấn khích theo tiến độ gõ bàn phím của nó. Tôi hoảng hốt:
  -Chết chửa! Cháu làm sao thế kia, chú vào xem nó làm sao!
Bố nó tỉnh bơ, dường như đã quá quen với tình trạng này:
  -Nó có làm sao đâu! Chẳng qua nó được chơi game là nó hưng phấn thế đấy thôi!
Tôi độ rằng chú em tôi rất chăm lo cho con cái học giáo lý, đọc kinh cầu nguyện nên đã ngấm vào máu nó như vậy. Tôi hỏi:
  -Thế hai đứa con của chú đã có đứa nào được rước lễ lần đầu chưa?
Chú em tôi đáp:
  -Chưa anh ạ, thằng này đang học lớp khai tâm.
Con em gái nó năm nay 6 tuổi, học lớp một, em khuyên cháu học giáo lý chung với anh Hai, sang năm rồi con cũng sẽ học chính thức lớp khai tâm đấy. Nó bảo: “Thôi để sang năm con sẽ học luôn thể, chứ học bây giờ nhỡ người ta cải cách thì lại mất công, bố ạ!”
Bây giờ ở đâu cũng cải cách giáo dục nên con em nó cũng rành cái vụ này lắm!
Rồi đột nhiên chú em tôi thở dài đánh sượt:
  -Cái vụ internet mới ớn anh ạ! Hôm nọ thằng cháu nhà em vừa rời máy, em tính vào google “sớt” vài thông tin mua bán chứng khoán, em giật mình thấy trong nút “sớt” có lưu lại những chữ “sét” và “cực sét”. Em gạn hỏi thì cháu bảo bạn nó chỉ cho cách tìm web đen xem phim sét, thế là nó mò cách “sớt”. May quá thằng bé viết sai nên mò chưa ra anh ạ!
  -Mới hôm qua trường cấp II gần đây xảy ra vụ một học sinh lớp Chín nhảy lầu tự tử. . . Nguyên nhân là thằng bé nghiện game online học kém, bây giờ gần đến ngày thi, áp lực gia đình, áp lực nhà trường. . . Người lớn thì hoang mang suy nghĩ, những tưởng bạn bè, thầy cô lo lắng, vậy mà em thấy mấy nữ sinh lớp Bảy, lớp Tám đi ngang đây nói chuyện mới vui làm sao. Tụi nó dường như hãnh diện vì trường nó có học sinh làm anh hùng biệt kích dù mũ đỏ không bằng. Một con bé cười toe toét nói:  Trường mình bữa nay lên báo nổi tiếng lắm tụi bay! Sáng nay tao đi ngoài đường người ta thấy tao đeo bảng tên của trường mình, họ nhìn tao cực kỳ đắm đuối!” . . . Cái đận năm ngoái, một con bé lớp 7 bỏ học vì mê game online, nó đạt danh hiệu sát thủ game, nghe bạn bè nó bảo thế. . . Rồi nhiễm thế nào mà giết một đứa bé hàng xóm 3 tuổi để lấy một đôi bông tai. Công an truy lùng theo dõi suốt ngày đêm, thế mà nó vẫn tỉnh bơ đi chơi với đám bạn. Chính bố đẻ nó tưởng nhà có chuột chết đổ đi tìm, thấy một bọc ni-lon to tướng từ trong tủ quần áo của nó rơi ra thối hoắc. . . Bố nó sững sờ . . . công an ập vào. . .! Con bé mới 13 tuổi mà giết người không gớm tay! Xác đứa bé bị bẻ gẫy hai tay, hai chân. Nó chết vì bị khăn quàng đỏ xiết cổ, hai mắt mở trừng trừng cho thấy thủ phạm đã dùng vật nhọn đâm thủng mắt. . .
Chợt có nhân viên bưu điện đến thu tiền dịch vụ, chú em tôi phải đứng lên. Tôi còn đang suy nghĩ về những chuyện đau lòng mà tôi vừa được nghe thì có tiếng chuông điện thoại. Chú em nhờ tôi nghe hộ, tôi vội bước lại bàn giấy để nhắc ống nghe:
  -A-lô!
Giọng nói của một cô gái rất trong trẻo, dễ thương vang lên từ đầu dây bên kia:
  -Dạ thưa, gia đình có em bé 6 tuổi đến 15 tuổi không ạ?
Tôi lắp bắp:
  -Dạ, chúng tôi có một bé gái đang. . .
Tôi còn chưa kịp nói hết câu, sợ hãi vì có vẻ như mùi vị của một vụ bắt cóc hay sao ấy. . . thì đã nghe tiếng cô gái vui vẻ:
  -Dạ thưa anh, chúng em ở trung tâm gia sư, có nhận đến nhà dạy kèm cho trẻ em từ lớp Lá đến lớp Chín anh ạ! Nếu gia đình có nhu cầu. . .
Tôi thở phào, thì ra. . . nhưng vẫn lịch sự vì giọng cô gái rất ngọt ngào bên tai:
  -Ồ, tôi không phải đương sự, nhưng nhà này có một bé gái đang học mẫu giáo cô ạ!
Giọng cô gái chợt sôi nổi hẳn lên:
  -Dạ, đúng đối tượng chăm sóc của trung tâm chúng em rồi đấy ạ! Chúng em sẽ cử người đến tận nhà, chúng em có giáo viên chuyên luyện chữ đẹp và dạy cho cháu trước khi vào lớp Một. . . nếu gia đình có nhu cầu, chúng em còn cả đội ngũ giáo viên đảm bảo cho các cháu đến khi xuất ngoại du học. . .
Chú em tôi đã quay lại, giằng lấy ống nghe, nói cộc lốc:
  -Cảm ơn, chúng tôi đã có giáo viên rồi!
Vừa gác ống nghe, chú em vừa cười như mếu:
-          Cả ngày không biết có bao nhiêu cú điện thoại như thế, anh nghĩ, em còn sức đâu mà lịch sự với họ chứ?
-            -Thì cũng phải có cầu mới có cung chứ chú!
Bỗng dưng chú em tôi hăng lên như muốn đập vỡ một cái gì trước mặt:
  -Em là em quyết không để cho cái Hội chứng điên rồ ấy xâm nhập vào gia đình em đâu!
  -Chú bảo cái gì cơ?
Chú  em tôi liếc nhìn về phía thằng con đang mải chơi game, rồi thì thào với tôi:
  -Anh Cả có thấy chị Hai dường như sắp bệnh rồi không?
  -Thế chú cũng cho là cô ấy bệnh à?
  -Bệnh nặng ấy chứ lỵ!   Thời buổi kinh tế thị trường, mấy bà buôn bán ở chợ có tí tiền rủng rỉnh là gặp phải cái Hội chứng “muốn con du học nước ngoài” ấy rất dễ tẩu hỏa nhập ma anh ạ! !
Tôi nghĩ thầm trong bụng, có lẽ chú em mình cũng đang luyện “CỬU ÂM CHÂN KINH” của Kim Dung tiên sinh ở giai đoạn cuối:
  -thế là thế nào?
Chú em tôi dè cái giọng:
  -Thì. . . mấy bà ấy nghe lời tiếp thị của mấy cô như vừa nãy anh đã nghe đấy. . . Chị Hai không ép được thằng nhớn thì đã có em gái nó làm vật tế thần. Nó đang được cả một công nghệ giáo dục mới chăm sóc từ chân đến răng. . .
Điện thoại lại réo vang, chú em tôi ngừng lời để tiếp điện thoại:
  -A-lô!
Mặt chú em tôi dần chuyển sang màu tái mét:
  -Sao? Nó nói những gì? Hay là nó nghiện game online, em nghe người ta nói có nhiều đứa bị chứng này phải đi cấp cứu nhi đồng. . . chị đã đưa nó đi bác sĩ chưa? Thôi, để em bảo anh Cả sang với chị. Nhà em đưa con bé đi nha sĩ vẫn chưa về, em còn vướng cái thằng nhớn!
Rồi chú ấy quay sang tôi, vẻ mặt rất nghiêm trọng:
  -Con bé nhà chị Hai bị làm sao ấy, nó cứ luôn miệng kêu sợ, đòi quay ngược kim đồng hồ để không phải đi học. Nhà em bấn quá! Anh sang xem chị ấy có việc gì không?
Tôi lại lót tót quay trở lại nhà cô em gái, đến nơi thấy hai vợ chồng nhà ấy cãi nhau, chồng đổ cho vợ, vợ sợ quá nói càn. Thằng anh đang dỗ dành con em gái, nó bảo:
  -Ừ! Để tí nữa anh hai quay kim đồng hồ đến  9 giờ tối, 9 giờ tối là giờ không có thầy cô trung tâm nào dạy học cho học sinh tiểu học nữa. . .
Con bé lại khóc òa lên:
  -Nhưng đồng hồ sẽ lại quay đến 5 giờ sáng, em cũng phải dậy đi học! Anh phải tháo pin đồng hồ ra mới được!
Rồi nó lại ôm chầm lấy anh nó mà khóc. Tôi đến ĐỠ LẤY ôm nó vào lòng, vuốt nhẹ vào lưng nó dỗ dành:
  -Bác Cả bắt mẹ cháu phải cho cháu nghỉ học đàn, học Anh văn, học vẽ, học thể dục nhịp điệu luôn, cháu sẽ có nhiều thì giờ để chơi đùa với bạn cháu, chịu chưa?
Con bé dịu lại, nó đã chịu uống chút sữa. Uống được nửa ly sữa, nó lại ôm lấy tôi òa lên khóc nức nở:
  -Bác Cả ơi, cháu sợ lắm, cháu sợ mẹ cháu buồn vì mẹ cháu bảo cháu là niềm hy vọng cuối cùng của mẹ cháu. . .
Con bé cứ từng chặp bình tĩnh, từng chặp khóc lóc nói lảm nhảm, tôi thấy không ổn liền phone cho ông bạn bác sĩ:
  -Ông có quen với bác sĩ nào chuyên về tâm lý trẻ em không? Tôi có đứa cháu gái. . .
Bên kia đầu dây, ông bạn tôi đã ngắt lời:
  -Lại một case Hội chứng “sợ kim đồng hồ quay” phải không?
  -Ủa! Ông có vẻ đi trước thời đại quá vậy?
Bạn tôi cười đắc chí:
  -Mấy năm nay, thấy Hội chứng này xuất hiện khá nhiều ở trẻ em nên tôi quay sang chuyên khoa tâm lý trẻ em, đã lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ về rồi, ông không biết đấy thôi! Bảo bố mẹ nó đem nó xuống đây cho tôi. Nhưng này, nhớ làm công tác tư tưởng cho quý bà có Hội chứng “muốn con du học nước ngoài” trước đã nghe không!

  Tôi và mẹ con cô em gái ngoắc một chiếc taxi, tôi đọc địa chỉ nhà ông bạn bác sĩ cho gã tài xế rồi ngả lưng vào ghế để hồi tâm lại. Gã tài xế này cũng lái xe bằng một tay rất điệu nghệ trong khi hắn vừa đủng đỉnh nói chuyện điện thoại di động, vừa nhấn chân ga liên tục, tôi lại thầm phó linh hồn chuẩn bị về với Chúa. Chúng tôi nhích từng nửa bánh xe qua dễ có đến chục điểm kẹt xe suốt đoạn đường từ Ngã Tư Bảy Hiền đến chân cầu Thanh Đa. . . Tôi động não  nghĩ thầm, chắc là cảnh sát giao thông lại có cuộc họp bất thường để xử lý nội bộ như thường lệ chứ còn gì nữa. Tôi sốt ruột nhìn hai bên đường, những biển quảng cáo sáng choang với những ngọn đèn màu chạy liên tục, nhấp nháy đủ kiểu tạo cho tôi có cảm giác choáng ngợp về một chốn phồn hoa đô hội. Cảm giác ấy đã phần nào xóa đi trong tôi những cảnh nhớp nhúa, lôi thôi của ánh sáng ban ngày trần trụi, nhưng nó không thể xóa đi trong tôi cảm giác lo lắng về cái Hội chứng “sợ kim đồng hồ quay” kỳ quái kia.

30/4/2010
Vũ Thủy 




















THE POWER OF PRAYER
by Anton Nguyen

When I was lonely on the first day of school,
The kids liked my jacket and I became cool.
Thank you mom, for your prayer.

When I fell down and bruised my knee,
The teacher came to bandage me.
Thank you mom, for your prayer.

When I forgot my money to buy food,
I drank some soup that my friend brewed.
Thank you mom, for your prayer.

When I lost my umbrella and became all wet,
My friend drove me home so I wouldn't be upset.
Thank you mom, for your prayer.

When it snowed and I was very cold,
The sun came out for me to behold.
Thank you mom, for your prayer.

When I was so sure I had failed my test,
The results came in with mine being the best.
Thank you mom, for your prayer.

When it was uncertain I would get into university,
The mailbox burst open with acceptance letters for me.
Thank you mom, for your prayer.

When I had no job to start my career,
All these interviews would start to appear.
Thank you mom, for your prayer.

When I was looking to create a family,
A beautiful wife came to me.
Thank you mom, for your prayer.

When my baby was very ill,
The doctor cured him with a pill.
Thank you mom, for your prayer.

As I watched my kids grow up to be mature,
I'm glad to know that they're safe and secure.
Thank you mom, for your prayer.

All throughout my life when I was in need,
Something would always help me succeed.
Thank you mom, for always being there.


























MOTHER NATURE
by Anton Nguyen

Mom is like the sun, always shining in the sky,
But I've never seen the sun kiss you good-bye.

Mom is like the light, always helping me see the way,
But only mom will be able to brighten up my day.

Mom is like the stars that shine so bright,
But only mom can be my guiding light.

Mom is like a flower, so beautiful and sweet,
But I've never seen a flower with a love so complete.

Mom is like a tree, so big and strong,
But I've never seen a tree teach me right from wrong.

Mom is like a lake, so pristine, so clear,
But a lake cannot protect me and take away all my fears.

Mom is like the breeze, so gentle, flowing high above,
But I've never seen a breeze that can give me so much love.

Mom is like a snowflake, so beautiful, so true,
But just like a snowflake, there is only one mom like you.

Yes mom is like nature, so simple and true,
But only mom will ever love you too.






















JUST IMAGINE
by Anton Nguyen

Imagine not being kissed good night,
By someone who will love you with all their might.
You would certainly feel very sad
And wonder if you did something bad.

Imagine not being told to wear your jacket,
By someone who won't make you wish you lack it.
You would certainly feel cold outside,
And wonder why the weatherman lied.

Imagine not being told to go to sleep,
By someone who doesn't want to hear a peep.
You would certainly feel very eerie,
And wonder why you look so weary.

Imagine not being aided when your scrap your knee,
By someone who will make the pain flee.
You would certainly feel a lot of pain,
And wonder if you will need a cane.

Imagine not being consoled when you're down,
By someone who will always banish your frown.
You would certainly feel very much alone,
And wonder who will hear you moan.

You've just seen a world without any mothers,
Which is a horrible world that is like no others.
So God sent us an Angel from above,
and named her mother to give us love.

Wednesday, May 5, 2010

TÍN THÁC LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Nhạc & Slideshow: Anh Phạm Trung




















Lý Ru Em


Tang tình, ngủ nhé em ơi
cho hơi thở nhẹ, cho lời thinh không
cho anh lặng ngắm em nằm
trong mơ nụ thắm tình nồng yêu thương

Tang tình điệu lý vấn vương
trong đêm bỗng nở vô thường sen tươi
vuốt ve tóc rối biếng lười
để anh chải lại, kẻo người quên vui!

Biết em quá mệt cuộc đời
thôi em hãy ngủ bên lời anh ru
dẫu cho biển sóng xa mù
trăng tàn, điệu lý thiên thu vẫn còn

Anh về hái mộng đầu non
trao em nỗi nhớ vừa tròn mùa đông
Ngủ đi! tuyết vẫn mênh mông
thương em nên tiếng nhạc lòng thiết tha

Tình tang! Câu hát thật thà
Âm vang ngọt lịm như là ca dao...

Trịnh Tây Ninh


Tuesday, May 4, 2010

ĐỈNH ĐỒI XƯA


Thơ: Vũ Thủy
Nhạc & Slideshow: Anh Phạm Trung

Monday, May 3, 2010

LÝ ANH THƯƠNG

Sáng tác của anh Phạm Trung dựa theo ý bài thơ Sao Anh Bảo của chị viphương.

Tiếng hát: Anh chị Trung - Quý
Slideshow: Anh Phạm Trung

Sunday, May 2, 2010

Chuyện thật ngắn Trịnh Tây Ninh - Phần 1


Bộ quần áo cũ


Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội, không chấp nhận thua cuộc, ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm.


Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng:


-Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá.


-Nhưng bố thích mặc bộ này!


Tôi bắt đầu cau có:


-Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố.


Ông già buồn rầu, lập lại:


-Bố thích bộ quần áo này lắm.


Tôi cũng cương quyết:


-Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó.


Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy:


-Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó.


Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ.


Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, tôi nên xét lại trái tim mình đã.

_______________________________________________________

Mộng dữ

Tôi không thể giải thích cho Michelle hiểu điều mình nghĩ, nên lặng lẽ nhìn em. Tôi thương vợ thật nhiều, bao nhiêu năm sống chung, tôi hay mang lại cho em những giây phút hụt hẫng, buồn phiền bất chợt vì tâm lý bất ổn của mình. Tôi vốn sinh ra với tâm hồn mẫn cảm, thể chất yếu ớt. Chưa lớn thì đất nước rơi vào tay Cộng Sản, chịu nhiều khó khăn tủi nhục. Ba trong trại tù cải tạo, mẹ cố gắng dành dụm để mang tôi đi vượt biên. Chuyến hải trình đầy máu và nước mắt. Tôi vẫn thảng thốt ngồi bật dậy nửa đêm mà tưởng mình còn đang lênh đênh giữa biển. Bọn hải tặc đã chém người, cưỡng hiếp và bắt má đi. Lúc đó tôi là thằng bé 10 tuổi, biết làm sao hơn. Tôi yêu Michelle vì em có nụ cười giống hệt miệng cười của má, dù em là người Canada. Michelle rủ tôi đi du lịch Thái Lan, vé máy bay đang rất rẻ. Tôi lắp bắp:

- Anh không đi Thái Lan

Michelle cười:

- Thái đẹp lắm, lại có nhiều chùa chiền, anh thích đi Chùa lắm mà!

Tôi muốn nói Thái Lan có nhiều Chùa, mà cũng có rất nhiểu hải tặc, nhưng tôi biết Michelle sẽ không hiểu được. Sẽ không một dân tộc nào, không một ai hiểu được nếu chưa một lần qua cơn ác mộng như tôi.….




 Bệnh và Lười


Cũng như các bà vợ khác ở hải ngoại, vợ tui kỳ này làm biếng quá. Đi làm về là nằm trên giường xem phim bộ, chẳng chịu nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa gì ráo. Tôi có la, nó ấp úng trả lời:


- Em thấy mệt quá, chẳng làm gì được cả. Nằm nhưng không ngủ được nên mới bật máy xem phim, chứ không cố ý xem phim.


Con vợ tui chơi chữ ghê, xem mà không xem, nó biện hộ kiểu này ai nghe cho được.


Tui định bụng hôm nay về mà bếp núc lạnh tanh, sẽ đập tan cái TV ra cho biết mặt. Về nhà, quả nhiên cơm canh không có, đứa con nhỏ hoảng hốt:


- Ba ơi, anh Hai đưa má vào bệnh viện rồi, má bị xỉu phải cấp cứu.


Tui vội vã vào nhà thương. Người ta đã chẩn bệnh xong. Vợ tui có lẽ bị ung thư xương. Hèn chi mấy tuần nay nó đau nhức, than thở mà tui nghĩ nó giả bộ nên không thèm nghe, cũng chẳng đưa đi bác sĩ.


Bệnh ung thư phát mạnh quá, sau vài tuần, bác sĩ cho biết nó không còn ở với tui được bao lâu nữa. Ung thư ngực thì cắt vú, ung thư xương không biết cắt ở đâu! Phổi vợ tui cũng có vấn đề, vì bao năm qua phải hửi mùi thuốc lá tui hút. Tui không dám nói với nó tui đã nghĩ xấu và giận nó không chịu nấu cơm, dọn dẹp. Cô vợ đầu ấp tay gối bao nhiều năm mà nó đau đớn, bịnh nặng tui cũng không biết. Vậy mà nó vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền, chỉ khi về mới nằm liệt ra thôi. Tui hối hận quá chừng, trốn vào nhà vệ sinh của bệnh viện khóc rấm rứt. Thằng Tây đen nhìn tui ái ngại, hỏi tui có OK không. Tui không biết than thở cùng ai, nên dù tiếng Anh dở ẹt, cũng sổ một tràng. Nó có vẻ thông cảm nhưng chỉ phán được một tiếng “sorry” rồi đi ra.


Tui trở vào phòng thăm vợ. Mới mấy tuần mà nó ốm nhom xanh lè, tay chân dây rợ, kim chích chằng chịt. Nó thì thầm:


- Ở đây buồn và ồn quá, em muốn về nhà, em sẽ nấu món giả cày mà anh thích đó.


Tui vỗ về:


- Em ráng lo nghỉ ngơi, đừng bận tâm.


Tui ráng nấu mấy món ngon đem vào nhà thương, nhưng nó không ăn được nữa. Tui lại khóc. Lạ ghê, trước giờ tui rất oai phong, la mắng vợ con mỗi ngày, uy quyền lắm mà bây giờ mít ướt quá sức …

_____________________________________________________

Tình vợ chồng


Chị thắc mắc:


-Anh có còn thương em không?


-Tại sao phải hỏi?


-Từ ngày lấy nhau, mình hết thơ mộng, anh hết lãng mạn với em rồi.


-Bận thấy mồ, còn lo cho con, nhưng anh chẳng thấy gì khác.


-Em thấy khác!


-Anh đi sửa cửa sổ đây.


-Em ghét anh, anh giả bộ bận rộn.


Trời bỗng đổ mưa, nước tạt vào nhà, may quá chồng chị vừa sửa xong cánh cửa.


___________________________________________________________


 Lời cầu nguyện


Tôi rất sợ phải nghe ba mẹ cãi nhau. Tôi thường phải làm quan tòa và lẫn lộn không biết nên nghĩ gì. Mẹ hay nói:


-Con thấy ba kỳ cục không, nếu gặp người đàn bà khác, bà ta đã đập tan mọi thứ trong nhà ra rồi.


Ngược lại ba hỏi:


-Con gái, tuy con còn bé nhưng con thấy ba chịu đựng mẹ như thế nào. Ba phải làm sao đây?


Tôi hay nhìn những tấm hình ba mẹ chụp thời mới cưới treo trên tường, hai người nhìn nhau tươi cười hạnh phúc làm sao. Họ đã từng yêu nhau thắm thiết, tại sao tình yêu lại thay đổi mau chóng và thê thảm như vậy. Họ rất khó quên, khi gây gỗ thường kể đi kể lại những chuyện giận hờn xảy ra năm xửa năm xưa, rồi từ từ nặng lời với nhau. Tôi và em gái cũng hay có chuyện vì giành đồ chơi, hay vì phân công dọn dẹp nhà cửa không đều, nhưng chỉ chút sau là chúng tôi quên và tiếp tục chơi với nhau vui vẻ. Tôi muốn gia đình hòa thuận, êm ấm như hồi tôi còn bé. Lâu rồi chúng tôi không được đi picnic, đi câu cá với nhau.


Ngày ba tôi đập tan những tấm hình đám cưới treo trên tường, là ngày ông bà quyết định ly dị. Ba mẹ gọi hai chị em tôi vào phòng, chúng tôi đứng trên những mảnh vụn và được hỏi:


-Hai đứa con phải quyết định, đứa nào muốn ở với mẹ, đứa nào muốn ở với ba. Chúng ta phải chia hai.


Tôi và em gái chỉ biết khóc. Cách đây mấy tháng, tôi cũng giúp ý kiến thằng Tâm để nó chọn lựa bố hay mẹ. Bây giờ tới phiên nó sẽ giúp tôi?!!! Tôi biết Tâm rất khổ, trong lớp nó không còn muốn chơi với ai cả ngoại trừ tôi. Cô giáo và những bạn hiểu chuyện nói lời an ủi, thương hại cũng làm nó bực mình, muốn lẩn tránh. Nó trở nên ít nói và không cười nữa. Tôi sẽ phải trải qua những chuyện y như vậy. Tôi rất sợ.


Đêm hôm đó tôi không ngủ được, chạy sang phòng em thấy nó còn thức, tôi rủ nó ra bàn thờ cùng đọc kinh. Chúng tôi chỉ thuộc kinh Lạy cha và Kính mừng, tôi ước gì có thể đọc được những kinh thật dài như người ta đã đọc trong nhà thờ để Chúa hiểu và lắng nghe chúng tôi hơn. Một chút sau ba má tôi cũng ra phòng khách cùng quỳ đọc kinh với chúng tôi - có lẽ vì nửa đêm tiếng cầu kinh của chị em tôi lớn quá làm họ không ngủ được. Thật là nhiệm mầu, ba má tôi xin lỗi nhau và quyết định không ly dị nữa. Tất cả chúng tôi cùng khóc.


Tôi nghe mẹ tôi kể với bạn của bà, nhờ sự thành khẩn của hai đứa tôi trong lần đọc kinh đó mà bà đã suy nghĩ lại. Tình trạng gia đình tôi khá hẳn. Ba đã treo lại những tấm hình đám cưới lên tường và treo thêm tấm bốn người vừa chụp ở tiệm.


Tôi tin lời cầu nguyện sẽ luôn được Chúa chấp nhận nếu mình cầu xin hết lòng và ở trong một hoàn cảnh thật sự cần giúp đỡ. Tôi cũng an tâm không cần phải học nhiều kinh dài và mới, Lạy cha và Kính mừng có thể tạm đủ.


________________________________________________________

Thiếu Sót

Chúng tôi đi xem văn nghệ do trường Trung Học của con trình diễn. Mỗi năm trường đều có International Night để các học sinh thuộc các sắc dân phô bày văn hóa, âm nhạc đặc thù của dân tộc mình. Tôi thích thú theo dõi, tới phần học sinh Việt Nam, tôi bật cười vì thấy các cháu mặc áo dài đi cấy lúa. Có đứa lại mặc áo dài với quần jean, mang giày thể thao. Đa số các quan khách, học sinh ngoại quốc đều vỗ tay tán thưởng vì động tác nhịp nhàng, vành nón lá xinh tươi, âm nhạc vui nhộn ca ngợi cảnh thanh bình trên đồng lúa. Tối về, tôi hỏi:

-Sao tụi con lại mặc áo dài đi cấy lúa. Dân quê phải mặc áo bà ba chứ.

Cháu cười hồn nhiên:

-Hôm rồi tổng dợt ở nhà mình, tụi con có mặc áo dài múa thử, sao lúc đó mẹ không nói?

Tôi không trả lời được. Bận rộn quá, tôi đâu có giờ để ý.

Trách nhiệm dạy con biết về quê hương, văn hóa cội nguồn không phải dễ, còn rất nhiều điều tôi đã thiếu sót


___________________________________________________________

Kỷ niệm Giáng Sinh

Tôi có đọc câu chuyện, đại khái người mẹ bị ung thư, phải chữa trị bằng chemo nên rụng hết tóc. Ngày con gái ở xa về thăm, bà sợ con buồn nên đội tóc giả. Đứa con biết mẹ bệnh, không còn tóc nên để tỏ lòng thông cảm, cô đã húi cua ngắn ngủn. Khi gặp nhau, hai mẹ con đều ứa nước mắt cảm động. Người đáng lẽ tóc dài thì lại cụt ngủn, người đáng lẽ trọc lóc lại có tóc giả thật dài.

Giáng Sinh vừa qua hai mẹ con tôi cũng dở khóc dở cười. Con gái tôi cũng đi học xa, bận rộn và không đủ tiền nên quyết định không về nhà ăn Noel. Tôi thương con nên dù khó khăn, cũng ráng dành dụm tiền để mua vé máy bay đi thăm con. Tôi muốn cháu ngạc nhiên nên không cho cháu biết trước, nhưng cũng thật là ngạc nhiên, trước ngày tôi lên đường, cháu lại bất ngờ về nhà. Tôi phải bỏ vé máy bay của mình, tiếc tiền lắm nhưng cháu an ủi:

-Mẹ con mình đã được gặp nhau, mình quan tâm cho nhau là chuyện quan trọng. Chút tiền có mất nhưng con sẽ nhớ mãi kỷ niệm này. Con không muốn mẹ ăn Giáng Sinh một mình, bên đó con còn có bạn, mẹ ở đây chẳng có ai!

Tôi rưng rưng nước mắt. Cuộc đời người đàn bà bị chồng bỏ, phải nuôi con một mình cũng được chút ủi an.


___________________________________________________________

Đôi giày trắng

Ngày cưới có lẽ là ngày bận rộn, có nhiều chuyện vui nhất trong đời. Tôi biết có cô dâu mang theo áo dài để thay, nhưng quên mang quần.

Hôm đám cưới tôi, mọi người đều rộn ràng. Tôi cũng chiều vợ, sáng mặc bộ vest trắng đi nhà thờ, chiều thay bộ vest đen tới tiệc. Tới nhà hàng tôi mới hết hồn, vì biết mình quên không mang theo đôi giày đen. Chú rể xúng xính trong bộ đồ đen, chân mang giày trắng bóng, coi sao đưọc! Chưa biết tính sao thì thằng bạn lên tiếng :

-Trễ rồi, thôi mang giày của tui đi. Mới tậu hôm qua đó, chắc là vừa.

Tôi mang ơn thằng bạn này hết sức. Cứu người như cứu hỏa. Nó cũng biết mắc cỡ, dấu đôi chân mang giày trắng dưới gầm bàn, không dám đi đâu, kể cả vào nhà vệ sinh vì nó cũng mặc vest đen.

Sau này khi có đứa con trai đầu lòng, tôi nhờ thằng bạn này làm bố đỡ đầu. Nó rất vui và hãnh diện vì lần đầu tiên được lên chức God Father, tôi chọc nó:

-Hôm rửa tội con tui, nếu anh dám mặc đồ đen và đi giày trắng, tui sẽ đãi thêm một chầu seafood ở nhà hàng nổi tiếng Toronto.

Nó nhìn tôi ấm ức, nhưng nó biết tôi vẫn nhớ và cám ơn thật nhiều.

Giúp người vào lúc người đó gặp hoàn cảnh khó khăn, nguy ngập nhất là chuyện nên làm. Lý do, hậu quả như thế nào sẽ tính sau.

_________________________________________________________


Nói thật

Thái ơi!

Miên xấu hổ quá, không nói được nên viết email này cho Thái giải thích việc hôm qua nhé. Mình là bạn trai, bạn gái của nhau, đáng lẽ Miên nên thành thật nói rõ hơn về gia đình mình. Nhà Miên nghèo lắm, ba má mới sang Mỹ diện HO nên còn rất vất vả xây dựng cuộc sống. Người đàn ông cắt cỏ trước sân nhà Thái ngày hôm qua là ba của Miên đó. Khi tới nhà Thái chơi, Miên hoàn toàn không nghĩ tới chuyện gặp ba trong hoàn cảnh này. Ba trong bộ quần áo làm vườn cũ kỹ, cặm cụi cắt cỏ, tỉa cây. Khi Thái rủ Miên ra sân chơi trả tiền cho ba, Miên trốn vào nhà vệ sinh nói mình bị đau bụng và bỏ về. Tối qua Miên mất ngủ, vừa thấy mình có lỗi với ba, vừa xấu hổ vì đã nói dối với Thái. Miên tệ quá phải không? Bây giờ Thái biết sự thật rồi đó, Thái bỏ Miên, Miên cũng không buồn đâu. Miên sẽ cố gắng học giỏi để lo cho ba má, giúp gia đình vượt qua cái nghèo. Xứ này là xứ tự do, cơ hội, ai cố gắng thì sẽ thành công thôi. Chúc Thái luôn vui và tìm được người bạn khác xứng đáng hơn. Xin lỗi Thái thật nhiều....

___________________________________________________________


Mày Tao

Có lần giận con quá vì nó nói dối, tôi đã quát to :

- Mày là đứa nói láo, không ai thương mày nữa!

Thằng nhỏ mếu máo trả lời :

- Mẹ có thể đánh con, nhưng đừng gọi con là mày!

Tôi giật mình, nó sanh ra và lớn lên ở Mỹ, tiếng Việt không giỏi nhưng sao hiểu được chữ « mày » là rất nặng, rất xấu. Tôi xấu hổ lắm và từ đó về sau không gọi con là mày nữa, dù giận tới đâu.

Có những người chồng hay quát nạt, gọi vợ là mày, mắng chửi nặng lời. Nếu có quyền, tôi sẽ gạch bỏ chữ « mày, tao » trong tự điển tiếng Việt.


___________________________________________________________

Hờ hững

Chị mỉm cười nhìn cô cháu gái được người yêu âu yếm nâng bàn nâng lên xem, khi cháu đạp phải vật gì nhọn dưới đất. Chị nói với bạn bè chung quanh:

-Thời của mình qua rồi, nhìn đôi tình nhân trẻ kia thấy mà ham, bây giờ mình có đạp phải đinh chảy máu mấy ổng cũng không quan tâm, có khi còn chửi mình sớn xác nữa!

Hôm sau chị và chồng có dịp ghé thăm tiệm Nail của người bạn, anh ân cần quỳ xuống xem chân chị và hỏi ý chị bạn làm sao chữa được những cục chai trên bàn chân chị. Chị cảm động lắm và nhận ra mình rất nhậy cảm ở ... bàn chân. Chồng chị không hờ hững như chị hằng nghĩ.

Sau này mỗi lần đi ngang tiệm Nail, chị đều muốn được ghé vào, không phải để làm móng tay móng chân, nhưng để anh giúp chị làm mòn những cục chai.


Trịnh Tây Ninh
DuyHan@rogers.com